28/04/2011
Theo T.S Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao, Trung Quốc khó có khả năng sử dụng luật pháp quốc tế để chứng minh danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng nước trong phạm vi đường chữ U. Hay có lẽ, luật quốc tế mà Trung Quốc đang áp dụng khác với luật quốc tế theo cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế?
Trung Quốc đang thành công trên con đường trở thành một cường quốc khi soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Là một cường quốc, Trung Quốc không chỉ đơn thuần cần có sự lớn mạnh về kinh tế, mà còn cần trở nên có trách nhiệm hơn với cộng đồng quốc tế khi trở thành một tấm gương sáng về tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thật vậy, nhìn vào một vấn đề gai góc và nhạy cảm như tranh chấp tại biển Đông, người ta vẫn thường thấy Trung Quốc luôn nêu bật sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) khẳng định các bên cam kết tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển cùng các văn kiện, tuyên bố khác trong quan hệ giữa các quốc gia (đoạn 1); tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật Biển (đoạn 4).[1] Mặc dù DOC chỉ là một tuyên bố không có giá trị pháp lý nhưng là một bên của tuyên bố này, Trung Quốc đã luôn thể hiện sự quan tâm và mong muốn sử dụng luật quốc tế là cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của mình tại biển Đông.
Với yêu sách chủ quyền, Trung Quốc luôn khẳng định Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền. Bằng chứng lịch sử và pháp lý ấy thể hiện qua việc Trung Quốc đã phát hiện, chiếm hữu đầu tiên và liên tục quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc khẳng định từ đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên, các tài liệu cổ đã ghi chép rằng ngư dân Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo thuộc Hoàng Sa ngày nay và thực hiện các hoạt động đánh bắt, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt dưới thời vua Vũ Đế nhà Hán, người Trung Quốc đã dùng thuyền thám hiểm trên biển Đông và phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa.[2] Những minh chứng cho việc phát hiện và sử dụng Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử còn được Trung Quốc minh họa từ nhiều nguồn tài liệu khác như Di vật Chí thời Han, Zuo Zhuan thời Xuân Thu, Chu Phiên...
Luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ thừa nhận hình thức thụ đắc sơ khởi đầu tiên thông qua việc phát hiện và chiếm hữu tượng trưng. Điều này lý giải tại sao Trung Quốc đã khôn ngoan khi đưa những tư liệu lịch sử lâu đời của quốc gia mình vào việc chứng minh chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu những dữ liệu lịch sử nêu trong các tài liệu của Trung Quốc là đúng thì Trung Quốc có thể thiết lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa theo hình thức phát hiện. Tuy nhiên, với rất nhiều tên gọi không thống nhất và không giống với tên gọi được sử dụng hiện nay cho hai quần đảo này, tính chân thực của các tài liệu lịch sử còn có nhiều điều phải bàn cãi.
Hơn nữa, cho dù là chiếm hữu theo hình thức phát hiện, danh nghĩa của người phát hiện cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong luật quốc tế mọi hành động mang danh nghĩa cá nhân đều không tạo ra cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và cũng không làm thay đổi bản chất của chủ quyền, ngay cả khi các cá nhân đó hợp thành một tập thể hoặc công ty, trừ trường hợp cá nhân, tập thể hoặc công ty đó được nhà nước ủy quyền. xác lập chủ quyền lãnh thổ thay mặt cho nhà nước. Bỏ qua tính chân thực của các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, thì tất cả các hành động phát hiện và sử dụng đều được thực hiện bởi ngư dân, không phải là người được nhà nước ủy quyền, do vậy, việc viện dẫn sự phát hiện sớm như một cơ sở pháp lý về chủ quyền có vẻ không phù hợp với luật quốc tế.
