1. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã tích cực trong việc thúc đẩy những dàn xếp kinh tế và an ninh mới. Đặc biệt, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một thành tựu đáng chú ý. Liệu có phải Trung Quốc đang tìm cách sắp xếp lại cơ cấu quản trị toàn cầu, tách khỏi Mỹ và hướng tới Trung Quốc?

Tập Cận Bình: Hệ thống quản trị toàn cầu được thế giới xây dựng và chia sẻ, không phải độc quyền của một quốc gia duy nhất. Trung Quốc chắc chắn không có ý định làm như vậy. Trung Quốc đang tham gia việc xây dựng hệ thống quốc tế hiện nay và đã luôn thực hiện phần việc của mình để duy trì trật tự và hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc làm cốt lõi và các mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc làm nền tảng.

Nhiều người có tầm nhìn xa trông rộng cho rằng khi bối cảnh toàn cầu tiến triển và những thách thức xuyên quốc gia và toàn cầu lớn mà nhân loại đang phải đối mặt tăng lên, cần phải điều chỉnh và cải cách hệ thống và cơ chế quản trị toàn cầu. Sự cải cách như vậy không phải là phá vỡ hệ thống hiện có và tạo ra một hệ thống mới để thay thế nó. Mà thay vào đó nó nhằm cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu theo một cách thức đổi mới. Ở Trung Quốc chúng tôi có câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” (Khi mọi biện pháp đã hết, thay đổi là cần thiết; khi đã thay đổi, mọi thứ sẽ cải thiện - ND). Dù là một quốc gia hoặc toàn thể thế giới, thích ứng để theo kịp với thời đại là cần thiết để duy trì sức sống của mình. Xây dựng một cấu trúc quản trị toàn cầu bình đẳng, công bằng và hiệu quả hơn đáp ứng nguyện vọng chung của tất cả các nước. Trung Quốc và Mỹ chia sẻ những lợi ích to lớn trong lĩnh vực này và cần phải làm việc với nhau để cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu. Điều này sẽ không chỉ tạo lực đòn bẩy cho sức mạnh riêng của từng nước để tăng cường hợp tác, mà còn cho phép hai nước chúng ta cùng nhau ứng phó với những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt.

Trung Quốc có được phần lớn tiến bộ của mình trong công cuộc phát triển thập kỷ qua là nhờ hợp tác quốc tế; do vậy chúng tôi thấy có trách nhiệm phải đóng góp lớn hơn cho những nỗ lực phát triển quốc tế. Nhiều nước đang phát triển khác cũng đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ tương tự như Trung Quốc. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập chủ yếu như một sự đáp ứng nhu cầu của các nước châu Á đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng và nguyện vọng của họ có sự hợp tác hơn nữa. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, từ năm 2010 đến năm 2020, sự thiếu hụt hàng năm nguồn tài trợ để phát triển cơ sở hạ tầng châu Á là khoảng 800 tỷ USD. AIIB đóng vai trò như một lựa chọn mới để bù đắp cho sự thiếu hụt này, và do đó nó được cả các nước châu Á lẫn cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn chào đón. Nhưng do sự thiếu hụt nguồn tài trợ là rất lớn, rõ ràng là một mình AIIB không thể đáp ứng nhu cầu như vậy. Là một cơ quan phát triển đa phương mở và mang tính bao trùm, AIIB sẽ bổ sung cho các ngân hàng phát triển đa phương khác. Ngoài các nước châu Á, các nước bên ngoài châu Á như Đức, Pháp và Anh cũng đã tham gia AIIB. Trung Quốc hoan nghênh Mỹ tham gia AIIB. Đây là lập trường của chúng tôi ngay từ đầu.

Tôi không tin rằng bất cứ nước nào cũng có khả năng sắp xếp lại cấu trúc quản trị toàn cầu hướng tới chính nó. Rõ ràng là hành động như vậy đi ngược lại xu hướng của thời đại. Việc cải thiện cấu trúc quản trị toàn cầu cần phải được quyết định bởi tất cả các nước. Khi các hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc kỷ niệm 70 thành lập tới gần, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc để xây dựng một dạng quan hệ quốc tế mới có đặc trưng là hợp tác cùng thắng, cải thiện cấu trúc quản trị toàn cầu và xây dựng một cộng đồng tương lai chung cho nhân loại.

2. Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng mang tính quyết định trong các khu vực trên khắp thế giới, từ Trung Đông đến châu Phi và bán đảo Triều Tiên. Ở đâu lợi ích của Trung Quốc tương đồng hoặc khác với Mỹ? Quan điểm của Trung Quốc về thỏa thuận hạt nhân gần đây với Iran là gì? Ông lo ngại như thế nào về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?

Tập Cận Bình: Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại hòa bình độc lập và cam kết đối với hòa bình thế giới và công cuộc phát triển chung. Trong thế giới ngày nay, Trung Quốc không thể phát triển một mình; chỉ khi thế giới phát triển mạnh mẽ thì Trung Quốc mới thịnh vượng. Trung Quốc chưa bao giờ vắng mặt trong các nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế thế giới, tìm kiếm sự dàn xếp chính trị cho các điểm nóng quốc tế và khu vực và đối phó với nhiều vấn đề và thách thức toàn cầu khác nhau. Đây là những gì mà cộng đồng quốc tế hy vọng ở Trung Quốc, và thực hiện điều đó là trách nhiệm của Trung Quốc.

Đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ gánh vác trách nhiệm quan trọng là giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực và thế giới, và lợi ích của chúng ta hội tụ trong một loạt rộng lớn các lĩnh vực. Trung Quốc mong muốn chung tay với Mỹ giải quyết các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu. Thực tế là chúng ta đã thực hiện rất nhiều việc với nhau trong lĩnh vực này và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chẳng hạn, Trung Quốc và Mỹ đã phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau của khu vực và quốc tế cũng như những thách thức toàn cầu, từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề hạt nhân Iran đến đàm phán hòa bình Palestine-Israel, Nam Sudan, biến đổi khí hậu thay đổi và các đại dịch. Phải thừa nhận rằng có những khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận của riêng chúng ta đối với một số vấn đề. Tuy nhiên những khác biệt này là lý do tại sao chúng ta cần phải bổ sung cho nhau và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các vấn đề này.

Trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, Trung Quốc kiên trì các nguyên tắc bình đẳng, công bằng và công lý và kêu gọi tìm kiếm sự dàn xếp chính trị cho các vấn đề liên quan thông qua đàm phán hòa bình. Trong việc giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc đặt lập trường và chính sách của mình dựa trên thực tế của từng trường hợp cụ thể và nỗ lực duy trì công lý. Trung Quốc phản đối sự can thiệp tùy tiện vào công việc nội bộ của các nước khác và ủng hộ giải quyết các vấn đề thông qua tham vấn. Các thách thức dù có khó khăn và phức tạp như thế nào, cộng đồng quốc tế cần phải ứng phó với chúng bằng sự tự tin và phấn đấu để giải quyết chúng thông qua các biện pháp hòa bình.

Dàn xếp chính trị cho vấn đề hạt nhân Iran là một thành tựu lớn của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc và Mỹ đã làm việc tích cực để khiến nó trở nên khả thi. Điều đó cho thấy rằng phương pháp tiếp cận của chúng ta đã phát huy tác dụng. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ làm việc với tất cả các bên liên quan để đảm bảo thỏa thuận này được thực hiện đầy đủ.

Lập trường của Trung Quốc đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là vững chắc và rõ ràng. Đồng thời, chúng tôi tin rằng phi hạt nhân hóa, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cần phải đạt được thông qua các biện pháp hòa bình. Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là phức tạp và nhạy cảm. Trung Quốc sẽ duy trì thông tin liên lạc và phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các bên có liên quan để giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên và đảm bảo sự ổn định lâu dài của Đông Bắc Á.

3. Một trong những khẩu hiệu đầu tiên ông nêu ra khi nhậm chức là “Giấc mộng Trung Hoa”. Nó tỏ ra phổ biến ở trong nước và mang hơi hướng của “Giấc mơ Mỹ”. Trong các bài phát biểu của mình, ông đã nói “Giấc mộng Trung Hoa” liên quan đến việc xây dựng một quốc gia hùng mạnh và quân đội hùng mạnh. Ông thấy đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa “Giấc mộng Trung Hoa” và “Giấc mơ Mỹ”?

Tập Cận Bình: “Giấc mộng Trung Hoa” về cơ bản là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng người ta cần phải tiếp cận khái niệm này từ hai góc độ: lịch sử và thực tế. Bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1840, dân tộc Trung Hoa đã trải qua một thế kỷ bất ổn xã hội, ngoại xâm và những đau khổ của chiến tranh. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ khó khăn này, nhân dân chúng tôi đã đứng trên đôi chân của mình và kiên trì đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn. Họ không bao giờ từ bỏ niềm khao khát về ước mơ ấp ủ của mình. Để hiểu được Trung Quốc ngày nay, người ta cần phải đánh giá đầy đủ sự đau khổ sâu sắc của dân tộc Trung Hoa kể từ thời kỳ hiện đại và tác động sâu sắc của nỗi đau khổ như vậy trong tâm trí người Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi coi “Giấc mộng Trung Hoa” về sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là ước mơ lớn nhất của mình kể từ thời kỳ hiện đại. “Giấc mộng Trung Hoa” là ước mơ của mỗi người dân Trung Quốc cũng nhiều như ước mơ của cả một dân tộc. Nó không phải là một ảo tưởng, cũng không phải là một khẩu hiệu trống rỗng. “Giấc mộng Trung Hoa” ăn sâu trong trái tim của người dân Trung Quốc.

Mỗi đất nước và mỗi dân tộc đều có ước mơ của riêng mình, và ước mơ mang lại niềm hy vọng. Trong chuyến thăm mới đây của tôi đến Mỹ, những người bạn cũ của tôi ở Muscatine, Iowa, đã nói với tôi về ước mơ của họ. Tôi có ấn tượng rằng người Mỹ và người dân ở tất cả các nước khác đều có chung một ước mơ về tương lai: hòa bình thế giới, an sinh xã hội, ổn định và một cuộc sống tươm tất. Lẽ tự nhiên, do những khác biệt trong lịch sử, văn hóa và giai đoạn phát triển, Trung Quốc, Mỹ và các nước khác có thể không có một ước mơ hoàn toàn giống nhau, và họ theo đuổi ước mơ của mình theo những cách khác nhau. Nhưng tất cả các con đường đều dẫn đến thành Rome. Ước mơ của các dân tộc khác nhau, tuy khác nhau về ý nghĩa, là nguồn cảm hứng cho họ và tất cả những ước mơ này tạo ra những cơ hội quan trọng cho Trung Quốc và Mỹ, cũng như các nước khác hợp tác với nhau.

4. Quan hệ giữa hai nước căng thẳng bởi nhiều vấn đề - từ việc Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông cho đến những cáo buộc về gián điệp mạng và những phàn nàn của doanh nghiệp Mỹ về các quy định không công bằng. Một số người ở Mỹ thậm chí còn đang kêu gọi có một chính sách kiềm chế mới chống lại Trung Quốc. Ông trả lời ra sao trước những chỉ trích này? Chất kết dính nào sẽ gắn kết các mối quan hệ Mỹ-Trung lại với nhau và bằng cách nào mối quan hệ đó có thể trở nên mạnh mẽ hơn?

