Với việc thế giới theo dõi quá trình chuyển tiếp chính trị đang diễn ra tại Myanmar, các cuộc bầu cử quốc gia mang tính bước ngoặt đã được tổ chức vào ngày 8/11/2015. Các quan sát viên đưa tin rằng các cuộc bầu cử này tự do hơn và công bằng hơn so với những người theo chủ nghĩa hoài nghi quốc tế từng lo sợ, và kết quả thì có lợi một cách áp đảo cho biểu tượng dân chủ, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi. NLD giành được 255 ghế ở Hạ viện và 135 ghế ở Thượng viện, đem lại cho đảng này đa số tuyệt đối ở cả hai viện. Trong khi đó, Đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn đã bị giảm xuống chỉ còn 30 ghế trong Hạ viện và 11 ghế trong Thượng viện. Myanmar giờ đây đang trong tiến trình chính trị hậu bầu cử để xác định rõ xem ai sẽ bổ khuyết vào những vị trí lãnh đạo quan trọng. 

Một nguồn chính gây ra sự không chắc chắn về chính phủ tiếp theo là người chiến thắng rõ ràng trong các cuộc bầu cử, Aung San Suu Kyi, theo hiến pháp bị cấm giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, các cuộc gặp gỡ hậu bầu cử với Tổng thống Thein Sein, Tổng Tư lệnh Tướng Min Aung Hlaing, và Thống tướng Than Shwe đã nghỉ hưu, cũng như việc thành lập các ủy ban riêng biệt của USDP và NLD nhằm kiểm soát việc chuyển giao trách nhiệm cho quốc hội mới, đảm bảo cho một quá trình chuyển tiếp chính trị hòa bình. Trên thực tế, chính phủ tiếp theo có khả năng là một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các quan chức NLD được bầu và các quan chức có liên quan đến quân đội không được bầu. Bất chấp thất bại thảm hại của USDP, các tướng lĩnh trước đây và những người trung thành với quân đội tiếp tục nắm giữ các vị trí có sức ảnh hưởng trong khắp bộ máy hành chính quan liêu nhà nước Myanmar. Bản thân quân đội đảm bảo có 25% ghế trong quốc hội, đem lại cho họ khả năng ngăn cản những sự thay đổi hiến pháp mà có thể đe doạ đến những đặc quyền của họ. Quân đội cũng bổ nhiệm một phó tổng thống và các bộ trưởng nắm nhiều quyền lực của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ các vấn đề khu vực biên giới, và có được một đại đa số trong Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia, hội đồng mà tổng thống phải tham vấn về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự. Cuối cùng, Tổng Tư lệnh quân đội không chịu sự quản lý dân sự và theo hiến pháp có thể tiếp quản chính phủ vào những thời điểm khẩn cấp.

Quá trình chuyển tiếp chính trị trong nước của Myanmar do đó là phức tạp xét tới những thể chế đang thay đổi của nước này và mối quan hệ của các bên liên quan có lợi ích – bao gồm đảng NLD, quân đội và các nhóm sắc tộc thiểu số – với những lợi ích và các ưu tiên chính sách khác nhau. Động lực này làm dấy lên câu hỏi về quỹ đạo của các mối quan hệ đối ngoại của Myanmar, đặc biệt là với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác lớn bên ngoài đối với chế độ quân sự trước đây của Myanmar và sẽ tiếp tục là một thành phần quan trọng trong các nhiệm vụ kinh tế và ngoại giao của Myanmar. Tuy nhiên, mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc đã bị kéo căng một cách đáng kể tới mức có dự đoán về một sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ song phương. Trong bản tóm tắt vấn đề này, các tác giả xem xét mối quan hệ của Trung Quốc với Myanmar đã phát triển như thế nào kể từ sau những cải cách mới đây, tập trung vào những xu hướng ngoại giao song phương, an ninh biên giới và các mối quan hệ kinh tế. Trong khi các tác giả nhất trí với những đánh giá khác rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar giờ đây bị kiềm chế hơn so với trong thời kỳ 1988-2010, chúng tôi không tin rằng mối quan hệ của Trung Quốc với nhà nước mới nổi nhất của châu Á đã suy yếu về tầm quan trọng. Nhằm tránh những nhận thức địa chính trị “được mất ngang nhau” về sự cải cách và mở cửa của Myanmar, và nhờ những sự tương tác với Trung Quốc để cải thiện đời sống của người dân Myanmar, các mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc cần được làm cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về sự tôn trọng lẫn nhau, sự minh bạch và trách nhiệm xã hội.

Chính sách ngoại giao song phương Myanmar-Trung Quốc: hiểu được những tín hiệu lẫn lộn

Từ khi Myanmar bắt đầu được cai trị bằng Hội đồng pháp luật và khôi phục trật tự nhà nước/Hội đồng hòa bình và phát triển nhà nước (SLORC/SPDC) vào năm 1988, vai trò của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao, thương mại và an ninh của Myanmar đã phát triển nhanh chóng. Vai trò này xuất hiện từ sự cần thiết chứ không phải từ sự kết nối mang tính cảm xúc – bất chấp những tuyên bố của cả hai bên về mối quan hệ “họ hàng” đặc biệt. SLORC/SPDC cần một chiếc phao cứu sinh về kinh tế và ngoại giao nhằm hạn chế các biện pháp trừng phạt và sự lên án của quốc tế về những sự vi phạm nhân quyền của nước này. Trung Quốc đem lại chiếc phao cứu sinh đó bằng cách trao đổi thương mại và đầu tư vào Myanmar, và bằng cách duy trì quyền phủ quyết đối với việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc xem xét kỹ lưỡng nhân quyền của Myanmar. Đổi lại, Trung Quốc giành được quyền tiếp cận tới trữ lượng dồi dào dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ và khoáng sản của Myanmar, cũng như tiềm năng về năng lượng thủy điện của nước này, tất cả những thứ hứa hẹn giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và đặc biệt là sự phát triển của tỉnh Vân Nam. Vị trí của Myanmar cũng khiến nước này trở nên quan trọng về mặt chiến lược, vừa là một giao lộ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, vừa là cửa ngõ vào Vịnh Bengal, một tuyến đường thay thế cho eo biển Malacca để Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông.

