Mặc dù 20 năm đã trôi qua kể từ ngày Liên Xô tan rã, chỉ có nước Nga (như trước đây) là có đủ kho vũ khí để hủy diệt nước Mỹ. Kho vũ khí này trong nhiều năm nữa vẫn sẽ là sự thèm muốn của các lực lượng khủng bố quốc tế. Liên bang Nga vẫn là một nước lớn trên thế giới xét về mặt lãnh thổ và là mặt trận Á-Âu chủ đạo trong cuộc xung đột giữa nền văn minh phương Tây và Hồi giáo. Nước Nga sở hữu nguồn dự trữ các nguồn lực quan trọng nhất của thế giới như dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, niken, vàng, gỗ, đất trồng trọt và nước ngọt. 

Ngoài ra, thông qua việc sử dụng ảnh hưởng quân sự và ngoại giao của mình, Mátxcơva có khả năng gây cản trở (hoặc tạo điều kiện) để hiện thực hoá những lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới: từ Ápganixtan, Iran, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đến châu Âu và Mỹ Latinh. Nói một cách ngắn gọn, thiếu sự hợp tác sâu rộng với Nga thì Mỹ không thể đảm bảo an ninh quốc gia thực sự của mình. 

Tuy nhiên, tháng 1/2009, khi Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình thì quan hệ giữa Nga và Mỹ đã ở mức tồi tệ đến nỗi một số nhà quan sát, trong đó có cả tôi, đã gọi mối quan hệ đó như một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thay vì hợp tác với nhau một cách toàn diện, trong đó có những lĩnh vực truyền thống như kiểm soát vũ khí hạt nhân, thì hai bên lại đối mặt với những xung đột ngày càng gay gắt. Tháng 8/2008 đã xuất hiện đối kháng quân sự có thể nói là không kém nguy hiểm so với cuộc khủng hoảng vịnh Caribê năm 1962. Cuộc chiến Grudia – Nga thực chất là cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga, bởi quân đội Grudia được Mỹ đào tạo và trang bị. 

Vậy điều gì đã xảy ra với “quan hệ đối tác chiến lược và tình hữu nghị” giữa Mỹ và nước Nga hậu Xôviết - mối quan hệ đã được lãnh đạo hai bên hứa hẹn sau (sự kiện) năm 1991? Trong suốt hơn 10 năm, giới báo chí và chính trị Mỹ đã khẳng định rằng quan hệ đối tác vào những năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Boris Yeltsin đúng là như vậy, tuy nhiên mối quan hệ đó đã bị phá hoại do “mục tiêu chống dân chủ” của Vladimir Putin, người lên thay Boris Yeltsin vào năm 2000.

Trên thực tế, chính Oasinhtơn chứ không phải Mátxcơva đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử để xây dựng lại quan hệ đối tác sau Chiến tranh Lạnh. Điều đó diễn ra vào đầu những năm 1990 khi Chính quyền Bill Clinton bắt đầu đối xử với Nga như với một quốc gia “đã bị thua” trong Chiến tranh Lạnh, trong khi tự cho mình là kẻ thắng trận. (Đây là tiền đề sai lầm vì Chiến tranh Lạnh trên thực tế đã kết thúc sau những cuộc đàm phán trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1990, tức là trước khi Liên Xô tan rã khá lâu – vào tháng 12/1991). Đánh giá này đã được tất cả những ai tham gia tiến trình này nhất trí: cả Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George Bush (cha).

Nguyên nhân là do cách tiếp cận theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” của Chính quyền Bill Clinton, trong đó có ý định can thiệp vào chính sách đối nội và kinh tế của nước Nga, những lời hứa mang tính “chiến lược” chưa được thực hiện (trong đó quan trọng nhất là lời cam đoan của Bush với Gorbachov năm 1990 về việc NATO sẽ không mở rộng về phía Đông ra ngoài biên giới của nước Đức thống nhất), chính sách tiêu chuẩn kép đụng chạm đến lợi ích của Nga (xuất phát từ việc cho rằng nước Nga hiện không còn những lợi ích an ninh hợp pháp nào ở nước ngoài, thậm chí ở ngay trong khu vực của mình, trong khi Mỹ thì vẫn có). Phản ứng đáp trả đã đến khi V.Putin lên làm Tổng thống, nhưng thực ra, phản ứng này tất yếu sẽ đến khi nước Nga có một nhà lãnh đạo mới tự tin hơn, tỉnh táo hơn và ít phụ thuộc vào Oasinhtơn hơn Boris Yeltsin. 

Thái độ hân hoan vì chiến thắng của Mỹ chưa kết thúc trong nhiệm kỳ của Bill Clinton và Boris Yeltsin. Ví dụ điển hình là sau sự kiện 11/9/2001, Chính quyền của Tổng thống Putin đã đề nghị hỗ trợ chính quyền G.Bush (con) trong việc cung cấp thông tin tình báo, cũng như hỗ trợ trên chiến trường trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban ở Ápganixtan thậm chí nhiều hơn bất kỳ một đồng minh nào của Mỹ trong NATO. Đổi lại, V.Putin chờ đợi một quan hệ đối tác Nga - Mỹ mà từ lâu người ta đã từ chối Mátxcơva. Tuy nhiên, thay vào một quan hệ đối tác là việc Nhà Trắng nhanh chóng mở rộng NATO đến tận biên giới của Nga và đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa (ABM) vốn được Mátxcơva xem là hòn đá tảng trong vấn đề an ninh hạt nhân của mình. Mátxcơva cho rằng mình bị lừa dối và sẽ không bao giờ quên điều đó. 

