Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Úc theo lời mời của  Thủ Tướng Tony Abbott. Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Năm 2009, hai nước hình thành khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện để thúc đẩy các mối giao lưu đang ngày một phát triển. Quan hệ song phương trở nên toàn diện hơn, mở rộng từ hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống sang quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật, khoa học và công nghệ.

Tổng kết 40 năm quan hệ Việt Nam - Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop kết luận hai nước đã “tích cực hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật, và chúng ta đang xây dựng một mối quan hệ thương mại và đầu tư bền chặt cho hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau”. Liên kết chính trị ngày càng được củng cố thông qua qua các cuộc đối thoại thường kỳ trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ hai nước ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và phối hợp chặt chẽ trong phòng chống ma túy, rửa tiền, buôn người và buôn lậu. Hai nước cũng gắn bó chặt chẽ về kinh tế. Việt Nam là đối tác thương mại tăng trưởng nhanh nhất của Úc trong số các nước ASEAN. Xuất khẩu của Úc sang Việt Nam tăng trung bình 16% mỗi năm trong một thập kỷ qua. Thương mại hai chiều tăng từ 32.3 triệu USD năm 1990 lên 6 tỉ USD năm 2014. Đầu tư trực tiếp của Úc vào Việt Nam đạt 1,65 tỷ năm 2014. Úc cũng là đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam. Úc đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu Mỹ Thuận ở tỉnh Tiền Giang, và hiện là cầu Cao Lãnh ở tỉnh Đồng Tháp. Các công trình này đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của tại địa phương. Giao lưu nhân dân là nền tảng của mối quan hệ. Hiện có hơn 300.000 người gốc Việt đang định cư ở Úc. Khoảng 230.000 người Úc đến thăm Việt Nam hàng năm. Úc đã vượt qua nhiều quốc gia để trở thành điểm du học hấp dẫn nhất đối với sinh viên Việt Nam; hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Úc trong năm 2015.

Với cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ, quan hệ Việt Nam và Úc đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải làm để hai nước có thể ứng phó tốt hơn với những biển chuyển ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến chính trị quyền lực và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng như thiên tai, suy thoái môi trường sống, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và biến đổi khí hậu. Quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mong manh. Trong bối cảnh đó, hai nước cần củng cố mối quan hệ đối tác để vượt qua những bất lợi của tình hình. Việt Nam và Úc chia sẻ lợi ích chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Hai nước cùng nhận thức rằng một trật tự dựa trên luật lệ sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn và an toàn hơn cho tất cả các nước. Hai nước cam kết tiếp tục các đối thoại thường kỳ và phối hợp chặt chẽ để xử lý những thách thức mới nảy sinh. Việt Nam và Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực, bao gồm EAS, APEC, ASEAN và LHQ để phát triển các thiết chế vững mạnh có khả năng điều tiết thích hợp quan hệ giữa các quốc gia và đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Bên cạnh đó, còn có nhiều dư địa để mở rộng các mối giao thương giữa hai nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau. Úc có nguồn vốn và kinh nghiệm phát triển quý báu có thể giúp Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam với dân số 90 triệu dân, là thị trường và cơ sở sản xuất tiềm năng cho Úc và cả khu vực. Cả hai nước có thể giúp nhau trở nên giàu mạnh hơn nếu các tiềm năng trên được khai phá. Theo đó, cả hai nước cam kết thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tự do hóa thương mại và liên kết doanh nghiệp hai nước. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để kết thúc đàm phán TPP và RCEP như là các động lực chính để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các quốc gia. Việt Nam tiếp tục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Úc một cách hợp lý để phát triển nguồn nhân lực, cải thiện thể chế thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự giúp đỡ của Úc là hết sức quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Cuối cùng, hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm các mối giao lưu nhân dân thông qua trao đổi sinh viên, lao động và chuyên gia, tăng cường quan hệ giữa các trường đại học và thúc đẩy du lịch.

Đã đến thời điểm chín muổi để nâng cao Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước, vì một tương lai tươi sáng hơn cho cả hai dân tộc.

Bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị, đăng trên báo “Australian” ngày 16/3.

Hương Trà (gt)