Một nhà ngoại giao kỳ cựu nói với tác giả trong một cuộc nói chuyện riêng gần đây, khi chúng tôi đang thảo luận về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga, rằng BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không khác gì một “cơ hội chụp hình” cho các chính trị gia và các nhà lãnh đạo của nó, một kiểu “thủ thuật gây ấn tượng” nhằm chứng tỏ “sự thất bại của những nỗ lực nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế”.

Giọng điệu kiêu ngạo và thường đa nghi của ông đối với nhóm BRICS không có gì mới. Rất nhiều chính trị gia và học giả chỉ trích và vạch trần hiệp hội này là giả tạo và chỉ tồn tại trên lý thuyết, không có triển vọng và thậm chí còn có hại. Có thể hiểu được tại sao phương Tây lại cố gắng hạ thấp vai trò của nhóm này. Một phần trong giới quyền uy phương Tây coi BRICS như một liên minh mới nổi bao gồm các đối thủ cạnh tranh của nó, và thêm vào đó, các đối thủ này đang tập hợp xung quanh Trung Quốc và có thể thách thức Mỹ và phần còn lại của phương Tây trên những thông số cơ bản của trật tự thế giới hiện nay. Những người khác coi BRICS như một nhóm các nước phương Nam muốn chống lại phương Bắc và do đó ảnh hưởng đến những lợi ích cơ bản của các nước phát triển về mặt tiếp cận các nguồn tài nguyên và thị trường.

Các nhà bình luận này được dẫn dắt bởi lôgích của trò chơi được mất ngang nhau và đơn giản là bỏ qua thực tế rằng hiệp hội này có thể đạt được các mục tiêu của mình chỉ trong hợp tác, điều sẽ có lợi cho cả phương Tây, thay vì trong đối đầu. Các thành viên nhóm BRICS đều nhấn mạnh điều này mỗi khi có cơ hội.

Nhiều nghiên cứu và ấn phẩm phân tích các vấn đề và sự khác biệt liên quan đến BRICS. Chẳng hạn, Ruchir Sharma viết trong tạp chí Foreign Affairs rằng “không ý tưởng nào có thể làm rối tung suy nghĩ về nền kinh tế toàn cầu hơn là ý tưởng về BRICS”. Các tác giả lập luận (không phải là không có lý do) rằng các thành viên nhóm này đều rất khác biệt, có nhiều bất đồng nghiêm trọng giữa một số nước trong số đó (trên hết là giữa Ấn Độ và Trung Quốc), và có nhiều xung đột lợi ích giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ nguyên liệu thô bên trong BRICS. Một số nhà phân tích vẫn sử dụng các quy tắc chung được nêu cách đây một thập kỷ (khi thuật ngữ “BRICS” được Jim O’Neill đặt ra) và mô tả hiệp hội này chỉ như một nhóm các thị trường đầu tư thuận lợi. Và vì giờ đây tình hình này không còn nữa, một số tác giả thậm chí còn đề cập đến sự suy yếu sắp diễn ra của hiệp hội này. Quả thực, các vấn đề kinh tế tại các nước thành viên đang được giải quyết một cách chậm chạp, và tại một số nước trong số họ, chẳng hạn như Nga, chúng còn trở nên gay gắt hơn; sức cạnh tranh quốc tế của họ không phát triển, và các nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị và xã hội.

Thật không may, nhiều chuyên gia thân phương Tây của Nga cũng chia sẻ quan điểm này. Và bằng cách đó, họ rơi vào cái bẫy của những ý tưởng được áp đặt rằng không có phương án thay thế nào cho mô hình toàn cầu hóa tự do và rằng Nga không thuộc những nước kém phát triển mà sẽ chỉ kéo nước này tụt lại hoặc thậm chí làm xói mòn bản sắc của Nga. Họ tuyên bố Nga nên nhượng bộ phương Tây và hợp nhất với “nền văn minh tiên tiến”. Quan điểm ngược lại tuyên bố rằng không có chỗ cho một nước Nga yếu ớt trong một nhóm gồm Brazil và những gã khổng lồ châu Á đang phát triển cực nhanh.