Hiện nay, do lo ngại trước sự suy thoái các cơ sở hạ tầng thiết yếu của đất nước kể từ năm 1991, các chính trị gia Nga đang bị cuốn vào cuộc đấu tranh vì tương lai đất nước. Cuộc đấu tranh này có những hậu quả sâu sắc đối với chính sách đối ngoại của Nga. Một mặt, Dmitry Medvedev (người đã trở thành Tổng thống theo ý chí của V.Putin) đang kêu gọi cho việc "chuyển đổi dân chủ" dựa trên sự "liên minh với phương Tây vì hiện đại hóa". Mặt khác, những người theo chủ nghĩa Stalin và dân tộc cực đoan nhấn mạnh rằng ở Nga, chỉ những phương pháp truyền thống do nhà nước áp đặt, hay mô hình "hiện đại hóa mà không hướng Tây" là có thể tồn tại được. Để khẳng định cho quan điểm của mình, họ nói rằng NATO đang bao vây Nga và Mỹ thì hành xử một cách thất tín. Sự lựa chọn "mô hình hiện đại hóa" sẽ được thực hiện ở Mátxcơva, chứ không phải ở Oasinhtơn, như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ từng nghĩ, tuy nhiên chính sách của Mỹ sẽ là một yếu tố quan trọng. Trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa phe cải cách và phe chống đối ở Nga, lực lượng chống độc tài chỉ có cơ hội chính trị khi quan hệ với phương Tây đã được cải thiện. Mà trong các nước phương Tây, Oasinhtơn như trước đây vẫn đóng vai trò hàng đầu cho xu hướng tốt lên hoặc tồi đi. 

Khi Tổng thống Obama coi việc "cài đặt lại" quan hệ với Mátxcơva là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại, dường như ông Obama hiểu rằng cơ hội thiết lập quan hệ đối tác cần thiết với nước Nga hậu Xôviết đã bị mất nhưng vẫn có thể “lấy lại”. Tất nhiên, ý nghĩa của việc "cài đặt lại" chính là cái mà trước đây được gọi là “hoà hoãn”. Vì sự hoà hoãn luôn luôn có nghĩa là chuyển từ xung đột thời Chiến tranh Lạnh sang hợp tác, nên sáng kiến ​​ của Tổng thống Mỹ cũng cho người ta thấy rằng ông Obama đã thừa hưởng một cái gì đó giống như một cuộc chiến tranh lạnh mới. 
Lịch sử hoà hoãn lâu dài bắt đầu vào năm 1933 khi Tổng thống Franklin Roosevelt thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô sau 15 năm không công nhận, cho chúng ta thấy một cái gì đó quan trọng về chính sách “cài đặt lại” của Tổng thống Obama. Mỗi giai đoạn hoà hoãn đều bị những lực lượng nhất định ở cả Nga và Mỹ phản đối mạnh mẽ, và đều đòi hỏi có sự lãnh đạo mạnh mẽ cần thiết để duy trì quá trình hợp tác; Mỗi giai đoạn sau một thời gian thành công, đều tiêu tan hoặc sụp đổ với việc hồi sinh các cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh, tương tự như cuộc hoà hoãn lịch sử do Gorbachov và Reagan khởi xướng vào năm 1985 với lời hứa hẹn sẽ mãi mãi xóa bỏ chiến tranh lạnh. 

Nhiều nhà bình luận (như chuyên gia về Nga Thomas Gram thuộc Công ty tư vấn Kissinger Associates và nhà quan sát Peter Baker của Thời báo Niu Yoóc) cho rằng sáng kiến “cài đặt lại” của Obama (Cremli cũng bắt đầu sử dụng thuật ngữ này) dường như khá thành công và dẫn tới việc thiết lập “quan hệ đối tác mới”. Âm điệu giao tiếp với nhau giữa Oasinhtơn và Mátxcơva cũng trở nên êm dịu hơn. Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev gặp gỡ nhau thường xuyên, và họ tuyên bố về những thành công trong mối quan hệ đã được “cài đặt lại” trong khi dẫn chứng về tình hữu nghị cá nhân giữa họ. Tất nhiên có những dấu hiệu khác có thể cảm nhận được. Mátxcơva đang hợp tác với Mỹ theo 2 hướng mà Mỹ coi là ưu tiên: cuộc chiến tại Ápganixtan và vấn đề kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran . Ngoài ra, năm 2010, các bên đã nhất trí ký kết hiệp ước START mới nhằm cắt giảm 1/3 kho tên lửa hạt nhân tầm xa của mình. 

Tuy nhiên, chính sách “cài đặt lại” mà ông Obama tuyên bố vẫn có những hạn chế nhất định và tính không bền vững cố hữu. Điều này một phần là do bối cảnh chính trị ít phụ thuộc vào ông Obama. Ở cả hai nước đều có những người chống đối mạnh mẽ chính sách này. Lấy cảm hứng từ chính sách bài Nga, cho các sáng kiến của Nga là có động cơ đen tối, những nhân vật bảo thủ mới ở Mỹ, những người cổ vũ cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã công kích chính sách “cài đặt lại” của ông Obama, coi đó là “sự đầu cơ”, là “thương vụ nguy hiểm” và là chính sách “phớt lờ cái xấu”. Có người còn so sánh chính sách “cài đặt lại” hiện nay với Hiệp ước Xô - Đức năm 1939. Thiếu lực lượng vận động hành lang thân Nga làm đối trọng, và thiếu mối quan hệ kinh tế Nga - Mỹ thực chất làm bước đệm, tiến trình “cài đặt lại” sẽ rất dễ bị tổn thương trước những cuộc công kích như thế. 

Tại Nga, đối tác của ông Obama – Tổng thống Medvedev cũng phải đối mặt với những công kích không kém phần gay gắt. Theo nhà tư tưởng cực hữu hàng đầu của Nga, Aleksandr Dugin, “phương Tây đang đứng đằng sau Medvedev... Đứng đằng sau Medvedev không ai khác ngoài kẻ thù của nước Nga". Đáng ngại hơn, hồi tháng 7/2009, một vị tướng nổi tiếng của Nga đã buộc tội Tổng thống Medvedev là "phản quốc”. Kể từ tháng 3/2011 đến nay, lời buộc tội này đã xuất hiện nhiều lần, trong đó Tổng thống Medvedev bị buộc tội "phản bội lợi ích của Nga" khi không sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong quá trình thông qua nghị quyết cho phép NATO không kích Libi. 

