Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa các nhà khoa học,

Trước hết, thay mặt Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, tôi xin chân thành cám ơn sự có mặt của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã đến dự buổi hội thảo hôm nay.

Thưa các quý vị,

Ngày 17 tháng 3 năm 2009, cũng tại Hội trường này, chúng ta đã cùng nhau tổ chức hội thảo khoa học quốc gia lần thứ nhất về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trong hơn hai năm qua,tình hình Biển Đông đã có nhiều diễn biến mới. Cho phép tôi điểm qua một số sự kiện xảy ra trogn thời gian vừa qua: tháng 3/2009, tàu Impeccable của Mỹ bị tàu Trung Quốc ngăn cản; tháng 5/2009, Việt Nam và Ma-lai-xi-a nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa; tháng 5/2009, Trung Quốc đưa tuyên bố phản đối, lần đầu tiên, Trung Quốc công khai yêu sách đường lưỡi bò; tháng 3/2010, có tin Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”; tháng 7/2010, In-đô-nê-xi-a gửi công hàm phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc; tháng 7/2010, tại Hội nghị ARF lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội, 14/27 nước phát biểu về Biển Đông; tháng 3/2011 tàu Trung Quốc  xua đuổi tàu thăm dò của Phi-lip-pin ở khu vực bãi Cỏ Rong; tháng 4/ 2011, Phi-lip-pin  gửi công hàm phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Cùng với các diễn biến chính nêu trên; các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp đều tăng cường các hoạt động: (i) củng cố hải quân; tăng cường sự hiện diện trên thực địa (ii) củng cố cơ sở lịch sử, pháp lý; (iii) tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế thông qua các kênh ngoại giao. Điều quan trọng là Các nước ASEAN ngày càng tự tin, có lập trường rõ ràng hơn về các vấn đề ở Biển Đông và hoạt động của các bên liên quan trên vùng biển này.

Những diễn biến trên Biển Đông trong hai năm qua làm thế giới ngày càng quan tâm hơn tới việc gìn giữ an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Biên Đông và khu vực Đông Nam Á. Diễn đàn an ninh khu vực ARF 17 năm 2010 tại Hà Nội đã  thể hiện một bước chuyển lớn trong chính sách của Mỹ. Không chỉ có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Nga và nhiều nước khác cũng ngày càng quan tâm tới Biển Đông.

Sau ARF, một số học giả nước ngoài đánh giá rằng, tình hình Biển Đông đã chuyển sang một giai đoạn mới, do đó, các bên liên quan cần phải có tư duy mới và phương pháp tiếp cận mới đối với vấn đề Biển Đông.

Với Việt Nam ta, có thể nói trong hai năm qua, chúng ta đã có những chuyển biến quan trọng trong tư duy, chính sách và các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ ổn định tình hình Biển Đông. TS. Ian Story một học giả người Anh đang làm việc tại Viện Nghiên cứu ĐNA của Singapore cho rằng chính sách Biển Đông của Việt Nam hơn hai năm qua là tổ hợp các hướng: i) Đàm phán song phương với Trung Quốc; ii) Khu vực hóa thông qua thúc đẩy ASEAN trong vấn đề DOC và Biển Đông; iii) Quốc tế hóa vấn đề, bao gồm tạo đan xen lợi ích quốc tế, nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế; iv) Hiện đại hóa quân đội nhằm hỗ trợ cho ngoại giao. 

Trong những chuyển biến quan trọng đó, lực lượng nghiên cứu về Biển Đông của chúng ta đã có những đóng góp có ý nghĩa. Tại hội thảo ngày 17/3/2009, chúng ta đã có nhiều nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến chiến lược, chính sách và các bước đi cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Sau đó, chúng ta đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm hẹp trong các năm 2009 và 2010, thảo luận và tham mưu trong nhiều vấn đề cụ thể. Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức thành công 2 Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông (tại Hà Nội năm 2009 và tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2010), với sự tham dự của trên 60 học giả quốc tế từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm tất cả các bên liên quan tới tranh chấp và từ các nước có lợi ích ở Biển Đông.

