Những căng thẳng đang gia tăng giữa phương Tây với Nga và giữa Mỹ với Trung Quốc vượt ra ngoài các lợi ích cạnh tranh nhau ở khu vực công nghiệp hóa thịnh vượng một thời nay đi xuống ở miền Đông Ukraine hoặc xung quanh những bãi đá không có người ở trên Biển Đông. Về cơ bản, những căng thẳng đó liên quan đến việc liệu Nga và Trung Quốc có giành được phạm vi ảnh hưởng trong khu vực lân cận của họ hay không. Nga tìm kiếm ảnh hưởng đặc biệt trong Liên Xô trước đây và Trung Quốc đang hướng tới việc biến “đường 9 đoạn” của nước này trên Biển Đông trở thành hiện thực.

Trong gần một phần tư thế kỷ qua, Mỹ đã nói rằng nước này phản đối việc quay trở lại một kiểu trật tự “phạm vi ảnh hưởng” từng tồn tại trong Chiến tranh Lạnh hoặc trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Trên thực tế, năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí chính thức tuyên bố từ bỏ Học thuyết Monroe. Các tổng thống kế nhiệm đã tán thành ý tưởng về một châu Âu “toàn vẹn và tự do” và nguyên tắc rằng các nhà nước cần phải bắt đầu tự quyết định các mối quan hệ đối ngoại của mình. Chính sách này đã đem lại những hệ quả thực sự, đặc biệt là ở châu Âu – kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO đã mở rộng từ 16 nước lên 28 nước và Liên minh châu Âu (EU) mở rộng từ 11 lên 28 nước.

Tuy nhiên, khá dễ dàng để phản đối sự quay trở lại kiểu trật tự “phạm vi ảnh hưởng” khi không có cường quốc chủ chốt nào khác đang chủ động tìm cách khôi phục lại nó. Giờ đây, Nga đang sử dụng chiến tranh pha tạp đa hình thái nhằm chiếm giữ lãnh thổ ở châu Âu, và Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật xây dựng đảo ở Biển Đông. Trong khi Nga và Trung Quốc là những bên tham gia rất khác nhau, các chiến lược mở rộng lãnh thổ này đem lại cho Mỹ một vấn đề đặc biệt “gai góc”. Mỹ có giọng điệu nhất quán – nước này phản đối sự quay trở lại của một trật tự theo kiểu phạm vi ảnh hưởng – nhưng không rõ điều này có nghĩa là gì. Cho đến nay ở châu Âu, điều đó có liên quan đến việc buộc Nga phải trả giá vì sáp nhập Ukraine, nhưng không ngăn được nước này làm vậy hoặc đảo ngược được thực tế đó. Ở châu Á, điều đó đồng nghĩa với các nỗ lực ngoại giao về an ninh hàng hải, nhưng chẳng làm được gì để trừng phạt hoặc ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc là thay đổi thực tế trên biển.

Lợi thế chiến lược của những nước theo chủ nghĩa xét lại

Để hiểu được việc làm thế nào ngăn chặn những nỗ lực của Nga và Trung Quốc, điều cần thiết là phải nắm bắt được một đặc điểm then chốt của chiến lược mở rộng lãnh thổ của một nước theo chủ nghĩa xét lại: các nhà nước theo chủ nghĩa xét lại theo truyền thống sẽ theo đuổi những lợi ích không mang tính sống còn đối với các nước lớn đối thủ của mình. Khi một nước lớn đối thủ đe dọa các lợi ích sống còn của bạn, điều rõ ràng là bạn phải phản kháng. Nhưng, đường hướng hành động đáng tin cậy là gì, khi xảy ra tranh chấp xung quanh điều gì đó mà hầu như không một ai từng nghĩ tới hoặc thậm chí là đôi khi nghe nói tới?

