vladimir-putin-illustration.jpg

CHARLIE ROSE (+): Tôi muốn được cảm ơn ông vì đã mời chúng tôi tới đây, đến nhà ông, vào một ngày thật tuyệt vời. Ở đây, người Nga thường gọi đó là “Mùa Hè rớt” (thời điểm chớm Thu). Chúng ta sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn, nó sẽ được phát sóng vào Chủ nhật, và ngày hôm sau ông sẽ có một bài phát biểu rất được mong đợi tại Liên Hợp Quốc. Trong vòng nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên ông phát biểu tại Liên hợp quốc. Ông sẽ nói gì tại Liên Hợp Quốc với nước Mỹ và toàn thế giới?

VLADIMIR PUTIN (-): Do cuộc phỏng vấn của chúng ta sẽ được phát sóng trước bài phát biểu của tôi, tôi có cảm tưởng rằng sẽ không hợp lý khi trình bày chi tiết tất cả những gì tôi chuẩn bị nói, nhưng về đại thể, tất nhiên tôi sẽ đề cập đến cả lịch sử của Liên Hợp Quốc. Ngay bây giờ tôi có thể nói rằng quyết định thành lập Liên Hợp Quốc được thông qua ngay tại đất nước chúng tôi, tại Liên Xô, tại Hội nghị Yalta. Liên Xô và nước Nga với tư cách là nhà nước kế tục Liên Xô, là một thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc và ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Dĩ nhiên, tôi sẽ phải nói về ngày hôm nay, về đời sống quốc tế ngày nay đang tiến triển như thế nào, về việc Liên Hợp Quốc sẽ vẫn là tổ chức quốc tế phổ quát duy nhất được thiết kế để duy trì hòa bình trên toàn thế giới. Và với ý nghĩa này, ngày nay Liên Hợp Quốc chưa có bất cứ sự thay thế nào. Nhưng rõ ràng rằng Liên Hợp Quốc cũng cần phải thích ứng với thế giới đang thay đổi, và tất cả chúng ta thường xuyên luôn thảo luận về vấn đề này: Liên Hợp Quốc cần phải thay đổi như thế nào và với tốc độ nào, những thành phần nào cần phải có sự thay đổi về chất. Đương nhiên, tôi đành phải nói, thậm chí những điều không cần thiết - sẽ phải sử dụng diễn đàn quốc tế này (Liên Hợp Quốc) để đưa ra tầm nhìn của Nga về quan hệ quốc tế hiện nay và tương lai của tổ chức này và cộng đồng thế giới.

+ Chúng tôi mong đợi ông sẽ nói về mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) và sự hiện diện của Nga ở Syria, chính sự hiện diện của Nga có liên quan đến điều này. Mục đích hiện diện của Nga ở Syria là gì và điều đó liên quan như thế nào đến cuộc chiến chống IS?

- Tôi nghĩ đơn giản là tôi không nghi ngờ rằng trên thực tế tất cả những người phát biểu tại diễn đàn Liên Hợp Quốc sẽ nói về sự cần thiết phải chống lại chủ nghĩa khủng bố, và tôi cũng không thể né tránh vấn đề này. Điều này là lẽ tất nhiên bởi vì đó là một mối đe dọa chung nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta, đó là thách thức đối với tất cả chúng ta. Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa đối với rất nhiều nước trên thế giới, rất nhiều người - hàng trăm nghìn, hàng triệu người trở thành nạn nhân từ những hành động tội ác của IS. Và một nhiệm vụ đặt ra cho tất cả chúng ta là thống nhất nỗ lực trong cuộc chiến chống lại mối tai họa chung này. Như ông đã nói, liên quan đến sự hiện diện của chúng tôi ở Syria, cho đến nay việc này được thể hiện dưới hình thức cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria, đào tạo nhân sự và hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria. Chúng tôi hành động dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc, có nghĩa là dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại, mà theo đó sự giúp đỡ dưới hình thức này hay hình thức khác trong đó có cả sự giúp đỡ về quân sự, có thể và phải chỉ được dành riêng cho những chính phủ hợp pháp của quốc gia này hay quốc gia khác, theo sự đồng ý hay theo yêu cầu của họ, hoặc theo quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong trường hợp này, chúng tôi nhận được yêu cầu từ Chính phủ Syria về việc hỗ trợ cho họ kỹ thuật quân sự, những gì chúng tôi đang làm đều nằm trong khuôn khổ những hợp đồng quốc tế hoàn toàn hợp pháp.

+ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ hoan nghênh sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Một số người cho rằng những chiếc máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không vác vai (MANPAD) đang được sử dụng để chống lại quân đội thông thường, chứ không phải các phần tử cực đoan?

- Ở Syria chỉ có duy nhất một quân đội chính thống. Đó là quân đội của Tổng thống Syria al-Assad. Và ông ấy đang phải đương đầu với lực lượng mà một số đối tác quốc tế của chúng tôi giải thích là phe đối lập. Trên thực tế, quân đội của al-Assad đang chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố. Ông biết rõ hơn tôi về các phiên điều trần vừa mới diễn ra tại Thượng viện Mỹ, nếu tôi không nhầm là nơi đại diện giới quân đội của Lầu Năm Góc, đã báo cáo với các thượng nghị sĩ về những gì nước Mỹ đã làm được là đào tạo một bộ phận chiến đấu trong các lực lượng đối lập. Mục đích ban đầu đặt ra là đào tạo từ 5.000 đến 6.000 chiến binh, và sau đó nâng lên 12.000 chiến binh. Kết quả là chỉ vỏn vẹn 60 người được đào tạo bài bản, trong khi đó chỉ có 4 hay 5 người thực sự được trang bị vũ khí, tất cả những người còn lại đều đào tẩu và mang theo vũ khí của Mỹ gia nhập IS. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, theo quan điểm ​​của tôi, việc hỗ trợ quân sự cho các tổ chức bất hợp pháp là không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện đại và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi chỉ ủng hộ các thực thể chính phủ hợp pháp.
Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị hợp tác ngay cả với các nước trong khu vực, chúng tôi đang nỗ lực thiết lập cơ cấu phối hợp nào đấy. Đích thân tôi đã thông báo điều này cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc vương Jordan, cũng như Quốc vương Saudi Arabia, chúng tôi cũng đã thông báo điều này với Mỹ, và ông Kerry, người mà ông vừa đề cập đến, đã có một cuộc trò chuyện chi tiết với Ngoại trưởng Sergei Lavrov của chúng tôi về vấn đề này, nhưng thật là tồi tệ ngay cả khi giới quân đội của chúng ta vẫn giữ liên lạc với nhau và thảo luận về vấn đề này. Chúng tôi sẽ vui mừng hoan nghênh nếu chúng ta tìm được cương lĩnh hành động chung để phối hợp hành động chống lại những kẻ khủng bố.

+ Ông sẵn sàng tham gia cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS và vì thế nước Nga đang có mặt tại Syria? Một số người cho rằng mục tiêu của ông một phần nhằm duy trì chính quyền của Tổng thống al-Assad, vì hiện tại ông ta đang đánh mất vị thế của mình và chiến tranh đang diễn ra không có lợi cho Chính phủ Syria và phải chăng việc duy trì ông al-Assad cầm quyền là mục tiêu của Nga khi hiện diện tại Syria?

- Đúng như vậy. Chúng tôi ủng hộ, như tôi đã nói hai lần trong cuộc phỏng vấn của chúng ta và có thể lặp lại lần thứ ba, chúng tôi ủng hộ chính quyền hợp pháp của Syria. Hơn nữa, tôi tin chắc rằng khi hành động theo một hướng khác, theo hướng phá hủy cấu trúc chính quyền hợp pháp, chúng ta có thể tạo ra tình huống mà hiện chúng ta đang được chứng kiến ở các nước khác trong khu vực hay ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn ở Libya, nơi mà tất cả các thể chế nhà nước đã hoàn toàn bị nghiền nát. Thật không may, chúng ta đang chứng kiến ​​một tình huống tương tự ở Iraq. Không có bất cứ giải pháp nào đối với vấn đề Syria, ngoài việc làm thế nào để củng cố các cấu trúc chính phủ hợp pháp hiện hành, hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng tất nhiên, đồng thời thúc giục họ tích cực đối thoại với bộ phận “lành mạnh” của phe đối lập và tiến hành cải cách chính trị.

+ Như ông đã biết, một số đối tác trong liên minh muốn al-Assad từ bỏ quyền lực và chỉ khi ông al-Assad ra đi họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chính phủ.

- Tôi muốn khuyên họ hay khuyến nghị chuyển sự mong muốn này cho người dân Syria, chứ không phải bản thân ông al-Assad. Chỉ có người dân Syria ở trong nước mới có quyền quyết định ai sẽ quản lý đất nước như thế nào và dựa trên những nguyên tắc nào. Chính những lời khuyên tương tự theo tôi hoàn toàn không phù hợp, tai hại và đi ngược lại luật pháp quốc tế.

+ Ông ủng hộ Bashar al-Assad. Thế ông có ủng hộ những gì ông ta đang làm ở Syria và những gì đang diễn ra với người Syria, với hàng triệu người tị nạn, với hàng trăm nghìn người đã bị thiệt mạng và nhiều người khác bị giới thân cận của ông ta giết hại?

- Thế ông đánh giá như thế nào, liệu có đúng hay không hành động của những người ủng hộ phe đối lập, chủ yếu là các tổ chức khủng bố với mục tiêu tối thượng lật đổ Assad mà không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với đất nước của mình khi mà các thể chế nhà nước ở nước này bị phá hủy hoàn toàn? Chúng ta đã trải qua điều này, tôi đã đề cập đến Libya. Nó mới xảy ra cách đây không lâu. Mỹ đã tích cực giúp hủy hoại các thể chế nhà nước này. Những người này tốt hay xấu là một vấn đề khác. Nhưng các thể chế nhà nước đã bị hủy hoại, ngay sau đó nước Mỹ bị hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng, trong đó có cả việc đại sứ Mỹ thiệt mạng. Ông có hiểu không? Điều gì dẫn đến tình trạng này? Đó là lý do tại sao chúng tôi giúp đỡ những cơ quan chính phủ hợp pháp, nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa - chúng tôi hy vọng rằng Syria sẽ tiến hành những cải cách chính trị cần thiết vì nhân dân Syria. Nhiều lần, với sự kiên trì, ông đang nói về việc quân đội Syria chiến đấu chống lại người dân của mình. Nhưng ông hãy nhìn xem ai kiểm soát 60% lãnh thổ Syria. Phe đối lập văn minh đang ở đâu? 60% lãnh thổ Syria được kiểm soát hoặc bởi IS, hoặc bởi Mặt trận al-Nusra hay các tổ chức khủng bố khác, những tổ chức đã được Mỹ, cũng như các nước khác và Liên hợp quốc công nhận là khủng bố. Chúng (những tổ chức khủng bố) chứ không phải ai khác kiểm soát khoảng 60% lãnh thổ Syria.

+ Có nghĩa là điều khiến ông lo lắng là những gì có thể xảy ra sau khi ông al-Assad ra đi. Ông đề cập về tình trạng vô chính phủ; ông nhìn thấy mối đe dọa từ IS. Ông suy nghĩ như thế nào, phải chăng đó là một tổ chức khủng bố đặc biệt hiếm có?

