“Đại ca Fu” là ai?

Trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Campuchia, “Đại ca Fu” là một cái tên nổi đình đám. “Đại ca Fu” có tên đầy đủ là Fu Xianting, một cựu quan chức trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tướng mạo thấp đậm, chất giọng ồm ồm và có quan hệ rất tốt với chính giới cấp cao của Campuchia. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài nào ở quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé nhưng có ý nghĩa chiến lược này lại có được những mối quan hệ giá trị như của Fu Xianting. Trong tất cả các sự kiện mang cấp nhà nước ở Campuchia, Fu Xianting luôn quàng một chiếc khăn đỏ gắn phù hiệu vàng, hàm ý thể hiện mối quan hệ với Hun Sen, một nhà lãnh đạo độc tài ở nước này. Mối quan hệ giữa Fu Xianting và Hun Sen gẫn gũi tới mức trưởng đội cận vệ của Hun Sen đã gọi “Đại ca Fu” là “người anh em” và cam kết “tạo hành lang thông thoáng cho mọi hoạt động của Fu”. Cũng chính nhờ thế mà Fu Xianting và công ty của ông ta, Unite International, đã giành được dự án biến một trong những vùng biển đẹp nhất củaCampuchia thành khu du lịch trị giá 5,7 tỷ USD. Thương vụ này, cùng với rất nhiều thương vụ khác đã và đang diễn ra ở Campuchia, cho thấy thông qua Fu, Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư những khoản tiền lớn, tiến hành các thỏa thuận ngầm và có những bước đi hậu thuẫn từ lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc để mua chuộc dần Phnom Penh, buộc Phnom Pênh phải phụ thuộc hoàn toàn vào ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Điều này thể hiện rất rõ trong việc Trung Quốc tìm cách khẳng định quyền lực và chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, trong đó có Philippines và Việt Nam, thì Campuchia lại chọn hướng đi khác hẳn, đưa mình thành đối trọng tin cậy nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Quốc gia nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 15 triệu dân này đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu đá địa chính trị căng thẳng nhất thế giới hiện nay. Với lá phiếu phủ quyết trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức ngoại giao hàng đầu ở khu vực, Campuchia đang nắm trong tay vũ khí để có thể hành động thay mặt Trung Quốc.

Câu chuyện của “Đại ca Fu” còn cho thấy một khía cạnh khác, đó là cách thức mà các công ty tư nhân của Trung Quốc, với sự hỗ trợ ngoại giao từ Bắc Kinh và nguồn lực tài chính dồi dào từ các ngân hàng nhà nước, đang dồn sức chi phối lĩnh vực thương mại của Campuchia để tạo dựng nền tảng cho các tham vọng chính trị và chiến lược của Trung Quốc. Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan khẳng định, “Nhắc đến tiền, Trung Quốc là số một. Quyền lực của Trung Quốc ngày càng lớn… chúng tôi chọn Trung Quốc là vì các khoản đầu tư của họ không kèm theo các điều kiện”.

Theo cách giải thích của ông Phay Siphan, “một số khoản đầu tư của phương Tây thường đi kèm với các phụ lục”. “Họ nói rằng chúng tôi phải có dân chủ tốt. Chúng tôi phải có nhân quyền tốt. Nhưng ở Campuchia, chúng tôi đã trải qua nội chiến và chúng tôi hiểu rẳng nếu không có thức ăn lấp đầy dạ dày, anh không thể có nhân quyền”. Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan phân trần khi lý giải tại sao Campuchia thích nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc hơn là từ phương Tây. Điều tra của Financial Times còn phát hiện ra rằng các công ty của Trung Quốc đang được hưởng quyền ưu đãi đặc biệt từ giới chức lãnh đạo Campuchia, như được cấp những phần đất vượt khung quy phạm pháp luật, được hưởng lợi lớn từ các nghị định của nhà nước và nhận được sự hậu thuẫn chính thức từ chính quyền các cấp trước những cuộc biểu tình phản đối của nông dân mất đất.

