ASEAN sẽ phản ứng như thế nào trước những động thái của Trung Quốc trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ ở châu Á ngày càng trở nên không chắc chắn? Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali (Indonesia), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra hàng loạt cam kết, trong đó có việc tăng hơn gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-ASEAN lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020 và thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ sớm hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. 

Trong khi đó, tại Hội nghị ASEAN diễn ra ở Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Bắc Kinh sẽ biến Biển Đông đang có tranh chấp thành "một môi trường tốt đẹp đối với tất cả các bên". Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc cũng đã "bật đèn xanh" cho các cuộc tham vấn (nhưng chưa có đàm phán chính thức) về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Giới truyền thông ngay lập tức nhận định Trung Quốc đang giành được điểm trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang phải bận rộn giải quyết vấn đề chính phủ bị đóng cửa do bế tắc về ngân sách và trần nợ công.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ thực sự chưa mất gì sau khi ông Obama vắng mặt ở các cuộc họp quan trọng này. Các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ và 11 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc, vẫn đang trong quá trình hoàn tất theo kế hoạch. Mặc dù bị cắt giảm ngân sách quốc phòng nhưng Mỹ vẫn đang chuẩn bị triển khai máy bay do thám không người lái tới Nhật Bản trong năm tới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-35B thế hệ mới tới Nhật Bản vào năm 2017 và Lực lượng lính thủy đánh bộ nước này sẽ sớm xây dựng một trung tâm chỉ huy ở Philippines để giám sát khu vực Biển Đông. Tiến sĩ Benjamin Schreer, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia có trụ sở ở Canberra, nhận định: "Trung Quốc còn lâu mới phá hủy được vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á". Theo ông Schreer, mặc dù Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ thân thiết và hợp tác với ASEAN, nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hiệp hội này.

Trung Quốc lâu nay vẫn được biết đến là nước luôn sử dụng những ưu đãi về kinh tế để giành lấy ảnh hưởng ở châu Á. Nhiều nhà phân tích ở Trung Quốc cũng nhắc lại lời của ông Lý Khắc Cường ở Brunei rằng mặc dù Trung Quốc sẵn sàng tham vấn với ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ những tuyên bố chủ quyền của mình. Những nhà phân tích này cũng khẳng định rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mang lại ổn định chứ không phải là bất ổn đối với khu vực. Một học giả cho rằng quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông là rõ ràng. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn". Trung Quốc sẽ tiếp tục hối thúc tổ chức các cuộc đàm phán song phương, chứ không phải đa phương, với các nước tranh chấp. Học giả này cho rằng đây là một việc đáng làm, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc luôn bị thua thiệt trong những vấn đề phân định biên giới. 

Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương có thể đẩy những nước nhỏ hơn như Philippines và Việt Nam vào thế bất lợi và chúng cho thấy Trung Quốc không muốn thừa nhận tính hợp pháp của những khuôn khổ đa phương như Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Về phần mình, các nhà ngoại giao ASEAN cũng không muốn bị "mờ mắt" bởi chiến dịch "lấy lòng" của Trung Quốc. ASEAN cho biết hiệp hội này "lưu ý và đánh giá cao" hiệp định về quan hệ láng giềng tốt và hợp tác do Trung Quốc đề xuất, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất của Bắc Kinh. Hiện giờ cũng như trước đây, chiến lược của các nước ASEAN là giữ chân cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời trong tư thế sẵn sàng giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trong số các nước ASEAN, mới đây Malaysia đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Malaysia đã công bố kế hoạch triển khai lực lượng thủy quân lục chiến ở một căn cứ gần Bãi cạn James - nơi lực lượng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có cuộc tập trận hồi tháng 3 vừa qua nhằm thể hiện sự quyết đoán của Trung Quốc trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Có thể nói chiến dịch "lấy lòng" của Trung Quốc là nhằm thay đổi thế địa chiến lược của châu Á trong dài hạn. Tuy nhiên, thực tế là Bắc Kinh chưa thực hiện chiến dịch này một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Viện “IISS” 

Viết Tuấn (gt)