china-usa-cogs-bg.jpg

Một cặp đôi trên đường ly dị

Mối quan hệ Mỹ-Trung phiên bản Donald Trump bắt đầu từ một nền tảng không thể xấu hơn. Sự mất lòng tin do những lời trách móc nặng nề của ứng cử viên đảng Cộng hòa trước kia, nay càng được khích động thêm với các phát ngôn gần đây khi đã trở thành tổng thống đắc cử. Nó có thể làm đảo lộn sâu sắc thế cân bằng quốc tế hơn là những hơi hướng Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Moskva. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo dựng được mối quan hệ êm đẹp. Có thể kể tới kết quả gần đây là cam kết chung của hai nước về tính cấp bách phải đối phó với biến đổi khí hậu. Nhưng thời kỳ trăng mật có tính biểu tượng đang chuyển sang giai đoạn chua cay. Với việc trả lời cuộc gọi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/12, ông Trump đã chạm vào tim gan của Bắc Kinh. Từ năm 1979 đến nay, sau khi đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Đài Bắc, chưa bao giờ một tổng thống Mỹ nói chuyện với một tổng thống Đài Loan.

“Lòng tin đã xói mòn. Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Trump sẽ bắt đầu trong sự cảnh giác, điều đó không hề tốt”, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh lo ngại. Nhất là khi lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất thế giới đấu khẩu với nhau. Chỉ qua hai thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Donald Trump đã cáo buộc Bắc Kinh “phá giá đồng tiền”, “áp thuế cao” lên hàng xuất khẩu của Mỹ và “xây dựng một tổ hợp quân sự lớn” trên Biển Đông. Tồi tệ hơn, ngày 11/12, ông ta còn đe dọa sẽ bỏ qua nguyên tắc “Một Trung Quốc” để đòi Bắc Kinh phải có nhượng bộ quan trọng. “Tôi không muốn Trung Quốc có thể áp đặt lên hành động của mình”, tân tổng thống Mỹ tuyên bố.

Về phía Trung Quốc, ngoại trừ một tuyên bố đưa ra ngày 1/11 phê phán thái độ của Trump nghi ngờ nguyên nhân gây hiện tượng biến đổi khí hậu giữa chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ (“Một nhà lãnh đạo chính trị chín chắn phải đưa ra các quyết định phù hợp với xu thế của thế giới”), Bắc Kinh cho rằng ông Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao, cho tới nay vẫn tỏ ra thân thiện với các lời nói của ông này, nhất là khi ông tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc không được tham gia. Họ chỉ thay đổi giọng điệu một cách mạnh mẽ vào thứ Hai vừa qua, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với phát ngôn mới nhất của nhà tỷ phú địa ốc. Thời báo Hoàn cầu đã nhắc lại rằng chính sách “Một Trung Quốc” “không phải để bán”, đồng thời cảnh báo trong phần xã luận: Nếu Trump tiếp tục khiêu khích thì Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ, thậm chí “viện trợ quân sự” cho các đối thủ của Mỹ. Sự giận giữ còn gia tăng thêm một cấp độ mới: Trung Quốc không loại trừ đánh chiếm Đài Loan bằng quân sự. Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố những kẻ dám xem xét lại nguyên tắc “Một Trung Quốc” chính là “lấy đá tự ghè chân mình”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan cũng rất căng thẳng. Từ tháng 6, cơ chế trao đổi thông tin song phương, cho phép hai bờ tiếp xúc với nhau đã bị gián đoạn. Sau 8 năm Bắc Kinh và Đài Bắc xích lại gần nhau, bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống Đài Loan của Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng (2008-2016), Trung Quốc lo ngại lực lượng theo xu hướng Đài Loan độc lập trong đảng của Thái Anh Văn sẽ thúc đẩy bà phải xem xét lại nguyên tắc “Đồng thuận 1992”, một thỏa thuận ngầm giữa các quan chức Đại lục và Quốc dân đảng thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Ngay sau cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Thái Anh Văn, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu đe dọa Đài Loan. Theo tiết lộ của tờ Thời báo New York, cuộc gọi này đã được chuẩn bị từ hàng tháng trước. Cựu thượng nghị sỹ Mỹ 92 tuổi, Bod Dole, đã nhận 140.000 USD từ tay Chính quyền Đài Loan để đứng ra thiết lập các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa những người trong vây cánh của Trump với Chính quyền Thái Anh Văn. Cuối tuần trước, khoảng 10 máy bay Trung Quốc đã tiến gần Đài Loan. Trung Quốc bày tỏ thái độ giận dữ trong bối cảnh tình hình nội bộ hiện nay và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dưới thời Tập Cận Bình. Một nguồn tin phương Tây tại Bắc Kinh nói: “Tất cả xúc phạm liên quan đến chủ đề này sẽ đến thẳng bàn làm việc của Tập Cận Bình”. “Trump đã động đến chỗ linh thiêng nhất, Bắc Kinh sẽ không thể bỏ qua”, một nguồn tin khác khẳng định.