Hơn nữa, cả Obama và Medvedev đều là những nhà lãnh đạo tương đối yếu. Uy tín của Obama bị giảm đi đáng kể do bản thân ông và thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mùa Thu năm 2010. (Đến lúc đó, ông Obama đã nhượng bộ đòi hỏi "cài đặt lại chính sách tái khởi động" sau khi đưa trở lại vấn đề thúc đẩy dân chủ vào chương trình nghị sự, và ủng hộ nhà lãnh đạo Grudia Mikhail Saakashvili, người đã đưa Mỹ và Nga đến bên bờ vực chiến tranh trong năm 2008). Còn uy tín của Tổng thống Medvedev cũng bị giới hạn bởi sự nổi tiếng của Thủ tướng Putin và khả năng ông Putin có thể giành lại chức tổng thống Nga trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ​​ tháng 3 năm 2012. Chính vì thế, cả ông Obama cũng như ông Medvedev đều chưa sẵn sàng hoặc không muốn tích cực bảo vệ cho việc "cài đặt lại” hoặc thậm chí chưa sẵn sàng ngăn chặn những mưu toan nhằm phá hoại chính sách này do các thành viên của Chính quyền Mỹ thực hiện, chẳng hạn Phó Tổng thống Joseph Biden dường như còn thực hiện việc đó nhiều lần. 

Quyết định của Obama đặt quan hệ đối tác với “nhà dân chủ” Medvedev làm nền tảng trong chính sách đối với Nga, hy vọng thúc đẩy sự nghiệp chính trị của Medvedev vượt qua Putin, đã tiếp tục hạn chế sự ủng hộ đối với chính sách “cài đặt lại” ở Nga. (Cũng như các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ, Obama cùng các cộng sự vẫn tiếp tục phê phán Putin, gọi ông là nhà lãnh đạo “chưa thoát hẳn khỏi quá khứ”; thậm chí Ngoại trưởng Mỹ có lần còn nhận xét Putin là người “không có tâm hồn”). Sự đánh cược chính trị vào Medvedev đang lặp lại thói quen từ lâu của Nhà Trắng nhầm lẫn giữa tình bạn cá nhân với giới lãnh đạo Nga. Obama gọi Medvedev là “anh bạn Dmitry của tôi” (cách gọi thân mật) - với sự ủng hộ rộng rãi từ phía chính giới Nga. Ngoài ra, việc công khai ủng hộ Medvedev trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, như cách mà Phó Tổng thống J.Biden đã làm trong chuyến thăm Mátxcơva hồi tháng Ba, đã khiến giới thượng lưu Nga bất bình trước sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Nga, đồng thời củng cố quan điểm của những ai cho rằng chỉ Putin là “không bán đứng nước Nga cho phương Tây”. 

Những thất bại chính trị của chính sách “cài đặt lại” có thể chỉ mang tính “chuyển đổi”, nhưng những sai lầm mang tính nền tảng trong chính sách của Obama đối với Nga lại bắt nguồn từ chính sách của những năm 1990 dựa trên nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không”. Một trong những sai lầm vĩnh cửu là ý muốn gắn Nga với “sự hợp tác có chọn lọc”, có nghĩa là muốn Nga hỗ trợ đối với những lợi ích sống còn của Mỹ, trong khi không đếm xỉa đến những lợi ích của Nga. Cho dù quan điểm này nhiều lần được Tổng thống Clinton và G.Bush áp dụng từ những năm 1990 và chỉ dẫn đến những kết quả tồi đồng thời làm gia tăng sự bất bình ở Nga, nhưng Chính quyền Obama vẫn muốn xây dựng chính sách “cài đặt lại” dựa trên sự nhượng bộ đơn phương của Nga. Trợ lý của Obama về quan hệ với Nga, đại sứ tương lai của Mỹ tại Nga Michael Mcfaul từng nói: “Chúng ta cố gắng tìm kiếm cách thức hợp tác với Nga trên những vấn đề chúng ta xác định là lợi ích an ninh của mình, song chúng ta sẽ không mua bán những cái đó”. 

Obama đã thành công khi nhận được sự hợp tác của Nga trong vấn đề Ápganixtan và Iran mà không phải nhượng bộ trong hai vấn đề mà Nga bất bình: việc triển khai các công trình thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) ở gần biên giới Nga và việc tiếp tục mở rộng NATO cũng theo hướng này, tuy nhiên cái giá chính trị phải trả là khá đắt. Tình trạng bất bình đẳng đang ngày một phá hoại vị thế của ông Medvedev, làm mất đi sự ủng hộ rộng rãi đối với chính sách “cài đặt lại” ở Nga, nơi mà chính sách này gắn liền với “thương hiệu” chính trị của ông Medvedev. Putin thường đặt quan hệ với Mỹ lên bàn xem xét: “Vậy việc cài đặt lại nằm ở đâu?” 

Và trên thực tế, vấn đề NMD là quả mìn hẹn giờ được đặt trong Hiệp ước START mới và trong chính sách “cài đặt lại”. Trong quá trình đàm phán, Mátxcơva tin rằng Chính quyền Obama đã đồng ý lắng nghe những quan ngại của Nga liên quan đến việc triển khai các thành tố của NMD tại Đông Âu. Nhưng đến tháng 12/2010, mong muốn được Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, Tổng thống Obama đã tự hứa rằng Hiệp ước này “sẽ không hạn chế việc nghiên cứu và triển khai các chương trình NMD của chúng ta” mà ông có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ “không phụ thuộc vào hành động của Nga”. Trong nghị quyết phê chuẩn START mới, Thượng viện Mỹ còn đi xa hơn sau khi mô tả chi tiết những ý định này. Khi nhắc lại những hiệp ước trước đây đã bị vi phạm, ở Nga người ta đã tỏ ra nghi ngờ rằng Medvedev đã buộc phải tự mình đảm bảo rằng Obama sẽ “giữ lời”. 

Trong một ý nghĩa rộng lớn hơn, cuộc xung đột chưa được giải quyết xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa là minh chứng cho tính thiếu hiệu quả trong chính sách “hợp tác có chọn lọc” của Mỹ. Tuyên bố của Medvedev hồi tháng 11/2010 rằng Nga có thể sẽ tham gia hệ thống NMD của NATO được đánh giá như là một thành công nữa của chính sách “cài đặt lại”. Nhưng cả Medvedev lẫn Putin đều nhanh chóng khẳng định: Nga sẽ chỉ tham gia (NMD) trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng… hoặc nói chung sẽ không tham gia”. Tất nhiên, không ai tin rằng liên minh do Mỹ lãnh đạo sẽ dành cho Cremli một sự kiểm soát “bình đẳng” đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của họ. 

