chinaflag1.jpg

Các hoạt động chính trị quốc tế xung quanh Đài Loan đang lặng lẽ thay đổi nhờ vào việc tái khởi động quan hệ giữa Nhật Bản và Đài Loan. Song mối quan hệ song phương hồi sinh này có thể khiến Bắc Kinh tức giận và gây rắc rối thêm cho mối quan hệ Trung-Nhật vốn không mấy tốt đẹp trong thời gian gần đây.

Kể từ khi bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ độc lập lên cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2016, chính phủ mới đã tập trung ưu tiên phát triển các mối quan hệ đối tác kinh tế và hiệp định thương mại với các nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc. Chính quyền bà Thái Anh Văn đặc biệt mong muốn mở rộng quan hệ với Nhật Bản vì họ lo lắng Đài Loan ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy quan hệ song phương với Nhật Bản nhanh chóng biến mất. Các cuộc biểu tình mạnh mẽ ở Đài Loan đã cản trở việc cắt giảm rào cản thương mại song phương, chẳng hạn như quy định nhập khẩu thực phẩm được áp dụng đối với các sản phẩm của Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã có những động thái tích cực, và mối quan hệ Nhật Bản- Đài Loan bắt đầu ấm lên vào đầu năm nay. Tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Jiro Akama đã đến thăm Đài Loan để tham dự hội chợ du lịch Nhật Bản. Mặc dù các cuộc họp chính thức với đối tác và quan chức Đài Loan không được sắp xếp nhưng chuyến thăm này thể hiện một bước đột phá quan trọng nhất trong quan hệ hai nước kể từ khi Nhật Bản cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1972. Sau chuyến thăm này, Chính phủ Trung Quốc đã công khai chỉ trích hành động của Nhật Bản.

Tại Đài Loan, có một quy tắc chính trị khi nói đến quan hệ đối ngoại. Nếu quan hệ qua eo biển giữa Bắc Kinh và Đài Bắc ổn định, độ nhạy cảm chính trị trong quan hệ quốc tế của Đài Loan sẽ giảm đi. Ngược lại, nếu quan hệ qua eo biển không ổn định hoặc căng thẳng, khi đó bất kỳ động thái ngoại giao lớn nào của Đài Bắc đều có khả năng bị Bắc Kinh “kiểm soát và trừng phạt”. Ví dụ, trong nhiệm kỳ tổng thống Mã Anh Cửu năm 2008-2016, quan hệ qua eo biển ổn định, tạo điều kiện cho Nhật Bản và Đài Loan ký kết 28 thỏa thuận song phương - bao gồm thỏa thuận đánh bắt cá năm 2013 nhằm hạn chế sự tranh cãi ngoại giao đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - ít gặp phiền phức từ Bắc Kinh.

Quan hệ Đài Loan-Nhật Bản có dấu hiệu rạn nứt trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mã Anh Cửu khi ông Mã chỉ trích Nhật Bản xâm lược hòn đảo này trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và thách thức yêu sách chủ quyền của Nhật Bản đối với Vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Okinotori ở phía Tây Thái Bình Dương.

Dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn, quan hệ qua eo biển tiếp tục là yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương Đài Loan- Nhật Bản. Chính quyền Trung Quốc đã chính thức đình chỉ tiếp xúc giữa Hiệp hội Quan hệ Qua eo biển Đài Loan và Quỹ Giao lưu Eo biển Đài Loan vì bà Thái từ chối chính sách “Một Trung Quốc” năm 1992 mà Chính quyền tiền nhiệm Mã Anh Cửu đã công nhận. Có thể nói, bất kỳ động thái nào của Đài Loan để tăng cường quan hệ với Mỹ hay Nhật Bản đều có thể gây phản ứng ngoại giao gay gắt từ phía Trung Quốc. Điển hình là cuộc điện đàm của bà Thái Anh Văn cho Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái đã “chọc giận” Trung Quốc, dẫn đến việc Quốc đảo São Tomé và Príncipe, một trong 22 nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Về mặt chiến lược, Trung Quốc đã lựa chọn trả đũa Đài Loan chứ không phải với Mỹ để tránh gây rắc rối với các nhà lãnh đạo mới của cường quốc mạnh nhất thế giới.

Vị trí chính thức của Nhật Bản trong quan hệ với Đài Loan là duy trì “các mối quan hệ không chính thức dựa trên các giao lưu kinh tế và văn hóa” và sẽ không ủng hộ độc lập của Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản và tiếp tục nghi ngờ Nhật Bản có thể âm thầm ủng hộ Đài Loan độc lập. Cách tiếp cận của Nhật Bản đối với chính quyền mới của Đài Loan có thể sẽ quyết định đến tương lai của mối quan hệ Trung-Nhật.

Đài Loan là một phần không thể thiếu của khu vực và quan hệ của hòn đảo này với các nước láng giềng và cường quốc thế giới sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những nỗ lực cô lập của Bắc Kinh. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đài Loan sau Trung Quốc và Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ năm của Nhật Bản. Tokyo không thể bảo đảm lợi ích kinh tế của mình bằng cách đơn giản ngồi chờ kết quả của các cuộc đàm phán qua eo biển. Nhật Bản cần phải lồng ghép Đài Loan vào các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy hơn nữa Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn.

Cả Bắc Kinh và Đài Bắc phải có trách nhiệm thiết lập các mối quan hệ ổn định trong khu vực. Nếu họ không làm như vậy, quan hệ Trung-Nhật có thể sẽ xấu đi. Để ngăn chặn điều này, tất cả các nước tham gia khu vực nên theo đuổi chính sách ngoại giao thận trọng và phải có dự báo tốt.

Tác giả Yasuhiro Matsuda là Giáo sư tại Viện Nghiên cứu về Châu Á, Đại học Tokyo. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Hương Trà (gt)