US-president-Barack-Obama-001-300x180.jpg

(Đồi Capitol, Washington D.C, 12/1/2016)

Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, thưa ngài Phó Tổng thống, thưa các nghị sỹ Quốc hội cùng toàn thể đồng bào Mỹ!

Tối nay đánh dấu năm thứ 8 khi tôi đến đây để báo cáo về tình hình liên bang. Và đối với bản Thông điệp Liên bang cuối cùng này, tôi sẽ cố gắng để nói ngắn gọn hơn. Tôi biết một số quý vị đang sốt ruột muốn quay trở về Iowa.

Tôi cũng hiểu rằng, do hiện nay đang là mùa bầu cử, những kỳ vọng về những gì chúng ta sẽ đạt được trong năm nay sẽ không cao. Tuy nhiên, thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, tôi đánh giá cao đường hướng mang tính xây dựng mà ngài và các nhà lãnh đạo khác đưa ra vào cuối năm 2015 nhằm thông qua ngân sách và cắt giảm thuế lâu dài cho các gia đình lao động Mỹ. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể hợp tác với nhau trong năm nay về những vấn đề ưu tiên của hai đảng như cải cách bộ luật hình sự và giúp đỡ những người đang chiến đấu với tình trạng lạm dụng thuốc kê đơn. Chúng ta sẽ một lần nữa gây bất ngờ cho những người còn đang hoài nghi.

Nhưng tối nay, tôi muốn chỉ đơn giản đề cập đến danh mục truyền thống những đề nghị cho năm 2016. Quý vị đừng ngại, tôi có rất nhiều đề xuất, từ việc giúp đỡ các sinh viên học cách viết mã máy tính đến việc cá nhân hóa điều trị y tế cho các bệnh nhân. Và tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ đối với những công việc vẫn đang cần thực hiện. Cải thiện hệ thống nhập cư đã bị phá vỡ. Bảo vệ con em chúng ta khỏi tình trạng bạo lực súng đạn. Tiền công được trả tương xứng với công việc, nghỉ phép được trả lương, tăng mức lương tối thiểu. Tất cả những việc này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với các gia đình Mỹ làm việc chăm chỉ; tất cả đều là những việc cần phải làm, và tôi sẽ không từ bỏ cho đến khi chúng được thực hiện.

Nhưng đối với bài phát biểu cuối cùng của tôi tại khán phòng này, tôi không muốn chỉ đề cập đến năm 2016. Tôi muốn tập trung vào 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa.

Tôi muốn tập trung vào tương lai của chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một thời điểm của sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ - sự thay đổi đang định hình lại cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc, định hình lại hành tinh của chúng ta và vị trí của chúng ta trên thế giới. Đó là sự thay đổi hứa hẹn tạo ra những đột phá đáng kinh ngạc về y tế, nhưng cũng mang lại những sự gián đoạn về kinh tế vốn đang gây khó khăn cho các gia đình lao động. Sự thay đổi hứa hẹn cơ hội giáo dục cho các nữ sinh ở những làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất nhưng nó cũng kết nối những kẻ khủng bố có âm mưu ở bên kia đại dương. Đó là sự thay đổi mở rộng cơ hội, hoặc mở rộng tình trạng bất bình đẳng. Và cho dù chúng ta muốn hay không, tốc độ của sự thay đổi này sẽ chỉ ngày càng gia tăng.

Nước Mỹ từng trải qua những thay đổi lớn trước đây - chiến tranh và suy thoái, dòng người nhập cư ồ ạt, người lao động đấu tranh để có được một hợp đồng công bằng và những phong trào đòi mở rộng quyền công dân. Mỗi lần như vậy, đã có những người nói với chúng ta khiến chúng ta lo sợ về tương lai, những người cho rằng chúng ta có thể kìm hãm sự thay đổi, hứa hẹn khôi phục quá khứ huy hoàng nếu chúng ta kiểm soát được một nhóm người hay một ý tưởng đang đe dọa nước Mỹ. Và mỗi lần như vậy, chúng ta đều đã vượt qua những nỗi sợ hãi đó. Chúng ta, như lời của Lincoln, đã không trói mình vào "những giáo lý của quá khứ yên lặng". Thay vào đó, chúng ta có những suy nghĩ mới và hành động mới. Chúng ta đã làm cho sự thay đổi trở nên có tác dụng đối với chúng ta, thường xuyên mở rộng lời hứa của Mỹ ra bên ngoài, tới khu vực biên giới, với ngày càng nhiều người hơn. Và bởi vì chúng ta đã làm - bởi vì chúng ta đã nhìn thấy cơ hội trong khi những người khác chỉ thấy rủi ro – chúng ta đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn và tốt hơn trước đây.

Những gì trước đây đã đúng thì bây giờ cũng có thể đúng. Những sức mạnh duy nhất của chúng ta với tư cách là một dân tộc - sự lạc quan của chúng ta và tác phong làm việc, tinh thần khám phá và đổi mới của chúng ta, sự đa dạng và cam kết của chúng ta đối với sự cai trị của pháp luật - những điều này đã mang đến cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để đảm bảo sự phồn thịnh và an ninh cho các thế hệ tương lai.

Trên thực tế, chính tinh thần đó đã làm cho tiến bộ trong 7 năm qua trở nên khả thi. Đó là cách thức chúng ta đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ. Đó là cách thức chúng ta đã cải cách hệ thống y tế của chúng ta và tái tạo lĩnh vực năng lượng của chúng ta; đó là cách thức chúng ta mang đến nhiều sự quan tâm và lợi ích hơn cho các quân nhân và cựu chiến binh của chúng ta, là cách thức chúng ta đảm bảo rằng mỗi người dân ở các bang được tự do cưới người mà mình yêu thương.

Nhưng sự tiến bộ đó không phải là điều tất yếu. Đó là kết quả của những lựa chọn mà chúng ta cùng nhau đưa ra. Và ngay lúc này chúng ta phải đối mặt với những lựa chọn đó. Phải chăng chúng ta sẽ đối phó với những thay đổi của thời đại chúng ta với nỗi sợ hãi, cuộn mình lại với tư cách là một dân tộc và quay lưng lại với nhau với tư cách là những con người? Hay chúng ta sẽ đối mặt với tương lai với sự tự tin vào việc chúng ta là ai, chúng ta bảo vệ cái gì và những điều không thể tin được mà chúng ta có thể làm được cùng nhau?