Với mong muốn đạt được những nhượng bộ đơn phương (từ Nga) trong khuôn khổ “sự hợp tác có chọn lọc”, ông Obama cũng như ông Clinton và Bush (con) dường như không có khả năng hoặc chưa sẵn sàng thống nhất toàn bộ các quan điểm chiến lược an ninh của nhau, như Gorbachov và Reagan đã từng làm vào cuối những năm 1980. Về thực chất, Obama đề nghị Nga cắt giảm đáng kể số lượng tên lửa hạt nhân tầm xa, trong khi các căn cứ quân sự của NATO đang bao vây Nga với số lượng vũ khí thông thường vượt trội, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng vô hiệu hoá kho vũ khí đáp trả của Nga. Về mặt này, Hiệp ước START mới thực sự không bền vững. Ít nhất thì Obama cũng đang phá hỏng những hy vọng đạt được thoả thuận về cắt giảm tên lửa hạt nhân chiến thuật tầm ngắn, cái mà Nga sở hữu số lượng vượt trội và ngày càng coi đó là nhân tố quan trọng sống còn trong việc đảm bảo quốc phòng. Thay vào đó, như Tổng thống Medvedev cảnh báo, nếu xung đột xung quanh vấn đề NMD không được giải quyết, sẽ lại diễn ra “cuộc chạy đua vũ trang mới”, thậm chí “có thể đẩy chúng ta quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. 

Niềm tin đã ngự trị 20 năm nay rằng Mátxcơva sẽ cam chịu nhượng bộ để nhận được quan hệ đối tác với Mỹ cũng bắt nguồn từ ảo tưởng: nước Nga hậu Xôviết bị suy yếu bởi “thất bại trong Chiến tranh Lạnh” chỉ có thể đóng vai trò một cường quốc trong các điều kiện do Mỹ đặt ra. Trong thế giới hiện nay, khi Obama lên nắm quyền, tất cả những gì nước Nga cần từ Mỹ, họ đều có thể nhận được từ những đối tác khác. Hiện nay, đối với Mátxcơva, quan hệ song phương của Nga với Trung Quốc và Đức (kể cả Pháp) xét từ góc độ chính trị - kinh tế - quân sự còn quan trọng hơn nhiều so với quan hệ không có kết quả với Mỹ - đối tác mà trong suốt hai thập kỷ qua, Nga luôn coi là thiếu tin cậy, thậm chí là hai mặt. 

Sự yếu kém (thiếu bền vững) mang tính nền tảng của chính sách “cài đặt lại” ẩn chứa sau cách nhìn nhận này: Mỹ và Nga có cách hiểu khác nhau về cái mà chính sách này cần. Bên này buộc tội bên kia làm quan hệ xấu đi sau năm 1991. Cả Obama và các cố vấn của ông (những người từng là quan chức dưới thời Tổng thống Clinton ) đều không công nhận là trong chính sách của Mỹ đối với nước Nga hậu Xôviết đã có sai lầm. Ngược lại, tất cả các chính khách Mỹ tiếp tục buộc tội Nga (cụ thể là Putin), mặc dù Putin mãi đến năm 2000 mới lên cầm quyền ở Nga. Để ngụy biện, họ đã cố tình quên đi những cơ hội lịch sử mà Oasinhtơn đã bỏ lỡ vào những năm 1990 và sau này. Cho nên, thành công hay thất bại của chính sách cài đặt lại “phụ thuộc vào người Nga” và “Mátxcơva cần phải thay đổi tư duy”, chứ không phải Oasinhtơn. 

Các học giả và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể không quan tâm đến lịch sử, nhưng đối với các đồng nghiệp Nga thì không có gì khó hiểu cả. Theo quan điểm của họ, việc “cài đặt lại” là cần thiết, bởi vì Oasinhtơn đã phủ nhận đề xuất của Gorbachov về “mô hình đảm bảo an ninh mới” để ủng hộ cho nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) và bởi “từ năm 1998 đến năm 2008 Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh “lạnh nửa chừng” chống Nga”. Putin và Medvedev có quan điểm cứng rắn về tiền sử của việc “cài đặt lại” và ai là người có lỗi. Trước khi Obama trở thành Tổng thống, cả hai nhà lãnh đạo của Nga đã nhiều lần buộc tội Oasinhtơn lừa dối. Cảm giác về sự phản bội vẫn còn đậm nét trong tâm trí họ. Chưa đầy một năm trước, Putin phải công nhận rằng ông không phải ngay lập tức nhận ra tính 2 mặt của Mỹ: “Tôi đơn giản không thể hiểu hết được chiều sâu của vấn đề… Nhưng trên thực thế, mọi cái đều rất đơn giản… Họ nói một đằng và làm một nẻo. Họ lừa bịp chúng ta với đầy đủ ý nghĩa của từ này”. Medvedev thì lặp lại: “Quan hệ bị xấu đi do các kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ”. Ông Medvedev thậm chí còn nói ra cả suy nghĩ vốn rất thịnh hành nhưng ít khi các quan chức nói công khai. Đó là việc Oasinhtơn không những trang bị vũ khí và đào tạo cho quân đội Grudia, mà họ còn biết trước và có thể đã khuyến khích Saakashvili tấn công bất ngờ vào dân thường Nam Ôxêtia và lính gìn giữ hòa bình Nga, khởi đầu cho cuộc chiến hồi tháng 8/2008. Tổng thống Medvedev than phiền: “Cá nhân tôi khá bất ngờ vì mọi cái đã bắt đầu sau khi Ngoại trưởng Mỹ (khi đó là Condoleeza Rice) thăm Grudia. Trước đó, chính ngài Saakashvili còn định đến gặp tôi ở Sôchi, nhưng sau đó đã không đến”. 