Mối quan hệ lợi ích

Hai cường quốc hạt nhân, hai “quốc gia-lục địa” thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là hai nền kinh tế lớn nhất với kim ngạch thương mại song phương lên đến 560 tỷ USD, mối quan hệ Mỹ-Trung có ý nghĩa chiến lược nhất trên thế giới. Do đó nó không thể chỉ dựa vào một vài tuyên bố trên truyền hình hay thông điệp Twitter của một tổng thống đắc cử vẫn chưa nhậm chức. Với việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1979, Mỹ đã chấp nhận hy sinh quan hệ ngoại giao với Đài Loan bất chấp một hiệp định quốc phòng song phương ký kết năm 1954. Giữa Bắc Kinh và Washington, trao đổi ngoại giao diễn ra hàng ngày và ở mọi cấp. Từ năm 2009, hai siêu cường duy trì “đối thoại chiến lược và kinh tế”, cơ chế cho phép Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc hàng năm.

Sau những lời chỉ trích Trung Quốc đầu tiên vào đầu tháng 12, Donald Trump dường như đã có cử chỉ hòa dịu với việc bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, một nhà ngoại giao kỳ cựu. Hiện là thống đốc bang Iowa, ông này đã gặp Tập Cận Bình năm 1985 khi nhà lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm Mỹ đầu tiên. Ông cũng đã nhiều lần tới Trung Quốc. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới là rất lớn, đã được tích lũy từ ba mươi năm nay. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, còn Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Trên lĩnh vực tài chính, hai nước liên quan mật thiết với nhau. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khoảng 3.000 tỷ USD. Nước này vẫn tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, một điều làm cho Washington rất hài lòng. Nếu mối quan hệ hài hòa giữa hai siêu cường của thế kỷ 21 này chấm dứt, Mỹ sẽ rất khó tìm nguồn tài trợ cho khoản nợ trên thị trường tài chính nước ngoài. Vì Trung Quốc giữ gần 7% nợ công của Mỹ, tức 3.000 tỷ USD. Nhờ đó, Trung Quốc là chủ nợ số một của Mỹ, hơn cả Nhật Bản.

Lý do cũng tương tự với các đại doanh nghiệp Mỹ. Phần lớn trong số này phát hành trái phiếu trên thị trường tài chính quốc tế và khách hàng mua chủ yếu là Trung Quốc. Lần đầu tiên, năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Tất cả các công ty đa quốc gia Mỹ trong các lĩnh vực từ điện tử, hàng không, năng lượng, … đều có cơ sở dây chuyền lắp ráp trên lãnh thổ của người khổng lồ châu Á và có các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Ngay cả Donald Trump cũng có quan hệ làm ăn ở Trung Quốc, tập đoàn của ông dự trù sẽ mở 20 đến 30 khách sạn. Bất chấp việc nổi tiếng thân cận với Đài Loan, vây cánh của Trump sẽ không thể chơi ván bài “được ăn cả ngã về không” với một nước Trung Quốc mà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang lên rất cao. Ngoài ra, nhà tỷ phú Mỹ đã tỏ ra không muốn công kích Trung Quốc trên khía cạnh đặc biệt nhạy cảm là nhân quyền.

 

Về vấn đề quân sự, được Bắc Kinh nêu ra mới đây, đây chủ yếu là sự khoa tay múa chân hơn là mối đe dọa thực sự. Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn từ 20 năm nay, tăng ngân sách quân sự bình quân tới 10%/năm (216 tỷ USD), nhưng họ vẫn ở rất xa phía sau Mỹ (610 tỷ), và không thực hiện một chiến dịch quân sự nào ở nước ngoài từ năm 1967 đến nay. Các tham vọng vủa Trung Quốc trên Biển Đông từ trước đến nay chỉ dựa vào khẳng định quyền dân sự và lịch sử, họ vẫn tránh để xảy ra va chạm không đáng có. Ngoài các con số và tương quan lực lượng, mối liên hệ giữa người dân cũng rất chặt chẽ. Trong số 1 triệu sinh viên nước ngoài đến Mỹ theo học năm 2015-2016, 1/3 là từ Trung Quốc. Ngay cả con gái Tập Cận Bình, cũng như con cái các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, đều theo học tại đây./.

Hương Trà (gt)