Trong 5 năm, chính phủ quốc gia của Tây Ban Nha và vùng Catalunya đã thử thách lòng quyết tâm của nhau xung quanh nỗ lực đòi độc lập của Catalunya. Và ngày càng có vẻ như không bên nào có ý định ngừng lại trước khi tạo được ảnh hưởng.

Ngày 1/10, chính quyền Catalunya lên kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về nền độc lập mà họ tuyên bố là chắc chắn. Luật trưng cầu ý dân do quốc hội Catalunya thông qua nói rằng kết quả bỏ phiếu "có" sẽ kích hoạt tuyên bố độc lập "trong vòng 2 ngày" - hoàn toàn phớt lờ thực tế là tòa án hiến pháp Tây Ban Nha đã đình chỉ cơ sở pháp lý cho cuộc bỏ phiếu. Quảng cáo trên TV của chính quyền Catalunya về cuộc trưng cầu ý dân có cảnh rất phù hợp là một đoàn tàu tới gần ngã ba đường ray.

Kể từ năm 2012, Tây Ban Nha đã trấn áp giới lãnh đạo ủng hộ độc lập của vùng Catalunya bằng cách đơn thuần nói "không" với mọi cuộc đối thoại về chủ quyền. Giờ đây, dường như họ có ý định thể hiện sức mạnh. Giới chức luật pháp và cảnh sát Tây Ban Nha đang hành động để nhanh chóng ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân diễn ra. Những cuộc khám xét các cơ quan chính quyền Catalunya và các địa điểm khác vào ngày 20/9, dẫn đến 14 vụ bắt giữ, đánh dấu sự gia tăng đột ngột các nỗ lực điều tra, vốn trước đây chỉ giới hạn ở việc thu giữ áp phích và phiếu bầu cũng như tìm kiếm các hòm phiếu được giấu kín mà chính quyền Catalunya tuyên bố đã mua.

Chưa rõ chính phủ quốc gia can dự như thế nào để ép tạo ra kết quả có lợi cho mình. Madrid có rất nhiều quyền sử dụng luật pháp. Chẳng hạn, họ có thể kích hoạt một điều trong hiến pháp đình chỉ tình trạng tự trị của một vùng đang nổi loạn, trên thực tế kiểm soát chính quyền Catalunya.

Nhưng việc phong tỏa chính quyền Catalunya của Thủ hiến Carles Puigdemont có thể sẽ đòi hỏi phải đưa lực lượng tới địa bàn. Và trong khi các chính trị gia Tây Ban Nha không hề e ngại cử số lượng cảnh sát lớn hơn đến Catalunya trước cuộc trưng cầu ý dân, họ có truyền thống chùn bước trước việc sử dụng quân đội trong các tình huống như vậy. Nhiều người Tây Ban Nha trên khắp đất nước tin tính bướng bỉnh của thủ tướng bảo thủ Mariano Rajoy ngày càng gây chia rẽ chính trị. Cách hàng nghìn người tuần hành xung quanh các tòa nhà chính quyền Catalunya trong khi sĩ quan cảnh sát chính quyền trung ương tìm kiếm đầu não hậu cần của cuộc trưng cầu hôm 20/9 cho thấy cảm xúc đang tăng cao một cách nguy hiểm.

Người phát ngôn chính quyền Catalunya Jordi Turull nói: "Nếu giải pháp cuối cùng cho nhà nước Tây Ban Nha là xe tăng, thì chúng tôi sẽ chiến thắng".

Rajoy khẳng định cuộc trưng cầu ý dân sẽ không diễn ra vì nó bất hợp pháp. Nhưng sự do dự của Madrid sử dụng các lực lượng an ninh để phong tỏa các điểm bỏ phiếu cho thấy một kiểu bỏ phiếu nào đó sẽ diễn ra. Đã có tiền lệ trong "tiến trình tham gia" năm 2014 ở Catalunya, vốn chứng kiến 2,3 triệu người Catalunya tham gia cuộc bỏ phiếu bị ngành tư pháp Tây Ban Nha cấm trước đó.

