Bất luận nhìn từ góc độ lịch sử hay hiện thực, quan hệ giữa các nước đều tương đối phức tạp, cho dù giữa một số nước có thể có quan hệ đồng minh, song nhìn chung phần lớn các mối quan hệ này đều ở vào trạng thái cạnh tranh, hoặc cạnh tranh về chính trị hoặc cạnh tranh về kinh tế và cũng có thể cả hai. Tuy nhiên, cạnh tranh trong quan hệ ba nước Mỹ-Trung-Nga là điều hết sức đặc biệt, có tác động không nhỏ đến sự phát triển của thế giới.

Nếu liên kết quan hệ ba nước trên một bản đồ địa lý sẽ tạo thành một tam giác, song đó không phải là một tam giác đều. Nếu trong ba nước Mỹ, Trung, Nga tồn tại một hình tam giác giả định dựa trên các yếu tố về chính trị và ngoại giao, độ dài các cạnh tam giác đại diện cho mức độ thân sơ giữa các nước, thì đó càng không thể là một tam giác đều. 

Hơn nữa, mức độ thân sơ cũng sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi của tiến trình lịch sử. Ví dụ, Mỹ và Nga xuất hiện nhu cầu hợp tác trong Chiến tranh thế giới thứ hai để chống Đức khi họ đều thuộc phe Đồng minh; ngoài ra, Mỹ khi đó cũng hỗ trợ to lớn cho Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật. Quan hệ Trung-Mỹ khi đó còn thân thiết hơn cả quan hệ Mỹ-Nga và quan hệ Trung-Nga. Cũng nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ mà Trung Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở thành nước ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng có thể nói, quan hệ Mỹ-Trung-Nga trong Chiến tranh thế giới thứ hai gần như một tam giác đều. 

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, về mặt thể chế, đặc biệt là các ràng buộc về ý thức hệ, Nga (Liên Xô trước đây) mở rộng nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ-châu Âu và Liên Xô-Đông Âu lần lượt thành lập tổ chức NATO và Hiệp ước Vacsava, từ đó xuất hiện cục diện Chiến tranh Lạnh do Mỹ và Nga dẫn đầu, đồng thời triển khai một cuộc chiến khốc liệt trên tất cả các lĩnh vực, khiến mọi người có cảm giác một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra bất cứ khi nào. 

Trong khi đó, cùng với sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi lên nắm quyền đã thực hiện chính sách đối ngoại “nghiêng về Liên Xô”, quan hệ Mỹ-Trung-Nga trở thành tam giác không đều, Trung-Nga là bạn đồng minh cùng phe xã hội chủ nghĩa, trong khi Mỹ-Trung lại trở thành kẻ thù do cả hai bên đều tham chiến trong cuộc chiến ở Triều Tiên. 

Giống như cựu Thủ tướng Anh Churchill từng nói, trên thế giới không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô xấu đi vào những năm 1960, thì Trung-Mỹ lại xây dựng quan hệ vào năm 1970, đặc biệt sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, quan hệ Mỹ-Trung-Nga dường như lại trở thành tam giác đều. 

Hiện nay, cùng với tiềm lực của Trung Quốc được nâng lên, sức mạnh quốc gia của Nga yếu đi, quan hệ thương mại Mỹ-Trung tăng cường, thì xét về khía cạnh chính trị trong tam giác kể trên, chiều dài của cạnh quan hệ Mỹ-Trung bị thu ngắn lại trong khi đó chiều dài quan hệ Trung-Nga đã được kéo dài ra. 

