Trong cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giống như các cuộc tranh cãi năm 2010 cũng vì lý do tương tự, hay như trong những năm 2004-2006 về vấn đề khác nhưng với những dấu hiệu tương tự ở cả bên này lẫn bên kia, chuyên gia các vấn đề châu Á Francis Daho cho rằng ở đây có hai vấn đề đáng chú ý. 

Vấn đề đầu tiên là sự việc vô lý đến mức vào thế kỷ 21, mặc dù đã có những bài học lịch sử nhưng giới tinh hoa chính trị hai nước lớn láng giềng của nhau đã để tình cảm lấn át lý trí, khiến quan hệ như đang tiến đến bên miệng hố chiến tranh. Với những tính toán chính trị nội bộ, những hành động thao túng dân chúng, tâm lý thù hận tích tụ từ lâu, lập trường bảo thủ và những tuyên bố thẳng thừng, Nhật Bản và Trung Quốc đang cấu xé nhau chỉ để sở hữu một số hòn đảo nhỏ có chủ quyền không rõ ràng. Trong khi đó, bình tĩnh thương lượng  và với lý trí ở mức tối thiểu có thể mang lại giải pháp văn minh chia sẻ chủ quyền cùng nhau khai thác tài nguyên

Nếu chỉ nghe bên này hay bên kia tuyên bố, trong tình trạng không bên nào - dù chính thức hay không - có ý định nhân nhượng, lùi bước, có thể thấy lối mòn mà Tôkyô và Bắc Kinh đang cùng dấn vào vừa sâu vừa nguy hiểm hơn trước đây. 

Quả thực là Nhật Bản dường như không có khả năng từ bỏ hành động khiêu khích khi chính phủ nước này mua lại ba hòn đảo, hành động mà Trung Quốc coi là xóa bỏ nguyên trạng giúp làm dịu tình hình tồn tại từ thời Chu Ân Lai. Cuộc khủng hoảng có thể kéo dài sau khi bị Tỉnh trưởng Tôkyô, Shintaro Ishihara, khuấy động. Là nhân vật theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt và tác giả cuốn sách "Nhật Bản có thể nói không" xuất bản năm 1999 (trong đó ông đề nghị giải thoát Nhật Bản khỏi mối quan hệ với Mỹ), ông chính là người châm ngòi cuộc tranh cãi hiện nay. Ishihara vừa công bố một kế hoạch xây dựng hạ tầng hạng nhẹ trên các hòn đảo này. Căng thẳng có thể gia tăng hơn nữa khi bạn bè của Ishihara có khả năng chuẩn bị trở lại nắm quyền ở Tôkyô. 

Vấn đề thứ hai liên quan đến những điều chưa được nhắc đến về sự hiện diện của Mỹ, của Hải quân Mỹ, vốn là công cụ giúp Mỹ nắm vai trò chiến lược trong vùng và chắc chắn sẽ được củng cố thêm bởi bầu không khí sôi sục phi lý giữa hai cường quốc khu vực. Do không có khả năng thoát ra khỏi trạng thái kình địch để nắm quyền kiểm soát châu Á, cộng thêm với những bất đồng trong lịch sử, nên cả hai, dù là nói thực hay dối lòng, luôn trông đợi vào sự dàn xếp của Nhà Trắng để dập tắt ngọn lửa đã bắt đầu bùng lên do sự cảm tính của mình. 

Vì sợ sự việc bị đẩy đến cực điểm khi Tôkyô đòi Mỹ phải xác định đứng về phía nào, chính phủ Mỹ vội vã xoa dịu hết mức mỗi khi tình hình bùng lên. Để làm việc này, Mỹ có sức mạnh không ai bằng là lực lượng Hải quân, cộng với tính hợp pháp trong lịch sử bởi chiến thắng trước Nhật Bản và cuộc can thiệp chống Kim Nhật Thành trên bán đảo Triều Tiên - hai yếu tố chính tạo nên tình thế chiến lược trên thực địa. 