Đương nhiên, thuật ngữ “lợi ích không sống còn” là điều gì đó sai lệch và chỉ đúng khi được nhìn nhận một cách hạn hẹp và riêng rẽ. Cách thức mà trong đó một nhà nước gia tăng ảnh hưởng của mình là có ý nghĩa đáng kể. Việc sáp nhập và xâm lược vô cớ tạo nên sự phá hoại hòa bình nghiêm trọng và gây đe dọa tới những lợi ích sống còn của Mỹ. Hơn nữa, trong khi các bãi đá và dải lãnh thổ nhỏ có thể có tầm quan trọng chiến lược hạn chế một cách riêng rẽ, chúng có thể đạt được giá trị lớn hơn nhiều trong tổng thể.

Tuy nhiên, thực tế rằng không có hiệp ước nào bị phá vỡ và bản thân vùng lãnh thổ dường như có tầm quan trọng hạn chế rất có ý nghĩa đối với động lực học và tâm lý của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Sự thật là giá trị chiến lược nhỏ của vùng lãnh thổ trong tranh chấp với một nhà nước theo chủ nghĩa xét lại thường có vẻ có giá trị rất lớn đối với cường quốc chi phối và tỷ lệ nghịch với phí tổn bất thường sẽ phải chịu từ việc tiến hành chiến tranh vì nó. Đây là lợi thế lớn mà một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại có được và là một lợi thế mà nó có thể khai thác không ngừng chừng nào chưa đi quá giới hạn. Xét cho cùng, Tổng thống Mỹ muốn gì khi mạo hiểm chiến tranh hạt nhân để giành được Donbass? Nói cách khác, một nhà nước sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu lợi ích sống còn cho một lợi ích không sống còn? Do đó, nếu một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại khôn ngoan, và thường là vậy, thì nước đó sẽ chọn các vùng lãnh thổ một cách chính xác vì chúng không có giá trị chiến lược đáng kể đối với các nước lớn đối thủ, ngay cả khi quốc gia nhỏ hơn, quốc gia “nạn nhân”, nhìn nhận chúng theo cách rất khác biệt.

Nhà nước theo chủ nghĩa xét lại cũng có thể giảm bớt nguy cơ xảy ra một sự đáp trả về quân sự từ các cường quốc phương Tây bằng chiến thuật khác. Việc gây hấn không được dưới hình thức của một cuộc xâm lược công khai, mà thay vào đó phải có liên quan đến điều gì khác, như ngoại giao mang tính cưỡng ép nhằm giải quyết “tình cảnh” những kiều dân của họ bị mắc kẹt bên ngoài biên giới của mình hoặc sử dụng các phương tiện dân sự để tạo ra “sự đã rồi”. Được thực hiện theo cách này, tình huống có vẻ sẽ phức tạp. Và, một tình huống “phức tạp” ở một nơi “không sống còn” sẽ làm suy yếu tức thì sự ủng hộ ở trong nước và quốc tế cho một phản ứng mạnh mẽ.

Xem xét lại và bác bỏ sự thỏa hiệp

Đây không phải là một vấn đề mới. Đó là chủ nghĩa xét lại kinh điển. Mục đích của nó là khiến cho sự răn đe trở nên vô cùng cứng rắn và khuyến khích các nước lớn đối địch thỏa hiệp về mặt ngoại giao hoặc giới hạn phản ứng của họ để phản ứng đó trở nên không hiệu quả. Chính vì lý do này mà Đế chế Anh đã sử dụng sự thỏa hiệp như là một trụ cột trong đại chiến lược của mình trong một nửa thế kỷ trước khi họ thất bại thê thảm vào cuối những năm 1930. Quả thực, cho đến năm 1938, sự thỏa hiệp hoặc chính sách nhượng bộ được nhìn nhận rất tích cực ở Anh. Như nhà sử học Paul Kennedy mô tả, đó là “một chính sách dựa trên cơ sở giả định rằng miễn là các lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng một cách quá nghiêm trọng, sự dàn xếp hòa bình các cuộc tranh chấp đem lại cho Anh lợi thế lớn hơn nhiều so với việc trông cậy vào chiến tranh”.