Không có gì ngạc nhiên khi giới lãnh đạo Nga năm 2009 đã đón nhận sự “cài đặt lại” với những hy vọng hoàn toàn đối lập với sự nhượng bộ đơn phương mà Chính quyền Obama từng chờ đợi từ phía họ. Một cố vấn giấu tên của điện Cremli đã nói thẳng với phóng viên báo Bưu điện Oasinhtơn rằng “Mỹ đang nợ Nga – nợ rất nhiều và Mỹ cần phải trả hết nợ”. Một năm sau, người đứng đầu NATO thuyết phục báo giới quốc tế tin rằng “chính sách cài đặt lại sẽ chôn đi bóng ma của quá khứ”. Điều này cho thấy liên minh do Mỹ đứng đầu này còn hiểu hoặc quan tâm quá ít về lịch sử. 

“Bóng ma” đang cản trở những thay đổi thực sự trong các mối quan hệ nói trên chính là tiến trình mở rộng NATO đến tận biên giới nước Nga vốn đã kéo dài 12 năm. Bất chấp những đảm bảo về “tình hữu nghị giữa NATO và Nga”, Chính quyền Obama vẫn chưa từ bỏ việc tiếp tục mở rộng NATO. Thay vào đó, họ còn ủng hộ mục tiêu gia nhập liên minh quân sự này của các nước nước thuộc Liên Xô trước đây là Ucraina và Grudia. Đây là điều Mátxcơva hoàn toàn không thể chấp nhận. Đương nhiên, không một nước nào có thể cảm thấy mình là đối tác bình đẳng của NATO và đang được an toàn nếu nước đó cho rằng mình đang bị bao vây và bị đe dọa bởi một liên minh quân sự. Mátxcơva đã nhiều lần thể hiện mối lo ngại này, lần gần đây nhất là hồi tháng Tư (do Putin tuyên bố).

Hơn nữa, việc mở rộng NATO sang phía Đông đã khiến cuộc xung đột địa chính trị mới với Nga mang tính chính thức và rộng lớn hơn. Những sự phản đối từ phía Mátxcơva đối với sự xâm lấn của NATO, đặc biệt là tuyên bố của Tổng thống Medvedev hồi năm 2008 rằng nước Nga có quyền “trong vùng lợi ích chiến lược” tại các nước hậu Xôviết, đã bị các quan chức và các nhà bình luận Mỹ phủ nhận kịch liệt khi cho rằng “Nga đang quyết tâm khôi phục lại ảnh hưởng tại các nước láng giềng”. Chẳng hạn hồi tháng Ba, J.Biden đã tuyên bố tại Mátxcơva: “Chúng tôi sẽ không công nhận bất kỳ một nước nào có vùng ảnh hưởng riêng”. 

Việc mở rộng NATO sang phía Đông có nghĩa là gì nếu không phải là sự mở rộng mạnh mẽ vùng ảnh hưởng của Mỹ (cả về quân sự - chính trị - kinh tế) trong không gian mà trước đây thuộc vùng ảnh hưởng của Nga? Không một quan chức hay nhà bình luận có triển vọng nào của Mỹ công nhận điều này. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Grudia Saakashvili vốn mong muốn gia nhập NATO thì không chút ngại ngùng nói về điều này. Năm 2010, ông Saakashvili chào đón việc NATO tăng cường “sự hiện diện trong khu vực”, bởi điều đó cho phép Mỹ và các đồng minh “mở rộng phạm vi ảnh hưởng”. Không có gì làm tốt hơn chính sách “tiêu chuẩn kép” (hay như Mátxcơva đơn giản gọi là “thái độ đạo đức giả”) trong việc phá hỏng quan hệ đối tác Nga – Mỹ và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Do không thể tước đoạt tư cách thành viên của các thành viên mới trong NATO nên chỉ còn một phương cách để giải quyết hoặc ít nhất là làm giảm xung đột địa chính trị sâu sắc giữa Nga và Mỹ: Đó là đáp lại việc Mátxcơva tái khẳng định chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Oasinhtơn và các đồng minh của họ cần thực hiện một lời hứa khác mà họ đã vi phạm (rằng các lực lượng vũ trang của phương Tây sẽ không được triển khai ở bất kỳ thành viên mới nào của NATO cho đến tận phía Đông Đức). Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không muốn nghe điều này, nhưng dù sao một bước đi như vậy thực sự có thể phi quân sự hóa việc mở rộng NATO vốn diễn ra từ năm 1999. Trong khi không làm suy yếu khả năng bảo đảm an ninh tập thể cho tất cả các thành viên của NATO, sự thỏa hiệp lớn như vậy có thể làm cho quan hệ đối tác với nước Nga hậu Xôviết trở nên hiện thực. 

Thứ nhất, một bước đi như thế nghĩa là Mỹ đang thực hiện lời hứa của mình. Thứ hai, bước đi đó sẽ là sự công nhận rằng Mátxcơva có quyền tối thiểu đối với “một lợi ích chiến lược” (đó là không có mối đe dọa quân sự tiềm tàng ở khu vực biên giới của Nga). Oasinhtơn từ lâu đã tuyên bố đặc quyền đó, bảo vệ nó cho tới tận khi xuất hiện mối đe dọa về cuộc chiến tranh hạt nhân ở Cuba năm 1962. Thứ ba, việc phi quân sự hóa tiến trình mở rộng NATO sẽ làm giảm sự lo lắng mang tính lịch sử của Nga trước việc bị bao vây quân sự, đồng thời củng cố niềm tin đối với các đối tác phương Tây. Và thứ tư, điều này sẽ làm giảm mối lo ngại của Mátxcơva liên quan đến các thành phần thuộc NMD ở Đông Âu và có thể thôi thúc Mátxcơva đóng góp công sức cần thiết vào dự án vẫn còn chưa được thử thách này. 

Tiếp sau đó có thể là những bước đi cực kỳ quan trọng khác đối với cả Nga và Mỹ, bắt đầu từ việc cắt giảm hơn nữa tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cho đến việc hợp tác đầy đủ trong đấu tranh chống lại các mối đe dọa phổ biến hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nhờ đó sẽ xuất hiện thêm một cơ hội để lấy lại cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ vào những năm 1990. 

