chinese-dragon-paper-craft.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu chiến lược gia của Nhà Trắng Stephen Bannon gần đây đã chỉ trích quan điểm cho rằng Trung Quốc có quyền lực và ảnh hưởng đối với "nước chư hầu" của mình trong việc ngăn chặn những hành động khiêu khích bằng vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, kể từ khi quân đội Trung Quốc vượt qua sông Áp Lục vào ngày 1/10/1950 và tấn công các lực lượng của Mỹ và Liên hợp quốc trên đất Triều Tiên, nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã coi Bắc Kinh là "bên hậu thuẫn" cho chế độ họ Kim và có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của nước này. Trên thực tế, mặc dù có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy lãnh đạo đương nhiệm của Triều Tiên Kim Jong-un có mối quan hệ căng thẳng với người hàng xóm lớn của mình và đã công khai phản đối lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, cũng như cố ý giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước mình, nhưng “quốc gia chư hầu” này vẫn tiếp tục mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải lật lại lịch sử mới thấy được nguyên nhân sâu xa của sự mất lòng tin giữa hai quốc gia. Chắc hẳn nhiều người đã quên cuộc Chiến tranh Việt-Trung năm 1979 đã có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đối với nhận thức của Triều Tiên về Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã có nhiều hỗ trợ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hiệp định Tương trợ Trung-Triều năm 1961, nhưng việc Trung Quốc tấn công một đồng minh thân cận của mình là Việt Nam vào năm 1979 đã cho thấy Bắc Kinh không đáng tin cậy.

Quan hệ Trung-Triều đã bắt đầu xấu đi ngay từ khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên Kim Nhật Thành nhận thấy rằng ông sẽ không cần sự trợ giúp của Trung Quốc để thống nhất bán đảo Triều Tiên vào giai đoạn đầu Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Ông đã đối xử với các đại diện phía Trung Quốc với thái độ khinh thị, thậm chí những yêu cầu nghiên cứu chiến trường của các quan chức Trung Quốc cũng bị bác bỏ, mặc dù lúc đó, Triều Tiên đang cần sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc. Hành động này của ông Kim Nhật Thành một phần là do mối thù hằn của chính ông và mối quan hệ gần gũi của ông với Liên bang Xô Viết (Triều Tiên thực chất là vệ tinh của Liên Xô vào cuối những năm 1940). Tuy nhiên, nhân vật này cũng có nghi ngờ sâu sắc đối với chính quyền mới ở Trung Quốc và ông đã cố gắng giảm thiểu vai trò của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã coi vấn đề Nam-Bắc Triều Tiên là trọng tâm căng thẳng giữa phương Đông và phương Tây. Do Mỹ tiếp tục hỗ trợ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan nên Mao Trạch Đông đã nhìn thấy tương lai một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Mỹ vào năm 1950. Do Bắc Kinh lúc đó không có đủ lực lượng không quân, quân đội cũng không đủ mạnh để thực hiện một cuộc chiến vào Đài Loan để thống nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nên Mao Trạch Đông đặc biệt coi Triều Tiên là chiến trường nơi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có lợi thế tương đối khác biệt so với Mỹ, đồng thời cho thế giới biết rằng Trung Quốc là một cường quốc lớn không dễ đối phó. Đối với Mao Trạch Đông, bán đảo Triều Tiên trước tiên là một "món đồ" trong một trò chơi quyền lực. Như nhà sử học David Halberstam đã viết trong tác phẩm “Mùa Đông Lạnh nhất” rằng Mỹ và Chiến tranh Triều Tiên, những gì mà người Trung Quốc làm ở Triều Tiên là "tham gia vào chiến tranh, tạo ra những thương vong khủng khiếp, nhưng lại làm bế tắc trong tiến trình của Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ), chứ không phải là vì 'tình yêu tuyệt vời' nào dành cho Triều Tiên. Sự tôn trọng của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên và ông Kim Nhật Thành tại thời điểm đó thực sự là rất ít". Đặc biệt, tư tưởng này gần như không thay đổi trong suốt thời gian còn lại của Chiến Tranh Triều Tiên và những năm 1950.

Trong những năm 1960, quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng tụt dốc. Một trong số đó là việc Đảng Lao động Triều Tiên (KWP) gọi cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc là "sự điên cuồng lớn". Trung Quốc cáo buộc Triều Tiên đi theo xu hướng xét lại. Điều này tạo ra sự bất đồng ở những thập kỷ tiếp theo, tiếp tục trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh cho đến hiện tại. John Delury - chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, đồng thời là nhà sử học nghiên cứu về Trung Quốc - cho rằng: "Nếu có một từ tổng hợp quan điểm của Triều Tiên về lịch sử của liên minh giữa họ với Trung Quốc thì đó chỉ có thể là từ 'phản bội'”.

Vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã phát động cuộc xâm lược Việt Nam. Trong 30 ngày, PLA đã tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Đến ngày 16/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Kết quả của cuộc xung đột vũ trang do Trung Quốc gây ra là khoảng 22.000-63.000 người Trung Quốc thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến này. Thương vong ở Việt Nam ước tính khoảng 10.000 người (chiến tranh biên giới ở mức độ thấp và căng thẳng vẫn tiếp tục vào đầu những năm 1990). Theo chuyên gia Gady, đến nay di sản của chiến tranh Việt-Trung vẫn tiếp tục ám ảnh và ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Tác giả Franz Stefan Gady là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Tây. Bài viết đăng trên “Tạp chí Diplomat”.

Anh Thư (gt)