Tóm tắt

Tại Hội nghị Cấp cao 27 tại Kuala Lumpur, Malaixia tháng 11/2015, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cam kết tiếp tục nỗ lực vì một cộng đồng hội nhập, hoà bình và ổn định ở khu vực. Câu hỏi đặt ra là tiến trình liên kết của ASEAN đang ở mức độ nào và kỳ vọng về một cộng đồng ASEAN gắn kết và bền vững liệu có khả năng trở thành hiện thực? Trên cơ sở khung lý thuyết về khu vực hóa, có thể thấy tiến trình và triển vọng hội nhập của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế và an ninh - chính trị vẫn nằm ở giai đoạn đầu và chưa đạt được kết quả thực chất. ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới thiếu hụt quyết tâm chính trị nội khối và xu hướng li tâm gia tăng do tác động gây chia rẽ của các nước lớn. Thực tế đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo ASEAN cần mạnh dạn cân nhắc thử nghiệm một số dự án hội nhập thực chất hơn để tạo ra các động lực liên kết mới, tiếp tục đưa ASEAN lên các cấp độ khu vực hóa cao hơn.

Từ khóa: ASEAN, cộng đồng, hội nhập, khu vực hóa, Tầm nhìn 2025.

Ra đời năm 1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng bước trở thành một định chế quốc tế quan trọng góp phần duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực thông qua thúc đẩy đối thoại và mở rộng hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á. Các diễn đàn do ASEAN sáng lập và dẫn dắt là công cụ hữu hiệu để các nước thành viên tìm kiếm đồng thuận về tầm nhìn chung, xây dựng kế hoạch hành động tập thể, tăng cường kết nối và phát triển cộng đồng đồng. Cùng với quá trình hội nhập nội khối, ASEAN đang mở ra nhiều kênh đối thoại quan trọng để các nước thành viên trao đổi các vấn đề hệ trọng của khu vực và toàn cầu với các nước lớn.

Năm 2017 đánh dấu mốc 50 năm ASEAN hình thành và phát triển. Tuy nhiên, tại thời điểm này ASEAN đang gặp phải nhiều thách thức trong việc duy trì đoàn kết nội khối và phát huy vai trò quốc tế. Bên trong, sự quan tâm đến ASEAN suy giảm do một số thành viên chủ chốt như Philíppin và Inđônêxia tập trung hơn vào các vấn đề đối nội. Bên ngoài, sự trỗi dậy của Trung Quốc và cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung gia tăng là những thách thức trực tiếp đến sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý cùng xu thế li tâm ở Châu Âu, đặc biệt là sự kiện Brexit (2016), cũng tạo ra nhiều hoài nghi về tương lai của quá trình khu vực hóa.   

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến sâu sắc, nghiên cứu và đánh giá về xu hướng phát triển của ASEAN là hết sức cần thiết để định hình cách tiếp cận của Việt Nam với tổ chức này, từ đó xác định vị trí phù hợp của ASEAN trong tổng thể chính sách đối ngoại Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, trước tiên bài viết sẽ phát triển khung lý thuyết về cấp độ khu vực hóa nhằm đánh giá mức độ hội nhập hiện tại của ASEAN trong hai lĩnh vực chính gồm kinh tế và an ninh - chính trị. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích triển vọng hội nhập của ASEAN tới năm 2025, đồng thời đánh giá các kịch bản phát triển của ASEAN.

Các cấp độ khu vực hóa

Khu vực hóa được hiểu là quá trình hình thành các liên kết có tính thể chế hóa giữa các quốc gia trên cơ sở gần gũi về địa lý. Tiến trình này đòi hỏi các thành tố cấu tạo (ở đây là các quốc gia) có mức độ hợp tác cao và hình thành các cơ chế nhất định để giảm các rào cản và thúc đẩy phối hợp trong các lĩnh vực cụ thể, từ kinh tế đến chính trị - an ninh và xã hội. Theo đó, khu vực hóa dẫn đến các mức độ hội nhập khác nhau giữa các quốc gia thành viên, thể hiện cụ thể ở hai thước đo chính: (i) về hình thức (thể chế), chủ yếu đề cập đến tính chất, cơ chế hợp tác, quản trị quan hệ giữa các thành viên, (ii) về thực chất (chức năng), mức độ hội nhập về chính sách, cơ chế quản lý trong các lĩnh vực cụ thể, qua đó phản ánh mức độ tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, chia sẻ giá trị chung giữa các đơn vị thành viên.  

Về hình thức, hội nhập có thể được chia theo cấp độ quan hệ giữa các thành viên. Mức độ hội nhập thấp nhất là "liên minh cùng ý chí" (coalition of the willing), tức là hợp tác vì một số mục đích nhất định và có tính ngắn hạn. Ở cấp độ tiếp theo, các quốc gia thành lập các mạng lưới hay "diễn đàn trao đổi thường kỳ" (regularised forum) để xử lý nhiều vấn đề khác nhau, giảm chi phí giao dịch và thúc đẩy chia sẻ thông tin. Trên cơ sở đó, hợp tác có thể được thể chế hóa thành các "cơ chế quốc tế" (international regime) phát triển hệ quy tắc và chuẩn mực chung để giải quyết vấn đề nảy sinh và điều chỉnh hành vi của các thành viên. Tổ chức quốc tế là mức độ hội nhập cao hơn với việc các quốc gia giao một số thẩm quyền (authority), chức năng (function) cho cơ chế quốc tế liên quan để thực thi một số nhiệm vụ nhất định, ví dụ như thu thập dữ liệu, giám sát quá trình thực thi. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế này không có chức năng quyết định thay các quốc gia thành viên. Ở cấp độ cao nhất, hội nhập hình thành các cơ chế, tổ chức siêu quốc gia (supranational) có thẩm quyền quyết định (qua bỏ phiếu) và thực hiện một số hoạt động vượt qua khuôn khổ của từng quốc gia đơn lẻ đối với một lĩnh vực/vấn đề nhất định (xem Biểu đồ 1).

Nguồn: Satoshi Amako et al (eds), Regional Perspective in East Asia: Theoreteical and historical perspectives, Tokyo: United Nations University Press, 2013, tr.7.

Về chức năng, hội nhập được đo bằng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước và bản chất của cơ chế quản trị mối quan hệ giữa các đơn vị cấu thành trong các lĩnh vực cụ thể. Có bốn khía cạnh cần được xem xét: (1) hội nhập kinh tế; (2) hội nhập xã hội; (3) hợp tác an ninh; (4) hội nhập chính trị/thể chế quản trị. Bài viết tập trung phân tích quá trình hội nhập kinh tế và hội nhập an ninh - chính trị.

