Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các thị trường năng lượng nước ngoài có thể buộc cường quốc này phải xem xét lại chính sách “không can thiệp” mang tính lịch sử của mình, ít nhất là ở các khu vực sản xuất nguồn năng lượng chính. Tiềm ẩn trong sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc là tăng trưởng nhanh về nhu cầu năng lượng. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới và đang trong xu hướng vượt Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất. Tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng từ 2,3 triệu thùng/ngày năm 1990 lên 4,7 triệu thùng/ngày năm 2000 và hiện đang hướng tới mức 11 triệu thùng/ngày. Mỹ hiện tiêu thụ khoảng 15 triệu thùng/ngày. Dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và sẽ khó có thể trở lại mức tăng hơn 10% như trước đây, nhu cầu dầu mỏ sẽ vẫn trong xu hướng tăng. Phần lớn dân số Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mà họ có khả năng mua ôtô; khi các nền kinh tế đạt được mức GDP trên đầu người từ 10.000 đến 20.000 USD, tỷ lệ xe hơi so với dân số thường tăng mạnh. Dù tỷ lệ xe hơi so với dân số ở Trung Quốc không thể đạt ngưỡng như ở Mỹ nhưng với quy mô dân số lớn của Trung Quốc đồng nghĩa với việc dù chỉ một thay đổi nhỏ trong tỷ lệ sở hữu xe hơi sẽ làm thay đổi lớn nhu cầu nhiên liệu. Điều này khẳng định rằng việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới, củng cố vị trí là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của cường quốc này. 

Ý nghĩa đối với Trung Quốc 

Xu thế này có một vài ý nghĩa đối với Bắc Kinh. Ba tập đoàn dầu mỏ quốc gia chính của Bắc Kinh, Tổng công ty dầu khí và hoá chất Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) sẽ tiếp tục chính sách quyết liệt mở rộng quy mô tiếp cận toàn cầu. Sự chú ý đặc biệt sẽ tập trung ở các quốc gia mà mức sản xuất dầu có tiềm năng tăng như Iraq, Brazil và Venezuela bất chấp sự phức tạp chính trị, vận chuyển xung quanh việc phát triển năng lượng ở các quốc gia này. Mặc dù một phần của sự mở rộng này nhằm mục đích bảo đảm nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc, các công ty này cũng tìm cách giảm thiểu rủi ro và muốn trở thành các tập đoàn dầu khí toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng các công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sang các nước như Mỹ và Canada . Lấy ví dụ, CNOOC và Sinopec đã đầu tư vài tỷ USD vào các mỏ dầu khí đá phiến. Những khoản đầu tư này cũng nhằm nâng cao trình độ công nghệ cho các tập đoàn dầu khí Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng kinh tế nội địa Trung Quốc chậm lại và quốc gia này đang trải qua giai đoạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế hướng tới xuất khẩu sang mô hình phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, sẽ có sự suy giảm về cán cân thương mại. Tăng nhập khẩu dầu và các loại hình năng lượng khác sẽ chỉ đẩy nhanh việc xóa bỏ cán cân thương mại tích cực hiện nay của Trung Quốc dù sự thay đổi này đã diễn ra trong vài năm. Nó cũng làm gia tăng rủi ro của Bắc Kinh với các nhân tố bên ngoài, không chỉ là các vấn đề kinh tế mà còn là rủi ro về nguồn cung bằng đường biển. Bắc Kinh đã nỗ lực làm giảm thiểu các rủi ro này bằng việc tăng nhập khẩu bằng đường bộ từ Nga và Trung Á, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn cho giao thông đường biển, vai trò từ lâu đã do Mỹ đảm nhiệm. 

Sự phụ thuộc vào năng lượng của Mỹ suy giảm 

Khi sự tiêu thụ gia tăng đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất, Mỹ lại đang giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã trải qua bước tiến công nghệ vượt bậc giúp việc sản xuất dầu của nước này tăng gần 40% trong 3 năm qua, đưa sản xuất nội địa lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước Chiến tranh vùng Vịnh thứ Nhất. Dù đây không phải là lý do duy nhất khiến Mỹ giảm mạnh nhập khẩu dầu mỏ, Canada cũng đã tăng mạnh việc sản xuất dầu của mình và đang xuất khẩu sang Mỹ bằng đường bộ. Kết quả là Mỹ ngày càng giảm nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài bằng đường biển. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của thập kỷ này khi Mỹ và Canada tiếp tục tăng cường sản xuất dầu. 

