Phải chăng Nhật Bản sẽ sử dụng nhiệm kỳ tổng thống của Trump như động lực để cam kết một cấu trúc an ninh châu Á mới trong khu vực? 

Năm 1997, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã viết trên trang Foreign Affairs rằng nếu Nhật Bản bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc mà không có sự chắc chắn về bổn phận và nghĩa vụ, họ “sẽ giống như con cá voi bị dạt vào bờ, quẫy đạp một cách vô vọng nhưng nguy hiểm”. Theo Brzezinski, một tình huống như vậy có thể báo hiệu sự chấm dứt giai đoạn phát triển hòa bình về chính trị và kinh tế của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn không dễ chịu gì giữa việc đơn phương tái vũ trang hoặc một mối quan hệ phục tùng mới với Trung Quốc. 

Brzezinski tin rằng một Nhật Bản bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ mà không có sự rõ ràng về vai trò toàn cầu của họ sẽ làm suy yếu sự nổi lên của một mối quan hệ ổn định giữa Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến tình trạng mất an ninh và bất ổn hoặc, thậm chí tồi tệ hơn là, một cuộc xung đột trên toàn châu Á. Được Brzezinski phác thảo từ cách đây 2 thập niên, kịch bản này giờ đã trở nên có lý với việc Donald Trump được bầu làm tổng thống. 

Tin tốt là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận được điểm cao trong các thỏa thuận của ông với Trump cho đến nay. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là liệu Abe có thể kiềm chế chủ nghĩa bảo thủ bên trong của mình và duy trì con đường thực dụng hay không. Đây là một câu hỏi quan trọng vì chiến tranh và hòa bình ở Đông Á có thể đang trong tình trạng bấp bênh. Ian Bremmer, người đứng đầu công ty đánh giá rủi ro chính trị Tập đoàn Á-Âu, gần đây đã phát biểu trên CNN rằng điều trước đây là không thể tưởng tượng được thì nay quả thực là có thể xảy ra – một cuộc chiến giữa các nước lớn trong những năm Trump làm tổng thống. 

Các mục tiêu không chắc chắn và không thể lường trước được của chính sách ngoại giao của tân tổng thống khiến các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao và các nhà hoạch định chính sách đều lo lắng như nhau. Giọng điệu giận dữ của Trump đối với Trung Quốc và thái độ có vẻ thân thiện đối với Nga cho thấy Bremmer đang ám chỉ một sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, một sự kiện như vậy sẽ là thảm họa vì người ta chắc chắn cho rằng Nhật Bản sẽ tham gia như một bên tham chiến tích cực do bị ép buộc bởi hiệp ước, các đường lối chỉ đạo trong nước và lòng trung thành. 

Thách thức đối với Abe là phải khéo léo tìm cho Nhật Bản một vai trò trong môi trường an ninh mới và bất ổn này, và làm cho vai trò đó ăn khớp với mục tiêu của chính ông là một Nhật Bản được phục hồi và có liên quan trên toàn cầu. Trước khi đề xuất một chiến lược, điều quan trọng là phải xem xét lịch sử một chút. Những năm đầu nhiệm kỳ hiện tại của Abe giống như giai đoạn hạn chế tình trạng hỗn loạn của ông với tư cách là thủ tướng từ năm 2006 đến năm 2007. Hai năm đầu của chính quyền này, giống như nhiệm kỳ đầu của ông, tập trung vào việc đưa Nhật Bản quay trở lại vị trí lãnh đạo ở châu Á, không chỉ như một cường quốc kinh tế, mà còn như một cường quốc chính trị và quân sự. Cựu nhân viên ngoại giao Anh High Cortazzi đã mô tả một cách hợp lý các mục tiêu của Abe là việc “nuôi dưỡng những ảo tưởng lớn về lịch sử đã qua”. 

Nghị trình mới mạnh mẽ này đã đảo ngược hàng thập niên chính sách ngoại giao mờ nhạt mà bắt đầu vào năm 1946 dưới thời Thủ tướng Shigeru Yoshida. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, hầu như tất cả mọi thủ tướng Nhật Bản đều đi theo học thuyết Yoshida, là Nhật Bản phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ trong khi tập trung phát triển kinh tế trong nước. Học thuyết này cũng nhấn mạnh việc cải thiện các mối quan hệ kinh tế với Đông Á. 