Sự kết hợp giữa việc Myanmar tương đối bị cô lập và lực hút kinh tế của Trung Quốc đã đem lại cho Bắc Kinh sức ảnh hưởng chính trị đáng kể với SLORC/SPDC, được thể hiện bằng việc các doanh nghiệp sở hữu nhà nước Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng then chốt, thặng dư thương mại liên tục có lợi cho Trung Quốc, những khoản mua sắm số lượng lớn vũ khí Trung Quốc của quân đội Myanmar và các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên đem lại các lợi ích cho Trung Quốc một cách không tương xứng. Sự không cân xứng trong mối quan hệ của Myanmar với Trung Quốc được thừa nhận rộng rãi trước khi các cải cách bắt đầu, nhưng chừng nào mà các biện pháp trừng phạt vẫn còn được duy trì thì Myanmar còn thiếu các lựa chọn thay thế.

Những cải cách mà Tổng thống Thein Sein khởi xướng từ năm 2011 đã đem lại cho Myanmar nhiều lựa chọn mang tính ngoại giao hơn, đáng kể nhất là với Mỹ. Trong khi các quan chức Mỹ và các nhà lãnh đạo của những nước khác chào đón các cải cách này bằng sự lạc quan thận trọng, thì mức độ và quy mô – kể cả việc cho phép Aung San Suu Kyi và đảng NLD ứng cử các ghế trong quốc hội và nới lỏng những hạn chế về quyền tự do dân sự và báo chí – đã sớm thuyết phục họ rằng các nhà lãnh đạo Myanmar nghiêm túc về việc theo đuổi các chính sách mang tới sự thay đổi. Kết quả là nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đã được tạm ngừng và các đoàn quan chức quốc tế đều đặn tới Myanmar để gặp gỡ với Thein Sein, Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác. Năm 2014, Myanmar lần đầu tiên giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đem lại cho nước này cơ hội đăng cai tổ chức vô số hội nghị cấp cao khu vực – bao gồm hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các cuộc họp ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á – và tương tác với một loạt rộng rãi các đối tác ngoại giao.

Sự mở rộng nhanh chóng tư thế ngoại giao của Myanmar đã làm phức tạp mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Chẳng hạn, mặc dù một số người Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với việc Myanmar nối lại quan hệ hữu nghị với Mỹ, nhưng những người khác lại nghi ngờ rằng chính sách của Mỹ với Myanmar là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Những sự nghi ngờ như vậy có liên quan đến chính sách “xoay trục” hoặc “tái cân bằng sang châu Á” mang tính chiến lược rộng rãi hơn của Chính quyền Obama mà tìm cách trấn an các đồng minh về vai trò của Mỹ ở châu Á, nhưng là điều mà nhiều người Trung Quốc coi là một nguồn gây ra xích mích ở Biển Đông và là một nỗ lực nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo cách hiểu này, mối quan ngại của Mỹ về dân chủ và nhân quyền ở Myanmar che đậy chương trình nghị sự chiến lược của nước này nhằm sử dụng ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết đối với các khu vực ngoại vi của Trung Quốc. Hơn nữa, các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và chính phủ quân sự của Myanmar lại rộng lớn đến mức bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ thúc đẩy các cải cách ở Myanmar cũng chắc chắn bị coi là làm xói mòn các lợi ích của Trung Quốc.

 

Những phân tích của Trung Quốc về mối quan hệ Mỹ-Myanmar thể hiện nhiều nguồn nghi ngờ chiến lược khác nhau. Những phân tích này gồm các cảnh báo rằng “việc Chính quyền Obama ‘quay trở lại Đông Nam Á’ và chính sách mới hướng tới Myanmar rõ ràng là những chiến lược nhằm mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc”. Ảnh hưởng quá mức của Mỹ ở Myanmar có thể “tháo cũi xổ lồng” cho “các lực lượng bài Trung Quốc của phương Tây”, trực tiếp đe dọa đến biên giới, năng lượng và an ninh địa chính trị của Trung Quốc, tạo điều kiện cho Mỹ “kiềm chế” và “bao vây” Trung Quốc từ Tây Nam. Một số nhà phân tích người Trung Quốc tuyên bố rằng Aung San Suu Kyi là “quân át chủ bài cho phương Tây” và rằng điều thiết yếu đối với Trung Quốc là phải “xử lý chính xác” mối quan hệ của nước này với bà. Điều cũng thường được đọc thấy trên các nguồn của Trung Quốc là mối quan hệ với Myanmar đang bị xói mòn bởi ảnh hưởng của phương Tây, và rằng Trung Quốc đang có nguy cơ đánh mất ảnh hưởng văn hóa ở Myanmar, đặc biệt là với giới trẻ. Sự biến đổi của Myanmar thành một vũ đài cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã trở thành câu chuyện kể trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau của Trung Quốc.

 

Bắc Kinh cũng đã gửi đi những tín hiệu lẫn lộn liên quan đến chiến thắng bầu cử của NLD hồi tháng 11/2015. Sau các cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo thế giới đã chuyển lời chúc mừng của họ tới Aung San Suu Kyi. Rõ ràng vắng mặt trong danh sách những người gửi tới lời chúc tốt đẹp này là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại một buổi họp báo ngay sau cuộc bầu cử, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã né tránh những câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có chúc mừng bà Aung San Suu Kyi hay không, chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục mở rộng sự giúp đỡ của mình và tiếp tục bằng tình hữu nghị và hợp tác mang lại lợi ích chung toàn diện” và rằng “chúng tôi chân thành mong ước rằng Myanmar có thể có được sự ổn định chính trị và nước này có thể đạt được sự phát triển quốc gia”. Phản ứng hời hợt này dường như mâu thuẫn với việc chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2015 của Aung San Suu Kyi có vẻ phát đi tín hiệu ở phía các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẵn sàng như thế nào duy trì các mối quan hệ thân thiện với Myanmar bất chấp tình hình chính trị đang thay đổi. Các quan chức Bắc Kinh có lẽ đã muốn tránh việc có khả năng bị bẽ mặt trong trường hợp quân đội Myanmar phớt lờ kết quả bầu cử và giành quyền lực như họ từng làm vào năm 1990. Mặc dù Đặc phái viên kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã chúc mừng bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm chính thức tới Myanmar hồi tháng 12/2015, nhưng những tín hiệu lẫn lộn mà Trung Quốc gửi đi trong phản ứng trước việc Myanmar hướng tới dân chủ và quốc tế hóa làm dấy lên mối quan ngại ở Nay Pyi Taw và Yangon về sự thiếu tôn trọng lẫn nhau và sự bình đẳng về ngoại giao trong mối quan hệ song phương.

