Chiến thắng của ông đã báo hiệu một sự chuyển đổi của trung tâm chính trị Manila và nỗ lực tiếp cận với bộ phận bị coi là thiệt thòi trong xã hội Phillippines. Các bài phát biểu và những lời bình luận công khai của ông đều bằng tiếng Anh thay vì tiếng Tagolog, ngôn ngữ chính của vùng đô thị Manila, vốn được khuyến khích sử dụng như ngôn ngữ quốc gia trên toàn quần đảo. Ông nhấn mạnh quan hệ của ông với Mindanao và một số thành viên được bổ nhiệm trong nội các tới từ khu vực này.

Ông Duterle cũng lôi kéo sự ủng hộ từ phe cánh tả Phillipines và có quan hệ chặt chẽ với người sáng lập Đảng Cộng sản Philippines (CPP) Jose Sison, người sống lưu vong ở Hà Lan từ năm 1987. Ông Duterte hoan nghênh kế hoạch Sison trở về đất nước. Mặc dù các cuộc đàm phán của chính phủ với CPP đi vào ngõ cụt từ năm 2011, nhưng Tổng thống Duterte có nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận với CPP và cánh vũ trang của đảng này, Quân đội Nhân dân Mới (NPA).

Sự cởi mở với phe cánh tả được thể hiện qua việc bổ nhiệm hai thành viên nội các do Mặt trận Dân chủ Quốc gia đề cử, một đồng minh của NPA. Judy Taguiwalo, Giáo sư đại học Philippines và là người bênh vực quyền của phụ nữ, là Bộ trưởng Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội; và Rafael Mariano là Bộ trưởng Bộ Cải cách ruộng đất. Thư ký nội các mới Leoncio Evasco Jnr, là cựu phiến quân NPA và cựu linh mục, từng tham gia chiến dịch tranh cử của ông Duterte và có mối quan hệ chặt chẽ với ông Duterte từ những năm 1990.

Việc bổ nhiệm này được cân bằng khi các chuyên gia kinh tế và kỹ trị được bổ nhiệm vào các chức vụ Bộ trưởng quan trọng, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, người đã phục vụ trong nội các của hai cựu Tổng thống Cory Aquino và Fidel Ramos, là bạn thân của ông Duterte từ khi ở Davao. Alfonso, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, từng phục vụ trong Chính quyền của cựu Tổng thống Cory Aquino. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia là nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Phát triển châu Á. Trên cơ sở sự quản lý kinh tế hiệu quả của ông Duterte ở thành phố Davao, chính sách kinh tế có thể sẽ theo các chính sách định hướng tăng trưởng của cựu Tổng thống Benigno Aquino, trong đó nhấn mạnh hơn về phân quyền/phi tập trung hóa, xóa đói giảm nghèo và cải cách ruộng đất.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, nhiệm kỳ 1992-1998, là người đầu tiên ủng hộ và có ảnh hưởng lớn trong việc thúc đẩy việc lựa chọn chính sách thực dụng của Tổng thống Duterte. Ảnh hưởng của Ramos là tích cực khi nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi sự chuyển đổi kinh tế ở Philippines, cũng như đạt được bước tiến đáng kể đối với NPA và các phong trào nổi dậy Hồi giáo. Hiện nhiều nhân vật dưới thời cựu Tổng thống Ramos được bổ nhiệm trong nội các mới, bao gồm cả Cố vấn tiến trình hòa bình Jesus Dureza. Ưu tiên của ông Duterte là các vấn đề trong nước. Luật pháp và trật tự, chống tham nhũng và tiêu diệt nạn ma túy là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông. Mục đích của ông là phân quyền từ chính quyền trung ương đến các tỉnh. Bằng cách làm như ở Davao, ông Duterte là biểu tượng nhắc nhở các chính trị gia Manila rằng một cuộc cách mạng chính trị đang được tiến hành. Ông có ý định chuyển sang hệ thống quốc hội liên bang và sửa đổi hiến pháp.

Việc ông bổ nhiệm Thiếu tướng Delfin Lorenzana làm Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy mong muốn duy trì quan hệ với Mỹ ngay cả khi Philippines tiến tới thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc. Lorenzana đã có thời gian dài là Tùy viên quốc phòng tại Washington, sau khi nghỉ hưu năm 2004, ông là đại diện của Tổng thống tại Đại sứ quán Philippines ở Mỹ trong thời gian từ năm 2004-2009 và từ năm 2013 tới nay.
Chính sách đối ngoại của ông Duterte vẫn chưa rõ ràng. Perfecto Yasay, cựu lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán và hối đoái, có xuất thân từ Davao, là Bộ trưởng Ngoại giao mới. Yasay không theo các chính sách thân Mỹ của chính quyền mãn nhiệm, việc không ngả về phía Mỹ để hướng đến một cách tiếp cận khác là có thể. Thử thách đầu tiên của Yasay sẽ là mối quan hệ song phương với Trung Quốc.

Với một liên minh đa sắc màu trong nội các, chưa thể phân biệt được chính sách đối ngoại rõ ràng và quan điểm chính sách an ninh quốc gia của Philippines. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không phải trọng tâm chú ý của ông Duterte. Tuy nhiên, các cố vấn có thể thuyết phục được ông tiến hành chuyến thăm thông thường tới các đối tác ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Viêng Chăn vào tháng 11 tới có thể sẽ làm việc với một nhà lãnh đạo cởi mở, trừ khi chương trình nghị sự gồm các vấn đề liên quan trực tiếp đến Phillipines.

Tác giả Barry Desker là nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế (RSIS) thuộc Đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên “RSIS”.

Hương Trà (gt)