Ngày 11/10, khi trả lời phỏng vấn của báo “Tài chính”, Douglas Paal, Phó Tổng Giám đốc Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cho biết xét về tính chất của hiệp định thương mại, TPP là sản phẩm của sự thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích. Tiêu chí để đánh giá những hiệp định thương mại này còn khiếm khuyết, chưa hoàn thiện là xem xét chúng có tạo ra cơ hội kinh doanh, có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không. Bộ trưởng Thương mại của 12 nền kinh tế thành viên đã mất rất nhiều công sức mới đạt được hiệp định này, chúng ta cần thông qua việc đánh giá nội dung hiệp định để đoán định TPP có thành công hay không.

Douglas Paal cho hay những nền kinh tế thông qua TPP để gia tăng giá trị và tạo ra sức cạnh tranh về dịch vụ sẽ nâng cao được thị phần và có thể giành được thắng lợi; những nền kinh tế tìm cách bảo hộ lợi ích nhóm sẽ không thu được kết quả gì.

TPP cuối cùng cũng được ký kết

Bước đột phá của vòng đàm phán Atlanta chỉ là một bước tiến nhỏ trong quy trình chính trị, những tiếng nói phản đối bao gồm cả phe tả và phe hữu, những người theo chủ nghĩa bảo hộ, công đoàn và nghị sĩ quốc hội đều tỏ ra bất mãn. Trước khi ký kết TPP, Obama phải báo trước 90 ngày với Quốc hội, công bố công khai văn kiện TPP trước 60 ngày, sớm nhất là trong tuần đầu tiên của năm 2016 chính thức ký kết TPP. Trong thời gian này, Obama phải đối mặt với phe phản đối TPP có số lượng không nhỏ trong Đảng Dân chủ, họ cho rằng TPP đe dọa cơ hội việc làm của người Mỹ, còn phe phản đối thuộc Đảng Cộng hòa hoài nghi TPP là một hiệp định tiêu cực. 

Jeffrey Schott, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho biết những chỉ trích từ một số ngành, tổ chức mất đi bảo hộ hoặc trợ cấp do TPP đã trở nên hà khắc hơn, việc soạn thảo điều luật thực thi cần đến sự hợp tác lớn giữa Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Quốc hội, điều này sẽ trở nên khó khăn trong năm tới nhưng vẫn khả thi.

Điều mà Douglas Paal lo ngại nhất là dự luật TPP cần được Quốc hội thông qua trong năm bầu cử. Dường như là một sự phản hồi đối với những lo ngại này của Douglas Paal, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đồng thời là cựu Ngoại trưởng Hillary đã công khai bày tỏ phản đối TPP. 

Lợi ích về kinh tế của TPP đối với Mỹ phải mất vài năm nữa mới đạt được, nhưng những người theo chủ nghĩa dân túy trong nội bộ hai đảng là thách thức trước mắt mà Obama cần ứng phó.

Nhật Bản và Mỹ đều được coi là đóng vai trò hạt nhân trong TPP, Shinzo Abe coi TPP là “trụ cột trong chiến lược tăng trưởng kinh tế” của Nhật Bản. Đối với ông, thông qua TPP không chỉ có thể thực hiện mục tiêu của “Abenomics”, mà còn có thể nới lỏng quản lý, giám sát với một số ngành trong nước như ngành nông nghiệp, qua đó thúc đẩy việc gia tăng xuất khẩu nông sản và nâng cao sức cạnh tranh của các thương hiệu ôtô trong nước.

Mặc dù việc thẩm định TPP và dự luật liên quan ở Quốc hội Nhật Bản dự kiến phải đợi đến sau mùa Xuân năm 2016, nhưng điều này sẽ làm gia tăng ảnh hưởng tích cực mà Abe cần có trong cuộc bầu cử tại Thượng viện vào mùa Hè 2016, qua đó lấy lại tỉ lệ ủng hộ vốn bị giảm sút qua việc tiến hành vội vàng Luật an ninh mới, đồng thời giảm thiểu mối đe dọa về tăng trưởng kinh tế do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc gây ra.