Những lập luận này không thể chấp nhận được, đặc biệt khi đánh giá sự tiến bộ của hiệp hội này từ bên trong. Nếu được lèo lái một cách thích đáng, hiệp hội toàn cầu được xây dựng dựa trên những nguyên tắc về sự bình đẳng này sẽ trở thành một nhân tố mạnh mẽ và mang lại nhiều lợi ích cho loài người và cho Nga, chủ yếu bằng cách đem lại cho họ một cơ hội để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu đang nổi lên. Nhưng liệu lãnh đạo của 5 nước này sẽ có đủ kỹ năng và quyết tâm làm điều đó hay không? Và liệu phương Tây có chấp nhận một viễn cảnh như vậy?

BRICS ngày nay

Có quá thừa thông tin về các kế hoạch và hoạt động của nhóm BRICS; tuy nhiên, một số người “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, không thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh đằng sau những chi tiết của các dự án khác nhau và những tuyên bố dài lê thê. Nhóm BRICS ngày nay không chỉ là các hội nghị cấp cao mà còn là sự tương tác thường xuyên trong hơn hai chục lĩnh vực từ thương mại, tài chính cho đến an ninh, y tế và nông nghiệp. Các nước thành viên của nó đã soạn thảo và ký kết các văn bản về sự hợp tác đang tiến triển, mặc dù ở tốc độ khác nhau. Các lĩnh vực hoạt động chính của BRICS mà có thể thu được kết quả thực tế bao gồm cải cách hệ thống tài chính/tiền tệ, đảm bảo tuân thủ các quy tắc trong quan hệ thương mại/kinh tế, phát triển hợp tác kinh tế hỗ trợ lẫn nhau, duy trì sự ổn định toàn cầu, và hỗ trợ vai trò của các thể chế quốc tế và luật pháp quốc tế. Trong giai đoạn tiếp theo, các lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự toàn cầu, tạo ra các cơ chế để duy trì an ninh và giải quyết xung đột (tất nhiên với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm), và tạo điều kiện thuận lợi cho tương tác giữa các nền văn minh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của họ ở Brazil mùa Hè năm ngoái, các nước thành viên nhóm BRICS đã ký các thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới trị giá 100 tỷ USD và một quỹ đồng tiền dự trữ chung trị giá 100 tỷ USD nữa. Những thỏa thuận này đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng như một ví dụ rõ ràng về những nỗ lực chung để tạo ra các cấu trúc toàn cầu độc lập, điều chưa từng xảy ra trong 1/4 thế kỷ. Sẽ là cường điệu khi nói những thể chế này có thể đóng vai trò như một phương án thay thế cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Để hoạt động một cách thích đáng, chúng phải tương tác với các tổ chức đã được thành lập. Nhưng quả thực đúng là, khi các cơ chế mới đi vào hoạt động hoàn toàn, chúng sẽ cho phép BRICS tự mình thực hiện nhiều dự án toàn cầu lớn. Cho đến nay, ít nhất là sau khi Liên Xô tan rã, đây từng là đặc quyền của Mỹ và “phương Tây tập thể”. Mới chỉ gần đây Trung Quốc bắt đầu thử đảm nhận vai trò này.

Trong quá trình phát triển phi tuyến tính của mình, BRICS đang trở thành không chỉ một nhóm địa kinh tế mà còn là một nhóm địa chính trị, với các thành viên đi đầu trong việc phân vùng lại thế giới. Tất nhiên, những quốc gia này thuộc các hệ thống chính trị khác nhau, sử dụng các mô hình phát triển kinh tế khác nhau và có bản sắc văn minh khác nhau. Nhưng họ chưa bao giờ tìm cách để đồng hóa bản thân họ. Mục đích của hiệp hội là thay đổi các hệ thống địa kinh tế và địa chính trị đã được định hình trong nửa sau của thế kỷ 20.