Nhận thức được điểm yếu này, bằng chứng lịch sử trong những giai đoạn tiếp theo của Trung Quốc đã mô tả các hoạt động chiếm hữu của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng dưới thời Bắc Tống, đội tuần tra trên biển Trung Quốc đã đến khu vực các đảo Tây Sa. Việc này được ghi lại trong Wu Jing Zong Yao mà lời đề tựa được viết bởi vua Ren Zong (1023-1063), trong đó ghi rõ đội tuần tra nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của hoàng đế và đội tuần tra cũng đã được xây dựng một doanh trại ở Guangnan, kèm theo một tàu chiến được thiết kế riêng, mà “nếu đi theo hướng Tây Nam từ Tunmenshan, có gió đông thuận lợi thì chỉ cần 7 ngày là tới được Jiuruluozhou.” Dưới thời nhà Nguyên, một trạm quan sát thiên văn đã được xây dựng. Vào năm thứ 16 của triều đại nhà Nguyên (1279), Hoàng đế Shi Zu, đã cử Guo Shoujing, một nhà thiên văn học nổi tiếng và người đứng đầu Bộ Thiên văn học làm nhiệm vụ quan sát biển Nam Trung Hoa. Căn cứ vào bản chính thức “Lịch sử triều đại Yuan”, Nanhai, theo sự quan sát của Guo, là “tới phía nam của Zhuya” và “vĩ độ của Nanhai là 15 độ Bắc”. Suốt triều đại nhà Minh và nhà Thanh, cuốn biên niên sử địa phương Guangdong Tong Zhi, Qiongzhoufu Zhi và Wanzhou Zhi, phần “lãnh thổ”, “địa lý, núi và nước” có ghi: “Wanzhou bao phủ toàn bộ Qianlichangsa và Wanlishitang”. Thời gian ấy, Tây Sa và Nam Sa đều đặt dưới quyền quản lý của Wanzhou quận Qiongzhou, tỉnh Guangdong. Dưới triều đại nhà Thanh (1710-1712), Wu Sheng - phó đô đốc của hạm đội Guangdong dẫn một đội tàu tuần tra trên biển tiến hành một cuộc tuần tra khởi hành từ Qiongya, vòng qua Tonggu, ngang qua Qizhouyang và Sigengsha, tổng cộng khoảng 3000 hải lý.
Một lần nữa, rất nhiều tên gọi khác nhau như Jiuruluozhou, Nanhai, Qianlichangsa, Wanlishitang, Qizhouyang và Sigengsha cho thấy những tên gọi này không nhất quán, không thống nhất với tên gọi hiện nay mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa và Trường Sa và do vậy, không chắc chắn có phải đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay không. Các hành động đi vòng quanh hay quan sát từ trạm thiên văn trên đất liền cũng khó có thể tạo ra các danh nghĩa pháp lý theo luật quốc tế.
Không chỉ vận dụng sáng tạo các bằng chứng lịch sử, vào đầu thế kỷ XX, khi Pháp có những hành động thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhà Thanh đã viện dẫn điều ước quốc tế, Hiệp ước Pháp - Thanh ngày 26 tháng 6 năm 1887 về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ, để phản đối hành động của Pháp. Theo đó, do Hiệp ước Pháp –Thanh có điều khoản quy định rằng “các hòn đảo nằm ở phía Đông của đường kinh tuyến Paris 15 độ 43’ kinh tuyến Đông, theo hướng đường Bắc Nam đi qua điểm cực Đông của Trà Cổ sẽ thuộc về Trung Quốc, trong khi đảo Cô Tô và tất cả đảo khác nằm phía Tây kinh tuyến đã chỉ định sẽ thuộc về An Nam”. Trên thực tế, tất cả các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông đều nằm phía Đông đường ranh giới, như vậy chúng thuộc phạm vi thẩm quyền của Trung Quốc, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều ước quốc tế là một nguồn cơ bản của luật quốc tế,[3] có giá trị ràng buộc với các quốc gia đã tham gia ký kết và các quốc gia có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế của mình.[4] Điều này lẽ đương nhiên đúng với Pháp, một trong những quốc gia văn minh khai sinh ra luật quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng Hiệp ước Pháp-Thanh chỉ được ký kết để phân định biên giới trên bộ. Nội dung điều khoản về phân chia đảo chỉ được áp dụng cho khu vực gần biên giới, và cùng lắm thì cho Bắc kỳ. Trong khi đó, Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp yêu sách và sáp nhập vào Nam Kỳ. Hơn nữa, nếu giả sử tuân theo điều khoản này và kẻ đường phân chia đảo thì đường này thậm chí còn cắt cả vào đất liền của Trung Kỳ và Nam Kỳ. Không lẽ Pháp lại không hiểu được điều này mà trao cả đất liền của Bắc Kỳ và Nam Kỳ cho nhà Thanh?
