- Ngài nghĩ thế nào về cuộc gặp gần đây tại New York giữa lãnh đạo các nước G4 nhằm thúc đẩy cải tổ Liên Hợp Quốc? Ngài có nghĩ rằng vị trí thành viên thường trực Hội đồng Bảo An là mong đợi thực tế của các nước G4?

Tôi không nghĩ vậy. Tôi đánh giá cao cuộc gặp của lãnh đạo các nước G4 về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và tôi nghĩ rằng cải tổ là cần thiết để ổn định trật tự thế giới. Nhưng điều này là khó khăn vì các nước láng giềng của G4 và thậm chí các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (P5) đã chống lại những cải tổ này. Chính phủ Đức đã không tích cực và người dân Nhật không quan tâm đến điều này. Tôi nghĩ rằng hiện chúng ta đã đánh mất động lực cải tổ.

- Ngài lo ngại thế nào về sự lớn mạnh của Trung Quốc?

Tôi nghĩ sự lớn mạnh của Trung Quốc có hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Trung Quốc đã trở thành siêu cường thứ hai về kinh tế và đóng góp vào kinh tế thế giới. Nhưng đồng thời chính phủ Trung Quốc tiếp tục thách thức để thay đổi trật tự quốc tế, hệ thống chính trị, tài chính, thương mại, quân sự và luật pháp quốc tế hiện nay. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thách thức chống lại hệ thống mà Mỹ đã thiết lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và gây ra sự va chạm nghiêm trọng với nhiều nước. Đặc biệt thách thức quân sự là mối đe dọa đối với các nước ASEAN và Nhật.

Chúng ta nên tập trung vào những mâu thuẫn hoặc khó khăn bên trong Trung Quốc, vào hố ngăn cách giàu nghèo đang ngày càng mở rộng, tình trạng ô nhiễm môi trường và tham nhũng đang lan rộng, v.v. Chúng ta không mong đợi Trung Quốc thất bại. Chúng ta nên hợp tác với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề này.

- Ngài có nghĩ rằng sự gia tăng phát triển của Trung Quốc đã đưa Ấn Độ và Nhật xích lại gần nhau?

Tôi đồng ý. Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ B. Obama hợp tác trong chính sách đối ngoại để kiềm chế Trung Quốc và liên minh Mỹ-Nhật đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn sự mở rộng những hành động quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ đối mặt với chiến lược “chuỗi ngọc” của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng để tăng cường sự kết nối Mỹ - Nhật - các nước Châu Á và cân bằng sức mạnh, vai trò của Ấn Độ rất quan trọng không chỉ về chính sách an ninh mà còn về kinh tế. Quan hệ gần gũi Nhật-Ấn Độ là tất yếu để giữ khu vực ổn định vì thế chính phủ Nhật đang cố gắng tăng cường quan hệ với Ấn Độ.

- Đã có nhiều bài viết về sự đồng cảm cá nhân lớn giữa Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Thủ tướng Nhật S. Abe. Ngài có nghĩ rằng sự đồng cảm cá nhân sẽ giúp tăng cường tiến trình ngoại giao này?

Nhìn chung sự tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ có hiệu quả tốt trong ngoại giao. Thủ tướng N. Modi đã chọn Nhật là nước đến thăm đầu tiên và nhiều người Nhật có ấn tượng đầu tiên rằng Thủ tướng N. Modi là người tốt và ông sẽ thành công trong xây dựng quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng S. Abe.

- Các công ty Nhật đã đầu tư nhiều vào Việt Nam và Indonesia hơn là Ấn Độ. Vậy điều gì đang ngăn cản các công ty Nhật đầu tư vào Ấn Độ?

Tôi xin lỗi vì tôi không biết nhiều về hoạt động của các công ty Nhật tại Ấn Độ.

- Tam giác đối thoại Mỹ - Ấn Độ - Nhật gần đây tại New York đã nhắc lại cam kết chung về an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liệu điều này có phải là nhằm chống lại Trung Quốc?

Tôi nghĩ là như vậy. Chính phủ Nhật đã rất lo ngại về các hành động của hải quân Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc đã và đang vi phạm luật pháp quốc tế trong nhiều năm và đang mở rộng các lĩnh vực hoạt động. Vì vậy Nhật và Mỹ tin tưởng rằng sự hợp tác với Ấn Độ, Úc và các nước Châu Á khác là rất quan trọng để ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc.

- Ngài có hy vọng rằng hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ-Nhật sẽ được thúc đẩy tới trước?

Tôi nghe nói chính phủ Nhật đang xem xét về chuyến thăm của Thủ tướng S. Abe tới Ấn Độ vào cuối năm này hoặc đầu năm tới để thảo luận hiệp định hợp tác về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân. Và nếu như Thủ tướng S. Abe thăm Ấn Độ, ông cũng cũng muốn thảo luận hợp tác về chính sách an ninh để đối phó với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc.

- Ấn Độ và Nhật cần tập trung vào những lĩnh vực hợp tác nào để tăng cường quan hệ song phương thưa ngài?

Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng nhất là chính sách an ninh, tiếp đó là lĩnh vực kinh tế. Nhưng tôi nghĩ giao lưu nhân dân sẽ rất quan trọng để hiểu biết lẫn nhau, chẳng hạn việc gia tăng trao đổi sinh viên các trường đại học hoặc khách du lịch. Tôi tin rằng sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta có khả năng vô bờ bến để hiện thực hóa sự thịnh vượng giàu có, tăng trưởng kinh tế và chắc chắn cho cả hai nước.

Theo The Statesman

Trần Quang (gt)