Ngược lại, mục tiêu chính sách ngoại giao mới của Abe là “làm cho Nhật Bản vĩ đại trở lại” về mặt chính trị-quân sự ở châu Á và xa hơn nữa. Nói một cách đơn giản hơn, mục tiêu là kiến tạo Nhật Bản như một cường quốc độc lập ở châu Á và quốc tế. Để đạt được điều này, khi giành lại vị trí thủ tướng vào năm 2012, Abe đã nhanh chóng hành động nhằm sửa đổi toàn bộ tư thế an ninh và phòng thủ của Nhật Bản. Trong nỗ lực đưa Nhật Bản trở lại hoạt động địa chính trị toàn cầu, Abe đã thiết lập Hội đồng an ninh quốc gia, thông qua một đạo luật về bí mật nhà nước và, cuối cùng thành tựu lớn nhất và gây trãnh cãi nhất của ông là sửa đổi luật pháp nhằm cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Điều này cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia các xung đột ở nước ngoài nhằm bảo vệ các đồng minh thậm chí cho dù Nhật Bản không trực tiếp bị tấn công. Cách diễn giải lại Điều 9 này của Hiến pháp Nhật Bản mà ngăn cấm việc sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế chẳng khác gì một sự phá vỡ hoàn toàn chính sách “chỉ phòng thủ mà thôi”. 

Quả thực, Thủ tướng đã công khai bình luận rằng Hiến pháp cần phải được sửa đổi nhằm khắc phục sự thiếu nhất quán giữa luật mới và Hiến pháp. Để không để lại nghi ngờ về chiều hướng chính sách của ông, năm 2013, Abe đã có chuyến thăm gây tranh cãi đến đền Yasukuni, nơi cất giữ tro cốt của các tội phạm chiến tranh hạng A. Ông đã đến ngôi đền này phớt lờ những mong muốn của Chính quyền Obama, được bày tỏ trong một cuộc điện thoại kéo dài một tiếng đồng hồ của Phó Tổng thống khi đó Joe Biden. Chính quyền Mỹ biết rằng chuyến thăm này sẽ làm Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia khác ở châu Á nổi giận, một dự đoán mà sau đó đã trở thành sự thực. 

Trong 2 năm đầu tiên, chính sách ngoại giao cứng rắn của Abe đã không thu được nhiều sức kéo vì nó phải đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc, Hàn Quốc và nền kinh tế trong nước. Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tuần tra và xâm phạm vào quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), mà nước này cũng tuyên bố chủ quyền, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối gặp mặt Abe trong 2 năm đầu nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Hàn Quốc, đến lượt mình, đã gia tăng sự phẫn nộ và giọng điệu về vấn đề phụ nữ mua vui. Về kinh tế, người dân Nhật Bản đã dấy lên những quan ngại về việc không có tiến bộ trong chiến lược 3 mũi tên của ông. Abe biết rằng thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử phụ thuộc vào một nền kinh tế đang được cải thiện, chứ không phải chiến lược phòng thủ của ông. 

Đối mặt với những cơn gió ngược chiều này, chúng ta đã nhận thấy sự thay đổi thái độ ở một mức độ nào đó của Abe. Ông đã trở thành một Abe thực dụng, mặc dù còn sót lại những nét của chủ nghĩa bảo thủ mới. Để lấy lòng Trung Quốc và Hàn Quốc, ông đã không đi thăm lại ngôi đền Yasukuni. Ông cũng tái khẳng định, cho dù bằng cách thức mờ nhạt, những tuyên bố về hòa bình và sự ăn năn. Abe đã có việc làm ấn tượng về mặt ngoại giao nhằm hàn gắn các mối quan hệ với Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ mua vui. Tháng 12/2015, 2 chính phủ đã ký kết một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bất đồng, mặc dù vấn đề này đã bùng phát trở lại trên mối hận thù kiểu ăn miếng trả miếng. Một bộ trưởng Nội các Abe, dường như với sự đồng ý ngầm, đã đến thăm ngôi đền Yasukuni, sau đó là việc các nhóm phản đối Nhật Bản đặt một bức tượng phụ nữ mua vui phía trước lãnh sự quán Nhật Bản tại Hàn Quốc, tương ứng với bức tượng đã được dựng bên ngoài Sứ quán Nhật Bản tại Seoul. 

Abe cũng đã làm tốt trong việc xử sự với Chính quyền Trump. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên đến thăm Trump sau khi ông này trúng cử và là nhà lãnh đạo thứ hai làm như vậy sau khi Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Abe đã sáng suốt phớt lờ những khuyến nghị của các cố vấn chính sách của ông đối đầu với Trump về các vấn đề từ thương mại đến an ninh. Thay vào đó, ông đã theo đuổi một cách hợp lý chiến lược thân mật và tăng cường các mối quan hệ giữa 2 nước. 

