Ngày 23/11/2013, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng một ADIZ mới sẽ có hiệu lực trên vùng biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ hiện tại của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu tất cả các máy bay bay qua vùng này phải khai báo thông tin chuyến bay mà không quan tâm đến điểm đến của các máy bay đó. Bất chấp việc gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Tokyo và Washington cũng như là những phản ứng kiềm chế nhưng tiêu cực từ Seoul, Đài Bắc và Canberra, Trung Quốc vẫn tuyên bố ADIZ là một biện pháp thông thường nhằm nâng cao sự nhận thức về không phận của nước này và bảo vệ an ninh quốc gia của họ mà không có bất kỳ động cơ bí mật nào. 

Việc duy trì một ADIZ là một thực tế khá thông thường, nhưng lời biện minh của Bắc Kinh về Vùng nhận dạng phòng không mới rõ ràng dựa trên cơ sở tuyên bố tranh chấp của nước này đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngay từ đầu, Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng giải quyết các mối quan ngại cụ thể của nước ngoài, đối phó với phản ứng ngoại giao dữ dội và kết hợp với việc thành lập và công bố các hoạt động tuần tra trên không. Điều này cho thấy một hành động cố tình, cho dù tới bây giờ những lý do của hành động này vẫn còn là bí ẩn. Những cách thức mà Bắc Kinh mô tả việc thiết lập ADIZ cho thấy Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội này không chỉ để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà còn nhằm gây chia rẽ trong quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ. 

Thực hiện các chính sách chứ không phải gây ra khủng hoảng 

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của việc Trung Quốc đưa ra ADIZ và chính sách của họ là sự thiếu vắng ngôn ngữ khủng hoảng. Như Paul Godwin và Alice Miller đã ghi lại, Bắc Kinh đều đặn đưa ra các tuyên bố leo thang trước khi sử dụng sức mạnh quân sự - một nét đặc trưng đã được lưu ý trong các cuộc chiến tranh của Trung Quốc kể từ năm 1949. Những tiếng nói nguyên tắc của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi bác bỏ sự phản đối của Nhật Bản và Mỹ, vẫn tương đối “thuần” trong ngôn ngữ của họ. 

Chỉ có duy nhất một tuyên bố trong một bài báo có tính chất tổ chức, không được ký tên trên báo của quân đội Trung Quốc đã nhắc lại kiểu cảnh báo này: “Chúng tôi đặc biệt hy vọng rằng một số quốc gia đơn lẻ sẽ từ bỏ niềm tự hào và thành kiến của họ. Họ không nên để cho sự ích kỷ của mình che mắt mà đánh giá thấp người Trung Quốc và quyết tâm kiên định của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình và ổn định khu vực”. 

Ngoài sự vắng mặt của ngôn ngữ khủng hoảng từ các cơ quan báo chí chính thức, câu chuyện về ADIZ ban đầu không được nêu bật trên các cổng thông tin điện tử truyền thông ở Trung Quốc và không được quan tâm tìm kiếm trên các trang thông tin quốc phòng. Điều này càng thể hiện nỗ lực của Trung Quốc nhằm giới thiệu về sự thiết lập ADIZ theo một cách thức không quá nổi bật. Thật vậy, toàn bộ sự trình bày về ADIZ của Bắc Kinh tập trung nhấn mạnh hành động thiết lập khu vực này của Bắc Kinh là điều thông thường và hợp pháp, cũng như thể hiện sự quan tâm tới hòa bình của Trung Quốc. Những bình luận về thể chế và về mặt chuyên môn trong nhiều ngày sau tuyên bố thiết lập ADIZ đã được lấp đầy với các chú thích như “không có ý định tạo ra những căng thẳng”, “một động thái của công lý để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực” và sự khẳng định ADIZ “không thể được mô tả như một mối đe dọa đối với quốc gia khác”. 

Chuyên gia bình luận quốc phòng theo đường lối diều hâu La Viện và Giáo sư Mạnh Tường Thanh thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc thậm chí còn cho rằng (theo đúng ngôn từ của ông Mạnh Tường Thanh) ADIZ “trên thực tế sẽ mang lại sự an toàn hơn cho các máy bay bay qua biển Hoa Đông. Vùng phòng không này sẽ giúp giảm thiểu những đánh giá quân sự sai lầm”. 

