Bài xã luận “Cán cân quyền lực mới ở Trung Đông” dự đoán hai kết quả cốt lõi của thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Cả hai dự đoán này ban đầu dường như có lý, thậm chí còn có khả năng xảy ra, nếu được coi là những khái niệm riêng rẽ… nhưng sau đó lại ít có khả năng hơn trong bối cảnh toàn diện.

Dự đoán thứ nhất là thỏa thuận này báo hiệu một kỷ nguyên hợp tác đầy triển vọng giữa Iran và phương Tây. Trong kịch bản này, Iran tiếp tục lại vai trò lãnh đạo trong thế giới Arập, vai trò từng bị gián đoạn bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo và xu hướng quân sự hóa tiếp sau đó. Ý tưởng này cho rằng một khi các lệnh trừng phạt được chấm dứt, thì nền kinh tế của Iran sẽ phục hồi, người dân trở nên thịnh vượng, và thái độ thù địch với chế độ này sẽ biến mất.

Có một sự lôgích về khái niệm cho điều này được chứng minh bằng ví dụ lịch sử. Thay vì lặp lại Hiệp ước Versailles sau khi đánh bại Đức Quốc xã, phe Đồng minh đã rút ra được bài học và sử dụng Kế hoạch Marshall nhằm khôi phục Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chẳng bao lâu sau, trong sự hoán đổi vai trò so với chỉ vài năm trước đó, Đức đã trở thành một bức tường thành ngăn chặn sự bành trướng của Nga.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phép loại suy ở đây là không thích hợp. Hoàn toàn không bị đánh bại, Iran tự coi mình là bên chiến thắng trong thỏa thuận đó. Chế độ này còn nguyên vẹn; nó tự nhận thấy được củng cố bởi thỏa thuận này. Hệ tư tưởng của Khomeini không bị thay đổi và không bị suy yếu. Quả thực, ngay khi thỏa thuận này được công bố, Tehran đã một lần nữa khẳng định sự bất chấp của họ với phương Tây nói chung và với Mỹ và Israel nói riêng.

Một số người có thể coi thái độ huênh hoang này là nhằm che giấu những sự nhượng bộ, nhưng điều đó chắc chắn đáng được đề cập đến. Nếu nhân tố này không được coi ít nhất là một chướng ngại vật phải vượt qua, thì các sinh viên ngành lịch sử hẳn sẽ không tự tin đi theo hướng đó.

Một thách thức thậm chí còn mang tính bản năng hơn đối với sự tái hội nhập của Iran và khả năng của nước này đạt được vị thế lãnh đạo khu vực là thực tế rằng Iran chưa bao giờ và không bao giờ có thể lãnh đạo thế giới Arập. Người Iran là người Ba Tư, không phải người Arập. Đây là một sự khẳng định không mấy dễ chịu cho những ai nghĩ nhà nước dân tộc vị chủng và chủ nghĩa bộ lạc là những khái niệm di sản khi so sánh với những tác nhân căn bản chi phối các mối quan hệ quốc tế.

Lần cuối cùng Mỹ và Iran có liên kết chặt chẽ là vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Nhà vua Ba Tư (Shah) đã liên kết với Washington trong một nỗ lực nhằm kiềm chế chủ nghĩa Cộng sản. Iraq, Syria và nhà lãnh đạo tự nhiên của thế giới Arập – Ai Cập – tất cả đều “ve vãn” chủ nghĩa xã hội Arập (chủ nghĩa Baath) và mời gọi ảnh hưởng của Nga. Moskva có được những giao dịch vũ khí chưa từng có và tự đặt mình vào những nút thắt dọc theo kênh đào Suez và cảng nước ấm Tartus của Syria.

Ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này vẫn nằm ở ngoại vi và có giới hạn với Iran cho đến khi Ai Cập “đào ngũ” khỏi phe của Nga trong tiến trình Trại David. Bất chấp sự thất vọng ban đầu, hầu như phần còn lại của thế giới Arập bị cuốn vào quỹ đạo của Mỹ. Ngay cả Syria cũng đưa ra giải pháp cuối cùng “Không chiến tranh, không hòa bình” với Israel. Ai Cập là nước Arập lớn nhất có quân đội hùng mạnh nhất. Nước này đứng giữa 3 lục địa, kiểm soát sông Nile, kênh đào Suez và Biển Đỏ. Ai Cập vẫn là một phần thưởng chiến lược, ngay cả trong sự hỗn loạn.