Lý giải hợp lý cho điều khoản này là căn cứ vào phạm vi áp dụng của Hiệp ước phân định biên giới trên bộ (đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản để giải thích điều ước quốc tế) và vì vậy điều khoản do nhà Thanh viện dẫn không có giá trị áp dụng cho phân chia đảo tại khu vực biển Đông.
Sau thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, Trung Quốc một lần nữa viện dẫn các điều ước quốc tế như một cơ sở cho yêu sách chủ quyền của mình. Trung Quốc viện dẫn điều 2(f) của Hiệp định Sanfransisco để khẳng định việc từ bỏ chủ quyền của Nhật tại Hoàng Sa và Trường Sa nhằm trao lại chủ quyền cho Trung Quốc. Đáng tiếc là sự viện dẫn này chỉ là một sự suy luận của Trung Quốc bởi điều 2(f) chỉ đề cập đến việc Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, chủ quyền và yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ ràng chủ quyền này thuộc về ai.[5] Đặc biệt, với tư cách là một nước thuộc phe phát xít, đã sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp để chiếm đóng các vùng lãnh thổ, thì sự chiếm đóng của Nhật Bản không thể xác lập được bất kỳ chủ quyền hợp pháp nào và qua đó càng không thể chuyển giao cho nước nào chủ quyền mà Nhật Bản không có.[6] Ngoài ra, hai văn kiện khác mà Trung Quốc viện dẫn là Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam cũng thể hiện nhất quán nội dung này khi không hề liệt kê Hoàng Sa và Trường Sa trong danh sách các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng của Trung Quốc trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Cơ sở cuối cùng cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là quan hệ chư hầu. Trung Quốc cho rằng trong lịch sử các triều đại phong kiến, Việt Nam là nước chư hầu của Trung Quốc nên tất yếu, tất cả các lãnh thổ mà Việt Nam chiếm hữu hay có quyền tài phán đều thực hiện với danh nghĩa của Trung Quốc và do vậy thiết lập chủ quyền cho Trung Quốc. Quan hệ chư hầu giữa các quốc gia là một khái niệm đã từng tồn tại trong luật quốc tế. Lịch sử quan hệ quốc tế đã ghi nhận một số quan hệ chư hầu giữa nước lớn hùng mạnh và những nước nhược tiểu, không có đầy đủ tư cách quốc gia. Tuy nhiên, cũng có trường hợp quan hệ này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, là một nghệ thuật nhằm giúp các nước nhỏ có được sự độc lập của mình khi phải tồn tại bên cạnh một quốc gia lớn. Quan hệ giữa Normandy và Pháp là một quan hệ kiểu như vậy và cũng tương tự như quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, như những gì đã được Tòa Công lý quốc tế nhận định trong vụ Minquiers và Ecrehos,[7] chủ quyền mà Việt Nam thiết lập được sẽ không tạo ra cơ sở cho Trung Quốc thụ đắc lãnh thổ. Hơn nữa, vào thế kỷ XIX, Niên thư của Trung Quốc đã liệt kê các nước chư hầu của Trung Quốc bao gồm An Nam, Miến Điện, Xiêm, Lào, Anh, Hà Lan, Italy, Bồ Đào Nha, và Tòa thánh Vatican. Dường như tất cả các nước khác tồn tại trên thế giới thời bấy giờ nằm trong tầm hiểu biết của Trung Quốc đều được liệt kê vào danh sách chư hầu. Điều này đủ cho thấy sự đánh giá thiếu chính xác của Trung Quốc về quan hệ chư hầu. Không chỉ có vậy, nó còn cho thấy sự thiếu tự tin của Trung Quốc về các cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền nên phải “mượn tạm” danh nghĩa của các nước láng giềng.