Các cơ chế quản lý toàn cầu được tạo ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai (Liên hợp quốc, hệ thống Bretton Woods, và thậm chí cả GATT/WTO) đang mất đi tính hiệu quả của chúng. Mô hình kinh tế toàn cầu dựa trên sự thống trị của vốn tài chính và trào lưu chính thống về thị trường đang trở nên lỗi thời. Thái độ “chống bá quyền” đang ngày càng mạnh lên, và không chỉ tại những nước đang phát triển. Tuy nhiên, quá nhiều yếu tố - từ tình trạng lạc hậu về công nghệ và xã hội của phương Đông cho đến sự phá hoại cố ý của phương Tây – đã cản trở tiến trình này.

Thế giới đang chứng kiến sự phân mảnh của an ninh quốc tế, tâm lý theo khối, các tiêu chuẩn kép, và việc khu vực hóa đời sống kinh tế. Cuộc khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó dẫn đến sự sụp đổ của nó; thay vào đó, nó sẽ khiến EU điều chỉnh lại việc nhất thể hóa châu Âu (có thể, trong một hình thái nhỏ hơn). Các vấn đề tài chính của Mỹ không nên làm lu mờ nền kinh tế mạnh mẽ thực sự và tiềm năng sáng tạo của nước này, điều có một không hai trong thế giới đương thời. Đường lối cứng rắn của Washington nhằm ngăn vị thế của mình suy yếu đã được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự, mà ngưỡng để sử dụng sức mạnh này dường như đang giảm đi.

Nhưng sự kháng cự có thể thay đổi lịch sử? Sự cân bằng trên thế giới dù sao cũng đang thay đổi, và các trung tâm quyền lực đang chuyển biến. Thực tế, đó chính là lịch sử nhân loại kể từ sự hình thành các quốc gia-dân tộc. Hiện tại chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một cấu trúc quan hệ quốc tế không chỉ đa trung tâm mà còn đa thành phần. Cấu trúc này có đa tầng và liên quan đến nhiều bên tham gia nhà nước và cả phi nhà nước. Tuy nhiên, các nhà nước vẫn đóng một vai trò phổ biến, và vai trò này không bị bác bỏ khi một nhóm các nước hình thành một trong các cực sức mạnh.

Như nhà nghiên cứu người Nga Andrei Vinogradov đã viết, các nước BRICS “đại diện cho không chỉ các mô hình kinh tế xã hội khác nhau mà còn cả các nền văn minh khác nhau. Việc toàn cầu hóa đã đưa họ lại với nhau và mang cho họ nhiều chức năng mới, đồng thời khiến họ trở thành các chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế. Trách nhiệm lịch sử của một nền văn minh cao hơn nhiều trách nhiệm chính trị vốn có của các quốc gia”.

Nhóm BRICS có chống đối phương Tây không? Nó không. Hợp tác nhiều nền văn minh không có nghĩa là loại trừ hay phớt lờ một trong những nền văn minh của thế giới, đặc biệt nếu đó đang là nền văn minh hàng đầu hiện nay. Tất cả các nước BRICS theo cách này hay cách khác đều coi lối sống và những giá trị của châu Âu-Đại Tây Dương như một tấm gương để noi theo (đương nhiên, được sửa cho phù hợp với các điều kiện địa phương) và hiểu rằng sẽ là không thể và không hợp lý khi phá hủy cấu trúc tài chính và kinh tế đã được thiết lập. Điều cốt yếu là, đối với tất cả bọn họ, các nước phương Tây là nguồn công nghệ và đầu tư chính, và là thị trường xuất khẩu chính. Điều này đặc biệt đúng đối với Nga mà, bất chấp nét đặc trưng của mình, vốn là một phần của mô hình Do Thái-Cơ đốc.