Shinzo Abe nhấn mạnh, trong đàm phán TPP, 5 loại nông sản nhạy cảm, trong đó có gạo đã thành công trong việc trở thành ngoại lệ của việc miễn thuế. Ví dụ đối với gạo, Abe cho biết: “Tổng lượng gạo lưu thông trên thị trường sẽ không gia tăng”. Trên thực tế, hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế mà Nhật Bản mới cấp cho sản phẩm gạo xuất xứ từ Mỹ, Úc có thể đạt 78.400 tấn vào năm thứ 13 kể từ khi TPP có hiệu lực. Lượng nhập khẩu của các nông sản chịu mức thuế thấp như thịt bò, thịt lợn và chế phẩm từ sữa có thể sẽ gia tăng. Thuế quan của Nhật Bản đối với thịt bò nhập khẩu sẽ giảm từ 38,5% hiện nay xuống mức 9% vào năm thứ 16 TPP có hiệu lực; thuế suất đối với thịt lợn giá cao sẽ được giảm dần từ mức 4,3%, đến năm thứ 10 từ khi thực thi TPP thì tiến hành miễn thuế; thuế quan đối với thịt lợn giá thấp đến năm thứ 10 từ khi thực thi TPP sẽ giảm từ 482 yên/1kg hiện nay xuống mức 50 yên/kg. Thuế quan đối với đại mạch và tiểu mạch sẽ giảm 45% vào năm thứ 9 kể từ khi TPP có hiệu lực.

Mặc dù vị trí to lớn của ngành nông nghiệp Nhật Bản đã bị giảm sút phần nào, song áp lực buộc ông Abe phải đưa ra chính sách bảo bộ nông dân trong nước đang gia tăng.

Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trải qua hơn 5 năm đàm phán cuối cùng đã được ký kết vào ngày 5/10, nhưng Trung Quốc bị gạt ra ngoài. Các học giả thuộc tổ chức tư vấn chiến lược của Mỹ cho rằng Trung Quốc phải mất 5-7 năm nữa mới có thể tham gia TPP.

Vành đai kinh tế TPP

TPP với các nền kinh tế thành viên chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới đã ra đời, tổng kim ngạch thương mại của các nước thành viên chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, gạt đi những con số ấn tượng đó, trên thực tế TPP càng giống như trò chơi của nước lớn, lợi nhuận tuyệt đối cơ bản chảy vào các nền kinh tế chủ chốt.

Vào thời điểm TPP ra đời, sự giảm tốc của các thị trường mới nổi đang đẩy kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tăng trưởng kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay. Thương mại toàn cầu sụt giảm, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố gần đây nhất đã điều chỉnh giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 3,1%. Đây là lần thứ tư trong vòng 1 năm IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trở thành mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay.

TPP với các nền kinh tế thành viên chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới đã ra đời trong bối cảnh đó, cộng thêm sự tham gia của các nền kinh tế Nhật Bản, Úc, Canada do Mỹ đứng đầu, 12 quốc gia và khu vực cùng tham gia trên các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ, thương mại điện tử, đầu tư của chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường nhằm xây dựng lại quy tắc thương mại thế giới. Đến năm 2050, 12 nước và khu vực thành viên TPP sẽ chiếm tới 50% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Một vành đai kinh tế châu Á-Thái Bình Dương to lớn như vậy dường như có thể khiến người ta phát huy hết mức trí tưởng tượng.

Xét về các con số, tổng kim ngạch thương mại của các nước thành viên TPP chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại thế giới, năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa các nước và khu vực thành viên TPP là 2.400 tỷ USD. Một khi TPP có hiệu lực, hàng rào thuế quan của 18.000 loại hàng hóa trong các quốc gia, khu vực này sẽ được giảm bớt, giá thành thương mại sẽ được hạ thấp.

Gạt đi những con số ấn tượng đó, trên thực tế TPP càng giống như trò chơi của nước lớn, lợi nhuận tuyệt đối cơ bản chảy vào các nền kinh tế chủ chốt. Có học giả cho rằng, lợi ích chủ yếu của hiệp định thương mại này sẽ thuộc về các nền kinh tế lớn với sự bảo hộ thương mại rõ rệt. Do vậy, Mỹ có khả năng mỗi năm thu lợi từ TPP 77 tỷ USD, còn Nhật Bản thu lợi lớn hơn, lên đến 105 tỷ USD.

