C141325_14_Xi Jinping_channel4.jpg

 

Sự chuyển trục chiến lược, hoặc tái cân bằng các lực lượng quân sự của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, đang nhận được sự chú ý trong khu vực cũng như ở Mỹ trong 2 năm qua. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lý do để quan ngại rằng liệu sự chuyển trục trên có phải là giai đoạn đầu của một chính sách ngăn chặn nước này hay không. Những động thái khác của Washington, trong đó có việc khôi phục sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, tăng cường các liên minh truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và tạo dựng những mối quan hệ an ninh chưa từng có với Việt Nam và các nước láng giềng khác, đang củng cố sự nghi ngờ của Trung Quốc.

Những nỗ lực của Washington nhằm can thiệp vào những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và cản trở các đồng minh tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, cũng cho thấy sự can dự ngày càng tăng của Mỹ tại các nước láng giềng của Trung Quốc. Hơn nữa, việc mở rộng sự can dự của Mỹ có mục đích là ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc về chính trị, kinh tế và quân sự.

Hiện đang có những dấu hiệu rằng Trung Quốc có thể đối phó với sự chuyển trục chiến lược của Mỹ sang Châu Á bằng việc can dự sâu hơn vào khu vực Mỹ Latinh, khu vực sân sau có ý nghĩa chiến lược lâu nay của Washington. Chuyến thăm 4 quốc gia Nam Mỹ, gồm Brazil, Colombia, Peru và Chile hồi tháng 5 vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là minh chứng mới nhất cho sự quan tâm ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với khu vực này. Mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm trên dường như là kinh tế và nó đã thành công mỹ mãn. Ông Lý Khắc Cường đã nỗ lực "nâng cấp" các quan hệ kinh tế giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc.

Do nhu cầu lớn của nền kinh tế Trung Quốc đối với các loại nguyên liệu thô chủ chốt, đây là mối quan hệ tự nhiên, cùng có lợi. Quả thực, các mối quan hệ thương mại song phương là lớn và đang phát triển, với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc hiện lên đến hơn 112 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, Trung Quốc là một nguồn vốn đầu tư quan trọng của các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh, nhất là Brazil và Chile.

Cũng cần lưu ý đến những bằng chứng khác cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Bắc Kinh với Mỹ Latinh. Một tỷ phú Trung Quốc có những quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh hiện đang tiến hành một dự án lên tới 50 tỷ USD xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương qua Nicaragua. Bất chấp những quan ngại lớn về môi trường, dự án này nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. Nếu thành công, kênh đào mới có thể cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama, tạo cho Trung Quốc một bàn đạp chiến lược và kinh tế quan trọng ở Trung Mỹ. Dự án này đang khiến giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ rung lên hồi chuông báo động.

Trung Quốc cũng đang cung cấp các khoản vay nhiều tỷ USD cho Venezuela trong các năm 2014-15. Do tình trạng kinh tế khó khăn của Venezuela, người ta thật khó khẳng định sáng kiến trên hoàn toàn dựa trên những xem xét về tài chính. Như trong trường hợp kênh đào Nicaragua, các khoản cho vay này đang được bơm cho một chính phủ có quan hệ "lạnh giá" với Mỹ. Quả thực là gói viện trợ tài chính cho Caracas đang phá hoại nỗ lực của Washington nhằm cô lập chính phủ cánh tả cấp tiến của Tổng thống Nicolas Maduro thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng siết chặt.

Tại thời điểm này, có lẽ còn quá sớm để đánh đồng các động thái của Trung Quốc tại Mỹ Latinh với sự chuyển trục chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi các động cơ dường như khác biệt. Cho đến này, sự quan tâm của Trung Quốc tới Mỹ Latinh chủ yếu là về kinh tế. Trong khi đó, sự chuyển trục của Mỹ có mục đích quân sự hơn là kinh tế.

Bất chấp trọng tâm là kinh tế trong chính sách đối với Mỹ Latinh của Bắc Kinh, các quan chức Mỹ dường như quan ngại về sự chú ý của Trung Quốc tới khu vực này. Tuy nhiên, việc cố gắng ngăn cản sự thâm nhập của Trung Quốc là một việc làm vô ích. Các nước Mỹ Latinh dường như hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc.

Khi các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh tăng lên, thì điều đó cũng tạo cơ sở cho các mối quan hệ an ninh mới. Người ta vẫn chưa thấy liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có định xây dựng quan hệ an ninh trên cơ sở này hay không. Nếu họ làm vậy, Washington sẽ đối đầu với sự cạnh tranh địa chính trị thực sự đầu tiên tại Tây Bán cầu trong nhiều thập kỷ qua.

Việc Trung Quốc có trở thành một thách thức như vậy không hoàn toàn phụ thuộc vào những diễn biến tại Mỹ Latinh. Sự chuyển trục chiến lược và các động thái khác của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể thúc đẩy Bắc Kinh có những biện pháp đáp trả tại sân sau của Mỹ.

Theo "China us focus" (ngày 8/6)

Mỹ Anh (gt)