Hội nhập kinh tế được chia làm 4 cấp độ: (i) khu vực thương mại tự do (Free Trade Area), (ii) liên minh thuế quan (Custom Union), (iii) thị trường chung (Single Market), (iv) liên minh kinh tế, tiền tệ (Monetary Union). Trong khi quy chế khu vực thương mại tự do xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên với nhau, liên minh quan thuế hướng tới hình thành một khu vực thương mại tự do với chính sách chung về thuế quan và các biện pháp liên quan (ví dụ hạn ngạch) đối với hàng hóa và dịch vụ đến từ các quốc gia bên ngoài. Thị trường chung cho phép các yếu tố sản xuất (lao động và tư bản) được lưu chuyển tự do. Liên minh kinh tế hướng tới một thị trường chung với chính sách kinh tế, tiền tệ và lao động thống nhất.1 Trong 4 cấp độ liên kết kinh tế nói trên, cơ chế khu vực thương mại là hợp tác "có qua có lại" trong khi liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh tiền tệ là hình thức hội nhập thực chất trong đó một số thẩm quyền quốc gia được uỷ thác cho các cơ chế hoạch định chính sách siêu quốc gia.

Hội nhập về an ninh ám chỉ quá trình hình thành các cộng đồng an ninh đa phương (pluralistic security community). Cộng đồng an ninh được xây dựng trên ba thành tố cơ bản: (1) sự chia sẻ các giá trị căn bản trong các cộng đồng xã hội; (2) sự phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế giữa các nước thành viên; (3) hình thành các quy tắc, chuẩn mực để quản lý quan hệ giữa các quốc gia nhằm đảm bảo hoà bình bền vững giữa các quốc gia.2 Tuy nhiên, cộng đồng an ninh không đòi hỏi các quốc gia thành viên phải uỷ thác chủ quyền (trên thực tế, các nguyên tắc về chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ được đề cao) mà cơ bản tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.3 Từ cách tiếp cận này, có thể thấy có 3 hình thức tương tác an ninh khác nhau ở cấp độ khu vực: (1) cạnh tranh, xung đột; (2) cơ chế an ninh; (3) cộng đồng an ninh. Ở hình thức thứ nhất, các nước tham gia vào các cuộc xung đột, hình thành các liên minh cạnh tranh với nhau trên cơ sở cân bằng quyền lực. Ở cấp độ hai, các nước hình thành cơ chế an ninh tập thể ở cấp độ khu vực với các nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của quốc gia thành viên (nhưng không loại trừ khả năng chiến tranh do nhiều nhân tố khác nhau). Ở cấp độ thứ ba, cộng đồng an ninh không chỉ đòi hỏi các bên cam kết giải quyết các mâu thuẫn thông qua các quy trình được thể chế hóa mà các nước thành viên phải được xây dựng trên các bản sắc, chuẩn mực chung.4

Về các động lực của tiến trình hội nhập, tiến trình và mức độ hội nhập được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài quốc gia. Ba nhân tố quan trọng nhất được chấp thuận rộng rãi trong lý thuyết hội nhập là sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo quốc gia, và sự hiện diện của mối đe doạ chung. Ba nhân tố này được xác định là những động lực chủ yếu quyết định tiến trình khu vực hóa ở Đông Nam Á, hình thành nên ưu tiên chiến lược của các quốc gia. Theo Min-hyung Kim, ưu tiên chiến lược là mục tiêu bao trùm của quốc gia trong việc quyết định các kết quả có thể xảy ra và là khuôn khổ định hướng hành vi quốc gia dựa trên môi trường chiến lược.5

Mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế (một biến hệ thống và kinh tế) được đo bằng mức độ thương mại, đầu tư nội khối và mức độ kết nối cơ sở hạ tầng. Đây được coi là nhân tố tác động quan trọng nhất quyết định mức độ thể chế hóa. Nếu mức độ thương mại và đầu tư nội khối cao, các thành viên sẽ ủng hộ và chấp nhận hội nhập sâu hơn do yêu cầu hệ thống luật lệ chung và sự hài hòa hóa chính sách vận hành các giao dịch kinh tế xuyên biên giới khổng lồ. Mức độ đầu tư và thương mại nội khối càng cao tỷ lệ thuận với ý chí chính trị đối với hội nhập khu vực giữa các nước càng lớn.6 Trường hợp Liên minh châu Âu (EU) là ví dụ rõ ràng minh chứng mối liên hệ gần gũi giữa mức độ hội nhập kinh tế và nhất thể hóa thể chế. NAFTA cũng cho thấy mức độ thể chế hóa tương đương với mức độ giao thương nội khối.7

Quyết tâm chính trị là nhân tố quan trọng góp phần định hình ưu tiên chiến lược của các nước thành viên trong quan hệ quốc tế. Nhân tố này được hiểu là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo về chủ quyền quốc gia và độc lập thể chế trong tiến trình hội nhập. Trong đó vấn đề đặt ra là một quốc gia có sẵn sàng hạn chế quyền tự quyết để chấp nhận luật chơi chung, tham gia các cơ chế ra quyết sách thường kỳ, tăng cường phụ thuộc kinh tế để gặt hái lợi ích chung từ hội nhập hay tập trung giải quyết các thách thức bên ngoài trước khi củng cố hội nhập bên trong. Hội nhập đòi hỏi cam kết, quyết tâm của các nhà lãnh đạo đối với tự do hóa, mở cửa nền kinh tế, chấp nhận cải cách nội bộ quan trọng theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế và chuẩn mực chung.8 Chính vì vậy, quá trình hội nhập an ninh được phản ánh thông qua (i) tình trạng quan hệ giữa các quốc gia thành viên, (ii) mức độ gần gũi về hệ thống chính trị, pháp luật, chính sách, và (iii) phạm vi phối hợp để giải quyết tranh chấp và đối phó với các nguy cơ chung.

Sự hiện diện của mối đe doạ chung giúp hình thành ưu tiên chiến lược chung, đóng vai trò là động lực quan trọng để thúc đẩy phối hợp chính sách. Môi trường quốc tế là tác nhân bên ngoài, nhưng có tác dụng gắn kết hoặc chia rẽ các quốc gia. Khi môi trường bất ổn, xuất hiện thách thức an ninh nghiêm trọng chung, các nước thường có xu hướng co cụm, hợp tác với nhau lớn hơn. Tuy nhiên, khi các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, các nước vừa và nhỏ trong khu vực dễ bị lôi kéo, chia rẽ, phân tuyến rõ ràng hơn. Trong một số trường hợp như ASEAN, các nước thành viên phản ứng tương đối nhanh với mức độ phụ thuộc kinh tế giữa các nước thành viên và với các cú sốc bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế khu vực, toàn cầu hoặc một sự chuyển dịch đột ngột trong cấu trúc của nền kinh tế - chính trị quốc tế, đặc biệt là các yếu tố đe doạ tới tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị (an ninh thể chế) của các nước này.

