Trong tài liệu Định hướng Chiến lược Quốc phòng (DSG) vừa công bố, Mỹ đã từ bỏ cam kết lịch sử về khả năng "tiến hành gần như đồng thời hai cuộc chiến tranh lớn" (2MTW). Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã phác thảo một định hướng chiến lược quốc phòng mới, không chỉ để định hướng cho đề xuất ngân sách 2013 mà ông Obama đệ trình lên Quốc hội, mà còn định hướng cho kế hoạch cắt giảm 450 tỷ USD, có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD, ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới. DSG 2012 kêu gọi tái tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đầu tư hơn nữa cho các thực lực không gian mạng và nghiên cứu các hệ thống thông tin, giảm quân đội về số lượng đối với lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ, nhấn mạnh hơn tới các thực lực hải quân và không quân. DSG 2012 cung cấp ít chi tiết cụ thể về việc cắt giảm, nhưng thay vào đó đã xác định rõ chiến lược tổng thể và xác định những bối cảnh mà các quyết định sẽ được đưa ra trong những tháng và cả những năm tiếp theo. Trong bối cảnh chính trị Mỹ, trọng tâm của định hướng chiến lược mới là cuộc tranh luận về cam kết 2MTW, một mô hình xây dựng lực lượng đối với siêu cường này có nguồn gốc từ Chiến tranh Lạnh nhưng sau đó mới được định hình và chính thức thực hiện. Khái niệm 2MTW đã được coi là nền tảng của việc hoạch định chính sách và chiến lược quốc phòng của Mỹ cho toàn bộ giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong nền chính trị Mỹ và trong các chiến dịch tranh cử, việc từ bỏ cam kết với 2MTW có thể sẽ được coi là khía cạnh gây tranh cãi nhiều nhất trong chiến lược mới của ông Obama. Phe Cộng hòa và những "blogger" bảo thủ đã lên án ông Obama làm suy yếu nền quốc phòng của Mỹ, làm xói mòn niềm tin của các đồng minh chủ chốt và tạo ra sự hiếu chiến từ các kẻ thù như Trung Quốc hoặc Iran. 

Tại sao khái niệm 2MTW lại tồn tại lâu như vậy? 

Điều đáng ngạc nhiêu về mô hình hai cuộc chiến là nó không chỉ tồn tại lâu mà nó còn tạo ra sự đồng thuận chính trị, nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Khái niệm 2MTW được đưa ra trong chiến lược của Lầu Năm góc năm 1993, tái khẳng định trong Báo cáo Đánh giá Quốc phòng 4 năm 1 lần (QDR) năm 1996 và nó là trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ của 5 Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính quyền George H.W. Bush, Clinton, George W. Bush và Barack Obama. Nó được tái khẳng định một lần nữa trong QDR 2010 do các quan chức của Chính quyền Obama soạn thảo. Thách thức chủ chốt đối với các nhà hoạch định quốc phòng là đưa chiến lược này vào các định hướng cho việc cơ cấu lực lượng, hoạch định chi tiêu và đầu tư, và cũng để giải thích về mục đích của các lực lượng quốc phòng Mỹ với công chúng Mỹ và với thế giới. Khi cấu trúc Chiến tranh Lạnh sụp đổ, các nhà hoạch định Mỹ dự tính sẽ có những căng thẳng khu vực xuất hiện, và sự hiếu chiến của các kẻ thù khu vực là có thể: Vịnh Pécxích và Bán đảo Triều Tiên được coi là hai khu vực có thể xảy ra hai chiến trường lớn đồng thời. Ý tưởng về việc chuẩn bị cho hai chiến trường lớn đồng thời tồn tại bởi nó được cho là đáp ứng tốt đòi hỏi an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh, và cũng bởi nó tạo ra một sự đồng thuận chính trị vốn được coi là đã thiết lập nên những cơ sở căn bản và các thông số cho vị thế quốc phòng. Khái niệm 2MTW cũng tạo ra một nền tảng rõ ràng cho việc hoạch định lực lượng của Mỹ: đó là chuẩn bị cho 2 cuộc chiến lớn đồng thời và can dự vào các chiến dịch khác trên cơ sở "ngoại lệ phụ". Ít nhất là trong một thập kỷ, 2MTW không gây ra sự tranh cãi nào, và nhiều người tin rằng nó hiệu quả. Các cuộc chiến đã không nổ ra ở vùng Vịnh hay Đông Bắc Á, và nhiều người tin rằng ít nhất, hoặc một phần, thì các kẻ thù tiềm tàng tin rằng Mỹ có thể đồng thời đánh bại 2 đối thủ cùng một lúc. Thực lực có thể chưa bao giờ hoàn hảo nhưng chiến lược 2MTW được coi là đủ, và được coi là tạo ra khả năng răn đe theo cách thức mà chiến lược 1MTW (một chiến trường lớn) không bao giờ tạo ra được. 