Một số người chỉ trích nhóm BRICS vì cấu trúc hình ngôi sao của nó với Trung Quốc là trung tâm, mà với nước này mỗi nước có quan hệ mở rộng hơn so với quan hệ với nhau. Mặt khác, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đang tập trung quanh Trung Quốc. Có lẽ, sứ mệnh của nước này là đóng vai trò dẫn đầu trong nhóm BRICS đơn giản là nhờ sức mạnh kinh tế của mình. Cũng không phải điều gì bí mật rằng việc xem xét toàn bộ hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu đã được lên kế hoạch nhằm giảm lợi ích đơn phương cho phương Tây mang hàm ý lợi ích chủ yếu là cho Trung Quốc. Trung Quốc đã tự đề cho mình nhiệm vụ đến giữa thế kỷ sẽ trở thành một “nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa”, tức là nước đứng đầu thế giới về kinh tế. Nhưng về mặt chính trị, Trung Quốc không tìm kiếm (ít nhất là trong thời điểm hiện tại) vị thế thống lĩnh trong nhóm, họ hiểu rằng không chỉ các nước phương Tây mà cả các thành viên khác trong nhóm BRICS cũng sẽ không đồng ý chấp nhận một kế hoạch của Trung Quốc nhằm tái sắp xếp thế giới, và điều này sẽ phá hỏng hiệp hội. Ngược lại, thẳng thắn mà nói, nếu không có một “cơ chế kiểm soát” như BRICS, Bắc Kinh sẽ tự do hơn nhiều trong các hành động của mình và sẽ không cần chú ý nhiều đến lợi ích của các đối tác của mình.

Nhưng các nước BRICS đã sẵn sàng đến mức độ nào để cùng nhau hành động, xét sự khác biệt giữa họ và lịch sử tương đối ngắn ngủi của hiệp hội này? Xu hướng gần đây trong BRICS là hướng tâm: lợi ích của 5 quốc gia thường trùng lặp hơn là phân rẽ. Họ có trình độ công nghệ tương đương và sức nặng đồng đều trong nền kinh tế và chính trị thế giới. Tất cả các nước này đều tìm cách thay đổi các quy tắc đang hiện hữu trên trường quốc tế và tận tâm với tính ưu việt của luật pháp quốc tế. Rõ ràng là, hiệp hội này sẽ không bao giờ trở thành một liên minh quân sự như NATO với tư cách cốt lõi của “phương Tây tập thể”. Liên minh Bắc Đại Tây Dương được dựa vào mệnh lệnh vô lý khó chịu của Mỹ, trong khi các nguyên tắc sáng lập của BRICS lại khác: đối thoại giữa các quốc gia bình đẳng.

Các nhiệm vụ BRICS phải đối mặt

Nhóm BRICS hiện nay chủ yếu là một dự án cấp cao dựa trên nguyện vọng chính trị. Nhưng nó không nên bị đơn giản hóa hay bị coi là “chống phương Tây”. Nhóm BRICS đã trưởng thành như một công cụ không phải nhằm chống đối mà để hỗ trợ thiết lập một sự cân bằng quyền lực công bằng hơn trên thế giới, trong đó sẽ phải tính đến lợi ích của tất cả các nước – trái ngược với nửa sau thế kỷ 20 được đánh dấu bởi sự thống trị rõ ràng của phương Tây trong chính trị và kinh tế.

Kinh tế hiện nay là lĩnh vực tương tác chủ yếu trong BRICS. Đương nhiên, các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến sức mạnh tổng thể của các nước thành viên trong nhóm, nhưng nhu cầu phải có một hành động tập thể chỉ tăng lên. Đặc biệt quan trọng hiện nay là vị thế được củng cố bên trong nhóm G20 (một dạng chính phủ của thế giới), và sự thống nhất này nên được trân trọng. Mục tiêu quan trọng nhất mà BRICS phải theo đuổi là thay đổi mô hình tài chính/tiền tệ quốc tế, bao gồm việc lập ra một hệ thống đồng tiền dự trữ quốc tế mang tính đại diện hơn, ổn định và dễ đoán biết hơn, và cải tổ lại IMF (những kiến nghị này đã bị Mỹ công khai phản đối và bị Quốc hội Mỹ chặn lại trong một cuộc bỏ phiếu gần đây).

Quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên BRICS cho đến nay vẫn không đối xứng. Nhưng tổ chức này đã tìm cách cải thiện quan hệ đối tác trong các lĩnh vực hợp tác tiền tệ và tài chính, các cơ chế dàn xếp và thanh toán, ngân hàng, đầu tư, và việc lập ra các thể chế đánh giá chung.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế và môi trường, chương trình nghị sự của BRICS đôi khi bao gồm cả an ninh và ổn định quốc tế. Và thậm chí nếu quan điểm của các nước thành viên không trùng nhau trên mọi vấn đề, như trường hợp cuộc khủng hoảng Ukraine, BRICS là một nền tảng thay thế, chống lại nền tảng lấy phương Tây làm trung tâm, để thảo luận các triển vọng phát triển địa chính trị.

Trong những năm tới, BRICS sẽ tập trung các nỗ lực của mình vào việc cải thiện quan hệ qua lại giữa các thành viên, xây dựng khuôn khổ tổ chức và củng cố vị thế của mình trên thế giới. Các văn bản khái niệm của Nga đặt mục tiêu dần dần biến BRICS từ một diễn đàn đối thoại không chính thức và một công cụ cho phối hợp lập trường về một số vấn đề giới hạn thành một cơ chế chính thức cho tương tác chiến lược và hiện tại. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn vị thế của hiệp hội này trong hệ thống quan hệ quốc tế.

Thành công của dự án sẽ phụ thuộc vào việc liệu nó có trở thành một lồng ấp cho một chiến lược kinh tế xã hội toàn cầu mới hay không. Trí thông minh kết hợp của các nước thành viên BRICS nên tạo ra một mô hình thay thế cho phát triển con người. Đây sẽ là một mô hình mới mà sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, một kiểu “chủ nghĩa tư bản mới”. Giống như chủ nghĩa tư bản truyền thống, nó phải được dựa trên sự cạnh tranh và sở hữu tư nhân, nhưng cũng phải có những ràng buộc xã hội và môi trường. Khái niệm này sẽ phải vượt qua những mâu thuẫn vốn có trong mô hình hiện hữu và đảm bảo phân bố của cải công bằng hơn nhiều giữa các tầng lớp và các vùng lãnh thổ trên cơ sở các chỉ dẫn phát triển bền vững.

Sứ mệnh lịch sử của BRICS với tư cách là một cộng đồng mới của các quốc gia và các nền văn minh không phải để chống lại phương Tây trong hệ thống hiện thời, mà là để đề xuất một hệ tư tưởng mới cho phát triển con người mà sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Chức chủ tịch của Nga trong BRICS

Vào tháng 4/2015, Nga tiếp nhận chức chủ tịch trong BRICS. Trong tháng 7, BRICS sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh tại Ufa của Nga. Một số người có thể nói với một nụ cười cay đắng rằng Nga chẳng còn gì ngoài Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS, và sau đó than phiền về định hướng ngày càng tăng của Nga về phía Trung Quốc.

Thực tế còn phức tạp hơn nhiều. Hiện tại quan hệ của Nga với phương Tây đang căng thẳng, quyền thành viên của Nga trong BRICS cho nước này một cơ hội để có một vị trí xứng đáng trong hệ thống quản lý toàn cầu và sử dụng yếu tố này cho việc hiện đại hóa của riêng mình. BRICS có thể đóng vai trò như một đầu máy cho sự trỗi dậy địa chính trị của Nga trong thế kỷ 21 (trái ngược với xu hướng đi xuống vào cuối thế kỷ 20). Sự phát triển này sẽ không nhất thiết bao hàm một sự xuống cấp trong quan hệ với phương Tây, điều gần như không thể tránh khỏi nếu như Moskva muốn tự mình đối mặt. Đối với Nga, một cuộc xung đột như vậy sẽ là tàn phá. Nhưng các thành viên khác của BRICS có thể giúp nước này tránh được điều đó.