“Đại ca Fu” xuất hiện từ khi nào?

Phân tích các văn kiện chính thức của Nhà nước Campuchia cho thấy trong một số trường hợp, đích thân Hun Sen đã đứng ra bảo lãnh các khoản đầu tư của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này đã cầm quyền 31 năm trên cả cương vị Thủ tướng lẫn Chỉ huy Quân sự Tối cao. Trong một báo cáo công bố năm nay, tổ chức Global Witness của Anh cho biết nhà lãnh đạo Campuchia đang cầm trịch một “mạng lưới các giao dịch ngầm mang tính gia đình trị”, cho phép cá nhân ông và gia đình thu gom cổ phần trong các ngành công nghiệp hàng đầu để “bảo vệ pháo đài chính trị của thủ tướng”. Chính phủ Campuchia tất nhiên đã cáo buộc Global Witness có âm mưu bôi nhọ, và từ chối bình luận về các cáo buộc trên. Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan từ chối mọi cuộc điện thoại liên tiếp gọi đến, cũng như không hồi âm các email hỏi về báo cáo của Global Witness.

Sự trợ giúp của cá nhân ông Hun Sen có ý nghĩa rất quan trọng để giúp “Đại ca Fu”, 67 tuổi, dễ dàng đạt được các mục tiêu đề ra. Trong bức thư hồi tháng 10/2009, đích thân Thủ tướng Hun Sen đề dòng chữ chúc mừng ông Fu “thành công mỹ mãn” trong dự án phát triển khu vực bờ biển rộng 33 km2 có thời hạn 99 năm, mặc dù một phần diện tích thuộc dự án này nằm trong phần đất bảo tồn của công viên quốc gia. Không chỉ thế, Thủ tướng Hun Sen còn thành lập hội đồng đặc biệt với các đại diện đến từ 7 bộ để hỗ trợ công tác thực hiện dự án. Trong bức thư, Thủ tướng Hun Sen viết: “Tôi bày tỏ lời cảm ơn của cá nhân tôi và sự ủng hộ của tôi đối với công ty của ngài về việc thực hiện dự án du lịch này”. Ngày đề trên bức thư cách thời điểm công ty Unite International của “Đại ca Fu” tặng 220 xe máy phân khối lớn cho đội vệ sĩ của Thủ tướng Hun Sen khoảng 9 tháng. Đây là một đơn vị tinh nhuệ với khoảng 3.000 quân, được trang bị xe bọc thép, bệ phóng tên lửa và súng trường do Trung Quốc sản xuất, với nhiệm vụ bảo vệ gia đình Thủ tướng Hun Sen. Đây cũng là món quà mới nhất trong hàng loạt món quà hậu hĩnh được “Đại ca Fu” hào phóng tặng cho đơn vị này. Trong bài viết về lễ trao tặng dàn môtô đăng trên trang web của công ty Unite International, Phó Thủ tướng Campuchia Sok An được dẫn lời là đã bày tỏ “cảm ơn Unite Group dành tặng món quà gồm 220 môtô cùng một số khoản đóng góp trước đó để hỗ trợ cho đội cận vệ của Thủ tướng Hun Sen”. Ông Sok An nhấn mạnh Unite Group “luôn làm tròn nhiệm vụ hỗ trợ chính phủ hoàng gia”.

Trên thực tế, Unite Group đã hình thành một “liên minh thương mại-quân sự” với đội cận vệ của Hun Sen từ tháng 4/2010, một sự dàn xếp đặc biệt đối với một công ty nước ngoài đang hoạt động ở Campuchia. Tại buổi lễ ra mắt liên minh, Trung tướng Hing Bunheang, Chỉ huy đội cận vệ và là một trong những tay chân thân cận nhất của Thủ tướng Hun Sen, đã không tiếc lời vàng ngọc ca ngợi “Đại ca Fu”. Trung tướng Hing Bunheang được dẫn lời trên một chương trình lồng tiếng Trung Quốc: “Ngài Fu là người anh em của chúng ta trong rất nhiều năm, người đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Campuchia. Công việc kinh doanh của Ngài Fu cũng là công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo ra hành lang an toàn cho tất cả các hoạt động của ông”.