Đánh giá tình hình hội nhập ASEAN đến năm 2017

Tới năm 2017, ASEAN trải qua những dấu mốc hội nhập quan trọng. ASEAN thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) tháng 1 năm 1992 (sau chính thức có hiệu lực năm 2002), khởi động tiến trình hội nhập kinh tế giữa các nước thành viên. Đối với nhiều nhà quan sát, AFTA thể hiện cho mong muốn của ASEAN nhằm chuyển trọng tâm khu vực từ hợp tác chính trị sang hội nhập kinh tế.9 Năm 2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 9, các nước thành viên ASEAN ký kết Hiệp ước Bali II về thành lập Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: hợp tác chính trị - an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa - xã hội. Hiệp ước Bali II đạt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, chuyển AFTA thành một thị trường thống nhất vào năm 2020.

Hội nhập ASEAN tiến thêm một bước năm 2007 khi các nước thành viên ký kết Hiến chương ASEAN (ASEAN Charter) với ba thành tố quan trọng: (i) đề cao bản sắc chung của Hiệp hội; (ii) cung cấp quy chế pháp nhân cho ASEAN, chuyển ASEAN từ một cơ chế hợp tác khu vực sang một tổ chức hoạt động trên nguyên tắc; (iii) cung cấp các động lực chính trị để đẩy nhanh thể chế hóa. Ngày 22/11/2015, Tuyên bố Kuala Lumpur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN và quá trình hội nhập của ASEAN được mở rộng sang cả lĩnh vực chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và động lực để cạnh tranh với các nền kinh tế năng động trên thế giới dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung. Căn cứ vào khung lý luận về hợp tác và hội nhập, có thể thấy rằng:

Về hình thức hội nhập

Từ cơ cấu hoạt động của ASEAN hiện nay, có thể thấy rằng ASEAN đang được thể chế hóa ở mức "cơ chế quốc tế", cơ bản là cơ chế quốc tế liên chính phủ (intergovernmental) chứ chưa đến mức độ một tổ chức quốc tế. Hoạt động chủ yếu của ASEAN vẫn là các diễn đàn trao đổi nhằm xử lý các vấn đề khác nhau từ đó tiến tới phát triển hệ quy tắc, chuẩn mực chung để giải quyết vấn đề và điều chỉnh hành vi của các thành viên. Theo đó ASEAN thành lập một số diễn đàn của ASEAN và ASEAN mở rộng như khuôn khổ AMM, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+), Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp (ALAWMM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Biển (AMF), Diễn đàn Biển Mở rộng (EAMF) và Diễn đàn Cấp cao Đông Á (EAS)... Nhìn chung các cơ chế này chỉ dừng ở hoạt động tiếp xúc, chia sẻ thông tin kinh nghiệm, thậm chí một số nước như Campuchia hạn chế tham gia vào một số vấn đề cụ thể như hợp tác biển vì nước này coi đây là vấn đề rất xa, không liên quan tới lợi ích trực tiếp của Campuchia.10 Mức độ hợp tác khiêm tốn và những khác biệt về ưu tiên chính sách trong hợp tác chính trị - an ninh là một trong những nguyên nhân khiến ASEAN chưa thể tiến đến một tổ chức quốc tế trong đó các nước sẵn sàng trao thẩm quyền cho một cơ quan quốc tế hay có mục đích hướng tới một thể chế siêu quốc gia (supernational).

Cơ chế hoạt động hiện tại của ASEAN thể hiện tính chất "liên chính phủ." Thứ nhất, các nước này không sẵn lòng cung cấp cho Ban thư ký ASEAN đủ nguồn lực cần thiết để thực thi trách nhiệm.11 Ban Thư ký ASEAN không có quyền tham gia các quyết định cũng như không đủ năng lực để cung cấp các phân tích đánh giá, tư vấn có giá trị cho các nhà lãnh đạo mà chủ yếu là bộ phận giúp việc bởi số lượng nhân sự hạn chế. Nhân sự của Ban Thư ký ASEAN chỉ bằng 1/10 Hội đồng Châu Âu, nhỏ hơn Ban Thư ký của Liên hiệp Châu Phi. Thứ hai, ASEAN không có lực lượng giữ gìn hoà bình chung như của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS)không có cơ chế thúc đẩy thực thi quyền con người như Liên đoàn Ảrập.12 Thứ ba, các thành viên tái khẳng định "phương cách ASEAN" (đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ) dù đã đồng ý thành lập cộng đồng xã hội - văn hóa, an ninh và kinh tế, các cộng đồng vốn đã vượt ra khỏi hội nhập kinh tế khu vực đơn thuần trong Hiến chương ASEAN và Tuyên Bố Bali II. Thứ tư, các nước giải quyết tranh chấp mà không sử dụng Nghị định thư năm 1996 để giải quyết tranh chấp và chỉ ủng hộ một cách hạn chế Cơ chế Giải quyết Tranh chấp Tăng cường được chấp thuận năm 2014, nhấn mạnh vào cách tiếp cận lấy quốc gia làm trung tâm truyền thống.

Về chức năng hội nhập

Trong lĩnh vực kinh tế, mức độ hội nhập kinh tế của ASEAN được đánh giá là vẫn chưa hoàn thành mục tiêu trở thành khu vực thương mại tự do (FTA), tức việc xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên. Lý do ASEAN vẫn nằm ở giai đoạn này là bởi các nước thành viên vẫn duy trì mức thuế quan khác nhau đối với các nước trong khu vực từ 0.1% của Xingapo tới 43.2% của Thái Lan. Các nước trong khu vực sẽ gặp khó khăn, thậm chí không sẵn lòng áp dụng mức thuế như Xingapo. Ví dụ lãnh đạo Inđônêxia lo ngại rằng mức thuế thấp hơn hoặc không có thuế do AFTA và AEC mang lại có thể khiến thị trường nước này tràn ngập các sản phẩm giá rẻ hơn từ các nước khác, gây tổn thương tính cạnh tranh của Inđônêxia trong khu vực và trên thế giới.13 Theo đó Inđônêxia tiếp tục áp đặt các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp, đồng thời hạn chế nhập khẩu bằng một số biện pháp như yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các nhà sản xuất điện thoại di động. Tương tự vậy, các nước CLMV (Việt Nam, Lào, Mianma và Campuchia) do cơ sở hạ tầng yếu kém, mức độ phát triển kinh tế thấp, các nước này cần hệ thống thuế quan và thị trường mở cửa ở mức vừa phải để bảo vệ các nền công nghiệp non trẻ.14 Mức độ thuế quan đa dạng đi kèm với những đặc trưng kinh tế, chính trị các nước này giải thích lý do ASEAN vẫn chưa xây dựng hoàn thiện được khu vực thương mại tự do và còn do dự tiến lên một liên minh thuế quan trên nền tảng AFTA hiện nay.15

Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, ASEAN cơ bản vẫn là một cơ chế an ninh chứ chưa phải là một cộng đồng an ninh nếu xét theo những thành tố cơ bản hình thành cộng đồng theo khung lý luận về khu vực hóa và hội nhập. Nguyên nhân là do cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN trong Hiệp ước Thân Thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) và Hiến chương ASEAN dù đáp ứng được nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của cộng đồng an ninh nhưng cơ bản vẫn xoay quanh nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận, không có cơ chế đảm bảo thực thi khi cần thiết. Theo đó, ASEAN mới chỉ thành công trong việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định chung cho khu vực chứ chưa có một cơ chế được thể chế hóa để giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp tồn tại giữa các nước thành viên. Cũng bởi vì lý do này hầu hết tranh chấp giữa các nước trong khối, ví dụ như giữa Thái Lan và Campuchia liên quan đến Preah Vihear, giữa Xingapo và Malaixia về Pedra Branca, giữa Malaixia và Inđônêxia về Litigan và Sipandan, tranh chấp chủ quyền và ranh giới biển ở Biển Đông đều không được giải quyết bằng cơ chế của ASEAN.

Tầm nhìn 2025: Những thách thức đặt ra

Tầm nhìn ASEAN 2025 (AEC 2025) và các Kế hoạch liên quan trong từng lĩnh vực cụ thể là một tuyên bố về ước vọng của ASEAN, hướng đến một tổ chức có mức độ liên kết sâu rộng, toàn diện và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một cộng đồng thực sự vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực cho họ. Theo đó ASEAN vạch ra mục tiêu cho từng lĩnh vực cụ thể. Về chính trị - an ninh, ASEAN hướng tới 4 mục tiêu: (i) hoạt động theo luật lệ, hướng tới và lấy người dân làm trung tâm; (ii) duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông; (iii) tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; và (iv) nâng cao năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN. Về kinh tế, ASEAN 2025 có 5 mục tiêu lớn: (i) một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao; (ii) năng động, đổi mới và cạnh tranh; (iii) kết nối kinh tế và liên kết theo ngành; (iv) tự cường, dung nạp và chú trọng tới người dân; và (v) hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs/CEPs) với các đối tác.

Xem xét tình hình hội nhập của ASEAN đến năm 2017 và các động lực hội nhập (gồm (i) sự phụ thuộc kinh tế, (ii) quyết tâm chính trị và (iii) sự hiện diện của mối đe dọa từ bên ngoài), ASEAN khó có khả năng đạt được những mục tiêu đặt ra trong Tầm nhìn 2025 một cách thực chất. Lý do chính là các quốc gia trong khu vực chưa sẵn sàng đẩy quá trình hội nhập sâu hơn nhằm hướng tới những liên kết sâu rộng hơn như tầm nhìn 2025 cẩn thận lựa chọn kế hoạch hợp tác phục vụ tốt nhất mục tiêu bảo vệ chủ quyền và sự sống còn của chế độ chính trị nội địa đồng thời cố gắng kiểm soát cả phạm vi và tốc độ hội nhập. Lực hấp dẫn từ bên ngoài cơ bản vẫn lớn hơn lực hướng tâm. Theo đó, sự lôi kéo các cường quốc bên ngoài cũng tạo ra thách thức cho trình hội nhập của ASEAN. Cụ thể,

Mức độ phụ thuộc kinh tế giữa các nước trong khối vẫn thấp, ưu tiên đẩy mạnh hợp tác khu vực chưa rõ ràng. Mặc dù có khoảng cách địa lý gần gũi, các nước thành viên ASEAN không có lịch sử hợp tác thương mại nội khối mạnh mẽ. Điều này trái ngược với các nước thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và EU.16 Các nước ASEANcó quan hệ thương mại truyền thống và đầu tư mạnh với các nền kinh tế phát triển phương Tây. Đầu những năm 1990, thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm không quá 19% tổng thương mại của ASEAN. Nếu ngoại trừ thương mại của Xingapo với Inđônêxia và Malaixia, thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 4% tổng thương mại ASEAN.17 Hướng đi của thương mại không thay đổi đáng kể thậm chí sau khi AFTA được ký kết. Ví dụ, xuất nhập khẩu ngoài khối của ASEAN-6 từ năm 1993 tới 2004 vượt mức xuất nhập khẩu nội khối ASEAN-6 khoảng 4 lần. Theo đó, mục tiêu thực chất AFTA không phải để thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN mà là để tăng tính cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tiếp đến việc ký kết AEC cũng không giúp ASEAN cải thiện tình hình. Tỷ lệ thương mại nội khối (xuất nhập khẩu) của ASEAN năm 2016 vẫn chỉ chiếm 24% so với 76% ngoại khối.18

Mặc dù ASEAN ký kết AFTA để hình thành Khu vực Mậu dịch tự do và số lượng các FTA với giữa các thành viên ASEAN với các quốc gia bên ngoài tăng nhanh chóng (hiện có khoảng 267 FTA song phương hoặc đa phương có hiệu lực, theo WTO) nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên trong khối, giúp giảm bớt các rào cản thương mại và để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nghĩa là ASEAN cạnh tranh với nhau, tìm kiếm các thỏa thuận ưu đãi với các nước bên ngoài khối thay vì đẩy mạnh FTA đa phương của ASEAN. Cụ thể, nỗ lực đẩy mạnh các FTA song phương của một số nước như Xingapo và Thái Lan với các nước ngoài khu vực như Úc, Niu Dilân được cho là đang cản trở tiến trình hội nhập khu vực.19

Mặc dù Xingapo và Thái Lan tuyên bố rằng các động thái song phương này sẽ thúc đẩy các nước ASEAN khác hội nhập thị trường, nhưng chúng lại hạn chế lựa chọn chính sách của các nước này trong các vấn đề kinh tế khu vực và chủ yếu là để tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Nói cách khác, Xingapo và Thái Lan phải củng cố vị thế kinh tế trong thị trường toàn cầu và phản ứng lại những thách thức trực tiếp từ một nền kinh tế Trung Quốc lớn mạnh.20 Xu hướng này đe dọa phá vỡ mục tiêu trở thành một thị trường chung đồng nhất của ASEAN, cản trở tính hiệu quả của AFTA khi tồn tại quá nhiều FTA phức tạp và chồng chéo, nguy cơ biến khu vực trở thành một "bát mì hổlốn" khó tháo gỡ.21 Do vậy thương mại của phần lớn các nước ASEAN hướng tới thị trường toàn cầu và thực tế này khó có khả năng thay đổi trong thời gian ngắn.22

