pc.jpg

Trong bối cảnh này, sự chuyển giao lãnh đạo và các diễn biến chính trị tại Trung Quốc đã trở thành các sự kiện được cộng đồng thế giới dõi theo chặt chẽ để tìm ra các “manh mối” cho thấy đường hướng chính sách tương lai của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có trở nên quyết tâm hơn trong việc thực thi các cam kết khu vực và toàn cầu như các tuyên bố và hành động của họ cho thấy? Hay liệu họ sẽ trở nên thận trọng hơn trước các rủi ro và bất ổn? Liệu nhiệm kỳ thứ 3 của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là sự hướng tới ổn định và liên tục, hay đó là trở ngại khác trong một thế giới vốn đầy rẫy những điều không thể dự đoán?

Nước Mỹ đang tụt dốc, không phải bởi năng lực mà chủ yếu bởi sự lựa chọn của họ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục có thêm sức mạnh, nhưng các nguy cơ trong quá trình chuyển giao sang một tiêu chuẩn bình thường mới vẫn phủ bóng các cải cách đang diễn ra. Do vậy, sự cần thiết của việc duy trì ổn định và tính liên tục để tận dụng lợi thế lớn hơn của cơ hội chiến lược này là rất cấp bách. Tác động tiêu cực từ việc ông Tập đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 do đó được giảm bớt bởi các lợi ích có thể đạt được từ mục tiêu mà ông đặt ra. Trong khi đó, trên trường quốc tế, việc ông đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 cho thấy sự tiếp nối chính sách mạnh mẽ.

Xói mòn trật tự và các quy tắc truyền thống

Sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị gia tăng của Trung Quốc có tác động “gây cản trở” to lớn. Tuy nhiên, sự cản trở này mang tính tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào khu vực mà bạn đang sống. Sự thiếu linh hoạt trong phương cách quản trị toàn cầu do phương Tây lãnh đạo để thích ứng với các cường quốc đang nổi đã khuyến khích các cường quốc này thiết lập các khuôn khổ kinh tế và an ninh trong khu vực và trên thế giới tương tự để tập trung vào tiếng nói và lợi ích của họ.

Sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập là câu trả lời cho nhu cầu khao khát nguồn tài trợ cho các cơ sở hạ tầng vốn bị bỏ rơi bởi các thể chế phát triển đa phương Bretton Woods. Do vậy, mặc dù hiện vẫn chưa có khả năng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ gây ra sự xói mòn của trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo và các giá trị mà họ ủng hộ, nhưng các “mầm mống” của nó đã được reo giắc từ lâu.

Các tác động tích cực

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhắc tới các tác động tích cực của sự “cản trở” này. 6 trong số 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính. Các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Á và cận Sahara vốn có vị trí chiến lược, giàu tài nguyên thiên nhiên và có dân số trẻ nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất đang nhận được sự trợ giúp lớn từ các dự án kết nối của Trung Quốc.

Các tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng giúp các quốc gia nằm sâu trong đất liền như Ethiopia và Zambia được tiếp cận đường biển để phục vụ thương mại. Cùng với việc giúp Trung Quốc đa dạng hóa năng lượng và các tuyến thương mại và giảm bớt thế khó xử tại Eo Malacca, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan cũng giúp Pakistan phát triển giao thông và năng lượng.

Thành công của của sự “lấn sân” muộn của Trung Quốc vào ngành tài chính đang khiến các nhà tài trợ truyền thống suy nghĩ lại. Tuy nhiên, mặc dù đã quá muộn để Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc về quy mô, nhưng họ chắc chắn có thể góp phần vào việc thúc đẩy quản trị và khả năng “hấp thu” của các nước tiếp nhận dự án, cũng như tổ chức các cuộc đối thoại về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và lao động.

Trên mặt trận an ninh, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) giúp Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á có được diễn đàn để cùng nhau giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan, vốn đang ảnh hưởng lớn tại phương Tây, và khuôn khổ hợp tác này đang được mở rộng sang Nam Á. Hơn nữa, bên cạnh sự “hào phóng” về tài chính, khả năng về công nghiệp, công nghệ và lao động của Trung Quốc khiến họ trở thành một đối tác phát triển đa năng. Khả năng sản xuất của Trung Quốc cho phép nước này có được các công nghệ năng lượng tái tạo để giúp các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch.

Tựu chung lại, mặc dù thời đại Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy sự ổn định trong nước và tiếp nối chính sách đối ngoại, nhưng nó cũng đặt ra các thách thức với trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo vốn gần như không mấy thay đổi trong thời hậu chiến. Tuy nhiên, trước khi phản ứng trước các thách thức trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, phương Tây có thể nhận thấy giá trị trong việc xem xét lại trật tự mà họ xây dựng và ủng hộ trong nhiều năm qua để đánh giá về các thiếu sót - điều khiến các sáng kiến của Trung Quốc giành được động lực. Cuối cùng, trong lúc “sự cản trở”của Trung Quốc dường như được “soi xét” dưới lăng kính cạnh tranh của các cường quốc, thì tác động tích cực đa chiều của họ đối với các nước đang phát triển và vai trò bổ trợ tiềm năng của họ vẫn bị đánh giá thấp.

Theo “National interest

Vũ Hiền (gt)