Những sự kiện này đã đánh dấu những thành công trong sự nghiệp kinh doanh của “Đại ca Fu”, người đã có ít nhất 10 năm phục vụ trong quân ngũ trước khi chuyển sang làm quản lý và giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Ông ta khởi đầu các mối quan hệ với giới chức Campuchia từ đầu những năm 1990 khi đứng ra tổ chức triển lãm về máy móc nông nghiệp của Trung Quốc. Khi đó, ông Fu mới chỉ giữ một vị trí “quèn” trong ủy ban của Hiệp hội Liên lạc Thân hữu Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cơ quan có nhiệm vụ trình báo cáo lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hồ sơ thành tích kinh doanh của Fu ở Trung Quốc chẳng có gì nổi bật, ngoài những giấy tờ ghi nhận ông ta là “đại diện pháp lý cho Tian Yi Hua Sheng Technology ở Bắc Kinh, một công ty chỉ có vốn đăng ký khoảng 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 300.000 USD)”.

Tuy nhiên, ở Phnom Penh, “Đại ca Fu” có lẽ là doanh nhân Trung Quốc thành đạt và có ảnh hưởng lớn nhất, một cố vấn chính thức cho Hun Sen và được nhận rất nhiều giải thưởng danh dự của nhà nước cũng như quân đội Campuchia. Mặc dù có lớp vỏ ngoài hoành tráng và các mối quan hệ thân tình với nhà lãnh đạo cao nhất của Campuchia, nhưng những dự án đầu tư của “Đại ca Fu” đang gây rất nhiều tranh cãi.

Sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc của Campuchia

Trung Quốc đang rót tiền vào Campuchia với quy mô và tốc độ chưa từng có, không phải ai cũng được hưởng lợi từ các thương vụ đầu tư nhiều tỷ USD. Các nhóm bảo vệ môi trường ráo riết phản đối việc công ty Unite International được giao phần đất nằm trong Công viên Quốc gia Ream, một khu vực bảo tồn theo sắc lệnh hoàng gia. Nhóm đấu tranh nhân quyền ở Campuchia Licadho cho hay đã có hàng trăm hộ nông dân bị đuổi ra khỏi nhà. Dân làng đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình để phản đối hoạt động của Unite International. Các cuộc biểu tình phản đối đã buộc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ra một sắc lệnh hồi tháng 5/2010 thu hồi giấy phép hoạt động của Unite International liên quan đến dự án phát triển Vịnh Vàng Bạc, được đặt theo tên của khu nghỉ dưỡng. Toàn bộ trách nhiệm quản lý khu đất được giao cho Bộ Môi trường Campuchia, nhưng không rõ liệu dự án có thực sự bị đình lại hay không. Sau khi có văn bản trên, ông Fu từ chối tiếp nhận mọi liên lạc bằng điện thoại hay email hỏi về việc thu hồi giấy phép. Ông ta chỉ quả quyết công ty của mình được Chính phủ Hun Sen cấp giấy phép vì ông là doanh nhân có tiếng ở Campuchia, chứ không liên quan gì đến “liên minh thương mại-quân sự” với đội cận vệ của Thủ tướng Hun Sen. Tuy nhiên, sang đầu năm nay, một công ty con của Unite International - Công ty du lịch Yeejia Tourism - đã loan báo một số giao dịch liên quan đến dự án, báo hiệu các hoạt động có thể sẽ sớm được nối lại.

