Trung Quốc là một cường quốc kinh tế. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc không còn là nước mới nổi-cụm từ lạm dụng mà Trung Quốc tiếp tục sử dụng đặc biệt đối với các nước đang phát triển mà nước này cho là rất gần gũi. Thuật hùng biện này tô hồng giọng điệu chính thức của Đế chế trung cổ, cho phép Bắc Kinh không phải bắt đầu vai trò cường quốc quan trọng, hợp pháp hóa mô hình phát triển và tăng cường ảnh hưởng tại các nước khao khát điều tương tự như Trung Quốc: phát triển và là cường quốc kinh tế. Trung Quốc cũng cho rằng có thể tập hợp dưới trướng mình, thông qua các hoạt động chung trong lĩnh vực kinh tế và thậm chí cả chính trị, các nước trong lịch sử đã bị một nước phương Tây "dã thú" cướp đoạt các nguồn tài nguyên. Theo cách này, không nghi ngờ gì, sẽ có một ý chí phục thù mà mọi diễn văn hợp tác quốc tế giữa châu Á (Trung Quốc đứng đầu) và phương Tây - trong phạm vi địa kinh tế rộng hơn được Trung Quốc chấp nhận - không thể xóa mờ. 

Trung Quốc một lần nữa lại "lớn" và "mạnh". Trung Quốc quay trở lại sau sự nhục nhã của phương Tây trong các cuộc chiến tranh và chia cắt lãnh thổ. Ngoài hai cuộc chiến tranh thuốc phiện, còn có cuộc chiến tranh đã dẫn đến liên minh 8 nước phương Tây chống lại Trung Quốc. Cũng cần phải nói thêm về cuộc chiến mà Trung Quốc thất bại trước một nước Nhật Bản (1894/1895) luôn bị Trung Quốc coi là một nước hạ cấp. Điều tồi tệ nhất là Trung Quốc phải chịu sự bảo hộ của nước ngoài. Các sự kiện trên là nhân tố hủy hoại chính trị và kinh tế đất nước. Sức mạnh kinh tế tìm lại đã làm giảm nỗi cay đắng vì những nhục nhã phải chịu đựng không nguôi. Cổ vũ về việc quay lại vị trí cường quốc và sự lớn mạnh năm qua là điều cơ bản đối với Bắc Kinh. Một tiếng thét quả thực đang gửi tới thế giới bên ngoài, song cũng để dành cho dân tộc Trung Quốc. 

Một vai trò chính trị không đáng kể 

Giọng điệu mà Trung Quốc phát triển bị giới hạn trong thái độ tự kỷ ám thị. Quả thực, các sự việc thì không thể phủ nhận: Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, nhưng vẫn còn là một "chú lùn chính trị". Mục đích của Trung Quốc là đạt được quy chế cường quốc thế giới. Điều này còn rất xa vời. Liệu có khả năng Trung Quốc không bao giờ đạt được? Câu hỏi cần phải được đặt ra theo nghĩa táo bạo nhất: Trung Quốc có khả năng không? Trung Quốc có muốn không? 

