Kể từ năm 2013, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu đã phát triển đáng kể. Trung Quốc và châu Âu đã được gắn kết chặt chẽ kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến, nhưng các vị thế kinh tế và sức mạnh đã đảo ngược. Không có gì minh họa điều này rõ hơn là biểu tượng dọc theo khu Bund ở Thượng Hải: các tòa nhà phong cách châu Âu cổ ở phía Tây của sông Hoàng Phố bị che khuất bởi những tòa nhà chọc trời lấp lánh tại phố Đông trên bờ phía Đông. Môi trường xây dựng của Thượng Hải, với các tòa nhà phong cách châu Âu lịch sử và các tòa nhà chọc trời hiện đại Trung Quốc là một hiện thân của sự năng động tái định hình quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Kể từ năm 2013, những kết nối của Trung Quốc với châu Âu đã mở rộng nhờ chính thức phát triển chính sách xây dựng một hành lang kinh tế ở phía Tây - Con đường tơ lụa mới - dọc theo con đường cổ xưa của nó. Gần đây nhất, vào tháng 12/2014, Trung Quốc đã đồng ý với Hungary, Serbia, Macedonia để xây dựng một tuyến đường sắt giữa Budapest và Belgrade, mà sẽ được các công ty Trung Quốc tài trợ và hoàn thành vào năm 2017. Tuyến đường sắt này sau đó sẽ được kết nối với thủ đô Skopje của Macedonia và thành phố cảng Piraeus của Hy Lạp, nơi tập đoàn vận chuyển khổng lồ COSCO của Trung Quốc điều hành hai trụ cầu cho các đơn vị vận chuyển côngtenơ. Nhờ dự án nối đất liền-biển sẽ tăng cường vận chuyển xuyên biên giới giữa khu vực Trung và Đông Nam châu Âu bằng cách giảm thời gian tàu đi lại giữa Budapest và Belgrade từ 8 giờ xuống còn 3 giờ, nên nó thực sự được thiết kế nhằm mở rộng và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2003, lên đến 559 tỷ USD trong năm 2013, củng cố vị trí Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm qua. Trong khi EU đã đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc so với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước thuộc khối này, một công ty tư vấn Mỹ cho rằng EU có thể thu hút thêm 250-500 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào năm 2020. Một kịch bản có thể xảy ra trong những năm tiếp theo là Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn ở châu Âu, thay vì ngược lại. Đây sẽ là một dấu hiệu thể hiện rằng tài sản và quyền lực đang chuyển hướng có lợi cho Trung Quốc.

Những bước phát triển không phải ngẫu nhiên hay cá biệt mà đã thể hiện một cấu trúc mới của sự tương tác giữa các nền kinh tế châu Âu già cỗi hơn và một sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Chúng ta có thể hiểu rõ cấu trúc này bằng việc kiểm tra những khía cạnh kinh tế vĩ mô thông thường về thương mại và đầu tư song phương. Tuy nhiên, bài phân tích này tập trung nhiều đến mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu mới thông qua lăng kính ít được đề cập đến là: cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bất động sản và du lịch. Các tác giả cung cấp những hiểu biết mới trong những lĩnh vực mà Trung Quốc tạo nên một dấu ấn lớn và nặng nề ở châu Âu, thông qua các kênh chính thức.

Cơ sở hạ tầng và sự kết nối giao thông vận tải

Khi suy ngẫm về mối quan hệ Trung Quốc và châu Âu hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông thường không được để tâm đến do khoảng cách địa lý dài giữa Trung Quốc và châu Âu, cũng như các mạng lưới giao thông vận tải rất tốt được kết nối riêng của châu Âu. Sau khi xây dựng đường cao tốc, đường sắt, và nhiều cây cầu dài nhất thế giới cùng với nhiều tòa nhà hơn bất kỳ nước nào khác trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giao thông rộng lớn và cơ sở hạ tầng đô thị tại các nước láng giềng châu Á và châu Phi xa xôi. Gần đây, Trung Quốc cũng đã hướng sang châu Âu trong việc tăng cường kết nối giao thông đường dài nhằm cải thiện việc vận chuyển hàng hóa được giao dịch trên đường bộ. Dù đây chưa được coi là bước đột phá mới của Trung Quốc trong việc đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại một số quốc gia châu Âu, nhưng những động thái trên thể hiện hướng phát triển cơ sở hạ tầng mở ra đại lộ cho Trung Quốc để gây dựng mối quan hệ trực tiếp sang châu Âu.