Chiến lược 1+2 của ông Obama 

Tổng thống Obama tuyên bố rằng theo chiến lược mới, được mô tả là "chiến lược 1+2", các lực lượng của Mỹ sẽ duy trì khả năng "cùng một lúc làm được nhiều việc" và chống lại bất cứ kẻ thù nào ở bất cứ nơi nào. Ông đã không công khai tuyên bố từ bỏ 2MTW trong bài phát biểu nhưng ông lại đưa ra một cấu trúc mới. Theo cấu trúc 1+2, Mỹ sẽ duy trì khả năng có thể đồng thời tham gia một cuộc chiến lớn, gây thiệt hại cho các kẻ thù ở nơi khác và tiến hành nhiều chiến dịch nhỏ hơn, chẳng hạn như cứu trợ thiên tai hoặc thiết lập vùng cấm bay. Quyết định này cho thấy một sự tinh giảm lực lượng cẩn trọng và được tính toán cũng như một bước chuyển trong học thuyết, và kế tiếp nó chắc chắn sẽ là việc cắt giảm trên nhiều lĩnh vực chủ chốt, chẳng hạn như kho đầu đạn hạt nhân, các cam kết dự án máy bay chiến đấu, lương bổng của binh lính, nghỉ hưu, trợ cấp sức khỏe và số lượng lực lượng mặt đất. Theo dự đoán, lực lượng mặt đất nhiều khả năng sẽ cắt giảm tới 10-15%. Các chi tiết cụ thể về kế hoạch cắt giảm, và có thể là về chiến lược, sẽ được rõ ràng khi báo cáo ngân sách được đệ trình. Mô hình 1+2 thừa nhận rằng các cuộc chiến mặt đất đa quốc gia không phải là không xảy ra, tuy nhiên nó trả lời được một số sự chỉ trích nhằm vào chiến lược 2MTW trong thập kỷ vừa qua. Điểm then chốt của những chỉ trích nhằm vào chiến lược 2MTW là vấn đề 2MTW thể hiện sự quá lo lắng về các mối đe dọa khó có khả năng xảy ra, và rằng 2MTW đã thất bại trong việc thực hiện một nhiệm vụ khác của Lầu Năm Góc là bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, xây dựng các đối tác và huấn luyện, tuần tra các khu vực khó khăn, tiêu diệt lực lượng khủng bố và tiến hành các chiến dịch quy mô nhỏ. Trong khi đó, lực lượng theo chiến lược 2MTW chắc chắn sẽ được sắp xếp và cơ cấu để có thể thực hiện được các nhiệm vụ bình thường trong khi vẫn có khả năng duy trì hòa bình ở châu Âu, ổn định ở Trung Đông, ở Đông Bắc Á và ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc bắt đầu gia tăng. Những chỉ trích cũng cho rằng 2MTW là tư tưởng Chiến tranh Lạnh, và điều hoàn toàn có thể là Bộ Quốc phòng sẽ không bao giờ thực sự đạt được nếu tập trung sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn và các tình huống khẩn cấp khác nhỏ hơn cùng một lúc. Khái niệm này tồn tại bởi nó không gây tranh cãi trong hệ thống chính trị lưỡng đảng và cũng bởi chưa có khái niệm nào tốt hơn được đưa ra. 

Tính dễ tổn thương và bầu cử 2012 

Một số người lo ngại rằng tuyên bố của ông Obama về chiến lược mới sẽ hủy hoại niềm tin của các đồng minh của Mỹ ở nước ngoài và làm gia tăng sự hiếu chiến của các kẻ thù. Tuy nhiên, khi xét tới những thách thức của Irắc và Ápganixtan thì một chiến lược chỉ để hù dọa có lẽ là chiến lược tồi tệ nhất. Sẽ rất nhạy cảm khi tái cân bằng các lực lượng của Mỹ về địa lý cũng như cân bằng giữa các lực lượng mặt đất với các thực lực trên không và trên biển, và với sự đầu tư lớn hơn vào thực lực không gian mạng. Trong bối cảnh chính trị Mỹ, và trong bối cảnh bầu cử hiện nay, ông Obama sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức đối với chiến lược mới của ông. Trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc, ông Obama lập luận rằng Mỹ đang ở "thời khắc chuyển tiếp". Mỹ đã kết thúc "một cách có trách nhiệm" cuộc chiến tại Irắc, đạt được những tiến bộ lớn trong quá trình chuyển tiếp của Ápganixtan, và vì thế ông quyết định đã đến lúc phải lật sang trang mới sau một thập kỷ chiến tranh. Sự lạc quan tuyệt đối của ông Obama về tương lai của Irắc và Ápganixtan cũng như việc từ bỏ cam kết đối với 2MTW có thể dồn ông vào thế bí trong cuộc bầu cử 2012. Các đối thủ của ông đã, đang và sẽ tiếp tục cáo buộc ông hủy hoại sức mạnh của Mỹ, các khối liên minh và khả năng phòng thủ. Một điều đáng nói nữa về bài phát biểu của ông là sự thiếu vắng các con số cụ thể. Định hướng chiến lược giống như một bài tập đang được chuẩn bị hoặc bài tập thuyết phục công luận về sự cần thiết phải cắt giảm trước khi đệ trình báo cáo ngân sách. Ông Obama chắc chắn cũng sẽ nhận được sự chỉ trích từ những người quan ngại về ổn định dài hạn tại Ápganixtan, khả năng tồn tại của quá trình chuyển giao, sự ổn định của Irắc, chương trình hạt nhân của Iran và những căng thẳng tại Biển Đông cũng như sự thiếu minh bạch trong những tham vọng chính trị và xây dựng lực lượng quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, hai nhân vật có triển vọng giành tấm vé của đảng Cộng hòa là Mitt Romney và Rick Santorum đều đã nói rằng họ sẽ ném bom tấn công Iran nếu nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Định hướng chiến lược mới chứa đầy tham vọng và những khái niệm, nhưng Tổng thống Obama, Bộ trưởng Panetta đã lảng tránh không đưa ra các con số. Thử thách sẽ tới khi chiến lược được thực thi. Ông Obama sẽ phải minh chứng rằng ông không đặt vấn đề tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu lên trên vấn đề an ninh, và không cần phải tránh trở thành tù nhân của những khẩu hiểu do chính ông đưa ra như đã từng xảy ra trong quá khứ./.

Bài phân tích của Tiến sỹ Lisa Aronsson, Giám đốc Chương trình Xuyên Đại Tây Dương của Viện Hoàng gia An ninh Quốc phòng Anh

Theo Rusi (3/1)

Mỹ Anh (gt)