Tham vọng xếp ở vị trí cường quốc thế giới không chỉ giới hạn ở một tầm nhìn và một vị trí thuần túy mang tính kinh tế trên thế giới. Để trở thành một "cường quốc" như người ta xếp Mỹ hay Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và đặc biệt để trở thành nổi tiếng như vậy, cần phải đảm đương trách nhiệm mà một phần thế giới đặt vào tay mình. Theo một cách nào đó, các nước yếu hơn công nhận một "cường quốc" do có khả năng quản lý một số tình hình phức tạp toàn cầu. Vì vậy, các nước chờ đợi một cường quốc mà nước này sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để tham gia xây dựng một thế giới hài hòa hơn, một chủ đề rất đáng quan tâm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc… Từ rất lâu, Trung Quốc đã được hưởng quy chế một nước "chia sẻ các vấn đề". Từ nay Trung Quốc có quyền mặc cả trên thế giới. Liệu Trung Quốc có từ bỏ trách nhiệm toàn cầu? Thông điệp mà nước này muốn đưa ra cho thế giới là gì? Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi về khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì vị trí cường quốc thế giới. Thông thường, sức mạnh kinh tế đi kèm với sức mạnh chính trị và hợp với một quốc gia có vai trò trách nhiệm cao. Liên Xô, ở đỉnh cao sức mạnh, luôn duy trì một mạng lưới liên minh với các nước "bạn bè" hay các nước không liên kết bởi ngoài sự hỗ trợ hậu cần và ngoại giao mà nước này đưa ra để đổi lại sự phục tùng, Liên Xô còn đưa ra một hình thức lựa chọn như kiểu phương Tây. Với mọi sự cẩn thận, chúng ta có thể nói rằng Liên Xô cởi mở với bên ngoài ngay cả khi đó là nước đế quốc chiến lược nếu cần. Trung Quốc đã không đạt được khả năng đó. Trung Quốc được nhìn nhận như một pháo đài mà phương Tây bao vây. Các cuộc tấn công về chủ đề này diễn ra thường xuyên và nhằm tập hợp nhân dân xung quanh chính quyền chống lại kẻ thù chung. Trừ các hoạt động thương mại, Trung Quốc không tham gia các vấn đề quốc tế. Chiếc ghế mà Trung Quốc ngồi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép Bắc Kinh quyền phủ quyết như thể mỗi chế độ Trung Quốc là tồn tại hợp pháp trên trường quốc tế. 

Thật nghịch lý, Trung Quốc đã tham gia cuộc chơi quan hệ quốc tế song lại không chiếm vị trí của nước "chia sẻ các vấn đề". Trung Quốc ở vị trí đó một cách gò bó và miễn cưỡng bởi sức mạnh kinh tế đã thu hút ánh hào quang lên mình. Trung Quốc luôn là mục tiêu chỉ trích của báo chí thế giới và các tổ chức phi chính phủ liên quan vấn đề nhân quyền hay sinh thái. Cách ứng xử không nể nang mà Trung Quốc thể hiện thực tế chỉ là một phần. Trung Quốc thiếu tính tin cậy và hợp lệ để đóng vai trò là những nước cường quốc. Về điều này, Trung Quốc không thể đạt được quy chế cường quốc thế giới: Trung Quốc không có khả năng thích nghi với thế giới bên ngoài. Các phong trào giải phóng tại các nước Arập đầu năm 2011 không có bình luận nào từ phía các quan chức Trung Quốc. Ngược lại, chính quyền vội vã loại bỏ những cụm từ tìm kiếm trên mạng như "hoa nhài", "Ai Cập"… mà không biết rằng những từ này có sẵn bằng tiếng Anh. Ví dụ này chứng minh các nhà lãnh đạo Trung Quốc thiếu thích nghi và hoảng sợ khi cho rằng có sự lây lan và một sự không hiểu đối với lớp trẻ Trung Quốc trong việc nắm thông tin. Điều này cũng được minh họa bằng chính sách tự cấp tự túc mà chính quyền đã thực hiện, một thái độ tự kỷ làm vô hiệu hoàn toàn tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được quy chế cường quốc chính trị thế giới. 

Tình hình hiện nay tại Xyri cũng làm Chính quyền Bắc Kinh lo ngại. Nếu Chế độ Bashar al-Assad, được cho là không thể bị lật đổ và hệ thống chính quyền tham nhũng này tương đồng với chế độ Trung Quốc, sụp đổ bất chấp các cuộc trấn áp, những lo ngại của Chính quyền Trung Quốc sẽ là chính Đáng bởi Trung Quốc coi thế giới như một nguy cơ thường trực. Trung Quốc cần phải quan sát trong im lặng, không được "đánh thức con rồng". Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn ý thức được rằng chú rồng nửa ngủ nửa thức nằm trong đất nước. Nỗi ám ảnh về sự trường tồn đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc phải có những thủ đoạn. Thật kinh khủng nếu giả sử xảy ra các cuộc biểu tình trong nước, điều này sẽ vô hiệu hóa mọi sự hé mở tham vọng chính trị trên trường quốc tế. Liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hay điều tiết cấp quốc tế như thế nào khi nước này không có gì mở ra cho thế giới ngoài chế độ cực quyền và những lợi ích kinh tế riêng? 