Vậy chúng ta hãy nói về tương lai và 4 câu hỏi lớn mà chúng ta với tư cách là một quốc gia phải trả lời - bất kể ai sẽ là Tổng thống tiếp theo hay ai sẽ nắm quyền kiểm soát tại Quốc hội tới đây.

Thứ nhất, làm thế nào chúng ta đem lại cho mọi người cơ hội công bằng và đảm bảo an ninh trong nền kinh tế mới này?

Thứ hai, làm thế nào để chúng ta có thể khiến công nghệ phục vụ mình chứ không phải chống lại mình - nhất là khi để giải quyết những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu?

Thứ ba, chúng ta làm thế nào để nước Mỹ an toàn và dẫn dắt thế giới mà không trở thành cảnh sát của thế giới?

Và cuối cùng, chúng ta có thể làm thế nào để nền chính trị của chúng ta phản ánh những gì tốt đẹp nhất chứ không phải tồi tệ nhất?

Cho phép tôi bắt đầu với vấn đề kinh tế và một thực tế căn bản: Nước Mỹ hiện nay có nền kinh tế hùng mạnh nhất và bền vững nhất trên thế giới. Chúng ta đang ở giữa thời kỳ dài nhất trong lịch sử về tạo ra công ăn việc làm của khu vực tư nhân. Hơn 14 triệu việc làm mới; hai năm tăng trưởng việc làm mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1990; tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa. Ngành công nghiệp ô tô có một năm tốt đẹp nhất hơn bao giờ hết. Ngành công nghiệp chế tạo đã tạo ra gần 900.000 việc làm mới trong 6 năm qua. Và chúng ta đã làm được tất cả những việc đó trong khi thâm hụt ngân sách cắt giảm được gần 3/4.

Bất cứ ai cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy giảm đều là những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Sự thật là - và lý do mà nhiều người Mỹ cảm thấy lo lắng - nền kinh tế đã và đang trải qua những thay đổi sâu sắc, những thay đổi đã bắt đầu từ lâu trước khi cuộc Đại suy thoái tác động và không hề giảm bớt. Ngày nay, công nghệ không những thay thế công việc trong dây chuyền lắp ráp mà bất kỳ công việc nào đều có thể được tự động hoá. Các công ty trong nền kinh tế toàn cầu có thể nằm ở bất kỳ địa điểm nào và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Kết quả là, người lao động có ít lực đòn bẩy hơn để xin tăng lương. Các công ty có ít sự trung thành hơn với cộng đồng của mình. Thu nhập và sự giàu có ngày càng tập trung vào tầng lớp trên.

Tất cả những xu hướng này đã vắt kiệt sức người lao động, ngay cả khi họ có việc làm; ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng. Điều này khiến một gia đình làm việc chăm chỉ trở nên khó thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói hơn, tầng lớp trẻ càng khó khởi nghiệp hơn, và người lao động càng khó được nghỉ hưu hơn khi họ muốn. Và mặc dù không có xu hướng nào trong những xu hướng trên chỉ có ở riêng nước Mỹ nhưng chúng làm tổn thương lòng tin của người dân Mỹ rằng mọi người làm việc chăm chỉ sẽ được hưởng công bằng.

Trong 7 năm qua, mục tiêu của chúng ta là một nền kinh tế ngày càng tăng trưởng phục vụ tốt hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta đã đạt được tiến bộ. Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa. Và bất chấp tất cả các tranh cãi chính trị của chúng ta trong những năm qua, có một số lĩnh vực mà người dân Mỹ đều đồng tình một cách rộng rãi.

Chúng ta nhất trí rằng cơ hội thực sự đòi hỏi từng người dân Mỹ phải nhận được nền giáo dục và đào tạo cần thiết để họ có một việc làm tốt. Cuộc cải cách đạo luật “Không để cho bất kì trẻ em nào tụt hậu” của cả hai đảng là một bước khởi đầu quan trọng và cùng nhau, chúng ta đã đẩy mạnh giáo dục mầm non, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học lên một mức cao mới và gia tăng những người tốt nghiệp trong những lĩnh vực như kỹ thuật công trình. Trong những năm tới, chúng ta cần tiếp tục dựa trên cơ sở những tiến bộ này bằng cách tạo điều kiện học mẫu giáo cho tất cả mọi trẻ em, giúp mọi sinh viên tiếp cận với các lớp học toán – tin thực hành để họ sẵn sàng cho công việc sau này, và chúng ta cần tuyển dụng và hỗ trợ nhiều giáo viên tuyệt vời hơn cho con em chúng ta.

Và chúng ta phải tạo điều kiện để mỗi người dân Mỹ có thể tiếp cận với giáo dục đại học. Bởi vì không sinh viên chăm chỉ nào đáng bị mắc nợ. Chúng ta đã giảm các khoản nợ sinh viên phải chi trả xuống mức 10% thu nhập của một người vay. Giờ đây, chúng ta thực sự phải cắt giảm chi phí học đại học. Tạo điều kiện cho mọi sinh viên có trách nhiệm được học cao đẳng cộng đồng miễn phí trong 2 năm là một trong những biện pháp tốt nhất để làm điều đó và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để việc này được bắt đầu trong năm nay.

Tất nhiên, một nền giáo dục tuyệt vời không phải là tất cả những gì chúng ta cần trong nền kinh tế mới này. Chúng ta cũng cần những lợi ích và sự bảo vệ đem lại một giải pháp an ninh cơ bản. Xét cho cùng, không phải là nói quá khi chỉ có một số trong những người tại Mỹ hiếm hoi sẽ làm cùng một công việc, ở cùng một địa điểm, với cùng một gói y tế và hưu trí trong vòng 30 năm, đang ngồi tại Khán phòng này. Đối với những người khác, đặc biệt những người ở độ tuổi 40 và 50, tiết kiệm cho hưu trí hoặc phục hồi trở lại sau khi mất việc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Người Mỹ hiểu rằng, ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp, họ có thể cần được trang bị và đào tạo lại. Nhưng họ cũng không đáng mất đi những gì họ đã làm việc chăm chỉ để gây dựng nên.

