Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi hướng sự chú ý tới các vấn đề về thương mại với Trung Quốc. Không quốc gia nào khác trên thế giới đóng một vai trò quan trọng đến vậy trong thương mại quốc tế trong khi cũng đang theo đuổi một chính sách kinh tế trọng thương. Trên thực tế, các chuyên gia về Trung Quốc và các nhà chuyên môn về thương mại nhất trí một cách rộng rãi rằng nước này đã ngăn chặn hoặc cản trở các doanh nghiệp Mỹ – từ các tập đoàn tài chính cho tới các doanh nghiệp xe hơi – cạnh tranh một cách công bằng ở thị trường Trung Quốc. Những sự bảo vệ yếu kém của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác cũng đặt các công ty Mỹ vào thế bất lợi trong cạnh tranh. 

Ông Trump vẫn đang tập hợp êkíp châu Á của mình và đang phát triển cách tiếp cận của ông với thương mại, nhưng việc nhắc nhở Bắc Kinh rằng có những khía cạnh đáng kể của chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc không công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài là một cách không tồi để ông bắt đầu cuộc thảo luận này. Sau đó, ông sẽ phải theo đuổi cách tiếp cận chính sách có khả năng cao nhất tạo ra kết quả mà ông tìm kiếm. Nhưng cách tiếp cận đó sẽ ra sao? 

Sự cám dỗ của thuế quan 

Một thành viên Quốc vụ viện đã nói với tác giả bài viết: “Zhongguo ye you zhengzhi” (Trung Quốc cũng có chính trị). Giữa Đảng Cộng sản, các bộ thuộc chính phủ và các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nhiều nhóm cử tri thúc đẩy các chính sách – chẳng hạn như trợ cấp cho các nhà máy không hiệu quả – để bảo vệ lợi ích của bản thân họ. Hơn nữa, tầng lớp lãnh đạo của Trung Quốc nhìn nhận bản thân họ như người bảo vệ vị thế quốc tế của đất nước. Các nhóm này sẽ trông đợi Bắc Kinh đáp trả một cách mạnh mẽ trước bất kỳ hành động nào của Chính quyền Trump. Việc không làm như vậy sẽ là một lời thú nhận tội lỗi. Tồi tệ hơn, nó sẽ được nhìn nhận như một sự đầu hàng trước một cường quốc nước ngoài. 

Phản ứng của Trung Quốc trước bất kỳ động thái nào của Mỹ về thuế quan sẽ đến trên 2 cấp độ: Luận điệu và chính sách. Luận điệu của Bắc Kinh sẽ cố gắng trấn an công chúng trong nước rằng Trung Quốc đã chịu được sức ép của Mỹ một cách thành công. Hiện đã có các dấu hiệu của cách tiếp cận này trong các bài xã luận trên truyền thông do chính phủ kiểm soát. Ngày 19/1/2017, tờ Global Times mang nhiều màu sắc dân tộc hơn đã tuyên bố rằng “cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc sẽ phản tác dụng”. Vài ngày sau, tờ China Daily trầm lặng hơn đã lưu ý một cách khá khô khan rằng “bài phát biểu nhậm chức của ông Trump gây lo ngại”. 

Về chính sách, Trung Quốc thường không leo thang các tranh chấp thương mại, nhưng có trả đũa. Nước này sẽ có khuynh hướng đối chọi bất kỳ mức thuế quan nào mà Mỹ áp đặt bằng các loại thuế có thể so sánh được về mặt kinh tế của riêng mình. Chẳng hạn, khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama áp thuế lên mặt hàng lốp xe xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2009, Trung Quốc đã phản ứng bằng việc trừng phạt mặt hàng gia cầm xuất khẩu của Mỹ. Quả thật, Trung Quốc có khuynh hướng nhắm tới các hàng hóa nông nghiệp thiết yếu dễ dàng được thay thế bởi hàng nhập khẩu từ nơi khác hoặc các sản phẩm có tác động biểu hiện. 

Hãy xem xét táo. Giống như với gia cầm, Trung Quốc có thể sẵn sàng thay thế táo Mỹ bằng táo của Úc hoặc một nơi khác. Trên thực tế, thuế quan đánh vào táo sẽ mang lại cho Trung Quốc một “bộ 3 lợi ích”: Họ sẽ trừng phạt Mỹ, thưởng cho Úc về mặt kinh tế, và phát tín hiệu cho ban lãnh đạo chính trị của Úc, trong đó có một số người đã lôi kéo việc phát triển quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, rằng Washington có thể không phải là đồng minh tốt nhất của họ. Với việc thuế quan chỉ đánh vào các sản phẩm của Mỹ, hàng hóa tương tự từ các quốc gia khác sẽ có lợi thế cạnh tranh. 

Có một loạt sản phẩm khác, thuộc ngành nông nghiệp hoặc các ngành khác, mà ở đó các nhà sản xuất Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt. Một nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy Trung Quốc hiện đang thu hút khoảng 47% trái cây và hạt xuất khẩu của Mỹ, 11,8% máy bay xuất khẩu, và 23,3% sản phẩm gỗ xuất khẩu của nước này. Vậy khả năng Trung Quốc đáp trả các mức thuế quan theo cách tương tự không phải là không hữu hình. 