Bất chấp cuộc xung đột tự nhiên với Israel, người Ai Cập, người Saudi Arabia, và người Jordan thừa nhận rằng “Hòa bình kiểu Mỹ” đã bảo vệ các đường biên giới của họ. Israel đã trở thành một cường quốc bảo thủ, không còn có những tham vọng về lãnh thổ nữa. Hơn nữa, Israel – do bản chất là một nền văn hóa xa lạ – đã không thể hiện thách thức nào đối với quyền lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới Arập. Những nỗ lực của Iran xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo Shiite nhằm tìm cách giành được bá quyền khu vực đã tạo nên một mối đe dọa căn bản cho quyền kiểm soát Mecca và Medina của Hồi giáo Sunni, và đối với chủ nghĩa bài Arập thế tục của Sadat và Mubarak.

Về mặt này, tất cả biến động của mùa Xuân Arập hầu như không thay đổi. Sau một thời gian ngắn ngủi tiếp cận trào lưu chính thống, người Ai Cập tập hợp lại với quân đội để đem lại bánh mì và trật tự. Một lần nữa, phần lớn thế giới Arập đã đi theo. Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tuyên bố mùa Xuân Arập bị bác bỏ như là thứ ngoại lai, với những đòn nghi binh của Iran nhằm thúc đẩy quyền lãnh đạo văn hóa mà cùng lắm là hời hợt. Iran tự đấu tranh để duy trì sự ảnh hưởng bên trong những vành đai Shiite ở Iraq, Syria dòng Alawite và Liban của Hezbollah. Liban của Hezbollah, trong khi khôn ngoan đến mức không thể trở thành tổ chức ủy nhiệm của Tehran, đã xuất hiện như một cây gậy dài và nhọn để “chọc ngoáy” Israel từ khoảng cách an toàn, nếu điều đó là cần thiết để khiến người dân xao nhãng khỏi tình trạng khó khăn trong nước. Hiện nay, Iran và Hezbollah đang bận rộn với cuộc nổi dậy của người Sunni ở Syria. Họ sẽ không quan tâm đến việc kích động Israel chừng nào Israel còn tiếp tục chấp nhận viễn cảnh về sự cai trị của Assad ở Damascus.

Việc Tổng thống Obama nhanh chóng rút quân khỏi Iraq, việc ông không thể “vượt mặt” Putin xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân của Syria và – đặc biệt là – việc ông gạt bỏ Mubarak, tán thành Morsi, sau đó là sự lãnh đạm với al-Sisi đã buộc người Saudi Arabia, người Ai Cập, và người Jordan đến gần với nhau hơn.

Cán cân quyền lực mới ở Trung Đông” lưu ý diễn biến này và ý thức được nghịch lý trong vai trò thân thiết dù là bí mật của Israel trong liên kết này.

Nguồn gốc của sự hội tụ này là một mối quan tâm chung nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran.

Đây là lý do tại sao quan điểm đầu tiên của bài xã luận“Cán cân quyền lực mới ở Trung Đông” dường như không thể đạt được. Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không làm gia tăng quyền lãnh đạo của Tehran trong khu vực, cũng như không để cho Washington phát triển và tận dụng một mối quan hệ đối tác đa chiều nhằm thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Tóm lại, nhiệt huyết Hồi giáo bị giảm bớt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phương Tây-Iran, nhưng về bản chất thì Khomeini không gây khó chịu cho người Arập. Chính những tham vọng của đế quốc Ba Tư sắc tộc dòng Shiite khiến họ lo lắng.

Quả thực, dường như chính Tổng thống Obama ít nhiều có một mục tiêu “mang tính biến đổi” trong thỏa thuận này. Ngoài mục tiêu cố hữu là trì hoãn việc phố biến vũ khí hạt nhân, những hành động của Obama cho thấy một động cơ chính trị thực dụng (cho đến nay không dễ nhận ra được) nhằm tận dụng mối ác cảm tự nhiên của Iran trước sự đe dọa từ Tổ chức Hồi giáo (IS).
Một quan điểm toàn diện về bối cảnh này là một điểm xuất phát thích hợp để nghiên cứu quan điểm thứ hai trong bài “
Cán cân quyền lực mới ở Trung Đông”.