Bốn chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy tuyên bố của Trung Quốc về việc thiết lập ADIZ là một hành động chính sách được lập kế hoạch kỹ lưỡng và có sự phối hợp với chính phủ, hoặc ít nhất là với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của nước này. Mặc dù Trung Quốc có thể đang thực hiện tốt hơn việc kiểm soát khủng hoảng và đưa ra thông điệp của mình, nhưng những chỉ dấu này củng cố giả thuyết rằng ADIZ là chính sách có chủ ý và đã được cân nhắc: 

- Tân Hoa Xã đã công bố ADIZ là một “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, điều tương đối hiếm và cho thấy một chính sách phối hợp ở các cấp cao nhất - Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể là cả Quân ủy Trung ương (CMC) Trung Quốc. 

- Các nhà ngoại giao Trung Quốc tại ít nhất 3 quốc gia - Mỹ, Nhật Bản và Australia - đã chuẩn bị những điểm cần nói nhằm giảm nhẹ những tác động của ADIZ cũng như bất cứ gợi ý nào nói rằng nó gây ảnh hưởng đến tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. 

- Rất nhiều chuyên gia quân sự và pháp luật của Trung Quốc ở khắp những thể chế khác nhau của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được chuẩn bị để thảo luận về ADIZ, ý nghĩa cũng như tính nhất quán của nó với các cam kết pháp luật và hiệp ước trong nước và quốc tế. Ngoài các phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra những ý kiến bình luận của các nhân vật thuộc lực lượng Không quân, Hải quân PLA, Đại học Quốc phòng cũng như các cơ sở giáo dục trực thuộc của họ. 

- Một thời gian ngắn sau tuyên bố về ADIZ, Bắc Kinh đã triển khai và công khai hoạt động tuần tra trên không đầu tiên ở vùng phòng không mới được thiết lập. 

Điều chỉnh Tokyo vì lợi ích của Washington 

Sự kiểm soát kỹ lưỡng về việc giới thiệu ADIZ cho thấy rằng câu chuyện của Trung Quốc mang một thông điệp đã được tính toán dành cho đối tượng khán giả đã được nhắm tới. Mặc dù Bắc Kinh đang một lần nữa chứng minh rằng quần đảo Điếu Ngư trên thực tế là quần đảo bị tranh chấp, nhưng thông điệp chính có vẻ như nhằm vào Washington và cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản. Trên nhiều phương diện, liên minh Mỹ-Nhật và việc đóng quân của các lực lượng quân sự Mỹ là một trong những chìa khóa đối với các phương hướng quân sự của Washington trong việc "tái cân bằng sang châu Á" - một đặc trưng đã được các chuyên gia phân tích Trung Quốc công nhận. 

Sự trình bày mang tính tuyên truyền của Trung Quốc chứa đựng ba chủ đề có liên quan đến Mỹ và nhằm mục đích chia rẽ Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù không có chủ đề nào trong ba chủ đề này là mới mẻ, nhưng tuyên bố về ADIZ đã tạo ra một cơ hội để sử dụng chúng trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng mới xuất hiện: 

- Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực. 

- Washington không tuân thủ những cam kết của họ trong thế giới hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. 

- Tokyo đang lôi kéo Mỹ vào xung đột. 

Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực 

Giống với các cuộc xung đột trong quá khứ của mình, Trung Quốc đã tô vẽ các hành động của họ là phòng thủ và được quốc tế công nhận, phản ứng hợp lý với sự khiêu khích từ các hoạt động quân sự của Nhật Bản ở vùng ngoại vi của Trung Quốc. Tokyo chứ không phải Bắc Kinh, đặc biệt là vì việc Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hồi năm ngoái, được miêu tả là mối đe dọa thực sự đối với hiện trạng và sự ổn định khu vực. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc (MND), ông Dương Vũ Quân tuyên bố: “Thực tế đã chứng minh rằng Nhật Bản chính là nước đã và đang gây ra những tình huống căng thẳng”, hay như một bài báo không ký tên cho rằng “Washington nên đổ lỗi cho kẻ phạm tội thực sự trong việc thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và làm xói mòn hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực”. 