Quan trọng hơn khả năng Trung Quốc tiến hành các hành động đáp trả “ăn miếng trả miếng” là tính chính trị trong nước của vấn đề này. Không nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có thể tỏ ra như đang đầu hàng trước áp lực của Mỹ, bất chấp lập trường của Mỹ có giá trị thế nào. Thậm chí, việc Mỹ nâng mức thuế quan có nguy cơ gây thêm khó khăn cho việc nhận được sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc. Nếu Washington đang tìm kiếm xích mích trong thương mại, một cuộc chiến thuế quan sẽ nhanh chóng mang lại điều đó. Nếu nước này đang tìm cách giảm bớt các rào cản thương mại thì đã sẵn có các cách tiếp cận tốt hơn. 

Kế hoạch B 

Có một vài cách Mỹ có thể giúp Trung Quốc hướng tới các chuẩn mực toàn cầu về thương mại. 

Thứ nhất, Mỹ nên cẩn thận với việc trộn lẫn các vấn đề. Có nhiều thách thức trong mối quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm bất đồng địa chính trị ở Biển Đông, quan hệ với Đài Loan, nhân quyền, Triều Tiên và thương mại. Mỹ nên lưu tâm tới việc liên kết các vấn đề này để thương mại không bị “còng tay” vào các vấn đề khó giải quyết hơn. Như quan hệ khó khăn của Mỹ với Cuba, Nga và một số nước Trung Đông đã cho thấy, các chính phủ có thể hành động nhanh chóng hơn trong các vấn đề thương mại so với trong các vấn đề chính trị. Đáng lưu ý là một trong số các bên có thể bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ – đó là Đài Loan – cũng nhận thấy giá trị của việc giữ cho các vấn đề riêng rẽ. Một người bạn trong Chính quyền Đài Loan đã đặc biệt cảnh báo phản đối việc khuyến khích xích mích thương mại. Ông này nói: “Chúng tôi sẽ bị tổn hại”, khi nói về các chuỗi cung ứng liên kết Mỹ-Trung-Đài. Ông đã tỏ ra đủ khôn khéo để không nhắc tới khả năng Trung Quốc gây tổn hại tới Đài Loan. 

Thứ hai, các “vai phản diện” sẽ làm tốt hơn vai trò của mình khi các “vai chính diện” được tham gia cuộc thảo luận. Chẳng hạn, có thể tìm thấy một số điểm tương đồng nào đó về tình trạng thừa năng lực sản xuất thép. Người Trung Quốc thoải mái công nhận rằng các ngành công nghiệp nhận trợ cấp và thuộc sở hữu nhà nước là một sự bòn rút đối với nền kinh tế của họ và gây ra sự méo mó trong các thị trường thép. Có thể có các cách không thù địch để xử lý vấn đề này, ít nhất là một phần. Chẳng hạn, một phần nhân công và nguồn lực của ngành thép có thể được di chuyển từ sản xuất sang các nỗ lực môi trường tại các nhà máy thép đang xuống cấp, kể cả việc xử lý đất và lọc không khí. Trung Quốc không cần thêm thép, mà cần không khí và nước sạch. Khi cuộc thảo luận này mở ra, Mỹ nên tiếp tục theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với thép Trung Quốc, theo quy định của luật pháp, để duy trì sự có mặt của “vai phản diện”. 

Thứ ba, chơi tấn công cùng với phòng thủ là việc đáng làm. Ông Trump không nên chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp của Mỹ đang phải chịu sức ép, chẳng hạn như thép. Ông cũng nên thúc đẩy quyền tiếp cận thị trường cho các ngành công nghiệp đang bùng nổ, chẳng hạn như các ngành công nghệ, công nghệ sinh học và hàng không dân dụng của Mỹ. Ngay cả một chiến lược phòng thủ thành công nhằm hỗ trợ việc làm trong ngành thép của Mỹ bản thân nó cũng sẽ thất bại vì nó sẽ bỏ qua các cơ hội trong các ngành khác. 

Thứ tư, Mỹ nên tạo ra các thành quả thương mại khi có thể. Ông Trump đã kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng ông có thể ủng hộ các cách tiếp cận thay thế khác. Trong mức độ mà Mỹ có thể cải thiện quan hệ thương mại với các nước châu Á khác, nó sẽ giúp nước này thúc đẩy nghị trình xuất khẩu của mình và nó sẽ khuyến khích Trung Quốc hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Washington có thể có khả năng tìm được một nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để cùng theo đuổi việc giảm bớt các rào cản thương mại. Nước này thậm chí có thể nhất trí với Nhật Bản về các tiêu chuẩn độc lập cho hệ thống tin học viễn thông an toàn hoặc cho xe hơi không người lái. Một thỏa thuận không phận mở với Philippines dường như cũng nằm trong tầm tay. Thế giới không đứng yên. Trung Quốc không đứng yên. Và Mỹ cũng không nên đứng yên. 