Năm 2009, những người Nga theo đường lối hiện đại hóa thân phương Tây đã hy vọng chính sách “cài đặt lại”mà Tổng thống Obama đưa ra có nghĩa là Oasinhtơn cuối cùng cũng nhận thức được tính cần thiết của mối quan hệ đối tác với Nga. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, Tổng thống Medvedev lại lo lắng trong quan hệ Nga - Mỹ “đang xuất hiện những phương án khác”. Một nghị sỹ của Nga thân phương Tây phát biểu công khai: “Ở Mátxcơva và Oasinhtơn, người ta thường bỏ qua các cơ hội… Chúng ta chỉ còn hy vọng lần này cơ hội sẽ không bị bỏ lỡ”. 
Việc cả ông Obama và Medvedev (là hiện thân của chính sách “cài đặt lại”) phải chịu nhiều lời chỉ trích ở trong nước do chính sách “phản bội” là dấu hiệu đáng lo ngại. Hơn nữa, những triển vọng chính trị ở Mátxcơva có thể coi là tốt hơn trên một phương diện quan trọng: một phần đáng kể giới chính trị gia Nga ít nhất cũng hiểu được rằng cả hai nước không chỉ đã đi đến thời điểm bước ngoặt tiếp theo trong quan hệ, mà còn có cơ hội cuối cùng để thiết lập mối quan hệ bình thường sau Chiến tranh Lạnh. Những người Nga có khuynh hướng thân phương Tây không thể tìm thấy sự thoải mái trong việc kết hợp giữa những thay đổi đường lối chính trị với việc lên cầm quyền của thế hệ lãnh đạo kế thừa: cả Obama và Medvedev đều thuộc thế hệ đó. 

Tuy nhiên, trong hệ thống hoạch định của Mỹ không thấy có sự khẩn trương, hoặc thậm chí nhận thức được tầm quan trọng của thời điểm bước ngoặt này. Thay vào đó, việc xuất hiện khả năng hợp tác sâu rộng hơn với Mátxcơva chỉ làm tăng lên xu hướng đánh đồng giữa "những hành động tội phạm và việc lạm dụng quyền lực của chính phủ Nga hiện nay" (theo lời của Thượng nghị sĩ John McCain) với việc lạm dụng quyền lực của nước Nga Cộng sản. Trong bối cảnh đó, những đề tài của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh được đưa ra thảo luận nhiều hơn. Các sáng kiến của Mátxcơva bị các nhà bình luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ (chẳng hạn như Charles Krauthammer) mô tả như là "những hành động khiêu khích trắng trợn của Nga". Ngay cả việc Putin thừa nhận lịch sử Liên Xô những năm 1940 trong vụ giết hại hàng nghìn sĩ quan Ba Lan ở khu rừng Katyn đã bị tờ tuần báo The Weekly Standard coi là một “cử chỉ tầm thường" để "lôi kéo" sự ủng hộ của nước ngoài. Lời cảnh báo mạnh mẽ của Ariel Cohen từ Heritage Foundation rằng Mátxcơva đang cố gắng để “kích động... các đồng minh châu Âu chống lại Mỹ" đang được nhắc lại cùng với yêu cầu Oasinhtơn triển khai sức mạnh quân sự để "ngăn cản ảnh hưởng ngày một tăng lên của Nga trong khu vực". 

Cuộc tranh luận xung quanh chính sách “cài đặt lại” của Obama đã gợi ra quan điểm cực đoan hơn. Ariel Cohen cảnh báo, nước Nga hiện nay thậm chí còn nguy hiểm hơn “người tiền nhiệm Liên Xô”: "Đây không còn là nước Nga của ngày xưa nữa.... Lãnh đạo Nga hiện nay trẻ hơn và khôn ngoan hơn". Trước đó, một biên tập viên tờ Wall Street Journal cho đăng một nội dung gây sửng sốt "Nga đã trở thành một nhà nước phát xít, theo đúng nghĩa của từ này". Khái niệm này trước đây chỉ được coi là không chính thức, do một học giả người Mỹ (giáo sư Alexander J. Motyl thuộc trường ĐH Rutgers ) nêu ra đầu tiên trên tạp chí của một trung tâm hàng đầu nghiên cứu về Nga. 
Các tác giả của những lời bình luận thiếu thận trọng (và thiếu hiểu biết) này đã quên rằng hàng loạt các mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ đang tiềm ẩn ở Nga (không chỉ là vấn đề an toàn nguyên liệu hạt nhân, sinh - hóa học, mà còn là cơ sở hạ tầng đổ nát và các phong trào cực đoan đang lớn mạnh), cũng như những cơ hội còn lại trong việc hợp tác với Mátxcơva nhằm ngăn chặn các nguy cơ đó. Các chuyên gia kỳ cựu thuộc các tờ báo hàng đầu của Mỹ khẳng định với độc giả rằng "chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ là điều không thể", rằng mối đe dọa về cuộc chiến tranh Mỹ - Nga là "rất nhỏ", bất chấp sự kiện tại Grudia hồi tháng 8/2008, khi Tổng thống Bush dự tính gửi lực lượng quân sự tới để hỗ trợ nước “vệ tinh” của mình khiến tình hình trở nên “ngàn cân treo sợi tóc”. Nói chung, các chuyên gia này cho rằng “điều cần thiết không phải là ảo tưởng trong kiểm soát vũ khí" mà là "làm sống lại cuộc chạy đua vũ trang". 

Cách nhìn nhận thiển cận như vậy đã làm nảy sinh một quan điểm thiếu thận trọng hơn: tình hình nội bộ Nga càng tồi tệ thì sẽ càng tốt hơn cho nước Mỹ. Cũng do vậy, nhà bình luận George Will trên trang Oasinhtơn Post, đã cười nhạo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới , đưa tin với giọng văn khá hài lòng về việc “gấu Nga trở nên hốc hác”. Và cũng trong tờ báo này, một cựu quan chức dưới thời Tổng thống Bush đã kêu gọi chính quyền Obama “từ chối giúp các nhà lãnh đạo Nga hiện đại hóa nền kinh tế”, mặc dù hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Nga là cần thiết để bảo vệ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Alexander Motyl còn hiếu chiến hơn, hy vọng “một nước Nga mất ổn định” và phớt lờ những cảnh báo từ Mátxcơva rằng sẽ là thảm họa cho một đất nước đầy vũ khí hạt nhân với 11 lò phản ứng hạt nhân kiểu Chernobyl. 

