Các nhà lãnh đạo khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương lo ngại rằng Hoa Kỳ không có đủ cam kết về vai trò của mình ở khu vực.

Bốn tháng trước, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã đưa ra tuyên bố rằng Singapore sẽ không tham gia chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở và Tự Do (FOIP) bởi ông không biết những chi tiết cụ thể của chính sách này là gì.

Trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về FOIP. Vào thời điểm đưa ra tuyên bố có liên quan đến chính sách này, Tổng thống Donald Trump mới chỉ đưa ra một số dự kiến triển khai khá giới hạn về chiến lược trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương và trong một sự kiện báo chí tại Bộ Ngoại giao. Ở thời điểm đó, cộng đồng thế giới chỉ biết rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một trật tự quốc tế dựa trên sự hợp tác của các nước ASEAN. Tuyên bố của Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 15-5- 2018 đã cung cấp một tuyên bố rõ ràng hơn về các nguyên tắc cho hai yếu tố “tự do” và “mở”, thế nhưng lại không nói rõ cách thức thực hiện để đạt được những nguyên tắc này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri- la để làm nổi bật tầm quan trọng trong việc các nước tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương hợp tác định hình tương lai của khu vực. Ông Mattis đã đề xuất bốn chủ đề chính của FOIP:

1.   Mở rộng sự quan tâm vào vấn đề không gian biển;

2.   Cải thiện khả năng tương tác giữa các đối tác;

3.   Tăng cường thắt chặt việc thực thi luật pháp, xã hội dân sự, và quản trị minh bạch;

4.   Phát triển các khu vực kinh tế tư nhân.

Những ý tưởng này sẽ đưa ra một bản phác thảo cho FOIP theo hướng mà Hoa Kỳ mong muốn. Thế nhưng, vẫn chưa có bất kỳ sáng kiến cụ thể nào khiến các lãnh đạo các quốc gia trong khu vực này thật sự tin tưởng để có thể đi theo.

Sự lưỡng lự của các lãnh đạo khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cũng rất dễ hiểu. Họ đã nhiều lần được Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp đỡ, thế nhưng kể từ cuộc tấn công của Al Qaeda vào năm 2001, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thể hiện những cam kết này không phải lúc nào cũng thuyết phục. Các lãnh đạo trong khu vực tiếp tục lo sợ Hoa Kỳ sẽ không hoàn tất cam kết vai trò của mình ở  khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bị phân tán chính sách trong cuộc khủng hoảng tiếp theo, và không có khả năng xây dựng một cơ cấu đủ mạnh để có thể duy trì sự ổn định khi đối mặt với căng thẳng gia tăng.

Vượt qua rào cản ngoại giao

Để có thể thành công, FOIP buộc phải thuyết phục được các lãnh đạo trong khu vực rằng Hoa Kỳ đang xây dựng một trật tự khu vực đáng để tham gia. Quan trọng nhất là việc các nguyên tắc và ý tưởng mang tính khả thi và Hoa Kỳ phải chứng minh được sự sẵn sàng cũng như khả năng thực hiện tầm nhìn của họ. Đối với các nhà hoạch định chiến lược, tuy Hoa Kỳ đã cho thấy được các mục tiêu và ý tưởng thực hiện, thế nhưng điều mà các đối tác trong khu vực muốn thấy lại là các công cụ được sử dụng để thực hiện, điều mà đến thời điểm này vẫn chưa được tiết lộ.

Nỗi lo ngại của các nước khu vực trong việc tham gia vào cam kết mong manh của Hoa Kỳ cho thấy FOIP nên được triển khai một cách nhanh chóng. FOIP là hợp tác tự nguyện, do đó các công cụ sử dụng cho FOIP phải hoà hợp, gắn kết với các đối tác. Cách thức thực hiện chính sách nên khuyến khích các nước trong việc tham gia vào các sáng kiến mang tính chất duy trì trật tự mà FOIP theo đuổi để họ trở nên quen thuộc hơn trong việc hợp tác cùng chung mục đích đó. Ngoài ra, Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và các ý tưởng FOIP đặt ra yêu cầu đối với những hành động nhằm mở rộng các yếu tố sức mạnh quốc gia như ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế. Do đó, khi gắn kết các yếu tố với nhau, những luận điểm này cho thấy các sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm thực hiện FOIP cần thu hẹp trọng tâm hơn, cần đa dạng, dễ tham gia và dựa trên lợi ích.