Khi đã hết cơ sở để tuyên bố và yêu sách chủ quyền, Trung Quốc đã không ngần ngại sử dụng vũ lực để chiếm đóng tại Hoàng Sa vào năm 1974 và năm 1988. Tuy nhiên, hành động sử dụng vũ lực này của Trung Quốc cũng dựa trên cơ sở của luật quốc tế do Việt Nam đã sử dụng vũ lực trước, Trung Quốc chỉ tự vệ hoặc do giả thiết, Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc mà Việt Nam đã chiếm đóng nên Trung Quốc cần thu hồi lại và “dậy cho Việt Nam một bài học”. Thực chất vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.[8] Vì vậy, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
Về yêu sách vùng biển, Trung Quốc gần đây đã có những động thái mới khẳng định tính pháp lý của đường yêu sách chữ U. Cơ sở pháp lý đầu tiên của đường chữ U vẫn được Trung Quốc nêu bật là tính lịch sử.
Trung Quốc cho rằng từ tháng 12 năm 1914, Hu Jinjie, một chuyên gia về vẽ bản đồ người Trung Quốc là người đầu tiên vẽ đường chữ U sau khi Đài Loan giành lại nhóm đảo Đông Sa từ đế quốc Nhật vào tháng 10 năm 1909. Sau sáng kiến này, các bản đồ của Trung Quốc xuất bản từ giai đoạn những năm 1920 và 1930 sau đó đều dựa trên bản vẽ của Hu Jinjie về vùng biển này.[9] Đường chữ U sau này được chính thức vẽ bởi Bai Meichu, một viên chức của Đài Loan[10] vào tháng 12 năm 1947 và trước đó đã có một đường tương tự xuất hiện trên New China’s Construction Atlas do ông biên tập vào giữa những năm 1930.[11]
Trung Quốc nhận định rằng, với mục đích việc chỉ rõ phạm vi vùng biển của Trung Quốc trên biển Đông, Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ đã in Bản đồ vị trí của các đảo trên vùng biển Đông năm 1947[12]. Trong bản đồ này, Pratas, Trường Sa, Macclesfield Bank và Trường Sa được chỉ ra rằng là một phần thuộc Trung Quốc với việc sự sử dụng đường 11 đoạn. Điểm cực Nam của đường này được đánh dấu là điểm thuộc 4 độ vĩ Bắc. Tháng 1 năm 1948, Bộ Nội Vụ Đài Loan chính thức công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Bản đồ các đảo trên Nam Hải). Tháng 2 năm 1948, Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ đã phát hành Bản đồ địa phận hành chính của Đài Loan, biên tập bởi Fu Jiaojin và được chấp thuận của Wang Xiguang và những người khác. Trong bản đồ của Trung Quốc và bản đồ đính kèm – Bản đồ vị trí các đảo trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên mà bản đồ được đánh dấu với các đường đứt đoạn trên biển Đông được chính thức phát hành. Trong những bản đồ của Trung Quốc, được phát hành sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, đường 11 đoạn trên biển Nam Trung Hoa vẫn tuân theo những bản đồ cũ. Sau này, 2 đoạn của đường này trên vịnh Tonkin đã được xóa bỏ. Bản đồ được phát hành năm 1953 đã thể hiện đường 9 đoạn trên biển Đông.
