‘Minh bạch hóa’ - công cụ mới phục vụ ‘chiến tranh thông tin’ trên Biển ĐôngTàu cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ảnh được phóng viên AP chụp từ một tàu khác của Philippines cuối tháng 4/2023. 

Các công cụ “minh bạch hóa” thông tin

Các kênh chính thức (của quân đội, cảnh sát biển hay Bộ Ngoại giao – Chính phủ…) là lựa chọn phổ biến của các nước khi muốn công bố thông tin về các diễn biến thực địa. Philippines là nước tận dụng tổng hòa các công cụ này. Ví dụ, sau vụ tàu cảnh sát biển Trung Quốc chiếu la-de vào tàu Philippines tại Trường Sa vào tháng 2/2023, Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines về Biển Đông Jay Tarriela đã tuyên bố lực lượng này sẽ công bố “mọi vụ xâm nhập của Trung Quốc” ở biển Đông”[1], đồng thời đưa ra ảnh chụp các tàu chiến, tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển Trung Quốc ở Trường Sa và Scarborough. Bộ Ngoại giao Philippines cũng nhanh chóng vào cuộc, ra các tuyến bố phản đối giải thích của Trung Quốc về vụ việc[2].

Mỹ thường sử dụng “chiến thuật” kết hợp tuyên bố chính thức với các bằng chứng thực địa, công bố video tố cáo đối phương có động thái “nguy hiểm” – chiến thuật trước đây đã được sử dụng nhiều nhằm vào Nga - tới Biển Đông. Ví dụ, vào tháng 12/2022, quân đội Mỹ công bố một video cáo buộc máy bay J-11 của hải quân Trung Quốc có hành vi không an toàn với máy bay RC-135 của không quân Mỹ ở Biển Đông, khoảng cách giữa hai máy bay có lúc chưa đầy 20 foot (khoảng 0,6 m)[3]. Tháng 5/2023, Mỹ tiếp tục ra tuyên bố tương tự trong vụ việc giữa máy bay J-16 của Trung Quốc và RC-135 của Mỹ[4]. Ngoài ra, quân đội Mỹ tiếp tục công khai các FONOP tập trận và những lần đưa nhóm tàu sân bay đến Biển Đông, bác bỏ lập trường “Trung Quốc đuổi tàu Mỹ” từ phía Trung Quốc.

Các kênh chính thức của Trung Quốc ít khi chủ động công bố các động thái của đối phương ở Biển Đông nhưng thường đăng thông tin để đáp trả mỗi khi các bên khác công bố thông tin trước hay có các động thái Trung Quốc coi là “xâm phạm” vùng biển nước này. Ví dụ, sau khi Mỹ tung video về vụ đụng độ trên không tháng 12/2022, Trung Quốc cũng công bố một video quay từ máy bay của nước này và cáo buộc Mỹ mới là bên có hành vi không an toàn[5].Trong một vài trường hợp, thông tin từ phía Trung Quốc nhanh hơn hoặc kỹ hơn thông tin của Mỹ. Ví dụ, ngày 23/3, Trung Quốc đã công bố tàu Mỹ “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở Hoàng Sa”, trong khi phải đến hôm sau Mỹ mới tuyên bố thực hiện FONOP. Sau khi tàu tuần dương USS Chancellorsville của Mỹ thực hiện FONOP gần đá Chữ Thập ngày 29/11/2022, Chiến khu Nam bộ Trung Quốc công bố bản đồ đường đi chi tiết của tàu[6] (tuyên bố của Mỹ thậm chí không nói rõ thực thể[7]).

Ngoài các kênh thông tin chính thức, các bên cũng tận dụng truyền thông – học giả trong nước và quốc tế để tuyên truyền nhằm vào đối phương. Về phía Mỹ, ngày 24/2, Mỹ mời phóng viên của một số tờ báo lớn như CNN[8], Wall Street Journal[9] và NBC[10] tham gia chuyến bay trinh sát qua quần đảo Hoàng Sa để ghi lại cảnh máy bay này bị máy bay Trung Quốc áp sát ở cự ly gần. Hai tháng sau, ngày 23/4, Philippines cũng mời hàng loạt cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế như AP[11], BBC[12], AFP[13], CNA[14]… lên một tàu cảnh sát biển tuần tra trên Biển Đông để chứng kiến tàu nước này và tàu Trung Quốc áp sát nhau, “lời qua tiếng lại” ở Biển Đông. Dư luận quốc tế sau vụ việc khá có lợi cho Philippines, một số nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Pháp và Nhật Bản đều lên tiếng ủng hộ Manila[15].

Các nước cũng tiếp tục sử dụng kênh học giả và mạng xã hội để “minh bạch hóa” hoạt động của đối phương. Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI), tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc, ra báo cáo hàng tháng và hàng năm về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông; công bố thông tin vị trí các tàu của Mỹ hoạt động trên Biển Đông. SCSPI cũng thường xuyên theo dõi và công bố thông tin về hoạt động của các tàu cá Việt Nam trên biển. Ở chiều ngược lại, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) - có trụ sở tại Mỹ - cũng có các báo cáo về hoạt động của các nước trên Biển Đông, đặc biệt là hoạt động của Trung Quốc. Học giả Philippines và Mỹ cũng thường xuyên dùng các tài khoản mạng xã hội để chia sẻ thông tin thực địa trên Biển Đông thu được từ ảnh vệ tinh và AIS[16].