Bài viết này đề xuất việc Hoa Kỳ thúc đẩy các sáng kiến nhỏ mà các đối tác có thể tham gia lựa chọn, dựa theo lợi ích mà họ mong muốn. Kế hoạch này cũng khuyến khích các đối tác chủ động và đề xuất các sáng kiến bổ sung mà Hoa Kỳ sẽ tham gia nếu thích hợp. Khuôn khổ của các liên minh nhỏ không phải là bước tiến mới trong việc thiết lập các hiệp ước liên minh mà là một hệ thống các nhóm đan xen theo đuổi lợi ích chung. Từ đó, Hoa Kỳ hãy nên bắt đầu thiết lập các cộng đồng có lợi ích chung (CCI).

Lợi ích cơ bản

Các quốc gia không bị thúc đẩy bởi một khuôn khổ nhất định, hay mệnh lệnh mà họ phải tuân theo. Thay vào đó, họ luôn tìm cách theo đuổi các lợi ích riêng cho bản thân, tìm kiếm và duy trì các giá trị riêng, và tăng cường các lợi ích kinh tế. Thông thường, hiệu quả của những nỗ lực này phát triển thông qua hợp tác với các nước khác. Tuy nhiên, sự hợp tác không thể diễn ra dưới sự ép buộc hay khi không có bất kỳ lợi ích chung nào tồn tại.

Thông qua các CCI, Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm những vấn đề có lợi ích chung với các nước khác trong khu vực và bắt đầu cùng nhau thực hiện các hoạt động để đạt được hoặc duy trì các lợi ích đã được nhắm tới. Những lợi ích chung cần định nghĩa một cách cụ thể để tiến trình xác định ý nghĩa được giới hạn phạm vi, giúp cho CCI nhanh chóng đi vào hoạt động. Điều quan trọng hơn đó là Hoa Kỳ không nên để bị phân tâm bởi mong muốn theo đuổi việc xây dựng một hệ thống an ninh khu vực toàn diện mà thay vào đó nên bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản hơn để nhiều quốc gia có thể tham gia hỗ trợ. Theo đó, các khái niệm sẽ nhanh chóng được thiết lập và cũng đồng thời chứng minh tính hiệu quả của CCI.

Một ý tưởng tương tự đã được Rory Medcalf và C. Raja Mohan đưa ra vào năm 2014 trong “Ứng phó với sự cạnh tranh trong Ấn Độ - Thái Bình Dương: Liên minh Úc, Ấn Độ và các nước trung cường”. Trong bài này, hai tác giả đã tranh luận về cách tiếp cận an ninh khu vực xoay quanh “liên minh các nước trung cường” trong khu vực. Bỏ qua các cơ cấu hoặc tổ chức mà họ cho là không khả thi, Medcalf và Mohan đã lựa chọn ý tưởng “tập hợp các nhóm liên minh đan xen nhằm tăng cường an ninh quốc gia của các thành viên thông qua các quan hệ hợp tác linh hoạt dựa trên địa lý, sức mạnh, các lợi ích hoặc các mục tiêu hoạt động chung”. Các tác giả đã tránh xác định Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là thành thành viên của các nhóm liên minh này, không phải vì quy mô hay sức ảnh hưởng khi hai quốc gia này tham gia, mà vấn đề là các liên minh cụ thể được thiết lập dựa trên lợi ích chung, là những lợi ích bổ sung thêm cho khái niệm giá trị.

FOIP là một chính sách quan trọng trong vấn đề này bởi nỗ lực xác định các giá trị chung làm nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực, không chỉ với với đồng minh của hiệp ước mà còn cả với các đối tác truyền thống. Hoa Kỳ và các nước trong khu vực nên tìm ra những lợi ích cụ thể mà các bên nhất trí và xây dựng các liên minh, không phải bằng việc chọn phe phái mà là lợi ích, đặc biệt là lợi ích chung về an ninh, ổn định và tự do theo đuổi sự thịnh vượng của quốc gia.