Nhằm đánh bóng TPP, ngày 7/10 Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã xuất hiện trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Đối với Mỹ, kinh tế nước này bị phụ thuộc hơn về thương mại so với thời điểm Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được thành lập 20 năm trước đây. Michael Froman nhấn mạnh TPP có thể có lợi cho các ngành xuất khẩu của Mỹ, từ các nhà sản xuất bia rượu phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 47% từ các nước thành viên TPP đến nhà sản xuất động cơ ôtô bang Michigan phải đối mặt với mức thuế quan cao tới 50% đều sẽ thấy thuế quan giảm dần về mức 0%. Trên thực tế Mỹ áp mức thuế trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu là 1,4%, nhưng một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ phải chịu mức thuế lên đến 40–70%. 

Ông Michael Froman chưa thể tiết lộ hiệp định TPP – cái mà người ta quan tâm nhất rốt cuộc sẽ tạo ra được bao nhiêu cơ hội việc làm. Từ góc độ hướng lái đầu tư, TPP có lẽ sẽ giúp Mỹ giành lại được sức cạnh tranh toàn cầu. Chủ tịch kiêm CEO của Tổ chức đầu tư quốc tế (OFII), Nancy McLernon ước tính rằng do gần 20% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ đến từ các nước và khu vực tham gia TPP, các phân tích cho thấy TPP có thể giải phóng khoản đầu tư mới mang tính toàn cầu lên tới 20 tỷ USD, tạo ra 233.000 cơ hội việc làm tại Mỹ có liên quan đến FDI, một phần lớn trong đó là các công việc trong ngành chế tạo.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng một khi bước vào thực hiện TPP, giá thành ngành sản xuất trình độ thấp sẽ hạ xuống, còn các ngành dịch vụ trả lương cao sẽ nâng cao, các công việc văn phòng hiển nhiên sẽ tăng.

Nhật Bản là “người khổng lồ” thứ 2 sau Mỹ trong số các nước tham gia TPP, chiếm 4,5% GDP thế giới, còn các nước châu Á khác chiếm không đến 1% GDP toàn cầu. So với các mô hình kinh tế khác, Việt Nam sẽ thu lợi đáng kể từ TPP, các học giả thuộc Viện Brookings Mỹ cho rằng thông qua TPP, Việt Nam có thể giành được lợi nhuận tương đương trên 10% GDP nước này; tiếp theo đó là Malaysia với lợi nhuận tương đương khoảng 6% GDP.

Trên đây là những ước tính ở trạng thái tĩnh. Cái mà TPP mang lại cho thế giới mới nhiều hơn là đã thâu tóm bao gồm các lĩnh vực mà cho đến nay các hiệp định thương mại vẫn chưa đề cập tới như người lao động và bảo vệ môi trường, hạn chế ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước, khuôn mẫu và chất lượng cao của nó không chỉ thể hiện ở các thỏa thuận miễn thuế hai chiều, mà còn bao hàm các nội dung mang tính cơ chế như quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động, bình đẳng doanh nghiệp, giám sát tài chính, tự do Internet…

Hiện vẫn đang tồn tại tranh cãi về việc TPP có phải là hiệp định thương mại tự do thực sự hay không. Giám đốc phụ trách châu Á, Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, Elizabeth Economy cho rằng TPP là quản lý thương mại, nhưng tất cả các hiệp định thương mại đều là quản lý thương mại, điểm khác nhau là có thể đảm bảo thương mại được tiến hành với điều kiện bình đẳng ở mức độ nào cũng như tiêu chuẩn đã đặt ra đối với lĩnh vực thương mại và cân nhắc giữa các ngành nghề ở mỗi nước và giữa các nước với nhau.

Bà Elizabeth cho rằng trong số các nước và khu vực tham gia TPP, thành viên nào khởi xướng thực hiện quản lý tốt nhất sẽ được lợi, hiển nhiên là một số ngành nghề có ưu thế ở một số nước sẽ bị tổn hại bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở mức độ nào đó, nhưng đồng thời, các ngành nghề đồng nhất của các nước khác sẽ giành được thị trường bởi sự cạnh tranh công bằng hơn.

Đối với phần đông các nước và khu vực tham gia TPP, khoản lợi từ TPP là thông qua các áp lực từ bên ngoài để cải cách và thu hút đầu tư nhiều hơn, nhằm thúc đẩy gia tăng sức sản xuất và điều này không chỉ dựa vào thương mại theo hướng tự do hóa, mà còn thực hiện cải cách thiết thực.

