Các nhà sản xuất hàng may mặc châu Á đang phát đi tín hiệu tỏ ra quan ngại về lợi ích không tương xứng cho Việt Nam so với các đối thủ khu vực trong lĩnh vực dệt may như là kết quả của các thỏa thuận thương mại lớn bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mới (TPP), do Mỹ dẫn dắt và một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam vốn là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ tư trên thế giới, nhưng sẽ có được quyền tiếp cận ưu tiên mới tới các thị trường trong số 11 nước khác đã đăng ký gia nhập TPP cũng như 28 nước thành viên EU theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam. Đây là những thị trường sinh lợi cho các nhà xuất khẩu hàng may mặc của châu Á và các nhà sản xuất quần áo cho các thương hiệu hàng đầu của phương Tây.

Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng chỉ riêng TPP cũng có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam – từ quần áo và giày dép tới cà phê và hải sản – tăng thêm 30% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm 10% vào năm 2030.

TPP vẫn cần phải được phê chuẩn ở Mỹ và một vài quốc gia khác, hoãn việc thực hiện hiệp định này ít nhất là cho tới năm sau, trong khi đó FTA EU-Việt Nam sẽ mất 7 năm để dỡ bỏ hoàn toàn thuế đánh vào hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu.

Mặc dù vậy, các nước sản xuất hàng may mặc chủ chốt trong khu vực như Campuchia và Myanmar vốn lo ngại rằng nếu các hiệp định thương mại tiến hành như kế hoạch thì Việt Nam có thể làm suy yếu ngành công nghiệp may mặc sống còn của họ. Trung Quốc và Bangladesh, hai nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, cũng có khả năng bị ảnh hưởng, cũng như Indonesia và Pakistan, những nước có lĩnh vực dệt may và hàng may mặc lớn nhưng đang chật vật.

Khine Khine Nwe, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar (MGMA), nói với tờ Nikkei Asian Review rằng: “Các thỏa thuận thương mại của Việt Nam sẽ là một mối quan ngại – không chỉ đối với chúng ta, mà với toàn bộ khu vực”.

Theo MGMA, trong năm 2013, 38% xuất khẩu quần áo của Myanmar đổ vào Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc với 31%. Jay Kim, giám đốc điều hành công ty may mặc Opal International ở Yangon, nói: “Phần lớn các nhà máy ở Myanmar sản xuất cho thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản”. Ông cho rằng vị thế thương mại được ưu tiên của Việt Nam với EU và Mỹ có lẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Myanmar trong thời điểm hiện nay. Nhật Bản, cũng giống Mỹ, là một bên tham gia ký kết TPP.

Myanmar lo lắng

Các nhà sản xuất hàng may mặc của Myanmar giờ đây trông chờ vào châu Âu với tư cách vừa là thị trường vừa là nguồn đầu tư, với hàng may mặc là một bộ phận then chốt cho các kế hoạch của nước này trở thành một nền kinh tế chế tạo.

EU cắt giảm thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Myanmar sang châu Âu trong năm 2013 coi đó là một phần của chương trình tiếp cận thị trường cho các nước kém phát triển hơn. Khoảng 20% hàng may mặc xuất khẩu của Myanmar giờ đây đổ vào EU, một tỷ lệ có khả năng tăng lên, theo sau xu hướng tương tự ở Campuchia, nước có xuất khẩu sang EU tăng từ 28% tổng hàng may mặc xuất khẩu trong năm 2011 lên 42% trong năm 2014 trong cùng một chương trình.

Nhưng EU sẽ dần dần giảm thuế, hiện ở mức 11,7%, đối với hàng may mặc từ Việt Nam, nơi mà năng suất lao động lớn hơn so với ở Campuchia.

Kim nói rằng 90% hàng xuất khẩu của Opal đổ vào Hàn Quốc, nhưng công ty này thuê 5.000 người ở 3 nhà máy tại Yangon với hy vọng thu hút các đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ.