Tập Cận Bình: Khi tiếp cận các mối quan hệ Trung-Mỹ, người ta cần phải nhìn bức tranh rộng lớn hơn chứ không nên chỉ tập trung vào những sự khác biệt, đúng như một câu châm ngôn của Trung Quốc: “Khi những điều quan trọng được giải quyết trước, thì không khó để dàn xếp các vấn đề thứ yếu”. Cùng với nhau, Trung Quốc và Mỹ chiếm 1/3 nền kinh tế thế giới, 1/4 dân số toàn cầu, và 1/5 thương mại toàn cầu. Nếu hai nước lớn như chúng ta không hợp tác với nhau, hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra với thế giới. Cả lịch sử lẫn thực tế đều cho thấy rằng Trung Quốc và Mỹ được lợi từ hợp tác và mất mát từ đối đầu. Khi Tổng thống Obama và tôi gặp gỡ tại Annenberg Estate, California, vào mùa Hè năm 2013, chúng tôi đã đưa ra quyết định chiến lược là cùng nhau xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ với đặc trưng là không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Trong hơn 2 năm qua kể từ đó, được dẫn dắt bởi thỏa thuận này, những sự trao đổi và hợp tác toàn diện của chúng ta tiếp tục trở nên sâu sắc và được nâng cấp. Chúng ta duy trì đối thoại, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong hầu hết các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực cũng như những thách thức toàn cầu. Thực tế đã cho thấy những lợi ích của Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gắn chặt với nhau. Quan hệ Trung-Mỹ phát triển không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà nó còn tăng cường hòa bình, sự ổn định và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Tất nhiên, chúng ta có một số khác biệt, ngay cả các thành viên trong gia đình không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau. Hai nước chúng ta cần phải hiểu và tôn trọng nhau, mở rộng nền tảng chung và xử lý thỏa đáng những khác biệt, tôn trọng và thích ứng với các lợi ích cốt lõi cũng như những mối lo ngại chủ yếu của nhau. Đối với các vấn đề có thể được giải quyết, hai bên cần phải cùng nhau nỗ lực tìm kiếm giải pháp; đối với những vấn đề không thể giải quyết được trong lúc này, chúng ta cần phải quản lý chúng theo cách thức mang tính xây dựng, đảm bảo rằng chúng không bị làm trầm trọng thêm hoặc bị leo thang, và ngăn không cho những vấn đề này làm chệch hướng mối quan hệ toàn diện của hai nước và sự hợp tác rất có lợi cho nhân dân hai nước.

Việc Trung Quốc phát triển và duy trì những cơ sở trên một số trong các đảo và bãi ngầm có đơn vị đồn trú ở Trường Sa không gây ảnh hưởng hoặc nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước nào khác, và điều đó không nên bị suy diễn quá mức. Những cơ sở này được xây dựng nhằm cải thiện các điều kiện sinh sống và làm việc của các nhân viên Trung Quốc tại các cấu trúc địa hình trên biển, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công quốc tế, và duy trì tốt hơn quyền tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trung Quốc rất nghiêm túc về an ninh mạng. Trung Quốc cũng là một nạn nhân của tin tặc. Chính phủ Trung Quốc không tham gia đánh cắp các bí mật thương mại dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không khuyến khích hay ủng hộ các công ty Trung Quốc tham gia những hành động như vậy dưới bất kỳ cách thức nào. Đánh cắp các bí mật thương mại qua mạng và các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới của chính phủ đều là bất hợp pháp; những hành động như vậy là phạm tội và phải bị trừng trị theo pháp luật và các công ước quốc tế có liên quan. Trung Quốc và Mỹ có chung mối quan ngại về an ninh mạng. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với phía Mỹ về vấn đề này.

Tôi sẽ có những trao đổi quan điểm đi vào chiều sâu với Tổng thống Obama về các mối quan hệ song phương và những diễn biến quốc tế và can dự với công chúng Mỹ để cùng vạch ra tiến trình cho các mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng lớn mạnh. Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm này sẽ gửi đi một thông điệp tích cực tới cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác và cùng nhau đương đầu với các thách thức toàn cầu.

5. Việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự và các hoạt động quân sự đã gây ra mối quan ngại ở Washington và khiến một số chính phủ trong khu vực cảm thấy lo lắng. Xin ông hãy giải thích những ý định của Trung Quốc. Có phải cấu trúc liên minh của Mỹ ở châu Á khiến Bắc Kinh cảm thấy ít an toàn hơn? Phải chăng Washington cần làm nhiều hơn nữa để hòa hợp với những lợi ích an ninh của Trung Quốc?

Tập Cận Bình: Trung Quốc luôn theo đuổi một chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ về bản chất và một chiến lược quân sự có đặc trưng là phòng thủ tích cực. Nhằm tăng cường phòng thủ và xây dựng quân đội, chúng tôi sẽ không theo đuổi sự phiêu lưu quân sự dưới hình thức nào đó. Điều đó chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của chúng tôi. Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở châu Á và không đóng quân ở bên ngoài biên giới của mình. Trung Quốc là một nước lớn có lãnh thổ rộng lớn trên đất liền, trên biển, trên không và có đường biên giới rất dài. Chúng tôi cần duy trì sự đầu tư thích đáng vào quốc phòng và duy trì quy mô binh lính ở mức độ thích hợp. Để chứng minh cho quyết tâm của Trung Quốc duy trì hòa bình và phát triển, trước đây không lâu tôi đã tuyên bố cắt giảm 300.000 binh lính. Trung Quốc từ lâu đã cam kết không bao giờ thực hiện chủ nghĩa bành trướng và tìm kiếm bá quyền. Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh điều này.