Cho đến nay, kết nối quan trọng nhất là tuyến đường sắt Trans-Eurasia (liên Á-Âu) từ thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc đến Duisburg, Đức. Ra mắt hoạt động vào năm 2011 thông qua liên doanh với Đức, Trung Quốc, Kazakhstan và Nga, tuyến đường sắt dài 11.179 km trải dài qua 6 quốc gia gồm cả Belarus và Ba Lan. Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất của hệ thống đường sắt vận tải hàng hóa đã vận chuyển hàng hóa trị giá 2,5 tỷ USD đến châu Âu kể từ năm 2011. Do chi phí lao động và đất đai ở các thành phố ven biển như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng lên, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy và lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài cùng với các nhà sản xuất trong nước di chuyển sâu vào nội địa thông qua chính sách “Hướng Tây”. Các thành phố lớn trong nội địa như Trùng Khánh và Thành Đô đã bùng nổ như là điểm đến chính cho các dự án sản xuất lớn, mới. Kể từ năm 2011, những gì được thể hiện là xưởng máy tính xách tay lớn nhất châu Á tại Trùng Khánh hay hãng máy tính khổng lồ Hewlett Packard của Mỹ đã bán được hơn bốn triệu máy tính xách tay đến châu Âu qua tuyến đường sắt Trùng Khánh-Duisburg.

Sơ đồ kết nối

Hoạt động sản xuất trở nên tập trung hơn ở Trùng Khánh và Thành Đô một khi tiết kiệm được nhiều hơn nhờ việc cắt giảm chi phí vận chuyển. Khoảng 60% các nguyên liệu đầu vào cho máy tính xách tay và 30% số máy tính xách tay thành phẩm phụ thuộc vào vận tải đường sắt. Việc vận chuyển đưa vào và đưa ra bằng đường biển thường rất đắt đỏ và tốn thời gian. Nó đòi hỏi phải có một chuyến xe lửa dài đưa đến Thượng Hải hoặc Hong Kong, rồi từ đó các côngtenơ mới vận chuyển đến châu Âu. Ở một khía cạnh khác, nhu cầu ngày càng tăng trong nội địa Trung Quốc đối với thực phẩm, xe hơi châu Âu cũng có thể hưởng lợi từ việc sử dụng nhiều hơn tuyến đường sắt kết nối Trùng Khánh-Duisburg. Thông thường phải mất 2-3 tháng cho một khách hàng ở Thành Đô nhận được một chiếc xe hơi châu Âu vận chuyển bằng đường biển vì nó còn phải đi qua thành phố cảng Thiên Tân, thời gian có thể được giảm đến 25 ngày nếu chiếc xe đó được vận chuyển bằng tàu hỏa từ châu Âu đến Thành Đô.

Mặc dù tuyến đường sắt trên bộ này có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Trung Quốc và châu Âu, song tiềm năng lớn hơn của nó sẽ không được thực hiện nếu không có các chính sách để khắc phục những rào cản hiện tại. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quy chế cảng đường bộ quốc tế cho Thành Đô và Trùng Khánh. Điều này cho phép nhập khẩu trực tiếp và nhập khẩu toàn bộ các loại thịt và xe hơi châu Âu để lấp đầy vào các toa xe lửa trở lại Trung Quốc thay vì chỉ bổ sung một phần sau khi chở đầy các sản phẩm điện tử xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Gần đây, một đoàn tàu chất đầy các bộ phận xe hơi từ Đức đến một nhà máy của Ford ở Trùng Khánh đã sử dụng tuyến đường sắt Trans-Eurasia.