Tất nhiên, nhìn lại lịch sử, Thủ tướng Hun Sen không phải lúc nào cũng ủng hộ Trung Quốc. Trước đây, nhà lãnh đạo này từng có lần gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi tội ác”, khi Bắc Kinh ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,7 triệu người Campuchia hồi những năm 1970. Nhưng khoảng hơn 15 năm trở lại đây, Hun Sen đột ngột thay đổi thái độ và trở thành người ủng hộ đáng tin cậy nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thể hiện qua các hành động như thúc đẩy quan hệ quân sự, bán tài sản quốc gia cho các công ty Trung Quốc và ca ngợi Bắc Kinh là “người bạn đáng tin cậy nhất”. Mối quan hệ nồng ấm này đã thu hút sự chú ý của Mỹ, nhất là khi Tổng thống Barack Obama tới Phnom Penh dự Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2012. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới thăm Campuchia. Khi đến thăm Tòa nhà Chính phủ, ông Obama đã giật mình khi nhìn thấy hai biểu ngữ lớn ghi dòng chữ: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm”. Nhưng mọi việc đều có lý do của nó.

Trong vòng 20 năm kể từ năm 1992 khi phương Tây bắt đầu can dự vào tiến trình thúc đẩy dân chủ ở Campuchia, các quốc gia tài trợ đã chuyển giao khoảng 12 tỷ USD thông qua các khoản cho vay và viện trợ nhân đạo. Theo ông Sebastian Strangio, tác giả cuốn Campuchia của Hun Sen, phần lớn số tiền này không được chi cho công tác phát triển, mà được dùng để trả lương cho các nhà tư vấn cấp cao. Trong khi đó, theo số liệu của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, một cơ quan nghiên cứu, thì chỉ trong một thập kỷ tính đến năm 2013, một mình Trung Quốc đã đầu tư tới 9,6 tỷ USD vào Campuchia, bên cạnh con số hơn 13 tỷ USD đang chờ được rót thêm.

Nhưng sức hút của Trung Quốc không chỉ tới từ tiềm lực đầu tư mạnh. Các công ty của nước này, được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và một số thể chế quyền lực khác hậu thuẫn, luôn hoàn tất các dự án cơ sở hạ tầng rất nhanh và không bao giờ lấy lý do nhân quyền hay môi trường để trì hoãn. Đơn cử như dự án xây đập Hạ Sesan 2 có tổng giá trị đầu tư 800 triệu USD do Công ty thủy điện sông Lan Thương thực hiện. Đập có công suất thiết kế 400 MW, ngay từ đầu đã vấp phải làn sóng biểu tình của hàng nghìn người dân, những người bị di rời khỏi nơi ở và mất sinh kế. Tuy nhiên đến nay, mọi công việc xây dựng vẫn được tiến hành và đập sẽ được hoàn thành theo đúng tiến độ dự kiến vào năm 2019. Theo số liệu ước tính của Trung tâm Nhân quyền Campuchia, một tổ chức chủ yếu nhận tiền tài trợ từ phương Tây, trong tổng số 8 triệu ha đất được Chính phủ Campuchia giao cho các công ty Trung Quốc từ năm 1994 đến 2012, có gần 60% (tương đương 4,6 triệu ha, lớn hơn cả diện tích Hà Lan) chỉ phục vụ và mang lại các lợi ích cho phía Trung Quốc.

Sự kết hợp giữa các giao dịch bí mật và những mối quan hệ thân cận với giới lãnh đạo chóp bu của Campuchia rõ ràng là những thẻ bài quan trọng khiến Thủ tướng Hun Sen và bộ máy hành pháp yên tâm phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc, trong đó có hai dự án đầu tư rất lớn. Dự án đầu tiên liên quan đến việc chuyển nhượng 360 km2 đất với tổng giá trị đầu tư 3,8 tỷ USD, do Union Development Group thuộc Wanlong Group thực hiện. Dự án thứ hai liên quan đến việc chuyển nhượng 430 km2 đất, do nhà máy đường Heng Fu Sugar thực hiện với tổng giá trị đầu tư 1 tỷ USD. Heng Fu Sugar là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất của Trung Quốc. Nếu tính gộp hai dự án, tổng diện tích đất được chuyển nhượng lên tới 790 km2, lớn hơn diện tích thủ đô Phnom Penh.