Sự thiển cận trong chính giới và cả phương tiện truyền thông, cộng với thói quen cũ (ưa thực tế hơn hệ tư tưởng) đã dẫn đến một quyết định kém khôn ngoan khác của Oasinhtơn. Mặc dù nghi ngờ mức độ tin cậy của Cremli trong việc kiểm soát nguyên liệu hạt nhân, thậm chí lo ngại những đám cháy rừng không thể kiểm soát được hồi tháng 8/2010 có thể lan đến các cơ sở liên quan vũ khí hạt nhân thì bốn tháng sau đó, Thượng viện Mỹ vẫn bỏ phiếu cho việc chở số lượng lớn nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng của Mỹ đến Nga để cất giữ và xử lý. Trong khi các nhà bảo vệ môi trường của Nga phản đối rằng điều này sẽ biến đất nước của họ thành "một bãi chứa chất thải phóng xạ quốc tế" và một chuyên gia quân sự của Mátxcơva cảnh báo rằng không có khu vực nào của Nga là "thực sự an toàn” thì Chính quyền Obama lại ca ngợi quyết định này của họ như một chiến thắng của chính sách "cài đặt lại". Việc chuyển đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ - Nga, tức là chuyển từ tình trạng Chiến tranh Lạnh sang quan hệ đối tác chiến lược, đòi hỏi sự lãnh đạo táo bạo, kiên quyết dựa trên việc đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ này trong thời kỳ hậu Xôviết, đặc biệt là việc Oasinhtơn từ bỏ thái độ hân hoan mừng chiến thắng. 

Có một số nguyên nhân giải thích tại sao Tổng thống Obama không thực hiện được bước đi cần thiết nào. Một là do bản tính lưỡng lự của ông Obama, và điều đó cũng thể hiện trong chính sách đối nội của Tổng thống. (Nói cho công bằng, vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ có thể lưỡng lự khi tấn công vào quá nhiều thành trì và những niềm tin truyền thống của người Mỹ). Tổng thống Obama không thể trở thành một nhà tư tưởng mới về an ninh như Gorbachev và Reagan khi họ đạt được bước đột phá hướng tới quan hệ đối tác. Trong giới thân cận của mình, Obama không có ai (ngoại trừ các cố vấn đã thất bại trong chính sách đối với Nga dưới thời Bill Clinton), có thể đề xuất phương pháp tiếp cận “mới về chất”, đó là chưa muốn nói đến những quan điểm dị giáo hoặc xét lại. Kết quả là chính sách “cài đặt lại” của Obama đã bị “hun đúc” từ những sai lầm tất yếu. 

Tuy nhiên, không chỉ có Tổng thống là sai lầm, và lỗi lầm của ông ta cũng không phải quan trọng nhất. Có nhiều lý do hơn để nói đến sự thất bại của toàn bộ hệ thống hoạch định chính sách Mỹ, cùng với đội quân các nhà bình luận hình thành dư luận xã hội trên báo chí, các chuyên gia của “các trung tâm đầu não” và các giáo sư trong các học viện. Các nhà lãnh đạo đã đạt được những tiến bộ lớn trong quan hệ Mỹ-Nga (gần đây nhất là Gorbachov và Reagan), lại bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng không chính thống mà trong một thời gian dài có rất ít người ủng hộ. Nằm bên trong hoặc ở gần hệ thống hoạch định chính sách Mỹ, nhóm những người có khả năng tư duy độc lập vừa ít về số lượng, vừa không được ưa thích, thậm chí bị nguy hiểm, nhưng họ vẫn kiên trì đưa ra ý tưởng của mình.

Khi Obama nhậm chức, nước Mỹ không có chuyên gia nào có khả năng đưa ra chiến lược mới đối với Nga. Không xuất hiện ý tưởng mới nào kể cả thời gian sau đó, bởi vì người Mỹ đã không rút ra được bài học từ những thất bại trong hai thập kỷ vừa qua. Phong cách của kẻ chiến thắng vẫn ngự trị tư duy của các chính trị gia Mỹ, từ những người thuộc phe cánh hữu và tân bảo thủ đến các chuyên gia về Nga tại Trung tâm "tiến bộ" của Mỹ. Thái độ đó không bị ai bác bỏ: từ các đảng chính trị, các phương tiện truyền thông đại chúng hàng đầu cho đến các viện chiến lược hoặc các trường đại học. Mặc dù Mỹ đang sa lầy trong ba cuộc chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, trong khi Mátxcơva đã lấy lại được vị trí quan trọng trong khu vực riêng của mình (từ Ucraina cho đến Cưrơgưxtan) và phát triển mối quan hệ đối tác cùng có lợi với Trung Quốc và Tây Âu, thì các "chuyên gia" vẫn tiếp tục khẳng định, như Clifford Kupchan của tập đoàn tư vấn “Eurasia” tuyên bố: "con đường mà Nga cần đi đều phải qua Oasinhtơn". 
Và tệ hơn, ngoài những sai lầm xuất phát từ thái độ hoan hỉ đó đã nảy sinh ba giáo lý mới trong chính sách đối đầu mới của Mỹ. 

Giáo lý thứ nhất cho rằng nước Nga ngày nay phản dân chủ như thời Liên Xô. Bằng chứng được trích dẫn bao gồm các cáo buộc về việc Cremli đầu độc Alexander Litvinenko (một nhân viên đào ngũ của KGB) bằng chất phóng xạ tại Luân Đôn năm 2006; việc tiếp tục truy tố nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky vốn đang bị cầm tù, người mà tờ Niu Yoóc Times và Washington Post coi là “hậu duệ” của các nhà bất đồng chính kiến thời Xôviết là Aleksandr Solzhenitsyn và Andrei Sakharov. 

Thứ hai, bản chất tự nhiên của nước Nga khiến nước này trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với nước ngoài, đặc biệt đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, minh chứng là "cuộc xâm lược và chiếm đóng Grudia" hồi tháng 8/2008. Và theo giáo lý thứ ba, việc tiếp tục mở rộng NATO được cho là rất cần thiết để bảo vệ cả Grudia và Ucraina. 

