Mặc dù hai nước bình thường hóa quan hệ đầu năm 1990, nhưng phải nhiều năm sau hai bên mới bắt đầu tiến trình thúc đẩy quan hệ. Bắc Kinh coi trọng Giacácta không những vì đây là một thị trường rộng lớn và nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn do Inđônêxia là một nước ven biển quan trọng gần những điểm kiểm soát biển chiến lược-nơi các tàu thuyền chuyên chở năng lượng của Trung Quốc đi qua, Inđônêxia là đối tác quan trọng trong ASEAN và là một nước đang phát triển trong các tổ chức quốc tế. Khi Trung Quốc nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, Giacácta bắt đầu coi Bắc Kinh như một đối tác quan trọng trong các nỗ lực của nước này nhằm xây dựng lại nền kinh tế, trở lại vai trò khu vực truyền thống trong ASEAN và tăng cường sức mạnh thông qua các cường quốc trên vũ đài thế giới. Ý tưởng về mối quan hệ đặc biệt, do Trung Quốc đề nghị năm 2001, đã thu hút sự quan tâm và cuối cùng dẫn đến mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2005 khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Inđônêxia và có cuộc gặp với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Kể từ đó hai bên đã và đang làm sâu sắc và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, kinh tế và chính trị-an ninh. Thương mại hai chiều Inđônêxia và Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2006-2011, đạt 49,2 tỷ USD và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Inđônêxia. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quân sự như sản xuất tên lửa chung và diễn tập quân sự. Chuyến thăm Trung Quốc tháng 3/2012 của Tổng thống Yudhoyono là bước đi quan trọng nhằm củng cố hơn nữa các mối quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm đã chứng kiến các nhà kinh doanh hai nước ký kết 15 thỏa thuận trị giá 17,65 tỷ USD và 6 bản ghi nhớ trên các lĩnh vực như hợp tác biển, trao đổi các số liệu lưu trữ, thống kê và chống ma túy. Tuyên bố chung của chuyến thăm nhấn mạnh hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế bền vững và lành mạnh để nâng tổng khối lượng thương mại lên 80 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời khuyến khích các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc hỗ trợ Kế hoạch Quan trọng năm 2011-1015 của Inđônêxia nhằm Thúc đẩy và Mở rộng Phát triển Kinh tế (MP3EI). Ngoài vấn đề kinh tế, tuyên bố chung cũng đề cập tới việc phát triển hợp tác song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác như khoa học và công nghệ, an ninh lương thực, năng lượng và hợp tác khu vực trong các diễn đàn như ASEAN+1, ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á. Sau cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Yudhoyono tin tưởng hai nước sẽ tăng cường hợp tác chiến lược trên các lĩnh vực khác nhau.