- Tổ chức khủng bố trở nên đặc biệt hiếm có bởi vì chúng là tổ chức quốc tế. Vì thế, chúng đang đặt ra mục tiêu đặc biệt, đó là thiết lập vương quốc Hồi giáo trên lãnh thổ trải dài từ Bồ Đào Nha đến Pakistan. Chúng đang có tham vọng đối với các thánh địa Hồi giáo như Mecca và Medina. Hành động và hoạt động của chúng trải dài đã vượt rất xa ra khỏi ranh giới các vùng lãnh thổ hiện đang do chúng kiểm soát. Liên quan đến người tị nạn, những nước xảy ra tình trạng người tị nạn thì Syria không phải là quốc gia duy nhất. Ai đang trốn chạy khỏi Libya? Ai đang trốn chạy khỏi các nước Trung Phi, nơi người Hồi giáo hiện đang nắm quyền? Ai đang trốn chạy khỏi Afghanistan và Iraq? Chẳng nhẽ những người tị nạn chỉ đến từ Syria? Vì sao ông lại quả quyết rằng những người tị nạn chạy trốn khỏi Syria là do những hành động được Tổng thống al-Assad tiến hành để bảo vệ chính phủ của mình? Vì sao ông lại không nghĩ rằng những người tị nạn chạy trốn là do sự tàn bạo của những kẻ khủng bố, trong đó có các thành viên IS, những kẻ chặt đầu người, thiêu sống họ, dìm chết họ và hủy hoại các di sản văn hóa thế giới? Người dân đang chạy trốn chúng, trước hết là chạy trốn chúng. Và, tất nhiên, chạy trốn các hành động quân sự là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nếu các nhóm khủng bố này không được cung cấp vũ khí và tiền bạc từ bên ngoài thì đã không có chiến tranh, không có các hành động quân sự này. Tôi có cảm tưởng rằng ai đó muốn lợi dụng, trong số đó có các đơn vị riêng lẻ hoặc IS nói chung, để lật đổ al-Assad và sau đó mới suy nghĩ làm thế nào để thoát khỏi được IS. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và tôi có cảm giác nhiệm vụ này trên thực tế là bất khả thi.

+ Ông sợ rằng bọn chúng (khủng bố) sẽ đến nước Nga? Liệu ông có lo sợ hay không nếu điều này không được ngăn chặn ngay từ bây giờ thì chúng có thể thâm nhập vào nước Nga thông qua châu Âu hay thậm chí chúng còn đến tận nước Mỹ và đó là lý do tại sao Nga phải can thiệp, bởi vì không còn ai khác áp dụng những biện pháp cần thiết để chống lại IS?

- Quả thực, rất ít quốc gia đang thực hiện những bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa này. Rất ít quốc gia đang áp dụng những bước đi nghiêm túc và hiệu quả. Chúng tôi đã được nghe nhiều về hiệu quả hành động của các đối tác Mỹ trong báo cáo của Lầu Năm Góc tại Thượng viện Mỹ. Cần phải nói thẳng là hiệu quả rất thấp. Ông biết đấy, ở đây tôi hoàn toàn không có ý định mỉa mai, xúc phạm hay chỉ giáo một ai đó. Chúng tôi đề nghị hợp tác, chúng tôi đề nghị thống nhất nỗ lực.
Còn việc chúng tôi sợ hay không sợ? Chúng tôi chẳng có gì phải sợ. Chúng tôi kiểm soát được tình hình trong nước. Nhưng chúng tôi đã trải qua chặng đường chống khủng bố, chủ nghĩa khủng bố quốc tế tại Bắc Caucasus, hết sức nặng nề. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ 2: Chúng tôi biết chính xác hiện các chiến binh ở Syria có số lượng ít nhất 2.000 tên và có thể còn có thêm hơn 2.000 chiến binh có nguồn gốc xuất xứ từ Nga hoặc các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô và tất nhiên, mối đe dọa từ việc những người này trở lại Nga là có thật. Và vì thế tốt nhất là giúp al-Assad kết liễu chúng còn hơn là đợi cho đến khi chúng quay trở lại đây.

+ Vâng, nhưng ông nói rằng Nga tham gia bởi vì ông cho rằng công việc này đang được thực hiện không tốt. Ông đã nghe thấy những gì đang diễn ra tại Thượng viện Mỹ, ông đã nghe được các kết quả và ông quyết định: nước Nga cần phải hành động?

- Chúng tôi đã và đang hành động theo hướng này. Chúng tôi đã hợp tác với nhiều nước và chúng tôi tiếp tục hợp tác, kể cả với Mỹ. Chúng tôi thường xuyên gửi thông tin cần thiết cho các đồng nghiệp của chúng tôi qua các kênh đối tác của những cơ quan tình báo, để góp phần mình vào việc đảm bảo an ninh cho cả các công dân Mỹ, cả ở nước Mỹ và bên ngoài biên giới nước Mỹ. Nhưng tôi cho rằng hiện mức độ phối hợp đang kém; chúng ta cần phải cộng tác chặt chẽ hơn nữa với nhau.

+ Chiến lược mà ông đề xuất là gì, ngoài việc đơn giản là hỗ trợ cho chế độ al-Assad?

- Tôi đã nói điều này rồi, chúng ta cần phải giúp quân đội của Tổng thống al-Assad. Trong khi, hiện ngoài quân đội của ông al-Assad đang chiến đấu chống lại IS, hoàn toàn không có ai khác chiến đấu với lực lượng này trên thực địa. Vì vậy, tôi muốn ông, khán giả, thính giả của ông cuối cùng nhận ra rằng không ai khác ngoại trừ quân đội của al-Assad đang chiến đấu chống lại IS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria, không một ai chiến đấu với chúng trên lãnh thổ Syria. Các cuộc không kích quy mô nhỏ, kể cả các cuộc không kích của máy bay Mỹ, không giải quyết được về bản chất vấn đề này. Sau các cuộc không kích, công việc tiếp theo là diễn ra trên bộ. Tất cả điều này cần phải được phối hợp hết sức chặt chẽ. Cần phải hiểu rằng cần những cuộc không kích nào, thực hiện ở đâu và ai sẽ thực hiện chiến dịch trên bộ. Ở Syria, không có bất cứ lực lượng nào khác ngoại trừ quân đội của al-Assad.

+ Liệu Nga có sẵn sàng gửi quân đến Syria hay không, nếu trong khuôn khổ cuộc chiến chống IS cần có sự hiện diện của quân đội Nga?

- Nga sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào trên lãnh thổ Syria hay ở các quốc gia khác, bất luận trong trường hợp nào, cho tới nay chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch cho vấn đề này. Nhưng chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để tăng cường công việc của chúng tôi với cả Tổng thống al-Assad lẫn với các đối tác của chúng tôi ở những nước khác.

+ Điều đó có nghĩa là gì?

- Điều đó có nghĩa rằng binh sĩ của chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia chiến sự và họ sẽ không tham gia chiến đấu. Chúng tôi sẽ hỗ trợ quân đội của al-Assad…

+ Ông ngụ ý nói tới các cuộc không kích?

- Tôi ngụ ý nói tới chiến tranh, các hoạt động chiến sự trên lãnh thổ, các đơn vị bộ binh được cơ giới hóa.

+ Nhiều người cho rằng những hành động của ông al-Assad đang làm lợi cho IS, rằng thái độ kinh tởm của al-Assad đối với người dân Syria và chế độ sử dụng bom thùng và một số hành động thù oán chống lại người dân, trong chừng mực nào đó là đang giúp đỡ IS. Vì thế, nếu ông Assad ra đi thì đất nước này sẽ bước vào thời kỳ quá độ, thời kỳ này sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống lại IS.

- Ông thể hiện bằng ngôn ngữ tình báo rất chuyên nghiệp, tôi có thể nói rằng đánh giá như vậy là hoạt động tích cực hiển nhiên của những kẻ thù của ông al-Assad. Đó là chiến dịch tuyên truyền chống Syria, không có bất cứ điểm chung nào giữa al-Assad và IS, họ chiến đấu chống lại nhau. Và tôi nhắc lại một lần nữa: Tổng thống al-Assad và quân đội của ông ấy là lực lượng duy nhất thực sự chiến đấu với IS.

+ Nhưng trước đây đã có tin nói rằng ông sẵn sàng, hay nói chính xác hơn là đã bắt đầu giảm mức độ ủng hộ chế độ Assad, và rốt cuộc, ông muốn có một cuộc chuyển giao chính trị được phối hợp chặt chẽ.

- Chúng tôi cho rằng các vấn đề mang bản chất chính trị ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Syria, trước hết cần phải để người dân nước đó tự quyết định. Nhưng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho cả Chính phủ Syria lẫn một bộ phận phe đối lập “lành mạnh” để họ tìm được một số điểm tiếp xúc nào đấy và nhất trí về tương lai chính trị của đất nước họ. Chính vì mục đích này mà chúng tôi đã tổ chức một loạt cuộc gặp giữa đại diện phe đối lập và Chính quyền al-Assad ở Moskva. Chúng tôi tham dự Hội nghị Geneva về vấn đề này. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hành động theo hướng này, hối thúc hai bên, cả giới cầm quyền lẫn phe đối lập để họ đạt được thỏa thuận với nhau, nhưng bằng các phương tiện hòa bình.

+ Đây là những gì được đăng tải ngày hôm nay trên tờ “Washington Post”: “Trong bối cảnh khoảng trống vai trò lãnh đạo của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi binh sỹ và trang thiết bị quân sự tới Syria với mong muốn “ép” thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng cách tạo ra một liên minh mới chống lại IS mà bao gồm cả Chính quyền Assad”. Thật thú vị, họ nói rằng dường như ông đang lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của nước Mỹ. Tờ Washington Post đã viết như vậy.

- Chúng tôi không lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của Mỹ, chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn việc tạo ra khoảng trống quyền lực ở Syria nói chung, bởi vì ngay khi các cơ cấu chính phủ, bị hủy hoại, thì lúc đó sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, và chính khoảng trống đó nhanh chóng bị những kẻ khủng bố lấp đầy. Điều này từng xảy ra ở Libya và Iraq cũng như tại một số quốc gia khác. Tình huống tương tự đang xảy ra ở Somalia và ở Afghanistan cũng vậy. Chúng tôi không đề cập đến bất cứ cuộc chiến nào về việc tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ.

+ Thế là, khoảng trống là một vấn đề. Dường như, có lúc trong ông xuất hiện sự lo ngại: Ông nói về một chính phủ mạnh và tập trung, khái niệm về một chính phủ như thế tồn tại trong nhận thức của người Nga, và ông sợ rằng không có một chính phủ mạnh ở Syria và thậm chí ở một số nước khác. Không có chính quyền mạnh là nỗi sợ hãi của cá nhân ông?