Cuối cùng, sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có một lợi ích tiềm năng: Trung Quốc sẽ nhìn nhận một cách rõ ràng hơn các lợi ích của việc đạt được một thỏa thuận. Quốc gia này phải đối mặt với một loạt vấn đề của riêng mình, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế đang chững lại, bong bóng nợ, tình trạng rối loạn ở Hong Kong, Đại hội Đảng lần thứ 19 sắp tới, và sự khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bất chấp giọng điệu bên ngoài mang tính thách thức của mình, Trung Quốc có khả năng không muốn có thêm nhiều rắc rối. 

Nói cách khác, đây có thể là một thời khắc thích hợp cho một sự đột phá. Ông Trump nên chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại mới, Wilbur Ross, triệu tập một nhóm khẩn cấp trong 90 ngày để làm việc với những người đồng cấp Trung Quốc nhằm xác định 10 rào cản thương mại hàng đầu cần được giải quyết ngay lập tức. Nếu những rào cản này có thể được xử lý đúng thủ tục, cơ sở cho các cuộc tranh cãi thương mại khác sẽ tự động biến mất. Nói tóm lại, đã đến lúc cho một động thái táo bạo, mà các đường nét của nó đã rõ ràng. 

Hãy bắt đầu với thuế quan. Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khoảng 16,4% các hạng mục nhập khẩu của Trung Quốc (“hạng mục mặt hàng” theo thuật ngữ của WTO) phải chịu mức thuế cao hơn 15%. Chỉ có 6,4% được miễn thuế. Đối với Mỹ, các con số này là 2,7% số hạng mục và 45,2%. Vì vậy dễ thấy vì sao Mỹ sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng. Trung Quốc có thể tiến hành một loạt bước để xoa dịu các vấn đề này, và các bước này cũng sẽ có lợi cho nền kinh tế của chính họ: Nước này có thể loại bỏ toàn bộ thuế quan đánh vào các hạng mục mà họ không sản xuất; họ có thể giới hạn các mức thuế quan còn lại xuống 10%. Một hệ thống như vậy vẫn sẽ ưu ái các ngành công nghiệp trong nước của Trung Quốc nhưng sẽ cho phép có một phạm vi cạnh tranh lớn hơn. 

Trung Quốc cũng có thể giải quyết các rào cản phi thuế quan. Chẳng hạn, cơ quan tương đương với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) của Trung Quốc yêu cầu mỗi kích cỡ sản phẩm thực phẩm phải được kiểm tra và thông qua, và công ty Mỹ phải chịu các chi phí cho việc kiểm tra chúng. Vậy nếu một công ty muốn bán mứt dâu trong lọ 8 ounce và trong gói nhỏ dành cho các quán tự phục vụ, cả hai mặt hàng phải được kiểm tra và thông qua một cách riêng rẽ. Đây sẽ là một rào cản dễ dàng được loại bỏ. Cuối cùng, Trung Quốc có thể thay đổi lập trường đối với ít nhất một trong số các ngành dịch vụ. Tài chính, viễn thông và y tế đều được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc. Mỹ nắm giữ vị trí lãnh đạo toàn cầu ở cả 3 ngành này. 

Có 2 lời cảnh báo đối với kế hoạch này. Thứ nhất, những sự mở cửa thị trường của Trung Quốc chủ yếu sẽ có lợi cho Mỹ và Trung Quốc, nhưng các nước xuất khẩu khác cũng sẽ nhận thấy lợi ích. Vì vậy Mỹ nên bổ sung vào chiến lược mở cửa thị trường của mình một chiến lược xâm nhập thị trường, để giúp các công ty Mỹ tận dụng được các cải cách của Trung Quốc. Thứ hai, các cải cách này có thể không có tác động hữu hình đối với cán cân thương mại, vì nó được thúc đẩy bởi các dòng tài chính và các nhân tố kinh tế vĩ mô. Điều này cho thấy Mỹ cần một cuộc thảo luận rộng hơn về các mục tiêu cuối cùng của chính sách thương mại: Để đạt được các thị trường mở hay để tránh thâm hụt thương mại. Tức là nước này muốn bình đẳng về cơ hội hay bình đẳng về kết quả? Những người tin rằng chính sách thương mại thích đáng duy nhất là chính sách bảo đảm được các kết quả bình đẳng về cơ bản đang lập luận rằng một sản phẩm chỉ có thể được nhập khẩu khi một sản phẩm có giá trị tương đương có thể được xuất khẩu – nói cách khác là một nền kinh tế trao đổi hàng hóa. 

Những tháng sắp tới có thể chứng kiến luận điệu sôi nổi về thương mại, nhưng điều đó có thể được gác sang một bên nếu các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ có thể phối hợp khắc phục một số vấn đề nói trên vào buổi đầu của Chính quyền Trump. Sẽ tốt cho tất cả các bên nếu họ ghi nhớ 2 điều hiển nhiên sau: Các cuộc chiến thương mại có thể dễ dàng gây tổn hại tới quốc gia khởi xướng cũng như quốc gia mục tiêu, và phát động chúng thì dễ hơn nhiều so với ngăn chặn chúng.

Theo Foreign Affairs

Văn Cường (gt)