Trung Quốc đã đóng góp binh lính cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhiều hơn bất kỳ ủy viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an. Quân đội Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hộ tống chống cướp biển ở Vịnh Aden và trong việc vận chuyển bằng tàu vũ khí hóa học ra khỏi Syria để tiêu hủy. Trong khu vực lân cận của mình, quân đội Trung Quốc đã giúp nhiều nước đối phó với thiên tai. Trung Quốc sẽ còn làm nhiều hơn nữa trong khả năng của mình để đem lại các lợi ích an ninh công cộng cho cộng đồng quốc tế.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều là các nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương, mà lợi ích của hai nước đan xen một cách chặt chẽ hơn và tương tác thường xuyên hơn so với ở bất kỳ khu vực nào khác của thế giới. Cả hai bên đều mong muốn chứng kiến hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, bởi điều đó phục vụ lợi ích chung của hai nước cũng như lợi ích của các nước trong khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương cần phải là một mảnh đất hợp tác cho sự phối hợp và cộng tác được tăng cường giữa Trung Quốc và Mỹ, chứ không phải là đấu trường để tranh giành ngôi vị bá chủ. Thái độ của chúng tôi là: chúng tôi hoan nghênh bất cứ điều gì góp phần tạo nên hòa bình và ổn định khu vực, và phản đối bất kỳ điều gì có thể dẫn tới xung đột và sự hỗn loạn trong khu vực.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, cả Trung Quốc và Mỹ đều cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC lần đầu tiên vào năm 2014. Quân đội hai nước đang đẩy mạnh hai Cơ chế xây dựng lòng tin. Chúng tôi hy vọng xác định được nền tảng hội tụ thậm chí còn nhiều hơn nữa ở khu vực này cho hai nước, liên tục tăng cường lòng tin chiến lược và hợp tác với các nước khác để khu vực này trở nên hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.

6. Trung Quốc đã có một mùa Hè đầy biến động, với các thị trường chứng khoán tụt dốc, việc phá giá đồng nhân dân tệ và các dấu hiệu về sự yếu kém của nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới băn khoăn liệu nền kinh tế Trung Quốc có yếu kém hơn so với các con số chính thức cho thấy và liệu chính phủ có kiểm soát được một cách đầy đủ hay không. Ông đánh giá gì về nền kinh tế và điều gì đang được thực hiện để tăng cường lòng tin trong các nhà đầu tư Trung Quốc và toàn cầu?

Tập Cận Bình: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7%, điều khó có thể đạt được nếu xét tới tính phức tạp và bản chất hay thay đổi của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Một mức tăng trưởng khoảng 7% sẽ đủ để đạt được mục tiêu của chúng tôi là tăng gấp đôi GDP năm 2010 và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang hoạt động trong phạm vi hợp lý. Điều Trung Quốc cần là một sự phát triển kinh tế hiệu quả hơn và có chất lượng cao hơn, bằng cách giải quyết thành công vấn đề phát triển thiếu cân bằng, thiếu phối hợp và thiếu bền vững, để nền kinh tế của chúng tôi sẽ được đặt trên một nền tảng vững chắc hơn và tiến về phía trước một cách chắc chắn hơn. Chúng tôi đang đẩy mạnh những nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng, đưa ra điều chỉnh về cơ cấu và chú trọng nhiều hơn vào việc đổi mới và phát triển một nền kinh tế được định hướng bởi tiêu dùng. Hy vọng của chúng tôi là với việc giải quyết những vấn đề này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tự biến đổi và duy trì động lực phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung, nhiều nước đã phải đối mặt với những khó khăn. Nền kinh tế Trung Quốc cũng chịu áp lực suy thoái. Nhưng đó là một vấn đề trong tiến trình phát triển. Điều tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh là dù xảy ra bất cứ điều gì, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì cam kết mạnh mẽ là làm sâu sắc thêm công cuộc cải cách của đất nước trên tất cả các mặt trận trong khi mở cửa thậm chí còn lớn hơn nữa với thế giới bên ngoài. Chúng tôi sẽ làm việc theo phương thức phối hợp nhằm đảm bảo tăng trưởng, thúc đẩy cải cách, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện phúc lợi của người dân và ngăn chặn rủi ro, tăng cường và đổi mới điều tiết vĩ mô và đảm bảo sự phát triển kinh tế vững chắc và khá nhanh chóng. Với việc Trung Quốc dần thúc đẩy công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn theo kiểu mới, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình của đất nước ở mức rất cao và chi tiêu tiêu dùng có được tiềm năng lớn cùng với lực lượng lao động siêng năng, dân số có thu nhập trung bình gia tăng, khu vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ và thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng của mình, Trung Quốc có khả năng và đang ở vị thế duy trì một mức tăng trưởng trung bình cao trong những năm tới.

Để hiểu được nền kinh tế Trung Quốc, người ta cần có một cái nhìn dài hơn. Nếu bạn ví nó với một con tàu lớn trên biển, câu hỏi bạn đặt ra là liệu nó có đang đi đúng hướng hay không, nó có đủ công suất động cơ và năng lượng để trụ được lâu hay không. Bất kỳ con tàu nào, dù lớn đến đâu, đều có lúc di chuyển không ổn định trong vùng biển quốc tế. Các nhà đầu tư sẽ có đánh giá đúng đắn nếu họ có hiểu biết đầy đủ về tiến bộ của Trung Quốc trong công cuộc phát triển kinh tế kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, về những chiến lược của Trung Quốc được hình thành gần đây nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và chắc chắn, và về những xu hướng và dữ liệu có liên quan trong thành tích kinh tế của Trung Quốc. Bản báo cáo mà Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố đã cho thấy 95% doanh nghiệp được khảo sát đã lên kế hoạch tăng hoặc duy trì đầu tư của họ tại Trung Quốc. Đó là quyết định của hơn 300 doanh nghiệp Mỹ, một quyết định mà tôi tin rằng tất cả các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ đưa ra.

7. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã đặt ra một chương trình cải cách đầy tham vọng, hứa hẹn để thị trường đóng một vai trò “quyết định”. Tuy nhiên, lần giải cứu thị trường chứng khoán trong mùa Hè này đã làm dấy lên những câu hỏi về cam kết của ban lãnh đạo Trung Quốc đối với cải cách kinh tế. Tại sao ông cho rằng việc can thiệp vào thị trường chứng khoán là cần thiết? Có những cải cách kinh tế có ý nghĩa nào sẽ diễn ra trong những tháng và năm tới? Tờ Nhân dân Nhật báo và các phương tiện truyền thông nhà nước khác đã nói về sự kháng cự đối với cải cách; sự chống đối này đến từ đâu?

Tập Cận Bình: Một mục tiêu quan trọng đối với cải cách kinh tế hiện nay của Trung Quốc là tạo điều kiện cho thị trường đóng vai trò quyết định trong phân phối nguồn lực và khiến chính phủ thực hiện vai trò của mình tốt hơn. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần tận dụng tốt cả bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình.

Sự lên xuống của thị trường chứng khoán là do chính bản chất của thị trường này, và thông thường chính phủ không can thiệp. Vai trò của chính phủ là duy trì một trật tự thị trường mở, hợp lý và công bằng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có quy mô vừa và nhỏ, thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định của thị trường chứng khoán trong dài hạn, và xoa dịu sự hoảng loạn trên quy mô lớn. Những biến động bất thường gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc chủ yếu là kết quả của những sự gia tăng nhanh chóng và biến động lớn trước đây trên thị trường quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt các rủi ro mang tính hệ thống. Những biện pháp như vậy đã tỏ ra thành công. Trên thực tế, các bước đi tương tự cũng đã được thực hiện tại một số thị trường phát triển thành thục ở nước ngoài. Nhờ có sự kết hợp các bước đi bình ổn được thực hiện, thị trường đã bước vào một giai đoạn tự sửa chữa và điều chỉnh. Phát triển thị trường vốn là một mục tiêu quan trọng trong cải cách của Trung Quốc, và điều này sẽ không thay đổi chỉ vì những biến động hiện nay của thị trường.

Vào năm 2014, chúng tôi đã thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo một cách thức nhanh chóng nhưng vững chắc, và 80 nhiệm vụ cải cách chính về cơ bản đã được hoàn thành. Thêm vào đó, các bộ có liên quan trong chính phủ đã hoàn thành 108 nhiệm vụ cải cách, với 370 kết quả cải cách đạt được trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kể từ đầu năm 2015, chúng tôi đã đưa ra hơn 70 kế hoạch cải cách chính. Vào ngày 15/9, chúng tôi đã thảo luận và thông qua một số kế hoạch cải cách, bao gồm việc thực hiện một hệ thống danh mục cấm về tiếp cận thị trường, các chính sách hỗ trợ phát triển và mở cửa các khu vực biên giới quan trọng, một quyết định đẩy nhanh việc cải thiện cơ chế định giá, và một kế hoạch khuyến khích bơm vốn phi nhà nước vào các dự án đầu tư được khởi động bởi các doanh nghiệp nhà nước theo đúng thủ tục. Năm nay, chúng tôi đã quyết định thực hiện hơn 100 biện pháp cải cách then chốt và nhiều biện pháp cải cách kinh tế lớn khác sẽ được đưa ra. Các danh mục cải cách tạo điều kiện cho tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, phúc lợi của người dân và ngăn ngừa rủi ro sẽ được ưu tiên. Và các kế hoạch cải cách thật sự sẽ được thực hiện quyết liệt trong các lĩnh vực như chính sách tài khóa và thuế, tài chính, mở cửa, tư pháp và phúc lợi của người dân.

Loạt cải cách này tại Trung Quốc về bản chất mang tính toàn diện và đang được theo đuổi với sự quyết liệt chưa từng thấy. Chúng tôi đã có những nỗ lực to lớn và xoay xở để vượt qua được một số chướng ngại có từ lâu. Các biện pháp cải cách này đã làm đảo lộn lợi ích bất di bất dịch của một số người, và dẫn đến những thay đổi đối với sự nghiệp và cuộc sống của một số người. Đương nhiên là sẽ có khó khăn. Nếu không thì sẽ không phải là cải cách. Đây là lý do tại sao tôi nói rằng chúng tôi phải đủ táo bạo để giải quyết những vấn đề khó khăn và vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm trong khi tiến hành cải cách và chỉ có sự táo bạo mới thắng thế trong những giai đoạn cải cách then chốt. Đồng thời, cải cách kêu gọi phải có những nỗ lực thực tế. Đặt ra những kỳ vọng phi thực tế, phục vụ riêng cho ý kiến công chúng bằng cách nói năng khoa trương hay giải quyết hời hợt sẽ không có hiệu quả. Giống như một mũi tên đã bắn đi thì không thể quay trở lại được, chúng tôi sẽ tiến lên phía trước bất chấp mọi trở ngại để đạt được các mục tiêu cải cách của mình.

8. Chính phủ của ông đang can dự với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ đồng tiền dự trữ chính thức. Việc phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8 được coi là một bước đi hướng tới một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, nhưng cũng khiến các thị trường toàn cầu hoảng loạn. Liệu Trung Quốc có mở cửa hoàn toàn tài khoản vốn của mình để đồng nhân dân tệ trở thành một đồng tiền có thể chuyển đổi tự do? Ông quan ngại như thế nào về sự suy giảm trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và tình trạng thoái vốn?