Sau khi bước vào thế kỷ mới, một số nhân vật chính trị và học giả Mỹ đưa ra quan điểm “Mỹ-Trung cùng cai trị thế giới”, ví dụ Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, ông Bergsten, đã sử dụng các khái niệm G8, G20 để đưa ra khái niệm G2 (tức nhóm hai nước Mỹ và Trung Quốc). Trong khi đó, giáo sư nổi tiếng thuộc Đại học Harvard còn đưa ra một từ mới là Chimerica (tên ghép của từ China-Trung Quốc và America-Mỹ). Quan hệ Trung-Mỹ xem ra có vẻ nồng ấm, song Trung Quốc vẫn rất cảnh giác và chưa bao giờ công nhận cách gọi G2 hay “nước Chimeria” (nước Mỹ Trung). 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng về ý thức hệ và lợi ích chính trị, hơn nữa do sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ tự nhận thấy vai trò bá chủ thế giới của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng, Tổng thống Obama đã không dưới một lần lên tiếng cảnh báo rằng “Mỹ quyết không chịu đứng vị trí thứ hai”. Vì vậy, Mỹ dần chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á, đưa ra "chiến lược tái cân bằng châu Á", từ đó dẫn đến cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, áp lực mà Trung Quốc gặp phải trong các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng ngày càng lớn. Trong bối cảnh trên, về tư duy lôgích đơn giản, có thể thấy rằng đứng trước chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải nghiêng về phía Nga nhiều hơn. Cũng vì lẽ đó, mọi người có thể lý giải được chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc lại là nước Nga, cũng như kiến nghị xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới được ông Tập Cận Bình đề ra khi gặp Tổng thống Mỹ Obama không có gì tiến triển. Từ đây, mọi người có thể dự báo mặc dù Nga-Trung không cần phục hồi quan hệ mà hai nước có được sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền năm 1949, song chí ít mối quan hệ này cần phải được tăng cường. 

Nhưng Trung Quốc ngày nay sẽ có những tính toán kỹ hơn, điều này được thể hiện trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Bắc Kinh đã thông qua một cách tiếp cận rất thích hợp. Trong bối cảnh đứng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, Nga cố gắng lôi kéo Trung Quốc, song Trung Quốc vẫn luôn duy trì sự kiềm chế tối đa, vừa không bày tỏ ủng hộ rõ ràng trong việc Nga sáp nhập Crimea hay uy hiếp Ukraine, đồng thời cũng không “bàn tán” nhiều về các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên nước Nga. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh mới đây, mặc dù Tổng thống Nga Putin cố gắng thể hiện quan hệ tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình, song ông Tập Cận Bình cũng dành sự đón tiếp trịnh trọng cho ông Obama tại Trung Nam Hải. Điều này cho thấy rõ là Trung Quốc đã có sự tính toán kỹ trong mối quan hệ Mỹ-Trung-Nga, tức là không muốn rút ngắn chiều dài của cạnh Nga-Trung trong tam giác Nga-Trung-Mỹ, đồng thời cũng không muốn kéo dài khoảng cách giữa Bắc Kinh và Washington. 

Động thái mới nhất gần đây là giá dầu quốc tế giảm mạnh và sự mất giá của đồng ruble đã khiến cho kinh tế Nga rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng, sức mạnh của Putin dường như bị lung lay. Trong bối cảnh như vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc có ra tay giúp đỡ Nga hay không? Đối với vấn đề này còn rất nhiều tranh cãi. Thời báo New York ngày 16/12/2014 cho rằng Trung Quốc không nên cứu Putin; song tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/12/2014 của Trung Quốc có bài xã luận cho rằng Trung Quốc không hy vọng Nga sụp đổ. 

Thật vậy, trong bối cảnh Nga gặp phải tình huống khó khăn như vậy, nếu Trung Quốc ra tay giúp đỡ Putin, khi đó Trung Quốc sẽ gặp phải những thiệt hại kinh tế to lớn. Ví dụ, trong tháng 10/2014, ngân hàng trung ương hai nước đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa 150 tỷ nhân dân tệ với 815 tỷ ruble; như vậy trong một thời gian ngắn Trung Quốc đã phải chịu thiệt gần 30% giá trị. Nhưng nếu Trung Quốc cứ đứng nhìn để Nga sụp đổ mà không ra tay giúp đỡ, tất yếu sẽ dẫn đến kết quả là Mỹ sẽ càng đưa trọng tâm chiến lược kiềm chế áp sát vào Trung Quốc, khiến cho mong ước thực hiện quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ-Trung chỉ dừng lại ở ý tưởng. Trước việc những khó khăn hiện nay của Nga, cạnh tranh Mỹ-Nga sẽ ngày càng quyết liệt, Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm gây áp lực lên Nga.

Cạnh tranh Mỹ-Trung-Nga sẽ tiếp tục, đối với Trung Quốc việc duy trì mối quan hệ như thế nào với Mỹ và Nga trong tam giác trên không những phải tính đến các yếu tố lịch sử đã qua, mà còn phải tính đến nhu cầu lợi ích quốc gia của mình.

Theo báo Liên hợp Buổi sáng, Singapore

Quốc Trung (gt)