Một con rồng giấy 

Những ngôn từ nói về cường quốc Trung Quốc đang che giấu một thực tế hoàn toàn khác. Những thành tích kinh tế không xếp Trung Quốc vào hàng ngũ cường quốc chính trị trên trường quốc tế. Bởi vì Trung Quốc là một chế độ độc tài, những bài diễn văn về tiến bộ dân chủ, những sự lên án, những mối quan hệ ít thường xuyên với các nhà nước, chính sách không can dự tình hình, những giận giữ sai trái thật nực cười xóa mờ tham vọng hợp lệ trở thành cường quốc thế giới. Trung Quốc hiện không thể áp đặt, cũng không thể phản đối chính diện. Trung Quốc đơn giản chỉ lên giọng và thường xuyên lao vào các cuộc chiến cân não. Đó chính là hình bóng của Đế chế trung cổ, chỉ tạo cho Trung Quốc vỏ ngoài của một cường quốc chính trị và chỉ có một sức mạnh quân sự dài hạn mới ủng hộ nước này. Đến nay, từ quyền lực cứng Trung Quốc thích sử dụng sự quyến rũ thông qua quyền lực mềm để phục vụ cho việc tự đánh bóng mình trên cấp độ quốc tế. Việc dùng tới quyền lực mềm cho phép chính quyền Trung Quốc làm hài hòa hình ảnh đất nước trên thế giới. Nhiều nhà nước trong khu vực nếu hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc cũng không khỏi nghi ngờ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Những hành động biểu dương sức mạnh đã khiến Trung Quốc đối lập với nhiều nước láng giềng về yêu sách lãnh thổ và chỉ càng cho thấy Bắc Kinh thể hiện thái độ mập mờ khi thảo luận với các nước láng giềng. Yếu điểm này của Trung Quốc bỗng nhiên được Oasinhtơn khai thác khi tuyên bố rõ ràng "nước Mỹ đang quay lại châu Á và dự định ở lại lâu dài". Bắc Kinh lo ngại khi thấy các nước như Việt Nam hay Inđônêxia xích lại gần Mỹ. 

Do ít có khả năng trở thành một cường quốc chính trị quan trọng và tạo được ấn tượng, liệu Trung Quốc có khả năng "làm cho mọi người yêu thích" về văn hóa? Vấn đề này có hại hơn ta tưởng, mở ra cho thế giới một mô hình xã hội thu hút một trong số những yếu tố làm nên cường quốc. Liệu Trung Quốc có những thế mạnh trước Mỹ để tạo ra một sự hấp dẫn tự nhiên đối với nhân dân thế giới, đặc biệt là những thanh niên? Liệu Trung Quốc có ảnh hưởng văn hóa để mọi người nghĩ rằng phong cách sống của người Trung Quốc có thể thay thế, hay thực tế hơn là một lựa chọn bên cạnh phong cách sống kiểu Mỹ? Điều này đang là thực trạng của vấn đề, hoàn toàn không thể tưởng tượng được bởi cản trở chính để đánh giá chính là chế độ độc tài Trung Quốc. Một hệ thống chính trị hạn chế quyền tự do cá nhân, trong khi lại coi như hình mẫu, là không thể đứng vững được. Việc Trung Quốc gia nhập hàng ngũ cường quốc toàn cầu sẽ làm hỏng chế độ này. Tham vọng biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc chỉ có thể là chiêm bao./.

  Theo mạng "Chiến tranh thông tin"

 Lê Sơn (gt)