Quả thực là trong thời gian gần đây, Mỹ nhiều lần nhắc lại rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi thỏa thuận an ninh với Nhật Bản, vì vậy buộc Lầu Năm Góc phải can thiệp trong trường hợp lãnh thổ Nhật Bản bị xâm lược từ bên ngoài. Ngoài việc hiệp ước này được ký năm 1952 và việc thực hiện hiệp ước trong thế kỷ 21 đối với Mỹ có thể phức tạp hơn, áp dụng thỏa thuận này đối với một hòn đảo không có người ở dĩ nhiên sẽ đặt ra nhiều vấn đề hơn so với trường hợp phản ứng trong một cuộc tấn công vào giữa lãnh thổ Nhật Bản hay vào Okinawa, nơi đồn trú của lực lượng Mỹ. Thế khó xử của Mỹ, tuy hoàn toàn mang tính lý thuyết vì Trung Quốc sẽ không mắc sai lầm khi tấn công quân sự vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song sẽ khiến Mỹ lúng túng hơn vì lập trường của Nhật Bản đối với các hòn đảo này là không vững vàng về phương diện pháp lý. 

Ngay cả các tờ "New York Times" và "Los Angeles Times" của Mỹ, sau khi nghe ý kiến của một số chuyên gia Trung Quốc và Nhật Bản, cũng thừa nhận cách đánh giá tình hình theo hướng khả năng quần đảo tranh chấp thuộc về Trung Quốc. Trong một bài viết đăng trên tờ "Asia Times" ngày 28/9, Peter Lee nói rõ những mâu thuẫn và thế yếu trong yêu sách của Nhật Bản so với yêu sách cũng của nước này đối với quần đảo Kuril và Dokdo. 

Lập luận của Nhật Bản về Điếu Ngư/Senkaku trước hết xuất phát từ lôgích "đánh chiếm được". Quần đảo này được trao cho Nhật Bản quản lý cùng với Đài Loan và quần đảo Ryukyu sau chiến thắng quân nhà Thanh vào năm 1895 và không được trả lại cho Trung Quốc trong tình hình hỗn loạn sau chiến tranh. Theo Nhật Bản, sự việc phải dừng lại ở đó. Nhưng cách lập luận đó đi ngược lại với lập trường của Nhật Bản đối với quần đảo Kuril, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau cái mà Tôkyô coi là "Liên Xô đánh chiếm bất hợp pháp". 

Ngoài những lập luận vốn đã yếu ớt liên quan đến lịch sử hay sức mạnh "đánh chiếm được" không được áp dụng đối với quần đảo Kuril, một lập luận khác được Nhật Bản sử dụng để đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là tính hợp pháp thông qua việc kiểm soát về hành chính đối với quần đảo này từ năm 1972. Nhưng kể cả trong trường hợp này, phép biện chứng không đứng về phía lập trường của Nhật Bản đối với đảo Dokdo/Takeshima khi Tôkyô phê phán Xơun hậu thuẫn yêu sách lãnh thổ của mình bằng việc một gia đình ngư dân chuyên đánh bắt mực thực tế ở trên đảo này, xây dựng ở đây nhiều cơ sở đánh cá cộng với một ngọn đèn hải đăng và nhà ở cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Như vậy, lập trường của Nhật Bản rõ ràng là không đồng nhất. Một trong những hệ quả nảy sinh từ đó là khó khích lệ Mỹ mạo hiểm gây xung đột với Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, kể cả các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh, mặc dù ngày càng cáo buộc Oasinhtơn là người gây ra rối loạn tình hình hơn là hòa dịu, cũng phải thừa nhận cái hay trong sự hiện diện của Mỹ, mặc dù cái hay đó khiến người khác phải khó chịu, nhưng lúc này là không gì có thể thay thế được. Tuy nhiên, trong sự bất ổn định này, cán cân lực lượng đang thay đổi. 

Cách đây 10 năm, sức mạnh tạo ra sự ổn định của Mỹ vẫn còn là điều không thể phủ nhận, nhưng nay độ tin cậy không còn được như trước nữa. Sức mạnh đó quả thực đang là mục tiêu của phái dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc và hành động kích động của phái hữu cực đoan ở Nhật Bản. Vốn hiếu chiến và không muốn thỏa hiệp lắm, phái này càng làm giảm đáng kể khả năng xoay xở của Nhà Trắng vì Tôkyô và Oasinhtơn cùng tham gia một liên minh về an ninh. 

Cũng như mọi khi, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước hành động khiêu khích của Nhật Bản. Các hành động phản kháng, ít nhiều được chính quyền Bắc Kinh cho là chính đáng, nổ ra trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, nhưng được Đảng Cộng sản chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ. Một số người bị tấn công, hoặc vì họ là người Nhật, hoặc vì họ có xe Nhật. Một số mạng Internet của Nhật Bản bị xâm nhập, có thể là từ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, nói đến hành vi trả đũa trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thâm nhập vùng lãnh hải của Nhật Bản khiến lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này phản ứng lại. 