 

An ninh biên giới Myanmar-Trung Quốc: thử thách những giới hạn của sự không can thiệp

Bất chấp những biểu hiện lo lắng từ một số giới về việc Myanmar mở cửa với quốc tế, các quan chức Trung Quốc có xu hướng duy trì giọng điệu tích cực, có chừng mực về mối quan hệ với Myanmar. Bắc Kinh đã kiềm chế không chỉ trích một cách rõ ràng các cải cách của Nay Pyi Taw, có lập trường ủng hộ một cách thận trọng hoặc ít nhất là tuyên bố không can thiệp. Tuy nhiên, những căng thẳng sục sôi từ lâu giữa Chính phủ Myanmar và các lực lượng dân quân sắc tộc ở những vùng biên giới gần tỉnh Vân Nam trực tiếp đụng chạm đến an ninh của Trung Quốc và đã kéo căng mối quan hệ song phương Myanmar-Trung Quốc. Nhiều nhóm sắc tộc thiểu số của Myanmar – đáng chú ý là Kachin, Kokang, Shan và Wa – có dân số đáng kể ở cả hai bên biên giới. Địa lý, cơ sở hạ tầng vận tải và các mối quan hệ “họ hàng” giữa hai bên biên giới là những điều mà các cộng đồng sắc tộc ở phía Bắc Myanmar có lẽ gần gũi với Vân Nam nhiều hơn về văn hóa và kinh tế so với phần còn lại của Myanmar. Các thành phố và thị trấn dọc theo biên giới của Myanmar với Trung Quốc thường thực hiện các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ chứ không phải là đồng kyat của Myanmar và tiếng Trung được sử dụng ở khắp nơi.

Một vài lực lượng dân quân lớn nhất – gồm Quân đội nhà nước Wa thống nhất (UWSA) và Quân đội liên minh dân chủ dân tộc Myanmar do người Kokang dẫn dắt (MNDAA) có mối quan hệ trong lịch sử với Trung Quốc bắt nguồn từ sự hợp nhất trước đây của hai lực lượng này trong Đảng Cộng sản Miến Điện mà Trung Quốc đã ủng hộ trong suốt những năm 1960 và 1970. Đồng thời, những nhóm lợi ích kinh doanh và chính trị ở Vân Nam có lợi từ biên giới dễ thâm nhập và khai thác các khoản lợi nhuận từ thương mại và đầu tư vào các khu vực mà các lực lượng dân quân sắc tộc chi phối. Các mối quan hệ lịch sử và kinh tế như vậy, cùng với những nhận xét rằng một số lực lượng dân quân được trang bị vũ khí cấp quân sự của Trung Quốc, đã nuôi dưỡng những mối nghi ngờ dai dẳng rằng Trung Quốc đang bí mật hậu thuẫn cho các lực lượng dân quân sắc tộc trong một nỗ lực nhằm sử dụng ảnh hưởng đòn bẩy đối với Nay Pyi Taw. Một vài người trong số những người tham gia phỏng vấn tại Yangon và Nay Pyi Taw cáo buộc rằng các phần tử ở Trung Quốc đã sử dụng quyền kiểm soát đối với các lực lượng dân quân sắc tộc và cung cấp cho họ vũ khí và sự giúp đỡ. Mặt khác, Bắc Kinh có động cơ để kiềm chế các lực lượng dân quân vì nhiều người trong số họ có dính líu tới việc sản xuất và buôn bán ma túy quy mô lớn, góp phần tạo nên các vấn đề xã hội đáng kể ở Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã đạt được các lệnh ngừng bắn song phương với 16 trong số các nhóm dân quân sắc tộc lớn, bao gồm Liên đoàn dân tộc Karen, UWSA, Quân đội liên minh dân tộc dân chủ (NDAA). NDAA đã giành được quyền kiểm soát Kokang từ tay MNDAA với sự trợ giúp của quân đội trong “Sự cố Kokang” tháng 8/2009, đẩy MNDAA ra ngoài và khiến nhà lãnh đạo của lực lượng này, Peng Jiasheng, phải lẩn trốn. Đáng chú ý là, chính phủ đã không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Tổ chức độc lập Kachin, mặc dù hai bên đã đạt được một thỏa thuận làm việc hướng tới làm xuống thang xung đột và ngừng các hành động thù địch. Sau khi thiết lập các lệnh ngừng bắn song phương, Chính phủ Myanmar chuyển sang đàm phán một Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA). Tuy nhiên, điều này lại trở nên phức tạp bởi sự xuất hiện trở lại của Peng Jiasheng, người đã tiến hành cuộc tấn công Kokang vào tháng 2/2015 trong sự phối hợp với hai lực lượng dân quân khác – Quân đội Arakan và Quân đội tự do quốc gia Ta’ang. Không lực lượng nào trong 3 nhóm này nhất trí ngừng bắn với Chính phủ Myanmar, điều tương đương với một cuộc phản công kiên quyết.