Điều đáng nói là cả hai dự án này đều có diện tích đất được chuyển nhượng vượt quá định mức cho phép theo luật định tại Campuchia, và đã kích động làn sóng biểu tình phản đối của nông dân. Theo quy định, mỗi công ty chỉ được cấp không quá 100 km2 đất. Để lách luật, công ty đường Heng Fu Sugar đã thành lập 5 công ty con để mỗi công ty đứng ra nhận phần đất gần sát với mức quy định. Mặc dù các công ty này có tên thương mại khác nhau (Heng Rui, Heng Yue, Heng Non, Rui Feng và Lan Feng), nhưng các giám đốc điều hành của các công ty này đều đã thừa nhận họ cùng thuộc sở hữu của công ty mẹ Heng Fu Sugar. Ông Tan Jiangxia, đại diện của Heng Fu Sugar tại tỉnh miền Trung Preah Vihear, giải thích bằng cách nào công ty của ông né được các quy định của Campuchia. Ông cho biết: “Điều này có liên quan đến một điều khoản trong luật chuyển nhượng đất đai. Công ty của chúng tôi chỉ được phép nhận dưới 10.000 ha đất, vì thế chúng tôi phải giữ phần đất được cấp cho mỗi công ty con ở mức dưới con số này”.

Một “người bạn tốt” cần có

Những thương vụ đầu tư lớn đã củng cố mối quan hệ của Bắc Kinh với Phnom Penh, nhưng chúng cũng châm ngòi cho những bất đồng chính trị chống lại Trung Quốc khi nước này áp đặt các yêu sách đối với những vùng tranh chấp ở Biển Đông. Với việc Mỹ điều các tàu khu trục trang bị tên lửa chống hạm tới gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, Biển Đông đang trở thành một trong những điểm nóng dễ bùng nổ nhất trên thế giới hiện nay. Khi căng thẳng càng tăng lên, Campuchia càng trở thành quân bài có giá trị sử dụng đối với Trung Quốc. Một trong những giá trị sử dụng đầu tiên là lợi dụng tư cách thành viên của Campuchia trong ASEAN. Do hiệp hội gồm 10 quốc gia này hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận nên sự phản đối của một thành viên cũng có thể ngăn chặn bất kỳ sáng kiến chung nào của cả nhóm.

Campuchia đã sử dụng hiệu quả thẻ bài này để bảo vệ Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 7 vừa qua. Khi đó, ASEAN đã sẵn sàng ra tuyên bố chính thức về phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định rõ là không có cơ sở pháp lý nào theo luật của Liên hợp quốc cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên sau đó, do Campuchia lên tiếng phản đối nên ASEAN chỉ có thể ra được thông cáo chính thức, thay vì tuyên bố chính thức, với nội dung không hề đề cập gì đến phán quyết của Tòa Trọng tài. Cần lưu ý rằng chỉ trước khi ASEAN nhóm họp vài ngày, Trung Quốc đã loan báo cam kết sẽ viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD .

Phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đã đón nhận thông tin về kết quả hội nghị ASEAN với thái độ đầy thỏa mãn và hàm ơn Phnom Penh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh “đánh giá cao” lập trường của Campuchia tại hội nghị, điều mà lịch sử sẽ chứng minh là “đúng đắn”. Vài ngày sau đó, Bắc Kinh hào phóng thông báo thêm một khoản viện trợ nữa trị giá 16 triệu USD giúp Campuchia xây dựng Tòa nhà Quốc hội ở Phnom Penh. Bình luận về những việc này, chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết “kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết chống lại Trung Quốc, nước này đã đề xuất hỗ trợ 600 triệu USD cho Campuchia và đổi lại Campuchia phải hai lần ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh”. Chuyên gia này giải thích thêm: “Campuchia đã được nhận lại rất nhiều. Họ nhận được viện trợ nước ngoài, được xóa nợ và đối với một chính phủ phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài như Campuchia, họ rất cần nhận được hỗ trợ quan trọng từ Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc lại không đặt những câu hỏi về nhân quyền”.