Theo chuyên gia Francis Daho, việc nói rằng mối quan hệ với Oasinhtơn mang tính cốt tử đối với Trung Quốc cũng không ngoa. 

Mỹ là đối tác thương mại kỹ tính, đôi khi thù vặt, trong thời kỳ bầu cử thường bị hấp dẫn bởi trào lưu mỵ dân, là cường quốc quân sự có mặt ở khắp nơi và hay can thiệp, là hậu thuẫn quốc tế duy nhất của Đài Loan, thích biểu dương sức mạnh, bị Bắc Kinh cáo buộc vừa muốn kìm hãm sự lớn mạnh của Trung Quốc vừa muốn tập hợp quanh mình các nước châu Á chống Trung Quốc và là yếu tố gây rối loạn hơn là tạo ra tình hình êm dịu. Song đối với Trung Quốc, Mỹ cũng là mô hình, thị trường, đối tác tài chính, kinh tế, thương mại và chiến lược không thể bỏ qua được, hơn là một địch thủ. 

Trong bối cảnh đó, khi cốt lõi của sự việc luôn không tương ứng với vẻ bề ngoài, hai ví dụ về chính sách thực dụng của Trung Quốc đáng được chú ý. Tuy đưa ra nhiều tuyên bố tỏ rõ quyết tâm thoát khỏi cạm bẫy đồng đôla, song vì nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu nên Trung Quốc vẫn luôn là nước nắm giữ phần lớn nhất, hơn cả Nhật Bản, món nợ nước ngoài của Mỹ, với 1.500 tỷ USD vào tháng 8/2012. Con số này tương đương với 20% món nợ nước ngoài của Mỹ, nhưng chỉ chiếm 7% tổng món nợ của nước này. Điều đó cho thấy những tuyên bố nói rằng nước Mỹ dễ bị đánh quỵ trước hành động thao túng tài chính của Bắc Kinh chỉ là tương đối. Chính phủ Trung Quốc thấy đó là một phương tiện để kiểm soát giá trị suy giảm của đồng nhân dân tệ, đồng thời bảo vệ thặng dư thương mại với Mỹ, trong khi chờ đợi cái thay thế đồng USD được áp đặt trong cuộc chơi tài chính thế giới. Hơn thế nữa, từ tháng 6/2011, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, trước đây sử dụng vai trò trung gian của Phố Uôn để mua lại món nợ của Mỹ, bây giờ làm việc trực tiếp với Kho bạc Mỹ. Cách làm này giúp hoạt động tài chính Trung-Mỹ có được hình ảnh vừa chính thức vừa kín đáo hơn và chỉ có liên quan trực tiếp đến bộ máy của hai Nhà nước. 

Một cạnh tranh khác liên quan đến các vấn đề an ninh, với các chuyến thăm thường xuyên lẫn nhau của giới chỉ huy quân sự và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, thường diễn ra khi các cuộc khủng hoảng ở giai đoạn cao trào. Rõ ràng bên này vẫn nhớ bên kia là kẻ thù tiềm tàng, song dĩ nhiên các chuyến thăm diễn ra liên tiếp cho thấy đây là ý tốt trước nguy cơ sự việc bị đẩy đến mức cực điểm không thể kiểm soát được, trong một môi trường kinh tế và xã hội xấu đi và khi ở Mỹ cũng như Trung Quốc, tâm lý dân tộc chủ nghĩa và chính sách dân túy nuôi dưỡng nguy cơ xung đột. 

Còn có một thực tế khác bị che lấp bởi tâm lý dân tộc chủ nghĩa thái quá ở Trung Quốc được Bắc Kinh duy trì và định hướng sau khi Nhật Bản có hành động khiêu khích trong bối cảnh trào lưu bảo thủ cứng rắn trong Đảng Dân chủ Tự do có thể trở lại nắm quyền. Thực tế đó liên quan đến việc Bắc Kinh hy vọng hệ thống phòng thủ của Mỹ xoa dịu được ý đồ giải thoát chiến lược của cánh hữu Nhật Bản trong bối cảnh nỗi ám ảnh không thể chịu nổi về một nước Nhật Bản muốn có vũ khí hạt nhân. 