Thực chất, cho đến thời gian gần đây, các học giả Trung Quốc vẫn còn đưa ra một vài giả thuyết về giá trị pháp lý của đường chữ U. Theo đó, đường chữ U có thể là đường quy thuộc đảo để yêu sách chủ quyền của tất cả các đảo nằm phía trong đường này, hoặc là đường yêu sách chủ quyền của cả đảo và vùng biển. Cho dù là hiểu theo cách giải thích nào thì Đường chữ U đã ra đời từ trước khi các luật lệ quốc tế về biển ra đời nên Trung Quốc cho rằng yêu sách đường chữ U không bị ràng buộc hoặc điều chỉnh bởi các điều khoản của những luật lệ đó. Giá trị pháp lý của đường chữ U phải được xem xét dưới góc độ của luật pháp quốc tế đương đại[13] (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà đường này được vẽ ra), chứ không thể áp dụng Công ước Luật biển 1982, một quy định ra đời muộn hơn rất nhiều so với thời điểm được chữ U đã được xây dựng. Lập luận này có vẻ logic nhưng đáng tiếc là vào thời điểm công bố bản đồ, Trung Quốc chưa từng đưa ra sự giải thích chính thức nào về ý nghĩa pháp lý hay yêu sách của đường này. Cho dù các quốc gia khác có thể công nhận tính lịch sử của đường chữ U vì đường này đã được vẽ từ đầu thế kỷ XX nhưng với ý nghĩa là công trình của một cá nhân, không có sự ủy quyền từ nhà nước, không có sự giải thích chính thức từ nhà nước, thì tính lịch sử đó chẳng thể tạo ra một danh nghĩa pháp lý nào cho yêu sách của Trung Quốc. Và thực ra, các quốc gia khác đến nay cũng vẫn còn chưa rõ yêu sách thực sự của Trung Quốc với đường chữ U là gì.
Năm 2010, cùng với việc đệ trình lên Liên Hợp Quốc tuyên bố phản đối về đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia trên biển Đông, Trung Quốc lần đầu tiên đã đính kèm bản đồ đường chữ U. Trong tuyên bố phản đối này, Trung Quốc cũng chưa đưa ra giải thích chính thức nào cho yêu sách đường chữ U ngoài việc tuyên bố rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển tiếp liền, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tương ứng (xem bản đồ đính kèm)”.[14] Nếu ngầm hiểu việc giải thích này là ý nghĩa pháp lý của đường chữ U thì sự giải thích này là không rõ ràng vì trong luật quốc tế không tồn tại khái niệm vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan. Đặc biệt, vào thời điểm Trung Quốc đưa ra tuyên bố này, Công ước luật biển 1982 đã có hiệu lực và Trung Quốc đã là một thành viên, nhưng sự “thiếu sót” của Công ước năm 1982 khi chưa quy định các “thuật ngữ mới” mà Trung Quốc vừa thể hiện khiến cho tuyên bố này vẫn tồn tại trong trạng thái mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý.
Mới đây, vào tháng 4 năm 2011, khi Philippines phản đối tuyên bố của Trung Quốc khi khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và đặc biệt không thừa nhận khái niệm vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan mà cho rằng các vùng biển này có giới hạn và cần được xác định phù hợp với quy định của Công ước luật biển 1982[15] thì Trung Quốc lại gửi một tuyên bố khác lên Liên Hợp Quốc với một điệp khúc cũ về vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan kèm theo một thông điệp cũ hơn nữa về việc Trung Quốc có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh cho các quyền chủ quyền và quyền tài phán này.[16] Phải chăng Trung Quốc chưa thể đưa ra sự giải thích hợp lý và cụ thể nào về tính pháp lý của đường lưỡi bò đơn giản vì đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý?
Nhìn vào những ví dụ phân tích nêu trên, có thể nói những tuyên bố về cơ sở pháp lý và việc tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong tranh chấp tại biển Đông dường như chỉ nằm trên các văn bản và lời nói. Trung Quốc khó có khả năng sử dụng luật pháp quốc tế để chứng minh danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng nước trong phạm vi đường chữ U. Hay có lẽ, luật quốc tế mà Trung Quốc đang áp dụng khác với luật quốc tế theo cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế?
T.S Nguyễn Thị Lan Anh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông
Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.
[1] Nguyên văn bản đoạn 1 và 4 của DOC như sau:
1. The Parties reaffirm their commitment to the purposes and principles of the Charter of the United Nations, the 1982 UN Convention on the Law of the Sea, the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia, the Five Principles of Peaceful Coexistence, and other universally recognized principles of international law which shall serve as the basic norms governing state-to-state relations;
4. The Parties concerned undertake to resolve their territorial and jurisdictional disputes by peaceful means, without resorting to the threat or use of force, through friendly consultations and negotiations by sovereign states directly concerned, in accordance with universally recognized principles of international law, including the 1982 UN Convention on the Law of the Sea;
[2] Các đặc tính địa lý của những hòn đảo này đã được miêu tả trong cuốn Nanzhou Yi Wu Zhi của Wan Zhen và Fu Nan Zhuan của Kang Tai. Các tác phẩm này được cập nhật liên tục trong 3 triều đại (220-265).