Có vẻ như Abe đã đạt được mục tiêu ngắn hạn của ông là tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Abe đối mặt với 2 lựa chọn: Ông có thể tiếp tục ve vãn Trump với hy vọng rằng những tuyên bố và thái độ không nhất quán về chính sách của vị tổng thống này cuối cùng sẽ được kiềm chế, và rằng chính sách của ông sẽ quay trở lại là một chính sách ngoại giao của Mỹ mang tính truyền thống, cho dù đơn phương hơn. Lựa chọn thay thế là, Abe có thể đi theo chủ nghĩa thực dụng mới nổi của ông và bắt đầu việc xây dựng một cấu trúc an ninh mới cho khu vực mà sẽ tạo nên một phiên bản cập nhật của chính sách ngoại giao toàn cầu hóa của Brzezinski cách đây 2 thập niên. 

Lựa chọn đầu tiên, trông mong vào một liên minh Mỹ-Nhật truyền thống, dường như hấp dẫn đối với Abe vì giọng điệu chống Trung Quốc của Trump phù hợp với cán cân chiến lược quyền lực tập trung vào an ninh đang diễn ra của Abe. Mục tiêu của Abe là sử dụng những sự đảm bảo phòng thủ của Mỹ để mang lại lực đòn bẩy cho một Nhật Bản quyết đoán hơn ở châu Á so với Trung Quốc. Bất chấp những lời kêu gọi của ông về các mối quan hệ hướng tới tương lai ở châu Á, Trung Quốc không nhìn nhận những lời kêu gọi này dưới ánh sáng tích cực. Điều này sẽ ngày càng đúng bởi một Chính quyền Trump hiếu chiến hơn. Sự cân bằng hệ thống quyền lực với Trump ở vị trí cầm lái sẽ làm cho mối quan hệ an ninh Mỹ-Trung-Nhật mang trính cạnh tranh và bất ổn hơn, và có khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng hơn. Bất kỳ một tính toán sai lầm nhỏ nào cũng có thể dẫn đến xung đột. 

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, kịch bản có thể tưởng tượng được hơn bên trong bối cảnh một sự cân bằng quyền lực là việc chính quyền của ông sẽ rút khỏi hay giảm bớt sự ủng hộ đối với liên minh. Trump có thể kết luận rằng không đáng phải bỏ ra nguồn nhân lực và vật lực của Mỹ vì sự nghiệp đó khi ông theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của mình. Lựa chọn thay thế là, nếu ông xác định rõ rằng Nhật Bản chưa chấp nhận ở mức vừa đủ hồ sơ thương mại và tiền tệ, ông có thể không cảm thấy có nghĩa vụ phải cần đến sự trợ giúp của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Không có nghi ngờ gì về việc Trump sẽ thu được một cái giá cao từ Nhật Bản cho những cam kết phòng thủ của Mỹ. Như nhà khoa học chính trị Jeff Kingston đã lưu ý, Nhật Bản có thể sẽ phải gián tiếp chi trả cho bức tường biên giới với Mexico. 

Cuối cùng, cũng có khả năng là với việc Trump có xu hướng xem xét ngoại giao dưới góc độ giao dịch, các liên minh với cả Đài Loan lẫn Nhật Bản có thể được sử dụng như những lợi thế đàm phán trong một thỏa thuận lớn nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu bất kỳ kịch bản nào trong số 3 kịch bản này trở thành sự thực, kết hợp với việc Abe tiếp tục theo đuổi một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn, ông có thể giống như một vị hoàng đế trần truồng khi Nhật Bản bị bỏ lại ở một vị thế an ninh đã suy yếu. 

Lựa chọn thứ hai của Abe là một chiến lược phòng ngừa mà trong đó Nhật Bản sẽ tìm kiếm sự hòa giải lịch sử thực sự với các láng giềng của họ trong khi tập trung vào các lợi ích kinh tế và chính trị chung làm cơ sở cho sự ổn định và an ninh trong khu vực. Đồng thời, Nhật Bản sẽ duy trì liên minh mật thiết với Mỹ. Điều này sẽ đảo ngược chính sách ngoại giao hiện tại của Abe. Đối với Abe, việc “giữ cân bằng” hiện tại là chính sách chính trong khi “can dự” là sự phòng ngừa với Trung Quốc. Chính sách mới sẽ ngược lại. Việc được ưu tiên sẽ là vun đắp mối quan hệ chính trị và kinh tế thành thực trong lịch sử với các láng giềng của họ. Đồng thời, Nhật Bản sẽ duy trì các mối quan hệ gần gũi với Mỹ vì những mục đích bảo đảm. 