Tất cả những khẳng định trên rất xa rời thực tế, do vậy cần được đưa ra tranh luận một cách nghiêm túc, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy có cuộc thảo luận nào như vậy. Hơn nữa, cuộc tranh luận có thể kéo theo một tiêu chuẩn kép khác của Oasinhtơn. Việc lực lượng quân sự Nga có mặt tại các tỉnh ly khai của Grudia là Nam Ôxêtia và Ápkhadia, và sự công nhận độc lập của họ còn mang tính hợp pháp (xét cả về mặt lịch sử và chính trị) hơn là những cuộc ném bom của NATO do Mỹ cầm đầu nhằm vào Xécbia (đồng minh của Nga) năm 1999, biến tỉnh Côxôvô thuộc Xécbia trở thành một nhà nước độc lập (mang tính hình sự hóa cao). Và không có gì lạ khi Oasinhtơn thiết lập tiền lệ cho việc can thiệp quân sự trong các cuộc xung đột ở các quốc gia đa sắc tộc nhằm vẽ lại biên giới các quốc gia. 

Chính quyền Obama đã không làm gì để ngăn cản những luận điệu chống Nga, mà lại khuyến khích chúng một cách nhiệt tình. Việc xem xét lại chính sách “tái khởi động” để đưa vào đó cái gọi là chính sách thúc đẩy dân chủ (mà chẳng qua là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga - điều xúc phạm Cremli trong nhiều năm qua trong khi làm nhiều điều để phá hoại triển vọng dân chủ tại Nga hơn là để thúc đẩy chúng) chỉ làm cho những người chống đối chính sách “cài đặt lại” trở nên “hợp thời hơn” trong khi làm nản lòng những người Nga ủng hộ cho nó. 
Ví dụ, vào tháng Giêng, Obama đích thân lên án việc bắt giam "nhà lãnh đạo dân chủ" Nga Boris Nemtsov (một quan chức cao cấp thời Yeltsin); và trong tháng Ba, Phó Tổng thống Biden khi nói chuyện tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (MGU) đã hướng dẫn thính giả "hãy điều chỉnh lại hệ thống của các bạn". Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức Nga, vốn hy vọng chính sách của Obama sẽ loại trừ việc can thiệp vào công việc nội bộ của họ, đưa ra kết luận rằng "những hy vọng này là vô căn cứ". 

Quyết định của Obama tái ủng hộ nhà lãnh đạo Grudia Mikhail Saakashvili với tham vọng gia nhập NATO dẫn đến đối đầu quân sự Mỹ-Nga năm 2008, đã thử thách sự hiểu biết của Mátxcơva về chính sách cài đặt lại và tái khẳng định cách nhìn nhận phổ biến của người Nga rằng Mỹ tự cho mình là "nước duy nhất trên thế giới có những lợi ích quốc gia". Hơn nữa, “dự án Grudia” của Oasinhtơn vẫn nguy hiểm như trước đây. Cremli chứng minh rằng nếu bị khiêu khích, họ sẽ giáng trả mạnh mẽ vào nước đồng minh của Mỹ khi những nước này vượt qua "giới hạn đỏ", đặc biệt là khu vực Bắc Cápcadơ, nơi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và bất ổn xã hội đang đe dọa nước Nga. Sau khi đi thăm Tbilixi mùa thu năm ngoái, ngay cả nhà phân tích Walter Russell Mead thuộc Hội đồng đối ngoại Mỹ cũng nhận ra rằng nhà lãnh đạo Saakashvili với "cái đầu nóng" sẽ hành động "bốc đồng và không thể đoán trước". Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn tiếp tục đào tạo cho quân đội của Saakashvili và tổ chức các cuộc tập trận giữa NATO - Grudia, trong khi lại im lặng về việc đàn áp dã man các cuộc biểu tình đường phố ở Tbilixi vào hồi cuối tháng Năm. 
Bên cạnh chính sách thất bại của Mỹ, khi nuôi ý định theo đuổi chương trình phòng thủ tên lửa ở Đông Âu (kế hoạch đặt tên lửa đánh chặn ở Rumani và các vũ khí cần thiết ở Ba Lan đã được công bố trước đó), Obama sẽ chỉ hạn chế sự hòa hoãn trong quan hệ với Mátxcơva, thậm chí là phá hoại quá trình đó. Nhận thức được tầm quan trọng của Nga đối với các lợi ích sống còn của Mỹ, nhưng Tổng thống Obama dường như không có ưu tiên nào cho an ninh quốc gia. Ngay cả các cuộc không kích bừa bãi của NATO tại Libi đang làm xói mòn sự ủng hộ đối với chính sách cài đặt lại ở Mátxcơva, nơi đã rút ra kết luận rằng "Nga thực sự lại bị lừa dối một lần nữa". Còn Medvedev (đối tác của ông Obama) đã hành động thật "ngây thơ" khi tin vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ hậu thuẫn về việc thiết lập "vùng cấm bay"; rằng các quốc gia không có vũ khí hạt nhân nguy hiểm – trước hết là Xécbia, sau đó là Irắc và bây giờ là Libi (Muammar el-Gaddafi đã từ bỏ nguyên liệu hạt nhân của mình vào năm 2004) đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy; và rằng việc NATO đang tiến sát đến nước Nga là mối đe dọa còn lớn hơn so với suy nghĩ trước đây. 

Obama đã cho người ta thấy rõ rằng trong chiến dịch tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ của mình thì "thành công" trong việc cài đặt lại quan hệ với Nga (cùng với việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden) là thành tựu lớn trong chính sách đối ngoại. Năm 2012 sắp đến, vì thế Obama có thể sẽ theo đuổi hình thức chuyển đổi quan hệ như Gorbachov và Reagan đã làm 25 năm trước đây. Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi phải có sự suy xét lại nghiêm túc và khả năng lãnh đạo cương quyết, điều mà cho đến nay Obama chưa chứng minh được. Chúng ta có thể tiếp tục hy vọng, nhưng câu ngạn ngữ của người Nga (những người thường xuyên chứng kiến nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ trong chính sách của mình) dường như thích hợp hơn trong hoàn cảnh này: "Kẻ lạc quan là kẻ bi quan thiếu thông tin"./.

  Theo “Báo Độc lập” (Nga)

 Lê Quang (gt)