Ba năm trước, quan hệ Mỹ-Ấn dường như đã định sẵn sẽ suy yếu. Nghị trình “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn chất vấn những gì mà mọi đối tác của Mỹ đã làm cho nước này trong thời gian gần đây, đã làm căng thẳng mối quan hệ với nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ. Tuy nhiên, nghị trình của Trump dường như đặc biệt không phù hợp với những kỳ vọng của Ấn Độ rằng họ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ - đặc biệt là dưới dạng hỗ trợ về ngoại giao và sự tiếp cận công nghệ hào hiệp - bất chấp việc chống lại các nghĩa vụ có đi có lại đi kèm với một liên minh chính thức.

Tuy nhiên, sau 3 năm Trump giữ chức tổng thống, quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, mà các chính quyền Mỹ liên tiếp nhau đã nuôi dưỡng như một bức tường thành âm thầm chống lại Trung Quốc, không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phát triển nở rộ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gặp nhau và thậm chí còn cùng nhau xuất hiện trong buổi mít tinh mang tên “Howdy Modi” thu hút 50.000 người Mỹ gốc Ấn tham dự ở Houston, Texas hồi tháng 9/2019. Chuyến thăm Ấn Độ của Trump sẽ là một sự phô trương công khai với quy mô thậm chí còn lớn hơn, thể hiện mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo và mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Việc Modi lấy lòng Trump là một phần trong chiến lược thận trọng nhằm giữ chân Mỹ trong các cam kết với Ấn Độ. Trái ngược với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã phản ứng với việc Trump đắc cử vào năm 2016 bằng sự bối rối và khiếp sợ, Thủ tướng Ấn Độ đã tìm cách lấy lòng và khiến người đồng cấp Mỹ có tính cách bốc đồng của mình tiêu tan sự nghi ngờ. Trước công chúng, Modi dành nhiều sự chú ý cho Trump và dành cho ông cái ôm thật chặt đã trở thành thương hiệu. Về mặt cá nhân, ông kiên nhẫn lảng tránh những yêu cầu của Trump đối với mọi vấn đề từ Afghanistan, tiến trình hòa bình của Ấn Độ với Pakistan đến quan hệ thương mại song phương với Mỹ. Khi làm như vậy, Modi đã phát đi tín hiệu rằng Mỹ có tầm quan trọng sống còn đối với Ấn Độ và tìm cách thuyết phục Trump rằng ngay cả mối hệ đối tác bất cân xứng Mỹ-Ấn cũng có thể đem lại lợi ích cho đôi bên. Và Trump dường như đã tin khi ông khoe khoang rằng Modi đã hứa với ông về việc 7 triệu người dân bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ, sẽ nồng nhiệt chào đón Trump.

Thành công của Modi trong việc duy trì sự chú ý của Mỹ chắc chắn đã được hỗ trợ bởi những diễn biến bất ngờ ở Washington. Việc Chính quyền Trump chú trọng vào cuộc cạnh tranh nước lớn, xác định Trung Quốc là một đối thủ chiến lược, theo đuổi chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, và khao khát của Tổng thống Mỹ là bán nhiều hàng hóa Mỹ ra nước ngoài, đều khiến Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Kể từ khi cầm quyền, Trump đã cho phép Mỹ tung ra thị trường một vài hệ thống vũ khí tiên tiến, trong đó có máy bay không người lái Predator và hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp Aegis – Ấn Độ sẽ gặp khó khăn khi mua các hệ thống này từ một Chính quyền Mỹ lo sợ việc kích động Pakistan hay chọc giận Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng trao cho Ấn Độ quy chế thương mại đặc biệt tương tự như các đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được hưởng khi đề cập đến việc cấp phép cho những yêu cầu về buôn bán công nghệ phòng thủ cao cấp.

Ấn Độ và Mỹ còn lâu mới trở thành đồng minh chính thức. Họ bị ám ảnh bởi những bất đồng thương mại dai dẳng mà Ấn Độ không thể hiện khuynh hướng muốn giải quyết. Tuy nhiên, xét tới hồ sơ của Trump với các đồng minh khác của Mỹ, chính quyền của ông đã bất ngờ dung thứ cho các thông lệ thương mại thiếu tính cạnh tranh của Ấn Độ, tạo điều kiện để cả hai nước thúc đẩy hợp tác chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng thủ, điều luôn là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Mỹ-Ấn.

Tầm nhìn chung, gánh nặng chung

Các nhà bình luận đã dành nhiều cột báo để phân tích sự khác biệt giữa tầm nhìn của New Delhi và Wahsington đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không nên để những khác biệt này làm lu mờ các lĩnh vực có điểm chung quan trọng khác. Ấn Độ và Mỹ đều ngày càng cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Giờ đây, cả hai nước đều tìm cách giữ cho không gian trên biển và đất liền của châu Á không phải chịu sự chi phối của Trung Quốc và chống lại hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, an ninh và các hoạt động kinh tế của các nước trong khu vực. Sự hội tụ về tư tưởng này, mà trở nên sâu sắc thêm nhờ hai thập kỷ tích lũy niềm tin giữa Ấn Độ và Mỹ, đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và tạo điều kiện cho sự hợp tác thậm chí còn gần gũi hơn trong tương lai.