Lúc này, nếu tin vào những lời kêu gọi giữ chừng mực của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc, dường như sẽ thấy vào trung tuần tháng 9/2012, trong chuyến thăm Bắc Kinh và Tôkyô, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, người cũng đi thăm Bộ chỉ huy Hạm đội Đông Hải ở Thanh Đảo, đang tích cực đóng vai trò này. 

Xét theo quan điểm của Trung Quốc và cho dù giới tinh hoa nước này chính thức phản đối quyết liệt sự có mặt của Hải quân Mỹ, các kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa và thỏa thuận phòng thủ Tôkyô-Oasinhtơn bao gồm cả Đài Loan, tương lai chính trị rất không chắc chắn của Nhật Bản khiến Mỹ phải tiếp tục duy trì lực lượng quân sự ở vùng này. Lúc này, Bắc Kinh coi sự có mặt đó là tấm bình phong cuối cùng để chống lại chính sách phiêu lưu chiến lược của Nhật Bản. Dĩ nhiên, điều này không được nói ra, khác hẳn với những lời tuyên bố chống Mỹ được báo chí Trung Quốc đăng tải. 

Tuy nhiên, lúc này Nhà Trắng lo ngại trước việc các kế hoạch tăng cường sức mạnh xuất hiện trở lại ở Nhật Bản và được nuôi dưỡng bởi trào lưu dân tộc chủ nghĩa quyết không nhượng bộ bất kỳ điều gì, cả với Trung Quốc, cả với Mỹ. Do đó, Bắc Kinh và Oasinhtơn đang đứng trước một tình thế khác rất nhiều so với với thái độ chừng mực trước đây của chính phủ Nhật Bản quanh thỏa thuận không khuấy động khối thuốc nổ Senkaku/Điếu Ngư có hiệu lực từ lâu. Kể cả trong các vụ va chạm năm 2010, nguyên trạng đó cũng không bị đặt lại vấn đề. 

Dĩ nhiên Trung Quốc hiểu không đúng vấn đề đó, nhưng điều quan trọng  cần nhấn mạnh  việc chính phủ Nhật Bản hiện nay quyết định mua lại các hòn đảo trước hết nhằm mục đích kiểm soát mọi hành động quá đà của phái dân tộc chủ nghĩa bằng cách chặn đứng mọi ý định của Thị trưởng Tôkyô, Shintaro Ishihara, xây dựng hạ tầng trên các đảo. Trong bối cảnh tranh cãi hiện nay, khi Bắc Kinh phản ứng bằng cách công bố đường cơ sở lãnh hải bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - hành động được giới luật gia Trung Quốc cho là để củng cố chủ quyền của nước này đối với quần đảo đó và hợp pháp hóa mọi hành động đáp trả - việc bạn hữu của Ishihara trở lại nắm quyền sẽ dẫn đến những bất ngờ rất nguy hiểm. 

Năm nay 80 tuổi, người chiến binh già của cánh hữu Nhật Bản quả thực tuyên bố sẽ huy động vốn để xây dựng trên các hòn đảo đó nơi trú ẩn cho tàu đánh cá cũng như nhà ở cho công chức Nhà nước. Shinzo Abe, cựu Thủ tướng theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ ý tưởng đó, giải thích là để "tăng cường sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku". Kế hoạch đó, nếu được thực hiện, sẽ là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với nguyên trạng, vốn đã bị sứt mẻ, cấm xây dựng mọi cơ sở hạ tầng trên đảo. Cuối cùng, không phải không quan trọng nếu nhắc lại rằng tiếng tăm và thành phần xuất thân gia đình của Shinzo Abe - cháu của Nobosuke Kishi, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại của Đô đốc Tojo - làm dấy lên ở Trung Quốc những kỷ niệm rất xấu về lịch sử. 

Do mức độ nhạy cảm đậm chất dân tộc chủ nghĩa của vụ việc, ở Trung Quốc và Nhật Bản ít người lên tiếng phản đối hành động quá đà do thiếu lý trí, đe dọa đến an ninh trong vùng, thương mại, sản xuất công nghiệp và trao đổi văn hóa. Sự im lặng đáng sợ đó đã bị nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami, một trong những ứng cử viên tiềm tàng giải Nôben văn học năm 2012, cũng như nhà văn Trung Quốc Mo Yan, cũng là một trong số các ứng cử viên sáng giá phá vỡ vào ngày 28/9. Bài viết đăng trên trang nhất của tờ "Asahi Shimbun" kêu gọi các chính khách cần có lý trí và trách nhiệm khi coi họ là những người say không còn tỉnh táo, đồng thời kêu gọi dân chúng hãy sáng suốt. Ông lo ngại những nỗ lực trong nhiều thập kỷ qua để hiểu rõ hơn những người láng giềng châu Á, sẽ bị thui chột. Mặc dù bị sốc trước việc các hiệu sách Trung Quốc tẩy chay sách Nhật Bản, ông khích lệ người dân Nhật Bản không đáp trả với lý do trả thù sẽ phải hứng chịu hậu quả của chính hành động đó, và lấy làm tiếc rằng tâm lý dân tộc chủ nghĩa giống như một loại rượu tồi tác động vào người dân ở Nhật Bản cũng như Trung Quốc. 