- Tôi không nói rằng ở Syria không có chính phủ mạnh. Tôi chỉ nói rằng nếu không có bất cứ chính phủ nào, thì sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ và xuất hiện khoảng trống, và khoảng trống và tình trạng vô chính phủ sẽ biến thể thành chủ nghĩa khủng bố.
Chẳng hạn ở Iraq, ở đó từng có một nhân vật nổi tiếng Saddam Hussein, ông là người tốt hay người xấu? Chính ở một giai đoạn nào đó (có lẽ ông đã quên, phải vậy không?) nhưng chính nước Mỹ đã tích cực hợp tác với Saddam khi ông ta chiến đấu với Iran: giúp đỡ ông ta vũ khí, ủng hộ về chính trị và ngoại giao, v.v… Sau đó, không hiểu vì sao Mỹ lại bất hòa với Saddam và quyết định tiêu diệt ông ta. Nhưng khi tiêu diệt Saddam Hussein, người ta tiêu diệt luôn cả chế độ nhà nước Iraq, và hàng nghìn người thuộc đảng Baath trước đây, hàng nghìn binh sĩ Iraq, những người đã gia nhập giới tinh hoa chính phủ dòng Sunni, bị ném ra ngoài đường phố. Không một ai mảy may suy nghĩ về họ, và giờ đây họ có mặt trong đội quân của IS. Đó là điều chúng tôi đang chống lại. Chúng tôi không chống lại một nước nào đó đang thực hiện vai trò lãnh đạo theo bất kỳ hình thức nào ở bất cứ nơi đâu, nhưng chúng tôi chống lại những hành động thiếu suy nghĩ dẫn tới các tình trạng tiêu cực khó có thể sửa chữa được.

+ Như ông đã biết, đại diện của Iraq, Tướng Soleimani, gần đây đã tới thăm Moskva. Ông này cũng như các lực lượng người Kurd sẽ đóng vai trò gì ở Syria? Và, về vấn đề này cần phải làm gì?

- Như tôi đã nói, tôi cho rằng tất cả các nước trong khu vực cần phải thống nhất nỗ lực trong cuộc chiến chống lại một mối đe dọa chung – chủ nghĩa khủng bố nói chung và IS nói riêng. Nó liên quan đến cả Iran, Saudi Arabia (bất chấp mối quan hệ giữa hai nước không phải ở giai đoạn tốt nhất, IS đe dọa cả hai nước). Nó liên quan đến cả Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ - bất chấp việc hiện vẫn tồn tại một số vấn đề nhất định về người Kurd, và theo quan điểm của tôi, các nước đều quan tâm tới việc giải quyết tình tình này. Nhiệm vụ của chúng ta là thống nhất những nỗ lực này để chiến đấu chống lại một kẻ thù chung.

+ Vấn đề này rất rộng, cùng với các vấn đề khác, nó có thể có nghĩa là những nỗ lực mới của Nga đảm nhận vai trò lãnh đạo ở Trung Đông và đó là chiến lược mới của ông. Quả thực đúng như vậy?

- Không, chúng ta đã đề cập đến điều gì khiến chúng tôi ngày càng ủng hộ chính phủ của al-Assad và suy nghĩ về những triển vọng tình hình trong khu vực. Tôi đã nói với ông rồi, chính ông hỏi về điều đó và tôi đã trả lời. Có hơn 2.000 chiến binh có nguồn gốc xuất thân từ các nước thuộc Liên Xô trước đây hiện đang ở Syria. Mối đe dọa thực sự khi chúng trở về quê hương. Như thế chờ đợi làm gì cho tới khi chúng quay trở về, tốt hơn là giúp Tổng thống al-Assad chiến đấu với chúng ở Syria. Đây là động cơ chính thôi thúc chúng tôi giúp đỡ Tổng thống al-Assad. Nói chung, tất nhiên là chúng tôi không muốn tình hình trong khu vực bị “Somalia hóa”, chúng tôi không muốn ở khu vực này xuất hiện toàn những người mới, bởi vì các quốc gia trong khu vực nằm cách không xa biên giới nước Nga, chúng tôi muốn phát triển các mối quan hệ bình thường với những nước này. Nhìn chung, chúng tôi với khu vực Trung Đông có mối quan hệ truyền thống, tôi muốn nhấn mạnh rằng truyền thống thì luôn luôn là quan hệ thân thiện. Chúng tôi hy vọng sự thân thiện sẽ tiếp tục phát huy trong tương lai.

+ Ông tự hào về nước Nga và điều đó có nghĩa rằng ông muốn nước Nga đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trên thế giới. Và đây là một trong những ví dụ như thế.

- Đó không phải là mục tiêu tự thân của chúng tôi. Tôi tự hào về nước Nga và tin tưởng rằng đại đa số người dân đất nước tôi đều có tình yêu và sự kính trọng đối với Tổ quốc mình. Chúng tôi có nhiều thứ khác để tự hào: văn hóa Nga và lịch sử nước Nga. Chúng tôi có mọi cơ sở để tin tưởng vào tương lai của đất nước mình. Nhưng chúng tôi không có sự tôn sùng quá đáng nào về tính chất siêu cường của Nga trên vũ đài quốc tế. Điều duy nhất chúng tôi làm là bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình.

+ Nhưng nước của ông là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới, bởi vì nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân. Nước Nga là lực lượng cần được tính đến.

- Tôi hy vọng chúng tôi sở hữu loại vũ khí này không vì lý do nào khác. Chúng tôi xuất phát từ chỗ: cả vũ khí hạt nhân lẫn các loại vũ khí khác là phương tiện để bảo vệ chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình, chứ không phải là phương tiện để tiến hành xâm lược hay để thực hiện những tham vọng đế quốc hư vô nào đó.

+ Khi ông đến New York, ông sẽ yêu cầu gặp gỡ với Tổng thống Obama?

- Các cuộc gặp đều được sắp xếp từ trước. Tôi biết rằng trong thời gian diễn ra những sự kiện như thế, một ngày của Tổng thống Obama được lên kế hoạch đúng từng giây, chứ không phải tính bằng phút, một số lượng lớn phái đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới.

+ Ông nghĩ rằng Tổng thống Obama sẽ không có chút thời gian rỗi dành cho Tổng thống Nga?

- Đó là sự lựa chọn của Tổng thống Obama. Chúng tôi luôn cởi mở với bất kỳ cuộc tiếp xúc nào: ở cấp cao nhất, cấp bộ, ngành, cấp các cơ quan tình báo, nếu cần thiết. Nhưng nếu Tổng thống Obama dành ra được vài phút, tất nhiên tôi rất vui mừng, tôi sẽ gặp ông ấy. Nếu vì lý do nào đó mà Tổng thống Obama không thể làm được thì cũng không có gì ghê gớm, chúng tôi sẽ có cơ hội nói chuyện với nhau tại G-20, hoặc ở những sự kiện khác.

+ Ông sẵn sàng gặp Tổng thống Obama, ông sẽ nói: “Tôi có một kế hoạch cho Syria, chúng ta hãy hợp tác với nhau, hãy xem chúng ta có thể làm gì. Hãy hợp tác về vấn đề Syria, hãy xem xem chúng ta có thể làm gì trong các lĩnh vực khác”.

- Nhưng ông phải biết rằng, vấn đề nằm ở đâu. Vấn đề là ở chỗ: những vấn đề quan trọng như thế (chẳng lẽ dấu chấm hết lại được đưa ra tại cuộc gặp cấp cao giữa hai tổng thống) phải được chuẩn bị trong suốt quá trình tham vấn giữa các ngoại trưởng, bộ quốc phòng và các cơ quan chuyên môn. Đây là công việc lớn, và nếu công việc này chuẩn bị kết thúc thì khi đó mới có lý do tiến hành cuộc gặp để đặt dấu chấm hết. Nếu các đồng nghiệp của chúng tôi chưa đến giai đoạn cuối, thì tôi có thể gặp Tổng thống Obama, bắt tay nhau và nói về những vấn đề hiện tại, về phía chúng tôi và cá nhân tôi, luôn sẵn sàng cho những tiếp xúc như vậy.

+ Nhưng chúng ta đang nói về sự lãnh đạo và nếu ông phát biểu ở Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ rằng ông muốn Tổng thống Mỹ chú ý lắng nghe bài phát biểu của ông. Tôi nghĩ rằng nếu ông gọi điện cho Tổng thống Obama… và ông đã làm như thế sau cuộc thảo luận của chúng ta về vấn đề này ở St. Petersburg, khi đó ông gọi cho Tổng thống và nói rằng: “Nào, nhất định chúng ta sẽ gặp gỡ và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, bởi vì chúng ta hai người sẽ làm điều gì đó tốt hơn từng người hành động riêng lẻ”.

- Đúng, tôi đã làm như vậy, tôi đã gọi cho Tổng thống Obama, và Tổng thống Obama cũng gọi cho tôi về những vấn đề khác nhau. Điều này trở nên bình thường trong thực tiễn phối hợp hành động giữa chúng tôi, ở đây không có điều gì đặc biệt hay bất thường. Để tôi nhắc lại một lần nữa: bất kỳ cuộc gặp gỡ cá nhân nào thông thường được các nhân viên của chúng tôi chuẩn bị. Tôi nói với ông lần thứ ba rằng chúng tôi sẵn sàng, nhưng điều đó không phụ thuộc vào chúng tôi. Nếu người Mỹ muốn có các cuộc gặp, chúng tôi sẽ gặp.

+ Nói chung, ông không cần phải chuẩn bị gì cả vì ông xử lý những vấn đề này hàng ngày. Ông không cần chuẩn bị gì cả khi gặp Tổng thống Obama, và ông Obama cũng vậy. Tôi nghĩ, ông sẽ nói rằng đó là sự lịch thiệp ngoại giao nào đấy.

- Ông làm nhà báo được bao nhiêu năm rồi?

+ Nói thật, số năm nhiều hơn tôi muốn nhớ.

- Thật khó để tôi đưa ra những lời khuyên cho ông, rằng ông nên sẵn sàng hoặc không sẵn sàng cho điều gì. Tại sao ông lại nghĩ rằng ông có thể khuyên tôi chuẩn bị điều gì và không chuẩn bị điều gì khi mà tôi làm Tổng thống không phải nhiệm kỳ đầu tiên? Nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là cả nước Nga – Tổng thống Nga, Chính phủ Nga và tất cả các đồng nghiệp của tôi – chúng tôi đã chuẩn bị cho những cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất, cấp chính phủ, bộ, ngành. Chúng tôi sẵn sàng tiến xa như các đối tác Mỹ của chúng tôi. Tiện thể nói thêm rằng diễn đàn Liên Hợp Quốc được tạo dựng để làm những công việc này, để tìm kiếm sự thỏa hiệp, để giao tiếp với nhau. Đương nhiên vì thế nếu chúng ta tận dụng tốt diễn đàn này, điều đó sẽ rất tốt.

+ Xin phép được hỏi, ông nghĩ gì về Tổng thống Obama? Ông đánh giá về ông ấy như thế nào?

- Tôi không cho rằng bản thân mình có quyền đánh giá Tổng thống Mỹ. Đó là vấn đề của người dân Mỹ. Tôi có mối quan hệ cá nhân tốt, cởi mở và thiết thực với Tổng thống Obama. Và điều này là khá đủ để chúng tôi thực hiện công việc của mình.

+ Ông nghĩ như thế nào, hoạt động của Tổng thống Obama trong các vấn đề quốc tế đang bộc lộ sự yếu kém?