Thương mại quốc phòng ngày càng phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ cũng đã củng cố mối quan hệ song phương. Ấn Độ từng phụ thuộc quá mức vào Nga về mua sắm quốc phòng, nhưng trong nhưng năm gần đây, nước này đã bắt đầu mua nhiều sản phẩm quốc phòng công nghệ cao từ các nhà cung cấp Mỹ. Kết quả là New Delhi đã phải đối mặt với sự phẫn nộ ngày càng tăng của Nga và thậm chí cả những mối đe dọa ngầm rằng Nga sẽ bán cho Trung Quốc những loại vũ khí hiện đại hơn so với những loại bán cho Ấn Độ. Tuy vậy, New Delhi đã giải quyết tình trạng căng thẳng này một cách đủ khéo léo để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với Nga ngay cả khi đang ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống quân sự mới của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ không thể chấp nhận yêu cầu của Trump về việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ quốc phòng với Nga, nhưng nước này đã nỗ lực để trở thành một thị trường quan trọng cho các loại vũ khí tối tân của Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ hy vọng mua được các loại trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm và chống xe tăng, các loại tên lửa đất đối không tối tân, pháo hải quân, máy bay không người lái và máy bay tuần tra hàng hải tầm xa của Mỹ. Ấn Độ có thể đạt được thỏa thuận về một vài loại vũ khí trong số này trong chuyến thăm của Trump.

Thương mại quốc phòng giữa hai nước không phải là không có hạn chế. Các hệ thống vũ khí được sử dụng để hoạt động độc lập, đảm bảo cách tiếp cận có chọn lọc truyền thống của Ấn Độ trong việc mua sắm vũ khí. Chẳng hạn, kho vũ khí quốc phòng của Ấn Độ bao gồm các loại máy bay chiến đấu của Pháp, tên lửa đất đối không của Nga, máy bay không người lái của Israel và radar của châu Âu. Tuy nhiên, trong một kỷ nguyên chiến tranh mạng, Mỹ và các nước châu Âu (cũng như các nhà cung cấp tư nhân) không muốn tích hợp các hệ thống của họ với những hệ thống do các đối thủ chiến lược như Nga cung cấp. Những cân nhắc như vậy sẽ hạn chế các lựa chọn mua sắm của Ấn Độ hoặc buộc họ phải chấp nhận việc tích hợp không hoàn chỉnh, từ bỏ những lợi ích mà các hệ thống quân sự kết nối hoàn toàn mang lại. Nói cách khác, mong muốn tự chủ trong thương mại quốc phòng của Ấn Độ bắt đầu va chạm với những thực tế đang xuất hiện về chiến tranh trong kỷ nguyên thông tin.

Dù vậy, hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn đã dần được thắt chặt, đạt đến mức cách đây 2 thập kỷ người ta khó mà tưởng tượng được. Mỹ hiện tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ hơn so với bất kỳ đối tác nào khác không thuộc NATO. Điều quan trọng hơn là các cuộc tập trận của hai nước (cả song phương lẫn với các nước khác) đều hướng tới mục tiêu ngầm hiểu là chống lại mối đe dọa quân sự đang nổi lên từ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ hiện hợp tác với Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo, giám sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc và một loạt hoạt động khác phần lớn là thầm lặng và có thể phủ nhận. Bằng cách đó, Chính quyền Modi đã tìm cách tránh được những lời phàn nàn của Trump về các đồng minh của Mỹ rằng họ đang đương nhiên tận dụng các khoản chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng dù sao cũng đã chủ động hành động để theo đuổi các hoạt động quân sự vừa thúc đẩy lợi ích của chính nước này khi đối mặt với Trung Quốc vừa giữ lời hứa giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh trong tương lai tại các vùng lân cận mở rộng của Ấn Độ.

Chưa đạt được mục tiêu

Bất chấp tất cả những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn đạt được tiềm năng tối đa. Mở đầu, Chính quyền Modi cần phải thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Ấn Độ. Tăng trưởng chậm lại là dấu hiệu không tốt cho thấy Ấn Độ chưa thể hiện đại hóa quân đội của mình đủ nhanh để vừa đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực lân cận của Ấn Độ, vừa mở rộng thương mại quốc phòng với Mỹ. Hệ thống mua sắm trang thiết bị quốc phòng nghèo nàn của Ấn Độ cũng cần phải được cải thiện. New Delhi coi việc mua sắm quốc phòng là một chính sách công nghiệp và tạo công ăn việc làm chứ không phải là một cơ chế để có được trang thiết bị quân sự mà các lực lượng vũ trang của nước này cần cho hoạt động tác chiến thành công.

Quân đội Ấn Độ cũng cần thay đổi tư duy để từ một lực lượng phòng thủ tuyến đầu trở thành một lực lượng viễn chinh đủ khả năng triển khai sức mạnh bên ngoài tiểu lục địa. Mặc dù tinh nhuệ và chuyên nghiệp, lực lượng này vẫn còn thủ cựu. Công nghệ, học thuyết và chiến thuật của họ vẫn chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu bảo vệ biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan – khiến nước này trở thành một đối tác của Mỹ không đủ năng lực để đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, trên hết, tương lai của quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn xoay quanh khả năng của Ấn Độ trong việc duy trì sự thịnh vượng, ổn định và gắn kết xã hội trong nước. Một Ấn Độ bị phân tâm bởi các xung đột bên trong, sự chia tách trong nước và những đối đầu tai hại về ý thức hệ sẽ không thể phát triển nhanh chóng hay hiện đại hóa quân đội của mình đủ nhanh để triển khai sức mạnh ra ngoài tiểu lục địa Ấn Độ. Về khía cạnh này, thành tích gần đây của Chính quyền Modi đã gây nhiều thất vọng. Sẽ là thảm họa nếu quỹ đạo đi lên cho đến nay của Ấn Độ sẽ đi chệch hướng do các chính sách tồi tệ trong nước. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ nguy cơ này, các nhà hoạch định chính sách của cả Mỹ và Ấn Độ đều có thể tin rằng trong 3 năm qua quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn đã phát triển ngoài dự đoán – và có lợi cho cả hai nước.

Ashley J. Tellis là thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Minh Anh (gt)