1_18e30.jpg

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể có câu trả lời dứt khoát cho một số vấn đề quan trọng có liên quan tới sự hồi sinh của Nga. Thứ nhất, các yêu cầu, nhu cầu của Moskva có đặt ra mối đe dọa đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ và các đồng minh trong tương lai gần hay không? Nga có ngăn chặn những chiến lược ưu tiên của Mỹ đối với hệ thống chính trị quốc tế hay không? Câu hỏi nữa là hiện tại và trong tương lai liệu Nga có hỗ trợ Mỹ trong việc đối phó với các vấn đề cấp bách khác đang đe dọa lợi ích của Mỹ hay không? Theo các chuyên gia Mỹ, ngăn chặn một chiến lược của Nga không đơn giản và có thể phải trả giá rất đắt. Không chỉ đơn giản là vấn đề di chuyển một vài đơn vị quân sự hoặc gia tăng số lượng thiết bị quốc phòng trên phạm vi toàn cầu. Điều này không thể thực hiện chỉ với một vài cam kết "lỏng lẻo" với nhà nước hậu Xôviết, mà đòi hỏi các cam kết lâu dài về sức mạnh và các nguồn lực cơ bản để phục hồi tiềm năng của liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xây dựng năng lực ở các nước "tiền tuyến" xung quanh Nga, trong khi đó vẫn phải chấp nhận những rủi ro của việc đối đầu với Nga. Tuy nhiên, để có được chính sách rõ ràng đối với Nga hiện nay và trong tương lai, Mỹ cần xem xét 3 nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản sau cho tư duy chiến lược:

Thứ nhất, hiện nay là thời điểm thích hợp để ngừng lại các chính sách dựa trên mong đợi về sự sụp đổ của Nga. Sự thật là Liên bang Nga đang có một số vấn đề kinh tế và phải đối mặt với triển vọng nhân khẩu học không mấy tốt đẹp. Ngoài ra còn có những đồn đoán rằng Chính quyền của Tổng thống Putin và các giá trị chính trị của Nga sẽ không tồn tại trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, niềm tin này hiện nay là không có cơ sở và không nên đưa yếu tố này trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong suốt 200 năm qua, tất cả các quốc gia trên thế giới xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên sự mong đợi chế độ nước Nga sụp đổ đều đã thất bại. Hơn nữa, có rất nhiều chỉ số khác cho thấy nước Nga có thể bước qua các khó khăn hiện nay và tiếp tục hoạt động hiệu quả trong hệ thống quốc tế, hoặc thậm chí tiếp tục là một trong những cường quốc trong tương lai gần. Thật "không tưởng" khi Mỹ xây dựng chính sách của mình đối với Liên Xô vào năm 1979 nhưng lại dựa trên hy vọng về sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Tương tự, việc xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Liên bang Nga hiện nay không nên dựa trên xu hướng kinh tế và nhân khẩu học sẽ diễn ra tại Nga vào năm 2050.

Thứ hai, Mỹ cần xây dựng sự thỏa hiệp với Nga (dù là về vấn đề Ukraine, Syria, hoặc các vấn đề khác) để cam kết thực thi các trách nhiệm trong trường hợp Nga không tuân thủ hoặc vi phạm sau khi các hiệp định đa phương và song phương đã được ký kết. Hiện tại và trong tương lai gần, Mỹ không nên ký kết thêm các hiệp định, thỏa thuận song phương với Nga, mặc dù điều này khiến Điện Kremlin cho rằng họ không có lý do gì để thỏa hiệp với Mỹ và còn đánh giá thấp khả năng hành động nghiêm túc từ phía Mỹ.

Thứ ba, một chính sách chiến lược mơ hồ liên quan đến các nước láng giềng của Nga chẳng đem lại lợi ích gì vào thời điểm hiện nay. Chính sách ngoại giao "lỏng lẻo" của Mỹ với các cụm từ như "đồng minh" hoặc "đối tác chiến lược" đã không thể ngăn được các hành động của Nga đối với Gruzia vào năm 2008 hoặc với Ukraine vào năm 2014. Nga đang chờ xem những lời phát biểu "khoa trương" của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về các vấn đề châu Âu có đi đôi với hành động hay không. Trong khi đó, các nước láng giềng của Nga đang theo dõi sát sao xem đâu là giới hạn, hành động trong chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ hiện nay.

Hy vọng nước Nga suy yếu hoặc thực hiện chính sách đối ngoại theo mong đợi của Mỹ là một chiến lược "viển vông". Vị tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ cần phải xem xét lại toàn bộ chính sách tương tác hậu Chiến tranh Lạnh đối với Nga, sau đó vạch ra chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thế giới và nước Nga hiện nay, kể cả nước Mỹ phải trả giá để đạt được mục tiêu chiến lược của mình trong tương lai.

Tác giả Nikolas Gvosdev là học giả không thường trú cấp cao tại Chương trình Á Ấu, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối Ngoại. Bài viết đăng trên trang "National Interest" (ngày 20/9).

Hương Trà (gt)