- Tại sao? Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Ông hiểu vấn đề ở đâu. Ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, có lẽ ở Mỹ thậm chí còn thường xuyên hơn ở bất kỳ nước nào khác, các yếu tố chính trị bên ngoài được sử dụng để đấu đá chính trị trong nước. Chiến dịch tranh cử sắp bắt đầu ở Mỹ. Quân bài nước Nga hoặc bất kỳ quân bài nước nào đấy được tung ra, các đối thủ chính trị đưa ra bất cứ cáo buộc nào chống lại người đứng đầu chính phủ đương nhiệm, trong khi ở Mỹ có nhiều cách công kích, trong đó có những lời buộc tội rằng không có năng lực, sự yếu kém hoặc bất kỳ điều gì khác. Tôi không nghĩ vậy và tôi sẽ không có ý định can thiệp vào những cuộc tranh cãi chính trị trong nước của Mỹ.

+ Cho phép tôi được hỏi ông một câu như thế này: Ông nghĩ như thế nào? Tổng thống Obama sẽ chú ý lắng nghe bài phát biểu của ông?

- Tôi nghĩ rằng trong chừng mực nào đó tất cả chúng ta đang lắng nghe nhau, chính phần lắng nghe nhau không mâu thuẫn với ý kiến riêng của chúng ta về việc chúng ta phải làm và không nên làm điều gì. Nhưng, trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi luôn có kênh đối thoại, và chúng tôi lắng nghe nhau.

+ Các ông lắng nghe nhau. Ông nói rằng nước Nga không phải là một cường quốc. Thế ông nghĩ như thế nào, Tổng thống Mỹ coi Nga ngang hàng? Liệu Tổng thống Obama có coi ông ngang hàng? Và đó là những gì ông muốn, nước Nga phải được đối xử bình đẳng?

- Thế thì hãy hỏi Obama, đó là tổng thống của các bạn mà! Làm sao tôi biết được ông ấy nghĩ gì? Tôi nhắc lại rằng chúng tôi có mối quan hệ cá nhân, con người rất bình đẳng, trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng tôn trọng nhau, ngay cả các cuộc tiếp xúc công việc thuần túy cũng diễn ra ở mức độ công việc rất tốt. Thế làm sao tôi biết được Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc hay Chủ tịch Trung Quốc nghĩ gì? Chúng tôi đánh giá qua điều mà người ta đang làm, chứ không phải bằng những điều chúng tôi cảm thấy.

+ Tất nhiên rồi, tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Ông thích đại diện cho nước Nga, ông yêu thích công việc của mình, và như tôi được biết ông từng làm việc ở cơ quan tình báo, và như tôi hiểu công việc đó của ông là “đọc người”.

- Đó từng là công việc của tôi. Giờ đây tôi có một công việc khác và cũng khá lâu rồi.

+ Ai đó ở Nga nói với tôi rằng: “Không có cựu nhân viên KGB. Một khi là KGB, mãi mãi là KGB”.

- Ông biết rằng bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống của chúng ta diễn ra mà không để lại dấu ấn. Dù chúng ta nghiên cứu hay làm gì đi nữa thì toàn bộ kiến thức, kinh nghiệm đều đi cùng với chúng ta, chúng ta tiếp tục mang theo mình những kiến thức này, sử dụng chúng theo cách này hay cách khác. Với ý nghĩa này thì, đúng, ông có lý.

+ Có lần, một nhân viên CIA đã nói với tôi rằng ông có được những kỹ năng rất quan trọng, rằng ông có thể làm mọi người mê mẩn, và ông làm việc này rất tốt. Trong chừng mực nào đó ông đang quyến rũ mọi người?

- Nếu CIA bảo ông như vậy, thì điều đó ắt hẳn là đúng. Họ là những chuyên gia về lĩnh vực này.

+ Nhưng, ông biết điều này, tôi tin như vậy. Hãy nói rõ suy nghĩ của ông bởi vì điều này rất quan trọng. Làm thế nào Mỹ và Nga có thể hợp tác với nhau để thế giới trở nên tốt đẹp hơn? Ông hãy suy nghĩ về điều này.

- Chúng tôi luôn suy nghĩ về điều này. Một hướng phối hợp hành động của chúng tôi hiện nay là cực kỳ quan trọng đối với nhiều người, đối với hàng triệu người trên hành tinh – đó là thống nhất những nỗ lực chung và cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố và các thách thức tương tự khác như: chống buôn bán ma túy, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, duy trì tính đa dạng của thế giới, đấu tranh cho nỗ lực giúp thế giới dễ dự đoán hơn, ổn định hơn.

+ Ổn định ở đâu?

- Ở mọi nơi, ở mọi khu vực trên thế giới. Những gì ông nói, chính ông đã đề cập đến việc Nga và Mỹ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất, điều này đặt lên chúng tôi một trách nhiệm vô cùng đặc biệt. Tiện thể nói thêm, chúng tôi cùng với nước Mỹ đang thực hiện và hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực riêng rẽ, trong đó có chương trình hạt nhân của Iran. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau và nhìn chung đã đạt được các kết quả tích cực.

+ Sự hợp tác này đã diễn ra như thế nào? Tổng thống Obama nhiều lần cảm ơn ông vì sự hỗ trợ của ông trong việc đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ông và các nhà ngoại giao của ông đã làm gì? Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã làm gì để đạt được điều này?

- Vấn đề là ở chỗ, điều này có vẻ hơi kỳ lạ với một ai đó, nhưng dẫu sao đôi lúc lợi ích của Mỹ và Liên bang Nga trùng hợp. Và trong trường hợp này, khi tôi nói với ông rằng chúng tôi đang gánh vác trách nhiệm đặc biệt về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lợi ích của chúng tôi trong vấn đề này chắc chắn trùng khớp. Chính vì thế chúng tôi cùng với nước Mỹ làm việc kiên trì và ráo riết để giải quyết vấn đề này. Nga tuân theo không chỉ bởi những lý do này, mà còn bởi thực tế rằng Iran là láng giềng, đối tác truyền thống của chúng tôi và chúng tôi muốn tình hình xung quanh nước này được trở lại bình thường. Chúng tôi xuất phát từ chỗ: sau khi bình thường hóa và giải quyết được vấn đề này thì tình hình an ninh tại khu vực Trung Đông phải được củng cố. Và về khía cạnh này, những đánh giá của chúng tôi về những gì đã xảy ra xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, trên thực tế hoàn toàn trùng khớp với các đánh giá của các đồng nghiệp Mỹ.

+ Có lẽ, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ là người của đảng Cộng hòa. Như ông biết, tất cả các thành viên đảng Cộng hòa phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông sẽ nói gì với họ?

- Tôi vừa mới nói đấy thôi. Nếu ông cần tôi sẵn sàng nhắc lại thêm một lần nữa. Tôi cho rằng thỏa thuận đạt được đáp ứng các lợi ích an ninh quốc tế, củng cố tình hình trong khu vực, đặt ra những rào cản quan trọng nhất định trên con đường phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi vì tình hình đang nằm dưới sự kiểm soát đầy đủ và toàn diện của IAEA, cải thiện tình hình tại khu vực Trung Đông nói chung, vì điều này cho phép xây dựng mối quan hệ bình thường trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đối tác và chính trị với tất cả các quốc gia trong khu vực.

+ Tôi nghĩ rằng bất cứ chính trị gia nào trên thế giới đều ghen tỵ với uy tín cao của ông ở nước Nga. Điều gì giúp ông trở thành người được lòng dân như vậy?

- Có cái gì đó đang gắn kết tôi với các công dân Nga khác. Chúng tôi có cái gì đó chung, cái chung đó gắn kết chúng tôi lại với nhau, đó là tình yêu đối với Tổ quốc.

+ Trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mọi người tưởng nhớ những hy sinh mất mát mà nước Nga phải hứng chịu, cảnh tượng gây xúc động mạnh cho tất cả chúng tôi là: ông cầm theo bức ảnh cha mình và rơm rớm nước mắt.

- Vâng, gia đình và toàn thể họ hàng tôi đã phải chịu đựng những mất mát nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là sự thật. Gia đình cha tôi có 5 anh em và 4 người trong số họ đã chết. Bên phía gia đình mẹ tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nói chung, nước Nga đã hứng chịu tổn thất nặng nề. Tất nhiên, chúng tôi không thể quên điều này và chúng tôi không được phép quên điều này, không phải để cáo buộc ai mà để bất cứ điều gì tương tự không tái diễn trong tương lai. Chúng tôi phải tưởng nhớ điều này. Tiện thể tôi nói thêm, chúng ta đối xử với các cựu chiến binh với lòng kính trọng to lớn, trong đó có cả các cựu chiến binh người Mỹ. Họ đã có mặt trong Cuộc diễu binh chiến thắng của chúng tôi vào ngày 9/5 năm nay. Chúng tôi tưởng nhớ cả những sự hy sinh của các nước đồng minh khác như Anh, Trung Quốc. Chúng tôi tưởng nhớ điều này. Tôi cho rằng đây là ký ức chung tích cực của chúng ta. Cuộc chiến đấu chung của chúng ta chống lại chủ nghĩa phát xít vẫn sẽ là cương lĩnh tốt để vượt qua những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ngày hôm nay.

+ Đấy có phải là những gì ông muốn củng cố quan hệ đối tác với Mỹ nhằm chống lại các kẻ thù chung?

- Không phải chống lại các kẻ thù chung, mà vì lợi ích của mỗi bên.

+ Như ông đã rõ, mặc dù ông rất được lòng dân, nhưng nhiều người ở nước Nga vẫn đang chỉ trích ông. Như chúng tôi được biết, họ nói rằng Nga là một quốc gia chuyên quyền hơn là dân chủ. Các đối thủ chính trị và nhà báo bị giết hoặc ngồi tù tại Nga. Họ nói rằng quyền lực của ông là độc tôn, tuyệt đối, hơn nữa quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Ông có muốn nói gì với những người này, những người đang lo ngại không khí chính trị ở nước Nga?

- Không thể có dân chủ mà không tuân thủ pháp luật và tất mọi người phải tuân thủ pháp luật – đây là điều cơ bản và quan trọng nhất, tất cả chúng ta phải nhớ điều này, không ai được phép quên.

Liên quan đến các bi kịch như cái chết của một số người, trong đó có các nhà báo – thật đáng tiếc là điều này xảy ra tại mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu điều này xảy ra tại Nga, chúng tôi sẽ làm tất cả để tìm ra thủ phạm, vạch trần và trừng trị chúng. Chúng tôi sẽ hành động như thế trong mọi vấn đề. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị của chúng tôi để mọi người cảm nhận được và mỗi người dân bình thường cảm thấy được rằng việc hoàn thiện này tác động đến đời sống của chính phủ và xã hội, tác động tới chính quyền, để chính quyền cảm nhận được trách nhiệm đối với những người tin tưởng đại diện chính quyền trong các cuộc bầu cử.

+ Nếu ông với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước, cứ khăng khăng phải duy trì tính tối thượng của pháp luật và sự công bằng, nếu do quyền lực của mình mà ông làm điều đó thì có thể phải đi một quãng đường dài để loại bỏ nhận thức đó.

- Nhiều điều có thể, nhưng không phải tất cả mọi người, tất cả mọi thứ đều ngay lập tức có được kết quả. Đấy, tại nước Mỹ, quá trình dân chủ phát triển mất bao lâu rồi? Kể từ những ngày đầu tiên khi nước Mỹ được thành lập. Vậy, hiện thế nào rồi? Ông cho rằng tất cả mọi thứ đều đã được giải quyết theo quan điểm dân chủ? Nếu như mọi thứ đều đã được giải quyết thì đã không xảy ra vấn đề Ferguson, đúng không? Không xảy các vấn đề khác tương tự, không có tình trạng lộng hành của cảnh sát. Nhiệm vụ của chúng tôi là ở chỗ cần phải nhìn thấy tất cả những vấn đề này để phản ứng kịp thời và hợp lý. Chính điều này cũng liên quan đến nước Nga. Chúng tôi cũng có rất nhiều vấn đề.