Đó là lý do tại sao chương trình Chăm sóc Y tế và An sinh Xã hội quan trọng hơn bao giờ hết; chúng ta không nên làm suy yếu các chương trình này, mà cần củng cố chúng. Và đối với những người Mỹ chưa đến tuổi nghỉ, trợ cấp cơ bản nên linh hoạt như mọi thứ khác trong điều kiện sống ngày hôm nay. Đó là tinh thần của Đạo luật Chăm sóc sức khoẻ. Nó lấp đi những khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chủ lao động để khi chúng ta mất việc hoặc quay trở lại trường học hoặc bắt đầu việc kinh doanh mới, chúng ta vẫn sẽ có bảo hiểm. Gần 18 triệu người đã nhận được bảo hiểm cho đến nay. Lạm phát trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đã chậm lại. Và các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo ra công ăn việc làm hàng tháng kể từ khi nó trở thành luật.

Giờ đây, tôi dự đoán rằng chúng ta sẽ không sớm nhất trí với nhau về vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Nhưng phải có những cách thức khác để cả hai đảng có thể cải thiện an ninh kinh tế. Chẳng hạn, một người Mỹ làm việc chăm chỉ bị mất việc – chúng ta không nên chỉ bảo đảm rằng anh ấy có thể nhận được bảo hiểm thất nghiệp; chúng ta cần bảo đảm chương trình đó khuyến khích anh ấy được đào tạo lại cho phù hợp với doanh nghiệp sẵn sàng thuê anh ta. Nếu công việc mới đó lương không cao, nên có một hệ thống bảo hiểm lương sẵn sàng để anh ấy có thể tiếp tục trang trải cuộc sống của mình. Và thậm chí nếu anh ta chuyển từ việc này sang việc khác, anh ấy vẫn có thể tiếp tục dành dụm cho lúc nghỉ hưu và có một khoản tiết kiệm nào đó. Đó là cách chúng ta khiến nền kinh tế mới vận hành tốt hơn cho tất cả mọi người.

Tôi cũng biết ngài Chủ tịch Hạ viện Ryan đã nói về sự quan tâm của ông đối với việc giải quyết tình trạng đói nghèo. Nước Mỹ sẵn sàng giúp đỡ tất cả những người sẵn sàng làm việc, và tôi hoan nghênh một cuộc thảo luận nghiêm túc về những chiến lược mà tất cả chúng ta có thể cùng ủng hộ, giống như mở rộng cắt giảm thuế cho người lao động thu nhập thấp không có con cái. Nhưng cũng có những lĩnh vực khác mà để đạt được sự nhất trí là điều khó khăn hơn trong 7 năm qua – cụ thể là chính phủ cần đóng vai trò nào trong việc bảo đảm chắc chắn hệ thống không bị gian lận để phục vụ lơi ích của những tập đoàn giàu nhất và lớn nhất. Và tại đây, người dân Mỹ có quyền đưa ra lựa chọn.

Tôi tin rằng một khu vực tư nhân phát triển thịnh vượng là huyết mạch của nền kinh tế chúng ta. Tôi nghĩ rằng có những quy định đã lỗi thời cần phải được thay đổi, và có những thói quan liêu cần phải loại bỏ. Nhưng sau nhiều năm lợi nhuận công ty đạt mức kỷ lục, các gia đình lao động sẽ không có thêm cơ hội hoặc thêm thu nhập nếu cứ cho phép các ngân hàng lớn, các quỹ dầu mỏ hoặc quỹ đầu cơ lớn đưa ra quy định riêng của họ gây tổn hại đến tất cả những người khác; hoặc bằng cách cho phép việc công kích vào hoạt động thương lượng tập thể không được giải quyết. Những người nhận tem phiếu lương thực không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính, mà chính sự thiếu thận trọng của phố Wall đã gây ra điều này. Người nhập cư không phải là lý do khiến tiền lương không tăng đủ; mà chính là do các quyết định được đưa ra trong những phòng họp mà quá thường xuyên đặt lợi nhuận theo quý lên trên những lợi ích dài hạn. Một điều chắc chắn là không phải một gia đình trung lưu đang xem truyền hình tối nay lại trốn thuế thông qua các tài khoản ở nước ngoài. Trong nền kinh tế mới hiện nay, người lao động, những doanh nghiệp nhỏ và mới khởi nghiệp cần có tiếng nói nhiều hơn, chứ không phải là ít hơn. Các quy định nên phục vụ cho họ. Và năm nay tôi có kế hoạch nâng đỡ nhiều doanh nghiệp, những doanh nghiệp nhận ra rằng đối xử công bằng với người lao động của họ là điều tốt cho các cổ đông, cho khách hàng và cho cộng đồng của họ, chính vì thế, chúng ta có thể phổ biến những thông lệ tốt đẹp này trên khắp nước Mỹ.

Thực tế, nhiều trong số những công dân doanh nghiệp tốt nhất của chúng ta cũng chính là những bộ óc sáng tạo nhất của chúng ta. Điều này đưa tôi đến câu hỏi lớn thứ hai mà chúng ta phải trả lời dưới góc độ một quốc gia: Chúng ta làm thế nào để khơi lại tinh thần đổi mới nhằm đối phó với các thách thức lớn nhất của chúng ta?

60 năm trước đây, khi người Nga đánh bại chúng ta trong lĩnh vực vũ trụ, chúng ta đã không phủ nhận việc vệ tinh Sputnik đã được phóng lên đó. Chúng ta đã không tranh cãi về khoa học hay cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu và phát triển. Chúng ta đã gần như ngay lập tức xây dựng một chương trình không gian, và 12 năm sau, chúng ta đã đặt chân lên Mặt Trăng.

Tinh thần khám phá đó nằm trong gien của chúng ta. Chúng ta là Thomas Edison, là anh em nhà Wright và là George Washington Carver. Chúng ta là Grace Hopper, là Katherine Johnson và là Sally Ride. Chúng ta là tất cả những người nhập cư và doanh nhân đến từ Boston qua Austin đến Thung lũng Silicon đang chạy đua để định hình một thế giới tốt đẹp hơn. Và trong 7 năm qua, chúng ta đã nuôi dưỡng tinh thần đó.