Tình hình ở Kokang nói riêng đã làm phức tạp thêm mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc vì những sự leo thang trong giao tranh (và các phong trào người dân chạy trốn khỏi bạo lực) đã tràn qua biên giới Trung Quốc. Tháng 3/2015, một máy bay chiến đấu của Myanmar đã ném bom nhầm một cánh đồng mía ở Vân Nam, làm 5 nông dân Trung Quốc thiệt mạng và làm bị thương một số người, khiến Bắc Kinh phải đưa ra sự phản kháng ngoại giao chính thức với Nay Pyi Taw. Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã quở trách gay gắt một cách khác thường Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, yêu cầu Myanmar phải xin lỗi và bồi thường cho gia đình những người bị thiệt mạng, hối thúc nước này phải kiểm soát quân đội của họ và cảnh báo rằng bất kỳ sự cố nào trong tương lai cũng sẽ dẫn tới việc quân đội Trung Quốc thực hiện “những biện pháp kiên quyết và quyết đoán để bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản của Trung Quốc”. Trung Quốc cũng đã triển khai các lực lượng quân sự dọc theo biên giới, tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật và ra lệnh cho các đơn vị phòng không “theo dõi, giám sát, cảnh báo và xua đuổi” máy bay quân sự của Myanmar. Tháng 5/2015, một quả pháo bay lạc từ trận giao tranh giữa các lực lượng quân sự Myanmar và MNDAA đã rơi xuống Vân Nam, làm bị thương 5 người và phá hủy nhiều nhà cửa và phương tiện. Trung Quốc một lần nữa đưa ra sự phản kháng ngoại giao và vào đầu tháng 6/2015 đã tổ chức các buổi diễn tập bắn đạn thật ở biên giới trong một biểu hiện rõ ràng về sự không hài lòng với Myanmar.

Sự giao tranh ở Kokang cũng đã làm dấy lên những câu hỏi gây lo lắng về mối quan hệ của Trung Quốc với các lực lượng dân quân sắc tộc ở Myanmar. Cuộc tấn công hồi tháng 2/2015 của MNDAA diễn ra sau cuộc phỏng vấn có độ dài bằng một bộ phim với Peng Jiasheng trên tờ Thời báo Hoàn cầu hồi tháng 12/2014. Người phỏng vấn đã viết phóng đại về “nhân vật truyền thuyết Peng Jiasheng, ‘Hoàng đế xứ Kokang’”, lưu ý tới giọng Vân Nam của ông, khả năng viết tiếng Trung và sự hoài cổ về gốc gác Tây Xuyên của ông. Peng đã thảo luận về các chiến thuật “du kích cơ động” của MNDAA và tuyên bố rằng MNDAA có hơn 1.000 binh lính được trang bị vũ khí tinh vi, bao gồm tên lửa đất đối không vác vai, sẵn sàng chiến đấu với quân đội Myanmar để giành lại Kokang. Đầu năm 2015, Thiếu tướng Huang Xing, một sĩ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc, nghe nói đã bị các nhà chức trách quân đội Trung Quốc bắt giữ vì cáo buộc rằng ông này đã để lộ bí mật quốc gia cho MNDAA vào năm 2009, làm sâu sắc thêm những nghi ngờ rằng các đơn vị ở Trung Quốc đang trợ giúp cho các lực lượng dân quân sắc tộc. Sau các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc dọc theo đường biên giới hồi đầu tháng 6/2015, MNDAA đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn đơn phương, viện dẫn áp lực từ Bắc Kinh đối với sự ổn định biên giới. Những người tham gia phỏng vấn ở Myanmar cho rằng Bắc Kinh có thể “bật” và “tắt” bạo lực ở các khu vực biên giới như một chiếc công tắc vậy, lưu ý rằng thời điểm ngừng bắn trùng khớp với chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Aung San Suu Kyi, nơi bà gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì và các quan chức cấp cao nhất khác trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày.

 

Bất chấp bạo lực tạm ngưng gần đây ở Kokang, việc kí kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc đã trở nên phức tạp bởi đòi hỏi của các lực lượng dân quân sắc tộc rằng các phe phái giao tranh trong khu vực được cho phép tham gia thỏa thuận đó. Đòi hỏi này có vẻ bị thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa sự đoàn kết sắc tộc, sự không sẵn sàng trao cho USDP một chiến thắng chính trị trước các cuộc bầu cử hồi tháng 11, và mong muốn ngăn quân đội Myanmar tập trung các nguồn lực vào việc đàn áp các phe phái ở Kokang. Tuy nhiên, lại có những cáo buộc về nhân tố Trung Quốc. Tháng 10/2015, Min Zaw Oo, một quan chức cấp cao có liên kết với Trung tâm Hòa bình Myanmar được chính phủ hậu thuẫn, đã buộc Trung Quốc tội khuyến khích các lực lượng dân quân sắc tộc không ký kết NCA trừ phi MNDAA được phép tham gia. Ông cũng cáo buộc rằng Đặc phái viên của Bắc Kinh Sun Guangxiang đã gây áp lực buộc Quân đội nhà nước Wa thống nhất và Tổ chức độc lập Kachin không ký NCA về những điều khoản rằng các quan sát viên phương Tây và Nhật Bản được đưa vào trong tiến trình hòa bình. Các quan chức ở Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này, và Min Zaw Oo sau đó đã tuyên bố rằng những phát biểu của ông đã bị đưa tin sai. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đã phản đối việc “quốc tế hóa” những tranh chấp ở khu vực biên giới. Tháng 9/2015, UWSA tuyên bố rằng họ đã hứa với Chính quyền Vân Nam không dính líu tới các nước phương Tây hoặc Nhật Bản trong các xung đột gần biên giới Myanmar-Trung Quốc và rằng do đó họ có thể không ký kết NCA. Cuối cùng, chỉ 8 nhóm sắc tộc vũ trang ký kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc vào ngày 15/10/2015, không có nhiều nhóm khác, bao gồm các thành viên của Nhóm phối hợp ngừng bắn toàn quốc mà đã giúp soạn thảo ra thỏa thuận này. Chính phủ Myanmar mới sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, đặc biệt là sự thiếu minh bạch dọc theo biên giới Myanmar-Trung Quốc.