Một trở ngại khác là đường sắt Trung Quốc và châu Âu sử dụng thước đo khác biệt nhau hơn so với Nga và các nước vệ tinh cũ của Nga. Cho đến nay tuyến đường Trùng Khánh đến Duisburg đã gặp thách thức do yêu cầu chuẩn hóa bằng cách chuyển sang thước đo mới tại các cửa khẩu có liên quan nhằm đáp ứng tính đa dạng theo yêu cầu thống kê quốc gia. Bên cạnh đó, cũng sẽ cần phải thích ứng với sự khác biệt khác về công nghệ, hệ thống tín hiệu, và đồng hồ đo, do đó sẽ gia tăng thêm chi phí cần thiết để phối hợp với một số nước. Tuy nhiên, những lợi ích hiện tại và tiềm năng đối với Trung Quốc và các nước khác dọc theo tuyến đường sắt này sẽ khuyến khích họ cùng hợp tác trong việc khắc phục những trở ngại còn lại.

Khi các kết nối giao thông vận tải đường sắt của Trung Quốc sang châu Âu được nhân lên, Trung Quốc cũng đã tiến hành việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngay tại châu Âu, với việc tập trung ban đầu trong khu vực Trung và Đông Âu chủ yếu do yếu tố địa lý gần gũi hơn chứ không hẳn về yếu tố kinh tế. Tháng 12/2014, Trung Quốc và Serbia khánh thành cây cầu đầu tiên ở châu Âu qua sông Danube với vốn tài trợ và xây dựng của Trung Quốc. Được đặt tên Mihajlo Pupin, một nhà khoa học nổi tiếng người Serbia, cây cầu 1.500 m kết nối vùng phía Nam huyện công nghiệp của Zemun với các khu vực dân cư phía Bắc của Borca ở Belgrade, cắt giảm thời gian đi lại qua sông Danube từ hơn một giờ xuống còn 10 phút. Trung Quốc cũng đã ký kết các hợp đồng với Nhà máy Nhiệt điện Stanari ở Bosnia (có giá tới 1,7 tỷ USD) và đường cao tốc Bar-Boljare trị giá 984 triệu USD ở Montenegro với đường kết nối đến Serbia. Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn rất hiếm ở những nước này trong hơn 20 năm qua do điều kiện kinh tế xấu ở Croatia, Serbia, và Bosnia-Herzegovina, với gần 1,5 triệu người thất nghiệp, do sự bất ổn chính trị hậu Nam Tư, xung đột sắc tộc, và các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt. Những nỗ lực lớn của Trung Quốc để tài trợ và nâng cấp giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng lạc hậu thành phố ở các nước này đã mở ra một kỷ nguyên mới về sự hiện diện tại địa phương và sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.

Tiếp đến là bất động sản châu Âu

Khi Trung Quốc thâm nhập vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của châu Âu, các lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài mục tiêu đầu tư. Các nước phía Nam châu Âu như Italy và Bồ Đào Nha đã bị ảnh hưởng xấu bởi cuộc khủng hoảng tài chính, và đây được coi là cơ hội đặc biệt tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc khi mà giá bất động sản thấp hơn so với các nước khác ở châu Âu, như Anh và Pháp, những nước đã có cách quản lý để vượt qua khủng hoảng tốt hơn. Nhà cửa ở miền Nam châu Âu cũng rất hấp dẫn đối với những người Trung Quốc, khi một biệt thự 200 m2 hướng ra biển có giá 300.000 euro. Số tiền đó chỉ mua nổi một căn hộ 68 m2 ở khu vực trung tâm Thượng Hải, nơi mà giá bất động sản đã được thổi phồng một cách giả tạo sau nhiều năm nhu cầu liên tục tăng trong khi nguồn cung bị đầu cơ mạnh mẽ.