Những lời nói trước đây của Brzezinski nghe có vẻ vẫn đúng. Ông đã giải thích rằng không giống như Trung Quốc, Nhật Bản chỉ có thể giành được ảnh hưởng toàn cầu nếu họ trước tiên là tránh tìm kiếm sức mạnh khu vực. Điều trớ trêu là, việc theo đuổi một cán cân quyền lực ở châu Á như là một chính sách chủ yếu sẽ mãi mãi đặt Nhật Bản vào vai trò một nước chư hầu đối với Mỹ, chính là điều mà Abe đang cố gắng tránh. Lý tưởng là, ông muốn chứng kiến một Nhật Bản với chính sách ngoại giao tự trị hành động phối hợp với Washington. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể tự mình giành thắng lợi trong một cuộc ganh đua quyền lực với Trung Quốc nếu không có sự hậu thuẫn và hỗ trợ của sức mạnh quân sự Mỹ. 

Vậy thì một chiến lược toàn cầu cho Nhật Bản dựa trên một mối quan hệ mới với lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau với Trung Quốc và châu Á sẽ như thế nào? Nó trước tiên sẽ cần phải giải quyết những tranh chấp khu vực như một bàn đạp hướng đến một vai trò lớn hơn cho Nhật Bản trong các vấn đề toàn cầu. Chiến lược này sẽ cần phải dựa vào 2 con đường – con đường kinh tế và con đường chính trị. Trong 2 khía cạnh, khía cạnh kinh tế của chiến lược này là dễ thực hiện hơn vì có nhiều lợi ích bổ sung trong lĩnh vực này giữa các nước trong khu vực. 

Trong suốt thời kỳ hậu chiến tranh, một chủ đề đã đoàn kết châu Á là sự theo đuổi tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên sự tôn trọng chủ quyền. Nhật Bản có thể thể hiện cam kết của họ với triết lý này bằng việc nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện hiệp định thương mại với 11 nước còn lại, bất chấp việc Mỹ rút khỏi. Nhật Bản cũng nên đưa ra lời mời Trung Quốc tham gia hiệp định này trong tương lai. Đổi lại, Nhật Bản sẽ đồng ý gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu. Các dự án cơ sở hạ tầng ít người biết đến hơn của Nhật Bản hiện đang được thực hiện có thể được hợp nhất vào các dự án “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc tài trợ vì lợi ích của cả 2 nước và khu vực nói chung. 

Về khía cạnh chính trị, Abe sẽ cần phải làm tốt hơn nhiều công việc hội nhập và can dự với Trung Quốc, vì cho đến nay ông chủ yếu thiên về khía cạnh kiềm chế. Để làm dịu bớt những quan ngại của Trung Quốc và các nước châu Á khác về luật an ninh mở rộng và vai trò mới được tăng cường của SDF, việc chuộc lỗi một cách thành thực hơn về những vấn đề trong lịch sử sẽ là thích đáng. 

Chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe cùng với Tổng thống Obama chứng minh rằng có thể vượt qua sự thù hằn trong quá khứ và tăng cường các mối quan hệ mới giữa các nước từng là kẻ thủ nếu có ý chí chính trị. Trong trường hợp của Nhật Bản, có 4 hành động mà có thể đi một quãng đường dài để đạt được điều này. Thứ nhất, Abe cần đưa ra một tuyên bố được Nội các chấp thuận bày tỏ sự chấp nhận và tái khẳng định rõ ràng của chính quyền của ông về các tuyên bố hòa bình Kono và Murayama liên quan đến trách nhiệm và sự ăn năn của Nhật Bản đối với cuộc chiến tranh. 

Thứ hai, Abe cần đưa ra một tuyên bố chính thức ngăn cấm các quan chức đứng đầu của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có cả Thủ tướng và các bộ trưởng Nội các, đi thăm đền Yasukuni. 