Tập Cận Bình: Trung Quốc đã và đang làm việc để cải thiện cơ chế tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ dựa theo thị trường. Các biện pháp gần đây để cải thiện việc niêm yết ngang giá trung tâm của đồng nhân dân tệ là một ví dụ điển hình, vì việc này đem lại tiếng nói lớn hơn cho thị trường trong việc quyết định tỷ giá hối đoái. Do những phức tạp trong tình hình kinh tế quốc tế và thị trường tài chính hiện nay và sự khác biệt rõ ràng trong những mong đợi của các nhà tạo lập thị trường về xu hướng tương lai của tỷ giá đồng nhân dân tệ, đã có một khoảng cách tồn tại từ lâu giữa tỷ giá ngang bằng trung tâm và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ trên thị trường. Với những cải thiện đối với việc niêm yết ngang giá trung tâm của đồng nhân dân tệ, tỷ giá này sẽ phản ứng tốt hơn trước cung và cầu trên các thị trường ngoại hối, và ngăn chặn một cách có hệ thống khoảng cách lớn được duy trì liên tục giữa tỷ giá ngang bằng trung tâm của đồng nhân dân tệ và tỷ giá hối đoái trên thị trường. Do việc niêm yết ngang giá trung tâm của đồng nhân dân tệ đã được cải thiện vào ngày 11/8, đã có tiến bộ ban đầu trong việc sửa chữa sự chệch hướng này. Do các điều kiện kinh tế và tài chính trong nước và ở nước ngoài hiện nay, không có cơ sở cho sự hạ giá đồng nhân dân tệ được duy trì liên tục. Cải cách cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ sẽ được tiếp tục theo hướng hoạt động thị trường.

Trung Quốc đã đề ra mục tiêu về khả năng có thể chuyển đổi được của đồng nhân dân tệ trong tài khoản vốn từ đầu những năm 1990. Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã và đang làm việc để hướng tới mục tiêu này. Hiện nay chỉ có rất ít giao dịch vẫn bị cấm trong tài khoản vốn của đồng nhân dân tệ. Trung Quốc đang thúc đẩy khả năng có thể chuyển đổi được của đồng nhân dân tệ trong tài khoản vốn theo một cách thức chắc chắn và có trật tự.

Gần đây đã có sự sụt giảm trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Điều này thực tế phản ánh sự cải thiện đối với hỗn hợp của đồng nội tệ cũng như tài sản ngoại hối và tài sản nợ của các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Có 3 lý do chính: Thứ nhất, một số tài sản trong ngoại hối được chuyển từ ngân hàng trung ương sang các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân trong nước, bao gồm một sự gia tăng 56,9 tỷ USD trong cán cân tiền gửi bằng dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trong nước trong 8 tháng đầu năm 2015, chỉ riêng trong tháng 8 tăng 27 tỷ USD. Thứ hai, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước đã gia tăng nhanh chóng. Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước và các thực thể khác trên thị trường đang giảm dần việc tài trợ vốn ra nước ngoài, điều vốn giúp giảm các nguy cơ của hoạt động sử dụng đòn bẩy kinh doanh cao và sự không tương xứng về tiền tệ. Những thay đổi này là luồng vốn bình thường, điều độ và có thể quản lý được. Các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu thu được lợi nhuận trong dài hạn vẫn đang đầu tư vào Trung Quốc. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn dồi dào và ở mức rất lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Với sự cải thiện đối với cơ chế tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ và sự tiến bộ trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thể tăng hay giảm là điều khá bình thường, và không cần phải phản ứng thái quá trước điều này.

9. Nhiều công ty của Mỹ và nước ngoài khác đã đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc nói rằng môi trường kinh doanh đã thay đổi và họ là đối tượng của các quy định không công bằng có lợi cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Các nhóm doanh nghiệp Mỹ nói rằng đặc biệt các công ty cung cấp công nghệ thông tin như Cisco đang bị nhắm mục tiêu. Ông phản ứng như thế nào đối với nhận định này? Ông trông đợi điều gì từ các công ty nước ngoài? Các công ty công nghệ thông tin của Trung Quốc như Huawei cũng phàn nàn về những khó khăn trong kinh doanh tại Mỹ. Liệu cả hai nước có cần đặt ra các quy định đặc biệt dành cho các sản phẩm công nghệ thông tin?

Tập Cận Bình: Thu hút đầu tư nước ngoài là chính sách dài hạn của chúng tôi. Chính sách này sẽ không thay đổi. Sự bảo vệ của chúng tôi đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, và cam kết của chúng tôi đem lại các dịch vụ tốt hơn có lợi cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi. Đầu tư nước ngoài, đem lại cho Trung Quốc vốn, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý và nhân tài với tầm nhìn quốc tế, tất cả những gì cần thiết cho động lực hiện đại hóa của đất nước, đã đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc tôn trọng thông lệ chống phân biệt đối xử trong kinh doanh quốc tế và đã thực hiện đầy đủ nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và các cam kết khác của mình khi gia nhập WTO. Chúng tôi đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả các bên tham gia thị trường, trong đó có các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, và hoan nghênh mọi hình thức hợp tác giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và các đối tác Trung Quốc của họ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt bước đi tạo điều kiện cho đầu tư, loại bỏ đáng kể các danh mục đầu tư bị hạn chế và thực hiện một mô hình quản lý dựa trên nguyên tắc đãi ngộ quốc gia tại giai đoạn trước khi thành lập kết hợp với cách tiếp cận danh mục cấm. Bằng cách làm như vậy, chúng tôi có mục tiêu giải quyết kịp thời những lo ngại chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ và thúc đẩy một sân chơi bình đẳng với các đạo luật và chính sách cởi mở và công khai minh bạch, cùng với quản trị hiệu quả hơn.

Theo các cuộc khảo sát của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền khác, Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư. Những khẳng định về một môi trường đầu tư đang thay đổi tại Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào Trung Quốc là không có cơ sở. Trong năm 2014, Trung Quốc nhận được 120 tỷ USD đầu tư nước ngoài, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, và tiếp tục là điểm đến hàng đầu trong số các quốc gia đang phát triển trong 23 năm liên tiếp. Trong 8 tháng đầu năm 2015, khối lượng đầu tư nước ngoài thực sự được Trung Quốc sử dụng đã đạt mức 85,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi sẽ cải thiện các quy định về đầu tư nước ngoài, sửa đổi các đạo luật có liên quan và bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

Tôi hy vọng rằng các nước khác sẽ tiếp tục mở cửa thị trường của họ cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Chúng tôi phản đối chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách mang tính phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, sẵn sàng giải quyết thỏa đáng các tranh chấp kinh tế và thương mại với các nước có liên quan thông qua đàm phán và thúc đẩy một hệ thống kinh tế và thương mại đa phương cân bằng tập trung vào phát triển và tìm kiếm các kết quả đôi bên cùng thắng.