Chúng ta bảo vệ một mạng Internet mở, và thực hiện những bước đi mới táo bạo để có thêm nhiều sinh viên và người Mỹ có thu nhập thấp tiếp cận đượ với Internet. Chúng ta đã xây dựng những trung tâm chế tạo thế hệ mới và những công cụ trên mạng mang đến cho một doanh nhân mọi thứ mà người đó cần để có thể khởi nghiệp chỉ trong một ngày. Nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn thế. Năm ngoái, Phó Tổng thống Biden đã nói rằng với một dự án mới mới tên là “Moonshot” nước Mỹ có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Tháng trước, ông ấy đã làm việc với Quốc hội để trao cho các nhà khoa học ở Viện Y tế quốc gia các nguồn lực mạnh mẽ nhất mà có họ trong hơn một thập kỷ qua. Tối nay, tôi tuyên bố một nỗ lực quốc gia mới để biến nó thành hiện thực. Và bởi vì ông ấy đã tranh đấu cho tất cả chúng ta, về rất nhiều vấn đề trong hơn 40 năm qua, tôi sẽ bổ nhiệm Joe phụ trách sứ mệnh kiểm soát này. Vì tất cả những người thân yêu mà chúng ta đã mất đi, vì gia đình mà chúng ta vẫn còn có thể cứu giúp, hãy để nước Mỹ trở thành quốc gia có thể chữa dứt điểm bệnh ung thư. Nghiên cứu y khoa là rất quan trọng. Chúng ta cần các cam kết với mức độ tương tự như khi phát triển các nguồn năng lượng sạch. Hãy nhìn xem, nếu có ai đó muốn tranh cãi về góc độ khoa học xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu thì cứ việc. Bạn sẽ khá lạc lõng, vì bạn sẽ phải tranh cãi với quân đội Mỹ, với phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, đa số người dân Mỹ, hầu như toàn bộ cộng đồng khoa học và 200 quốc gia trên toàn thế giới, những người nhất trí rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề và đều muốn giải quyết nó.

Tuy nhiên, ngay dù nếu thế giới không phải đang lâm nguy, ngay dù nếu năm 2014 không phải là năm nóng nhất trong lịch sử - cho đến khi năm 2015 hóa ra lại còn nóng hơn - tại sao chúng ta lại muốn bỏ qua cơ hội để các doanh nghiệp Mỹ sản xuất và bán năng lượng của tương lai? Cách đây 7 năm, chúng ta đã có một sự đầu tư lớn duy nhất trong lịch sử cho năng lượng sạch. Đây là các kết quả. Trên các cánh đồng từ Iowa đến Texas, năng lượng gió hiện nay rẻ hơn so với các loại năng lượng thông thường và bẩn hơn. Trên các mái nhà từ Arizona đến New York, năng lượng mặt trời đang tiết kiệm cho người Mỹ hàng chục triệu USD/năm cho các hóa đơn năng lượng của họ và tạo nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ hơn so với than đá với mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung. Chúng ta đang tiến hành các bước để trao cho các hộ gia đình quyền tự do sản xuất và tích trữ năng lượng của riêng mình - điều mà các nhà hoạt động vì môi trường và các thành viên phong trào Tea Party vẫn phối hợp để hỗ trợ. Trong khi đó, chúng ta đã cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài với tỉ lệ gần 60% và giảm ô nhiễm khí thải carbon nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên Trái Đất.

Giá xăng ở mức dưới 2USD/gallon cũng không phải là tệ. Giờ đây, chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi các loại năng lượng bẩn. Thay vì trợ cấp cho quá khứ, chúng ta phải đầu tư cho tương lai - đặc biệt là những cộng đồng lệ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Đó là lý do tại sao tôi sẽ thúc đẩy việc thay đổi cách thức chúng ta quản lý các nguồn tài nguyên than đá và dầu mỏ, để chúng phản ánh rõ nét hơn cái giá mà chúng gây ra cho những người đóng thuế và hành tinh của chúng ta. Với cách làm đó, chúng ta sẽ tái đầu tư cho các cộng đồng đó và đưa hàng vạn người Mỹ làm việc để xây dựng một hệ thống vận tải của thế kỷ 21.

Những điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, và đúng vậy, cũng có rất nhiều lợi ích bất di bất dịch mà có những người muốn bảo vệ nguyên trạng. Nhưng những công việc làm chúng ta sẽ tạo ra, số tiền chúng ta sẽ tiết kiệm được, và hành tinh chúng ta sẽ bảo vệ - đó là tương lai mà con cháu chúng ta xứng đáng được hưởng. Biến đổi khí hậu chỉ là một trong nhiều vấn đề mà ở đó an ninh của chúng ta ràng buộc với phần còn lại của thế giới. Và đó là lý do tại sao câu hỏi lớn thứ ba mà chúng ta phải trả lời là làm thế nào để duy trì sự an toàn và vững mạnh cho nước Mỹ mà không tự cô lập chính mình hoặc cố gắng xây dựng quốc gia ở bất cứ nơi nào có vấn đề.

Tôi đã nói với các bạn trước đây, tất cả những bàn luận về suy giảm kinh tế Mỹ là lời lẽ hàm hồ mang tính chính trị. Vâng, tất cả những giọng điệu bạn nghe về việc kẻ thù của chúng ta ngày càng mạnh hơn còn Mỹ đang trở nên suy yếu cũng tương tự như vậy. Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất trên Trái Đất. Chấm hết. Không có gì phải bàn cãi. Chi tiêu cho quân sự của chúng ta nhiều hơn của 8 quốc gia đứng sau cộng lại. Quân đội của chúng ta là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất trong lịch sử thế giới. Không một quốc gia nào dám tấn công chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta bởi vì họ biết rằng đó là con đường dẫn đến thất bại. Các cuộc khảo sát cho thấy vị thế của chúng ta trên toàn thế giới cao hơn so với khi tôi được bầu vào chức vụ này, và khi đề cập đến mọi vấn đề quốc tế quan trọng, mọi người trên thế giới không trông đợi sự lãnh đạo của Bắc Kinh hay Moskva - họ tìm đến chúng ta.