Tư duy chủ quyền quốc gia vẫn chi phối hợp tác nội khối, cản trở tiến trình hội nhập của ASEAN trong xây dựng thể chế an ninh chung. Phần lớn các nước ASEAN vẫn duy trì mối quan tâm sâu sắc về "chi phí chủ quyền" trong quá trình hội nhập, tư duy hình thành từ lịch sử đấu tranh giành độc lập từ các cường quốc châu Âu.23 Theo đó các lãnh đạo ASEAN sẽ khó lòng chấp nhận nhượng bộ một phần chủ quyền và thẩm quyền quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia. Đối với các nước này, hội nhập khu vực sâu hơn được hiểu là hội nhập để bảo vệ và thúc đẩy chủ quyền và an ninh thể chế thông qua hợp tác liên chính phủ. Các nước thành viên ASEAN hi vọng giành được nhiều lợi ích quốc gia nhờ tăng cường hợp tác kinh tế nhưng có thể hi sinh nguồn lợi này nếu chúng đe dọa tới chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh đó, mẫu số lợi ích chung lớn nhất mà các thành viên ASEAN có thể tìm được hiện nay là duy trì hoà bình, ổn định, đồng thời hạn chế sự can thiệp của các nước lớn vào tình hình nội trị của các nước thông qua việc xây dựng và củng cố lòng tin. Căn cứ vào mục tiêu này, các kênh đối thoại, chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách hiện tại tương đối phát triển và dày đặc. Tuy nhiên hiện nay các sáng kiến của ASEAN chỉ dừng ở mức độ đối thoại và tham vấn, không có kênh ra quyết sách chung. Bước phát triển tiếp theo là ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của tất cả các nước thành viên được cho là khó có khả năng xảy ra bởi nhiều vấn đề phức tạp về chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, nhân quyền sẽ tiếp tục là các vấn đề nhạy cảm, cản trở các nước ASEAN đạt được tiến triển thực chất.

Với tình hình hiện nay, quá trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử thực chất ở Biển Đông sẽ rất khó khăn và phức tạp do Trung Quốc chủ yếu dùng tiến trình này để "câu giờ" đồng thời hạn chế sự can dự của các cường quốc bên ngoài đối với những vấn đề liên quan. Một số nước ASEAN phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc sẽ ngăn cản đồng thuận của ASEAN trong một số vấn đề thực chất liên quan đến phạm vi áp dụng, hiệu lực của văn kiện, danh mục các hoạt động bị cấm, các chương trình hợp tác... Đồng thời, lĩnh vực nhân quyền sẽ cơ bản giẫm chân tại chỗ, không thể chuyển từ "thúc đẩy, giáo dục, tuyên truyền" sang giai đoạn "thực thi và bảo vệ." Các vấn đề xuyên biên giới như an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và di cư (trong đó có vấn đề người Rohingya) sẽ trở thành những tác nhân gây chia rẽ trong ASEAN.

Về môi trường bên ngoài, xuất hiện nhiều nhân tố làm giảm đoàn kết nội bộ trong ASEAN. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc trở thành nhân tố cơ bản chia rẽ ASEAN, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Trong tiến trình hội nhập, tính trung tâm của ASEAN đang bị suy yếu bởi một số nhân tố cấu trúc mà trong trường hợp này là sự thay đổi phân bổ quyền lực và sức mạnh trong khu vực. Tương quan lực lượng thay đổi chủ yếu từ sự trỗi dậy và can dự của Trung Quốc đã làm thay đổi bối cảnh khu vực và quốc tế, đặc biệt trong một số trường hợp sự can dự của Trung Quốc được cho là đe doạ tới sự ổn định kinh tế, chính trị của khu vực.

Trung Quốc được coi là nhân tố khiến ASEAN phân cực hóa và gia tăng chia rẽ trong hợp tác kinh tế và vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, chiếm khoảng 19,4% nhập khẩu và 11,4% xuất khẩu của khối.24 Do Trung Quốc gần như là đối tác thương mại hàng đầu (thứ nhất với Việt Nam, Xingapo, Inđônêxia25 và thứ hai với Thái Lan), nhiều nước thành viên không sẵn sàng đi ngược lại đòi hỏi Trung Quốc, một số nước công khai ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hơn là củng cố tính trung tâm của ASEAN. Thứ hai, hiệu ứng li tâm do nhân tố Trung Quốc có thể thấy rõ nhất trong tranh chấp Biển Đông, tác động lôi kéo của Trung Quốc khiến ASEAN không thể hình thành một lập trường chung trong vấn đề này. Tháng 7/2012 ở Phnôm Pênh, lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung tại cuộc họp thường niên do Trung Quốc lôi kéo, mua chuộc nước chủ nhà Campuchia. Nếu nước chủ tịch đưa ra quan điểm gần với Bắc Kinh, các ASEAN rất khó khăn để tìm được lập trường dung hoà.26 Tháng 7/2016, Campuchia đứng về phe Trung Quốc, phản đối ASEAN đề cập đến phán quyết. Tháng 10/2016, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, Trung Quốc cam kết viện trợ kinh tế trị giá hơn 600 triệu USD và ký 31 thoả thuận hợp tác với Campuchia.27 Trước chiến lược “chia để trị” các nước khu vực của Trung Quốc, một số nhà ngoại giao của Xingapo cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ của ASEAN và cố gắng gây chia rẽ khu vực.28 

Nhìn chung, các văn kiện về Tầm nhìn và Kế hoạch Tổng thể của ASEAN chủ yếu liệt kê các mục tiêu và nguyên tắc chung, thường dừng lại ở mức độ kì vọng mà thiếu các quy định, biện pháp cũng như chế tài để thực thi cụ thể. Sở dĩ nội dung của các văn kiện thiếu thực chất là do chúng là sản phẩm của đồng thuận, dù phản ánh nhận thức và lợi ích của nước thành viên liên quan đến nhu cầu duy trì động lực cho liên kết nội khối, nhưng lại không có quyết tâm và chính sách cụ thể để đi đến hội nhập sâu rộng hơn, đặc biệt là tăng cường thể chế hóa. Từ "kỳ vọng" đến "hiện thực"là một khoảng cách xa nếu không có chiến lược thực thi cụ thể, có thể đo đếm. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chiến lược, ASEAN vẫn quan trọng đối với các nước thành viên bởi ASEAN giúp nuôi hi vọng về một khu vực thống nhất và phát triển, đồng thời cung cấp công cụ để giúp họ xử lý quan hệ với các cường quốc.