Nhưng sự lạc quan của Tổng thống Yudhoyono lại là nhằm che đậy nhiều trở ngại nghiêm trọng đang tồn tại trong các mối quan hệ Trung Quốc-Inđônêxia. Trên lĩnh vực kinh tế, quy mô và lịch sử của Trung Quốc tiếp tục khiến Inđônêxia lo sợ về một nước bá quyền đang tìm cách biến Đông Nam Á thành một hệ thống chư hầu mới bằng cách đổ vào Inđônêxia các loại hàng hóa rẻ mạt, bòn rút các loại nhiên liệu thô và sử dụng động lực chính trị để lôi kéo cộng đồng người Hoa ở Inđônêxia. Các xu hướng quan hệ kinh tế mấy năm qua chỉ làm tăng nhận thức này trong một số bộ phận dân chúng, khu vực tư nhân và Chính phủ Inđônêxia. Thực tế, Inđônêxia từ chỗ đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc năm 2006 là 1,1 tỷ USD trở thành thâm hụt thương mại 3,2 tỷ USD năm 2011, trong khi chỉ 5 loại nhiên liệu thô: than đá, dầu cọ, khí đốt, dầu thô và cao su chiếm khoảng 60% tổng xuất khẩu của Inđônêxia sang thị trường Trung Quốc năm 2011. Những nỗi lo ngại đó ngày càng tăng ở Inđônêxia khi Thỏa thuận Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được thực hiện. Mặc dù Trung Quốc nỗ lực xua tan nỗi lo ngại của Inđônêxia, nhưng ACFTA bị chỉ trích mạnh mẽ khi hàng loạt công nhân Inđônêxia bị mất việc làm trong các nhà máy địa phương do hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Inđônêxia, từ đó Chính phủ Inđônêxia buộc phải đàm phán lại thỏa thuận. Bộ trưởng Thương mại Inđônêxia Mari Pangestu, một nhà kinh tế nữ người Inđônêxia gốc Hoa có uy tín trên thế giới, đã bị mất chức một phần do các vấn đề liên quan đến ACFTA. Hai bên đã cố gắng khắc phục nỗi lo ngại kinh tế này. Khi đến thăm Inđônêxia năm ngoái, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định Trung Quốc không theo đuổi thặng dư thương mại và sẵn sàng tăng nhập khẩu của Inđônêxia để thúc đẩy phát triển thương mại song phương. Sau khi xem xét các số liệu thương mại của hai nước trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 3/2012, Tổng thống Inđônêxia Yudhoyono đề nghị Bộ trưởng Thương mại Inđônêxia kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn lậu vì ông coi đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thâm hụt thương mại. Inđônêxia cũng áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ các loại hoa quả, rau, song mây và đầu tư nước ngoài ở các khu vực như khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ các công ty trong nước và gây ảnh hưởng tới các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc.

Mặc dù nỗ lực như vậy, nhưng các chuyên gia khẳng định cơ cấu thương mại không thể thay đổi một sớm một chiều. Vấn đề cơ bản giữa hai nền kinh tế là cơ cấu, trong đó Inđônêxia cần xuất khẩu nhiều hàng hóa và nhiên liệu thô, trong khi Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu các loại hàng hóa. Bên cạnh đó, tiến trình biến các ngành sản xuất của Inđônêxia cạnh tranh nhằm thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Trung Quốc đòi hỏi mất nhiều thời gian do Inđônêxia đang có nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng yếu kém, buôn lậu và vi phạm bản quyền. Vì vậy, thâm hụt thương mại cũng có thể còn tăng trong những tháng tới khi Trung Quốc chủ trương chuyển mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á nhằm đối phó với nhu cầu ngày càng giảm ở châu Âu và Mỹ do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Các trở ngại giữa hai nước cũng còn tồn tại trong lĩnh vực an ninh bất chấp một số tiến bộ. Sau khi ký quan hệ đối tác chiến lược năm 2005, hai bên đẩy mạnh hợp tác công nghệ quốc phòng, tham khảo ý kiến quốc phòng song phương và thành lập một ủy ban hợp tác quân sự chung để tổ chức các cuộc diễn tập quân sự và chương trình huấn luyện. Mấy năm gần đây, Inđônêxia đã và đang mua các tên lửa chống tàu và các tàu KRI Kujang-642 được trang bị tên lửa có điều khiển của Trung Quốc. Hai bên cũng bắt đầu đẩy mạnh quan hệ đối tác về sản xuất các loại vũ khí và Giacácta đặc biệt quan tâm tới dự án chế tạo tên lửa C-907 để trang bị trên các máy bay chiến đấu Sukhoi. Ngoài ra, tháng 6/2011, quân đội hai nước tổ chức cuộc diễn tập quân sự của lực lượng đặc biệt đầu tiên mang tên "Kiếm Sắc" ở khu vực Băngđung, Inđônêxia. Nhưng ngoài các tên lửa chống tàu, Trung Quốc không bán các phần cứng quân sự cho Inđônêxia. Ví dụ, việc Bắc Kinh liên tục chào bán các máy bay JF-17, cùng sản xuất với Pakixtan, dường như không đáp ứng các yêu cầu của Inđônêxia. Ngoài cuộc diễn tập quân sự chung năm ngoái, Inđônêxia tỏ ra thận trọng trong các hoạt động quân sự chung với quân đội Trung Quốc. Tháng 5/2011, khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Giacácta, Bộ trưởng Quốc phòng Inđônêxia Purnomo Yusgiantoro không trả lời các gợi ý của phía Trung Quốc về đề nghị tuần tra hỗn hợp với Inđônêxia và các nước thành viên ASEAN để bảo vệ các tàu vận tải đi qua Vịnh Aden như một phần nỗ lực chống cướp biển chung. Một số nhân tố có thể giải thích sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Giacácta liên quan đến các mối quan hệ an ninh với Trung Quốc.