Nếu các lực lượng an ninh tìm cách ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân bằng việc phong tỏa các điểm bỏ phiếu hoặc sử dụng các biện pháp tương tự, đảng Ứng viên thống nhất đại chúng cánh tả, một thành phần nhỏ về số lượng nhưng mang tính sống còn đối với đa số ủng hộ độc lập trong quốc hội Catalunya, hứa hẹn tổ chức sự bất tuân dân sự quy mô lớn. Đó chính là một mối đe dọa thực sự đối với trật tự công cộng, nếu nhìn vào số lượng người tham gia khổng lồ, thường lên đến hàng triệu người trong các cuộc tuần hành cho đến nay vẫn diễn ra hòa bình trên đường phố Barcelona để ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha trong suốt nửa thập kỷ qua.

Artur Mas, thủ hiến Catalunya dẫn trước trong cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp về mặt kỹ thuật năm 2014, kể từ đó đã bị cấm giữ chức vụ công vì bất tuân lệnh của tòa án Tây Ban Nha. Rất có thể điều đó sẽ lại xảy ra với Puigdemont và phần còn lại nội các của ông, những người về nghi thức đã ký sắc lệnh cho phép cuộc trưng cầu ý dân mới. Các quan chức ở Barcelona nói họ đơn thuần sẽ phớt lờ bất kỳ phán quyết nào như thế vì nhiệm vụ của họ chỉ bắt nguồn từ ý chí của người dân Catalunya thông qua quốc hội vùng.

Vậy điều này sẽ đưa Tây Ban Nha đến đâu? Có vẻ chính quyền Catalunya sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân theo một cách nào đó và kết quả sẽ nghiêng về độc lập, nếu xét quyết định của phe ủng hộ thống nhất của vùng này tẩy chay quy trình bỏ phiếu. Những người Catalunya dân tộc chủ nghĩa chắc chắn sẽ ăn mừng, dù sự nhiệt tình của họ có thể bị giảm bớt nếu số người đi bỏ phiếu dưới 50%. Nếu cuộc bỏ phiếu không thể đáp ứng được ngưỡng thành công không chính thức đó, Puigdemont có thể chọn cách kêu gọi bầu cử vùng sớm, cuộc bỏ phiếu hợp pháp duy nhất để có thể thể hiện sức mạnh của sự nghiệp ly khai.

Nếu kết quả hoàn toàn nghiêng về hướng độc lập cho Catalunya, chính quyền vùng sẽ phải quyết định đẩy vấn đề này đi xa đến đâu. Trên giấy tờ, một kết quả "có" sẽ kích hoạt một điều luật bắc cầu theo đó Catalunya sẽ phải trở thành một "nước cộng hòa hợp pháp, dân chủ và xã hội" với quyền tăng thuế và sung công những thứ từng là tài sản và thể chế của Tây Ban Nha trong khi hiến pháp đầy đủ sẽ được soạn thảo cho cuộc trưng cầu ý dân tiếp theo trong 1 năm sau. Tòa án Tây Ban Nha sẽ tiếp tục tuyên bố các biện pháp này là bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha, nhưng các nhà lãnh đạo Catalunya đương nhiệm tuyên bố có quyền đặt quốc hội của riêng họ lên trước bất kỳ công cụ nào của nhà nước trung ương Tây Ban Nha trong trường hợp thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy thế họ có thể chọn cách phản ứng thực tiễn hơn. Chính quyền Rajoy mới đây đã bắt đầu lên tiếng đằng sau hậu trường để cho thấy họ đã sẵn sàng đánh giá lại cách chính quyền trung ương Tây Ban Nha chia sẻ quyền lực cho các vùng tự trị. Sau cuộc trưng cầu ý dân, chính quyền Catalunya có thể chọn cách phản ứng bằng việc tham gia quá trình đánh giá lại, từ vị thế được hiểu là sức mạnh.