Là một người bắt đầu mỗi ngày với một bản tóm tắt tin tình báo, tôi biết đây là thời điểm nguy hiểm. Nhưng đó không phải do sức mạnh của nước Mỹ bị giảm sút hay một siêu cường nào đó đang dần nổi lên. Trong thế giới ngày nay, chúng ta ít bị đe dọa bởi các đế quốc xấu xa mà bị đe dọa nhiều hơn bởi các quốc gia thất bại. Trung Đông đang trải qua một sự thay đổi sẽ kéo dài cả một thế hệ, bắt nguồn từ các cuộc xung đột đã có từ cách đây hàng thiên niên kỷ. Những luồng gió ngược về kinh tế thổi từ một nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi. Ngay cả khi nền kinh tế của họ bị thu hẹp, thì Nga vẫn đang đổ các nguồn lực để chống đỡ cho Ukraine và Syria - các quốc gia mà họ nhìn nhận thấy đang trượt ra khỏi quỹ đạo của họ. Và hệ thống quốc tế mà chúng ta thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai hiện đang phải vật lộn để bắt kịp với thực tế mới này.
Trách nhiệm giúp thiết lập lại hệ thống đó thuộc về chúng ta. Và điều đó có nghĩa là chúng ta phải đặt ra các ưu tiên.

Ưu tiên số một là bảo vệ người dân Mỹ và truy quét các mạng lưới khủng bố. Cả al-Qaeda và nay là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đều gây ra mối đe dọa trực tiếp đến người dân của chúng ta, bởi vì trong thế giới ngày nay, thậm chí một số ít các phần tử khủng bố, những kẻ không quan tâm đến giá trị cuộc sống con người, kể cả của chính bản thân chúng, cũng có thể gây ra rất nhiều thiệt hại. Chúng sử dụng Internet để đầu độc tâm trí của các cá nhân bên trong đất nước chúng ta; chúng làm suy yếu đồng minh của chúng ta.

Nhưng khi chúng ta tập trung tiêu diệt IS, những tuyên bố cường điệu rằng đây là Chiến tranh thế giới thứ ba chỉ đem lại lợi thế cho chúng. Những đám đông chiến binh ngồi trên thùng xe bán tải và những linh hồn méo mó đang lên kế hoạch ở trong các căn hộ hay nhà để xe đặt ra một mối nguy hiểm rất lớn cho dân thường và phải bị ngăn chặn. Nhưng chúng không đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia chúng ta. Đó là câu chuyện mà IS muốn kể; đó là hình thức tuyên truyền mà chúng sử dụng để tuyển mộ. Chúng ta không cần phải thổi phồng chúng lên để thể hiện rằng chúng ta nghiêm túc, chúng ta cũng không cần phải gạt những đồng minh quan trọng trong cuộc chiến này sang một bên bằng cách lặp lại lời nói dối rằng IS đại diện cho một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Chúng ta chỉ cần gọi đúng bản chất của chúng – những tên giết người và những kẻ cuồng tín đáng bị nhổ tận gốc, bị truy lùng và tiêu diệt.

Đó chính là những gì chúng ta đang làm. Trong hơn một năm, Mỹ đã dẫn đầu một liên minh gồm hơn 60 quốc gia nhằm cắt đứt nguồn tài chính của IS, phá vỡ các âm mưu của chúng, ngăn chặn dòng chiến binh khủng bố và dập tắt tư tưởng xấu xa của chúng. Với gần 10.000 cuộc không kích, chúng ta đang tiêu diệt ban lãnh đạo, nguồn dầu mỏ, các trại huấn luyện và vũ khí của chúng. Chúng ta đang huấn luyện, vũ trang và hỗ trợ các lực lượng, vốn đang dần lấy lại phần lãnh thổ tại Iraq và Syria.
Nếu Quốc hội nghiêm túc về việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này, và muốn gửi một thông điệp tới các binh sĩ của chúng ta và thế giới, thì rốt cuộc quý vị hãy cho phép sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại IS. Hãy bỏ phiếu. Nhưng người dân Mỹ nên biết rằng dù có hay không có hành động của Quốc hội, thì IS cũng sẽ nhận được những bài học tương tự như những kẻ khủng bố trước chúng. Nếu các bạn nghi ngờ cam kết của Mỹ - hay của tôi – về việc công lý được thực thi, hãy hỏi Osama bin Laden. Hãy hỏi thủ lĩnh của al-Qaeda tại Yemen, kẻ đã bị tiêu diệt hồi năm ngoái, hay thủ phạm gây ra các vụ tấn công Benghazi, kẻ hiện đang ngồi tù. Khi các người đụng đến người Mỹ, chúng tôi sẽ tìm đến các người. Việc này có thể mất thời gian, nhưng chúng ta không bao giờ quên, và tầm với của chúng ta thì không có giới hạn.

Chính sách đối ngoại của chúng ta phải tập trung vào các mối đe dọa từ IS và al-Qaeda, nhưng không thể dừng lại ở đó. Ngay cả khi không có IS, sự bất ổn sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới - ở Trung Đông, ở Afghanistan và Pakistan, tại các khu vực của Trung Mỹ, châu Phi và châu Á. Một vài nơi trong số này có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các mạng lưới khủng bố mới; những nơi khác sẽ trở thành nạn nhân của xung đột sắc tộc, hoặc nạn đói, kéo theo làn sóng người tị nạn tiếp theo. Thế giới sẽ trông chờ chúng ta giúp giải quyết những vấn đề này, và câu trả lời của chúng ta không nên chỉ là lời lẽ cứng rắn hay những lời kêu gọi ném bom rải thảm dân thường. Điều đó có thể có tác dụng như một khẩu hiệu trên TV, nhưng nó không được chấp nhận trên trường quốc tế.