Trong khi các con số cho thấy thương mại của Nhật Bản ở Trung Quốc giảm mạnh – cụ thể trong lĩnh vực xe hơi với lượng xe Toyota Mazda và Nissan giảm trong khoảng 30-40% - và khả năng làm trung gian của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của cánh hữu cực đoan ngày càng có nhiều cơ may trở lại cầm quyền, điều nghiêm trọng nhất là có thể không bên nào đưa ra được bất kỳ một chiến lược nào thoát khỏi khủng hoảng rõ ràng. 

Trong khi nguyên trạng đang tan vỡ, trong khi Bắc Kinh - với chiến lược có thể hợp lý hơn - đang tính tới hành động đáp trả hữu hiệu nhất có thể trong bối cảnh có thể yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là có cơ sở, trong khi Tôkyô phủ nhận vấn đề khi nhắc đi nhắc lại rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ Nhật Bản và không có gì để thảo luận, mọi viễn cảnh có thể có trong ngắn hạn đều xấu, lại càng nghiêm trọng hơn do khả năng trở lại nắm quyền của phái cực đoan. 

Ngày 4/10, ông Jeffrey Hornung, Giáo sư thuộc Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương và thành viên Văn phòng các vấn đề Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Oasinhtơn (CSIS), đề xuất một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. 

Theo quan điểm của vị giáo sư này, quả bóng rõ ràng đang ở trong chân Nhật Bản, bên có các hành động khiêu khích và phá vỡ nguyên trạng. Ông cho rằng sau khi thừa nhận thực tế sự việc và sự tồn tại tranh cãi về lãnh thổ, ý tưởng hay nhất cho Tôkyô có thể là đưa vụ việc ra Tòa án hình sự quốc tế. Tuy không đoán trước được cách làm đó có thành công hay không, vì phải được Bắc Kinh đồng ý với phương thức này, ít ra Nhật Bản cũng có lợi thế là làm cho người khác tin mình muốn có giải pháp hòa bình và vĩnh viễn cho cuộc tranh chấp. 

Hệ quả đầu tiên của cách làm trên, một hành động dũng cảm chưa từng thấy của một chính phủ có trách nhiệm, có thể là khiến người khác không còn cảm giác Nhật Bản có thái độ giả tạo trong tranh chấp lãnh thổ giữa Tôkyô và Xơun về hòn đảo Dokdo/Takeshima. Về vấn đề này, Nhật Bản quả thực có vị thế hoàn toàn ngược lại khi phản đối đòi hỏi chủ quyền của Hàn Quốc đối với một vùng lãnh thổ trong khi Xơun, cũng như Tôkyô trong trường hợp Senkaku/Điếu Ngư, phủ nhận sự tồn tại của vấn đề. Nếu đưa hai vấn đề này ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, Nhật Bản cũng có thể có lợi thế đưa ra một giải pháp pháp lý phù hợp ra chống lại những điều phi lý nảy sinh từ tình cảm dân tộc chủ nghĩa với nguy cơ bùng nổ giống nhau cả trong cuộc tranh cãi Nhật Bản-Hàn Quốc lẫn Nhật Bản-Trung Quốc. Làm như vậy, Nhật Bản sẽ khiến Bắc Kinh và Xơun phải xem xét lại phần trách nhiệm của mình. 

Dĩ nhiên, chiến lược thoát khỏi khủng hoảng này trước hết cần có sự đồng thuận của cả ba bên để chấm dứt cách hành xử dân tộc chủ nghĩa thái quá và, tiếp đó, phải xác định được đầy đủ trách nhiệm, không những để nhường chỗ cho các luật gia và thẩm phán mà đặc biệt để chấp nhận kết luận của họ. Giả thiết này vào lúc này vẫn chỉ là ảo tưởng.

Theo Question Chine

Hương Lan (gt).