Khi đề cập tới ngày mà chính phủ mới do Aung San Suu Kyi dẫn dắt sẽ nắm quyền, Jay Kim nói rằng “năm ngoái, các khách hàng Mỹ đã khảo sát thị trường Myanmar, nhưng họ đang chờ đợi. Có lẽ sau tháng Tư họ sẽ bắt đầu”.

Theo các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp may mặc, Myanmar có thể vẫn phải đối mặt với thách thức từ Việt Nam, nước có thể tăng ít nhất gấp đôi hàng xuất khẩu sang Mỹ một khi TPP có hiệu lực. Indonesia, nước xuất khẩu một nửa hàng dệt may và may mặc của mình sang Mỹ và EU có thể cũng chịu sự đe dọa.

Indonesia đánh giá phí tổn

Chi phí năng lượng cao đã làm giảm bớt năng lực cạnh tranh của Indonesia, khiến Darmin Nasution, Bộ trưởng điều phối kinh tế của nước này, tuyên bố vào tháng 10/2015 rằng thuế điện vào ban đêm sẽ được giảm xuống thấp trong một nỗ lực nhằm giảm bớt tổng chi phí phải trả đối với nhà sản xuất.

Ade Sudrajat, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Indonesia, cho biết: “Thách thức chủ yếu là chi phí điện quá cao. Thứ hai là quyền tiếp cận thị trường EU và Mỹ. Nếu chúng tôi có thể giải quyết được hai thách thức này thì tăng trưởng có thể ở mức hai con số”.

Nhưng thách thức được đặt ra bởi việc các đối thủ trong khu vực là Malaysia và Việt Nam gia nhập TPP đã gây ra những mối quan ngại ở Jakarta, với việc Bộ trưởng Thương mại Tom Lembong phát biểu vào ngày 27/1 rằng các thỏa thuận mới của Việt Nam nói riêng là “một mối đe dọa”.

Bất chấp thực tế rằng nền kinh tế Indonesia lớn hơn gấp 4 lần quy mô kinh tế của Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt mức 22,2 tỷ USD trong năm 2014, so với 14,4 tỷ USD của Indonesia.

Nước dễ bị ảnh hưởng nhất trong tất cả có lẽ là Campuchia, nơi mà lĩnh vực hàng may mặc là một trụ cột chính trong nền kinh tế nhỏ bé của nước này. Theo Tổ chức lao động quốc tế, ngành công nghiệp này sử dụng hơn 700.000 lao động và chiếm 5,3 tỷ USD – gần 80% – tổng thu nhập từ xuất khẩu của Campuchia trong năm 2014.

Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc của Campuchia, nói rằng lĩnh vực hàng may mặc vốn đã mất thị phần Mỹ cho Việt Nam vì nước này có chi phí lao động thấp hơn và năng suất lớn hơn. Ông nói: “Nếu chúng ta không thể cạnh tranh khi chúng ta ngang hàng, thì khi TPP tới… làm sao chúng ta có thể cạnh tranh? Câu trả lời ngắn gọn là: Chúng ta rõ ràng quan ngại”.

Các nhà sản xuất hàng may mặc ở nơi khác cũng đang cảm thấy áp lực

Faruque Hassan, Phó chủ tịch cấp cao Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, nói với tờ Nikkei Asian Review rằng “quyền tiếp cận TPP của Việt Nam chắc chắn là một mối quan ngại cho các nước xuất khẩu quần áo, đặc biệt là đối với Bangladesh”. Ông lưu ý rằng Bangladesh sẽ tiếp tục phải đối mặt với thuế trung bình 16% đánh vào hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ trong khi thuế áp dụng cho Việt Nam sẽ được dỡ bỏ.

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Pakistan gần đây đã nêu bật mối đe dọa được nhận thấy rõ do Việt Nam đặt ra. Hiệp hội này cho biết trong một tuyên bố: “Việt Nam là một thị trường mới nổi về hàng may mặc và đã trở thành một mối đe dọa lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực dệt may có giá trị gia tăng của Pakistan”. Hiệp hội lưu ý rằng “Sau khi tham gia một FTA với EU, Việt Nam đang xuất khẩu 23 tỷ USD hàng may mặc so với hàng dệt may giá trị gia tăng nghèo nàn trị giá 5 tỷ USD của Pakistan”.