Mối quan hệ kinh tế Myanmar-Trung Quốc: Thay đổi những hình thái không cân xứng 

Những cải cách chính trị của Myanmar đã bắt đầu làm thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế quốc tế của nước này. Dưới sự cầm quyền của SLORC/SPDC, thương mại quốc tế của Myanmar đã bị giảm sút bởi những lệnh trừng phạt kinh tế, khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, viện trợ và đầu tư. Sự phụ thuộc này bị làm trầm trọng thêm bởi cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Myanmar, sự phụ thuộc nặng nề vào khai thác nguồn tài nguyên và thiếu cơ sở sản xuất rộng rãi. Việc mở cửa biên giới Myanmar-Vân Nam vào tháng 10/1988 để thông thương đã dẫn tới một sự gia tăng đáng kể trong thương mại xuyên biên giới. Vào năm 1995, thương mại hàng hóa song phương kỷ lục giữa Myanmar và Trung Quốc (trừ Hong Kong và Macau) tăng gấp gần 3 lần từ 267 triệu USD lên 767 triệu USD. Sau thời kỳ suy thoái kinh tế khu vực châu Á năm 1997, thương mại song phương chính thức thu hẹp lại trước khi tiếp tục tăng trở lại, vượt mức 2 tỷ USD vào năm 2007 và 4 tỷ USD vào năm 2010. Từ năm 1988 đến năm 2010, thương mại chính thức với Trung Quốc trung bình xấp xỉ 19% tổng thương mại chính thức của Myanmar, khiến nước này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, sau đó là Thái Lan (18,9%) và Singapore (15,6%). Tuy nhiên, những con số này đã nói giảm đáng kể hoạt động kinh tế của Myanmar-Trung Quốc vì chúng không tính đến thương mại hợp pháp không được đưa tin hoặc thương mại bất hợp pháp đang phát triển đối với hàng lậu thuế như vũ khí, ma túy, gỗ, ngọc bích và các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thương mại thị trường chợ đen ước tính đạt mức cao, bằng 105% thương mại chính thức năm 1990, khoảng 70% trong nửa cuối của thập niên 90 và khoảng 50% năm 2005.

Xuất khẩu chính thức của Myanmar sang Trung Quốc phần lớn gồm có nguyên vật liệu thô, đặc biệt là khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, gỗ tếch và các loại gỗ cứng khác và khoáng sản, trong khi phần lớn hàng nhập khẩu chính thức của nước này từ Trung Quốc bao gồm hàng công nghiệp, thiết bị điện tử, máy móc, xe cộ và thép. Nhiều hàng nhập khẩu trong số này – đặc biệt là máy móc và thiết bị điện tử hoàn chỉnh – được mua bởi các hãng của Trung Quốc hoạt động bên trong Myanmar. Một phần đáng kể viện trợ phát triển của Trung Quốc cho Myanmar theo hình thức tín dụng xuất khẩu cho các công ty Trung Quốc thắng thầu đối với các dự án ở Myanmar, giúp chúng hạn chế được những rủi ro về tỷ giá hối đoái và dòng chảy tiền mặt. Hơn nữa, nhiều công ty trong số này là những doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước mà đã đi theo chỉ đạo “bước ra toàn cầu” của Chính phủ Trung Quốc bằng cách thiết lập các hoạt động ở nước ngoài. Thông qua tín dụng xuất khẩu, Trung Quốc có khả năng trợ giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc và thúc đẩy tính cạnh tranh của chúng ở Myanmar.

Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế hứa hẹn làm thay đổi ảnh hưởng kinh tế tương đối của Trung Quốc ở Myanmar trong dài hạn hơn. Một chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á đã sử dụng một mô hình trọng lực để nghiên cứu tiềm năng thương mại của Myanmar trong một bài viết hồi tháng 1/2013. Mô hình này ước tính rằng từ năm 2005 đến năm 2010, xuất khẩu chính thức của Myanmar chỉ chiếm 15% tiềm năng xuất khẩu của nước này, phần lớn bởi vì không có thương mại với các nền kinh tế phát triển. Điều này cho thấy rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể thúc đẩy rất lớn xuất khẩu của Myanmar, miễn là Myanmar phát triển năng lực sản xuất đầy đủ. Kể từ khi nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ vào năm 2012, thương mại hàng hóa song phương giữa Mỹ và Myanmar tăng lên nhưng vẫn khiêm tốn, tăng từ 66 triệu USD năm 2012 lên 175,7 triệu USD năm 2013 và 185,6 triệu USD năm 2014. Thương mại hàng hóa với Liên minh châu Âu cũng tăng lên, đạt 567 triệu euro trong năm 2013 và 885 triệu euro trong năm 2014. Những con số này vẫn thấp hơn nhiều so với vị trí của Trung Quốc trong hồ sơ thương mại của Myanmar. Một phần là do các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì, đáng chú ý là Mỹ cấm tiến hành kinh doanh với những người nằm trong Danh sách các kiều dân được chỉ định đặc biệt tại Myanmar và giao dịch thương mại với quân đội. Tuy nhiên, tuyên bố của Washington vào tháng 12/2015 rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ được cho phép sử dụng các cảng, các tuyến đường cao tốc thu phí và sân bay ở Myanmar (ngay cả nếu điều đó dẫn tới giao dịch có liên quan tới những cá nhân nằm trong “danh sách đen”) sẽ có khả năng khuyến khích nhiều doanh nghiệp hơn bước vào thị trường Myanmar. Các nhà hoạch định chính sách ở Myanmar ý thức được rằng nước này vẫn thiếu các điều luật thương mại mạnh mẽ, khiến cho các công ty từ các nền kinh tế phát triển khó có thể tiến vào Myanmar, và họ mong đợi rằng một môi trường điều tiết được cải thiện sẽ thu hút thương mại và đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

 

Nhiều chuyên gia mà nhóm tác giả phỏng vấn tại Myanmar nhấn mạnh rằng vì các biện pháp trừng phạt nên Myanmar đã buộc phải dựa vào Trung Quốc do cần phải làm vậy chứ không phải được lựa chọn, dẫn tới sự phụ thuộc quá mức. Một số người được phỏng vấn bày tỏ sự tức giận về cái mà họ miêu tả là sự hăm dọa về kinh tế của Trung Quốc. Một người tham gia phỏng vấn trích dẫn lãi suất tương đối cao và kỳ hạn trả nợ ngắn cho các khoản vay phát triển mà Trung Quốc đề nghị đem lại cho Myanmar và than phiền rằng những điều này không giống với điều mà những nước khác như Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản đưa ra.