Phương pháp tiếp cân toàn vùng 

Các vấn đề xung quanh các liên minh đa phương dựa trên lợi ích có thể được xây dựng dựa trên các yếu tố sức mạnh của một quốc gia, thế nhưng lại không cần phải thực hiện một cách toàn diện. Mỗi CCI cụ thể có thể mở rộng sự tham gia của hai quốc gia hoặc toàn bộ khu vực. Điểm khởi đầu tự nhiên là thực thi pháp luật, tập trung vào các vấn đề cụ thể. Trên thực tế, việc thực thi pháp luật là một lĩnh vực đã có sự hợp tác nổi bật. Thay vì lặp lại các diễn đàn hoặc các cơ chế chia sẻ thông tin hiện có, CCI nên tập trung vào các hành động bảo vệ các lợi ích trực tiếp trong việc duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Phòng chống nạn buôn người (CTIP) là một trong những lĩnh vực mà hợp tác quốc tế đã diễn ra, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục , chia sẻ thông tin và hồi phục. Từ đó, việc hình thành CCI đã trở thành một điều tất yếu từ sự hợp tác. Việc thực hiện nhóm CCI cho CTIP có thể mang hình thức tạo ra các nhóm tuần tra với thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau luân phiên điều hành  một loạt tàu thuyền hoạt động trên biển. Những cuộc tuần tra này sẽ được diễn ra dựa trên các thông tin thu thập liên quan đến các lộ trình di chuyển các tàu buôn người và ngăn chặn quá trình này diễn ra. Mặc dù đã tập hợp dưới một mục đích cụ thể- CTIP trên biển- nhóm CCI này đã tăng cường được các giá trị về tự do và mở của cá nhân, quốc gia và thương mại. Đồng thời cũng như thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một kế hoạch an ninh khu vực mới và tăng cường tầm quan trọng của các quốc gia trong khu vực với tư cách là thành viên tham gia và cũng là những người có lợi trong hợp tác an ninh.

Các cuộc tuần tra trên biển luôn thu hút đối với các đối tác bởi hoạt động này không chỉ nhấn mạnh việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế mà còn tập trung vào các đề tài chiến lược liên quan đến môi trường biển và khả năng tương tác. Các CCI biển khác có thể củng cố các hiệp ước quốc tế hoặc bảo vệ các tuyến đường biển quốc tế nhằm thúc đẩy hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Không chỉ vậy, các CCI trên biển còn tạo điều kiện cho các đối tác xậy dựng các mối quan hệ, nâng cao kỹ thuật và các lộ trình hoạt động bảo đảm khả năng tương tác trong một cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó, việc yêu cầu cắt giảm các chi phí và sử dụng tiền thuế một cách hiệu quả giúp khuyến khích các hoạt động nhỏ hơn, tận dụng được các nguồn lực khác nhau của các nước đối tác. Tuy vậy, các sáng kiến FOIP cụ thể cần phải được thúc đẩy, nghĩa là mọi việc không chỉ dừng lại với việc tuần tra trên biển. Các nước cần phải hình thành các CCI đề cao quyền lợi và hợp tác phát triển các phương pháp bảo vệ những quyền lợi đó.

Thúc đẩy nguyên tắc giao dịch

Bảo vệ các quyền cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến ý tưởng phát triển khu vực tư nhân, bao gồm quyền giao dịch tài sản của các cá nhân theo một hệ thống quốc tế tự do và mở. Các doanh nghiệp thường gặp các rào cản thuế quan và hàng rào phi thuế quan cả trong và ngoài nước. Điều này hạn chế các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường giao dịch, nơi được cho là điểm đến cho các khoản đầu tư và nguồn thu lợi nhuận. Nói cách khác, các quốc gia đang đứng trên đà phát triển kinh tế cho các cá nhân tham gia vào bất kỳ giao dịch thương mại nào diễn ra trong thẩm quyền của mình.

Tự do hoá thương mại theo FOIP không nên được đưa ra bởi hàng trăm đại biểu đến từ các nước khác nhau khi mà họ đang nỗ lực đạt được các thỏa thuận toàn diện. Xét cho cùng, các giao dịch thương mại quốc doanh vẫn thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Việc tự do hoá thương mại thông qua các hiệp ước của chính phủ dù sao vẫn tốt hơn là không bao giờ tự do hoá thương mại. Tuy nhiên, các hiêp định thương mại vẫn có sự can dự của nhà nước, với việc các quan chức lựa chọn kẻ thắng và người thua về mặt kinh tế.

Nhóm CCI về tự do kinh tế có thể được xây dựng bằng cách chọn một loại hang hoá hay dịch vụ cụ thể và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ loại bỏ tất cả các thuế quan đối với bất kỳ nền kinh tế nào sẵn sang làm điều tương tự. Khi một đối tác đồng ý, sang kiến đó sẽ trở thành CCI và bất kỳ nước nào trong khu vực cũng có thể tham gia cam kết theo đuổi quyền lợi chung của họ. Đặc biệt là các lợi ích về tự do kinh tế và mở cửa cho các hàng hoá hay dịch vụ được đưa ra. Tiếp theo, thuế quan hoặc các rào cản thương mại sẽ được xoá bỏ và một CCI khác sẽ được hình thành. Khi cộng đồng phát triển, sức mạnh của các yếu tố kinh tế cá nhân sẽ bắt đầu kết nối với các quốc gia nhanh hơn bất kỳ sáng kiến nào do nhà nước trực tiếp hoạch định, và sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho tất cả các đối tác liên quan.

