Bắc Kinh đã xây dựng đường ống này trước thời điểm Myanmar mở cửa ra thế giới năm 2010, từ thời điểm đó, có quá nhiều thứ đã thay đổi. Những tiếng nói phản đối từ trong nước với dự án, nay đã leo thang trở lại và bản thân Chính phủ Myanmar đang phải tìm cách điều chỉnh các điều khoản trong thỏa thuận năng lượng này với Bắc Kinh, điều này sẽ dẫn tới việc giảm dần sự phụ thuộc của Myanmar vào Trung Quốc. Những nhân tố này, cùng với hoạt động của nhiều nhóm vũ trang dân tộc thiểu số hoạt động trong khu vực mà đường ống chạy qua, sẽ đặt nghi vấn về độ tin cậy của đường ống dẫn dầu khí chiến lược của Trung Quốc tại Myanmar. 

Dự án đường ống dẫn dầu lần đầu tiên được Trung Quốc đề xuất năm 2004 và dự kiến hoàn thành năm 2007. Nó gồm 2 đường song song, một đường dẫn dầu với công suất dự kiến 22 triệu tấn và một đường vận chuyển khí tự nhiên sản xuất tại chỗ với công suất dự kiến 12 tỷ m3. Cả hai đường ống này có chiều dài 739km bắt đầu từ các mỏ khí tự nhiên gần Kyauk Rhyu ở bang Rakhine của Myanmar chạy qua Vân Nam, một tỉnh nội địa của Trung Quốc, và điểm cuối là thành phố Guigang, tỉnh Quảng Tây. Khí tự nhiên bắt đầu vận chuyển sang Trung Quốc qua đường ống này ngày 28/7, dù đường ống dẫn tới tỉnh Quảng Đông vẫn chưa hoàn thành và khối lượng khí ban đầu vận chuyển qua đường ống này thấp hơn nhiều so với dự kiến. Dự án đã bị chậm 2 năm tiến độ trong bối cảnh quan ngại về tính khả thi gia tăng nếu tiếp tục do bạo lực leo thang dọc đường ranh giới giữa bang Shan và Kachin. Đoạn đường ống chạy qua Vân Nam tới Quảng Tây dự kiến được hoàn thành vào tháng 9/2013 nhưng có đồn đoán về khả năng bị trì hoãn, trong khi dầu sẽ chưa thể vận chuyển được qua đường ống này cho tới tháng 6/2014. 

Đường ống Trung Quốc – Myanmar 

Bắc Kinh đã cung cấp tài chính và xây dựng dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng bùng nổ. Hàng năm, tổng mức tiêu thụ khí tự nhiên khoảng 145,9 tỷ m3 và theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế, năm 2020, lượng tiêu thụ này có thể tăng tới 200 tỷ m3/năm trong khi sản xuất nội địa thiếu hụt tới 80 tỷ m3/năm. Dù khí tự nhiên cung cấp qua đường ống Trung Quốc – Myanmar chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng tiêu thụ, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của khu vực và đảm bảo mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung. Hiện nay, lượng khí tự nhiên này sẽ hướng tới việc đáp ứng các nền kinh tế địa phương ở Vân Nam và Quảng Tây, cuối cùng sẽ kết nối rộng lớn hơn với đường ống Đông – Tây phục vụ nền kinh tế duyên hải. 

Trung Quốc có khả năng đạt được tầm nhìn về an ninh năng lượng khi việc cô lập quốc tế đối với Myanmar cho phép Bắc Kinh tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình ở quốc gia này. Chiến lược của Bắc Kinh với Myanmar vào thời điểm đó chủ yếu là tập trung can dự với một nhóm nhỏ các lãnh đạo quân sự và sử dụng đầu tư trực tiếp vào Myanmar làm đòn bẩy. Việc phát triển các tuyến năng lượng trên đất liền như đường ống Trung Quốc–Myanmar theo dự tính sẽ giúp Trung Quốc có được lựa chọn chiến lược và an toàn thay cho tuyến vận chuyển qua Eo biển Malacca và vùng Biển Đông đang tranh chấp. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia này cho phép Bắc Kinh định hình chính sách năng lượng của Myanmar và đạt được thỏa thuận về đường ống năng lượng. 

