Trên số báo “The Indian Express” ra mới đây, ông Mohan cho rằng Bí thư đối ngoại mới của Ấn Độ, ông Ranjian Mathai đã đúng khi xác định ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là “thúc đẩy hợp tác xây dựng với các nước láng giềng trực tiếp”.

Xây dựng khu vực hoà bình ở châu Á là một trong các mục tiêu then chốt của Ấn Độ kể từ khi giành độc lập đến nay. Niu Đêli đã không thực hiện được các mục tiêu đối ngoại do hàng loạt các yếu tố, trong đó có tác động của các quan hệ giữa các cường quốc – đối với các vấn đề không kiểm soát được – tại các nước láng giềng xung quanh Ấn Độ.

Do khả năng chính trị và kinh tế được cải thiện, giờ đây, lần đầu tiên kể từ khi độc lập đến nay Ấn Độ đã có cơ hội tác động tới quan hệ giữa hai cường quốc lớn là Mỹ và Trung Quốc - cũng như lập trường truyền thống của hai nước này đối với tiểu lục địa Ấn Độ, đặc biệt là Pakixtan.

Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, sự kình địch giữa Mỹ và Nga, giữa Nga và Trung Quốc làm suy yếu khả năng của Ấn Độ trong việc duy trì sự thống nhất chiến lược của tiểu lục địa, việc giải quyết các vấn đề do sự chia cắt Ấn Độ và Pakixtan trước đây tạo ra cũng như trong việc đóng vai trò lớn hơn trên thế giới.

Liên minh Trung-Mỹ ra đời vào những năm 1970 của thế kỷ 20 và các liên minh riêng rẽ mà Bắc Kinh và Oasinhtơn xây dựng với Ixlamabát buộc Niu Đêli phải xây dựng quan hệ đối tác với Mátxcơva làm đối trọng.

Khó khăn tăng lên vào cuối những năm 1970 khi cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách hạn chế vai trò của Ấn Độ tại Nam Á bằng cách giúp tăng cường các khả năng quân sự của Pakixtan.

Việc kết thúc Chiến tranh Lạnh đã tạo cơ hội cho Ấn Độ tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng quan hệ chiến lược lâu dài của hai nước này với Pakixtan tiếp tục đe doạ lợi ích của Ấn Độ. Sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế và hợp tác chính trị ngày càng sâu sắc giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh sau Chiến tranh Lạnh có xu hướng đẩy Ấn Độ ra rìa.

Sau khi xảy ra sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ, Mỹ đã tuyên bố Pakixtan là “đồng minh chính không nằm trong khối NATO” như một phần của cuộc chiến chống khủng bố của Oasinhtơn.

Trung Quốc tiếp tục coi quan hệ với Pakixtan là “sâu hơn biển Arập” và “cao hơn đỉnh núi Himalaya” và quyết tâm duy trì sự cân bằng chiến lược của Pakixtan với Ấn Độ.

Do quân đội Pakixtan có các quan hệ sâu sắc với cả Oasinhtơn và Bắc Kinh, Niu Đêli rất khó khăn trong việc tác động tới các tính toán chiến lược trong chính sách của Ixlamabát đối với Ấn Độ, đặc biệt là chính sách nuôi dưỡng và bảo trợ các nhóm khủng bố chống Ấn Độ.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, Niu Đêli không có ảnh hưởng thực sự nào đối với 3 cặp quan hệ có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ gồm: Trung-Mỹ, Trung Quốc-Pakixtan và Mỹ-Pakixtan. Các mối quan hệ song phương của Niu Đêli với Oasinhtơn, Bắc Kinh và Ixlamabát mong manh hơn so với các mối quan hệ giữa ba thủ đô này.

Sự thay đổi có tính lịch sử trong cơ cấu quan hệ quốc tế vốn đã dồn Ấn Độ vào một góc trong nhiều thập kỷ, giờ đây lại sắp xảy ra. Hãy cùng xem xét những sự kiện dưới đây:

Do Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cường quốc có vai trò chi phối ở châu Á, những căng thẳng mới về tài chính và địa chính trị đã bắt đầu nổi lên giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh.

Sau khi chìa tay ra với Bắc Kinh bằng các kế hoạch cùng chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu và trật tự chính trị ở châu Á năm 2009, Chính quyền của Tổng thống Obama hiện đã quyết tâm tăng cường các liên minh truyền thống của mình tại châu lục này và xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược mới, trong đó có Ấn Độ.