Các hội thảo đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng sự quan tâm của học giả, của dư luận khu vực và quốc tế tới Biển Đông, tăng cường các kênh thông tin về  Biển Đông. Phương cách hội thảo là thông qua phân tích khoa học của các học giả quốc tế để kêu gọi gìn giữ hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời phản bác các yêu sách phi lý của các bên, qua đó tác động tới tư duy chính sách của các nước liên quan.

Sau hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ nhất, còn nhiều ý kiến từ các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp phê phán Hội thảo và hô hào: “bắt giặc phải bắt tên đầu sỏ; đánh rắn phải đánh giập đầu”. Sau hội thảo quốc tế Biển Đông lần 2, không có ý kiến cực đoan như vậy nữa. Ngược lại, số bài viết về Biển Đông tăng lên gấp bội. Số người nói công khai về những vấn đề xảy ra tại Biển Đông cũng tăng lên gấp nhiều lần. Nếu như trước 2008, hàng năm ở khu vực Đông Nam A chỉ có Hội thảo kiểm soát xung đột ở Biển Đông tại In-đô-nê-xi-a và một số ít hội thảo nhưng chỉ nói về hợp tác, thì trong năm 2009 và 2010 số hội thảo về Biển Đông tăng nhanh. Riêng năm 2011, sẽ có khoảng 12 hội thảo quốc tế.  Nội dung hội thảo ngày càng đi vào thực chất, và được nhìn từ nhiều khía cạnh, cả lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế và các khía cạnh khác. Ngoài ý nghĩa về tham mưu chính sách, các hội thảo này là hoạt động quan trọng để thông tin về tình hình diễn ra trên Biển Đông, cập nhật và phân tích các sự kiện xảy ra trên Biển Đông, làm cho Biển Đông từ chỗ ít người biết, ít người nói trở thành sự quan tâm chung, và được thường xuyên theo dõi; hành động của các biên liên quan được phân tích, mổ xẻ một cách khoa học trước công luận.

Thưa các quý vị, tình hình Biển Đông nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng nghiên cứu Biển Đông chúng ta cần có nỗ lực vượt bậc, phát huy thế mạnh đặc thù của mình và phối hợp chặt chẽ với các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục: i) gia tăng các hoạt động trao đổi học thuật như tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế;  ii) đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về Biển Đông, gồm cả chiến lược, chính sách Biển Đông của các bên liên quan; iii) tăng cường vận động học giả, các nhân vật có ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách của các bên liên quan, các nước lớn, các nước có lợi ích quan trọng ở Biển Đông để giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông; iv) xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác ở Biển Đông; v) tuyên truyền rộng rãi trong giới học giả và truyền thông quốc tế lập trường chính nghĩa; chính sách nhất quán và cách ứng xử có trách nhiệm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển gần đây tại Biển Đông và các yêu cầu đặt ra đối với công tác nghiên cứu và ngoại giao kênh 2 trong vấn đề Biển Đông, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc gia lần thứ hai với Nội dung tập trung vào 4 vấn đề: (i) Chia sẻ những nghiên cứu mới về cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam và lập luận của các bên liên quan; (ii) Đánh giá các diễn biến gần đây tại Biển Đông và xu thế trong thời gian tới; (iii) Đánh giá vai trò Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển trước các diễn biến mới nhất của tình hình Biển Đông, nhất là các nội dung liên quan đến quy chế đảo, khu vực hợp tác, tự do hàng hải,…; (iv) Kiến nghị các hướng chính sách của Việt Nam nói chung và hướng nghiên cứu về Biển Đông cũng như hoạt động của ngoại giao kênh 2.

Với các nội dung như trên, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo quốc gia lần thứ hai với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”.

Chúc hội thảo thành công, hiệu quả, mang lại nhiều phát hiện mới và đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam./.

 Nghiên Cứu Biển Đông