Các mối quan hệ hạn chế về ngoại giao và kinh tế của Myanmar dưới sự quản trị của SLORC/SPDC đem lại cho Trung Quốc những lợi thế đáng kể của kẻ tiên phong. Với sự cạnh tranh nước ngoài tương đối ít, các công ty Trung Quốc – được trợ giúp bởi các chính sách đầu tư nước ngoài chủ động của Bắc Kinh, các mạng lưới kinh doanh rộng lớn mang tính sắc tộc và mối quan hệ thân thiết giữa giới chức trách Trung Quốc và chính phủ quân sự – đã có nhiều thời gian hơn để tích lũy kiến thức, các nguồn lực và mối quan hệ nhằm giành được một vị trí mang tính chi phối trong nền kinh tế Myanmar. Những lợi thế như vậy không có khả năng biến mất trong bất kỳ thời gian nào trước mắt, nhưng khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ và doanh nghiệp nước ngoài bước vào thị trường Myanmar nhiều hơn, thì các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày một tăng, thúc đẩy cải tiến và tính hiệu quả. Đồng thời, dân chủ hóa dần dần có nghĩa rằng các công ty và người tiêu dùng Miến Điện sẽ có khả năng tiến hành kinh doanh với các đối tác nước ngoài theo những điều kiện có lợi hơn.

 

Những lợi thế kinh tế không cân xứng của Trung Quốc được biểu hiện không chỉ về thương mại và viện trợ, mà còn cả về đầu tư. Đầu tư có lẽ là nhạy cảm hơn đối với mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc vì trong khi sự bất công được nhận thấy rõ trong thương mại và viện trợ gây ra sự tức giận trong số những bên tham gia kinh doanh và chính trị, thì các dự án đầu tư gây tranh cãi của Trung Quốc lại kích động sự phản kháng đáng kể của công chúng. Những cuộc biểu tình đó của dân chúng – và thậm chí cả những tình cảm bài Trung Quốc được thể hiện qua một phương tiện truyền thông ngày càng tự do và ở những nơi mạng lưới xã hội tương đối không bị kiểm duyệt – đã làm gia tăng áp lực chính trị lên Chính phủ Myanmar để điều chỉnh các chính sách về đầu tư của Trung Quốc. FDI của Trung Quốc ở Myanmar được tập trung vào các ngành công nghiệp khai khoáng và khu vực năng lượng. Cách thức mà trong đó nhiều dự án trong số này được theo đuổi đã gây ra những tranh cãi về quyền sở hữu tài sản, các điều kiện làm việc, môi trường và tính ổn định của các lợi ích cục bộ.

Các dự án FDI quy mô lớn của Trung Quốc dựa vào đất đai bị chiếm đoạt, đẩy người dân làm nông nghiệp ở địa phương khỏi chỗ ở, làm trầm trọng thêm tình trạng phân cực hóa xã hội và thậm chí gây ra sự bất ổn chính trị. Một ví dụ đáng chú ý là dự án khai thác đồng Letpadaung Taung, dự án đã thu hồi tài sản của người dân địa phương mà không có quy trình xét xử theo trình tự pháp luật hay đền bù thỏa đáng, làm xấu đi những điều kiện về nhân quyền của các sắc tộc thiểu số và những người nông dân sinh sống gần mỏ này. Việc tái định cư cưỡng bức với khoản đền bù chưa bằng mức giá thị trường hợp lý cũng là một vấn đề xung quanh đường ống dẫn khí đốt Shwe được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cấp vốn. Phải nói là có những mô tả khác nhau cho trường hợp này và các trường hợp khác, nhưng những sự xâm phạm nghiêm trọng tài sản và nhân quyền đã được người dân địa phương và những người tán thành NGO quốc tế thuật lại. Những sự vi phạm như vậy cũng bao gồm cả quyền lao động, với những tin tức về các điều kiện lao động cưỡng bức và nguy hiểm, coi nhẹ các quy chế về giờ làm việc và lương tối thiểu, và hăm dọa người lao động bao gồm việc tống tiền. Bất chấp những vi phạm được đưa tin như vậy, cũng có những phàn nàn rằng các dự án FDI của Trung Quốc gần như chẳng làm được gì để tạo ra công ăn việc làm ở địa phương, mà thay vào đó đem đến số lượng lớn người lao động Trung Quốc. Những người dân địa phương cáo buộc rằng điều này làm xấu đi các điều kiện kinh tế của họ trong khi đó “làm méo mó môi trường văn hóa của Myanmar”. Ngay cả khi người lao động Myanmar được tuyển dụng, họ không có xu hướng nhận được sự đối xử tương tự như các công nhân Trung Quốc, hiếm khi được đền bù vì những vụ vi phạm luật lao động và hiếm khi được đề nghị công việc dài hạn.

Các dự án FDI trong các ngành công nghiệp năng lượng và khai khoáng cũng có thể hủy hoại môi trường địa phương, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đe dọa phương kế sinh nhai của người dân địa phương. Mỏ đồng tại Letpadaung và các mỏ ngọc bích ở Hpakant thuộc bang Kachin đã gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, hủy hoại đất đai có thể canh tác và dẫn tới việc người dân sống gần đó buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong trường hợp ở Hpakant, nơi mà ở đó 90% ngọc bích của thế giới được khai thác – phần lớn là cho Trung Quốc – những vụ lở đất được tạo ra do đất đá thải trong khai thác chất thành đống đã giết chết rất nhiều người dân và hủy hoại các khu dân cư gần kề, bao gồm cả thảm họa ngày 22/11/2015 khiến hơn 100 người thiệt mạng. Dự án khí đốt Shwe đã khiến người ta đốt gỗ lấy nhiên liệu và xây dựng các đường ống dẫn xuyên qua các khu rừng dẫn tới nạn phá rừng và phá hủy sự đa dạng sinh học. Những hoạt động của đường ống dẫn mà chưa đạt được các tiêu chuẩn an toàn quốc tế có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đất, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái đối với nghề cá, trồng trọt và sinh hoạt hàng ngày. Trước khi dự án này bị tạm ngưng vào năm 2011, việc xây dựng đập thủy điện Myitsone đã phá hủy đất trồng trọt, các nguồn đánh bắt cá và rừng. Tác động tiêu cực của việc phá hoại môi trường như vậy ở các cộng đồng địa phương đã tạo ra một cơ sở cho hoạt động của dân chúng chống lại những dự án như vậy.