Việc hình thành hiệp hội này được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tức là hiện tượng này xuất hiện ngay trước thời điểm quyết định phát sinh trong quan hệ giữa Nga và phương Tây khi Moskva chống lại những nỗ lực để bỏ qua các lợi ích của Nga và đặt nước này vào một vị thế phụ thuộc. Tuy nhiên sự hình thành của nhóm BRICS không phải ngẫu nhiên khi nó phù hợp với chính sách của Nga, được theo đuổi kể từ giữa những năm 1990, hướng tới xây dựng một hệ thống đa cực mà sẽ “phản ánh một cách chân thực sự đa dạng của thế giới đương thời và những lợi ích của nó”. Đó là nhờ công của Viện sĩ Yevgeny Primakov, người đã đề xuất ý tưởng về một tam giác Nga-Trung Quốc-Ấn Độ, từ đó BRICS đã nổi lên như một thực thể địa chính trị.

Rất nhanh sau đó BRICS bắt đầu đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược chính sách đối ngoại của Nga. Năm 2006, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất thiết lập quan hệ gần gũi hơn giữa 4 quốc gia BRIC ban đầu (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Sau khi Dmitry Medvedev nhậm chức tổng thống, “hội những cường quốc mới nổi” được nâng lên cấp độ cao nhất của chính phủ và nguyên thủ quốc gia. Bài viết của ông Putin, được công bố vào đêm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, cho biết Nga sẽ tiếp tục đặt “ưu tiên cao cho quan hệ qua lại với các đối tác BRICS” bởi tổ chức có một không hai này “tượng trưng tốt nhất cho sự chuyển đổi từ một hệ thống đơn cực sang một trật tự thế giới công bằng hơn.”

Những ý tưởng này được hệ thống hóa trong Khái niệm chính sách đối ngoại năm 2013 của Nga và trong Khái niệm về Sự tham gia của Liên bang Nga vào nhóm BRICS, được tổng thống chấp thuận vào ngày 9/2/2013. Đặc biệt, Khái niệm này nói rằng sự nổi lên của nhóm BRICS là “một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất kể từ đầu thế kỷ mới”, và nó phản ánh xu thế khách quan hướng tới sự hình thành của một hệ thống đa trung tâm.

Những điểm trọng tâm nào trong chương trình nghị sự của BRICS có lợi nhất cho Nga (đương nhiên, với sự quan tâm thích đáng tới lợi ích của các nước đối tác)? Theo các văn kiện chiến lược, bằng cách tham gia hiệp hội này, Nga muốn đạt được các mục tiêu sau:

• Làm cho hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế công bằng, ổn định và hiệu quả hơn;

• Đảm bảo hòa bình và an ninh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ;

• Củng cố bản chất đa hướng trong chính sách đối ngoại của mình;

• Phát triển quan hệ song phương đặc quyền đặc lợi với các đối tác BRICS khác;

• Mở rộng sự hiện diện về ngôn ngữ, văn hóa và thông tin của mình.

Nga nên nỗ lực thúc đẩy đối thoại và phối hợp, trong bất cứ lĩnh vực nào có thể, các lập trường của mình với các đối tác khác về những vấn đề liên quan đến việc không chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương, tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế toàn cầu, kể cả vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, sự ổn định chiến lược, an ninh khu vực, giải quyết các xung đột khu vực và duy trì ổn định khu vực. Cùng với các nước thành viên BRICS khác, Nga cần thúc giục việc cải cách hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế. Và nước này không nên rơi vào tuyệt vọng nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ do các đối tác khác quá thận trọng.

Nga nên thực hiện một đánh giá thực tế và tỉnh táo về những nỗ lực trong nhóm BRICS để phát triển hợp tác thương mại và đầu tư trên cơ sở đa phương, và những ưu-khuyết điểm của việc thiết lập các khu thương mại tự do, các liên minh thương mại và hình thành nên các nhóm hội nhập khu vực. Nước này nên tìm thấy điểm mạnh của mình trong hợp tác với các nước thành viên khác trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau và xem xét tạo ra một liên minh công nghệ với họ. Cùng với các thành viên khác, nước này cũng sẽ phải xử lý các vấn đề gắn liền với sự phát triển của hiệp hội, bao gồm các vấn đề về tổ chức, và hình thành cơ sở hạ tầng cho quan hệ qua lại giữa các nền văn minh, kể cả ở cấp độ xã hội dân sự.