Gia tăng phản đối 

Chiến lược đỡ đầu của Bắc Kinh đã không còn phát huy tác dụng như trước đây khi nhóm lãnh đạo quân sự kiểm soát đất nước. Từ khi đất nước Myanmar tiến hành chuyển đổi chính trị năm 2010, tiếng nói của các lực lượng đối lập tại Naypyidaw đã bắt đầu mạnh hơn. Dù còn ở thế yếu do bị giới hạn bởi hiến pháp, các đảng này đã công khai chỉ trích mối quan hệ của Bắc Kinh với Naypyidaw, đưa vấn đề đầu tư của Trung Quốc ra tranh luận tại các diễn đàn quốc gia. Đã có một số thành viên của nhóm quân đội đang tìm cách dàn hòa với lực lượng đối lập liên quan đến cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng. 

Tháng 9/2011, Naypyidaw đã có bước đi mạnh mẽ khi quyết định dừng việc xây dựng dự án đập thủy điện Myitsone của Bắc Kinh với nguồn điện sẽ được xuất sang tỉnh Vân Nam . Đây là một nhượng bộ lớn cho các lực lượng chính trị đối lập của Myanmar , khi lực lượng này yêu cầu ngừng dự án vì các vấn đề môi trường và tái định cư của người dân. Lo ngại rằng những phản đối này có thể ảnh hưởng tới các dự án khác, đặc biệt là đường ống dẫn dầu, Bắc Kinh đã buộc phải thay đổi chiến lược của mình sang bắt tay với các đảng đối lập và làm lành với người dân bản địa. Những nhà hoạt động xã hội lưu vong có mối quan hệ với Đảng Phát triển các dân tộc Rakhine (RNDP), ở nơi gần khu vực đường ống bắt đầu, ra thông báo chỉ trích dự án vào ngày 28/7, ngày mà khí tự nhiên bắt đầu được bơm qua đường ống. Ngày 2/8, đảng này cũng tổ chức gặp gỡ báo giới, cho rằng khu vực này không nhận được lợi ích gì từ đường ống này. Nếu đảng này tiếp tục thúc đẩy vấn đề, đây có thể trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015 và có thể dẫn tới việc phải đàm phán lại về đường ống dầu khí này. 

Những chỉ trích của lực lượng đối lập tập trung vào quan ngại lớn nhất cho Myanmar : điện. Do bị cô lập hàng thập kỷ khỏi phần còn lại của thế giới, Myanmar quá nghèo đói và điện có tầm quan trọng đặc biệt cho sự phát triển kinh tế của Myanmar . Việc phổ cập điện cũng đóng vai trò quan trọng cho việc duy trì sự ổn định chính trị. Hiện mới chỉ 26% dân số Myanmar tiếp cận được điện và tình trạng mất điện diễn ra phổ biến ở thành phố lớn Yangoon, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Yangoon vào tháng 5/2012 do tình trạng mất điện tràn lan này. Trước đây, Myanmar dẹp các cuộc biểu tình bằng lực lượng an ninh nhưng vào thời điểm này, việc sử dụng lực lượng an ninh mạnh tay với người biểu tình sẽ gây căng thẳng quan hệ với phương Tây . 

Dù Myanmar được ghi nhận có khoảng 221 tỷ m3 khí tự nhiên, Naypyidaw đang tìm cách sử dụng nguồn dự trữ này cho tiêu thụ nội địa một phần vì những vụ xuất khẩu không thuận lợi sang các quốc gia láng giềng trước năm 2010. Để tận dụng nguồn lực trong nước tốt hơn, chính quyền thành phố Yangoon đã thông báo các kế hoạch nhập khẩu khí tự nhiên và Bộ trưởng Năng lượng Myanmar từng nói rằng tới 2013, quốc gia này sẽ xem xét lại các thỏa thuận và giảm 20% xuất khẩu khí tự nhiên sang Thái Lan. Cũng có những đồn đoán rằng chính phủ sẽ sớm đánh giá lại tất cả các thỏa thuận năng lượng trước chuyển đổi vì thiếu minh bạch. Điều này có thể hỗ trợ sự phát triển của Myanmar nhưng lại làm lạnh nhạt mối quan hệ với cac quốc gia láng giềng, nhất là Trung Quốc. 