10. Chính phủ đã đặt ra các hạn chế mới và thông qua các luật giới hạn việc bày tỏ ý kiến trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Các trang tin tức của nước ngoài – kể cả các trang của tạp chí The Wall Street Journal – đã bị chặn. Trong khi đó, các nhóm phi lợi nhuận của nước ngoài đang cảm thấy lo lắng do một dự luật sẽ đặt ra các điều kiện cho các hoạt động của họ ở Trung Quốc. Phải chăng Trung Quốc đang mở cửa, hay là chính phủ đang lo ngại rằng ảnh hưởng của nước ngoài có thể gây ra tình trạng rối loạn trong xã hội Trung Quốc?

Tập Cận Bình: Là một trong số những sáng kiến vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Internet đã biến thế giới thành một “ngôi làng toàn cầu” bằng việc làm thay đổi sâu sắc cách thức con người sinh sống, làm việc và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển xã hội. Mặc dù mang tính toàn cầu rất cao, biên giới mới này không phải là một vùng đất nằm ngoài vòng luật pháp. Pháp trị cũng áp dụng cho Internet, với sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia có liên quan như trong thế giới thực.

Tự do và trật tự phải được duy trì đồng thời ở cả không gian mạng lẫn thế giới vật chất. Tự do là mục tiêu của trật tự, và trật tự là sự đảm bảo cho tự do. Chúng ta cần phải hoàn toàn tôn trọng quyền được bày tỏ bản thân của công dân, trong khi đồng thời, đảm bảo một trật tự không gian mạng hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các công dân.

Mạng Internet của Trung Quốc đang bùng nổ, đem lại những cơ hội và tầm nhìn thị trường to lớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chúng tôi hoan nghênh tất cả các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ miễn là họ tuân thủ luật pháp và các quy định của Trung Quốc và không làm điều gì gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Trung Quốc và lợi ích của người tiêu dùng Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế nói chung cần phải làm việc cùng nhau để xây dựng một không gian mạng hòa bình, an ninh, cởi mở và hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng lẫn nhau.

Trung Quốc công nhận vai trò tích cực của các tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài (NPO), hoan nghênh và ủng hộ sự phát triển của họ ở Trung Quốc và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và đem lại sự trợ giúp cần thiết. Xem xét nghiêm túc việc cung cấp dịch vụ và đưa ra quy định đối với các NPO nước ngoài ở Trung Quốc, chúng tôi sẽ điều chỉnh, cho phù hợp với luật pháp, các hoạt động của họ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tất cả các NPO nước ngoài cần phải tuân thủ luật pháp của Trung Quốc và tiến hành các hoạt động của họ trên cơ sở tuân thủ pháp luật và theo trình tự.

11. Chiến dịch chống tham nhũng mà ông đã bắt đầu là một trong những sáng kiến được lòng dân nhất ở trong nước. Những gì đang được thực hiện để các nỗ lực chống tham nhũng dựa nhiều hơn vào các quy tắc và thể chế? Liệu các quan chức có buộc phải báo cáo công khai tài sản của mình? Giới kinh doanh than phiền rằng chiến dịch này đang gây tổn thương cho nền kinh tế. Phải chăng ông đã sẵn sàng giảm bớt sự trấn áp để cứu giúp nền kinh tế?

Tập Cận Bình: Trấn áp tham nhũng là điều mà tất cả các nước phải làm và cũng là điều mà người dân của họ mong muốn nhìn thấy. Mục tiêu tối thượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Đảng của chúng tôi có được quyền là nhờ sự ủng hộ của người dân, do đó chúng tôi phải duy trì quan hệ máu thịt với nhân dân. Đảng không hoạt động xa rời mọi việc, do đó đảng không thể tránh khỏi có vấn đề theo kiểu này hay kiểu khác. Tham nhũng chỉ là một vấn đề dai dẳng trong số đó. Đảng phải có đủ can đảm để đối mặt với vấn đề này và sửa chữa nó thông qua việc tự thanh lọc và tự chấn chỉnh. Người dân của chúng tôi ghét tham nhũng hơn bất kỳ điều gì khác và chúng tôi phải hành động để xoa dịu những lo lắng của họ. Do đó, chúng tôi đã quyết định “đả hổ diệt ruồi”, những kẻ làm trái pháp luật bất chấp chức vụ của họ là gì. Kể từ Đại hội đảng lần thứ 18, chúng tôi đã tăng cường nỗ lực chống tham nhũng, xử lý một số lượng lớn quan chức tham nhũng theo pháp luật, kể cả một số quan chức từng nắm giữ các chức vụ rất cao, và đã nhận được sự ủng hộ và tán thành rộng rãi của người dân Trung Quốc.

Về việc xây dựng thể chế ở khía cạnh này, tôi muốn chia sẻ hai nhận xét mà tôi đã đưa ra. Thứ nhất là chúng tôi phải duy trì quyền lực trong bộ máy kiểm soát có hệ thống. Nhận xét còn lại là, công khai minh bạch là sự phòng ngừa tốt nhất trước nạn tham nhũng. Khi chúng tôi tiến xa hơn nữa trong chiến dịch chống tham nhũng, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng thể chế để các quan chức sẽ không dám và không thể tham nhũng và quan trọng hơn, không muốn đi theo con đường đó. Ngay lúc này, chúng tôi đang xây dựng và cập nhật các luật và quy định có liên quan để thực sự đưa quyền lực vào trong một bộ máy kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả. Về việc công khai tài sản của các quan chức, chúng tôi đã thông qua các quy định liên quan từ năm 2010 để yêu cầu việc báo cáo như vậy phải được kiểm tra và xác minh ngẫu nhiên hàng năm. Tỷ lệ báo cáo được xác minh đã tăng đều đặn, và sẽ không có ai được ngoại lệ. Nếu bất cứ ai bị phát hiện là không trung thực, họ sẽ bị trừng trị thích đáng.

