Cảnh báo của ông Abe được đưa ra tiếp theo những cảnh báo tương tự từ Washington rằng sự kiên nhẫn với Trung Quốc của Mỹ đang dần cạn kiệt, trong trường hợp này liên quan đến các hoạt động gián điệp mạng Trung Quốc và khả năng Bắc Kinh đang phát triển và thử nghiệm các hoạt động gián điệp và khả năng chiến tranh mạng. Đồng thời, những cảnh báo này nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng những phản ứng tương đối thụ động của Mỹ từ trước đến nay trước những hành động quân sự của Trung Quốc có thể sắp chấm dứt.

Trong một cuộc phỏng vấn của ông Abe giành cho tờ Washington Post ngay trước cuộc họp của Abe với Tổng thống Barack Obama tại Washington, Abe cho biết các hành động của Trung Quốc xung quanh vùng đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp và sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của nước này đã buộc Tokyo tăng chi phí ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ và bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ông cũng tái khẳng định vai trò trung tâm của liên minh Nhật-Mỹ đối với an ninh châu Á và cảnh báo rằng Trung Quốc có thể mất đi sự đầu tư của Nhật Bản và các nước khác nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng "sự cưỡng ép hoặc hăm dọa" đối với các nước láng giềng thuộc các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cuộc phỏng vấn của ông Abe được thực hiện trong bối cảnh có những cảnh báo từ Washington về các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc. Mặc dù không nêu tên Trung Quốc cụ thể trong Thông điệp Liên bang của mình đầu năm 2013 nhưng Obama nói, "Chúng tôi biết nhiều nước và công ty ăn cắp bí mật của các công ty Mỹ. Hiện nay kẻ thù của chúng ta cũng đang tìm kiếm khả năng phá hoại lưới điện, các tổ chức tài chính và các hệ thống kiểm soát không lưu". Bình luận của ông Obama, cùng với chiến lược mới nhằm giảm thiểu tình trạng đánh cắp các bí mật thương mại trên mạng được công khai sau đó, xuất hiện đồng thời với một loạt các báo cáo trong đó chỉ ra sự ủng hộ của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc cho các hoạt động thâm nhập vào máy tính Mỹ, bao gồm một báo cáo của công ty Mandiant đã truy ra được các hoạt động cụ thể bắt nguồn từ một đơn vị của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Sự xuất hiện của các báo cáo về ăn cắp bí mật thương mại, gián điệp ảo từ khu vực tư nhân và Tuyên bố của Tổng thống Obama không hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Mặc dù Washington đã có một lập trường kiềm chế hơn về các tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, kêu gọi Tokyo không đưa ra công khai các bằng chứng về việc tàu Trung Quốc điều khiển chĩa radar vào một tàu hải quân Nhật Bản, nhưng rõ ràng Washington và Tokyo đã chia sẻ quan điểm rằng hành động của Trung Quốc đã tiến gần đến giới hạn của sự khoan dung. Do sự gần gũi về mặt địa l‎ý với Trung Quốc, Nhật Bản đang tập trung chú ý đến các hoạt động trên biển của Trung Quốc được gia tăng trong 2-3 năm gần đây xung quanh các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Đến lượt mình, Mỹ đang đưa ra ánh sáng các hoạt động gián điệp và nhấn mạnh về tiềm năng của chiến tranh mạng. Cả hai động thái này đều hướng sự chú ý của dư luận đến những hành vi của Trung Quốc và cảnh báo rằng nó sắp vượt quá giới hạn. Thông điệp là rất rõ ràng: Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình hoặc phải đối mặt với những hậu quả từ phía Mỹ và Nhật Bản.

Ông Abe nói mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị ảnh hưởng do hậu quả không lường trước được do những việc làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm giữ lại tính hợp pháp của Đảng. Sự mở cửa kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra sự thịnh vượng bất bình đẳng, loại bỏ trụ cột chính của Đảng là hỗ trợ, bình đẳng. Để đối phó với việc đó, chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược hai gọng kìm là tăng trưởng kinh tế và lòng yêu nước. Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi Bắc Kinh phải tìm mở rộng nguồn cung ứng hàng hóa, buộc Trung Quốc phải hướng ra biển. Trong khi đó, lòng yêu nước, sặc mùi chống Nhật được đưa vào chương trình giảng dạy, đã lan rộng trong hệ thống giáo dục và xã hội.

Abe cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một con đường cưỡng ép và hăm dọa, đặc biệt là đối với các nước Đông Bắc và Đông Nam Á, như là một phần trong chiến lược chiếm lại tài nguyên. Hiện nay trong xã hội Trung Quốc những xu hướng của lòng yêu nước chống Nhật Bản đã giành được ủng hộ nội bộ cho những hành động quyết đoán của Trung Quốc. Nhưng điều này đã làm căng thẳng hơn quan hệ kinh tế Nhật Bản-Trung Quốc, do đó làm giảm sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Và Abe cảnh báo rằng nếu không có sự tăng trưởng kinh tế liên tục, lãnh đạo của Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát dân số của 1,3 tỉ người này.