Triển vọng phát triển của ASEAN

Căn cứ trên tiến trình phát triển của ASEAN trong gần 50 năm qua và nhận định về cục diện khu vực trong 10 năm tới, bài viết đưa ra các mức độ hội nhập của ASEAN trong dự báo trung hạn từ nay đến 2025:  

Mức độ thấp: Tiến trình ASEAN mất dần động lực, chủ nghĩa ly tâm gia tăng nhưng không đến mức độ tan rã về mặt thể chế. Một mặt mâu thuẫn, căng thẳng giữa các quốc gia thành viên tăng lên do nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh chấp, những xung đột nội bộ. Mặt khác các cuộc họp và cơ chế chính của ASEAN dù tiếp tục được duy trì nhưng cam kết không cao, chủ yếu là để giữ cầu bởi sức hấp dẫn ngày càng tăng của các thiết chế do các nước lớn dẫn dắt, đặc biệt là Trung Quốc. Hệ quả là các cường quốc bên ngoài cũng ít quan tâm đến ASEAN hơn, cử cấp thấp hơn đến tham dự do các kết quả đạt được từ các hội nghị của ASEAN tương đối hạn chế, hầu như mang tính chất hình thức, chậm hoặc là ít được triển khai thành chính sách của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, với tư cách là một tổ chức liên chính phủ, ASEAN không đi đến tan rã vì cơ bản việc tham gia ASEAN là "chi phí thấp". Do đó, đa số các thành viên, dù cho ít thu lợi được từ ASEAN, nhưng không rút khỏi tổ chức này.

Về vị thế quốc tế, ASEAN mất dần ảnh hưởng chính trị ở khu vực khi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn phần nào làm ASEAN trở nên chia rẽ hơn về lập trường trong các vấn đề chủ chốt, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, vấn đề Đài Loan và hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp tài nguyên nước. Liên kết kinh tế không có nhiều tiến triển, thậm chí thụt lùi, do các nước thành viên đều ưu tiên hợp tác với các nước lớn, một số nước gia tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong khi các nước còn lại tập trung vào thị trường của Mỹ và phương Tây. Do các nước ASEAN có nền kinh tế cạnh tranh với nhau hơn là bổ sung, các rào cản phi thuế quan để bảo vệ các nền công nghiệp nội địa khả năng cao vẫn tiếp tục được duy trì.

Mức độ trung bình: ASEAN tiếp tục đà hiện nay, vẫn là cơ chế liên chính phủ trong đó các nước từng bước thúc đẩy hợp tác, liên kết thực chất nhưng rất chậm chạp. Liên kết, kết nối nội khối tăng nhưng không làm thay đổi thể chế của ASEAN là dựa trên nguyên tắc và cơ chế làm việc nhấn mạnh đồng thuận, tiệm tiến, tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ. Nghĩa là, các nước thành viên ASEAN sẽ gắn kết chặt chẽ hơn về cơ sở hạ tầng, tỉ trọng trao đổi thương mại nội khối tăng lên do xu hướng giảm bớt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, nhưng hợp tác vẫn là cơ chế liên chính phủ, không có sự cộng gộp về "chủ quyền" để hình thành các thiết chế siêu quốc gia. Ban Thư ký ASEAN được tăng cường nhưng vẫn chỉ là cơ chế hỗ trợ, giúp việc, hành chính, giám sát thực thi, không có thẩm quyền quyết định cũng như trở thành cơ chế điều phối chung. Theo đó, Cộng đồng ASEAN vẫn chủ yếu mang tính chất hình thức, không có bước phát triển thực chất về thể chế.

Do duy trì được đồng thuận trong các vấn đề lớn, ASEAN cơ bản vẫn giữ được vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh ở khu vực, có vai trò quan trọng trong duy trì hoà bình, ổn định, và điều tiết quan hệ giữa các nước lớn. Mặc dù không có tiến bộ trong giải quyết các tranh chấp còn tồn tại, ASEAN vẫn duy trì được các cơ chế đối thoại đa phương (ARF, EAS, ADMM+...) và song phương (ASEAN+1) với các đối tác chính. Đoàn kết trong nội bộ ASEAN giúp cho tổ chức này có được sự cố kết tương đối, đủ sức chống chịu sự lôi kéo, chia rẽ của các cường quốc bên ngoài. ASEAN sẽ hợp tác sâu rộng hơn với các cường quốc hạng trung như Úc, Nhật Bản, hay Ấn Độ để duy trì các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế.

Mức độ cao: Thể chế của ASEAN có biến đổi về chất, cam kết cao hơn với các chế tài giám sát, thực thi chặt chẽ, đặc biệt hình thành một cơ chế hợp tác siêu quốc gia có thẩm quyền quyết định các vấn đề cụ thể (giống trường hợp hình thành Cộng đồng Than thép Châu Âu). Trong trường hợp này, các nước thành viên ASEAN nhận thức được nhu cầu gia tăng tính cố kết cả về thể chế lẫn hợp tác thức chất, đảm bảo cho tổ chức có thể phát triển mà không bị chia rẽ bởi sự lôi kéo từ bên ngoài. Về chính trị - an ninh, ASEAN thành công trong việc xây dựng lập trường chung trên một số vấn đề chủ chốt, đồng thời phát triển được thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc áp dụng được với tất cả các nước thành viên. Hợp tác kinh tế phát triển thực chất, giảm dần các hàng rào phi thuế quan đồng thời từng bước tiến đến hài hoà các thủ tục hải quan, hình thành các cơ chế quản lý siêu quốc gia trong các lĩnh vực nhất định. Trong trường hợp ASEAN tăng cường thể chế hóa và thống nhất nội bộ, vai trò quốc tế của ASEAN gia tăng, trở thành cơ chế chủ đạo trong khu vực để định hình các quy tắc, luật chơi cho kỷ nguyên đa cực.

Trong số ba kịch bản trên, khả thi nhất là giữa Mức độ thấp và Mức độ trung bình, thậm chí gần với Mức độ thấp hơn. Mức độ Cao chỉ có thể xảy ra hội tụ của rất nhiều điều kiện đặc thù cả ở bên trong và bên ngoài, khi xuất hiện cục diện thế giới khắc nghiệt và cả 10 nước đều có quyết tâm chính trị cao để thúc đẩy liên kết đối phó với môi trường thách thức từ bên ngoài. Trong bối cảnh tình hình thế giới trở nên bất ổn hơn, gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn và nội bộ ASEAN tiếp tục chia rẽ trong nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực, thì lực li tâm lôi kéo các nước thành viên ra khỏi "trục ASEAN" sẽ ngày càng lớn. Lực hướng tâm sẽ phần nào suy giảm bởi sức hấp dẫn của một ASEAN "thống nhất trong đa dạng". Việc ASEAN "họp" nhiều mà không đi đến "kết quả" thực chất sẽ làm cho các nước lớn ngày càng "nản" với tiến trình của ASEAN. Các nước thành viên có một số vấn đề an ninh nổi cộm, đặc biệt là Philíppin, cũng sẽ kiếm tìm các biện pháp khác bên ngoài ASEAN. Điều chắc chắn là, các nước thành viên chỉ tiếp tục cam kết với tiến trình ASEAN khi thấy ASEAN phục vụ lợi ích quốc gia của họ. Nếu ASEAN không đưa ra được các kết quả "thực chất", sẽ đến lúc tiến trình ASEAN sẽ mất dần sức hấp dẫn của nó, ngay cả với các nước thành viên. Thực tế đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo ASEAN cần cân nhắc thử nghiệm một số dự án hội nhập thực chất hơn để tạo ra các động lực liên kết mới, tiếp tục đưa ASEAN lên các cấp độ khu vực hóa cao hơn.