 

Do đó, “điệp khúc” phổ biến ở Myanmar là các khoản đầu tư của Trung Quốc không hỗ trợ sự phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ hay các cơ hội việc làm dài hạn, mặc dù tạo ra những tác động tiêu cực dài hạn đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Kết quả là, nhiều tiếng nói ở Myanmar đã yêu cầu phải đàm phán lại và thậm chí là hủy bỏ các hợp đồng của Trung Quốc. Dự án thủy điện Myitsone là một ví dụ thường được trích dẫn vì hợp đồng của nó bị cáo buộc cho phép truyền 90% sản lượng điện của đập này sang Trung Quốc. Hơn nữa, các hợp đồng FDI của Trung Quốc bị cáo buộc là đã không tuân thủ các quy định về môi trường, dọn sạch các chất gây ô nhiễm và đóng thuế cho chính phủ quốc gia.

Chính quyền Thein Sein toan tính giải quyết những vấn đề này bằng cách tạm ngừng các dự án, đàm phán lại các hợp đồng và chuẩn bị để Myanmar trở thành một thành viên của Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). Tuy nhiên, một chiến lược như vậy đem lại những rủi ro bị giới chức trách hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc trả đũa bằng cách làm chậm lại hoặc rút đầu tư ở các khu vực và địa điểm khác nhau. Myanmar khó có thể chịu được những đòn trả đũa như vậy do nước này thực sự rất cần vốn để hiện đại hóa nền kinh tế. Myanmar cũng khó có thể thực hiện một chiến lược cố kết đối với FDI của Trung Quốc vì tính phức tạp của các bên tham gia ở phía Myanmar. Các nhóm lợi ích bất di bất dịch nào đó, như những kẻ thân hữu có quan hệ với quân đội, quan tâm nhiều hơn đến việc họ kiếm được nhiều tiền bằng cách bất chính và bảo vệ chính những khoản lợi nhuận từ trên trời rơi xuống của họ chứ không phải là nhìn thấy sự cải thiện trong các chính sách lao động và môi trường hoặc đảm bảo quy trình xét xử theo trình tự và sự trợ giúp của pháp luật cho người dân địa phương. Thông thường, các khu vực giàu tài nguyên ở Myanmar chồng lấn với những khu vực nằm trong quyền kiểm soát của các nhóm cũng có dính líu tới thương mại trái phép và không quan tâm tới việc chia sẻ các lợi ích hay phối hợp giám sát với giới chức trách trung ương. Ranh giới mong manh của hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, và sự giàu có bất chính đáng ngờ của những công ty quan trọng về mặt kinh tế như Asia World, đã thể hiện thành việc duy trì các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự thận trọng từ các công ty nước ngoài, cho đến nay hầu như không có đối tác đầu tư nào ở lại những khu vực này ngoài Trung Quốc.

 

Ban lãnh đạo Myanmar rõ ràng dự định cải cách và mở cửa nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn từ các đối tác khác nhau. Động lực này vốn đang đem lại cho Myanmar nhiều lựa chọn hơn, cho phép các nhà chức trách tìm kiếm các tiêu chuẩn cao hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), xây dựng năng lực lớn hơn và sự phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, xét tới quy mô và vị trí địa lý của Trung Quốc, nước này vẫn sẽ là một đối tác thương mại kiêm nhà đầu tư hàng đầu đối với Myanmar. Mối quan hệ kinh tế căng thẳng với Trung Quốc không nằm trong các lợi ích của Myanmar. Tuy nhiên, khi Nay Pyi Taw và giới chức trách địa phương đa dạng hóa các nguồn vốn cho những dự án phát triển, và khi họ cải thiện môi trường điều tiết bao gồm hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á, thì khuôn khổ pháp lý cho đầu tư tại Myanmar cần hội tụ hơn nữa với các tiêu chuẩn quốc tế.

Kết luận: Các tiêu chuẩn hợp tác quốc tế

Chính sách ngoại giao song phương, an ninh biên giới và các mối quan hệ kinh tế của Myanmar và Trung Quốc không theo tiêu chuẩn quốc tế vì Myanmar đã bị quốc tế cô lập và phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Với việc cải cách và mở cửa, Myanmar đang có được những lựa chọn nhưng, giống như các nước ASEAN anh em của mình, sẽ phải tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc đối phó với một nước láng giềng lớn hơn, hùng mạnh hơn. Các tiêu chuẩn quốc tế là trọng yếu cho các mối quan hệ ổn định, có lợi và bền vững giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của họ. Đây là một chủ đề ngày càng nổi bật trên khắp Đông Nam Á mà mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc như vậy sẽ có những ảnh hưởng đáng kể, không chỉ đối với an ninh và sự phát triển khu vực mà còn là một dấu hiệu về những ý định của Trung Quốc trong khu vực và sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Danh sách những điều cần làm cho chính phủ mới của Myanmar dài đến mức mà sự trợ giúp từ bên ngoài sẽ được chào đón. Sự can dự quốc tế có thể giúp hạn chế được khó khăn thực chất và tính phức tạp lịch sử của nhiều thách thức về quản trị. Đối với mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc nói riêng, các tiêu chuẩn quốc tế của sự tôn trọng lẫn nhau, tính minh bạch và trách nhiệm xã hội có thể cải thiện hoạt động ngoại giao song phương, an ninh biên giới và các mối quan hệ kinh tế.