Trong bối cảnh này, Abe cảnh báo rằng điều quan trọng là phải làm cho Bắc Kinh nhận thức được rằng Trung Quốc không thể chiếm đoạt lãnh thổ của một nước khác hoặc hoặc thay đổi các quy tắc về luật chơi của quốc tế. Ông đã tăng ngân sách quốc phòng và nhấn mạnh rằng liên minh Nhật Bản-Mỹ là quan trọng đối với an ninh khu vực, cũng như việc Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực. Ông cũng cảnh báo rằng hành động quả quyết của Trung Quốc sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và mặc dù công ty Nhật Bản có lợi nhuận ở Trung Quốc, các công ty này cũng tạo ra 10 triệu việc làm tại Trung Quốc. Nếu rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc tăng lên thì đầu tư Nhật Bản sẽ bắt đầu giảm mạnh .

Những cảnh cáo của ông Abe được đưa ra nhằm đánh vào những điều cốt lõi về những lo ngại của chính phủ Trung Quốc trước sự bất ổn kinh tế và xã hội và sự lấn lướt quân sự của Hoa Kỳ và của một Nhật Bản hồi sinh. Về mặt kinh tế, thực tế Nhật Bản là một trong những nguồn đầu tư hàng đầu trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc và là một đối tác thương mại lớn. Mặc dù rất khó để xác minh tuyên bố Abe về việc sử dụng 10 triệu người Trung Quốc của các công ty Nhật Bản, nhưng hậu quả của các hành động của Trung Quốc đối với sự hợp tác kinh tế song phương thì rất dễ dàng để thấy. Trong năm 2012, một năm khi căng thẳng lên cao do quyết định của Chính phủ Nhật Bản "mua" lại từ một công dân Nhật Bản các đảo Senkaku / Điếu Ngư đang tranh chấp, các cuộc biểu tình chống Nhật đã bùng lên ở Trung Quốc, cũng như việc tẩy chay không chính thức hàng hoá của Nhật Bản. Tổng thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, xuất khẩu giảm hơn 10%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài Nhật Bản, mặc dù tăng nhẹ trong năm, cũng bị giảm lớn vào mùa hè khi căng thẳng giữa hai nước lên cao.

Các nhân tố khác cũng đóng một vai trò trong sự suy giảm của thương mại và đầu tư, bao gồm cả sự suy giảm về nhu cầu tổng thể của Nhật và sự thay đổi về các nhà cung cấp đối với các nguồn tài nguyên quan trọng (và các điều chỉnh về thị trường xuất khẩu của Nhật Bản). Và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng lớn trong quan hệ thương mại, mặc dù Tokyo có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp để bù đắp lại những thiệt hại từ các tranh chấp kinh tế với Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản trong thực tế đã bắt đầu chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi không có thêm những cuộc biểu tình, phản đối chống Nhật . Vào năm 2012, khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản đã tiếp tục thu hẹp xuống còn 0,6%. Abe cũng tỏ ra mạnh mẽ rằng Nhật Bản cuối cùng đã quyết định theo đuổi các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, một khối thương mại được lập ra không có Trung Quốc.

Mặc dù các công ty Nhật Bản không thể rời khỏi Trung Quốc hàng loạt, mối đe dọa có định hướng chuyển dần sang quan hệ thương mại ngày càng mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ và giảm dần đầu tư vàoTrung Quốc đã đánh trúng vào một trong những mối quan tâm lớn của Đảng Cộng sản, cụ thể là làm sao duy trì sự ổn định xã hội thông qua việc làm. Giống như Nhật Bản, xuất khẩu và tăng trưởng đã thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc. Điều này không nhất thiết có nghĩa là lợi nhuận hoặc hiệu quả, trái lại, Bắc Kinh đã điều hành được sự tăng trưởng liên tục để duy trì việc làm và tạo ra các khoản vay để giữ cho các doanh nghiệp hoạt động, thậm chí ngay cả khi họ hoạt động với lợi nhuận rất thấp hoặc không có gì.

Tạo công ăn việc chính là công cụ hữu hiệu của Trung Quốc để duy trì sự ổn định xã hội, và Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ổn định là điều tối quan trọng để đảm bảo sự lãnh đạo không thể bàn cãi ở Trung Quốc. Cả chính phủ Trung Quốc và ông Abe đều biết rõ điều này, và bây giờ ông Abe đang đe dọa nhắm mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc, làm đảo lộn toàn bộ hệ thống về sự ổn định. Người Nhật có thể không thực sự có thể để tác động hoặc đủ khả năng làm bất kỳ một sự thay đổi mạnh mẽ nào trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng với sự tham gia vào các cuộc thương lượng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và với một sự nhấn mạnh của chính phủ Nhật Bản chuyển hướng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á và Châu Phi (và đầu tư tư nhân sẽ tiếp theo), áp lực kinh tế đối với Trung Quốc sẽ dần tạo ra. 