Bên cạnh việc giá bất động sản thấp, các quốc gia như Cyprus, Bồ Đào Nha, Hy Lạp cũng đang cung cấp giấy phép cư trú cho người mua bất động sản mà không phải là công dân của Liên minh châu Âu. Điều này thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc đã có vốn để mua các tài sản, không hẳn vì nơi cư trú hoặc lợi ích công dân mà là việc sử dụng chúng ở châu Âu. Quy đổi một số tiền tối thiểu đầu tư vào bất động sản ở một nước châu Âu (số tiền thay đổi tùy theo từng quốc gia, nhưng giá khởi điểm thường là lên tới 250.000 euro), nhà đầu tư có thể được cấp thị thực cho phép người đó sinh sống và du lịch trong khu vực Schengen, bao gồm 26 quốc gia châu Âu. Một xu hướng gần đây trong số các nhà đầu tư Trung Quốc là mua bất động sản ở miền Nam châu Âu và sau đó có được thẻ cư trú một khi thị thực của họ được phê duyệt. Một phóng viên của Bloomberg quan sát thấy rằng "hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc đang có nhà để sử dụng với mục đích cá nhân hoặc để gửi con đến trường học ở đó". Tính đến tháng 7/2014, người dân Trung Quốc đã nhận được 282 trong 1.880 "visa vàng" hay thẻ cư trú thường xuyên do Chính phủ Tây Ban Nha cấp cho những người đã mua bất động sản địa phương. Kể từ tháng 10/2013, văn phòng nhập cư Bồ Đào Nha đã thông qua 1.681 đơn mua bất động sản, 1.429 đơn trong số đó là từ Trung Quốc, chiếm khoảng 85% trong tổng số nói trên.

Bên cạnh giá trị bất động sản và thẻ cư trú, thước đo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (NDT) so với đồng euro là một yếu tố quan trọng khác, và điều đó cũng là một trong những nhân tố góp phần vào sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản châu Âu. Đồng euro mất giá khoảng 17% so với đồng NDT kể từ năm 2010 đến tháng 7/2014. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua bất động sản châu Âu trị giá 3,05 tỷ euro trong năm 2013, tăng từ 978 triệu euro trong năm 2012. Tờ Financial Times đưa tin đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng gấp ba lần chỉ trong hai năm (2010-2012), từ 9 tỷ euro lên 27 tỷ euro.

Số vốn đầu tư lớn vào bất động sản châu Âu này phản ánh một sự thay đổi lớn trong bức tranh tổng thể đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc, từ việc thâu tóm tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển đến việc mua lại các thương hiệu, công nghệ, và các tài sản khác ở nước phát triển. Một nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc gần đây đã cam kết chi 1,6 tỷ USD để chuyển đổi Royal Albert Dock ở London thành một trung tâm thương mại toàn cầu. Nhằm thu hút các công ty Trung Quốc làm chủ, dự án này dự định phát triển khu văn phòng trên diện tích 4,5 triệu Ft2 với nhiều giai đoạn đến năm 2020. Thị trưởng Boris Johnson của London đã ủng hộ mạnh mẽ dự án này vì triển vọng tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho các nền kinh tế địa phương và quốc gia. Ông đã ca ngợi khả năng tiềm tàng của dự án để biến những gì từng là một trong những "động mạch thương mại và kinh doanh của Vương quốc Anh" thành "một khu vực thương mại quốc tế đẳng cấp thế giới".

Trong tháng 6/2014, Wang Jianlin, một trong những nhà đầu tư bất động sản lớn nhất của Trung Quốc và cũng là người giàu nhất, đã mua Edificio España 25 tầng ở Madrid, tòa nhà biểu tượng cao nhất của Tây Ban Nha thời Franco, với giá 265 triệu euro (340 triệu USD). Bỏ trống từ giai đoạn thị trường bất động sản của Tây Ban Nha sụp đổ vào năm 2008, tòa nhà này sẽ được cải tạo bao gồm các căn hộ cao cấp và một khách sạn như là một phần của khu tái tạo quy mô lớn. Phạm vi đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản châu Âu thể hiện sự kết hợp mạnh mẽ vốn của các công ty tư nhân với nguồn thặng dư của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị ở các thành phố châu Âu. Tuy nhiên, tác động lâu dài của nó sẽ phụ thuộc vào tốc độ và khối lượng của dòng chảy vốn từ Trung Quốc, và mức độ tập trung, cũng như lan tỏa của nó ở châu Âu.