Tuy nhiên, việc sản xuất dầu của cả Mỹ và Canada không thể đạt mức đủ cao để Washington không còn phải nhập khẩu dầu từ các nước khác. Bên cạnh đó, Mỹ hội nhập lớn vào dòng chảy thương mại và thị trường tài chính toàn cầu. Chính vì thế, Mỹ sẽ vẫn rất quan tâm đến thị trường dầu mỏ quốc tế cũng như việc bảo đảm an toàn tuyến giao thông hàng hải không chỉ cho việc vận chuyển năng lượng mà còn các loại hàng hóa khác. Lấy ví dụ, ngay cả khi nếu nhập khẩu năng lượng của Mỹ từ Trung Đông giảm, bất kỳ sự suy giảm mạnh nguồn cung nào từ Trung Đông sẽ dẫn tới các hậu quả kinh tế nghiêm trọng ở Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. 

Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu thô Trung Đông vì những lý do cơ cấu. Ví dụ, bang California và các bang duyên hải miền Tây không kết nối với phần còn lại của lục địa bằng đường ống và việc xây dựng đường ống dẫn dầu tới các khu vực này khó khăn. Chính vì vậy, các nhà máy lọc dầu tại đây sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn dầu thô từ Trung Đông ngay cả khi Mỹ tiếp tục tăng sản xuất dầu trong nước. 

Ảnh hưởng của OPEC đang suy giảm 

Việc tăng sản xuất năng lượng của Mỹ một phần được cho là do giá dầu mỏ tăng cao. Đây không phải là lần đầu tiên từ giá dầu cao dẫn tới bước đột phá về công nghệ ở các nước phát triển, mở ra nguồn sản xuất dầu vô tận. Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1970, giá dầu cao đã khiến các nhà sản xuất dầu mỏ phát triển sang các khu vực đắt đỏ hơn như vịnh Mexico , bang Alaska và Biển Bắc, dẫn tới sự tăng trưởng bền vững nguồn cung dầu của các thành viên không thuộc OPEC trong suốt những năm 1980. Kết quả là giá dầu mỏ đã giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt thời kỳ bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, thời điểm đã xảy ra cuộc chiến tranh giữa Iraq và Iran . Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu OPEC khác ban đầu đã cố gắng hạn chế sản xuất để tăng giá nhưng họ đã không thể gây tác động đáng kể đến giá dầu mỏ vì việc sản xuất của các thành viên không thuộc OPEC tăng quá nhanh. Điều này cuối cùng buộc Saudi Arabia phải tăng sản xuất trở lại để giành lại thị phần, giúp giữ mức giá dầu tương đối thấp cho tới những năm 2000 khi một xu hướng mới nổi lên, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng mạnh từ các nền kinh tế mới nổi. 

Ngày nay, việc tăng sản xuất dầu ở Mỹ, Canada, Nga và Brazil đã làm suy giảm khả năng của OPEC trong việc tác động đến giá thành. Tuy nhiên, trái ngược với những ví dụ lịch sử về sản xuất tăng, nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia mới nổi khác tới nay đã làm giảm bớt ảnh hưởng từ việc sản xuất dầu tăng của các thành viên không thuộc OPEC vì vậy, việc sản xuất phải tiếp tục tăng trưởng để giữ giá dầu ở mức hiện nay. Điều này quan trọng đối với nhiều quốc gia Trung Đông vì khả năng khống chế sản lượng dầu mỏ đang bị đặt câu hỏi. Các quốc gia như Saudi Arabia, Oman và những nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông khác không chỉ tăng tiêu thụ nội địa của mình mà còn nhằm đối phó với mùa Xuân Arập 2011, các nước này phụ thuộc vào tăng chi tiêu phúc lợi nhờ xuất dầu để “tránh bão”. Các quốc gia này cần giữ giá dầu cao như hiện nay để duy trì nguồn thu ngân sách của mình, thậm chí họ còn cần giá dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa. 

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các thị trường năng lượng nước ngoài cũng sẽ đòi hỏi Trung Quốc ngày càng quan tâm đến những diễn tiến chính trị ở Trung Đông và các khu vực sản xuất năng lượng khác. Chính sách trước đây của Bắc Kinh trong các tranh chấp này là không can thiệp nhưng với sự phụ thuộc ngày càng tăng, chính sách này có thể sẽ trở nên lỗi thời. Mỹ sẽ vẫn rất quan tâm đến thị trường năng lượng toàn cầu và các sự kiện địa chính trị có thể ảnh hưởng đến các thị trường này, nhưng việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mở từ bên ngoài sẽ giúp Washington rảnh tay hơn trong thực thi chính sách đối ngoại của mình tại các khu vực sản xuất dầu khí chiến lược./.

Theo Stratfor 

Vũ Hiền (gt)