Các nhiệm vụ quan trọng mà Nga với tư cách chủ tịch của BRICS phải đối mặt bao gồm:

• Tăng cường quan hệ qua lại với các thành viên BRICS khác trong G20;

• Cùng nhau phát triển và điều phối một chính sách cải cách cấu trúc tài chính và kinh tế toàn cầu;

• Phối hợp lập trường về các vấn đề lớn trong Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là trong IMF;

• Mở rộng quan hệ trong BRICS, đặc biệt là trong khoa học và công nghệ; 

• Ưu tiên những nước này trong quan hệ đối ngoại-kinh tế;

• Thúc đẩy ý tưởng thành lập một mạng lưới các hiệp hội hội nhập khu vực tác động lẫn nhau (được dẫn dắt bởi những nước này) trên 4 lục địa;

• Đưa ra các sáng kiến để thể chế hóa nhóm BRICS (cơ quan thư ký, và một mạng lưới giữa các nước và tương tác giữa các chuyên gia).

Tiềm năng tầm nhìn của các chuyên gia

Hiệp hội này, theo một cách nào đó, là một sản phẩm của những nỗ lực trí tuệ của các nhà phân tích, các nhà khoa học và các chuyên gia. Những nghiên cứu, trong đó bao gồm phân tích chiến thuật và chiến lược của hiệp hội này, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, và việc xây dựng các đề xuất và kiến nghị cho các nhà lãnh đạo của các nước thành viên về việc làm thế nào để phát triển và cải thiện công việc của hiệp hội, có thể còn quan trọng đối với BRICS hơn là với các liên minh khác được thành lập sớm hơn. Cần lưu ý rằng chính Nga, với tư cách là người khởi xướng hiệp hội, là nước được các đối tác của mình kỳ vọng sẽ mang lại các ý tưởng và sáng kiến mới, một dấu hiệu của sự công nhận cho những tiềm năng của cộng đồng khoa học và chuyên gia Nga. Mỗi trường đại học có tự trọng đều đang thiết lập các trung tâm và các nhóm khác nhau để nghiên cứu nhóm BRICS, và thế chủ động của công dân đang lấy được đà. Các nước thành viên của BRICS cần phối hợp các nỗ lực của họ trong lĩnh vực này.

Hội nghị thượng đỉnh của BRICS tại Durban, Nam Phi vào năm 2013 đã lập ra Hội đồng Tư vấn chiến lược BRICS để đưa ra một chiến lược phát triển có căn cứ khoa học và đóng vai trò như một diễn đàn để trao đổi ý kiến chuyên gia. Động thái này do Nga khởi xướng (cuộc hội thảo đầu tiên của các đại diện BRICS được tổ chức ở Moskva vào năm 2008). Hội đồng Tư vấn này đã hợp nhất 5 tổ chức nghiên cứu quốc gia mà đã phối hợp trên các nghiên cứu riêng tương ứng. Tại Nga là Ủy ban Quốc gia về Nghiên cứu BRICS.

Tuy nhiên, việc công nhận các ưu tiên này sẽ áp đặt trách nhiệm cho các nhà khoa học Nga, những người được trông chờ sẽ đi đầu trong các nỗ lực trí tuệ và các sáng kiến đổi mới. Vai trò của các giả thuyết và sự phát triển khoa học trong sự tiến bộ của BRICS – ít nhất, ở giai đoạn sớm như hiện tại – là rất quan trọng. Kể từ khi thành lập, Hội đồng Tư vấn đã trở thành một tổ chức khoa học quốc tế có tác động ngày càng quan trọng đến việc đánh giá các triển vọng của BRICS.