Khách du lịch Trung Quốc mạnh tay chi tiêu

Trong khi một số lượng ít nhưng ngày càng tăng các nhà đầu tư Trung Quốc giàu có bỏ tiền của họ đầu tư vào bất động sản châu Âu, một số lượng lớn khách du lịch hạng trung và thượng lưu từ Trung Quốc đang đến châu Âu để mua nhiều mặt hàng sang trọng. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra một số lượng lớn người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu với mong muốn vô độ và sức mua đáng ngạc nhiên. Trong năm 2013, các công dân Trung Quốc thực hiện khoảng 100 triệu chuyến đi nước ngoài và chi tiêu hơn 100 tỷ USD cho các chuyến đi của họ, chủ yếu là mua các mặt hàng xa xỉ, vượt qua cả Mỹ và Đức trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về chi tiêu du lịch. Hiện tại gần một phần ba lượng hàng xa xỉ trên thế giới được người tiêu dùng Trung Quốc mua.

Trong năm 2014, châu Âu chiếm 3,5% trong những điểm đến du lịch ở nước ngoài đối với công dân Trung Quốc và là điểm đến trong khu vực phổ biến thứ hai sau châu Á mà chiếm tỷ lệ 70,4% du lịch ngoài nước. Số đơn xin visa vào khu vực Schengen từ Trung Quốc chiếm khoảng 1,5 triệu đơn trong năm 2013, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ ba sau Nga và Ukraine. Trong báo cáo năm 2014, hotels.com cho rằng "châu Âu nằm trong số điểm đến được yêu thích nhất mà các du khách Trung Quốc muốn đến thăm trong 12 tháng tiếp theo". Khi tiến hành khảo sát số lượng phòng và thời gian lưu trú tại khách sạn đặt thông qua trang web của mình, hotels.com đã xếp Pháp, Anh và Italy ở tốp 10 điểm đến cho khách du lịch Trung Quốc trong năm 2013 với cả ba quốc gia đều có sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Ủy ban Du lịch Quốc gia Đức gần đây đã cho thấy Đức, Pháp, Italy và Thụy Sỹ là 4 điểm đến hàng đầu châu Âu đối với khách du lịch Trung Quốc.

Trong khi nhiều khách du lịch Trung Quốc ở châu Âu quan tâm đến các trang web của các di tích lịch sử và các điểm mốc thành lập giống như Tháp Eiffel và Grand Canal của Venice, thì một số lượng lớn hơn quan tâm nhiều đến việc mua sắm, đặc biệt là các hàng hóa sang trọng có thương hiệu. Paris là điểm đến phổ biến nhất cho hoạt động mua sắm này. Đó là nơi mà du khách Trung Quốc đi đến các cửa hàng Louis Vuitton với số lượng lớn hơn nhiều so với bảo tàng Louvre. Ngay từ năm 2009, khách du lịch Trung Quốc đã vượt qua Nga trở thành du khách chi tiêu cao nhất khi đến Pháp. Khách du lịch giàu có của Trung Quốc cũng hướng về phía Nam, quê hương của rượu vang Bordeaux để có thể chụp những chai rượu đắt tiền và sẵn sàng trả 800 USD cho một chai. Họ mang rượu vang trở lại Trung Quốc để có thể được trưng bày và sau đó uống như một vật sở hữu quý giá; rượu vang đỏ đã trở nên ngày càng phổ biến tại các bữa tiệc tối, thay thế bia và rượu truyền thống của Trung Quốc.