Cách tiếp cận này về cơ bản sẽ thay đổi bản chất về sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực. Thay vì thuyết giảng về những lợi ích của nền kinh tế tự do, Hoa Kỳ sẽ chứng minh bằng cách thiết lập các mối quan hệ các bên đều có lợi. Những người tìm thấy lợi ích chung trong hợp tác sẽ được hưởng những lợi ích, đó chính là một cách quảng cáo cho giá trị của một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Một Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên lợi ích

Theo như những gì Tổng thống Donald Trump đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương năm ngoái, ông hy vọng các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ đặt lợi ích quốc gia của mình lên hàng đầu. Việc một nhà nước bảo vệ lợi ích riêng của mình không chỉ là một trong những quyền lợi chính đáng mà đó còn là tiền đề cần thiết cho một mối quan hệ hợp tác thành công. Chỉ khi xác định được điểm song trùng lợi ích thì các bên mới có thể giao dịch hay hợp tác, mang đến lợi ích cho tất cả các bên. FOIP thúc đẩy những ý tưởng này bằng cách ủng hộ các cá nhân và quốc gia không bị khuất phục trước những hành động cưỡng ép và được tự do mưu cầu lợi ích.

Tương tự, FOIP thúc đẩy sự cởi mở, không bị cản trở nhằm tạo dựng các mối liên kết cần thiết cho phát triển thương mại và hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên, với các thông tin hiện tại của FOIP, thì sáng kiến này vấn còn thiếu các công cụ để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên lợi ích. Các CCI có thể sẽ là câu trả lời, đây sẽ là các phương tiện chiến lược giúp FOIP gắn kết các nước trong khu vực với nhau thông qua quá trình hợp tác.

Khi Hoa Kỳ mở rộng trên khắp lục địa Bắc Mỹ, nhà lý luận chính trị người Pháp ông Alexis de Tocqueville bị ấn tượng bởi cách hình thành từ các hiệp hội đa dạng, độc lập và đan xen, từ các nhóm đan xen tới câu lạc bộ thương mại cho đến các đảng phái chính trị trong thời kỳ đầu của một Hoa Kỳ theo xu hướng Cộng Hoà, tất cả được hòa quện thành một kết cấu ổn định từ các nhóm khác nhau, dựa trên hợp tác vì lợi ích chung. Tương tự như ví dụ của Hoa Kỳ, CCI có thể xây dựng một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương thành một nhóm có lợi ích chung với mục đích bảo vệ an ninh khu vực, tạo sự ổn định cho các nước tham gia và cho phép họ theo đuổi các lợi ích kinh tế quốc gia trong một môi trường tương tác tự do và thương mại mở.

Để đảm bảo môi trường mở có thể tồn tại lâu dài, một nền tảng vững chắc là điều cần thiết, không chỉ đối với FOIP nói chung mà còn cần phải giúp gắn kết các nhóm CCI vào cùng một khuôn khổ. Do đó, ASEAN sẽ trở thành tổ chức đứng ở trung tâm khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và đảm bảo những bất đồng sẽ được giải quyết qua các cuộc đối thoại và có sự tôn trọng đối với các thành viên. Với vai trò là đối tác an ninh toàn khu vực, Hoa Kỳ cần phải hợp tác chặt chẽ với ASEAN để đảm bảo các nước thành viên tin tưởng vào cách tiếp cận khu vực này,  hình thành thêm nhiều CCI đan xen và phải gắn kết với một hoặc các diễn đàn đối thoại ASEAN.

Việc xây dựng dựa trên tiến trình hợp tác, đối thoại, liên kết tự do và tìm kiếm lợi ích chung, ASEAN có thể sẽ là bộ khung, trong đó FOIP sẽ là chất liệu hình thành nên toàn bộ bức tranh. Nếu không có các sợi dây liên kết, thì rất khó để FOIP và ASEAN tạo được ảnh hưởng lên cấu trúc an ninh khu vực. Do đó, các nhóm CCI chính là những công cụ có giá trị giúp gắn kết khu vực lại với nhau, hành động theo những ý tưởng mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã vạch ra, đồng thời đạt được các nguyên tắc giúp biến FOIP chỉ từ những điểm thảo luận thành một cấu trúc an ninh khu vực mới và mang tính hợp tác.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không thể hiện chính sách hay lập trường chính thức của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á- Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (APCSS), Bộ Quốc phòng, hay Chính phủ Hoa Kỳ.

Trung tá McDonald là sĩ quan điều khiển xe tăng chiến đấu và là quân nhân Sĩ quan Phụ trách Trung Quốc thuộc Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Ông từng giữ vai trò tuỳ viên và thựa hiện các chương trình hoạt động tại Ấn Độ- Thái Bình Dương Hiện ông Giáo sư quân đội tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á- Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Honolulu,  Hawaii. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Lê Khanh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)