Kết luận

Căn cứ vào khung lý thuyết về khu vực hóa và hội nhập có thể thấy rằng mức độ hội nhập của ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - an ninh vẫn nằm ở giai đoạn đầu, chưa có bước phát triển thực chất về thể chế. Tiến trình khu vực hóa ở ASEAN hiện đang đối mặt với nhiều trở lực do bị chia rẽ bởi một số nhân tố bên ngoài và thiếu động lực hội nhập bên trong, mức độ phụ thuộc lẫn nhau về thấp, thiếu quyết tâm chính trị trong nội bộ các nước thành viên. Do đó có thể thấy quá trình thực thi Tầm nhìn 2025 của ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn. ASEAN có thể có những thay đổi thực chất khi và chỉ khi ưu tiên chiến lược của các nước thành viên thay đổi do sự hội tụ của nhiều nhân tố như áp lực hội nhập sâu hơn hơn từ các doanh nghiệp trong nước, các cú sốc bên ngoài đe doạ tới sự phát triển kinh tế hay sự thay đổi lãnh đạo trong nước dẫn tới liên minh tự do theo đuổi chương trình hội nhập mạnh mẽ hơn.

Tuy tiến trình khu vực hóa còn gặp nhiều thách thức, nhưng ASEAN vẫn hết sức quan trọng đối với Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt là kinh tế lẫn chiến lược. Về kinh tế, ASEAN là dự án dài hạn giúp tạo ra một không gian kinh tế thống nhất rộng lớn để bù đắp những thiếu hụt về quy mô nếu Việt Nam đứng riêng lẻ. Khó có thể có quá trình hội nhập sâu về chính sách kinh tế nếu hạ tầng vẫn còn gián đoạn và chênh lệch trình độ phát triển lớn. Theo đó, ASEAN vẫn tiếp tục hội nhập về kinh tế, nhưng tiệm tiến hơn là thay đổi có tính cách mạng. Về an ninh, ASEAN vẫn là một công cụ để điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên khác, và giữa ASEAN với các nước lớn bên ngoài khu vực. Tuy nhiên, có thể thấy ASEAN có những khiếm khuyết có tính hệ thống, khiến tổ chức này không thể xử lý các vấn đề cụ thể, như tranh chấp lãnh thổ và xử lý vấn đề xuyên biên giới, trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ASEAN giúp duy trì động lực hợp tác đồng thời đóng vai trò là cơ chế kiểm soát, quản lý trong các tình huống khủng hoảng.

Theo đó, Việt Nam cần có cả kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn với ASEAN. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần cân nhắc những cơ chế bên trong (A-x) và bên ngoài ASEAN (A-x+y) để bổ sung, hỗ trợ cho ASEAN. Về lâu dài, một ASEAN hội nhập sâu sẽ có lợi cho Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần chủ động dẫn dắt, tích cực thúc đẩy thử nghiệm một số hình thức hội nhập sâu trong một lĩnh vực đặc thù, ví dụ cộng đồng lúa gạo, cộng đồng cao su…, để đảm bảo động lực kết nối được duy trì và có tính lan tỏa./.

TS. Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.  Nguyễn Thị Linh, cán bộ nghiên cứu, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 4 (111).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Adler, E. and M. Barnett (eds), Security Communities, Cambridge: Cambridge University Press, 1998.

2.    Anthony Smith, “Inđônêxia s Role in ASEAN: The End of Leadership,” Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.2, 1999, tr. 238-243.

3.    Balassa, B., The Theory of Economic Integration, Homewood (Ill): Richard Irwin, 1961.

4.    Buzan, B. and O. Wæver, Regions and Powers: The Structure of International Security, Cambridge: Cambridge University Press, 2003.

5.    Edward Lincoln, “East Asian Economic Regionalism,” Washington, DC: Brookings Institution Press.

6.    Hadi Soesastro, “Towards an East Asian Regional Trading Arrange-ment," In Simon S. C. Tay, Jesus P. Estanislao, and Hadi Soesastro, eds. Reinventing ASEAN. Xingapo: Institute of Southeast Asian Studies, 2001, tr. 226-242.

7.    John Ravenhill, "Fighting Irrelevance: An Eco ASEAN Characteristics," Pacific Review, vol. 21, no.4, 2008, tr. 469-488.

8.    Joshua Kurlantzick, "ASEAN’s Future and Asian Integration,"Council on Foreign Relations’ Working Paper, November 2012: 1.

9.    Lay Hong Tan, “Will ASEAN Economic Integr Free Trade Area?," International and Comparative, no. 4, 2004, tr. 935-967.

10. Michael Wesley, "The Asian Crisis and the Adequacy of Regional Insti-tutions," Contemporary Southeast Asia, vol. 21, no. 1, 1999, tr.54-73.

11. Miles Kahler, "Legalization as Strategy: The Asia-Pacific Case," Inter-national Organization, vol. 54, no. 3, 2000, tr.549-571.

12. Min-hyung Kim, “Theorizing ASEAN Integration,” Asian Perspective, Vol. 35, No.3, 2011, tr. 407-435.

13. Pouliot, V., International Security in Practice: The Politics of NATO–Russia Diplomacy, New York: Cambridge University Press, 2010.

14. Richard Stubbs. "Signing On to Liberalization Regional Economic Cooperation." Pacific Review, vol.13, no.2, 2000, tr.297-318.

15. Shaun Narine. “Explaining ASEAN: Regionalism in Southeast Asia.”Boul-der, CO: Lynne Rienner.

16. "The South China Sea dispute: Opportunities for ASEAN to enhance its policies in order to achieve resolution,"Australian Defence College, Center for Defence and Strategic Studies.

17. Toạ đàm hẹp Cơ chế Hợp tác An ninh Biển trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), 29/09/2017, Xingapo.

18. Young Jong Choi and Nae Young Lee, “A comparative study of regionalism in East Asia and the Americas,” Asian Perspective, Vol. 26, No. 3, 2002, tr. 169-192.