Thật đơn giản để kết luận rằng Isreal là “bên thua cuộc lớn nhất” ở đây. Những người bạn và kẻ thù của Israel tìm cách nhất trí về điểm này. Thủ tướng Israel kiên quyết rằng thỏa thuận này là một mối đe dọa căn bản cho sự tồn tại của Israel.

Một lần nữa, Obama dường như nắm vững được lôgích chính trị thực dụng từng không thấy ở ông cho đến nay tại Trung Đông (và chẳng hạn, đâu đó ở Ukraine). Nhằm bảo vệ thỏa thuận này trước những thách thức của Netanyahu, Obama khẳng định rằng không có lựa chọn thay thế nào tiến bộ hoặc rõ ràng từ những bên khác. Netanyahu đúc kết thực tế rằng các lệnh trừng phạt và mối đe dọa chiến tranh gây khó chịu cho Iran với ý tưởng rằng một “cú chích” như vậy thực sự ngăn được Iran phát triển bom. Không phải như vậy. Quả thực, Netanyahu đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Iran tiến tới vũ khí hạt nhân nhanh hơn ngay cả khi chịu các lệnh trừng phạt. Sự thật nghiêm trọng và gây chán nản là thỏa thuận này thể hiện nghệ thuật của sự có thể, với cái phải được thừa nhận là một nỗ lực nhằm kiềm chế một công nghệ già cỗi giống như một chiếc điện thoại quay số bằng tay.

Israel vẫn có (và duy trì) tầm nhìn về một cuộc tấn công nhắm mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, hậu cần lại không thuận lợi. Iran nhận ra bài học từ những cuộc đột kích thành công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iraq và Syria. Các thành phần hạt nhân được phân bổ nhiều hơn, được bảo vệ tốt hơn, ở sâu hơn dưới mặt đất, và cách xa hơn các căn cứ của Lực lượng không quân Israel (IAF).

Việc cắt giảm qua đàm phán các kho dự trữ plutoni và khả năng mức độ làm giàu urani của Iran – ngay cả trong 10 năm dưới một chế độ thanh tra chưa hoàn chỉnh – vẫn là một thành tựu đáng kể.

Israel có nguy cơ mạo hiểm vốn liếng ngoại giao với những nỗ lực tiếp tục của mình để chống lại một thỏa thuận đã được ký kết. Thay vào đó, Jerusalem cần phải tập trung vào chế độ thẩm tra, giành được các hệ thống vũ khí đền bù của Mỹ và tăng cường hệ thống đem lại sự răn đe hạt nhận và các khả năng chống tên lửa đạn đạo của chính Israel.

Đương nhiên, Israel có nhiều điều để lo ngại từ một nước Iran hạt nhân, nhưng không có bằng chứng khách quan nào về việc các lệnh trừng phạt và mối đe dọa chiến tranh đã kiềm chế những tham vọng của Iran. Thỏa thuận này ít nhất đem lại một khuôn khổ cho việc kiểm soát hạt nhân. Nó cũng có khả năng tiết chế lòng ham muốn và nhu cầu phải có giọng điệu và hành vi thù địch của Iran nếu người dân Iran hưởng lợi từ thỏa thuận này. Một lần nữa, người Iran là người Ba Tư, cách Israel đáng kể về mặt địa lý, không có sự hận thù thực sự nào trong lịch sử với Israel.

Tuy nhiên, “Cán cân quyền lực mới ở Trung Đông” phát triển một dự đoán khác đối với Israel từ thỏa thuận này. Ý tưởng là thỏa thuận này dọn sạch những chướng ngại để Obama thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Palestine. Trong kịch bản này, Israel và các đồng minh của mình không còn có thể viện đến mối đe dọa rõ ràng và sắp xảy đến từ Iran như là một rủi ro cấm những sự nhượng bộ. Quả thật, hầu như chẳng có nghi ngờ gì việc Obama là một người đề xướng tích cực cho giải pháp hai nhà nước, và thỏa thuận hạt nhân Iran xuất hiện đúng thời điểm để dựa trên những nỗ lực của châu Âu, nơi mà bản thân tổng thống không còn mối quan tâm hơn nữa tới bầu cử. 

