Khi Myanmar tiến hành các cuộc thử nghiệm với một hệ thống dân chủ mới, một số lực lượng chính trị mới nổi lên đang làm thay đổi tiến trình chính trị do quân đội chi phối trước đây ở quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài vô số các nhóm sắc tộc thiểu số, bốn lực lượng chính trị chính khác nhau đang định hình lại mối quan hệ quốc tế của đất nước này, và có lẽ đây là điều quan trọng nhất đối với nước láng giềng của Myanmar là Trung Quốc. Các trung tâm quyền lực chính trị mới ở Myanmar bao gồm chính phủ do Tổng thống Myanmar Thein Sein lãnh đạo, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Myanmar Shwe Mann, quân đội Myanmar dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh quân đội - Tướng Min Aung Hlaing, và lực lượng dân chủ đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Trung Quốc hiện đang xây dựng các mối quan hệ riêng rẽ và khác biệt với từng nhóm trong bốn lực lượng chính trị đã được đề cập nói trên. Do đó, sự hiểu biết về các chính sách của Trung Quốc đối với mỗi nhóm chính trị này là chìa khóa để đánh giá chính xác chiến lược quốc gia rộng lớn hơn của Trung Quốc, cũng như là những sự tính toán nội bộ của Bắc Kinh. 

Ở cấp độ chính phủ chính thức, Trung Quốc và Myanmar dường như đã sắp xếp ổn thỏa đối với nhiều vấn đề trước đây của cả hai bên. Những vấn đề đó đã trở nên nổi bật trong năm 2011, diễn ra trùng với xu hướng ấm lên trong các mối quan hệ ngoại giao của Myanmar với phương Tây. Hiện nay, sau sự can thiệp mạnh mẽ của Trung Quốc đối với vấn đề phiến quân Kachin vào đầu năm 2013, vấn đề hòa bình biên giới đã được phục hồi gần như hoàn toàn. Chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã đồng ý khôi phục hoạt động khai thác mỏ đồng Letpadaung vốn bị địa phương phản đối, trong khi đang tiến hành thương lượng về một giải pháp cho dự án đập thủy điện Myitsone, một công trình hợp tác lớn với Trung Quốc trị giá 3,6 tỷ USD đang bị đình chỉ. 
Tháng 4 vừa qua, nhân dịp đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên, Tổng thống Thein Sein đã gặp nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tống Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Thein Sein cũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Về mặt công khai, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Myanmar có vẻ tốt đẹp, với việc các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước của cả hai bên thường xuyên ca ngợi mối quan hệ hữu nghị mang tính lịch sử giữa hai nước. (Giới truyền thông tư nhân đã được “cởi trói” của Myanmar hiện nay đã đánh giá mối quan hệ song phương theo hướng chỉ trích nhiều hơn). 

Tuy nhiên, những hình ảnh thân thiện này lại che giấu một thực tế hờ hững hơn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar. Nổi bật nhất là việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã ít tới thăm Myanmar trong những chuyến công du khu vực của mình. Ví dụ như, không có thành viên nào trong Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm Myanmar kể từ họ khi nhậm chức vào tháng 10/2012.  Trong chiến thuật ngoại giao quyến rũ của Trung Quốc trong khu vực vào mùa Thu vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thực hiện những chuyến công du liên tiếp tới 5 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cụ thể là Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Cũng trong thời gian này, còn có 2 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị là Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ tới thăm Campuchia và Singapore. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có 6 chuyến thăm tới 8 quốc gia Đông Nam Á khác nhau, chỉ ngoại trừ Myanmar và Philippines. 

Trên mặt trận kinh tế, các mối quan hệ hai nước gần đây đã nguội lạnh. So với năm tài chính 2011, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar đã giảm hơn 90% xuống còn 407 triệu USD so với cùng kỳ năm 2012. Các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc có lịch sử là những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar, nhưng việc đình chỉ một số dự án của Trung Quốc và sự bất ổn về mặt chính sách đã làm mất dần sự nhiệt tình trước đó. Khi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar giảm xuống, thì những cam kết đầu tư của Bắc Kinh đối với các quốc gia Đông Nam Á khác lại tăng lên. Trong khi Bắc Kinh rõ ràng đã bị chính quyền của Tổng thống Thein Sein và một số chính sách của Myanmar làm cho khó chịu, thì sự tiêu cực không nhất thiết phải mở rộng sang cả USDP. Đó là bởi vì Bắc Kinh tin rằng chủ yếu là Tổng thống Thein Sein, chứ không phải USDP, phải chịu trách nhiệm chính về những sự thay đổi chính sách, điều đã làm suy giảm những lợi ích quan trọng của Trung Quốc tại Myanmar. Trung Quốc đang hy vọng rằng USDP sẽ vẫn là một lực lượng chính trị thân thiện với Trung Quốc và kín đáo ca ngợi sức mạnh chính trị và tham vọng của ông Shwe Mann, Chủ tịch đương nhiệm của USDP, đồng thời là Chủ tịch Quốc hội Myanmar. Theo đánh giá cá nhân của các chuyên gia phân tích người Trung Quốc, ông Shwe Mann là một trong những ứng cử viên nặng ký nhất cho chức tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống Myanmar vào năm 2015. Hướng tới kết quả đó, Bắc Kinh đã sẵn sàng nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiện với ông Shwe Man và hỗ trợ USDP trong việc xây dựng lực lượng của họ. 