Bắc Kinh và Nay Pyi Taw cần phải giải quyết những sự nghi ngờ đáng kể giữa họ đối với việc kéo dài những khái niệm ngoại giao truyền thống như không can thiệp của Trung Quốc, tính trung lập của Myanmar, và thậm chí là “cùng chung sống hòa bình”. Ngoại giao song phương được thực hiện trong phạm vi các tiêu chuẩn quốc tế về sự tôn trọng lẫn nhau sẽ làm giảm bớt mức độ giận dữ và hiểu lầm hiện tại. Đặc biệt là, chẳng có ích gì cho Bắc Kinh khi bị coi là chống lại sự mở cửa hoặc bảo vệ phạm vi ảnh hưởng ở Myanmar, và Myanmar cũng chẳng được lợi ích gì khi bị coi là khiến các cường quốc chủ chốt mâu thuẫn với nhau. Trong sự kết nối này, điều quan trọng hơn cả là việc chính phủ mới của Myanmar nói rõ rằng việc nâng cấp mối quan hệ với Mỹ không diễn ra bằng sự đánh đổi mối quan hệ với Trung Quốc. Quá trình chuyển giao của Myanmar sẽ nằm trong cột “hợp tác” với mối quan hệ Mỹ-Trung, cùng với sức khỏe toàn cầu và môi trường, chứ không phải là cột “kình địch chiến lược” với hoạt động tình báo thông tin mạng và Biển Đông. Myanmar không phải là phần phụ hay con tốt chiến lược của bất kỳ nước nào, và lịch sử của nước này cho thấy rằng người dân của họ sẽ bảo vệ các bản sắc và lợi ích quốc gia của họ. Việc Myanmar cải cách và mở cửa có thể có liên quan đến việc giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, nhưng điều đó khó có thể đồng nghĩa với việc Nay Pyi Taw sẽ trở nên phụ thuộc vào Mỹ. Mỹ và Myanmar không có ý định bước vào một liên minh an ninh dính líu đến những giao dịch vũ khí lớn hoặc các cuộc diễn tập huấn luyện. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với giao dịch vũ khí vẫn được duy trì và các cuộc đối thoại quân sự Mỹ-Myanmar phần lớn tập trung vào việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và các mối quan hệ dân sự-quân sự. Có tiềm năng cho sự phối hợp Myanmar-Mỹ-Trung Quốc và thậm chí là sự hợp tác chủ động trong những lĩnh vực như chia sẻ thông tin và các hoạt động ngăn chặn có liên quan đến chống cướp biển, chống khủng bố và chống buôn bán ma túy.

Để sự hợp tác như vậy được thực hiện, và nhằm hạn chế những vấn đề về niềm tin và trách nhiệm xung quanh các mối quan hệ qua lại phức tạp trên khắp biên giới Myanmar-Trung Quốc, sự minh bạch lớn hơn là cần thiết. Mặc dù việc ký kết một Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc của một số nhóm vũ trang sắc tộc là một diễn biến tích cực, nhưng việc đưa vào đó tất cả các nhóm có liên quan là trọng yếu. Trung Quốc cần phải xem xét việc hoan nghênh sự tham gia của quốc tế trong việc giám sát tiến trình ngừng bắn. Điều này có thể làm giảm bớt việc giơ đầu chịu báng và lan truyền tin đồn, trong khi đó làm gia tăng áp lực mang tính quy chuẩn (chứ không phải là sự hăm dọa bằng quân sự hay kinh tế) để đạt được một thỏa thuận lâu dài. Tính minh bạch cũng cần là một nhân tố tích cực cho sự phối hợp tốt hơn giữa các bên tham gia có lợi ích trong sự ổn định ở các khu vực biên giới: quân đội, chính phủ được bầu lên và các nhóm sắc tộc địa phương ở phía Myanmar, các quan chức Bắc Kinh, giới chức trách ở Vân Nam và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở phía Trung Quốc.

Trong quan hệ kinh tế, Bắc Kinh có thể khuyến khích hơn nữa các công ty Trung Quốc ở Myanmar thực hiện các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều này không chỉ cải thiện hình ảnh của Trung Quốc mà còn giúp đảm bảo sự ổn định và lợi ích trong dài hạn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc. Tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội – vốn đã được một số công ty ở Myanmar chấp nhận và có thể được dùng làm cơ sở cho chính sách ASEAN về CSR – sẽ là một sự tham chiếu hữu ích. Hàn Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập Viện nghiên cứu phát triển Myanmar và một thỏa thuận hợp tác ba bên giữa KOICA, USAID và JICA có thể giúp thúc đẩy các tiêu chuẩn cao cho việc xây dựng năng lực, cho vay quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Những tiêu chuẩn như vậy ngày càng trở nên thích hợp xét tới những nỗ lực của Myanmar tự do hóa môi trường điều tiết của họ.

 

Trong các cuộc phỏng vấn của nhóm tác giả với các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích ở Nay Pyi Taw và Yangon, chủ đề trở đi trở lại là tầm quan trọng của các chuyến thăm cấp cao như là sự chỉ báo cho mối quan hệ Myanmar-Trung Quốc. Mặc dù Tập Cận Bình đã tiếp đón Thein Sein ở Bắc Kinh và tới thăm Myanmar năm 2009 với tư cách là Phó chủ tịch nước, nhưng ông đã không tới thăm Myanmar kể từ khi đảm nhận chức vụ cao nhất. Chủ tịch mới đây nhất của Trung Quốc tới thăm chính thức Myanmar là Giang Trạch Dân vào năm 2001. Xét tới việc Myanmar đã đón tiếp rất nhiều nhà lãnh đạo quốc tế kể từ năm 2011 – gồm có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Úc Tony Abbott và những người đứng đầu các nước ASEAN anh em – sự vắng mặt của ông Tập là đáng ngờ và được nhiều người Myanmar diễn giải là một sự coi thường. Với việc có một chuyến thăm chính thức tới Myanmar vào những ngày đầu của chính quyền mới, Tập Cận Bình sẽ giúp xóa đi những nhận thức như vậy, phát đi tín hiệu về cam kết của Trung Quốc với quan hệ đối tác chiến lược của nước này với một Myanmar đang cải cách và mở cửa, và chuẩn bị cho một mối quan hệ hợp tác tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Jonathan T. Chow, phó giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Ma Cao, Trung Quốc. Leif Eric Easley thuộc Đại học Ewah, Hàn Quốc và là thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan. Bài viết được đăng trên Viện Nghiên cứu Chính sách Asan.

Văn Cường (gt)