Đối với Israel – hay ít nhất là chính phủ theo chủ nghĩa xét lại hiện nay ở Jerusalem – sự hội tụ này của các nhân tố quả thực có thể đặt ra một thách thức, chắc chắn bị làm trầm trọng thêm bởi sự nghi ngờ về những ý định của Tổng thống Mỹ. Nếu như đây là mục đích của ông Obama, thì ông vẫn chưa tiết lộ hay thậm chí là nói bóng gió về “sự kết nối” giữa một Iran được xoa dịu và một sự thúc đẩy mới cho một nhà nước Palestine. Dường như có khả năng là sự ủng hộ của Obama đối với một nhà nước Palestine được bắt nguồn từ các truyền thống theo kiểu Wilson của đảng Dân chủ, truyền thống ủng hộ quốc gia tự quyết khi so sánh với chính trị thực dụng mới của ông. Ngoài ra, một quan điểm duy thực quay trở về điểm ban đầu trong câu trả lời này. Không có nhiều vốn liếng để tận dụng từ thỏa thuận Iran có lợi cho Palestine. Lời đề nghị nghiêm túc từ thế giới Arập với Israel không bao gồm vai trò dành cho Iran. Ảnh hưởng của Iran trong những cuộc đàm phán sắp tới chỉ giới hạn ở mức ảnh hưởng của kẻ phá hoại. Iran có thể tăng cường cho Hamas và các yếu tố theo chủ nghĩa bác bỏ khác. Do đó, điều tốt nhất mà Obama có thể hy vọng về khía cạnh này là Iran không can thiệp.

Trong bối cảnh này, thật khó nhìn thấy một sự tổ chức lại và một “cán cân quyền lực mới”. Để nhắc lại, chế độ Iran đã không từ bỏ cuộc Cách mạng Hồi giáo. Ngay cả khi Tehran thay đổi ở điểm này điểm kia và giành được sự tự tin của phương Tây, thì thế giới Arập cũng sẽ không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo của Ba Tư. Về phần Israel, thỏa thuận này sẽ ít mang lại rắc rối cho Israel một khi Chính quyền Netanyahu chấp nhận ý tưởng làm việc nhằm đảm bảo thỏa thuận được tôn trọng và Israel đạt được sự bù đắp răn đe. Thỏa thuận này tỏ ra đầy tai ương đối với Israel như Netanyahu tiếp tục tuyên bố như vậy. Về phần Israel và người Palestine, sự thúc đẩy về ngoại giao có thể tìm thấy động lực nào đó sau khi Obama thể hiện rằng ông có thể đàm phán để đạt được sự ký kết nào đó. Thật đáng ngờ rằng phương Tây có thể đưa Iran tham gia ở đây trong một vai trò tích cực. Người Arập sẽ không chấp nhận điều đó. Đương nhiên là Israel sẽ từ chối. Như Thổ Nhĩ Kỳ đã học được, nỗ lực đạt được quyền lãnh đạo khu vực đối với những bên có triển vọng nhưng không phải người Arập sẽ ngừng lại nếu yếu tố kích động chỉ là giọng điệu bài Israel. Người Arập không thuyết phục với kiểu đến từng nhà để mời chào. Trong khi đó, người Israel lại quyết liệt theo con đường ngoại giao mà những người tiền nhiệm của Erdogan đã nuôi dưỡng trước khi Erdogan dùng nó để “ra đòn”. Trong bất kỳ tính toán nào về những kết quả sắp tới ở Trung Đông, quyết tâm của Israel bảo vệ những giới hạn đỏ của mình – bằng bất kỳ giá nào – bị bỏ qua ở mức độ nguy hiểm đáng kể. Hơn nữa, Iran vẫn chưa bỏ lỡ cơ hội nhắc nhở thế giới rằng thỏa thuận này không làm dịu bớt thái độ thù địch của Iran đối với sự tồn tại của Israel. Trái lại, giọng điệu và mưu đồ của Thổ Nhĩ Kỳ là tự kiềm chế bên trong một sự công nhận về ngoại giao đã trở nên gay gắt đối với Israel. Nếu Obama tìm cách khiến Iran tự kiềm chế trong giai đoạn đàm phán, thì điều đó chẳng khác gì một sự thay đổi đáng kể trong hành vi, mà Obama có thể nhận được uy tín hợp pháp vì điều đó. Tuy nhiên, một thành tựu như vậy gần như là một nhân tố không mấy liên quan trong vô số trở ngại trên con đường dẫn tới thỏa thuận Israel-Palestine.