19. Anant Mishra, Yashvardhan Verma. “Untangling ASEAN's free- trade noodle bowl.” The National Interest, http://nationalinterest.org/feature/untangling-aseans-free-trade-noodle-bowl-15758, truy cập ngày 18/10/2017.

20. Anchalee Poolttlwong, Byron Ramlrez. "ASEAN economic intergration: Opportunities and challenges that lie ahead."International Policy Digest,

21. https://intpolicydigest.org/2016/01/06/ASEAN-economic-integration-opportunities-and-challenges-that-lie-ahead/, truy cập ngày 21/5/2017.

22. ASEAN.org, External trade statistics, http://asean.org/?static_post=external-trade-statistics-3, truy cập ngày 21/5/2017.

23. Fancis Chan, China criticised for apparent attempt to devide Asean, The Straitstimes, http://www.straitstimes.com/asia/china-criticised-for-apparent-attempt-to-divide-asean, truy cập ngày 11/10/2017.

24. Hidetaka Yoshimatsu, Collective action problems and regional integration in ASEAN, Project Muse, https://muse-jhu-edu.helicon.vuw.ac.nz/article/206166, truy cập ngày 29/5/2017.

25. Hidetaka Yoshimatsu, Collective action problems and regional integration in ASEAN, Project Muse, https://muse-jhu-edu.helicon.vuw.ac.nz/article/206166, truy cập ngày 19/10/2017.

26. Indonesia’s Top Trading Partners, World’s Top Exports, http://www.worldstopexports.com/Inđônêxias-top-15-import-partners/, truy cập ngày 29/5/2017.

27. Johanna Son, Laos and Campuchia, Mianma Times, https://www.mmtimes.com/news/laos-and-cambodia-china-dance.html, truy cập ngày 19/10/2017.

28. Xingapo’s Top Trading Partners, World’s Top Exports, http://www.worldstopexports.com/Xingapos-top-import-partners/, truy cập ngày 29/5/2017."Towards the ASEAN Community prospects and challenges."The Finnish institute of international affairs,http://www.fiia.fi/en/event/768/towards_the_ASEAN_community_prospects_and_challenges/, truy cập ngày 21/5/2017.          

29.      Top ten ASEAN trade partner countries/regions, 2015 as of November 2016, External Trade Statistics, ASEAN.org, http://asean.org/storage/2016/11/Table20_as-of-6-dec-2016.pdf, truy cập ngày 29/5/2017.

 


1Balassa, B., The Theory of Economic Integration, Homewood (Ill): Richard Irwin, 1961.

2Adler, E.    M.  Barnett  (bt), Security  Communities,  Cambridge:  Cambridge University Press, 1998.

3Pouliot, V., International Security in Practice: The Politics of NATO–Russia Diplomacy, New York: Cambridge University Press, 2010.

4Buzan,  B.  and  O.  Wæver, Regions  and  Powers:  The  Structure  of  International Security, Cambridge: Cambridge University Press, 2003.

5Min-hyung Kim, “Theorizing ASEAN Integration,” Asian Perspective, Vol. 35, No.3,2011, tr.407-435.

6Tlđd

7Tlđd.

8Tlđd.

9Hadi Soesastro, “Towards an East Asian Regional Trading Arrange- ment, In Simon S. C. Tay, Jesus P. Estanislao, and Hadi Soesastro, eds. Reinventing ASEAN. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2001,tr. 226-242.          

10Toạ đàm hẹp Cơ chế Hợp tác An ninh Biển trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), 29/09/2017, Xingapo.

11John Ravenhill, "Fighting Irrelevance: An Eco ASEAN Characteristics," Pacific Review, vol. 21, no.4, 2008, tr. 469-488.

12Joshua Kurlantzick, "ASEAN’s Future and Asian Integration,"Council on Foreign Relations’ Working Paper, November 2012: 1.

13Anthony Smith,“Indonesia s Role in ASEAN: The End of Leadership,” Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.2, 1999, tr. 238-243.

14Michael Wesley, "The Asian Crisis and the Adequacy of Regional Insti- tutions," Contemporary Southeast Asia, vol. 21, no. 1, 1999, tr.54-73.

15Lay Hong Tan, “Will ASEAN Economic Integr Free Trade Area?," International and Comparative, no. 4, 2004, tr. 935-967.

16Edward Lincoln, “East Asian Economic Regionalism,” Washington, DC: Brookings Institution Press.

17Richard Stubbs. "Signing On to Liberalization Regional Economic Cooperation." Pacific Review, vol.13, no.2, 2000, tr.297-318.

18ASEAN.org, External trade statistics, http://asean.org/?static_post=external-trade-statistics-3, truy cập ngày 21/5/2017.

19 Hidetaka Yoshimatsu, Collective action problems and regional integration in ASEAN, Project Muse, https://muse-jhu-edu.helicon.vuw.ac.nz/article/206166, truy cập ngày 29/5/2017.

20Tlđd.

21Anant Mishra, Yashvardhan Verma. “Untangling ASEAN's free- trade noodle bowl.” The National Interest, http://nationalinterest.org/feature/untangling-aseans-free-trade-noodle-bowl-15758, truy cập ngày 18/10/2017.

22Shaun Narine. “Explaining ASEAN: Regionalism in Southeast Asia.”Boul-der, CO: Lynne Rienner.

23Miles Kahler, "Legalization as Strategy: The Asia-Pacific Case," Inter-national Organization, vol. 54, no. 3,2000, tr.549-571.

 

24Top ten ASEAN trade partner countries/regions, 2015 as of November 2016, External Trade Statistics, ASEAN.org, http://asean.org/storage/2016/11/Table20_as-of-6-dec-2016.pdf, truy cập ngày 29/5/2017.

25Singapore’s Top Trading Partners, World’s Top Exports, http://www.worldstopexports.com/singapores-top-import-partners/, truy cập ngày 29/5/2017. Indonesia’s Top Trading Partners, World’s Top Exports, http://www.worldstopexports.com/indonesias-top-15-import-partners/, truy cập ngày 29/5/2017.

26Hidetaka Yoshimatsu, Collective action problems and regional integration in ASEAN, Project Muse, https://muse-jhu-edu.helicon.vuw.ac.nz/article/206166, truy cập ngày 19/10/2017.

27Johanna Son, Laos and Campuchia, Mianma Times, https://www.mmtimes.com/news/laos-and-cambodia-china-dance.html, truy cập ngày 19/10/2017.

28Fancis Chan, China criticised for apparent attempt to devide Asean, The Straitstimes, http://www.straitstimes.com/asia/china-criticised-for-apparent-attempt-to-divide-asean, truy cập ngày 11/10/2017.