+ Như vậy, những kẻ đã giết cựu Phó thủ tướng Nemtsov sẽ bị truy nã đến cùng theo luật pháp?

- Tôi từng nói rằng đây là một chương đáng hổ thẹn trong lịch sử đương đại của chúng tôi và các thủ phạm phải được tìm ra, vạch trần và trừng trị. Có lẽ, điều này chưa có kết quả ngay lập tức, nhưng chúng tôi có cả những ví dụ khác về tội phạm tương tự. Và, rốt cuộc bất chấp việc điều tra kéo khá lâu, nhưng vụ án đang sắp sửa kết thúc theo logic riêng của nó.

+ Ông biết rằng tôi rất ngưỡng mộ nước Nga và nền văn hóa, văn học và âm nhạc Nga. Đây là một đất nước rộng lớn, một nước lớn. Nhiều người, trong đó có Stalin, đã nói rằng Nga cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, chuyên quyền. Stalin nói nước Nga cần một nhân vật như thế. Liệu Stalin có đúng hay không?

- Không. Tôi không nhớ Stalin nói điều này, vì vậy tôi không thể xác nhận những trích dẫn này. Nước Nga cũng như bất cứ quốc gia nào khác, không cần các nhà độc tài, trái lại cần những nguyên tắc công bằng trong việc tổ chức nhà nước và xã hội, những nguyên tắc công bằng, hiệu quả, phản ứng linh hoạt trước các thay đổi của thế giới bên trong và bên ngoài đất nước – đây là điều nước Nga cần.

+ Nhưng ở nước Nga có một truyền thống tồn tại sự lãnh đạo mạnh.

- Ông hãy xem đi, tại đa số các nước châu Âu có nền dân chủ nghị viện, tại Nhật Bản có nền dân chủ nghị viện và nhiều nước khác cũng có nền dân chủ nghị viện, nhưng ở Mỹ, không hiểu vì lý do gì chính phủ được tổ chức theo kiểu khác - tại đấy là nền cộng hòa tổng thống khá nghiêm ngặt. Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng, những truyền thống riêng của mình, và ngày hôm nay chúng được thể hiện. Nước Nga cũng có những truyền thống như vậy, nhưng không phải nói về một con người hùng mạnh, cho dù rất cần một con người mạnh mẽ nắm quyền, vấn đề chỉ được hiểu với khái niệm con người khỏe mạnh. Nếu người đó có tố chất độc tài thì đó là một chuyện. Nhưng nếu đơn giản đó là một nhà lãnh đạo công bằng, người luôn hành động trong khuôn khổ quyền hạn của mình, khuôn khổ luật pháp và vì lợi ích của tuyệt đại đa số trong xã hội, người hành động một cách triệt để và có nguyên tắc, đấy là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi cho rằng tất nhiên nước Nga rất cần những người như thế, kiểu người thứ 2, cần hơn nhiều so với những người đơn giản chỉ có cung cách độc tài.

+ Như ông biết, một số người gọi ông là Sa Hoàng.

- Như vậy thì sao? Ông biết là họ gọi tôi bằng nhiều tên gọi khác nhau.

+ Danh hiệu này có phù hợp với ông?

- Không phù hợp với tôi. Ông biết ở Nga có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Điều quan trọng không phải từ phía những người thiện chí, bạn bè anh hay đối thủ chính trị của anh gọi anh là gì. Điều quan trọng là chính anh nghĩ rằng bản thân có nghĩa vụ làm gì vì lợi ích của đất nước, đất nước đã đặt niềm tin vào anh đặt anh vào vị trí như vậy, một vị trí như người đứng đầu nhà nước Nga.

+ Ở Nga có nhiều người sợ ông không?

- Tôi nghĩ không có. Tôi xuất phát từ chỗ: phần lớn mọi người đều tin tưởng tôi, nếu họ bỏ phiếu cho tôi trong các cuộc bầu cử. Và đây là điều quan trọng nhất. Điều này đặt lên tôi một trách nhiệm lớn, khổng lồ. Tôi biết ơn mọi người vì lòng tin này, nhưng tất nhiên tôi cảm nhận được trọng trách to lớn về những gì tôi đang làm và về kết quả công việc của mình.

+ Ở Mỹ người ta thường hay nói về ông.

- Họ không có việc gì khác để làm ư?

+ Có lẽ, đơn giản họ là những người tò mò? Có lẽ, ông là người thú vị, và có thể cả hai đều đúng? Nhưng trước hết, họ nhìn thấy ở ông như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Họ biết ông từng làm việc tại KGB, sau đó xây dựng sự nghiệp chính trị tại thành phố St. Petersburg, trở thành Phó Thị trưởng tại thành phố St. Petersburg, rồi tiếp tục chuyển lên Moskva. Thật tuyệt vời họ thấy ông qua những hình ảnh, một người đàn ông để ngực trần cưỡi ngựa, và họ nói rằng chính người này đang tạo dựng hình ảnh của mình là người đàn ông mạnh mẽ.

- Tôi tin rằng người nào ở vào vị trí của tôi dẫu sao cũng cần phải nêu một tấm gương tích cực cho mọi người. Trong chính những lĩnh vực nơi người đó có thể nêu gương, thì người đó có nghĩa vụ phải làm việc này. Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, tình hình trong lĩnh vực xã hội tại Nga rất nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ xã hội bị phá hủy, rất nhiều vấn đề nổi lên mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thể sửa chữa một cách hiệu quả tới cùng như trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe và phát triển thể thao. Tôi cho rằng một lối sống lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng, nó đặt nền tảng giải quyết rất nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề sức khỏe của quốc gia. Không thể giải quyết các vấn đề sức khỏe của hàng triệu người với sự giúp đỡ của thuốc men. Cần phải để mọi người có thói quen, niềm đam mê, trở nên thời thượng với lối sống lành mạnh, những giờ tập thể thao. Vì vậy, tôi cho rằng thật đúng đắn, không chỉ riêng tôi, mà cả các đồng nghiệp của tôi, cả thủ tướng, các bộ trưởng, các nghị sĩ Duma – tham gia hai cuộc chạy marathon ở 2 cự ly, khi họ tới xem các trận bóng đá, khi chính bản thân họ tham gia các cuộc thi đấu thể thao. Thế là từ đấy, trong số đó – không chỉ trong số đó - nảy sinh sự quan tâm và tình yêu thích của hàng triệu người đối với các giờ học thể dục và thể thao. Tôi cho rằng điều đó cực kỳ quan trọng.

+ Liệu tôi có thể phỏng đoán rằng ông thích hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ cởi trần cưỡi ngựa? Ông muốn mọi người ở nước Nga và trên toàn thế giới nhìn thấy chính ông bằng hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như thế?

- Tôi muốn để tất cả mọi người biết rằng nước Nga nói chung và ban lãnh đạo Nga là một cái gì đấy hiệu quả và hoạt động đúng đắn. Rằng mọi thứ đều gắn kết với nhau: cả đất nước, các thể chế của đất nước và các nhà lãnh đạo của đất nước là những con người khỏe mạnh, có năng lực hoạt động, sẵn sàng hợp tác với các đối tác của chúng tôi ở bất cứ nơi đâu, cả trong những lĩnh vực như thể thao, chính trị, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa hiện đại. Tôi nghĩ rằng ngoài ý nghĩa tích cực thì không còn gì khác nữa.

+ Tôi phỏng đoán rất đúng lúc rằng ông tin vào tư tưởng của nhà lãnh đạo mạnh, bởi vì ông tin vào tư tưởng của một chính phủ trung ương mạnh, và ông đã nói điều gì xảy ra mà không có lãnh đạo mạnh. Liệu ông có quan tâm nước Mỹ với mức độ nhiều hơn so với bất cứ quốc gia nào mà ông đang phối hợp hành động? Tôi đặt ra câu hỏi này bởi vì như tôi đã nói ông rất được quan tâm ở nước Mỹ. Thế còn ông có quan tâm đến nước Mỹ hay không? Ông có theo dõi các cuộc tranh luận chính trị của Đảng Cộng hòa hay không?

- Theo dõi các tranh luận này hàng ngày thì không. Nhưng chúng tôi cảm thấy thú vị với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Mỹ là một cường quốc chủ yếu, và hiện nay là nhà lãnh đạo kinh tế và quân sự – đây là điều rõ ràng. Vì vậy, Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tình hình thế giới nói chung. Đương nhiên, chúng tôi cảm thấy rất thú vị với những gì đang diễn ra ở đó. Chúng tôi theo dõi chặt chẽ những tiến triển tại Mỹ, nhưng theo dõi diễn biến đời sống chính trị của nước Mỹ – tôi sẽ nói là không hơn là có.

+ Giá như ông xem những cuộc tranh luận này thì ông đã biết được Donald Trump nói gì. Con người nổi tiếng này bày tỏ mong muốn gặp ông vì ông ấy cho rằng hai người sẽ hòa hợp với nhau.

- Vâng, tôi đã nghe điều này. Chúng tôi rất vui mừng với bất cứ cuộc tiếp xúc nào với tổng thống Mỹ tương lai, cho dù người đó là ai. Bất cứ ai giành được sự tín nhiệm của người dân Mỹ thì có thể kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ hợp tác được với người đó.

+ Marco Rubio – một trong những ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chạy đua giành chiếc ghế tổng thống - nói về ông toàn những điều nghe không êm tai chút nào. Ví dụ, Marco Rubio trong thời gian diễn ra tranh luận chính trị gọi ông là một tên găngxtơ , điều này có vẻ như những cuộc tấn công nước Nga nói chung.

- Sao tôi có thể trở thành tên găngxtơ khi tôi từng làm việc trong KGB? Điều này hoàn toàn không ăn nhập gì với thực tế.

+ Ông thích điều gì nhất về nước Mỹ?

- Cách tiếp cận sáng tạo giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với nước Mỹ, tính cởi mở và sự giải phóng, điều này tạo ra khả năng giải phóng tiềm năng bên trong của con người. Tôi nghĩ rằng phần lớn nhờ có điều này mà Mỹ đạt được thành công vang dội trong sự nghiệp phát triển của mình.

+ Nga là nước đầu tiên phóng vệ tinh, trước cả nước Mỹ. Nga có những nhà thiên văn vật lý phi thường. Nga có những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như y học, khoa học và vật lý. Ông có hy vọng rằng nhờ có ông, nước Nga sẽ khôi phục được vị trí dẫn đầu của mình trên thế giới, hào hứng với công nghệ mới, mà ông đã nói điều này khi đề cập đến nước Mỹ? Và, ông có thể làm điều đó như thế nào?