Nhận xét

Các bên đều tăng cường “minh bạch hóa” diễn biến thực địa nhưng Mỹ và Philippines ở vị trí chủ động hơn Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ và Philippines dễ dàng và sẵn sàng thu hút các kênh truyền thông quốc tế, mời phóng viên ra thực địa hơn so với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ báo chí trong nước. Các cơ quan thông tấn và báo chí của Trung Quốc thường xuyên đăng tải các hình ảnh hoạt động quân sự và dân sự của nước này ở Biển Đông nhưng mang đậm màu sắc đối nội, không đẩy quá mạnh truyền thông ra dư luận quốc tế. Thứ hai, Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng tình hình Biển Đông “về cơ bản vẫn ổn định”[17], trái với nhận định công khai của các quốc gia khác cho rằng tình hình Biển Đông gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Trung Quốc ít có động lực “minh bạch hóa” các hoạt mang tính “mất ổn định” hơn các nước khác. Thứ ba, đa số các động thái “công khai hóa” năm 2023 của Trung Quốc nhằm vào hoạt động của Mỹ chứ không phải các quốc gia khác có yêu sách trên Biển Đông, có thể do Trung Quốc muốn thúc đẩy lập luận rằng Mỹ là yếu tố khiến tình hình khu vực bất ổn.

Minh bạch hóa có thể giúp quản lý tranh chấp tốt hơn nhưng cũng có thể là công cụ các bên để tiến hành “chiến tranh thông tin” trên Biển Đông. Thứ nhất, các nước có thể ngụy tạo hoặc diễn giải sai dữ liệu về hoạt động của các quốc gia khác để phục vụ mục đích tuyên truyền (vi dụ, SCSPI từng cáo buộc tàu cá của Việt Nam xâm phạm trái phép vùng biển Hải Nam nhưng báo cáo này bị học giả Việt Nam coi là “vô lý và vô căn cứ”[18]). Thứ hai, các nước có xu hướng chỉ tập trung “minh bạch hóa” hoạt động của đối phương. Dẫn chứng về FONOP của Mỹ kể trên cho thấy hoạt động của Mỹ tại Biển Đông chỉ được công khai một cách tương đối. Thứ ba, mỗi quốc gia cũng có các mục tiêu khác khi “minh bạch hóa”, bao gồm: trấn an dư luận (dư luận Philippines thường đòi hỏi chính phủ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông); xây dựng hình ảnh của một quốc gia tôn trọng và sẵn sàng bảo vệ luật quốc tế (Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng khẳng định mình tuân thủ UNCLOS); phô trương sức mạnh (Trung Quốc có thể muốn khẳng định hải quân của mình đủ năng lực đối phó với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông).

Cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi quốc gia đều tăng cường “minh bạch hóa”. Ví dụ điển hình là Malaysia. Bất chấp việc Trung Quốc thường xuyên điều hải cảnh hoạt động gần dự án khí Kasawari của Malaysia[19] hay điều tàu Hải dương Địa chất 08 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia từ tháng 6/2023, Malaysia dường như vẫn tiếp tục chính sách “ngoại giao thầm lặng”, vẫn điều tàu ra đối phó[20] nhưng không chủ động trong thông tin.

Nhìn chung, một số quốc gia liên quan đến Biển Đông đang đẩy mạnh xu hướng “minh bạch hóa”, tăng cường công bố thông tin trên thực địa, nhất là các hoạt động của đối phương nhằm đạt được lợi thế trên mặt trận dư luận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá xu hướng này sẽ khiến tình hình Biển Đông “nóng lên” hay “hạ nhiệt”.

Việt Hà

 

[1] https://news.abs-cbn.com/news/02/27/23/pcg-says-to-report-all-china-incursions-in-west-ph-sea

[2] https://www.cnnphilippines.com/news/2023/2/17/ph-rejects-china-claim-laser-incident.html

[3] https://www.dvidshub.net/video/869869/unsafe-intercept-us-aircraft-over-south-china-sea

[4] https://www.pacom.mil/Media/News/News-Article-View/Article/3410337/usindopacom-statement-on-unprofessional-intercept-of-us-aircraft-over-south-chi/

[5] https://www.globaltimes.cn/page/202212/1283004.shtml

[6] https://www.globaltimes.cn/page/202211/1280691.shtml

[7] https://www.c7f.navy.mil/Media/News/Display/Article/3229885/7th-fleet-cruiser-conducts-freedom-of-navigation-operation-in-south-china-sea/

[8] https://www.cnn.com/2023/02/24/asia/us-navy-south-china-sea-flyover-intl-hnk-ml/index.html

[9] https://www.wsj.com/articles/chinese-jet-fighters-step-up-pressure-on-u-s-aircraft-over-south-china-sea-c2d1ac88

[10] https://www.nbcnews.com/news/world/south-china-sea-us-patrol-chinese-fighter-jet-philippines-taiwan-rcna71922

[11] https://apnews.com/article/philippines-patrol-disputed-south-china-sea-spratlys-6c75f23edcd5ad6c94cd841850fbc358

[12] https://www.bbc.com/news/world-asia-65421115

[13] https://www.youtube.com/watch?v=Bn9JNvfcgFQ

[14] https://www.youtube.com/watch?v=A_XiA_QQI-Q

[15] http://www.cnnphilippines.com/news/2023/5/2/other-countries-slam-near-collision-West-Philippine-Sea-.html

[16] https://twitter.com/GordianKnotRay

[17] https://english.news.cn/20230604/03ccadf2cf1a4717a1f70b20c977e81f/c.html

[18] https://thanhnien.vn/cao-buoc-tau-ca-viet-nam-bao-vay-hai-nam-vo-ly-va-vo-can-cu-185940919.htm

[19] https://amti.csis.org/perilous-prospects-tensions-flare-at-malaysian-vietnamese-oil-and-gas-fields/

[20] https://www.janes.com/defence-news/news-detail/malaysia-deploys-support-ship-to-south-china-sea-in-wake-of-another-eez-incursion