Những hạn chế đối với Việt Nam

TPP có nghĩa là Việt Nam sẽ phải mở cửa, ít nhất là cho phép các công đoàn được hoạt động và đem lại cho công nhân của các nhà máy nhiều quyền lợi hơn.

Paul Huynh, Giám đốc KPMG Việt Nam, nói rằng các thỏa thuận thương mại của Việt Nam “sẽ có tác động rất lớn đến người lao động với những cơ hội gia tăng các tiêu chuẩn lao động để đáp ứng thông lệ quốc tế, cũng như các cải cách xung quanh những tiêu chuẩn lao động”.

Nếu Việt Nam theo được những cam kết này, thì nước này cũng có thể được lợi từ danh tiếng tốt đẹp hơn so với một số bên cạnh tranh hàng may mặc trong khu vực. Bangladesh đã chứng kiến danh tiếng của họ bị suy yếu do một số thảm họa chết người tại các nhà máy sản xuất hàng may mặc, trong khi các cuộc phản kháng và đình công về điều kiện làm việc và tiền lương là phổ biến ở Myanmar và Campuchia. Tiền lương tối thiểu ở Campuchia đã tăng từ 80 USD/tháng lên 140 USD kể từ năm 2014, trong khi đó tại Myanmar, mức lương tối thiểu mới khoảng 67 USD/tháng đã được chấp thuận vào năm 2015.

TPP có những quy định nghiêm ngặt về “quy tắc xuất xứ”, có nghĩa rằng hàng may mặc sản xuất tại Việt Nam dùng vải có nguồn gốc từ các nước không phải là bên tham gia hiệp định này sẽ không có được quyền tiếp cận ưu tiên.

Tuy nhiên, các công ty lớn hơn của Việt Nam đã bắt đầu điều chỉnh cho phù hợp với những đòi hỏi của TPP và EU trước khi các thỏa thuận được ký kết. Vinatex, công ty dệt may lớn nhất của nước này, đã ký kết thỏa thuận với các công ty Nhật Bản vào đầu năm 2015 để sản xuất vải và thuốc nhuộm tại địa phương, trong khi gần như đồng thời, các công ty Hàn Quốc và Đài Loan lại thiết lập các hoạt động tại Việt Nam – không phải để sản xuất hàng may mặc cho xuất khẩu, mà để sản xuất vải và sợi cho các nhà xuất khẩu hàng may mặc – một dấu hiệu rằng những quy định về “quy tắc xuất xứ” có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

Nhưng đối với các công ty khác tại Việt Nam, phí tổn đi kèm với sự dịch chuyển này rất có thể được bù đắp bởi bất kỳ lợi nhuận nào Việt Nam có được từ quyền tiếp cận được cải thiện của nước này tới thị trường Mỹ. Jayant Menon, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng phát triển châu Á, cho biết: “Mặc dù [Việt Nam] sẽ có được quyền tiếp cận ưu tiên hơn ở thị trường Mỹ, nhưng tính cạnh tranh tổng thể của nước này sẽ thực sự suy giảm”.

Faruque Hassan nói: “Tất cả đều phụ thuộc vào việc Việt Nam tự trang bị cho mình như thế nào để tận dụng cơ hội này và khả năng thực hiện quy tắc xuất xứ”.
Trần Loan, Giám đốc điều hành của Tohe Style có trụ sở tại Hà Nội chuyên xuất khẩu áo thun và phụ kiện sang Nhật Bản, nói rằng đối với phần lớn các hãng sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, những điều khoản của quy tắc xuất xứ có thể tỏ ra là một thách thức. Bà nói: “Phần lớn các nhà máy đều nhập chỉ và các nguyên liệu đầu vào khác từ Trung Quốc”.

Theo Nikkei Asia Review

Văn Cường (gt)