Theo một số văn bản và ban lãnh đạo của một công ty của Trung Quốc, công ty này gần hoàn tất xây dựng một cảng nước sâu ở Campuchia nhờ sự ưu ái của Chính quyền Hun Sen và sự hỗ trợ của PLA. Cảng nước sâu này chỉ cách bờ biển Campuchia khoảng 90 km, nằm trên Vịnh Thái Lan và ở vùng nước đủ sâu (11m) cho các tàu du lịch, tàu chở hàng và tàu hải quân có trọng tải 10.000 tấn ra vào. Vị trí cảng cách vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông khoảng vài trăm km. Giám đốc điều hành Tianjin Union Development Group (UDG), ông Soeng Songang khẳng định: “Cảng đã gần được hoàn thành”. UDG là công ty Trung Quốc, được Chính phủ Campuchia cấp cho vùng đất rộng 360 km2 thuộc tỉnh Koh Kong với thời hạn thuê 99 năm, tổng giá trị 3,8 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, việc một công ty Trung Quốc xây dựng cảng biển nước sâu ở Campuchia là một minh chứng nữa cho thấy tham vọng của Bắc Kinh muốn trở thành một cường quốc biển thống trị ở châu Á. Bắc Kinh không ngừng đẩy mạnh xây dựng, đầu tư và tìm kiếm mở rộng quyền tiếp cận tự do với mạng lưới các cảng biển trong khu vực. Bởi theo như nhận định của chuyên gia về châu Á Geoff Wade thuộc Đại học Quốc gia Australia, “các cảng biển có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc theo đuổi tham vọng thống trị khu vực” của Trung Quốc. Chuyên gia này còn cho biết thêm, Bắc Kinh đang đầu tư phát triển hoặc kiểm soát một chuỗi cảng biển tại Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan), Kyaukpyu (Myanmar), Chittagong (Bangladesh) và một số cơ sở khác (ở Thái Lan và Indonesia). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên, đặt tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Đây là nơi có vị trí chiến lược quan trọng ở lối vào phía Nam Biển Đỏ từ Ấn Độ Dương và là nơi qua lại của khoảng 30% lượng tàu thuyền thế giới.

Hiện chưa có bất kỳ đề xuất nào từ Bắc Kinh nói rằng họ sẽ sử dụng cảng biển mới ở bờ biển phía Tây của Campuchia cho các mục đích quân sự. Tuy nhiên theo chuyên gia Geoff Wade, cảng biển này đủ lớn để chứa hầu hết các tàu và tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc, nếu được yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm rằng ngay từ đầu, UDG đã nhận được sự ủng hộ cả về chính trị và quân sự từ giới chức cấp cao ở Bắc Kinh nên mới có thể tiến hành trót lọt thương vụ chuyển nhượng đất đai lớn bất thường năm 2008, qua đó giúp công ty này nắm quyền kiểm soát tới 20% tổng chiều dài đường bờ biển của Campuchia. Điều này được thể hiện rõ trong những tài liệu mà Financial Times thu thập được. Theo đó, buổi lễ ký kết đầu tư của UDG được Trương Cao Lệ chủ trì. Trương là một thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau lễ ký kết đình đám, dự án có tên Dara Sakor đã nhận được sự ủng hộ của giới chức lãnh đạo quân đội cả hai nước. Dự án bao gồm cả việc xây dựng một sân bay quốc tế, hệ thống các bệnh viện, trường học quốc tế, khách sạn 5 sao và các khu nghỉ dưỡng du lịch.

Trước đó vào tháng 7/2015, Liao Keduo - khi đó là chính trị viên của Bộ Chi huy Thiên Tân – đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đang ở thăm thành phố này. Theo thông tin trên trang mạng của UDG, ông Liao Keduo đã bày tỏ “hy vọng dự án Dara Sakor, bông hoa biểu tượng cho tình hữu nghị được hai nước Trung Quốc và Campuchia vun trồng, có thể đơm hoa kết trái trong một ngày gần đây”./.

Theo “Finantial Times” (ngày 9/9)

Mỹ Anh (gt)