[3] Điều 38, Quy chế Tòa án Công lý quốc tế
[4] Nguyên tắc pacta sunt servanda, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, được quy định tại điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc
[5] Nguyên văn tiếng Anh của điều 2(f) Hiệp định Sanfransisco quy định rằng: “Japan renounces all right, title and claim to the Spratlys Islands and the Paracels Islands”
[6] Palmas
[7] Minquiers and Ecrehos Case (France v. UK) ICJ Reports (1953), tr.47
[8] Nguyên tắc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực đã được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và được chính thức quy định đầy đủ như là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế tại điều 2, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đồng thời, nguyên tắc này cũng được chính thức coi là tập quán quốc tế qua phán quyết của Tòa công lý quốc tế trong vụ Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. USA), Merits, Judgment, ICJ Reports (1986), tr.14
[9] Zou Keyan, “Chinese Traditional Maritime Boundary Line in the South China Sea: Legal Implications for the Spratly Islands Dispute”, EAI Background Brief No. 14 (Singapore, 7 May 1998, trang 5 và 7
[10] Huang Yi và Wei Jingfen, “The Legal Status of the South China Sea”, trong Taiwan on the Move, tác giả: Jeh-hang Laivaf Goerge T. Yu (Taiwan: National Central University, tháng 10 1998), trang 213. Bai đã được mời đến Bắc Kinh vào mùa hè 1990 để giải thích tại sao ông lại vẽ đường này. Tại thời điểm đó, ông đã hơn 80 tuổi và vì tuổi cao, đã không thể nói hết được những lí do chính xác về việc vẽ đường này của ông. Tuy vậy, ông cũng nói rằng daoyu guishu xian (thực tế đường này chỉ ra quần đảo này thuộc về nước nào). Đối thoại với Zou Keyuan (vào khoảng nửa cuối năm 1998).
[11] Zou, tlđd , tr.6. Vào tháng 1 năm 2000, Xinhuashe (New China News Agency) báo cáo rằng bản đồ do người Trung Quốc vẽ lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1845 được phát hiện tại thành phố Shijianzhuang, tỉnh Hebei. Bản đồ thế giới này có đề cập đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Đông Sa.
[12] Li Jinmin & Li Dexia, “The dotted line on the Chinese map of the South China Sea: A Note”, 34(2003) Ocean Development & International Law, tr. 287-288
[13] Trương Thiệu Trung, báo mạng Nhân Dân Trung Quốc ngày 2.4.2009
[14] Đoạn 2 Tuyên bố ngày 7 tháng 5 năm 2010 của Trung Quốc. Bản đồ đính kèm ở đây chính là bản đồ đường chữ U.
[15] Tuyên bố của Philippines gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 5 tháng 4 năm 2011 về Tuyên bố phản đối của Trung Quốc ngày 7 tháng 5 năm 2010
[16] Tuyên bố của Trung Quốc CML/8/2011 ngày 14 tháng 4 năm 2011
Ngày 11/7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức Hội thảo Thường niên lần thứ 14 về Biển Đông tại Washington, D.C., Mỹ. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ nhất của Hội thảo về những diễn biến mới trong tình hình Biển Đông....
Ngày 25/6/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Geneva về Quản trị An ninh Khu vực (DCAF), Thụy Sĩ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản trị Trí tuệ Nhân tạo tại Đông Nam Á”.
Từ ngày 24 đến ngày 29/05/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức Khóa học Luật biển quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội.
Ngày 13-15/9/2023, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Washington, DC, Mỹ do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức.
Ngày 28/6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Thường niên lần thứ 13 về Biển Đông tại Washington D.C., Mỹ. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ 2 của Hội thảo về những diễn biến pháp...
Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.