Các nhà khoa học của 5 nước thành viên hiện đang hoàn thiện các kiến nghị chung cho các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước của họ liên quan đến sự phát triển lâu dài của BRICS. Họ cho rằng sự phát triển này phải dựa trên 5 trụ cột sau, mà xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác:

• Tạo điều kiện phát triển kinh tế (tích cực hợp tác cả bên trong BRICS và trong các tổ chức quốc tế);

• Duy trì an ninh và hòa bình toàn cầu;

• Thúc đẩy công bằng xã hội, phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống tốt;

• Cải tổ việc quản lý kinh tế và chính trị toàn cầu để tăng cường vai trò của các thành viên nhóm BRICS và các nước đang phát triển trong một hệ thống thế giới đa trung tâm;

• Phát triển những sáng kiến và nền kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà các chuyên gia không nhất trí, chẳng hạn như việc mở rộng BRICS. Theo quan điểm của chúng tôi, vẫn còn quá sớm để mời các nước khác gia nhập hiệp hội (mặc dù trong tương lai nên mời Indonesia, đại diện cho nền văn minh Hồi giáo, và có thể là cả Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng đây là một vấn đề cần được giải quyết trong tương lai. Hiện tại, điều quan trọng là phải hình thành các khuôn khổ tổ chức cho công việc của hiệp hội.

Một vấn đề quan trọng khác là việc thể chế hóa nhóm BRICS. Một số thành viên không muốn đẩy mọi thứ quá nhanh, nhưng nhu cầu cho việc đó đang tăng lên. Vai trò của Ngân hàng Phát triển mới (với lễ khai mạc sẽ được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh tại Ufa) không chỉ là một nguồn đầu tư cho những chương trình quan trọng với các nước thành viên, mà còn để phối hợp các chính sách kinh tế của họ. Đây là khởi đầu của sự hội tụ trong tương lai của các cường quốc đang nổi lên.

Từ góc độ kỹ thuật, vấn đề ưu tiên hàng đầu là việc thành lập một ban thư ký, ban đầu chỉ với các chức năng hạn chế. Vẫn không có biên bản được phối hợp của các cuộc họp đa phương hay văn bản thỏa thuận khi các nhà ngoại giao của từng nước thành viên giữ hồ sơ của riêng mình, điều này có thể dẫn đến hiểu lầm. Vẫn chưa có trung tâm điều phối để xây dựng chương trình nghị sự và các văn bản dự thảo (điều này hiện nay đang được Sherpas thực hiện). Sức mạnh của bộ máy hành chính, bắt nguồn từ tính nhất quán của nó và mong muốn tự bảo vệ mình, trong trường hợp này sẽ giúp cho hiệp hội trở nên mạnh mẽ hơn.

Đương nhiên, có nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Chẳng hạn, BRICS sẽ như thế nào trong 10 hay 20 năm sau kể từ bây giờ? Nó có thể phát triển một hệ tư tưởng phối hợp về sự phát triển và biến nó thành hiện thực? Tác giả đã nhiều lần đề xuất thành lập một diễn đàn để thảo luận về chiến lược dài hạn của hiệp hội, một dạng “câu lạc bộ của những người khôn ngoan” mà sẽ thống nhất các trí thức, học giả và các nhà phân tích hàng đầu từ 5 nước. Thực tế, họ vẫn chưa biết rõ về nhau, họ tham gia các cuộc thảo luận do các nước phương Tây tổ chức là chủ yếu, và đánh giá tình hình tại các nước đối tác qua các ấn phẩm của phương Tây. Đã đến lúc thiết lập sự hợp tác trực tiếp để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi chủ chốt: Người dân của các nước đang nổi lên phải làm thế nào để xây dựng tương lai của họ? Một chiến lược phát triển toàn cầu phối hợp sẽ ra sao? Làm thế nào để tạo ra một mô hình tương tác lẫn nhau mà sẽ có lợi cho mọi trung tâm quyền lực hiện đại? Đây là những vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, và chúng sớm hay muộn sẽ phải được giải quyết.

Georgy Toloraya là Tiến sỹ Kinh tế, giám đốc Chương trình Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Kinh tế tại Học viện Khoa học Nga, Phó giám đốc Quỹ Đoàn kết Nga. Bài viết dựa trên kinh nghiệm của tác giả trong các chuyến thăm tới Bình Nhưỡng và Seoul vào tháng 4 và 5/2011. Bài viết được đăng trên Russia in Global Affairs.

Trần Quang (gt)