Chiến dịch đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden tại một thành phố ở sâu trong lãnh thổ Pakixtan và ngay trước mũi quân đội nước này đã làm rung chuyển tận gốc rễ quan hệ song phương giữa Mỹ và Pakixtan. Sau một thập kỷ ngầm chấp thuận chính sách lá mặt lá trái của quân đội Pakixtan trong cuộc chiến chống khủng bố, hiện Mỹ đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ khủng bố trên lãnh thổ Pakixtan.

Chính quyền của ông Obama đã từ bỏ lập trường trước đây của họ về vấn đề Ápganixtan, Giamu và Casơmia. Hiện nay Mỹ hoan nghênh vai trò lớn hơn của Ấn Độ tại Ápganixtan đồng thời im lặng về vấn đề Casơmia và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác chống khủng bố vớí Ấn Độ.

Bực tức trước quan hệ đối tác Ấn-Mỹ và việc Mỹ đe doạ cắt viện trợ quân sự, quân đội Pakixtan đã tìm cách chơi “con bài Trung Quốc”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng tuyên bố rõ ràng rằng họ không sẵn sàng thay Oasinhtơn đóng vai trò nước viện trợ chủ yếu cho Ixlamabát.

Sau vụ Bin Laden bị tiêu diệt và cộng đồng quốc tế nghi ngờ quân đội Pakixtan dung túng các nhóm khủng bố, Trung Quốc là nước duy nhất lên tiếng bênh vực Ixlamabát. Đúng sau đó ba tháng, các quan chức Trung Quốc đã có hành động hiếm hoi: công khai tuyên bố các cuộc tấn công khủng bố tại tỉnh Tân Cương của nước họ có nguồn gốc từ các trại huấn luyện ở Pakixtan. Do Pakixtan đánh mất khả năng giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Oasinhtơn và Bắc Kinh, giá trị của họ đối với “hai nước bạn tốt nhất” này bắt đầu giảm sút.

Dù các xu hướng trên đã vững chắc hay chưa, người ta cũng có thể cho rằng các mối quan hệ an ninh cứng nhắc vốn xác định môi trường an ninh của Ấn Độ trong thời gian dài đang lung lay. Chúng đặt ra trước Ấn Độ 2 nhiệm vụ chiến lược rộng lớn.

Thứ nhất, Ấn Độ cần phải tăng cường sự can dự song phương với cả 3 quốc gia này. Càng tiến xa được trên một mặt trận quan hệ nào, Niu Đêli càng có cơ hội lớn hơn trong việc can dự với 2 quốc gia kia. Nếu ban lãnh đạo chính trị Ấn Độ lùi bước từ mối quan hệ với một trong 3 nước này, dù là vì vấn đề ý thức hệ hay do chịu sức ép trong nước, lợi thế của Ấn Độ đối với hai nước kia chắc chắn sẽ suy giảm.

Sự can dự mở rộng với Ấn Độ trong thập kỷ qua là kết quả của việc Oasinhtơn đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakixtan. Việc Trung Quốc rồi đây cũng sẽ thấy cần phải điều chỉnh lại chính sách của họ ở Nam Á chỉ còn là vấn đề của thời gian.

Thứ hai, do Mỹ và Trung Quốc bước vào giai đoạn quan hệ phức tạp với Pakixtan, không có lý do gì để Niu Đêli muốn Oasinhtơn và Bắc Kinh từ bỏ quan hệ hợp tác với Ixlamabát.

Thực tế, Ấn Độ muốn Mỹ và Trung Quốc dùng ảnh hưởng của hai nước này để tác động tới sự thay đổi các tính toán của quân đội Pakixtan trong việc trợ giúp các mạng lưới khủng bố quốc tế.

Đồng thời, sự xa lánh ngày càng tăng của các cường quốc chính có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo Pakixtan thấy được giá trị của quan hệ hợp tác với Ấn Độ dù chỉ ở mức tối thiểu.

Nếu chính phủ Ấn Độ hiện nay dũng cảm dấn thân vào tam giác quan hệ thay đổi giữa Mỹ, Trung Quốc và Pakixtan, ông Maithai và các quan chức ở South Block (Bộ Ngoại giao) sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc xây dựng một khu vực láng giềng hoà bình và phồn vinh xung quanh Ấn Độ.

Theo Indian Express

Trần Quang (gt)