Thêm một khó khăn cho Bắc Kinh, đó là quyết tâm của Naypyidaw muốn củng cố quyền kiểm soát với các nhóm thiểu số, điều này sẽ làm xói mòn khả năng của Bắc Kinh trong chiến lược cân bằng quan hệ với Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang thiểu số, nhiều trong số này có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Trước năm 2010, vì muốn bảo đảm môi trường an ninh cho đường ống của mình, Bắc Kinh đã hậu thuẫn cho các tổ chức như Tổ chức độc lập Kachin, nhóm Quân đội nhà nước Shan và Quân đội nhà nước Wa thống nhất. Hiện nay, Myanmar đang sử dụng đường ống dẫn dầu này làm đòn bẩy nhằm hạn chế khả năng can thiệp vào nội bộ Myanmar của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của mình ở khu vực. Điều này đã dẫn tới hỗn loạn ở khu vực thiểu số này trong thời gian gần đây. 

Cuối tháng 7, các vụ đụng độ leo thang giữa nhóm vũ trang Kachin và quân chính phủ. Đầu năm, một nhóm du kích Shan không xác định đã tấn công vào cơ sở năng lượng và giết hại 2 công nhân Myanmar làm việc cho các công ty thuộc dự án đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc–Myanmar. Dù phần lớn đường ống chạy ngầm dưới đất, một số đoạn vẫn gặp rủi ro bị phá hoại. Công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc vận hành đường ống đã phải tính tới khả năng tuyển chọn các lực lượng an ninh vũ trang tư nhân để đảm bảo an toàn suốt dọc đường ống này, lực lượng có thể đụng độ với các nhóm vũ trang địa phương. 

Vị trí chiến lược mới của Naypyidaw 

Chính phủ Myanmar đang ở vị thế muốn đánh giá lại các thỏa thuận trước năm 2010 khi có thêm nhiều quốc gia sẵn sàng đầu tư vào đất nước. Phần lớn các thỏa thuận trước đó của Trung Quốc nằm trong ngành khai thác nhưng những nhà đầu tư mới dường như sẵn sàng đổ tiền vào các khu vực công nghiệp đang trỗi dậy của Myanmar . Tới nay, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar với khoảng 14,9 tỷ USD tổng đầu tư, nhưng khi lệnh cấm vận của phương Tây mới chấm dứt, các công ty Mỹ và châu Âu đã bắt đầu đổ vào. Tháng 6/2013, Trung Quốc chỉ đầu tư thêm 4,1 triệu USD trong khi Anh đã đổ vào quốc gia này 15,8 triệu USD. Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ ba, sau Singapore và Việt Nam. Các công ty châu Âu, Ấn Độ và Mỹ đều đã tham gia đầu thầu khai thác các mỏ khí tự nhiên của Myanmar. Với nhiều nguồn đầu tư, Myanmar có thêm lựa chọn trong việc đàm phán các điều kiện chia sẻ lợi nhuận có lợi cho mình. 

Tất nhiên, tất cả các mỏ khí mới thăm dò này sẽ chưa thể đưa vào khai thác được trong vài năm tới. Các công ty nước ngoài đang đổ xô vào Myanmar đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số vụ đầu tư kinh tế đã bắt đầu liên quan đến hợp tác quân sự-dân sự. Ngày 16/7, Anh thông báo nước này sẽ nối lại mối quan hệ quân sự với Myanmar , bắt đầu từ việc đào tạo về nhân quyền và trách nhiệm. Myanmar cũng đang đàm phán với Ấn Độ để mua các tàu tuần tra duyên hải. Khi Myanmar ngày càng trở lên thân thiết với Mỹ và châu Âu, các mối quan hệ này sẽ gây quan ngại đặc biệt đối với Bắc Kinh và trước hết là lo ngaị cho tương lai bấp bênh của đường ống dầu khí chiến lược mà Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng tại Myanmar.

Theo Strafor 

Vũ Hiền (gt)