- Chúng tôi không nên tiêu tốn cho những thứ đã được tạo ra từ hàng thập kỷ trước, và tạo ra đúng những điều kiện mà tôi đã đề cập để giải phóng, giải phóng hoàn toàn tiềm năng của công dân chúng tôi. Chúng tôi là một dân tộc rất tài năng, chúng tôi có một nền tảng rất tốt, như ông đã nói. Ông nói ông yêu văn hóa Nga, đó cũng chính là một nền tảng lớn cho sự phát triển bên trong. Ông mới chỉ đề cập đến các thành tựu của nền khoa học Nga trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta cần phải hỗ trợ và tạo cơ hội để người dân tự do phát triển và cảm thấy bản thân đủ khả năng phát huy tiềm năng của mình. Tôi tin rằng, tin tưởng tuyệt đối rằng điều đó sẽ tác động mạnh đến sự phát triển tiến lên của khoa học và công nghệ cao, cũng như toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
+ Như ông đã biết, cách đây không lâu Tòa án Tối cao của Mỹ đã thảo luận về quyền của những người đồng giới, trong đó có quyền Hiến pháp đối với hôn nhân đồng giới. Ông nghĩ như thế nào, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới được ghi vào Hiến pháp là ý tưởng tốt?

- Ông biết đó chính là một nhóm người không đồng nhất. Chẳng hạn, một số đại diện cho những người có khuynh hướng giới tính bất thường, phản đối việc nhận trẻ em làm con nuôi của những cặp đôi đồng giới khác, và như thế là phản đối chính bản thân họ. Họ có kém dân chủ hơn so với những đại diện khác của cộng đồng này, cộng đồng những người đồng giới hay không? Có lẽ không. Đơn giản là mọi người có quan điểm như thế về mọi vấn đề. Vấn đề giới tính của các nhóm người thiểu số ở Nga, quốc gia bị bên ngoài cố ý thổi bùng lên vì lý do chính trị. Ở Nga không có bất cứ vấn đề gì hết.

+ Ông giải thích điều này như thế nào?

- Bây giờ tôi sẽ giải thích. Nhiều người biết rằng ở Mỹ, tại 4 bang của Mỹ, tình dục đồng giới bị coi là tội phạm hình sự.
Liệu điều đó là tốt hay xấu, chúng ta biết quyết định của Tòa án Hiến pháp, nhưng vấn đề này đã hoàn toàn lỗi thời, cuối cùng nó sẽ không bị xóa khỏi luật pháp của Mỹ. Nước Nga không có vấn đề này.

+ Ông lên án điều này?

- Vâng tôi lên án điều này. Tôi cho rằng không có bất cứ vụ án hình sự nào và không có bất cứ sự truy tố nào khác, việc chèn ép quyền con người dựa trên cơ sở quốc gia, dân tộc, khuynh hướng giới tính không thể có trong thế giới hiện đại. Điều này cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Vấn đề này hoàn toàn không tồn tại ở nước Nga. Chúng tôi từng tồn tại vấn đề này, nếu tôi nhớ không nhầm thì có Điều 120 trong Bộ luật Hình sự thời Liên Xô, truy tố quan hệ tình dục đồng giới. Chúng tôi đã bãi bỏ điều khoản này, con người không thể bị truy tố vì điều đó nữa. Những người đồng tính ở Nga bình tĩnh sống, làm việc, được thăng tiến trong sự nghiệp, nhận các giải thưởng quốc gia vì những thành tựu của họ trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, huân chương được tặng thưởng cho họ, tôi đã đích thân trao cho họ. Chúng ta đang bàn vấn đề gì nhỉ? Bàn về việc cấm tuyên truyền tình dục đồng giới trong trẻ vị thành niên. Tôi không nhìn thấy bất cứ điều gì thiếu dân chủ trong vấn đề này trên phương diện pháp lý. Cá nhân tôi xuất phát từ chỗ cần phải để cho trẻ em được yên, cần phải cho chúng cơ hội phát triển, nhận thức được bản thân và tự quyết định chúng sẽ trở thành người như thế nào: đàn ông hay phụ nữ, liệu chúng muốn có một cuộc hôn nhân tự nhiên hay hôn nhân phi truyền thống, vấn đề chỉ có thế. Đơn giản, ở đây tôi không thấy bất cứ sự chèn ép nào đối với những người có khuynh hướng tình dục phi truyền thống. Tôi cho rằng một số người cố tình thổi phồng vấn đề này, làm cho nước Nga trở thành kẻ thù. Đó là một trong những công cụ chính trị tấn công nước Nga.

+ Những cuộc tấn công này đến từ đâu?

- Chính từ phía những người đang làm điều này. Ông hãy xem, ai đang làm điều này.

+ Có nghĩa là theo quan điểm của ông, ở nước Nga quyền của tình dục đồng giới và hôn nhân đồng giới được công nhận ở mức độ như Mỹ? Quan điểm của ông là như vậy?

- Chúng tôi không chỉ công nhận, mà còn đảm bảo quyền lợi của họ. Tại Nga, tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng, bao gồm cả những người có khuynh hướng giới tính phi truyền thống.

+ Câu hỏi tiếp theo về tình hình ở Ukraine, chúng ta đã thảo luận đề tài này trước đó. Nhiều người cho rằng do những sự kiện xảy ra ở Ukraine và Crimea, Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho nước Nga. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng mong muốn của Moskva là trở thành “lực lượng thiện chí” ở Syria và trên thế giới một phần nào đấy có thể làm xao nhãng vấn đề cuộc khủng hoảng Ukraine.

- Để làm xao nhãng vấn đề Ukraine, ông ngụ ý điều gì? Những hành động của chúng tôi tại Syria nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine? Không, tất nhiên không phải như vậy. Vấn đề Ukraine là một vấn đề lớn riêng biệt, đối với chúng tôi, giờ tôi sẽ nói cho ông biết lý do tại sao. Syria là một vấn đề khác, tôi đã nói với ông, chúng tôi không muốn tan rã, không muốn bọn khủng bố thế chỗ, chúng tôi không muốn những kẻ đang chiến đấu trong hàng ngũ khủng bố trở về nước Nga. Ở đó có một loạt vấn đề. Về phần Ukraine, đó là tình hình đặc biệt. Ukraine là đất nước gần gũi nhất với chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn nói rằng Ukraine là đất nước anh em và đó là sự thật. Điều này không đơn thuần là dân tộc Slave, đó là dân tộc gần gũi nhất với người Nga: chúng tôi có điểm tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử chung, tôn giáo… Điều gì mà tôi cho rằng hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng tôi? Việc giải quyết vấn đề, trong đó có những vấn đề gây tranh cãi, những vấn đề chính trị nội bộ ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây với sự giúp sức thông qua cái gọi là các cuộc “cách mạng sắc màu”, thông qua đảo chính và bằng các biện pháp vi hiến để lật đổ chính quyền đương nhiệm. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Các đối tác của chúng tôi ở Mỹ không hề giấu giếm việc họ ủng hộ những người chống lại Tổng thống Yanukovych. Một số người đã nói thẳng rằng họ đã chi hàng tỷ USD để làm việc này.

+ Ông có tin rằng Mỹ có liên quan đến việc lật đổ ông Viktor Yanukovych, khi đó ông ta buộc phải chạy trốn sang Nga không?

- Tôi biết chính xác điều này.

+ Làm sao mà ông biết được điều đó?

- Rất đơn giản. Chúng tôi có hàng nghìn đầu mối liên lạc và hàng nghìn cuộc tiếp xúc chung đủ loại với những người sống ở Ukraine. Và chúng tôi biết được rằng ai, ở đâu, khi nào gặp gỡ, làm việc với những người đã lật đổ Viktor Yanukovych, cũng như ủng hộ họ, trả bao nhiêu tiền, chuẩn bị ra làm sao, tại những khu vực nào, ở những nước nào, ai là người hướng dẫn. Chúng tôi biết tất cả mọi thứ. Vâng, nói đúng ra, các đối tác Mỹ của chúng tôi không hề che giấu điều đó. Họ nói thẳng rằng vâng, chúng tôi ủng hộ, huấn luyện và chi bao nhiều tiền. Họ chỉ rõ con số rất lớn: lên tới 5 tỷ USD, chúng ta đang nói về hàng tỷ USD ở đây. Đó là lý do tại sao nó không còn là một bí mật; không ai tranh cãi về điều này.

+ Ông có tôn trọng chủ quyền của Ukraine?

- Tất nhiên. Nhưng chúng tôi mong muốn một số nước cũng phải tôn trọng chủ quyền của nước khác, trong đó có Ukraine. Tôn trọng chủ quyền nghĩa là không để xảy ra các vụ đảo chính, ngăn chặn các hành động vi hiến và lật đổ bất hợp pháp chính quyền hợp pháp. Như vậy, hoàn toàn không được phép để điều này xảy ra ở bất cứ nơi đâu.

+ Việc bãi miễn chính quyền hợp pháp diễn ra bằng cách nào? Nga đóng vai trò như thế nào trong việc đổi mới chính quyền ở Ukraine?

- Nước Nga đã, đang và sẽ không tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp. Giờ tôi nói về vấn đề khác, về việc nếu ai đó làm điều này thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Tại Libya, chính phủ bị tan rã hoàn toàn, tại Iraq bọn khủng bố tràn ngập, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Syria, và ông biết tình hình tại Afghanistan như thế nào rồi đấy. Điều gì đã xảy ra tại Ukraine? Cuộc đảo chính ở Ukraine đã dẫn đến nội chiến, bởi vì, đúng vậy, nhiều người dân Ukraine không còn tin tưởng Tổng thống Yanukovych nữa. Nhưng cần phải tổ chức bầu cử một cách hợp pháp và bầu chọn ra một người khác đứng đầu nhà nước, chứ không phải tiến hành đảo chính. Và sau khi cuộc đảo chính diễn ra, có người ủng hộ, có người thích thú, có người lại không. Và những người không thích cuộc đảo chính bắt đầu nói chuyện với lập trường sức mạnh. Hậu quả là xảy ra nội chiến.

+ Ông đã chuẩn bị làm gì đối với Ukraine?

- Giờ tôi sẽ nói. Nếu đó là câu hỏi của ông, khi đó tôi cho rằng cả Nga và các bên tham gia khác của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những người đang tích cực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, tôi ngụ ý muốn nói đến Cộng hòa Liên bang Đức và Pháp, cái gọi là Bộ tứ Normandy, đương nhiên với sự tham gia tích cực của Mỹ, hiện chúng tôi đang tăng cường đối thoại theo hướng này, tất cả chúng ta phải hướng đến việc thực hiện đầy đủ và vô điều kiện các thỏa thuận đã đạt được ở Minsk. Các hiệp định Minsk phải được thực hiện.

+ Hôm qua John Kerry đã nói về điều này sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh. Sau Syria ông ấy đã đề cập đến Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk. Điều này có nghĩa là ông và John Kerry nhất trí rằng cần phải thực hiện các hiệp định Minsk?

- Hoàn toàn nhất trí. Giờ ông hãy chịu khó kiên nhẫn và lắng nghe tôi trong 2 phút mà không cắt ngang được không. Nhưng tôi đề nghị ông phát những gì tôi nói mà không lược bỏ đoạn nào. Ông có thể làm được như vậy không? Ông có đủ quyền để phát mà không bị lược bỏ không?

+ Có.

