Thăm dò của ABC News/báo "Bưu điện Oasinhtơn" ngày 14/12 cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ Tổng thống Barack Obama ở thời điểm hiện nay chỉ còn 48% so với 49% không ủng hộ. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm cầm quyền, tỷ lệ cử tri không ủng hộ ông Obama cao hơn tỷ lệ cử tri ủng hộ. Như vậy, kể từ khi lên cầm quyền đầu năm 2009 tới nay, tỷ lệ cử tri có cái nhìn tích cực về ông Obama đã giảm 31%, từ đỉnh cao 79%. Theo thăm dò của Gallup đầu tháng 12, có 76% cử tri cho rằng hầu hết các nghị sỹ đương nhiệm của Quốc hội khóa 112 không xứng đáng được bầu lại.

Kinh tế Mỹ năm 2011 tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo, nhưng đến ngày 13/12 trong phiên họp cuối cùng năm 2011, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà mở rộng ở mức vừa phải với những dấu hiệu tích cực gồm mức chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn, đầu tư của các doanh nghiệp gia tăng và thị trường lao động cũng đã được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên, FED cảnh báo rằng sự căng thẳng của thị trường tài chính toàn cầu, nhất là các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng nợ đang có chiều hướng lan rộng ở châu Âu, đang tiếp tục đặt ra những rủi ro và thách thức đối với viễn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức cao (từ 9-9,2%). Tổng số người thất nghiệp đến tháng 11 là 13,3 triệu. Chính quyền Obama dự báo thâm hụt ngân sách liên bang năm 2011 khoảng 1.590 tỷ USD, so với mức thâm hụt 1.560 tỷ năm 2010. Đến tháng 10/2011, thâm hụt mậu dịch của Mỹ là 465,22 tỷ USD so với 420,73 tỷ trong 10 tháng đầu năm 2010. Nợ công tiếp tục gia tăng, đến cuối năm là 15.000 tỷ USD (100% GDP). 

Từ ngày 17/9/2011, nước Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn bởi làn sóng biểu tình "Chiếm Phố Uôn" lan rộng trên khắp 50 bang phản đối các chính sách bất công, chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số 1% những người giàu có, buộc cảnh sát một số thành phố như Niu Yoóc, Los Angeles, Portland phải sử dụng vũ lực để phá dỡ lều trại, bắt giữ hơn 4.000 người. 

Từ giữa năm 2011, các ứng cử viên tiềm tàng của đảng Cộng hòa đã bước vào chiến dịch vận động tranh tấm vé của đảng này. Ngày 3/1/2012 sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại bang Iowa, nhưng cử tri vẫn chia rẽ sâu sắc xung quanh việc lựa chọn ứng cử viên nào của đảng Cộng hòa. Về lực lượng, đảng Dân chủ gần như chắc chắn chỉ có đương kim Tổng thống Barack Obama. Đến hết năm 2011, danh sách ứng cử Cộng hòa còn 8 người. Có tới 70% số cử tri được hỏi ý kiến nói rằng tình hình kinh tế sẽ là yếu tố quyết định nhất tới lá phiếu của họ trong năm 2012.

Năm 2011, nước Mỹ có một số quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại. Đáng chú ý nhất là sự chuyển hướng mạnh mẽ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Hillary Clinton, khi phát biểu tại Hội nghị APEC tháng 11/2011, khẳng định: “Chúng ta ngày càng thấy rõ trong thế kỷ 21 trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới là khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Tổng thống Obama đã chủ trì hội nghị APEC tại Hawaii và lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Inđônêxia tháng 11/2011. Chuyến thăm đầu tháng 12 của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Mianma được coi là mang tính lịch sử và nằm trong những việc làm cụ thể chứng minh cho sự coi trọng châu Á, trong đó có ASEAN.

Tổng thống Obama đã làm đúng lời hứa với cử tri khi quyết định chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 9 năm tại Irắc từ ngày 18/12, sớm hơn thời điểm đặt ra vào ngày 31/12. Quyết định này được dư luận cho là mang nặng tính chất chính trị của năm bầu cử 2012. Tuy nhiên, ngay sau Mỹ hoàn tất việc rút quân, ngày 22/12 tại Bátđa đã liên tục xảy ra các vụ đánh bom khủng bố làm hơn 200 người bị chết và bị thương. Do tình hình Irắc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sau khi rút quân, Mỹ đã và đang bố trí lại lực lượng trong khu vực, gia tăng hợp tác quân sự với các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 23/12, Lầu Năm Góc thông báo đã hoàn tất giai đoạn 1, rút 10.000 lính tăng viện năm 2009 ra khỏi Ápganixtan, 23.000 quân tăng viện còn lại sẽ rút vào cuối tháng 9/2012 và năm 2014 sẽ rút toàn bộ lính Mỹ còn lại ra khỏi Ápganixtan. Hiện tại có khoảng 91.000 lính Mỹ đang triển khai tại Ápganixtan.

Trong năm 2011, quan hệ của Mỹ với Pakixtan căng thẳng hơn do Mỹ liên tục vi phạm không phận, nhất là vụ không kích ngày 25/11 làm 24 lính Pakixtan bị thiệt mạng. Với Iran, Mỹ không ít lần dọa nạt, gần nhất là ngày 20/12 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trả lời phỏng vấn CNN cảnh báo nếu Iran tiếp tục theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân “Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn". Cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn bế tắc suốt từ năm 2008. Sau cái chết của Kim Châng In ngày 17/12, Mỹ bày tỏ hy vọng về một sự thay đổi, nhưng cũng lo ngại tình hình Bắc Triều Tiên sẽ xấu hơn.

Năm 2011, Mỹ đã kích động, hỗ trợ cả bằng bom đạn giúp các lực lượng đối lập tại một loạt nước Trung Đông xuống đường biểu tình lật đổ các chế độ cầm quyền ở Tuynidi, Ai Cập, Libi và đang gây áp lực từ nhiều phía và bằng nhiều biện pháp để lật đổ chính quyền Xyri.

Tháng 6/2011, Nhà Trắng công bố Chiến lược Quốc gia mới về chống khủng bố, xác định mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiếp tục là trọng tâm nhưng lần đầu tiên xác định an ninh nội địa là một ưu tiên trọng tâm. Để thực hiện chiến lược này, ngày 8/12/2011, Chính quyền Obama công bố kế hoạch thực thi chiến lược chống khủng bố mới.

Năm 2011, quan hệ Mỹ-Trung thường xảy ra các cuộc khẩu chiến về chính sách tiền tệ, trả đũa lẫn nhau về thương mại, giành giật ảnh hưởng lẫn nhau tại các khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/11 cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đã “mất kiên nhẫn và nổi giận” với việc Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về thương mại. Trung Quốc kịch liệt phản đối Mỹ hồi tháng 9/2011 bán vũ khí cho Đài Loan, chỉ trích Mỹ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh với thỏa thuận triển khai quân tại Ôxtrâylia. 

Quan hệ Mỹ-Nga trong năm 2011 không suôn sẻ, từ việc Mỹ kiên quyết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, tới việc Nga phản đối Mỹ và phương Tây can thiệp vào Xyri. Quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng hơn vào đầu tháng 12 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton cáo buộc cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) ngày 4/12 ở Nga vừa không tự do vừa không công bằng. Thủ tướng Vladimir Putin chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ, kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Nga. Điểm sáng trong quan hệ hai nước là hoàn tất đàm phán để Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Thùy Anh (gt)