Trong câu chuyện của Bắc Kinh, tình hình chỉ càng trở nên tồi tệ hơn do sự trở lại của Thủ tướng Shinzo Abe báo trước một chính sách cứng rắn hơn của Nhật Bản - một quá trình đã được bắt đầu. Một trong những bài xã luận có tính tổ chức, khẳng định sự vô tội của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng: “Ông Abe đã thực hiện một loạt những hành động đáng lo ngại, bao gồm việc tăng ngân sách quân sự của Nhật Bản lần đầu tiên trong vòng 11 năm, tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhiều hơn và thậm chí công khai tuyên bố ý định sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản”. 

Washington không tuân thủ các cam kết 

Trung Quốc đã cố gắng dàn xếp việc kiểm soát Nhật Bản như một phần trong hệ thống quốc tế của Mỹ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Một bài báo không ký tên của hãng tin Tân Hoa Xã đã tuyên bố Tokyo “cũng đã bác bỏ và thách thức các kết quả của thắng lợi trong cuộc chiến tranh thế giới chống phát xít”. Phát ngôn viên Dương Vũ Quân của MND nói thêm: “Nhật Bản cũng đã tăng cường khả năng quân sự của mình theo nhiều cách khác nhau, đồng thời cố gắng thay đổi trật tự quốc tế sau chiến tranh Thế giới thứ Hai”. Một bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc trước khi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố thiết lập ADIZ thậm chí còn đánh đồng sự khoan dung của Washington trước chủ nghĩa quân phiệt đang trỗi dậy ở Nhật Bản với việc nhượng bộ Đức trước khi bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ Hai - một điều gì đó tạm thời làm giảm những điều bất lợi cho sự ổn định lâu dài. 

Ngoài những vấn đề về chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, dịp kỷ niệm lần thứ 70 của Tuyên bố Cairo trong tháng 12/2013 đã tạo ra cơ hội kêu gọi các nước đồng minh cam kết khôi phục lại vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã bị mất vào tay Nhật Bản. Tuyên bố này nêu rõ “tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp từ Trung Quốc, như Mãn Châu, Formosa (Đài Loan), và Bành Hồ”, điều sau đó đã được tái khẳng định trong Tuyên bố Potsdam năm 1945. Sự diễn giải hiện nay của Trung Quốc là tuyên bố này bao gồm cả đảo Điếu Ngư, vì “trong luật pháp quốc tế, đảo Điếu Ngư và các đảo nhỏ của nó đáng lẽ phải được trả lại cho Trung Quốc kể từ đó”. 

Thất bại khác, phổ biến hơn, của Mỹ có liên quan đến đánh giá của Trung Quốc rằng Washington đã có hành động lừa gạt xung quanh cam kết không thể hiện lập trường của nước này về chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư. Các tuyên bố chính thức phản ứng lại ADIZ đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel truyền đi cùng với các máy bay B-52 cho thấy rằng Washington đã đã đưa ra một quan điểm phản đối rõ ràng với Trung Quốc. 

Như Tô Hiểu Huệ, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã viết rằng “Mỹ thậm chí vờ như đã quên tuyên bố nhất quán của họ trong việc không can thiệp vào vấn đề quần đảo Điếu Ngư trong khi lại nhấn mạnh nghĩa vụ đối với quốc gia đồng minh của họ” (ám chỉ Nhật Bản) và tái khẳng định cam kết theo hiệp ước của Mỹ nhằm giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo tranh chấp này. 

Tokyo lôi kéo Mỹ vào xung đột 

Báo chí chính thống Trung Quốc đã chỉ trích những phản ứng của Washington đối với việc thiết lập ADIZ của Bắc Kinh, cho thấy rằng Mỹ đang khuyến khích Nhật Bản gia tăng động thái quân sự và đẩy Bắc Kinh cũng như Washington tới gần cuộc xung đột hơn. Hãng tin Tân Hoa Xã tuyên bố rằng “phản ứng thái quá của Mỹ đã ủng hộ Nhật Bản một cách cố tình hoặc vô ý”, cho phép Tokyo gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ-Trung. Theo một bài báo bằng tiếng Anh, “thông điệp” của Washington sẽ chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hiếu chiến nguy hiểm của Tokyo và tiếp tục xóa bỏ không gian của các hoạt động ngoại giao. Quan trọng hơn, nó có thể đẩy Trung Quốc và Mỹ vào một cuộc xung đột”. Mặt khác, Tân Hoa Xã đã cảnh báo Mỹ rằng “việc làm ngơ với xu hướng nguy hiểm này ở Nhật Bản có thể tạo ra nguy cơ và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Mỹ”. 