- Việc thực hiện các hiệp định Minsk có nghĩa là gì? Trong đó có một số điểm cốt yếu, tôi sẽ nói những điểm chính. Điều quan trọng cần phải làm để cho tình hình ở Ukraine thay đổi một cách triệt để - đó là tiến hành cải cách chính trị, hơn là những chuyển biến về chính trị. Thứ nhất, cần phải thay đổi Hiến pháp đúng theo quy định trong các hiệp định Minsk. Và đây là điều quan trọng nhất: Các hiệp định Minsk ghi rõ rằng việc sửa đổi Hiến pháp được tiến hành phải có phối hợp với Donetsk và Lugansk. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Ngay lúc này tại Ukraine đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp, phiên thảo luận đầu tiên đã kết thúc, tuy nhiên chưa có bất cứ sự thảo luận nào với Donetsk và Lugansk, thậm chí cũng không ai có ý định làm điều đó. Đây là điểm đầu tiên. Thứ hai, cần phải ghi rõ trong các hiệp định Minsk, phải thực thi luật pháp, đã được thông qua tại Ukraine, về trật tự đặc biệt của chế độ tự trị địa phương tại các khu vực này. Luật đã được thông qua nhưng việc thực lại bị trì hoãn. Các hiệp định Minsk vẫn chưa được thực hiện. Thứ ba, cần phải thông qua luật ân xá. Làm sao có thể tiến hành đối thoại với đại diện của Lugansk và Donetsk nếu tất cả những người này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án hình sự chống lại họ? Vì thế trong các hiệp định Minsk ghi rõ: thông qua một luật ân xá. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được thông qua. Còn có một loạt các điểm khác. Ví dụ như việc tiến hành các cuộc bầu cử địa phương, ghi rõ: thông qua luật bầu cử địa phương phối hợp với Donetsk và Lugansk. Luật bầu cử địa phương đã được thông qua ở Ukraine, các đại diện của Donetsk và Lugansk đã 3 lần gửi các đề xuất của họ về luật này, nhưng không ai phản hồi, mặc dù các thỏa thuận Minsk đã nói rõ: theo thỏa thuận với Donetsk và Lugansk.
Vì vậy, tôi rất tôn trọng và thậm chí còn yêu quý John Kerry, ông ấy là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, ông ấy từng nói với tôi rằng ông ấy luôn luôn phản đối “Cuộc chiến giữa các vì sao”, và ông ấy đã đúng. Nếu như ông ấy là người quyết định ABM, có lẽ giờ đây chúng ta đã không có xung đột về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhưng trong vấn đề Ukraine ông ta lại nhún nhường ra mặt. Một mặt, Chính quyền Kiev nói rằng họ đã làm việc này, việc kia, chúng tôi đã thực hiện các hiệp định Minsk – điều này hoàn toàn không phù hợp với thực tế, bởi vì tất cả điều này phải thảo luận với Donetsk và Lugansk. Nhưng không có bất cứ sự thảo luận nào. Về việc thực thi luật đã được thông qua về trật tự đặc biệt đối với các chế độ tự trị địa phương tại các khu vực này, trong các hiệp định Minsk ghi chung chung: “trong vòng 30 ngày”. Không có hành động gì thì việc thực hiện lại một lần nữa bị trì hoãn. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc hai bên thực hiện đầy đủ và vô điều kiện các hiệp định Minsk, nhưng không phải theo cách diễn đạt của mỗi bên, mà như đã ghi trong các hiệp định.

+Tôi đã cho ông 4 phút mà không cắt ngang phải không?

- Tôi thấy ông chịu đựng hết sức mình. Tôi rất biết ơn ông về điều đó.

+ Vâng, tôi rất thích những phát biểu của ông.

- Trên thực tế những gì tôi nói là sự thật.

+ Người Mỹ sẽ nhìn ông theo cách họ chưa từng. Hôm nay, ông nói rất nhiều với chúng tôi, hãy giao tiếp. Thực tế, điều này rất tốt.

- Xin cảm ơn. Trên thực tế, những gì tôi vừa nói hoàn toàn là sự thật. Ông hiểu không? Sẽ không thể giải quyết được các vấn đề theo hiệp định này nếu Chính quyền Kiev hành động đơn phương, mặc dù trong các hiệp định Minsk ghi rõ: “Theo thỏa thuận với Donbass”. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc.

+ Ông có thực sự nghĩ vậy không?

- Không có gì nhiều để suy nghĩ, mọi thứ đã được viết ra trên giấy, điều duy nhất cần làm là đọc nó. Viết rõ: “Theo thỏa thuận với Donetsk và Lugansk”, ông hãy đọc tài liệu đi. Tôi nói cho ông biết, không có sự phối hợp, vậy thôi. Hiệp định ghi rõ: “Áp dụng luật về quy chế đặc biệt trong vòng 30 ngày”. Nhưng luật này vẫn chưa được áp dụng. Ai đang không thực hiện các hiệp định Minsk?

+ Ông đã nhắc đến Ngoại trưởng Mỹ, người cho rằng không chỉ việc thực hiện thỏa thuận Minsk là quan trọng mà còn cả việc những người đòi ly khai cần phải từ bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử độc lập. John Kerry đã nói như vậy hôm qua.

- Tôi biết rõ lập trường của những người bạn Mỹ của chúng tôi và chính vì thế tối muốn nói điều này. Tôi vừa đề cập đến, tôi thấy rằng cần phải nhắc lại. Liên quan đến các cuộc bầu cử địa phương, các hiệp định Minsk ghi rõ: “thông qua luật về bầu cử địa phương có sự thỏa thuận với Donetsk và Lugansk”. Trên thực tế điều gì đã xảy ra? Chính quyền Kiev đã tự ý thông qua luật này mà không có bất kỳ hình thức thảo luận nào với Donetsk và Lugansk, mặc các khu vực này đã 3 lần gửi cho Kiev dự thảo của mình. Hoàn toàn không có bất cứ cuộc đối thoại nào cả, họ tự thông qua mà không hề có sự tham vấn nào cả. Hơn nữa, trong luật được Kiev thông qua nói rằng sẽ không tổ chức cuộc bầu cử nào ở những khu vực này. Điều này được hiểu như thế nào? Thực chất, dường như chính họ đã xúi giục các đại diện của Donetsk và Lugansk tổ chức cuộc bầu cử của mình. Chỉ thế thôi. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề này với ông Kerry, nhưng trước hết chúng ta phải đảm bảo rằng hai bên thực hiện các cam kết mà họ đã đặt bút ký, thay vì tự nhận các sáng kiến riêng mà họ đang thực hiện là hữu ích.

+ Tôi hiểu ý của ông, nhưng đơn giản tôi muốn nhắc lại điều này, bởi vì Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh đến thời điểm các cuộc bầu cử của những người đòi ly khai. Vâng, quả thực tôi hiểu ông.

- Trong trường hợp này, Ngoại trưởng Kerry là nhà ngoại giao láu cá, nhưng điều đó cũng bình thường thôi, điều này liên quan đến nghề nghiệp của ông ấy. Tất cả các nhà ngoại giao đều láu cá, và ông ấy cũng vậy.

+ Ông không bao giờ hành động như vậy phải không?

- Tôi sẽ không làm như vậy. Tôi không phải là nhà ngoại giao.

+ Vậy thì ông là ai? Ông đánh giá bản thân mình như thế nào?

- Tôi là một người bình thường, một công dân của Liên bang Nga, một người dân Nga.

+ Ông cũng nói rằng bị kịch tồi tệ nhất xảy ra trong thế kỷ vừa qua là sự tan rã của Liên Xô. Tuy nhiên, một số người nhìn vào Ukraine và Gruzia và nghĩ rằng ông muốn tạo lập lại không phải đế chế Xôviết, trước hết là khu vực ảnh hưởng mà theo ông nước Nga xứng đáng có được nhờ có mối quan hệ tồn tại trong chừng ấy năm.

- Người ta luôn luôn nghi ngờ chúng tôi có một số tham vọng nào đó, luôn luôn cố gắng bóp méo điều gì đó, hoặc giấu giếm điều gì đó mà không nói ra. Quả thực, tôi đã nói rằng tôi thấy sự sụp đổ của Liên Xô là một bi kịch lớn của thế kỷ 20. Ông có biết tại sao không? Trước hết, bởi vì 25 triệu người Nga đột nhiên bị đẩy ra khỏi biên giới của Liên bang Nga. Họ từng sống trong một nhà nước thống nhất. Liên Xô theo truyền thống được gọi là Nga, nước Nga Xôviết, và đó là nước Nga vĩ đại. Sau đó, Liên Xô đột ngột bị tan rã chỉ trong vòng 1 đêm, và hóa ra là ở các nước cộng hòa của Liên Xô trước đây có 25 triệu người Nga sinh sống. Họ từng sống ở cùng một đât nước và đột nhiên thấy mình trở thành người nước ngoài. Ông có thể tưởng tượng được có bao nhiêu vấn đề đã xảy ra không? Thứ nhất, đó là những vấn đề đời thường, các gia đình bị ly tán, các vấn đề về kinh tế và xã hội, đơn giản là không liệt kê được hết. Ông có nghĩ rằng đó là điều bình thường, rằng 25 triệu người Nga, đột nhiên thấy mình trở thành người nước ngoài? Người Nga đã thành dân tộc bị chia cắt lớn nhất trên thế giới ngày nay. Đó không phải là vấn đề hay sao? Đối với ông thì không còn đối với tôi là vấn đề.

+ Và, ông muốn giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Chúng tôi mong muốn trong khuôn khổ các tiến trình văn minh hiện đại duy trì được ít nhất không gian nhân đạo chung, chúng tôi muốn làm để không còn xuất hiện biên giới quốc gia, để mọi người có thể tự do giao tiếp với nhau, và chúng tôi cùng nhau phát triển nền kinh tế, sử dụng các lợi thế mà chúng tôi được thừa hưởng từ Liên Xô. Đó là những lợi thế gì? Chúng bao gồm cơ sở hạ tầng chung, phương tiện vận chuyển đường sắt thống nhất, mạng lưới đường bộ thống nhất, hệ thống năng lượng thống nhất và tất nhiên, tôi không sợ nói điều này, tiếng Nga vĩ đại, đang gắn kết tất cả các nước cộng hòa trước đây của Liên Xô và đem lại cho chúng tôi những lợi thế cạnh tranh rõ ràng khi thúc đẩy các dự án hội nhập khác nhau ở trong không gian hậu Xôviết.
Có lẽ, ông đã được nghe nói rằng chúng tôi lúc đầu đã thiết lập Liên minh Hải quan và sau đó đã biến nó thành Liên minh Kinh tế Á-Âu. Khi người ta được tự do giao tiếp, khi nguồn nhân lực, hàng hóa, dịch vụ và tiền bạc cũng tự do lưu thông, không có các đường chia cắt đất nước và khi chúng ta có những quy định pháp lý chung, chẳng hạn, trong lĩnh vực xã hội – tất cả những điều đó đủ tốt, con người phải cảm nhận được tự do.

+ Nhưng ông từng buộc phải sử dụng lực lượng quân sự để thực hiện nhiệm vụ này?

- Dĩ nhiên là không.

+ Nhiều người nói rằng Nga có sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine, và một số người còn khẳng định rằng quân đội Nga đang có mặt tại quốc gia láng giềng.

- Các ông cũng có sự hiện diện quân sự ở châu Âu phải không?

+ Đúng vậy.

- Các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đang đặt ở châu Âu, chúng tôi không bao giờ quên điều này. Liệu điều đó có nghĩa rằng Mỹ đã chiếm đóng Đức hay Mỹ chưa bao giờ ngừng chiếm đóng nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ biến quân đội chiếm đóng thành lực lượng NATO? Có thể đó là một cách nhìn nhận, nhưng chúng ta không nói về điều này. Còn nếu chúng tôi bố trí quân đội trên lãnh thổ của chúng tôi ở khu vực biên giới với một quốc gia nào đó, liệu ông có cho rằng đó là một tội ác?