Sự vươn lên của phe đối lập 

Trong một chiến lược chính trị rõ ràng, Trung Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với phe dân chủ đối lập và các nhóm tổ chức dân sự của Myanmar. Sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của các nhóm này, đặc biệt là nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, đã được thể hiện qua cả các chính sách đối nội và đối ngoại của Myanmar . Trung Quốc đã chìa ra “cành ô liu” cho phe dân chủ đối lập ở Myanmar kể từ cuối năm 2011. Đại sứ các nước tại Bangkok đã tổ chức một loạt cuộc họp chưa từng có tiền lệ với bà Aung San Suu Kyi, trong khi các quan chức, học giả và các công ty của Trung Quốc đã bắt đầu quan hệ với các lực lượng chính trị đối lập và các tổ chức dân sự. Như một phần trong cách thức tiếp cận ngoại giao này, hàng chục nhóm nhà báo, các nhà lãnh đạo những tổ chức dân sự và các đảng phái chính trị của Myanmar đã được mời đến thăm Trung Quốc, bao gồm cả các đoàn đại biểu từ NLD. Việc có mời hay không, và làm thế nào để mời bà Aung San Suu Kyi thực hiện một chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc vẫn còn là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Là một biểu tượng ủng hộ dân chủ toàn cầu, bà Aung San Suu Kyi tượng trưng cho các giá trị không phù hợp với chế độ độc tài ở Trung Quốc. Những người Trung Quốc cũng đoạt giải Nobel Hòa bình như bà Aung San Suu Kyi là Đức Đạtlai Lạtma (thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng) và nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, đều bị coi là “kẻ thù quốc gia” tại Trung Quốc. Thậm chí, một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc còn tin rằng một chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc có thể châm ngòi cho sự bất ổn xã hội và bất ổn chính trị ở nước này. 

Do bà Aung San Suu Kyi là người đã phát triển từ một biểu tượng ủng hộ dân chủ trở thành một chính trị gia chính thống, nên những mối quan ngại như vậy đang dần gia tăng tại Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc đang quan sát bà Aung San Suu Kyi khi nhà lãnh đạo đối lập này đưa ra các quyết định dựa trên nhu cầu chính trị thay vì dựa trên nguyên tắc lý tưởng, bao gồm cả quyết định của bà Aung San Suu Kyi ủng hộ việc tiếp tục đầu tư đầy tranh cãi của Trung Quốc vào mỏ đồng Letpadaung và sự kiềm chế của nữ chính trị gia này trong việc đưa ra bình luận chỉ trích vấn đề đầy nhạy cảm chính trị liên quan đến người Rohingya, một dân tộc thiểu số Hồi giáo đã phải chịu các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc của các tín đồ Phật giáo Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi cũng đã công khai thể hiện sự ủng hộ của mình đối với một mối quan hệ vững mạnh với Trung Quốc, điều giúp giảm thiểu phần nào mối quan ngại của Bắc Kinh về các lựa chọn liên kết quốc tế của bà Aung San Suu Kyi trong tương lai. Giờ đây, nhiều chuyên gia phân tích người Trung Quốc chú ý đến bà Aung San Suu Kyi khi nữ chính trị gia này tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc cho nỗ lực tranh cử tổng thống của bà vào năm 2015, điều mà hiện nay bà đang bị cấm tham gia theo Hiến pháp Myanmar. Một số chuyên gia phân tích Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra một lời mời bà Aung San Suu Kyi thực hiện chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc trên cương vị một chính trị gia đối lập vào một thời điểm nào đó trong năm 2014. Trong số tất cả các lực lượng chính trị đang đua tranh nhằm giành vị trí trong trật tự chính trị mới của Myanmar, có lẽ quân đội Myanmar là nhóm thân Trung Quốc nhất. Đây là một phần di sản trong mối quan hệ đặc biệt của Trung Quốc với chính phủ quân sự Myanmar trước đó và trong các mối quan hệ cá nhân khăng khít với những tướng lĩnh nắm giữ nhiều ảnh hưởng tại Myanmar trước năm 2011. Những mối quan hệ đặc biệt này hiện đã được tăng cường hơn bằng sự chia sẻ một số giá trị chính trị nhất định và những lợi ích kinh tế chung. 

Theo quan điểm của Bắc Kinh, có một số vấn đề trong các mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Myanmar. Bất chấp sự ảm đạm trong mối quan hệ chính trị và kinh tế ở cấp chính phủ, các hoạt động trao đổi quân sự cấp cao và các chuyến thăm giữa giới chức quân đội hai nước đã tăng lên rõ rệt trong năm 2013. Chẳng hạn, tháng 1/2013, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tướng Thích Kiến Quốc, đã cùng với Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar, Tướng Soe Win, đồng chủ trì cuộc tham vấn an ninh chiến lược lần đầu tiên giữa Trung Quốc và Myanmar Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (cơ quan quân sự tối cao của Trung Quốc), Tướng Phạm Trường Long, đã đến thăm Myanmar vào tháng 7 vừa qua. Chuyến thăm này đã được đáp lại bằng một chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 của Tướng Min Aung Hlaing - Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, nhằm gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Các cuộc cải cách dân chủ tại Myanmar dường như không ảnh hưởng đến quan hệ song phương trong các lĩnh vực mua bán vũ khí Trung Quốc, cũng như là các hoạt động huấn luyện, hỗ trợ quân sự của Trung Quốc đối với quân đội Myanmar. Những cách tiếp cận và chính sách riêng rẽ của Trung Quốc đối với các trung tâm quyền lực chính trị khác nhau ở Myanmar cho thấy một chiến lược quốc gia tinh vi hơn và chính sách ngoại giao đa dạng hơn của Bắc Kinh. Sau hai năm tương đối mất phương hướng và rối loạn, Trung Quốc hiện đang tích cực bắt kịp với thực tế chính trị mới của Myanmar. /.

Tác giả là Yun Sun, một chuyên gia nghiên cứu thuộc chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson, một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Bài viết đăng trên “Atimes” (ngày 23/12).

Mỹ Anh (gt)