Tôi từng nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không bao giờ kết thúc. Sự không khoan nhượng của chúng tôi đối với nạn tham nhũng sẽ không bao giờ thay đổi. Quyết tâm, dũng khí và sự nghiêm khắc trừng trị của chúng tôi nhằm loại bỏ nạn tham nhũng ra khỏi Đảng cũng sẽ không bao giờ thay đổi. Tất cả hành động tham nhũng đều phải bị xử lý. Các nỗ lực chống tham nhũng sẽ không làm tổn thương đến nền kinh tế. Trái lại, chiến đấu chống tham nhũng, kể cả các hành vi phạm pháp như tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, sẽ giúp xây dựng một chính phủ trong sạch, dỡ bỏ các chướng ngại cản trở các hoạt động của thị trường, thúc đẩy các nguyên tắc công bằng và đem lại một môi trường đầu tư và kinh doanh tốt hơn.

12. Ông đã công du nhiều nơi với tư cách là nhà lãnh đạo của Trung Quốc, và phu nhân của ông nổi tiếng với công việc của bà với tư cách là đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc. Từ những trải nghiệm của mình, ông nghĩ điều gì mà Mỹ và phần còn lại của thế giới không hiểu về Trung Quốc, và tương tự nhiều người Trung Quốc không hiểu gì về Mỹ và phần còn lại của thế giới?

Tập Cận Bình: 30 năm trước vào năm 1985, tôi đã dẫn đầu một phái đoàn tới Iowa để nghiên cứu công nghệ nông nghiệp. Đó là chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Mỹ. Tôi đã có ấn tượng sâu sắc với công nghệ tiên tiến của Mỹ và sự nồng ấm, tình hữu nghị của người dân Mỹ. Kể từ đó, tôi đã có một số chuyến công du tới Mỹ và cũng đã tiếp đón nhiều bạn bè Mỹ ở Trung Quốc. Từ những trải nghiệm cá nhân này, tôi có thể nói rằng người Trung Quốc và người Mỹ trân trọng những tình cảm hết sức thân thiết dành cho nhau. Vợ tôi là một nghệ sỹ biểu diễn và cũng là giáo sư về âm nhạc. Trong những năm gần đây, với tư cách là đại sứ thiện chí của WHO về bệnh lao và HIV/AIDS, đồng thời là đặc phái viên của UNESCO về sự tiến bộ về giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ, bà ấy đã gặp gỡ nhiều người Mỹ và nhiều người từ các tổ chức của các nước khác. Bà ấy cũng có những ấn tượng giống như tôi.

Những tương tác giữa các nước bắt đầu với người dân của họ. Các hoạt động trao đổi và tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta có một lịch sử lâu đời. Hơn 230 năm về trước, tàu buôn Empress of China của Mỹ đã băng qua các đại dương mênh mông đến Trung Quốc. Hơn 70 năm trước, người Mỹ đã kiên quyết bất chấp biển cả và hậu quả để giúp đỡ nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh anh hùng chống lại sự xâm lược của quân phiệt Nhật Bản. Ba mươi năm trước, Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, lật sang một chương mới trong biên niên sử giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Những gì đã diễn ra chứng minh rằng tình hữu nghị Trung-Mỹ vượt qua cả thời gian và không gian.

Như nhà hiền triết cổ của Trung Quốc là Mạnh Tử đã nói rằng: “Vạn vật khác biệt là lẽ tự nhiên”. Sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các nước quả thực là một vấn đề, nhưng cuộc sống là vậy. Với sự khác biệt rất nhiều về sắc tộc, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chế độ xã hội, trình độ phát triển và lối sống, có những điều về người khác mà người ta thấy rằng có thể hiểu được. Điều này là chắc chắn, nhưng để nói rằng, cũng đúng là bất kỳ thứ gì có vẻ là khó hiểu đều có thể hiểu được miễn là người ta sẵn sàng học hỏi và nỗ lực để nắm bắt thay vì bác bỏ hoàn toàn nó. Mọi nền văn minh, dù khác biệt và mang nhiều màu sắc khác nhau, đều có giá trị về sự hiện hữu của nó. Một đất nước hay một quốc gia cần phải trân trọng và bảo vệ văn hóa và giá trị riêng của mình, đồng thời công nhận và tôn trọng văn hóa và các giá trị của các nước khác. Trong khi cảm thấy tự hào về những thành tựu văn hóa của mình, một nước hay một quốc gia không được đóng sập cánh cửa với thế giới bên ngoài, lại càng không được tự cho phép đề cao bản thân mình. Tục ngữ Trung Quốc xưa có câu: “Trong quá trình học tập, nếu không dùi mài, trao đổi với bạn bè thì kiến thức sẽ trở nên nông cạn”. Chúng tôi sẵn sàng học hỏi từ các nền văn minh khác và tiếp tục phát huy các giá trị đã đi vào truyền thống của họ vượt qua các biên giới quốc gia và vẫn có sức hấp dẫn trong thời hiện đại. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ và các nước khác trong cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm sự tiến bộ chung thông qua hợp tác cùng thắng, để đem lại hạnh phúc to lớn hơn cho người dân Trung Quốc, đảm bảo hòa bình và phát triển cho người dân trên toàn thế giới.

Theo The Wall Street Journal

Trần Quang (gt)