Trong vài tháng qua, một sự thay đổi từ từ nhưng có ý nghĩa đã diễn ra trong chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Sự thay đổi này là kết quả của việc Bắc Kinh nhận thấy rằng áp lực không ngừng của họ đối với Tokyo kể từ khi Chính phủ Nhật Bản mua một số đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9/2012 đã khiến họ phải trả giá nhiều hơn so với lợi ích thu được.

Cuối tháng 11/2014, khi hai nhà lãnh đạo này gặp nhau lần đầu tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận như là một chủ nhà tốt và do đó đã không chọc tức ông Abe. Tuy nhiên, tại Jakarta, ông đã tỏ ra linh hoạt hơn. Ông không chỉ đồng ý gặp ông Abe mà thậm chí còn đề xuất tổ chức cuộc gặp này. Mặc dù Tân Hoa Xã tuyên bố rằng cuộc găp này diễn ra theo yêu cầu của Nhật Bản, song các quan chức cấp cao của Nhật Bản tiết lộ rằng ông Tập Cận Bình đã đề nghị gặp ông Abe với điều kiện Nhật Bản không tiết lộ cuộc gặp đó đã được sắp xếp theo đề nghị của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tiến hành tuần tra đều đặn bên trong lãnh hải 12 dặm xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật Bản đang kiểm soát, đã không giúp thuyết phục Nhật Bản thừa nhận khu vực này có tranh chấp chủ quyền. Thay vào đó, các cuộc tuần tra của Trung Quốc, cùng với việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không tại biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013 và việc đóng băng hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong hơn hai năm đã gây hậu quả tai hại cho an ninh Trung Quốc.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc trong năm 2014 đã giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 33 tỷ USD, sau khi giảm khoảng 4% trong năm 2013. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đạt 42 tỷ USD trong năm 2015 và đã tăng 3 năm liên tiếp. Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm chuyển giao các thiết bị phòng vệ, đồng thời mở rộng việc diễn giải các điều khoản ghi trong Hiến pháp về quyền tự vệ. Năng lực và cơ cấu của Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản đang được tái điều chỉnh, với ưu tiên rõ ràng là nhằm bảo vệ các hòn đảo phía Tây Nam, theo đó các lĩnh vực như tình báo, giám sát và trinh sát, khả năng phối hợp, phòng thủ tên lửa đạn đạo và đổ bộ được tăng cường mạnh mẽ.

Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố công khai rằng các đảo tranh chấp này được bảo vệ theo các điều khoản của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Liên minh Mỹ-Nhật Bản đã được tăng cường với việc đề ra đường lối mới cho quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nhấn mạnh tính chất "toàn cầu" của liên minh Mỹ-Nhật.

Nhận thấy việc gây áp lực của Trung Quốc đối với Nhật Bản không thành công, ông Tập Cận Bình đã thay đổi cách tiếp cận. Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với Thủ tướng Abe, Trung Quốc đã nối lại hoạt động đối thoại an ninh cấp cao với Nhật Bản sau gần 4 năm gián đoạn, đồng thời tái khởi động các cuộc đối thoại giữa hai Quốc hội và phục hồi cơ chế đối thoại ba bên giữa các ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sự chuyển hướng tích cực trong chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản đang được chào đón. Tuy nhiên, để đưa quan hệ Trung-Nhật trở lại quỹ đạo tích cực lâu dài, trước tiên Tokyo và Bắc Kinh cần phải tuân thủ thỏa thuận 4 điểm đạt được vào cuối tháng 11 năm ngoái. Thứ hai, cần thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ do khinh suất liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thứ ba, như một cử chỉ thiện chí, Trung Quốc nên giảm bớt các cuộc tuần tra của mình trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo này. Thứ tư, Bắc Kinh nên tránh sử dụng các hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ II - trong đó có cả lễ kỷ niệm tại Bắc Kinh dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/9 năm nay - để thổi bùng ngọn lửa chống Nhật và gây ra không khí căng thẳng mới trong quan hệ Trung-Nhật. Thứ năm, Thủ tướng Abe nên sử dụng bài phát biểu của mình vào tháng 8 tới để xin lỗi một cách rõ ràng hơn về những tội ác chiến tranh của Nhật Bản nhằm hòa giải với Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như các nước lân cận khác từng bị Nhật Bản chiếm đóng hoặc tấn công trong chiến tranh.

Nếu việc kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ II được xử lý tốt và các bên nắm bắt các cơ hội để tiếp tục cải thiện quan hệ song phương, một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe - có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 - sẽ tạo thêm động lực cho những bước tiến mới. Một kịch bản như vậy sẽ là một đóng góp quan trọng đối với an ninh trong toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo "Interpreter"

Hương Trà (gt)