Sự phức tạp của thách thức theo chủ nghĩa xét lại là sự thỏa hiệp có khả năng sẽ quay trở lại, ít nhất là ở một số nơi. Nó sẽ được đưa ra, như vẫn thường vậy, như là một phần của nỗ lực ngoại giao tạo điều kiện làm gia tăng ảnh hưởng cho nhà nước theo chủ nghĩa xét lại đó để đổi lấy sự kiềm chế hoặc hợp tác nào đó của nước này. Mặc dù thách thức này còn trong giai đoạn đầu, nhưng có nhiều ví dụ của các nhà tư tưởng chiến lược phương Tây đưa ra lý lẽ ủng hộ châu Âu và Đông Á. Các nhà tư tưởng này chỉ ra rằng hầu hết những nhà nước theo chủ nghĩa xét lại không phải là Đức Quốc xã thứ hai, vì vậy một sự dàn xếp được đàm phán có triển vọng thành công lớn hơn.

Chẳng hạn, Jeremy Shapiro của Brookings đã lập luận ủng hộ một sự dàn xếp ngoại giao rộng rãi với Nga thừa nhận vai trò đặc biệt của nước này trong khu vực lân cận của mình để đổi lấy việc nước này cam kết từ bỏ gây hấn về quân sự để đạt được các mục đích của mình. Giáo sư Đại học Harvard Stephen Walt lập luận rằng răn đe là phản tác dụng và thỏa hiệp thích hợp hơn rất nhiều khi đối phó với một cường quốc, như nước Nga của Putin, bị chi phối bởi nỗi sợ và sự không an toàn. Nhà chiến lược người Australia Hugh White đã lập luận rằng Mỹ cần phải ngồi lại với Trung Quốc và các cường quốc chủ chốt khác trong Thái Bình Dương để phân chia lại khu vực này.

Tuy nhiên, sự thỏa hiệp vẫn là một ý tưởng tồi, cả về lý do cũ lẫn lý do mới. Trường hợp duy nhất mà trong đó sự thỏa hiệp thực sự “có tác dụng” hơn bao giờ hết là trường hợp Anh áp dụng chính sách nhượng bộ với Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Nhưng nó có tác dụng vì một lý do rất đặc biệt. Việc Anh nhân nhượng Mỹ chắc chắn chưa làm người Mỹ thỏa mãn. Mỹ đã có được những sự nhượng bộ này và “hất cẳng” Anh ra khỏi Tây bán cầu. Câu chuyện có kết thúc tốt đẹp chỉ bởi vì Mỹ hành động theo cách phù hợp với những lợi ích lâu dài của Anh. Cụ thể là, Mỹ đã nhân danh Anh can thiệp vào hai cuộc chiến tranh thế giới. Bá quyền của Mỹ đem lại lợi ích khá lớn cho Anh, nếu không muốn nói là cho Đế chế Anh.

Để tiền lệ của Mỹ trở thành một tiền lệ tốt cho Nga hoặc Trung Quốc, người ta phải tin rằng các nước này đều sẵn sàng bảo vệ các lợi ích lâu dài của Mỹ như Mỹ từng làm với Anh. Đặt ra câu hỏi là để biết được câu trả lời. Với bất cứ hy vọng nào cho rằng một nước Nga dân chủ hoặc một Trung Quốc dân chủ sẽ duy trì các nguyên tắc quốc tế, thì không có lý do gì để nghĩ rằng chế độ Nga hay Trung Quốc sẽ làm vậy. Thay vào đó, họ có khả năng sẽ tăng cường những lợi ích của họ, mặc dù dần dần, và thách thức trật tự khu vực ở châu Âu và châu Á.

Lý do thứ hai khiến sự thỏa hiệp sẽ không có tác dụng là lý do mới – chúng ta sống trong một thế giới hậu thuộc địa mà trong đó các dân tộc bị nô dịch hóa không còn bị “truyền tay nhau” để làm thỏa mãn các nước lớn. Anh theo đuổi sự thỏa hiệp vì họ từng là một đế chế và tồn tại trong thời đại của các đế chế. Họ có của cải có thể cho đi, bất chấp người dân địa phương cảm thấy thế nào. Và, họ hầu như chẳng cảm thấy hối tiếc về việc bán đi các nhà nước nhỏ ở Trung và Đông Âu, vì chính sự tồn tại của những nhà nước này dường như là điều lạc lõng với họ – kết quả của một Tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa lý tưởng hơn là một tư duy cán cân quyền lực nhạy bén.