Ông Shinzo Abe đã thể hiện rõ rằng phải “mạnh dạn thúc đẩy cải cách nông nghiệp lấy TPP làm thời cơ”, các nước có nhiều doanh nghiệp nhà nước như Việt Nam và Singapore cũng lên tiếng bày tỏ mong muốn thông qua TPP thúc đẩy các biện pháp như cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Thương mại Úc, Andrew Robb lại trực tiếp gọi TPP là “có ý nghĩa chuyển đổi”, cho rằng TPP sẽ tích cực tạo dựng tương lai thương mại và đầu tư của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Rõ ràng là, giá trị thực sự của TPP cần dựa vào cải cách để thực hiện. Sức nặng của cải cách là bao nhiêu thì vẫn phải xem những văn bản cụ thể của TPP và sự gánh vác của các chính trị gia của nước có liên quan.

TPP có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?

Nếu Trung Quốc không tham gia TPP, chuyển dịch thương mại sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá. Trong số 12 nước tham gia TPP, có một số nước và doanh nghiệp có thể vì vành đai kinh tế TPP mà phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, từ đó lợi dụng TPP để tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường mới giữa các nước thành viên TPP.

Khi đàm phán TPP, có quan điểm cho rằng TPP chứa đựng bao nhiêu nội dung có liên quan đến tự do hóa thương mại thì chứa đựng bấy nhiêu nội dung có liên quan đến Trung Quốc.

Thái độ của Tổng thống Obama cũng trùng hợp với phán đoán này. Ông nói: “Chúng ta không thể để một quốc gia như Trung Quốc lập ra quy tắc kinh tế toàn cầu. Chúng ta nên đưa ra những quy tắc này, thúc đẩy các nước mở thị trường cho hàng hóa của Mỹ, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động và môi trường sinh thái.”

Đối với sách lược Obama lựa chọn, cựu Trợ lý thương mại, cố vấn kỳ cựu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), Charles Freeman phân tích lâu nay Chính quyền Obama coi TPP là một hiệp định có thể làm cho chuẩn mực của chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ là trên hết, và coi đó là điểm đặc biệt để quảng bá TPP với Quốc hội. Xét theo ý nghĩa này, Obama có thái độ như vậy để khiêu khích bản năng cạnh tranh đối với Trung Quốc trong êkíp chính trị. TPP không thể thuận lợi về mặt chính trị trừ phi ràng buộc nó với các nước châu Á-Thái Bình Dương ở top dẫn đầu về biện pháp chiến lược. Charles Freeman cho biết sách lược này có chút đùa giỡn, nhưng trên vũ đài chính trị muốn thành công thì gây rối bằng cách hư cấu Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc cũng là thực tế không tránh khỏi.

Đối với Mỹ, gia nhập và giữ vai trò chính trong TPP là sự kết hợp giữa lý do kinh tế trong ngắn hạn và toan tính chiến lược lâu dài, là sự thể hiện của mối quan hệ hợp tác-cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong nhiều năm qua, vào lúc các nước tham gia đàm phán đang mặc cả về chính trị, Trung Quốc đã đẩy mạnh Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và khu vực thương mại tự do phiên bản của mình, điều này đã làm gia tăng tính cấp thiết chính trị của việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận. Nếu không có TPP, Mỹ dường như tạm thời chưa có phương án thay thế tốt hơn để mở rộng quyền kiểm soát của mình ở châu Á-Thái Bình Dương. Chuyên gia về kinh tế toàn cầu và phát triển tại Viện Brookings, Joshua Meltzer cho biết Mỹ đã dùng khả năng của mình trong vấn đề TPP để đặt ra tiêu chuẩn sàng lọc và giám sát nghiêm ngặt cho các nước thành viên khác, hướng dẫn các nước khác áp dụng để từ đó ảnh hưởng tới phương thức phát triển kinh tế, xu hướng thương mại và đầu tư của các nước khác. Rõ ràng là TPP không những là một hiệp định kinh tế mà còn là công cụ chính sách kinh tế đối ngoại.

