Mở màn danh sách này là cuộc gặp thượng đỉnh ngày 19/2 tại Toluca, Mexico, ở đó ông Obama sẽ gặp Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Stephen Harper. Bộ ba Bắc Mỹ này có nhiều vấn đề phải thảo luận cũng như nhiều lý do để lạc quan. Khi kinh tế Mỹ phục hồi, Canada và Mexico sẽ vẫn có thể dựa vào người láng giềng của mình để tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận để hội nhập sâu rộng hơn 3 nền kinh tế. Canada phải đánh giá được lợi ích kinh tế khi xuất khẩu dầu thô tới các thị trường châu Á, nơi họ có thể tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn so với Bắc Mỹ. Mỹ cũng có các vấn đề chính trị nội bộ khi chưa thống nhất được việc xây dựng hạ tầng cơ sở kết nối với nguồn cung dầu thô của Canada. Mexico sẽ cần có các bước đi mạnh mẽ hơn để tái cam kết với giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty Mỹ với những kỹ thuật mà Mexico còn thiếu và đảm bảo rằng sẽ có một môi trường đầu tư thuận lợi cho việc khai thác dầu ở vùng biển sâu cũng như các biện pháp không thông thường khác. Obama sẽ tìm kiếm việc chuyển từ tập trung vào cuộc chiến chống ma túy của Mexico sang tăng cường cơ hội hợp tác kinh tế sâu sắc giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ này, tuy nhiên Mexico City và Washington vẫn bất đồng trong cách thức kiểm soát mối đe dọa từ các nhóm tội phạm có tổ chức. 

Ông Obama sau đó cũng có chuyến vượt Đại Tây Dương để thảo luận với các nhà kỹ trị châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 26/3 trước khi tới thăm Vatican. Trong bài phát biểu ngày 1/2 vừa qua tại Munich, Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi một “sự phục hưng xuyên Đại Tây Dương”, khi một châu Âu mạnh mẽ và một nước Mỹ cam kết và can dự có thể giải quyết được các mối đe dọa chung. Obama sẽ tiếp tục làm dịu quan ngại của các đồng minh châu Âu sau vụ tiết lộ về chương trình giám sát của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) khi ông mang theo thông điệp hợp tác không gì lay chuyển xuyên Đại Tây Dương, kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán cho Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương để phục hồi kinh tế châu Âu. Nhưng các cuộc thảo luận của Obama với các nhà kỹ trị hàng đầu châu Âu không lột tả được sự phân rã tại lục địa này khi từng quốc gia đơn lẻ đang phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Anh, Hà Lan, Đức và Ireland có thể hào hứng với một thỏa thuận thương mại tự do hơn là các quốc gia như Pháp, nước ngày càng tỏ ra ngờ vực về các cuộc đàm phán có thể lấy đi tính cạnh tranh của nền kinh tế nước này. 

Sau chuyến công du châu Âu, Obama có chặng dừng chân ở Saudi Arabia, nơi như thường lệ ông sẽ thông qua các hợp đồng quốc phòng cùng với các thỏa thuận năng lượng để tái khẳng định cam kết an ninh cho Hoàng gia Saudi Arabia. Nhưng nghi ngờ về cam kết của Mỹ với Hoàng gia Saudi Arabia là có thể hiểu được. Rõ ràng, Mỹ đang ưu tiên các cuộc đàm phán với Iran nhằm tái lập sự cân bằng khu vực, trong đó tạo điều kiện cho Washington có thể hợp tác với tất cả các quốc gia theo dòng Sunni hoặc Shi'ite, vùng vịnh Persic và với thế giới Arập nói chung. Có thể hiểu rằng với chủ trương này, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE, Cata, Kuwait, Bahrain và Oman) không còn độc chiếm sự chú ý của Mỹ ở vùng Vịnh nữa. 

Cuối cùng, Obama sẽ đem sự chú ý của mình tới châu Á vào tháng 4 tới để bù đắp cho việc hủy chuyến công du vào phút chót vào tháng 10/2013 khi ông phải giải quyết vấn đề đóng cửa chính phủ tại Washington. Lịch trình chính thức chưa được công bố nhưng nhiều khả năng ít nhất ông sẽ tới thăm Nhật Bản, Philippines và Malaysia dù Hàn Quốc đang vận động tích cực để có chuyến thăm này. Philippines đang tìm kiếm việc củng cố lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực khi nước này phải chịu sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong khi đó, Malaysia sẽ lựa chọn đường lối thận trọng hơn khi nước này tìm cách tránh đối đầu với Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải đồng thời làm dịu những phản đối trong nước đối với các cuộc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương. 

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Obama sẽ khuyến khích cường quốc này chia sẻ nhiều hơn gánh nặng an ninh khu vực. Nhật Bản sẵn sàng đảm nhận vai trò này, sử dụng nhiều hơn những hỗ trợ quân sự, thương mại để khôi phục lòng tin ở các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đổi lại, Tokyo sẽ mong muốn sự thông cảm nhiều hơn từ phía Mỹ trước các vấn đề tranh cãi trong nước như các chuyến thăm đền Yasukuni, muốn Mỹ cam kết mạnh mẽ ủng hộ Nhật trong tranh chấp nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc. Như vậy, lịch trình công du của Obama trong 3 tháng tới là muốn bắn tín hiệu với thế giới rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện công việc còn dang dở với sự giúp đỡ của các đồng minh khu vực. Mỹ muốn có sự chia sẻ nhiều hơn từ các đồng minh trong bối cảnh đang tiếp tục phải củng cố lại nội lực và sức mạnh siêu cường của mình. 

Theo Stratfor (ngày 3/2)

Vũ Hiền