China9-400x266.jpg

Vào thời điểm khi sự tăng trưởng của Trung Quốc đang tác động nhiều tới sự năng động của nền kinh tế thế giới, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đăng nhiều thông tin nhắc nhở thế giới phải thận trọng khi đối mặt với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của quốc gia này. Các báo cáo này đã chỉ trích nhiều vấn đề, ví dụ như các sáng kiến chủ nghĩa "thực dân" như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC- ra đời năm 2000 và là biểu tượng của quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi) cùng việc phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến các khoản cho vay dành cho các nước đang phát triển theo chiến lược "Một Vành đai, một Con đường" được đề xuất vào năm 2013.

Cùng với đó, niềm hân hoan của các nước được nhận các khoản cho vay cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Một trong những yếu tố dẫn đến thái độ này là sự chuyển đổi của châu Phi vào cuối những năm 2000, từ một châu lục "Đen" bị bao vây bởi đại dịch AIDS, các cuộc nội chiến, nghèo đói và nhiều vấn đề khác đã trở thành một "lục địa hy vọng" đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Các quốc gia châu Phi và trên hết là các nhà lãnh đạo, đã nhìn nhận mối quan hệ với Trung Quốc dưới một luồng sáng tích cực, coi đây là một động cơ cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Giá các mặt hàng đã tăng lên cùng với sự mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc, và điều này đã củng cố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở các nước châu Phi từ những năm 2000. Vào năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này, nhập khẩu số lượng lớn các nguồn tài nguyên và đầu tư rất nhiều vào phát triển. Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong 2 hoặc 3 năm gần đây. Số lượng hàng hóa nhập khẩu từ châu Phi cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm về giá cả tài nguyên trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự tôn trọng và niềm tin của các nước châu Phi vào Trung Quốc vẫn không bị lung lay.

Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã xây dựng ở châu Phi là một trong những yếu tố chính khiến Bắc Kinh trở nên nổi tiếng tại các quốc gia châu Phi. Hàng loạt công trình bến cảng, sân bay, đường sắt và hệ thống giao thông đường bộ mới là khoản "tiền thưởng" lớn không chỉ cho các Chính phủ, mà còn cho người dân của các nước nhận khoản vay. Tuyến đường sắt Tanzania-Zambia (TARAZA) là tuyến đường sắt đầu tiên Trung Quốc xây dựng trên châu lục này vào đầu thập niên 1970. Ngoài tuyến đường sắt Ethiopia-Djibouti và các mạng lưới giao thông đô thị ở nhiều quốc gia, còn có rất nhiều dự án mạng lưới đường sắt quốc tế liên kết với các nước trong khu vực Đông Phi đang được xây dựng. Những tuyến đường sắt này không phải tàu cao tốc nhưng đối với các quốc gia không có biển, đường sắt sẽ rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa tới các bến cảng trong khoảng thời gian ngắn và với số lượng lớn hơn so với quá khứ.

Ngoài ra, các tuyến đường sắt tại đây cũng mở ra những cơ hội kinh doanh cho các thương gia nhỏ và những người dân không có phương tiện vận chuyển. Các công ty Trung Quốc hầu như không bao giờ sử dụng lao động địa phương mà mang các kỹ sư, công nhân Trung Quốc sang xây dựng các dự án lớn này. Các tuyến đường sắt được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa đã đem lại sự tiện lợi, song hiện nay hầu hết đã bị hư hỏng vì không được bảo dưỡng. Đường hàng không ở châu Phi thường kết nối các thành phố lớn và các quốc gia bá chủ cũ, nếu người châu Phi muốn sang một quốc gia láng giềng thì phải quá cảnh qua châu Âu. Có thể nhiều người sẽ mang các tuyến đường hàng không này ra để so sánh với các tuyến đường sắt mà Trung Quốc đã và đang đầu tư xây dựng, nhưng có một điều chắc chắn rằng người dân châu Phi vẫn hoan nghênh các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng cho người dân bản địa.

Sự tôn trọng dành cho Trung Quốc cũng bao gồm yếu tố "tham vọng hướng tới một đất nước phát triển". Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển, nhưng nhà nước mạnh mẽ này (trên thực tế là độc đoán) đã xây dựng một nền kinh tế đảm bảo cuộc sống cho người dân của mình. Sự thành công của Trung Quốc đã đem lại nhiều hy vọng hơn cho Chính phủ và người dân các nước châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi đều mong muốn hướng tới một "đất nước phát triển", kết nối hội nhập quốc gia với sự phát triển kinh tế.

Theo quan điểm của Trung Quốc, châu Phi là điểm dừng chân cuối cùng cho chiến lược "Một Vành đai Một Con đường". Từ khi cải cách kinh tế vào năm 1979 và sự xuất hiện của khái niệm "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" vào năm 1990, thị trường (hay nhu cầu) đã trở thành yếu tố tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. "Một Vành đai Một Con đường" là một cấu trúc sẽ tạo ra nhu cầu mới để đối phó với vấn đề dư thừa nguồn cung của nền kinh tế Trung Quốc. Ngay cả khi các khoản vay không thể thu lại được từ các quốc gia châu Phi thì Trung Quốc cũng không quá quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, hợp đồng thuê bến cảng và các khu định cư rộng lớn dành cho người Trung Quốc sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước này trong tương lai. Thậm chí, nếu không đạt được các lợi ích này thì Trung Quốc vẫn có thể gặt hái thành công dài hạn nếu các nguồn vốn đầu tư có thể hình thành một khu vực kinh tế chung "sử dụng đồng Nhân dân tệ" và xây dựng một thị trường thương mại quốc tế, nhất là khu vực châu Phi, không dựa trên đồng USD.

Tác giả là Giáo sư Michiko Kitaba, trường Đại học Kansai (Nhật Bản). Bài viết đăng trên "The Diplomat."

Anh Thư (gt)