Các chương trình mua sắm trang thiết bị quân sự của Inđônêxia năm 2011 cho thấy Giacácta tin tưởng họ có thể mua sắm các loại trang thiết quân sự tốt hơn ở nhiều nước khác như các thỏa thuận mua 6 máy bay chiến đấu Su-30MKK của Nga trị giá 470 triệu USD; mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc trị giá gần 1,1 tỷ USD; 9 máy bay vận tải hạng trung NC-295 của Tây Ban Nha trị giá 325 triệu USD; 8 máy bay chống bạo loạn Embraer EMB-314 Super Tucano của Braxin và 24 máy bay chiến đấu F-16C/D của Mỹ trị giá hàng tỷ USD. Sự đón tiếp lạnh nhạt của Trung Quốc đối với Tổng thống Inđônêxia cũng có thể là hậu quả liên quan đến ý đồ quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm cả khu vực đặc quyền kinh tế của Inđônêxia mở rộng từ quần đảo Natuna. Năm 2009, Inđônêxia bắt giam 75 ngư dân và tàu cá Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna, sau đó Bắc Kinh nhanh chóng tuyên bố hành động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quan hệ song phương. Mặc dù Inđônêxia từ lâu vẫn tự coi mình như một trọng tài và tài trợ nhiều cuộc hội thảo nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông từ những năm 1990, nhưng năm 2010 Inđônêxia đã gửi một bức thư lên một ủy ban của Liên hợp quốc thách thức quan điểm bành trướng chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc-Inđônêxia cũng còn nhiều hạn chế về chính sách đối ngoại. Tuy Trung Quốc muốn quan hệ thân thiện hơn với Inđônêxia, nhưng chính sách đối ngoại hiện nay của Giacácta là bảo vệ khu vực không bị một hoặc hai cường quốc cạnh tranh thống trị. Inđônêxia muốn nhiều cường quốc có thể can dự tất cả các vấn đề khu vực và sự phát triển của bên này không được coi là thất bại của bên kia. Điều đó có nghĩa, một mặt Inđônêxia có thể phản đối bất cứ ý đồ kiểu Chiến tranh Lạnh nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc, nhưng mặt khác Giacácta cũng hoan nghênh các hình thức can dự không ồn ào của các cường quốc khác, kể cả Mỹ, nhằm thúc đẩy ổn định khu vực. Ngược lại Bắc Kinh có thể coi kiểu can dự như vậy nhằm thực hiện ý đồ phá hoại sự phát triển của Trung Quốc. Sự cân bằng có tính toán này nhằm bảo đảm Giacácta duy trì được các mối quan hệ vừa thân thiện vừa có khoảng cách giữa các cường quốc khác nhau trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Trong chuyến thăm của Tổng thống Inđônêxia, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhắc nhở Tổng thống Yudhoyono rằng Inđônêxia và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, chỉ cách nhau một vùng biển. Lời nhắc nhở đó giống như Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi hai bên chung tay thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt, làm sâu sắc sự hợp tác toàn diện và xây dựng một tương lai tươi sáng khi ông đến thăm Inđônêxia tháng 4/2011. Việc mất lòng tin kéo dài cộng với triển vọng chính sách đối ngoại của Inđônêxia cho thấy quan hệ Trung Quốc-Inđônêxia sẽ tiếp tục còn tồn tại một khoảng cách nhất định trong tương lai./.

Theo Jamestown (ngày 12/4)

Viết Tuấn (gt)