Cảnh báo quân sự ngay lập tức là một điều đáng để cho Bắc Kinh phải lưu ‎y. Cả Tokyo và Washington đang đạt tới giới hạn của họ về việc chấp nhận những hành vi hung hăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ đang thực hiện tái cân bằng đối với châu Á, được Trung Quốc coi như là một hành động nhằm kiềm chế mình. Nhật Bản đang đẩy mạnh việc tăng cường quan hệ với Nga, Australia, Ấn Độ và Đông Nam Á, một cái mà Trung Quốc cũng coi là nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc đã không hoàn toàn trơn tru. Bất cứ khi nào một quốc gia tìm cách để thay đổi tình hình nguyên trạng với các cường quốc khác, thì sự va chạm và phản kháng là không thể tránh khỏi. Bành trướng lãnh hải và các hoạt động gián điệp mạng và khả năng phát triển các năng lực chiến tranh mạng của Trung Quốc được liên kết chặt chẽ với các chính sách kinh tế và xã hội của họ. Việc bành trướng lãnh hải là một hành động cụ thể, rõ ràng của Trung Quốc. Còn việc thứ hai thì Trung Quốc dễ dàng bác bỏ hơn.

Đối với Nhật Bản, hoạt động hàng hải xung quanh các đảo tranh chấp là trong tầm quản lý, miễn là nó vẫn còn dưới sự quản lý dân sự, nhưng việc sử dụng các radar điều khiển hỏa lực trên tàu Nhật Bản và các máy bay Nhật Bản của máy bay của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Và trong khi Hoa Kỳ có thể tha thứ cho các trường hợp ăn cắp tin tức qua mạng và gián điệp mạng , như ông Obama đã nêu ra trong Thông Điệp Liên bang, các hoạt động này trở nên không thể chấp nhận được về quy mô và khi nó chuyển sang nhắm vào các mục tiêu là cơ sở hạ tầng , phá vỡ các lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và các quy trình công nghiệp khác của Mỹ.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã coi liên minh quân sự của họ là hòn đá tảng để bảo vệ chính sách khu vực và quan hệ của họ. Tokyo đã cam kết với Washington đảm nhận một vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Sự leo thang của hoạt động hải quân của Trung Quốc đã tạo ấn tượng về một Bắc Kinh ngày càng tự tin hơn vào khả năng của mình để thay đổi cân bằng sức mạnh hải quân trong khu vực. Trung Quốc đã tạo ra được ấn tượng mạnh mẽ về một lực lượng hải quân hiện đại được hỗ trợ bởi các tên lửa trên đất liền, với tàu hiện đại và công nghệ và đạt một tầm quốc tế. Chiến lược ngăn cản và không cho phép thâm nhập của Trung Quốc (Anti access area denial strategy) tại khu vực đang còn là sự Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở đây, đã có lời cảnh báo rằng hải quân Trung Quốc sẽ sớm vượt qua của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, làm hạn chế khả năng của hải quân Mỹ dù họ có tên lửa và hạm đội vượt trội về số lượng.

Hải quân Trung Quốc đã trải qua một chương trình hiện đại hóa đáng kể trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, còn lâu nó mới có thể đối đầu trực diện được với hải quân Nhật Bản, càng không thể nói gì nếu nói đến một đồng minh của Nhật Bản là Hoa Kỳ. Những nỗ lực hiện đại hóa và chương trình xây dựng hạm đội vẫn chưa biến lực lượng hải quân Trung Quốc thành một lực lượng tuyệt vời, và Trung Quốc cũng không có các thủy thủ tuyệt vời. Hải quân siêu việt đòi hỏi phải có tổ chức, học thuyết, nguyên tắc và quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm. Vấn đề chính hạn chế hải quân Trung Quốc không phải là đóng tàu hoặc tuyển dụng lính, mà chính là khả năng hạn chế để điều phối tốt các lực lượng chiến đấu trong chiến tranh và các hoạt động của hạm đội. Điều này đòi hỏi phải có kiến ​​thức đáng kể và sự đào tạo về hậu cần, sự hợp tác lực lượng phòng không và vô số các yếu tố phức tạp khác.

Có một thước đo thực sự đối với lực lượng hải quân: Khả năng để giành chiến thắng chống lại đối thủ đáng gờm của nó. Một phần xác định chất lượng của một hải quân phụ thuộc vào công nghệ và một phần là học thuyết, nhưng một phần đáng kể nữa lại là kinh nghiệm thực tế. Hải quân Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm chiến đấu thậm chí trong quá khứ. Điều này đã hạn chế đáng kể số lượng các sĩ quan hải quân Trung Quốc có khả năng hoạt động hiệu quả trong các cuộc đụng độ quân sự hiện đại. Hải quân Trung Quốc có thể có công nghệ mới và có ưu thế về số lượng, nhưng nó phải đối mặt chống lại một Hải quân Hoa Kỳ với hàng thế kỷ được tích luỹ kinh nghiệm và các thế hệ của đô đốc đã được tôi luyện trong chiến đấu. Ngay cả hải quân Nhật Bản cũng đã có hơn một thế kỷ của kinh nghiệm và truyền thống đánh nhau trên biển. Việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu như vậy đã hạn chế đáng kể khả năng của hải quân Trung Quốc.

Theo Stratfor (ngày 26/2)

Viết Tuấn (gt)