Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ở thời kỳ hưng thịnh, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 và kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2015. Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam dựa trên động lực tích cực này nhằm gắn kết những tiến triển trong vài năm qua và thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới. 

Can dự với Đông Nam Á là trụ cột trọng tâm của chính sách tái cân bằng đối với châu Á. Sự quay trở lại khu vực được thể hiện rõ ràng nhất trong quan hệ của Mỹ với Việt Nam – nước mà Mỹ đang tăng cường đầu tư và thương mại cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. 

Quan hệ kinh tế Mỹ-Việt phát triển nhanh và mạnh

Thương mại giữa hai nước tăng gấp gần 3 lần trong 7 năm gần đây, hiện ở mức 45 tỷ USD. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 23% vào năm 2015, tăng nhiều nhất trong số 50 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và là một trong hai thị trường duy nhất có mức tăng trưởng hai con số. Ở thời điểm này, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất đối với Việt Nam, tăng 24% hàng năm. 

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã sẵn sàng mở rộng nhiều hơn với việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận nắm giữ gần 40% GDP của thế giới với các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ cao hơn bất cứ thỏa thuận thương mại nào trước đó, đồng thời tạo sân chơi cho các công nhân và doanh nghiệp. Mỹ cam kết giúp Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế, trong đó có việc hỗ trợ về chuyên môn giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của TPP. Những cải cách này sẽ bao gồm việc đảm bảo tự do lập hội như công đoàn độc lập và công nhận các quyền khác của người lao động theo luật pháp quốc tế, bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững. 

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng đáng kể trong 7 năm gần đây, đạt gần 1,5 tỷ USD. Thông qua Sáng kiến kết nối Mỹ-ASEAN được tiến hành gần đây, Mỹ đang hợp tác với tất cả các nước thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam, để thúc đẩy các điều kiện can dự kinh tế với ASEAN, tăng cường đầu tư và thương mại, hỗ trợ phát triển năng lượng sạch và liên kết về năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và theo hướng đổi mới. 

Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để đăng cai tổ chức thành công hội nghị APEC vào năm 2017 và đảm bảo APEC tiếp tục là diễn đàn tạo ra nhiều quan điểm mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và thúc đẩy tự do hóa thương mại. 

Mỹ-Việt thúc đẩy hợp tác an ninh

Hai bên đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa qua các chương trình Đối tác Thái Bình Dương, Thiên thần Thái Bình Dương và các hoạt động đào tạo giúp đỡ nhân đạo chung. Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác an ninh với Việt Nam, gồm giúp đỡ tăng cường khả năng đảm bảo an ninh biển với việc viện trợ 45,7 triệu USD từ năm tài khóa 2014 theo các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc xây dựng năng lực tuân thủ luật pháp và viện trợ tài chính cho quân đội nước ngoài. Các khoản viện trợ bổ sung được cung cấp thông qua Chương trình giảm mối đe dọa của Bộ Quốc phòng Mỹ và ngân sách của Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) – một sáng kiến khu vực được Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ 425 triệu USD trong hơn 5 năm. Theo yêu cầu của Việt Nam, Mỹ đang thực hiện thỏa thuận cấp 18 tàu tuần tra cao tốc MetalShark, đào tạo, viện trợ các thiết bị thực hiện hoạt động chấp pháp cho Lực lượng Cảnh sát biển. Hải quân hai nước đang hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh và an toàn trên biển. 

Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thông qua trợ giúp phát triển trung tâm đào tạo về hoạt động này ở địa điểm gần Hà Nội, đồng thời cung cấp các thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến cấp II. 

Hai bên đang làm việc cùng nhau để ngăn cặn những hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Quan hệ giữa nhân dân hai nước phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết

Gần 19.000 người Việt Nam đang học tập tại Mỹ - tăng hơn 40% so với năm 2009. Trên 80.000 người Việt Nam thăm Mỹ trong năm 2015 và hàng nghìn người Mỹ đã đến thăm Việt Nam. Trường Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm nay sẽ mang đến các chương trình đào tạo độc lập, ở cấp độ quốc tế cho Việt Nam và làm sâu sắc quan hệ nhân dân giữa hai nước. Trên 13.000 người Việt Nam là thành viên của Sáng kiến các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) – nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trừ Indonesia. Hai bên đang kết nối các trường đại học Mỹ với các học viện của Việt Nam để cải thiện chất lượng giáo dục cao hơn ở Việt Nam. Mỹ và Việt Nam đã ký thỏa thuận triển khai Lực lượng Hòa bình trong chuyến thăm của Tổng thống Obama. 

