Thiếu tướng La Viện - nhân vật nổi tiếng là có quan điểm diều hâu thường có các bài viết đăng tải trên mạng và các báo nổi tiếng của Trung Quốc - nhấn mạnh Mỹ "đang bố trí lực lượng xuyên suốt khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc". Lời khẳng định của Oasinhtơn hồi tuần trước rằng việc điều chỉnh trọng tâm quân sự này không nhằm vào Trung Quốc "chỉ càng khiến cho ý định thực sự của họ trở nên rõ ràng". Bài bình luận viết: "Nhìn ra xung quanh, chúng ta có thể thấy Mỹ đang củng cố 5 đồng minh quân sự quan trọng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đang điều chỉnh vị trí 5 cụm căn cứ quân sự lớn, trong khi cũng tìm kiếm thêm quyền tiếp cận các căn cứ quân sự xung quanh Trung Quốc". Bài viết khẳng định: "Ai có thể tin được rằng điều đó không nhằm vào Trung Quốc? Liệu đây có phải là sự trở lại của trạng thái Chiến tranh Lạnh?".

Theo Thiếu tướng La Viện, Bắc Kinh phải nỗ lực hơn nữa để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực, thu hút những nước này xa rời vòng quỹ đạo của Mỹ. Ông viết: "Trước sự điều chỉnh về trọng tâm chiến lược của Mỹ, chúng ta phải duy trì cảnh giác cao độ..., phải tiến hành các cuộc tập trận thành thạo, dùng giải pháp ngoại giao khôn khéo và làm bạn với càng nhiều nước càng tốt. Một số nước bị Mỹ lừa gạt và đang cùng Mỹ bước ra khỏi lợi ích của chúng ta. Thực chất, Mỹ và các nước này không hợp với nhau bởi 'đồng sàng, dị mộng'".

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ nên "cẩn trọng trong lời nói và hành động". Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đưa ra vào ngày 9/1, sau khi Mỹ thông báo về kế hoạch quân sự mới hồi tuần trước. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á, kể cả trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rút khỏi một số nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ duy trì các căn cứ quân sự lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như đồn trú và triển khai lực lượng hải quân, các tàu chiến và máy bay ở vùng lãnh thổ phía Bắc Ôxtrâylia. Chiến lược mới của Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế sức mạnh của quân đội Mỹ ở Biển Đông và nỗ lực kiểm soát eo biển Hormuz của Iran, một trong những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.

Hãng tin Reuters nhận định tuyên bố trên của ông Cảnh Nhạn Sinh thể hiện phản ứng đầy đủ nhất của Trung Quốc trước động thái mới của Mỹ. Nó cho thấy Trung Quốc đang đề phòng nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng từ nước ngoài. Ông nói: "Chúng tôi sẽ quan sát chặt chẽ tác động của sự thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vấn đề an ninh toàn cầu". Ông Cảnh Nhạn Sinh hy vọng Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề với Trung Quốc trên cơ sở khách quan và hợp lý, sẽ "thận trọng hơn trong lời nói và hành động" để đem lại lợi ích nhiều hơn cho mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sở dĩ Mỹ có chủ trương tăng cường hiện diện ở châu Á là do những "tính toán sai lầm" về việc Bắc Kinh có kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng.

Trung Quốc đã tìm cách làm cân bằng giữa một bên là bày tỏ lo ngại trước các động thái của Mỹ với một bên là mong muốn của Trung Quốc về mối quan hệ ổn định với Oasinhtơn, nhất là trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Oasinhtơn đều vật lộn với các hoạt động chính trị trong nước trong năm 2012: Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sắp bước vào cuộc tranh cử mới. Trước đó, vào giữa năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rõ ông muốn tránh lặp lại những xung đột với Oasinhtơn. Theo kế hoạch, ông Hồ Cẩm Đào sẽ nghỉ hưu vào cuối năm 2012 và ông Tập Cận Bình - nhân vật được coi là kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào - sẽ có chuyến công du Mỹ trong thời gian tới.

Trên thực tế, Mỹ và các nước châu Á vẫn quan ngại về sự phát triển của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo Đài Ôxtrâylia, rất nhiều nước trong khu vực cho rằng Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự quyết liệt trong các tranh chấp lãnh hải. Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh hải quân, phát triển tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, tên lửa và khả năng tác chiến cũng như gia tăng sự công kích và đe dọa các nước trong khu vực. Điển hình là các tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông giàu tài nguyên giữa Trung Quốc và một số nước châu Á, bao gồm Philíppin, Malaixia, Việt Nam, Brunây... đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực.

Tiến Anh (gt)