Chúng ta cũng không thể tìm cách tiếp quản và tái thiết mọi nước rơi vào khủng hoảng. Đó không phải là vai trò lãnh đạo, đó là công thức dẫn đến sự sa lầy, khiến người Mỹ hao tổn xương máu và của cải mà cuối cùng khiến chúng ta suy yếu. Đó là bài học ở Việt Nam, ở Iraq – và giờ đây chúng ta đáng ra phải học được.

May mắn thay, có một cách tiếp cận thông minh hơn, một chiến lược kiên nhẫn và kỷ luật sử dụng mọi yếu tố sức mạnh quốc gia của chúng ta. Nó có nghĩa là nước Mỹ sẽ luôn hành động, đơn phương nếu cần thiết, để bảo vệ người dân và các đồng minh của chúng ta; nhưng về các vấn đề toàn cầu, chúng ta sẽ huy động thế giới để làm việc với chúng ta, và đảm bảo chắc chắn rằng các nước khác thực hiện phần việc của họ.

Đó là cách tiếp cận của chúng ta với các cuộc xung đột như Syria, nơi chúng ta đang thiết lập quan hệ đối tác với các lực lượng địa phương và dẫn dắt các nỗ lực quốc tế để giúp xã hội tan vỡ đó theo đuổi một nền hòa bình lâu dài.

Đó là lý do tại sao chúng ta xây dựng một liên minh toàn cầu, với các biện pháp trừng phạt và ngoại giao dựa trên nguyên tắc, để ngăn chặn một Iran được vũ trang hạt nhân. Khi chúng ta đang nói ở đây, Iran đã rút lại chương trình hạt nhân của nước này, vận chuyển kho urani ra khỏi đất nước, và thế giới đã tránh được một cuộc chiến khác.

Đó là cách chúng ta ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Ebola ở Tây Phi. Quân đội của chúng ta, các bác sĩ của chúng ta, và nhân viên phát triển của chúng ta đã thiết lập nền tảng cho phép các nước khác tham gia cùng chúng ta dập tắt đại dịch này.

Đó là cách chúng ta xây dựng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để mở cửa các thị trường, bảo vệ người lao động và môi trường, và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. TPP cắt giảm 18.000 loại thuế đánh vào các sản phẩm sản xuất tại Mỹ, và hỗ trợ thêm nhiều công ăn việc làm tốt. Với TPP, Trung Quốc không đặt ra các quy tắc trong khu vực đó, mà là chúng ta. Quý vị muốn thể hiện sức mạnh của chúng ta trong thế kỷ này? Hãy thông qua Hiệp định này. Hãy cho chúng tôi những công cụ để thực thi nó.

50 năm cô lập Cuba đã không thúc đẩy được dân chủ, thay vào đó còn khiến chúng ta thụt lùi ở Mỹ Latinh. Đó là lý do tại sao chúng ta khôi phục quan hệ ngoại giao, mở cửa cho du lịch và thương mại, và sẵn sàng cải thiện cuộc sống của người dân Cuba. Quý vị nếu muốn củng cố vai trò lãnh đạo và uy tín của nước Mỹ ở bán cầu này? Hãy nhận thức rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và dỡ bỏ cấm vận.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21 không phải là sự lựa chọn giữa việc nên hay không nên bỏ mặc phần còn lại của thế giới - trừ khi chúng ta tiêu diệt những kẻ khủng bố; hay chiếm đóng và tái thiết bất kỳ xã hội nào đang tan vỡ. Lãnh đạo có nghĩa là sử dụng sức mạnh quân sự một cách khôn ngoan và tập hợp thế giới đằng sau những sự nghiệp chính nghĩa. Nó đồng nghĩa với việc coi viện trợ nước ngoài là một phần của an ninh quốc gia chúng ta chứ không phải việc làm từ thiện. Khi chúng ta dẫn dắt gần 200 quốc gia đi đến việc đạt được thỏa thuận tham vọng nhất trong lịch sử về chống biến đổi khí hậu - điều đó không chỉ giúp cho những quốc gia dễ bị tổn thương, mà nó cũng bảo vệ con cháu của mình. Khi chúng ta giúp Ukraine bảo vệ nền dân chủ của họ, hay giúp Colombia giải quyết cuộc chiến tranh đã kéo dài hàng thập kỷ, điều đó sẽ tăng cường trật tự thế giới mà chúng ta đang phụ thuộc. Khi chúng ta giúp các nước châu Phi lo liệu vấn đề lương thực cũng như chăm lo cho người bệnh của họ, chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch ở đó lan đến nước Mỹ. Ngay lúc này đây, chúng ta đang đi đúng hướng để tiến tới chấm dứt HIV/AIDS và chúng ta có khả năng làm được điều tương tự với bệnh sốt rét, và tôi sẽ hối thúc Quốc hội tài trợ cho mục tiêu này trong năm nay.

Đó mới là sức mạnh. Đó mới là vai trò lãnh đạo. Và hình thức lãnh đạo đó phụ thuộc vào hiệu quả trong việc làm gương của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đóng cửa nhà tù tại Guantanamo: nó tốn kém, không cần thiết, và chỉ như một cơ sở phục vụ hoạt động chiêu mộ cho kẻ thù của chúng ta.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần phản đối bất kỳ hoạt động chính trị nào nhắm mục tiêu vào con người vì chủng tộc hay tôn giáo. Đây không phải là vấn đề về tính đúng đắn chính trị. Đây là vấn đề nhận thức được điều gì làm nên sức mạnh của chúng ta. Thế giới nể trọng chúng ta không chỉ bởi kho vũ khí của chúng ta, họ tôn trọng chúng ta bởi sự đa dạng, sự cởi mở của chúng ta và cách thức chúng ta tôn trọng mọi đức tin. Ngay tại chỗ tôi đang đứng tối nay, Đức Giáo hoàng Francis từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng "lặp lại những hận thù và bạo lực của những kẻ bạo chúa và những kẻ sát nhân là cách tốt nhất để biến mình thành chúng". Khi các chính trị gia xúc phạm người Hồi giáo, khi một nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại, hay một đứa trẻ bị bắt nạt, điều đó không khiến chúng ta an toàn hơn. Đây không phải là lời nói thẳng. Mà đây là lời nói sai. Điều đó chỉ hủy hoại hình ảnh của chúng ta trong mắt thế giới, khiến chặng đường đạt được các mục tiêu của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Và nó đi ngược lại những giá trị của chúng ta với tư cách một đất nước. "Chúng tôi, những người dân". Hiến pháp của chúng ta bắt đầu bằng những từ đơn giản đó, những từ mà chúng ta nhận ra rằng nó hàm nghĩa toàn thể người dân, chứ không phải một số người; những từ khẳng định rằng chúng ta thành bại cùng nhau. Nó dẫn tôi tới điều thứ tư và có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói tối nay.
Tương lai mà chúng ta mong muốn - cơ hội và an ninh cho các gia đình của chúng ta; một mức sống ngày càng cao và một hành tinh bền vững hòa bình cho con cháu của chúng ta - tất cả đều nằm trong tầm tay của chúng ta. Nhưng sẽ chỉ đạt được điều đó nếu chúng ta hợp tác với nhau. Sẽ chỉ đạt được điều đó nếu chúng ta có thể có các cuộc thảo luận hợp lý và mang tính xây dựng.