Theo Charles Freeman, Chính quyền Obama luôn tiếp xúc thân mật với Chính phủ Trung Quốc, một số phát ngôn nhằm vào Trung Quốc mà nước này tìm cách tuyên truyền chẳng qua là những ngôn từ chính trị, không có nghĩa là TPP là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Tuy nhiên sau khi TPP chính thức được thiết lập, Trung Quốc khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Theo các học giả Trung Quốc, trong ngắn hạn, ảnh hưởng tổng thể từ việc Trung Quốc không tham gia TPP đối với kinh tế và các ngành nghề của nước này là có thể kiểm soát. Có người thậm chí cho rằng thu lợi từ tham gia TPP không bằng ASEAN “10+3”. Song TPP đã tạo thành sự kiềm chế thực sự đối với hợp tác khu vực Đông Á mà Trung Quốc tham gia thúc đẩy, không có lợi cho việc Trung Quốc nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trong các công việc của khu vực này; về trung-dài hạn, việc đẩy mạnh TPP có thể sẽ làm thay đổi quy tắc kinh tế toàn cầu, khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh có xu hướng phức tạp, thậm chí sẽ làm gia tăng sức ép địa chính trị và địa an ninh.

Điểm thực tế nhất là nếu Trung Quốc không tham gia TPP, sự chuyển dịch thương mại sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá. Trong 12 nước thành viên TPP, Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia đã có quan hệ thương mại tự do với Trung Quốc trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do, Joshua Meltzer chỉ rõ có một số nước và doanh nghiệp có thể vì vậy điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, từ đó lợi dụng TPP tạo cơ hội tiếp cận thị trường mới ở các nước thành viên. Charles Freeman thì cho rằng sự xuất hiện của TPP sẽ làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu của những nước thành viên TPP kém phát triển trở nên càng có sức hấp dẫn hơn Trung Quốc, các nước như Việt Nam và Mexico vì vậy giành được ưu thế cạnh tranh rõ rệt, theo nguyên tắc xuất xứ ban đầu, nếu trong sản phẩm của một nước thành viên TPP bao hàm sản phẩm đầu tư trung gian của nước không thuộc thành viên thì giá trị được thể hiện trong sản phẩm đầu tư trung gian này không được hưởng thuế ưu đãi trong nội bộ thành viên. Sau khi TPP hình thành, các nước như Việt Nam sẽ ý thức được phải làm cho một số sản phẩm phù hợp với yêu cầu cắt giảm thuế của TPP, họ phải nhập khẩu một số nguyên liệu hoặc sản phẩm với tỷ lệ nhất định từ nước thành viên khác của TPP, điều này có nghĩa là Việt Nam trước đây lệ thuộc ở mức độ rất lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chuyển hướng sang các nước thành viên khác của TPP.

Sự tò mò của học giả Mỹ đối với Trung Quốc là không tham gia TPP sẽ ảnh hưởng tới ngoại thương và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khi sức ép này đạt tới độ nào thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có biện pháp làm cho đồng nhân dân tệ duy trì không gian thả nổi có lợi cho xuất khẩu ngoại thương? Trong tình hình như thế nào thì Trung Quốc sẽ đẩy nhanh nghị trình thương mại của mình? Elizabeth Economy không cho rằng TPP “đã đánh bại Trung Quốc” như truyền thông rêu rao. Bà cho biết cùng với công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc được đẩy mạnh, nhiều quan chức và chuyên gia kinh tế có mong muốn cải cách đều muốn tham gia TPP. TPP là thắng lợi của thương mại tự do, cũng là thắng lợi của tiêu chuẩn lao động cao, tiêu chuẩn môi trường cao và tiêu chuẩn quản lý công ty cao, nên là mục tiêu lý tưởng của tất cả các nước. Vấn đề hiện nay là Trung Quốc sẽ làm thế nào ra sức thúc đẩy thành công những cải cách kinh tế đã được thông qua tại Hội nghị trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc? Nếu có thể thực hiện được những mục tiêu cải cách này, hành trình Trung Quốc gia nhập TPP sẽ càng thuận lợi.

Điều Elizabeth Economy lo ngại là một khi TPP có hiệu lực, Washington và Bắc Kinh sẽ không triển khai thảo luận về phương thức và lộ trình Trung Quốc gia nhập TPP. Theo bà, việc Trung Quốc đẩy mạnh cải cách và cuối cùng tham gia TPP đối với quan hệ Trung-Mỹ, hội nhập khu vực, cũng như đối với Trung Quốc đều hết sức quan trọng, nếu mọi việc diễn ra theo hướng này, Trung Quốc có thể gia nhập TPP từ 5-7 năm tới.

Theo Nhà Quan sát (Dẫn nguồn từ Tạp chí Tài chính, Trung Quốc)

Hoàng Lan (gt)