Học giả Connelly dẫn chứng một bài viết đăng trên tờ "Thời báo New York" nói về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho biết bài viết này không sử dụng từ "kiềm chế" nhưng lập luận rằng TPP là một "chiến thắng của Mỹ trước Trung Quốc", và việc Washington đẩy nhanh kết thúc đàm phán TPP có một ý nghĩa chiến lược khác chứ không phải là để kiềm chế Trung Quốc. Theo đó, TPP được xác định nằm trong chiến lược tái cân bằng rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama để tăng cường và củng cố trật tự quốc tế tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về chính trị, TPP được xem là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, đảm bảo tự do hàng hải và tự do tiếp cập thông tin. Về kinh tế, TPP cập nhật các quy tắc thương mại phản ánh những tiến bộ kỹ thuật đã làm tăng giá trị của các thông tin liên quan đến nguồn lực trong thương mại toàn cầu. Những thay đổi này đòi hỏi các nhà đàm phán phải nhìn xa hơn và đáp ứng các nguyên tắc phía sau đường biên giới có ảnh hưởng đến thương mại. Những điều đó dẫn đến việc người ta nói đến từ "kiềm chế" do hiệp định này "không bao gồm Trung Quốc", nhưng lại bỏ qua thực tế rằng các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói TPP mở cửa cho cả Trung Quốc nếu nước này đáp ứng được điều kiện gia nhập.

Tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu rõ: "Một số ý kiến cho rằng chúng ta đang cố gắng kiềm chế hoặc gây bất lợi cho Trung Quốc thông qua TPP. Chúng ta chắc chắn không làm vậy. Những gì chúng ta đang cố gắng làm là có thể hợp tác với Trung Quốc. Chúng ta hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia với chúng ta, không nhất thiết phải là thành viên chính thức của TPP, nhưng đáp ứng một số thực tế tốt nhất để đảm bảo sự công bằng trong các hoạt động thương mại". Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đàm phán phải thừa nhận một thực tế rằng Trung Quốc ngay từ đầu khó có thể đáp ứng những tiêu chuẩn của TPP.
Những hy vọng như vậy không hẳn là bất hợp lý. Việc Trung Quốc gia nhập TPP sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường và lao động ở nước này, và đây sẽ là kết quả tốt nhất có thể cho tất cả các bên liên quan, trong đó có Mỹ.

Vậy tại sao các thể chế như Nghiệp đoàn thương mại Mỹ lại sử dụng từ "kiềm chế" khi nói về tác động của TPP đối với Trung Quốc? Chính quyền Obama có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến điều này. Từ đầu năm nay, Chính quyền Mỹ đã nhiều lần sử dụng "mối lo ngại về trật tự an ninh và kinh tế bị Trung Quốc chi phối" để thu hút sự chú ý của của giới chính trị gia trong nước, đặc biệt là quốc hội. Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi tháng 1/2015, Tổng thống Obama đã nói rằng: "Trung Quốc muốn viết các quy tắc cho khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này. Điều đó sẽ đưa công nhân và các doanh nghiệp của chúng ta vào thế bất lợi. Tại sao chúng ta để điều đó xảy ra? Chúng ta nên viết những quy tắc. Chúng ta nên tạo ra một sân chơi bình đẳng".

Đây chính xác không phải là vấn đề "kiềm chế" Trung Quốc mà là một cuộc cạnh tranh. Các quan chức Mỹ đã làm phức tạp hóa vấn đề. Trong một bài phát biểu mạnh mẽ ở bang Arizona hồi tháng 4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố rằng: "Theo nghĩa rộng nhất trong chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, việc thông qua TPP đối với tôi cũng quan trọng như là có thêm một tàu sân bay". Bình luận này của ông Carter là "có vấn đề" bởi những gì Mỹ đang tìm kiếm và đạt được thông qua chiến lược tái cân bằng lại không liên quan đến Trung Quốc, mặc dù Washington cũng can dự vào một nỗ lực ngăn chặn những hành động quyết đoán của Bắc Kinh làm tổn hại đến trật tự tự do trong khu vực. Nỗ lực đó của Mỹ bị hiểu sai là kiềm chế Trung Quốc. Chính vì vậy, việc đề cập đến cả tàu sân bay và TPP trong cùng một tuyên bố có thể không phải là khôn ngoan. Chính quyền Mỹ nên thay đổi ngôn từ trước đó về TPP. TPP không phải là để kiềm chế hay ngăn chặn, có chăng chỉ là "cuộc cạnh tranh", buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế.

Bài viết của học giả Aaron L Connelly, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy, đăng trên "Interpreter"

Anh Thư (gt)