Khảo sát về người tiêu dùng cao cấp Trung Quốc của McKinsey trong năm 2012 cho thấy "châu Âu đang tăng sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng cao cấp của Trung Quốc, với khoảng một phần năm trong số họ thông báo việc mua hàng ở nước ngoài gần đây nhất của họ là ở một thành phố châu Âu. Tỷ lệ này nhiều hơn gấp đôi thị phần châu Âu hai năm trước đó". Một nghiên cứu của Ủy ban Lữ hành châu Âu ước tính rằng khách du lịch Trung Quốc dành hơn một phần ba ngân sách chuyến đi của họ để mua sắm. Để có thể làm như vậy, họ tiết kiệm về việc ăn và ngủ. Một cuộc khảo sát năm 2006 cho thấy khách du lịch Trung Quốc tại châu Âu đã ăn "thực phẩm châu Âu" chỉ một lần, và chỉ khoảng 10% chứ không phải tất cả khách du lịch Trung Quốc. Nhiều người trong các nhóm du lịch do các cơ quan du lịch Trung Quốc sắp xếp sẽ ở lại trong khách sạn rẻ hơn và ăn mì ăn liền, mặc dù họ có thể đủ khả năng chi trả các khách sạn sang trọng và các bữa ăn xa hoa. Các khách du lịch Trung Quốc trung bình chi khoảng 5.000 USD trong một chuyến đi châu Âu, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Điều này không có gì ngạc nhiên khi người ta thường thấy các nhóm du khách Trung Quốc vào các cửa hàng đắt tiền và đi ra với hành lý của mình đầy đủ quần áo thương hiệu, túi xách, mỹ phẩm.

Có nhiều lý do cho khách du lịch Trung Quốc mua hàng xa xỉ nhiều ở châu Âu. Bên cạnh những yếu tố rõ ràng về sự sung túc của họ tăng lên, du khách Trung Quốc phải trả ít tiền hơn cho các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ ở châu Âu so với ở Trung Quốc. Thuế đánh vào các mặt hàng nhất định và thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là những hàng hóa cao cấp được sản xuất ở nơi khác và bán ở Trung Quốc. Theo tờ Economist, các loại thuế và thuế quan có thể làm tăng giá ở Trung Quốc đến 50% so với một người mua hàng sẽ trả tiền ở nơi khác. Ví dụ, một chiếc túi xách Louis Vuitton giá ở Bắc Kinh nhiều hơn 30% so với ở Paris. Việc mua hàng xa xỉ trong khi đi du lịch ở châu Âu bao hàm sự thu nhập cao và tình trạng của người tiêu dùng. Một nghiên cứu được xuất bản bởi Đại học Wharton Business School Pennsylvania phát hiện rằng "đi du lịch đã trở thành một phần của lối sống sang trọng ở Trung Quốc và được coi là một biểu tượng trạng thái: có dấu ấn lớn trong việc có thể nói rằng bạn mua túi xách của bạn tại nơi xuất xứ Paris chứ không phải là một chi nhánh tại Thiên Tân". Người tiêu dùng Trung Quốc cũng cảm nhận được một chất lượng cao hơn và sự đa dạng hơn của các hàng hóa xa xỉ nếu mua ở những nơi xuất xứ. Ngoài ra, sự tăng giá đồng NDT của Trung Quốc so với đồng euro đã hỗ trợ việc mua sắm và du khách Trung Quốc được hưởng lợi từ việc cấp visa sang châu Âu dễ dàng hơn.