Nhưng có rất nhiều trở ngại để đạt được bất kỳ giải pháp đàm phán nào.

Năm năm trước, thủ hiến Catalunya khi đó là Mas đã tới Madrid để đề nghị một thỏa thuận đặc biệt tương tự như cho xứ Basque của Tây Ban Nha, theo đó vùng giàu có này nhận được lượng chi tiêu chính phủ bằng với lượng thu nhập thuế họ nộp cho nhà nước. Ý tưởng đó đã bị Rajoy bác bỏ ngay lập tức. Thế hệ người Catalunya dân tộc chủ nghĩa mới không quan tâm đến tình trạng tự trị gia tăng hay gói tài chính tốt hơn từ chính phủ trung ương so với cha mẹ họ; họ muốn quyết định tương lai của mình. Thời khắc tối ưu cho một thỏa thuận được đàm phán có vẻ đã qua. Các cuộc thăm dò ý kiến thường xuyên cho thấy đa số lớn người dân Catalunya muốn một cuộc trưng cầu ý dân chính thức về nền độc lập, ngay dù nhiều người sẽ bỏ phiếu chống.

Phần lớn sẽ chỉ còn là câu hỏi Puigdemont và chính quyền của ông mong muốn chính xác điều gì. Giống đồng nghiệp Mas trong đảng, Puigdemont đã thổi bùng ngọn lửa kỳ vọng thực sự rằng độc lập là một khả năng có thể xảy ra trong tầm nắm của Catalunya, chứ không phải tham vọng trên danh nghĩa là tiến lên trong những bước đi ôn hòa. Cả hai có vẻ chắc chắn sẽ bị luật pháp đày đọa khi các nhân viên tư pháp Tây Ban Nha từ từ xé vụn khuôn khổ pháp lý giả của Catalunya về độc lập.

Nhưng sự “tử vì đạo” đó có thể có ý nghĩa của nó. Bản chất không thương xót của điều họ gọi là khủng bố pháp lý là một lý do khác để phong trào độc lập tiếp tục trong hy vọng cuối cùng có thể thuyết phục được các bên tham gia quốc tế ngả về Tây Ban Nha. Trong khi các chính khách quốc tế có ảnh hưởng vẫn chưa nêu quan điểm về Catalunya, các bài xã luận gần đây trên tờ New York Times và Le Monde kêu gọi Tây Ban Nha cho phép trưng cầu ý dân đẩy mạnh hy vọng đó.

Kết quả có khả năng xảy ra nhất của cuộc trưng cầu ý dân sắp tới sẽ là đáng lo ngại: Tình trạng hiện thực kép sẽ kéo dài, trong đó các lực lượng ủng hộ độc lập tiếp tục công cuộc tìm kiếm viển vông bằng cách đổi tên các thể chế hiện hành, trong khi giới quan chức tư pháp Tây Ban Nha chậm rãi theo sau, khôi phục mọi thứ trên giấy tờ, nếu không muốn nói là trong tâm trí người Catalunya. Chính quyền Catalunya đã vạch ra lộ trình tiến tới độc lập để cho phép cư dân vùng này duy trì quốc tịch Tây Ban Nha trong khi theo đuổi quốc tịch Catalunya nếu họ muốn. Người ta ngầm thừa nhận rằng ngay cả trong trường hợp chiến thắng, nền độc lập cùng lắm cũng sẽ chỉ là một vùng xám trong tương lai thấy trước.

Ở một thời điểm nào đó, những hiện thực khác biệt này sẽ phải được đưa ra đối diện trực tiếp. Tây Ban Nha chỉ có thể hy vọng mình đang ở quanh bàn đàm phán chính trị, chứ không phải một bên của chiến tuyến.

James Badcock là biên tập phiên bản tiếng Anh tờ El Pais, Tây Ban Nha. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.

Văn Cường (gt)