Trái lại, chúng ta sống trong thời đại hậu đế quốc. Mỹ dẫn dắt một trật tự mà trong đó họ có được một vị trí đặc quyền, nhưng nước này làm vậy chỉ bởi vì đại đa số các nhà nước muốn họ trở nên như vậy. Trong một trật tự bị các nền dân chủ chi phối, Mỹ không thể chỉ ngồi xuống với các đối thủ của mình và viết lại tương lai cho các nước độc lập và người dân của họ. Chính cảnh tượng này sẽ gây khó chịu và làm tổn hại nghiêm trọng tới tính hợp pháp của trật tự này. Ngoài ra, các nhà nước bị ảnh hưởng sẽ tự mình hành động. Chúng ta sẽ rất nhanh chóng chứng kiến sự quay trở lại của những kình địch trong khu vực.

Tương lai của sự răn đe

Nếu sự thỏa hiệp vẫn không phù hợp, thì Mỹ và các đồng minh của nước này phải ngăn chặn chủ nghĩa xét lại hiện đại như thế nào? Chừng nào các nhà nước theo chủ nghĩa xét lại còn lựa chọn các mục tiêu và biện pháp một cách cẩn thận, thì sẽ không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Đơn giản là không thực tế khi đe dọa gây chiến đối với mọi và mỗi một hành động theo chủ nghĩa xét lại vì những lý do đã nói ở trên. Tuy nhiên, có những bước đi mà Mỹ có thể thực hiện.

Thứ nhất là mô tả những hành động theo chủ nghĩa xét lại như đúng bản chất của chúng. Chúng ta không nên xem thường hoặc tìm cách cho qua sự xâm lược lãnh thổ. Chúng ta phải giải thích tại sao đó là một sự phá rối nghiêm trọng trật tự quốc tế, ngay cả ở nơi có liên quan tới các lợi ích “không sống còn”.

Thứ hai là tăng cường sự răn đe bằng cách chống xâm nhập. Mỹ cần phải xây dựng khả năng phòng thủ ở các nhà nước dễ bị tổn thương và giới hạn các khả năng tấn công của những nước theo chủ nghĩa xét lại, bao gồm cả huấn luyện và trang bị cho các nước khác nhằm đối phó với chiến tranh không thông thường.

Thứ ba là củng cố trật tự khu vực và toàn cầu bằng cách biến sự chống đối việc mở rộng lãnh thổ trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và bằng việc mở ra những hướng đi pháp lý và ngoại giao để chống lại nó. Về mặt thực tế, điều này đồng nghĩa với việc gây áp lực buộc các quốc gia châu Âu phải hậu thuẫn để Philippines có quyền phát đơn kiện Trung Quốc xung quanh cuộc tranh chấp trên Biển Đông và gây áp lực buộc khối BRICS lên án hành động của Nga sáp nhập Crimea.

Cuối cùng, Mỹ phải cho thấy rằng việc mở rộng lãnh thổ có những tổn thất trong dài hạn. Mỹ phải truyền đi thông điệp rõ ràng tới các đối thủ của mình rằng một chính sách đối ngoại bành trướng lãnh thổ sẽ khiến Mỹ phải chuyển sang một chiến lược kiềm chế.

Chủ nghĩa xét lại nước lớn là một thách thức kéo dài nhiều thế kỷ. Các nhà lãnh đạo trước đây đã không giải quyết được điều đó không phải bởi họ không có năng lực, mà là vì nó khai thác những khả năng dễ tổn thương thực sự trong cách mà các nhà nước tính toán những lợi ích của họ và đưa ra các chính sách đối ngoại của mình. Không có một giải pháp dễ dàng, nhưng sự cảnh báo nào đó về bản chất của vấn đề này ít nhất có thể dẫn tới một sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt ngoại giao.

Theo The National Interest

Văn Cường (gt)