Những sáng kiến gần đây bao gồm những thay đổi trong quy trình cấp visa cho khách du lịch muốn đến thăm khu vực Schengen. Đơn xin visa có thể được đệ trình lên đến trước 6 tháng thay vì 3 tháng như trước đây, cho phép mọi người có kế hoạch cho chuyến đi của họ trước đó, và bảo hiểm y tế du lịch không còn cần thiết. Thời gian để xử lý các đơn từ Trung Quốc đã giảm xuống. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Đức vào tháng 10/2014, hai bên đã thống nhất giảm quá trình xin visa từ ba đến năm ngày làm việc xuống còn 48 giờ đối với khách du lịch Trung Quốc. Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc cũng rút ngắn thời gian xử lý visa cho du khách Trung Quốc đến 48 giờ và đơn giản hóa các giấy tờ xin thị thực. Italy đã cắt giảm thời gian xin visa cho khách du lịch Trung Quốc xuống còn 36 giờ. Vương quốc Anh gần đây đã giới thiệu các dịch vụ visa siêu ưu tiên 24 giờ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Với 12 trung tâm hỗ trợ các thủ tục xin visa qua Trung Quốc hiện nay, Anh đã cấp hơn 320.000 visa cho khách du lịch Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2014, số lượng cao nhất từ trước đến nay. Sự cạnh tranh của các nước châu Âu nhằm đơn giản hóa và tăng tốc việc cấp thị thực cho khách du lịch chi tiêu cao Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế trì trệ của họ.

Tiền bạc và hơn thế nữa

Tổng đầu tư và chi tiêu của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu, bất động sản và số tiền chi đi du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn phản ánh sự thay đổi vị trí kinh tế của Trung Quốc và châu Âu và các kết nối từ xa của họ. Nhiều người có thể thấy điều này như sự suy giảm tương đối của châu Âu và sự gia tăng liên tục của Trung Quốc mà ngụ ý là một sự đảo ngược của quyền lực và tài sản. Nhưng cả sự thay đổi và tính liên tục đối với mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu mới làm cho nó phức tạp hơn dòng chảy một chiều thặng dư tiền Trung Quốc. Trong năm 2013, EU đã đầu tư 6,5 tỷ USD vào Trung Quốc, tăng 21,9% so với năm 2012, gấp đôi số tiền 3,6 tỷ USD của Trung Quốc theo hướng ngược lại, chỉ tăng 6,2%. Trong khi các mô hình đầu tư song phương trước đó vẫn được duy trì, từng quốc gia châu Âu đã đưa cách tiếp cận kinh tế khác nhau trong việc làm ăn với Trung Quốc. Thông qua thỏa thuận giữa Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để thanh toán và giải quyết bằng đồng tiền Trung Quốc ở London, Chính phủ Anh đã đi trước hầu hết các nước châu Âu khác trong việc đưa London thành trung tâm thương mại hàng đầu với Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2013, đầu tư tích lũy của Trung Quốc tại Anh đạt 32 tỷ USD, vượt xa con số 18 tỷ USD theo chiều ngược lại. Không chịu bị bỏ lại phía sau, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tham gia đối tác Trung Quốc trong tháng 1/2015, đưa Zurich trở thành trung tâm mới nhất của châu Âu để giao dịch bằng tiền tệ của Trung Quốc (NDT). Khi mối quan hệ kinh tế Trung Quốc-châu Âu trở nên mạnh mẽ hơn, nó đã trở nên đa dạng và cụ thể hơn với từng quốc gia.

Khi nhìn xa hơn các chỉ số kinh tế thông thường hay các vấn đề chính trị như quyền con người, bài phân tích đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Trung Quốc-châu Âu. Trong khi tính nối tiếp các chính sách song phương chính thức đã dẫn đến những thỏa thuận về cơ sở hạ tầng mới, hoạt động từ trên xuống dưới trong đầu tư bất động sản và lĩnh vực du lịch đã trở nên nổi bật hơn. Với đường sắt Trans-Eurasia đã đi vào hoạt động và hàng triệu khách du lịch Trung Quốc di chuyển vòng quanh châu Âu, giấc mơ xưa của Trung Quốc kết nối với châu Âu qua Trung Á dọc theo Con đường tơ lụa cũ đã trở thành sự thật. Tuy nhiên, Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc trong thế kỷ 21 chỉ vừa mới được định hình. Cơ hội đầy đủ cho cả Trung Quốc và châu Âu vẫn còn chưa đến./.

 

Theo “The European Financial Review” (số tháng 2-3/2015)

Mỹ Anh (gt)