Sẽ chỉ đạt được điều đó nếu chúng ta chấn chỉnh nền chính trị của mình.

Một nền chính trị tốt hơn không có nghĩa là chúng ta phải nhất trí với nhau về tất cả mọi thứ. Mỹ là một đất nước rộng lớn, với các khu vực, quan điểm và quyền lợi khác nhau. Đây cũng là một trong những điểm mạnh của chúng ta. Những nhà sáng lập của chúng ta đã phân phối quyền lực giữa các bang và các nhánh của chính phủ và trông đợi chúng ta sẽ tranh luận, như họ đã làm, về quy mô và hình thức của chính phủ, về thương mại và quan hệ đối ngoại, về ý nghĩa của tự do và những đòi hỏi cấp thiết về an ninh.

Nhưng nền dân chủ đòi hỏi những liên kết cơ bản về lòng tin giữa các công dân của nó. Dân chủ sẽ không thể vận hành nếu chúng ta cứ nghĩ rằng những người bất đồng với chúng ta đều hành động với sự ác ý, hoặc các đối thủ chính trị của chúng ta là những người không yêu nước. Dân chủ sẽ dần rơi vào trì trệ nếu không có tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp; hay ngay cả khi những sự thật cơ bản cũng bị đem ra tranh cãi và chúng ta chỉ lắng nghe những người đồng tình với mình. Đời sống xã hội của chúng ta sẽ lụi tàn khi chỉ những tiếng nói cực đoan nhất thu hút được sự chú ý. Trên hết, nền dân chủ sẽ sụp đổ khi một người dân bình thường cảm thấy tiếng nói của họ không còn có ý nghĩa, khi hệ thống bị gian lận để phục vụ lợi ích của người giàu có hoặc có quyền lực hay một số nhóm lợi ích hạn hẹp. Rất nhiều người Mỹ đang cảm nhận như vậy vào thời điểm này. Đó là một trong số những điều hiếm hoi mà tôi nuối tiếc trong nhiệm kỳ tổng thống của mình – sự thù địch và nghi kị giữa các đảng phái đã trở nên tồi tệ hơn chứ không hề tốt lên. Chắc chắn một tổng thống với tài năng tầm cỡ như Lincoln hay Roosevelt có thể làm tốt hơn việc hàn gắn sự chia rẽ này, và tôi cam kết sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt hơn chừng nào còn tại nhiệm. Tuy nhiên, thưa các đồng bào Mỹ của tôi, điều này không thể là nhiệm vụ của riêng tôi – hay của bất kỳ vị tổng thống nào khác. Có rất nhiều người có mặt trong khán phòng này muốn thấy nhiều sự hợp tác hơn, một cuộc tranh luận ở tầm cao hơn tại Washington, nhưng lại cảm thấy mình bị mắc kẹt bởi những đòi hỏi phải thắng cử. Tôi biết điều này, chính các vị đã nói với tôi. Và nếu chúng ta muốn một nền chính trị tốt đẹp hơn, thay đổi một hạ nghị sĩ hoặc một thượng nghị sĩ hay thậm chí một tổng thống là chưa đủ; chúng ta phải thay đổi cả hệ thống để nó phản ảnh những phẩm chất tốt đẹp hơn của chúng ta. Chúng ta phải chấm dứt thông lệ chia các khu vực bầu cử nhằm tránh việc các chính khách có thể lựa chọn cử tri của họ, chứ không phải theo hướng ngược lại. Chúng ta cần phải giảm ảnh hưởng của tiền bạc trong nền chính trị của chúng ta, để một số nhóm người hay nhóm lợi ích đứng sau không thể mua phiếu bầu – và nếu cách tiếp cận hiện nay của chúng ta đối với nguồn tài chính vận động tranh cử không được các tòa án chấp thuận, chúng ta cần làm việc với nhau để tìm ra một giải pháp thực sự. Chúng ta cần phải biến quy trình bầu cử trở nên dễ dàng hơn, chứ không khó khăn hơn, và đổi mới quy trình này cho phù hợp với đời sống hiện nay. Và trong năm nay, tôi dự định sẽ đi khắp nước Mỹ để thúc đẩy các cải cách phục vụ mục tiêu này. Song một mình tôi không thể làm được tất cả những điều đó. Những thay đổi trong tiến trình chính trị của chúng ta - không chỉ trong việc ai sẽ thắng cử mà còn ở cách thức họ được bầu lên - sẽ chỉ diễn ra khi người Mỹ mong muốn điều đó. Nó sẽ phụ thuộc vào quý vị. Đó chính là một chính phủ của dân, do dân và vì dân.
Điều tôi đang đòi hỏi là không dễ dàng. Sẽ dễ dàng hơn khi cứ hoài nghi, chấp nhận rằng đổi thay là không thể, nền chính trị là vô vọng và tin rằng các tiếng nói, hành động của chúng ta không có ý nghĩa gì cả. Nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc ngày hôm nay, chúng ta sẽ từ bỏ luôn một tương lai tốt đẹp hơn. Những người có tiền và quyền lực sẽ nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với những quyết sách mà có thể đẩy một người lính trẻ vào một cuộc chiến tranh, hoặc dẫn tới một thảm họa kinh tế nữa, hoặc tước mất các quyền bình đẳng và quyền bầu cử mà nhiều thế hệ người Mỹ đã phải đấu tranh, hay thậm chí trả giá bằng mạng sống, để có được. Khi nỗi thất vọng tăng lên, sẽ có những tiếng nói kêu gọi chúng ta trở lại thời bộ tộc để đổ hết tội lỗi cho những người đồng hương không cùng màu da với chúng ta, không cầu nguyện giống chúng ta, không bỏ phiếu giống chúng ta hay không có chung nguồn gốc với chúng ta. Chúng ta không được phép đi theo con đường đó. Nó sẽ không mang lại một nền kinh tế chúng ta mong muốn, không mang lại sự an toàn chúng ta mong muốn, nhưng trên hết, nó đi ngược lại tất cả những điều đã biến Mỹ trở thành quốc gia mà cả thế giới phải ghen tị.