Như Sadat từng thừa nhận nhiều năm trước đó khi ông “hắt hủi” người Nga, con đường dẫn tới Jerusalem là thông qua Washington (và qua một chuyến bay thẳng tới chính Jerusalem). Mỹ vẫn là bên tham gia duy nhất có sức ảnh hưởng để làm lay động Israel. Đến lượt mình, Washington biết rằng sức ảnh hưởng của họ với Israel không chỉ bắt nguồn từ những giao dịch vũ khí và quyền phủ quyết ngoại giao trong Liên hợp quốc. Israel thừa nhận sức mạnh Mỹ và trao cho sức mạnh như vậy mức độ gây ảnh hưởng tương xứng với niềm tin căn bản về các lợi ích và giá trị chung. Sắc thái này dường như là rõ ràng nếu người ta cân nhắc tới sức mạnh Nga, từng là đối thủ một thời với sức mạnh Mỹ ở Trung Đông và có thể như vậy một lần nữa. Tuy nhiên, người Nga đã và sẽ tiếp tục gần như không có ảnh hưởng gì với Israel, ngoài sự cưỡng ép. Về mức độ niềm tin, Obama không phải là “người bạn tâm tình” với Netanyahu như cách Tổng thống Bush (con), Clinton, hay Reagan quan hệ với những người đồng cấp Israel tương ứng với thời họ nắm quyền. Trong con mắt của Israel, Obama là Jimmy Carter với John Kerry rất giống với James Baker dưới thời Bush (cha). Carter được yêu thích nhưng không được tin tưởng. Baker được kính trọng với những niềm tin cốt lõi còn nguyên vẹn, nhưng không được yêu thích. Đó chính là thế giới của Machiavellian (nhà ngoại giao, nhà sử học, nhà triết học chính trị người Italy, người viết tác phẩm “Ông hoàng”- ND): “Được tôn kính và tin tưởng còn hơn là được yêu thích”, những Ông hoàng cũng được cố vấn như vậy.

Một số người vẫn khăng khăng rằng những căng thẳng hiện tại thể hiện những lợi ích khác nhau và báo hiệu “sự đánh giá lại” cần thiết để buộc Israel phải hành động sớm hơn dự liệu. Vẫn còn phải xem xét điều đó và đó là vấn đề về sự phỏng đoán tâm lý. Điều dường như rõ ràng là nếu Obama xác định rõ sự thúc đẩy là hợp lý thì sức mạnh đứng sau nó phải được đánh giá là sẽ tạo ra tiến bộ chứ không châm ngòi cho một phản ứng dữ dội. Đó là một sự cân bằng tinh tế. Obama có thể hoặc không thể có quyết tâm và kỹ năng cho điều này. Đó cũng là sự phỏng đoán. Tuy nhiên, điều không phải phỏng đoán là ngay cả một lời bóng gió xa xôi từ Obama nhằm tận dụng vốn liếng từ thỏa thuận hạt nhân Iran để kích động Israel chắc chắn gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Israel và gợi lên tư duy Masada (chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ mình-ND).

Nói tóm lại, không có lợi ích ngoại giao phái sinh nào có thể tưởng tượng được cho vấn đề Palestine xuất phát từ thỏa thuận hạt nhân Iran trừ phi Obama có thể đưa Khamenei và Rouhani tới Jerusalem, với một tá hoa hồng cho mỗi người. 

Theo Geopolitical Monitor

Trần Quang (gt)