Đề tài này làm dấy lên hy vọng rằng nếu Washington không ủng hộ Nhật Bản thì sự cạnh tranh và/hoặc cuộc xung đột Trung-Mỹ có thể được ngăn chặn. Một bài xã luận bằng tiếng Anh trên tờ Trung Quốc Nhật báo đã trực tiếp giải đáp điều này: “Tầm nhìn ‘tương lai hợp tác nhiều hơn và ít đối đầu hơn ở khu vực Thái Bình Dương’ của ông Kerry phụ thuộc nhiều hơn vào sự phán đoán nhạy bén và thái độ hòa bình của Nhật Bản”. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một nước Nhật Bản không tin tưởng vào sự ủng hộ của Mỹ sẽ ít thiên về chủ nghĩa quân phiệt hơn và nhiều khả năng sẽ cư xử công bằng với Trung Quốc về tương lai của quần đảo Điếu Ngư. 

Kết luận 

Những ngày đầu tháng 12/2013, dường như có một số kết luận rõ ràng về ý định của Bắc Kinh trong việc tuyên bố ADIZ. Trước tiên, dường như có rất ít nghi ngờ rằng đây là một chính sách có sự phối hợp đã được thực hiện vào một thời điểm mà Bắc Kinh lựa chọn. Nó không phải là một chính sách tự do ai muốn tham gia cũng được, mà thay vào đó là một bước đi khác đã được tính toán nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và không thể dễ dàng bị lật lại, giống như khuyến cáo của Nhà Trắng đối với các hãng hàng không thương mại của Mỹ về việc nên tuân thủ các quy định ADIZ mà Trung Quốc đưa ra. 

Thứ hai, cách thức mà Trung Quốc đưa ra vấn đề cho thấy một nỗ lực cố ý để thuyết phục Mỹ rằng lợi ích của Mỹ không gắn với Nhật Bản. Liên minh Mỹ-Nhật là chìa khóa cho sự tái cân bằng của Mỹ sang châu Á, và nhiều chuyên gia phân tích Trung Quốc từ lâu ít nhiều đã xem chính sách này là một sự kiềm chế ban đầu, hoặc là một tiền đề cho sự ngăn chặn, hoặc ít nhất là gây bất ổn định ở khu vực Đông Á. 

Những lập luận của Bắc Kinh dựa vào đặc quyền của Washington trong quan hệ hợp tác Trung-Mỹ về hàng loạt các vấn đề toàn cầu dựa trên các cam kết khác. Như đã nói, Nhật Bản dường như tham gia một loạt các vấn đề - gồm cả Đài Loan và những sự kiểm soát xuất khẩu - điều mà Bắc Kinh tuyên bố rằng đó là việc gây trở ngại cho sự tiến triển trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Khuôn khổ mà Bắc Kinh đã thúc đẩy trong các vấn đề hòa giải quan hệ Mỹ-Trung – “kiểu quan hệ các cường quốc mới” hay “mô hình quan hệ mới giữa các nước lớn” – cũng cố kiểu tư duy này, bởi vì nó nói lên hy vọng lâu nay về một mối quan hệ đối tác và tránh sự tái diễn bi quan về một cuộc xung đột quyền lực lớn. 

Tuy nhiên, cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông cho thấy hy vọng này sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá cho việc gây sức ép lên hệ thống quốc tế. Vì vậy, sự lựa chọn không phải là giữa các mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc hay các nước thuộc khu vực ngoại vi của quốc gia Đông Á này, mà là giữa một mối quan hệ đối tác với Trung Quốc và việc bảo vệ hệ thống quốc tế do Washington tạo ra./.

Theo Atimes (ngày 9/12)

Hương trà (gt)