Do đó, thưa các đồng bào Mỹ của tôi, dù đức tin của bạn là gì, dù bạn ủng hộ đảng nào hay không ủng hộ đảng nào, thì tương lai chung của chúng ta phụ thuộc vào việc bạn có sẵn sàng thực hiện bổn phận của một công dân hay không. Hãy bỏ phiếu. Hãy lên tiếng. Hãy đứng lên vì những người khác, nhất là những người yếu đuối và đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, cần biết rằng mỗi chúng ta chỉ có mặt tại đây là nhờ ai đó, ở một nơi nào đó, đã đứng lên vì chúng ta. Hãy sống tích cực trong xã hội để điều đó phản ánh những điều tốt đẹp, đúng đắn và tinh thần lạc quan mà tôi nhìn thấy ở những người dân Mỹ mỗi ngày.
Điều đó sẽ không dễ dàng. Thương hiệu dân chủ của chúng ta rất vững chắc. Tuy nhiên, tôi có thể hứa rằng một năm nữa, khi tôi không còn giữ chức tổng thống, tôi sẽ sát cánh với các bạn với tư cách một công dân Mỹ - một người được truyền cảm hứng từ những tiếng nói của sự bình đẳng, của tầm nhìn, của sự quả cảm, của khiếu hài hước và của lòng tốt, những điều đã giúp nước Mỹ tiến xa đến vậy. Những tiếng nói đã giúp chúng ta nhìn nhận bản thân, trước hết không phải người da đen hay da trắng, người châu Á hay Mỹ Latinh, người đồng tính hay dị tính, người nhập cư hay bản xứ, người ủng hộ đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, mà trước hết là những người Mỹ với tín điều chung. Những tiếng nói mà Martin Luther King tin rằng sẽ là tiếng nói cuối cùng, tiếng nói của chân lý, của tình yêu vô điều kiện.

Những tiếng nói đó đang ở ngoài kia. Chúng không nhận được nhiều sự chú ý, và chính những tiếng nói ấy cũng không cố gắng để được chú ý, mà chúng đang bận thực hiện công việc mà đất nước này cần. Tôi thấy những tiếng nói này ở tất cả những nơi tôi tới trên đất nước phi thường của chúng ta. Tôi thấy các bạn. Tôi biết các bạn ở đó. Các bạn chính là lý do tại sao tôi có được niềm tin mãnh liệt vào tương lai của chúng ta. Vì tôi thấy trách nhiệm công dân âm thầm nhưng kiên quyết của các bạn vào bất kỳ lúc nào. Tôi thấy được điều đó ở người công nhân làm thêm giờ bên dây chuyền lắp ráp để giúp công ty tiếp tục hoạt động và ở người chủ trả lương cao hơn cho người công nhân ấy để giữ anh lại làm việc.

Tôi thấy được điều đó ở cô bé Dreamer (trẻ em nhập cư trái phép vào Mỹ và theo học tại đây) thức khuya hoàn thiện đề tài khoa học của mình, và ở người giáo viên đến trường sớm chỉ để dạy Dreamer tận tình vì ông biết rằng một ngày nào đó cô bé ấy có thể tìm ra thuốc chữa bệnh.

Tôi thấy được điều đó ở một người Mỹ đã mãn hạn tù, và ước mơ làm lại cuộc đời, và ở người chủ doanh nghiệp trao cho anh ấy cơ hội thứ hai. Người biểu tình quyết tâm chứng minh tầm quan trọng của công lý, và anh cảnh sát tuần tra trẻ tuổi đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng, làm công việc dũng cảm và thầm lặng là đảm bảo an toàn cho chúng ta.

Tôi thấy được điều đó ở người lính sẵn sàng làm tất cả để cứu đồng đội, ở người y tá chăm sóc cho đến khi anh ấy có thể tham gia một cuộc chạy marathon và ở những người xếp hàng cổ vũ người lính ấy.

Tôi thấy được điều đó ở cậu bé có đủ dũng cảm công khai giới tính thật của mình, và ở người cha mà tình yêu ông dành cho con vượt lên tất cả những gì ông từng được dạy.

Tôi thấy được điều đó ở bà lão sẵn sàng xếp hàng thật lâu để có thể bỏ phiếu; ở người công dân mới đi bỏ phiếu lần đầu; ở những tình nguyện viên tại các địa điểm bầu cử, những người tin rằng mọi lá phiếu đều quan trọng, vì mỗi người trong số họ theo nhiều cách khác nhau biết rằng quyền bầu cử quý giá đó có giá trị như thế nào. Đó là nước Mỹ mà tôi biết. Đó là đất nước mà chúng ta yêu quí. Đôi mắt tinh tường. Trái tim hào hiệp. Sự lạc quan rằng chân lý và tình yêu vô điều kiện sẽ có tiếng nói cuối cùng. Đó là điều khiến tôi hy vọng về tương lai của chúng ta. Vì các bạn. Tôi tin tưởng vào các bạn. Đó là lý do vì sao tôi đứng đây, tự tin tuyên bố rằng nước Mỹ vẫn vững mạnh.

Xin cám ơn, cầu Chúa phù hộ cho quý vị, và cầu Chúa phù hộ cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ./.