+ Tôi không nói về tội ác.

- Để thực hiện tất cả quá trình mà tôi đã nói đến, hội nhập kinh tế, xã hội, nhân đạo tự nhiên hoàn toàn không cần đến bất kỳ lực lượng vũ trang nào. Chúng tôi xây dựng Liên minh Hải quan và Liên minh Kinh tế Á-Âu không phải nhờ vào vũ lực mà nhờ vào sự tìm kiếm thỏa hiệp. Đó là một quá trình đầy thách thức, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm, nhờ vào những thỏa thuận và tìm kiếm sự thỏa hiệp, dựa trên nền tảng những điều kiện chấp thuận được đối với tất cả các nước thành viên, có tính đến việc chúng tôi sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh, hiệu quả hơn cho các nền kinh tế của chúng tôi, cho người dân của chúng tôi trên các thị trường thế giới và trên toàn thế giới nói chung.

+ Vậy, chúng ta hãy chuyển sang câu hỏi tiếp theo - về các nước Baltic và những ý định của ông đối với những quốc gia này.

- Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, đối tác với họ. Ở đó nhiều người Nga đang sinh sống ngay từ khi Liên Xô sụp đổ. Ở đó, quyền của người Nga đang bị xâm phạm. Ông có biết rằng nhiều nước Baltic đã phát minh ra điều gì đó mới mẻ trong luật pháp quốc tế hay không? Trong luật pháp quốc tế cho đến nay khái niệm về quyền công dân là cái gì?: một công dân, một người nước ngoài, một người không có tư cách công dân và các kiều dân có cả quốc tịch của nước khác, hay những người có hai quốc tịch. Các nước cộng hòa Baltic đã phát minh ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Ông có biết đó là gì không? Họ gọi những người đã sống hàng thập kỷ trên lãnh thổ của các nước Baltic là “không phải công dân” và tước đoạt một loạt quyền lợi chính trị của họ. Họ không thể tham gia các chiến dịch bầu cử, họ bị hạn chế quyền chính trị và xã hội. Mọi người giữ im lặng về việc này, như thể đây là điều hiển nhiên. Tất nhiên, điều này không thể không tạo phản ứng phù hợp. Nhưng tôi xuất phát từ chỗ: Những đồng nghiệp của chúng tôi cả ở Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) sẽ xuất phát từ những nguyên tắc hiện đại về quyền nhân đạo và sẽ đảm bảo quyền tự do chính trị và quyền cho tất cả mọi người, trong đó có những người đang sống trên lãnh thổ của các nước Baltic sau khi Liên Xô tan rã. Về quan hệ kinh tế, chúng tôi có các cuộc tiếp xúc bền vững và phát triển cao độ với các nước này. Ông biết không, dẫu sao có một số thứ dường như, mà nói nhẹ hơn là khiến tôi bối rối.

+ Làm ông thấy lúng túng ư?

- Chúng làm tôi lúng túng và buồn phiền. Như tất cả chúng ta đều nói về sự cần thiết phải đưa các quan điểm xích lại gần nhau, về sự cần thiết phải hội nhập trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, các nước Baltic mà tôi đã đề cập rằng kể từ thời Xôviết chúng tôi có chung hệ thống cung cấp năng lượng và hệ thống năng lượng, tất nhiên là một phần của mạng lưới năng lượng chung của Liên Xô. Hiện họ đang làm gì? Mọi người dường như đang nói về sự xích lại gần nhau giữa Nga và EU. Nhưng trên thực tế, điều gì đang thực sự diễn ra? Hiện đang có kế hoạch chia tách các nước Baltic khỏi hệ thống năng lượng chung của Liên Xô và kết nối vào hệ thống châu Âu. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi trên thực tế? Nó có nghĩa rằng giữa các khu vực của Liên bang Nga sẽ xuất hiện một số vùng mà ở đó chúng tôi sẽ không có các tuyến đường truyền tải năng lượng, bởi vì trước đây có một tuyến đường truyền tải năng lượng đi vòng qua các nước Baltic. Và hiện chúng tôi sẽ phải làm lại từ đầu, tiêu tốn hàng tỷ USD, các đối tác châu Âu của chúng tôi xây dựng lại hệ thống này cũng sẽ phải chi hàng tỷ USD để kết nối các nước Baltic vào mạng lưới điện của họ. Để làm gì? Quả thực, không phải bằng lời nói, mà bằng việc làm chúng ta hướng đến công việc chung nào đấy và hướng đến việc hội nhập, mục đích của tất cả những việc làm này là gì? Và, giống như đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực – nói một đằng, làm một nẻo. Nhưng theo quan điểm của tôi, tất cả những điều này là vấn đề của tăng trưởng và tôi tin tưởng rằng nhận thức chung – trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, rốt cục sẽ thắng thế. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến sự phát triển mở cửa, không có bất kỳ định kiến nào, điều này có lẽ chủ yếu dành cho các nước Baltic vì nó quan trọng với họ hơn là với Nga. Chẳng hạn, lấy Litva làm ví dụ. Ông có biết, dân số của nước này thời Xôviết là bao nhiêu không? Con số này là 3,4 triệu người. Đó là một nước nhỏ, một nước cộng hòa nhỏ bé. Và bây giờ nó ra sao? Tôi đã xem các số liệu thống kê gần đây, hiện nay dân số của nước này là 1,4 triệu người. Vậy người ta đã đi đâu? Hơn một nửa dân số đã rời bỏ đất nước. Ông hãy tưởng tượng nếu như hơn một nửa dân số Mỹ rời khỏi lãnh thổ của Mỹ? Đó sẽ là một thảm họa! Điều đó cho thấy các mối quan hệ bị mất đi, trước hết, trong lĩnh vực kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả chúng ta. Giờ tôi muốn nói rằng ngay cả nước Nga cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi tin tưởng sâu sắc rằng chúng ta nên từ bỏ nỗi ám ảnh của quá khứ, hướng về tương lai và hành động dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, xây dựng các mối quan hệ láng giềng hữu hảo và bình đẳng.

+ Và, tất nhiên, chúng ta cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

- Nếu ai đó thích làm việc nhờ vào các biện pháp trừng phạt, xin mời đến khi có thể. Nhưng các biện pháp trừng phạt chỉ là giải pháp tạm thời. Thứ nhất, chúng đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Thứ hai, hãy nói cho tôi xem chính sách trừng phạt này tỏ ra hiệu quả ở đâu. Chẳng ở đâu cả, vì thế đối với một đất nước như Nga thì biện pháp trừng phạt chưa chắc đã phát huy tác dụng.

+ Trong bối cảnh bị áp đặt các biện pháp trừng phạt và giá dầu sụt giảm, ngay cả những người bạn của ông cũng tỏ ra lo ngại cho nền kinh tế Nga. Đây là thách thức nghiêm trọng đối với ông? Đó có phải là một thực tế kinh tế toàn cầu đáng lo ngại?

- Các biện pháp trừng phạt, như tôi đã nói, là các hành động bất hợp pháp, hủy hoại các nguyên tắc của kinh tế toàn cầu quốc tế, các nguyên tắc của WTO và Liên hợp quốc. Các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được áp đặt theo quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chứ không phải đơn phương. Điều này vi phạm luật pháp quốc tế. Chỉ có Chúa mới biết, giờ, chúng ta gạt khía cạnh pháp lý của vấn đề này sang một bên. Tất nhiên, chúng gây ra thiệt hại, nhưng chúng không phải là lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nga giảm hay các vấn đề khác liên quan đến lạm phát. Đối với chúng tôi, lý do chính, đương nhiên, là sự sụt giảm giá trên các thị trường thế giới của các loại hàng hóa xuất khẩu truyền thống của chúng tôi, trước hết là dầu mỏ, khí đốt và một số mặt hàng khác. Đây là nhân tố chính. Các biện pháp trừng phạt, tất nhiên, có một tác động tiêu cực nhất định, nhưng chúng không có ý nghĩa quan trọng và cơ bản đối với nền kinh tế của chúng tôi.

+ Ông sẽ sống sót sau các biện pháp trừng phạt?

- Tất nhiên, chắc chắn, nhìn chung câu hỏi này thậm chí không cần thảo luận. Các biện pháp trừng phạt cũng đem lại một lợi thế nhất định. Lợi thế là trước đây chúng tôi từng mua nhiều hàng hóa, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ cao, bằng đôla dầu mỏ. Hiện, do bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, chúng tôi hoặc là không thể mua hoặc là chúng tôi sợ rằng sẽ bị từ chối tiếp cận, và chúng tôi đã phải triển khai một loạt chương trình quy mô lớn để phát triển nền kinh tế công nghệ cao, công nghiệp, chế tạo và lĩnh vực khoa học. Trên thực tế, dù sao đi chăng nữa chúng tôi cũng sẽ phải làm điều này, nhưng chúng tôi thấy rất khó khăn khi mà các thị trường trong nước của chúng tôi tràn ngập hàng hóa nước ngoài, và chúng tôi thấy rất khó để hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương của chúng tôi khi đã là thành viên WTO. Hiện nay, khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt và các đối tác của chúng tôi tự nguyện rời khỏi thị trường của chúng tôi, điều đó mang lại cho chúng tôi cơ hội để phát triển.

+ Tôi muốn đặt thêm cho ông vài câu hỏi nữa. Ông từng là tổng thống, thủ tướng và giờ đây lại là tổng thống. Ông muốn nắm quyền trong bao lâu? Và ông muốn để lại di sản gì cho hậu thế? Đây là câu hỏi thứ nhất.

- Trong bao lâu ư? Điều này phụ thuộc vào hai điều kiện. Thứ nhất, dĩ nhiên, có những nguyên tắc được Hiến pháp quy định, nhưng tôi không tin rằng tôi cần phải tận dụng hoàn toàn các quyền hiến định. Nó sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước, trên thế giới và tâm trạng cá nhân tôi.

+ Và ông muốn di sản của mình là gì?

- Nga cần phải là một nhà nước hiệu quả và có khả năng cạnh tranh với một nền kinh tế vững chắc, hệ thống xã hội và chính trị phát triển, linh hoạt trước những thay đổi ở trong nước và trên toàn cầu.

+ Và Nga hẳn sẽ đóng vai trò chính trên thế giới?

- Như tôi đã nói, Nga phải có khả năng cạnh tranh, phải có khả năng bảo vệ các lợi ích của mình và gây ảnh hưởng lên các quá trình có ý nghĩa quan trọng đối với Nga.

+ Nhiều người nói rằng ông là người có sức mạnh toàn năng và họ tin rằng ông có thể có bất cứ thứ gì mình muốn. Vậy ông muốn điều gì? Hãy nói cho nước Mỹ và thế giới biết Vladimir Putin muốn những gì?

- Tôi mong muốn nước Nga đúng như những gì tôi vừa miêu tả. Đó là nguyện vọng lớn nhất của tôi, tôi muốn người dân được hạnh phúc và tôi muốn các đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới muốn phát triển quan hệ với Nga.

+ Cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn thú vị này.

- Xin cảm ơn./.

Theo “Kremlin

Vũ Hiền (gt)