Mỹ và Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác về vấn đề nhân đạo và di sản sau chiến tranh

Việt Nam đã cung cấp sự hỗ trợ quan trọng đối với Mỹ trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Mỹ cũng tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong quá trình xác định danh tính của những người Việt Nam mất tích ở giai đoạn này. Mỹ đã đóng góp hơn 92 triệu USD để giải quyết các mối đe dọa do vũ khí chưa nổ (UXO) gây ra kể từ năm 1993. Mỹ đã đầu tư gần 90 triệu USD để tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, dự án này sẽ hoàn thành vào năm sau. Mỹ cũng chi cho các hoạt động đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa. 

Mỹ và Việt Nam đã mở rộng phối hợp về những thách thức khu vực và toàn cầu

Việt Nam là đối tác quan trọng trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh hạt nhân và nguồn phóng xạ, thúc đẩy chương trình nghị sự an ninh y tế toàn cầu, buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam đang thực hiện những bước đi quan trọng nhằm chống biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết tham gia Hiệp định Paris trong năm nay, phát triển các kế hoạch thực hiện các mục tiêu về khí hậu, xem xét lại nguồn năng lượng than đá và chuyển sang khí đốt tự nhiên. Mỹ đã đầu tư hơn 40 triệu USD kể từ năm 2011 để giúp giảm bớt những tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam giảm lượng khí thải nhà kính từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và năng lượng; thúc đẩy phục hồi tại các khu vực sông Mekong, đồng bằng sông Hồng và dọc theo bờ biển Việt Nam. Mỹ đang hợp tác với Việt Nam trong xây dựng năng lực ngăn chặn, phát hiện và phản ứng với các mối đe dọa liên quan đến sinh học, bao gồm việc thông qua lộ trình 5 năm để đạt được các mục tiêu trong Chương trình nghị sự về An ninh y tế toàn cầu. 

Mỹ cũng phối hợp với VIệt Nam với tư cách là một thành viên trong Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) nhằm phát triển một cách tiếp cận mang tính khu vực trong quản lý môi trường và củng cố năng lực kiểm soát nguồn nước chung. Gần đây, phản ứng với tình trạng hạn hán lịch sử đang diễn ra ở Việt Nam, Mỹ đã ra một tuyên bố về thảm họa tự nhiên và viện trợ 50.000 USD cho những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Mỹ đã cung cấp 5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam chống nạn buôn bán động vật hoang dã, cụ thể là hỗ trợ các cơ quan chấp pháp và giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Mỹ và Việt Nam đã mở rộng hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có việc Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát biên giới thông qua thiết lập các văn phòng liên lạc. 

Mỹ và Việt Nam đang chủ động thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo

Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, thịnh vượng và độc lập, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền, tạo không gian cho xã hội dân sự và pháp quyền. Cam kết của Chính phủ Việt Nam trong bảo vệ các quyền cơ bản của con người là một phần quan trọng trong quan hệ song phương và các tiến bộ trong lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện cho người dân Việt Nam và quan hệ đối tác Mỹ-Việt phát triển hết tiềm năng. Hai quốc gia đã tăng cường phối hợp về quyền của người khuyết tật và người thuộc cộng đồng đồng tính (LGBT) theo quy định của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Mỹ cũng hoan nghênh Việt Nam thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn, Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2015 và tiếp tục thúc đẩy thực thi toàn diện những công ước này. 

Chính phủ Việt Nam cam kết bắt đầu cải cách pháp luật nhằm đưa pháp luật Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và Hiến pháp năm 2013 - bao gồm một chương mới về nhân quyền. Mỹ cũng hỗ trợ giáo dục pháp luật tại Việt Nam thông qua phối hợp với các trường đào tạo về luật pháp của Việt Nam. Mỹ tiếp tục tìm kiếm những cách thức mà Mỹ có thể phối hợp với Việt Nam nhằm hỗ trợ cải cách pháp luật và pháp quyền, trong đó có thông qua một thỏa thuận về thực thi pháp luật và hỗ trợ tư pháp. Các quan chức, các chuyên gia Mỹ và Việt Nam cũng tăng cường trao đổi về thực thi các điều luật quan trọng, bao gồm Luật Tôn giáo và Luật Hiệp hội. Sự phối hợp về kinh tế giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Việt Nam hỗ trợ củng cố pháp trị và nâng cao tiêu chuẩn ở các lĩnh vực then chốt. Phối hợp với Việt Nam trong việc đảm bảo rằng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP mang đến cơ hội chưa từng có trong việc tạo ra những tiến bộ về quyền lao động. 

Quan hệ Mỹ-Việt sẵn sàng cho những tiến triển

Trong những năm tới đây, Mỹ hy vọng sẽ phối hợp với Chính phủ mới của Việt Nam để củng cố hợp tác vì lợi ích chung trên phạm vi rộng và củng cố mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Theo The White House, Mỹ

Văn Cường (gt)