scm_news_focus-0602_art_1.jpg

Thái độ không thỏa hiệp của Trung Quốc thể hiện sự tự tin muốn thiết lập một trật tự mà nước này ở vị trí trung tâm tại Châu Á tương xứng với sức mạnh và lợi ích của mình. Tuy nhiên mong muốn đó không có nghĩa là Trung Quốc muốn cạnh tranh với vai trò lãnh đạo Châu Á hay lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói Châu Á đủ rộng lớn cho cả Trung Quốc và Mỹ. Nhưng Trung Quốc không hài lòng với vị trí thống trị của Mỹ tại Châu Á và muốn Mỹ rút dần sự hiện diện khỏi phần Châu Á thuộc Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này thể hiện khái niệm mới của Trung Quốc về quan hệ các nước lớn. Trong khi cùng tồn tại với Mỹ tại Thái Bình Dương và toàn cầu, Trung Quốc muốn Mỹ trao số phận Châu Á vào tay Trung Quốc. Mô hình quan hệ các nước lớn kiểu mới giúp Trung Quốc thực hiện ước mơ xây dựng Trung Quốc trở lại vị trí trung tâm Châu Á. Các nhân vật trung tâm trong quá trình chuyển hóa trật tự khu vực này là các nước tại Đông Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự nổi lên của Trung Quốc và chiến lược chuyển hướng của Mỹ.

Nếu sự lựa chọn của các nước Đông Á đơn giản là phản ứng lại đối với xu hướng rộng lớn hơn của sự chuyển hóa trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, điều đó sẽ cho thấy dấu hiệu chính sách tự chủ độc lập của các nước này. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khái niệm chiến lược kiểu cường quốc bậc trung có thể đưa ra một cách tiếp cận lý thuyết mới cho hợp tác giữa các nước Đông Á. Chiến lược này được hình thành mà không có chủ nghĩa đơn phương, tức là không có sự áp đặt suy nghĩ và hành vi của một nước lớn, và không thể thực hiện được bởi chỉ 1 nước. Hợp tác kiểu cường quốc bậc trung tại Đông Á có thể làm tăng chủ nghĩa đa phương vững mạnh, tạo ra trật tự khu vực hài hòa. Cơ chế hợp tác đa phương này càng hiệu quả thì Trung Quốc càng khó có thể phá hỏng cơ chế này. Mục tiêu cuối cùng là các nước Đông Á có thể cùng tồn tại với Trung Quốc trong bối cảnh dân chủ ổn định tại Châu Á.

Một Trung Quốc hùng mạnh được chào đón nhưng mô hình hiện đại lấy Trung Quốc làm trung tâm thì không. Hợp tác quân sự phi truyền thống giữa các cường quốc bậc trung là những bước đầu tiên tiến tới xây dựng cơ sở khu vực dựa trên chiến lược của các quốc gia bậc trung, ví dụ như Tuyên bố chung của Nhật Bản - Úc về Hợp tác quân sự ký tháng 3/2007. Hàn Quốc và Úc cũng ký Tuyên bố chung về hợp tác an ninh toàn cầu tăng cường vào 2009. Hợp tác 3 bên Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc và cũng có thể ASEAN sẽ tạo những bước quan trọng tiến tới hợp tác an ninh khu vực đa phương. Tuy nhiên thách thức đặt ra trong ngắn hạn và trung hạn là các nước này cấn tìm ra chiến lược sống còn trong bối cảnh chuyển hóa tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về dài hạn, hợp tác giữa các nước này cần đẩy mạnh giá trị chung để có cơ sở tồn tại cùng một Trung Quốc hùng mạnh. Cơ sở để hợp tác có thể là chia sẻ giá trị của xã hội dân sự đương đại tại nhiều nước cường quốc bậc trung Đông Á. Và các nước này cần xây dựng chiến lược dài hạn xây dựng mối quan hệ với xã hội dân sự Trung Quốc. Nhật Bản cần có sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa các cường quốc bậc trung Đông Á. Trung Quốc có thể cho rằng Nhật Bản tham gia vào hợp tác này để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần nhắc lại mục tiêu cuối cùng của hợp tác là tạo ra cơ chế đa phương mới tại Đông Á để cùng tồn tại với Trung Quốc hùng mạnh. Dựa trên cơ sở này để xây dựng lại mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản là thiết yếu cho ổn định và thịnh vượng của Châu Á.

Tác giả là Giáo sư Yoshihide Soeya thuộc Đại học Keio. Bài viết đăng trênEast Asia Forum

Nhật Linh (gt)