Hành động thứ ba mà Abe có thể làm để vượt qua sự thù địch trong quá khứ liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui. Chính quyền Abe cần đi xa hơn việc đạt được một lá thư thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa ra một lời xin lỗi chính thức cấp Nội các. Điều này sẽ không chỉ đóng vai trò như một cử chỉ thể hiện sự hối hận thành thực mà còn thúc đẩy các lợi ích an ninh của chính Nhật Bản. Hàn Quốc là một đồng minh chủ chốt chống lại Triều Tiên, và là một đối tác quan trọng trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh mới trong khu vực. Vì vậy, việc giải quyết dứt điểm vấn đề này với Hàn Quốc là điều cấp thiết. Ngoài ra, có thể đưa ra một thỏa thuận tương tự với Trung Quốc và các nước châu Á khác mà cũng có phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng của quân đội đế quốc. 

Cuối cùng, về quần đảo Senkaku, Nhật Bản cần đề nghị quay trở lại hiện trạng trước đây là công nhận lẫn nhau các lập trường khác nhau về chủ quyền, nghĩa là, “gác lại vấn đề cho các thế hệ tương lai giải quyết” như khuyến nghị của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. 

Thực hiện chính sách ngoại giao táo bạo như vậy, Nhật Bản chắc chắn sẽ nhận được sự thông cảm nhiều hơn đối với các kế hoạch của Abe về “bình thường hóa” trong chính sách ngoại giao Nhật Bản và về SDF. Không có hành động nào trong số những hành động này sẽ làm suy yếu an ninh Nhật Bản. Quả thực, trong những hoàn cảnh mới này, sẽ khó cho bất kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc, phản đối việc SDF giữ một vai trò tích cực hơn. Các tuyên bố của Abe về “chủ nghĩa hòa bình tích cực” mà trong đó một Nhật Bản hòa bình, tôn trọng pháp luật sẽ triển khai SDF trong các chiến dịch an ninh trên toàn cầu như một lực lượng vì sự tốt đẹp mãi mãi sẽ không còn nghe có vẻ sáo rỗng nữa. Ngược lại, nó sẽ được chào đón, đặc biệt là bởi Liên hợp quốc cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Abe phải hiểu rằng trong khi việc triển khai sức mạnh quân sự là một trụ cột của vai trò lãnh đạo chính trị, tính hợp pháp về mặt đạo đức làm cơ sở cho vai trò lãnh đạo còn quan trọng hơn nhiều đối với sức mạnh duy trì dài hạn. 

Cuối cùng, để hội nhập hơn nữa vào khu vực, việc tạo nên một cơ quan an ninh khu vực chính trị thường trực mới cùng với các đường lối của Tổ chức an ninh và hợp tác ở châu Âu (OSCE) sẽ cải thiện sự ổn định trong khu vực. Nó cũng sẽ bổ sung cho các thể chế khu vực khác mới được thiết lập như TPP và AIIB. Việc thành lập một thể chế giống như OSCE là việc tương đối dễ làm vì một diễn đàn an ninh tương tự đã tồn tại dưới dạng Hội nghị cấp cao Đông Á. Hội nghị cấp cao này cần được chuyển đổi thành một tổ chức chính thức với một ban thứ ký thường trực. 

Sự thành công về kinh tế của Đông Á bắt nguồn từ sự ổn định chính trị của thời kỳ sau Chiến tranh Việt Nam. Nó đảm bảo sự mở rộng thương mại và dòng chảy đầu tư tự do trong khu vực. Bên đảm bảo cho khuôn khổ an ninh này là Mỹ, nhưng cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ cần phải tham gia ủng hộ một cấu trúc mới. Nếu Abe đi đầu trong những sáng kiến này, các động thái của ông nhằm khôi phục chính sách ngoại giao Nhật Bản thông qua một vai trò được tăng cường cho SDF cũng sẽ được phần lớn các nước và thậm chí có lẽ là cả Trung Quốc đánh giá tích cực. Nếu Trung Quốc phản ứng trái ngược với những lời đề nghị, thì Nhật Bản chắc chắn sẽ giành được thiện chí của cộng đồng quốc tế, điều sẽ giúp đối trọng lại phần nào mối đe dọa. Nó cũng sẽ đóng vai trò như một sự phòng ngừa chống lại một chính sách ngoại giao có thể hỗn loạn của Trump mà giúp ổn định khu vực chống lại bất kỳ cơn gió ngược chiều nào. 

Vậy thì, phải chăng chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa khía cạnh thực dụng của Abe và việc châu Á chịu trách nhiệm cho sự phát triển an ninh và kinh tế của mình? Hay phải chăng chúng ta sẽ chứng kiến sự phẫn nộ của một con cá voi bị dạt vào bờ? Abe sẽ giữ vai trò lớn trong việc định đoạt kết quả.

Carlos Ramirez là phó giáo sư tại khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Kindai, Osaka, Nhật Bản. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)